Đừng lo ngại cuộc sống sẽ kết thúc, hãy lo ngại cuộc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Grace Hansen

 
 
 
 
 
Tác giả: Thế Uyên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Khôi Khiếu Mai
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2305 / 19
Cập nhật: 2015-07-16 13:43:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 Người Cách Mạng Là Người Bảo Thủ
hững người khách trong quán đã ra về hầu hết, tiếng nhạc nghe rõ và trầm, thấm vào người hơn. Tôi đã uống cạn chai bia thứ ba, lý trí đã dịu xuống cho tình cảm buông thả. Tôi thích những lúc như thế này nhất, có lắng nghe nhạc, nhạc hay hơn như đã bắc được cầu cảm thông giữa người làm nhạc có thể đã chết tự bao giờ và người nghe, và có nói chuyện với bạn bè, câu chuyện sẽ chân thật hơn – mọi người đưa ra đối diện với nhau những con người chí tình và mở rộng với tha nhân cùng cuộc đời. Nhưng tôi đã phải đứng dậy, mặc áo khoác cho Thi bởi vì thời gian của đêm sắp bị chia cắt bằng tiếng còi họ báo giờ giới nghiêm buồn thảm. Khí lạnh bao phủ lấy khuôn mặt, tiếng gót giày trên hè nghe đã thấy. Đêm nay Đà Lạt sương mù mỏng nhẹ. Con đường dẫn lên cư xá nữ sinh viên đầy ánh đèn sáng của các hàng quà đêm đã hiện ra, mời mọc quyến rũ. Tôi ngồi xuống hàng cháo lòng quen thuộc cả đến mười năm – bà chủ mập đang hỏi thăm Thi xem cô sinh viên hay rủ bạn rời cư xá trướng rủ màn che ra ăn cháo khuya năm xưa bây giờ đã có mấy con… Mùi cháo nóng lẫn mùi tiêu ớt cay sè bốc lên thơm ngát, ăn vào chưa chi đã thấy con đường về lát nữa không còn thể lạnh. Các lời nói trao đổi của những người chung quanh vào thời khắc này của đêm thường nghe hiền hẳn lên, mọi người làm như đồng ý ngầm với nhau là mọi đấu tranh khó nhọc sẽ ngưng nghỉ vào giờ này để thoải mái thưởng thức món ăn khuya tiễn đưa thân mình vào giấc ngủ.
Tiếng còi hụ báo giờ giới nghiêm kêu lên rền rĩ, vang buồn trong thung lũng khi tôi và Thi mở cửa bước vào phòng ánh đèn sáng rực ấm cúng. Chưa ai ngủ cả, chưa ai ngủ sớm vào đêm nay. Ngày mai là ngày sẽ nấu bánh chưng và các công việc chuẩn bị vừa mới làm xong. Rổ đậu ngâm nước vàng nuột nằm cạnh đống lá rong xanh mướt mát lạnh. Những miếng thịt làm nhân đã chiên qua với hành và tiêu bốc mùi ngậy thơm phức trong căn bếp các cửa đã đóng kín. Mẹ tôi đã bưng ra khay trà đặt lên giường trong phòng, Thi lúi húi bày bánh ngọt mới mua về, mấy đứa em gái đang tẻ từng hạt ngô nướng lấy từ túi áo khoác của tôi, những hạt ngô còn nóng nguyên mùi than đỏ. Gia đình tôi uống trà không có giờ giấc gì cả. Bất cứ lúc này có tụ hội trong gia đình là uống. Vào sáng sớm như các cụ đời xưa, vào giữa trưa hay vào đêm khuya như thế này.
Tôi thu xếp cho tôi một chỗ ngồi tiện nghi nhất trên chiếc ghế bành cũ rách quá không thể bày ngoài phòng ngủ, hút thuốc với ly trà nóng bỏng, nói những câu chuyện đầu Ngô mình Sở, nhảy từ đề tài này sang đề tài khác không một mạch lạc hợp lý nào. Các tiếng nói được cất lên để bộc lộ tình tự hơn là chuyên chở ý nghĩ… Bây giờ đề tài đã xoay những chuyện đặc biệt là đàn bà giữa Thi và hai đứa em gái tôi – những loại truyện mà đàn ông hiện diện chỉ có thể tham dự bằng sự im lặng hoặc cùng lắm một nụ cười. Trong phòng kín, làn khói thuốc bay lên rất cao mới tan rã, tôi nhìn theo, vẩn vơ nghĩ tới câu nói của một người bạn đồng hành trong những năm vừa qua: Nghĩ cho cùng, những người cách mạng vô minh là những người bảo thủ!
Nghĩ đến những chuẩn bị của ngày Tết sắp tới, gói bánh chưng, muối dưa hành, mua pháo, kiếm hoa đào, cho tới những điều sẽ làm trong ngày mồng một, tôi chợt hiểu người bạn đó đã có lý vô cùng. Ngoài miền Bắc, con người lãnh đạo đã đưa một ý thức hệ Tây phương với cả một nền văn hoá mới cũng xuất xứ từ Tây phương vào xã hội Việt Nam, mọi cổ tục và truyền thống cũ của người Việt Nam đều bị hủy diệt. Ở miền Nam, ý thức hệ Kitô giáo cộng thêm với sự tiếp tay của nền văn mình tiêu thụ anglo-saxon qua sự hiện diện của người Mỹ – lại những thứ phát xuất từ phương Tây nữa – cũng đang nhằm theo chiều hướng đó. Tôi không biết những người dân ngoài Bắc liệu có sung sướng hay không trong tương lai với nền văn hoá đỏ. Tôi nghi ngờ. Một con cá chỉ thoải mái trong thứ nước thích hợp với mình. Cá rô trong ao đầm, cá kình cá ngạc ngoài đại dương. Chất nước với cá, như văn hoá văn minh của mỗi dân tộc chính là thứ môi trường do chính dân tộc ấy tạo ra để mình có thể sống thoải mái trong đó. Và tục lệ, truyền thống chỉ là những cách thể biểu lộ. Tiêu diệt quá nhanh hoặc thay thế quá nhanh những điều đó, con người sẽ bơ vơ côi cút. Không còn biết mình ràng buộc với đồng bào, với trời đất cây cỏ đá núi ra sao nữa. Ý nghĩa của sự sống và sự chết trở thành mông lung, và từ đó cũng chẳng còn đạo đức, luân lý chung: con người sẽ ích kỷ, tham lam và tàn bạo đối với nhau vô kể – như những người Việt trong xã hội miền Nam hiện tại. Không phải bỗng dưng mà vào thập niên kỷ 63-73, vai trò và ảnh hưởng của các tôn giáo trội bật hẳn lên như thế…
Môi trường tôn giáo bây giờ đã phải mở rộng ra để bao trùm lên cả văn hoá, tạm thời thay thế một phần cho văn hoá. Chính vì thế mỗi khi gặp gỡ các hàng giáo phẩm của giáo hội Kitô, tôi nói ngay thẳng rằng lỗi lầm lớn nhất của giáo hội từ mấy thế kỷ nay là đã tưởng, qua đạo của mình, sẽ đưa được dân tộc này vào nền văn minh Kitô giáo Tây phương. Những cây lê cây táo chỉ nảy nở tốt đẹp trong miền ôn đới xa xôi. Bởi thế không có gì là lạ khi muốn sống thoải mái, những tín đồ đạo này, mặc dù các ưu thế chính trị và kinh tế đã được hưởng từ cả thế kỷ nay, mặc dù không còn bạo hành cấm cản nào, cũng vẫn qui tụ sống quây quần với nhau thành từng khu riêng biệt những ghetto – các ghetto tự nguyện. Một cộng đồng nhỏ chìm đắm xa cách trong một xã hội rộng lớn phương Đông, làm sao không phát sinh ra bạo động, nhất là khi cộng đồng này cứ tiếp tục hướng về phương Tây, tìm tòi yểm trợ từ phương đó để bảo vệ thứ văn hoá trái lê trái táo của mình. Một linh mục người Pháp, cũng là thầy dạy khai tâm cho tôi về triết học Tây phương, người tôi rất quí mến, là cha C., đã có lần than với tôi trước khi người về quê hương để chết: Lời rao giảng Phúc âm không còn được nghe nữa. Nếu số tín đồ có tăng, chỉ là do sự sinh con đẻ cháu của những tín đồ hiện có…
Đêm đã khuya, Thi đã chui vào chăn ru đứa con vừa khóc. Tôi mở cửa bước ra ngoài hiên ngắm sương mù bắt đầu dày đặc. Có tiếng chó sủa ran từ dưới thung lũng vang lên – chắc có một toán quân đang tuần tiễu. Phía xa, bên kia thung lũng, vòm cao nhọn của nhà thờ hiện rõ trên lớp sương phía dưới. Làm sao cộng đồng Kitô giáo duy nhất trên lục địa Á Đông này tồn tại được với thời gian dài rộng trong tương lai? Có lẽ chỉ có một giải pháp: hãy Việt Nam hoá giáo hội Kitô như đã Việt Nam hoá cuộc chiến tranh này. Nếu không…
Đạo Phật khôn ngoan hơn, đã thấm nhuần dân tộc tính Việt Nam từ bao thế kỷ rồi. Trong môi trường truyền thống, chưa bao giờ vắng tiếng chuông chùa ngân nga. Đáng tiếc rằng những hàng giáo phẩm của đạo này đã bỏ quá nhiều sức và tâm vào công cuộc chính trị, lơ là những nỗ lực văn hoá. Hậu quả là để cho những người trẻ Việt Nam thế hệ bây giờ ngẩn ngơ như mèo bỗng dưng mọc cánh, không còn biết bấu víu nương tựa vào đâu khác hơn là những biểu lộ bề ngoài, những tục lệ cổ xưa của dân tộc. Như tôi chẳng hạn, đêm ba mươi năm nay nếu bỏ giới nghiêm, chắc chắn là sẽ theo mẹ đi lễ chùa, và ngày mồng một Tết, sau khi quần áo chỉnh tề tụ họp chúc Tết mẹ tôi, thế nào cũng có chuyến đi lễ chùa đầu xuân – đứa em trai của tôi đã mượn sẵn một chiếc xe lớn cho một cuộc xuất hành đến một ngôi chùa xa ngoài thành phố. Mà không phải chỉ có tôi cùng gia đình như thế: từ dòng sông ranh giới phía bắc đến mỏm cực nam, đại đa số người dân Việt cũng đang có những hành động duy trì lại tính chất truyền thống dân tộc xưa của mình. Quả thực những người cách mạng quốc gia miền Nam, với lập trường chống cộng và bài tư bản, bắt buộc phải trở thành những người bảo thủ – bảo và thủ những gì còn lại của nếp sống xưa để từ đó tạo dựng một môi trường sinh hoạt mới, một văn hoá văn minh mới thích hợp với sắc dân da vàng có tên gọi là Việt Nam.
Đoạn Đường Chiến Binh Đoạn Đường Chiến Binh - Thế Uyên Đoạn Đường Chiến Binh