For friends... do but look upon good Books: they are true friends, that will neither flatter nor dissemble.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Hermann Hesse
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Hoài Khanh
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2657 / 69
Cập nhật: 2015-07-14 03:36:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ể từ khi Veraguth ở một mình trong cái chái của họa phòng của ông, vợ ông chưa bao giờ gặp ông tại đó cả. Khi bà xông ùa vào họa phòng mà không gõ cửa, tức thì ông đã sẵn sàng cho những tin tức tệ hại. Chắc chắn với linh tính của ông như thế nên trước khi bà có thể lên tiếng, ông đã nói toạc ra:
- Có phải có một cái gì tệ hại với Pierre phải không?
Bà gật đầu một cách hối hả.
- Chắc nó phải bệnh nặng lắm. Nó hành động rất là lạ lùng, và bây giờ nó lại mửa nữa. Ông nên đi gọi bác sĩ đi.
Khi bà nói bà đã phóng tầm mắt của bà qua căn phòng rộng lớn và đưa đến dừng lại trên bức họa mới. Bà không thấy các diện mạo, bà cũng không nhận ra cả bé Pierre, bà chỉ đăm đăm nhìn khung vải và hít thở không khí của chỗ này nơi mà chồng bà đã sống qua tất cả những năm này. Một cách mơ hồ bà ý thức đến một không khí của nỗi cô đơn và thách đố, tự mãn không phải là không giống với cái mà chính bà đã sống trải dằng dặc thế kia. Cái ấn tượng ấy chỉ có trong chốc lát, rồi bà quay khỏi họa phòng và cố gắng trả lời các câu hỏi nóng nảy của chồng bà.
- Gọi điện thoại lấy chiếc xe hơi - Sau cùng ông nói - Cái đó sẽ nhanh hơn xe ngựa. Tôi sẽ đích thần đi ra phố, tôi chỉ rửa tay là xong. Tôi sẽ xong ngay. Bà đã đặt nó lên giường rồi chứ?
Mười lăm phút sau đó ông đã có mặt tại thị trấn, ông bác sĩ duy nhất mà ông đã biết, ông ta được mời đến nhà một hay hai lần vài năm trước đây. Veraguth đi đến địa chỉ cũ của ông bác sĩ nhưng nhận thấy ông đã dọn đi. Trên đường ông đi tới địa chỉ mới ông đi qua mặt chiếc xe của bác sĩ, ông bác sĩ chào ông, ông chào lại, và đã chạy qua mặt trước khi ông sực nhớ rằng đây là người mà ông đang tìm kiếm. Ông bèn quay lại và nhận thấy chiếc xe của bác sĩ đậu ở bên ngoài căn nhà của bệnh nhân. Sau một cuộc chờ đợi lâu dài tức tối, ông thoáng thấy ông bác sĩ ở lối cửa và đẩy ông ta vào xe. Viên bác sĩ chống đối và phản kháng, Veraguth gần như đã dùng đến sức lực.
Vào trong xe, mà nó khởi sự chạy tới Rosshalde hết tốc lực, ông bác sĩ đặt tay lên đầu gối ông và nói:
- Được lắm, tôi là tù nhân của ông mà. Những người khác cần đến tôi thì phải đợi chờ chầu chực, ông biết đấy. Nào kể tôi nghe có phiền phức gì. Vợ ông ốm à? - không chứ? - Vậy thì chú bé chăng? Tên nó là gì nữa đây? À, phải, Pierre. Tôi không thấy nó lâu rồi. Có gì sai lầm à? Nó đã bị tai nạn chãng?
- Nó bị bệnh, khởi phát ngày hôm qua. Sáng nay nó có vẻ khỏe trở lại, nó trở dậy và ăn uống chút ít. Ngay hiện giờ nó lại bắt đầu mửa và hình như bị nhức nhối.
Viên bác sĩ đưa cánh tay gầy lên cái gương mặt thông minh - khó coi đó.
- Chắc tại bao tử cậu ta đấy. Chúng ta sẽ xem. Mọi điều khác nữa tốt đẹp chứ? Tôi đã thấy cuộc triển lãm của ông tại Munich mùa đông rồi. Chúng tôi đã hãnh diện cho ông đấy, ông bạn.
Ông ta nhìn đồng hồ. Cả hai người đều im lặng khi số xe đã được sang và tiếng nổ bôm bốp của máy xe kêu to hơn. Chẳng mấy chốc họ đã về đến và để chiếc xe hơi lại ở ngoài cổng, chiếc cổng vẫn không mở ra.
Viên bác sĩ bảo bác tài đợi ông ta. Đoạn họ vội vàng băng qua chiếc sân và đi vào ngôi nhà. Bà Adele đang ngồi bên cạnh giường Pierre.
Bây giờ, bất thình lình, viên bác sĩ đã có nhiều thì giờ. Ông khám đứa bé chẳng hối hả gì, cố làm cho nó nói, tìm ra những lời lẽ ân cần để làm yên lòng người mẹ và lặng lẽ tạo ra một khung cảnh tự tin như của công việc thương mãi, mà cái đó cũng có một kết quả nguôi ngoai ở Veraguth.
Pierre thì không hợp tác, im lặng, không thân mật và ngờ vực. Khi viên bác sĩ sờ mó và ấn xuống cái bụng của em, thì em nhăn nhó tỏ vẻ miệt thị như thể nhận thấy tất cả cái việc làm này đều là vớ vẩn và vô ích.
- Ngộ độc có vẻ như không kể vào, - Viên bác sĩ nói với sự cân nhắc - và không có gì sai lầm với ruột dư của em cả. Có lẽ là bao tử bị hại thường, và điều tốt nhất cho chứng đó là đợi thử xem sao. Cữ thức ăn. Hôm nay đừng cho em ăn bất cứ cái gì cả ngoại trừ một ít nước trà nếu em khát; tối nay em có thể hớp một ngụm Bordeaux. Nếu em khá hơn thì cho em dùng trà và bánh bông lan cho điểm tâm. Nếu em đau nhức, ông có thể điện thoại cho tôi.
Chỉ khi họ rời khỏi căn phòng lúc bấy giờ bà Adele mới bắt đầu đặt ra các câu hỏi. Nhưng bà không thu thập được tin tức gì thêm nữa cả.
- Bao tử của em hình như hoàn toàn rối loạn và thằng bé rõ ràng là nhạy cảm và căng thẳng. Không có triệu chứng sốt. Tối nay ông có thể lấy nhiệt độ cho em. Mạch của em hơi yếu. Nếu em không đỡ thì ngày mai tôi sẽ trở lại. Tôi không cho là có bất cứ điều gì nghiêm trọng đâu.
Ông ta ngỏ lời từ biệt vội vàng và lại rất là hối hả Veraguth đưa ông ra đến xe.
- Nó có thể kéo dài không? - Ông hỏi vào giây phút cuối cùng.
Viên bác sĩ cười chua chát.
- Tôi sẽ không mong ông là một người lo lắng như vậy. Thằng bé hơi gầy và tất cả chúng ta đều có đầy dẫy những cái bao tử bị hư hại như các đứa bé. Xin chào!
Veraguth biết rằng ông không cần thiết trong ngôi nhà và một cách trầm tư thơ thẩn vào các cánh đồng. Thái độ nghiêm khắc, cô đọng của viên bác sĩ đã khiến trí óc ông yên tĩnh, và hiện tại ông đã ngạc nhiên rằng ông đã phải náo động và hoảng sợ đến như vậy.
Với một cảm giác nhẹ nhõm, ông sải bước trên đường, vẽ trong cái không khí ấm áp của một buổi mai xanh thẳm.
Đối với ông thì đây có vẻ như là một cuộc bách bộ giã biệt qua những cánh đồng cỏ và những hàng cây ãn trái này, và ông cảm thấy vui sướng có thể thông qua được và tự do với cái ý nghĩ ấy. Ông tự hỏi cái gì đã đem đến cho ông cái cảm giác mới mẻ này, rằng một quyết định đã được hình thành và một giải pháp đã đạt đến, và chẳng mấy chốc nhận ra rằng nó đã bắt nguồn từ cuộc nói chuyện của ông với bà Adele vào sáng hôm ấy. Buổi sáng hôm ấy ông đã nói cho bà nghe các dự định du hành của ông, rằng bà đã lắng nghe một cách điềm tĩnh thế kia và không có phản ứng, rằng ông đã vít kín tất cả các lối thoát khả dĩ và những lời đánh trống lảng giữa quyết định của ông và sự chấp hành của nó, và rằng cái tương lai cấp thời đó hiện tại đã nằm minh bạch và rõ ràng trước mắt ông - tất cả điều này là một điều tiện lợi cho ông, một cội nguồn của thanh thản và lòng tự tin mới mẻ. Ông không biết đi đến nơi nào, ông bèn quay lại con đường mòn mà ông đã đi một vài tuần trước đây với bạn ông, Brukhardt. Chỉ khi đến chỗ con đường bắt đầu lên dốc ông mới chú ý đến ông hiện ở tại đâu và nhớ lại cuộc bách bộ của ông với Otto. Ông có ý định mùa thu đến vẽ đám chồi non ở phía kia ngọn đồi, chiếc băng và hành lang có bóng tôi huyền hoặc dẫn qua cây cối để vào trong cái thung lũng xanh biếc rõ ràng kết cấu giống như một bức tranh ở đằng xa; ông đã có ý định đặt Pierre ngồi trên chiếc băng, gương mặt con trẻ sáng rỡ của em một cách dịu dàng tựa trên cái ánh sáng màu nâu đã dịu bớt của khu rừng.
Mải mê nhìn quanh mình, ông leo lên, không còn ý thức đến cái nóng của ban trưa, và khi ông đợi chờ cái khoảnh khắc khi ông sẽ nhìn thấy cái mé rừng nằm trên đỉnh đồi, thì cái ngày đi với Burkhardt đã trở lại với ông, ông nhớ đến cuộc đàm thoại của họ cho đến những lời đích xác của bạn ông và gợi nhớ lại cái quang cảnh xanh rờn chớm hè ấy, mà kể từ lúc ấy đã trở nên đậm đà và êm đềm hơn. Ông đã bị tràn ngập bởi một cảm giác mà lâu rồi ông không biết đến và sự tái xuất hiện ngẫu nhiên của nó đã nhắc nhở ông một cách thấu suốt đến cái tuổi trẻ của ông. Và rằng đối với ông thì hình như kể từ cuộc bách bộ trên đồi với Otto đó một thời gian đằng đẵng đã trôi qua và chính ông đã trưởng thành, đã biến đổi và tiến tới một hạn độ như thế cho nên ông không thể nào không nhìn lại đời mình như ông có vào lúc bấy giờ với một lòng trắc ẩn trớ trêu nào đó.
Ngạc nhiên bởi cái cảm giác rất là trẻ trung này, mà hai mươi năm trước đây nó đã là một phần của cái đời sống hằng ngày của ông, hiện giờ nó đã làm ông xúc động như là một sức dụ hoặc hi hữu, ông đã nhìn lại cái mùa hè ngắn ngủi ấy và đã khám phá ra một cái gì vốn từng xa lạ với ông chỉ mới ngày hôm qua đây. Hồi tưởng đến những ngày trong hai hoặc ba tháng đã qua, ông nhận thấy mình đã chuyển hóa; ngày hôm nay ông nhận thấy thông suốt và một cảm giác vững chắc như với con đường trước mặt nơi mà chỉ một thời gian ngắn trước đây nơi đó chỉ là bóng tối và sự phức tạp mà thôi. Cái đó tỉ như một lần nữa đời ông đã trở nên là một dòng suối trong vắt hoặc một dòng sông, nhất quyết cuốn trôi về phía đã được phó thác cho nó, trong khi cho tới bây giờ nó bị ứ đọng trong cái hồ đầm lầy do dự. Bây giờ thì điều trở nên rõ ràng với ông là cuộc hành trình của ông không thể khả dĩ dẫn dắt ông trở lại đây, rằng chẳng có cái gì để cho ông làm tại đây hơn là ngõ lời giã biệt, có lẽ với một con tim rướm máu nhưng không hề gì. Đời sống của ông lại tuôn chảy, nhất quyết hướng về tương lai và tự do. Mặc dù vẫn chưa ý thức đến điều đó, bên trong con người ông, ông đã chối bỏ và cắt đứt liên lạc của mình với thành phố và vùng quê, với Rosshalde và với vợ ông.
Ông đứng lặng người hít thở sâu vào, ngạt thở và đã được nâng đỡ bởi sự dao động của sự quang đãng. Ông nghĩ đến Pierre, và cái đau đớn khốc liệt man dã đã xuyên thủng qua toàn thể hữu thể của ông như một điều chắc chắn đã đến với ông rằng ông sẽ phải du hành trên con đường này cho đến cùng tận và cũng chia tay với Pierre nữa.
Trong một lúc lâu ông đứng sững tại đó, mặt ông co rút lại, và nếu những gì ông cảm thấy là sự bùng cháy đau đớn thì nó cũng là đời sống và ánh sáng, sự trong sáng và một ý thức của tương lai. Đây là những gì mà Otto Burkhardt đã muốn cho ông có. Đây là giờ khắc mà bạn ông đã chờ đợi. Sau cùng ông đã mổ cái ung nhọt cũ kỹ mà đã từ lâu ông sợ phải đụng đến thế kia. Một cuộc mổ xẻ đau đớn, đau đớn một cách cay đắng, nhưng bây giờ thì ông đã thề bỏ những ước mơ ấp ủ của mình, sự khủng hoảng và bất hòa của ông, sự tranh chấp và sự tê liệt của linh hồn ông đã chết theo với chúng. Ánh dương quang đã nhô lên quanh người ông, sáng rỡ một cách dữ dội, cái ánh dương quang mỹ miều lộng xõa ấy.
Xúc động sâu xa, ông đặt những bước cuối cùng dẫn lên đỉnh đồi và ngồi xuống trên chiếc băng đá rợp mát. Một cảm giác thâm sâu của đời sống đã rót qua người ông như thể là tuổi trẻ của ông đã quy hồi, và với lòng thâm tạ ở sự giải thoát ấy của ông, ông nghĩ đến người bạn ở chốn viễn phương của ông, không có y có thể ông chẳng bao giờ nhận ra lối đi của ông, không có y ông sẽ phải tàn tạ trong sự giam hãm, bệnh hoạn, khô cỗi.
Nhưng bản chất của ông không phải là để trầm tư lâu dài, hoặc để chống đỡ một trạng thái quá đà được lâu. Dần dà với cảm giác ấy của ông, ông đã phục hồi sức khỏe và ý chí, một ý thức mới mẻ của năng lực và sức mạnh cá nhân cấp thiết đã tràn ngập toàn thể hữu thể ông.
Ông đứng dậy, mở mắt ra, và nhìn ra một cách thèm thuồng khao khát như thể để chiếm hữu cái hình ảnh mới mẻ đó của ông. Trong một lúc lâu ông trố mắt nhìn qua bóng mát của khu rừng đến cái thung lũng sáng rực ở xa phía dưới. Đây là cái gì ông muốn vẽ và ông sẽ không đợi cho đến mùa thu. Tại đây có một phần vụ mời mọc thách đố, một sự bí hiểm quý giá, cực độ khó khăn cần phải giải quyết: cái hành lang tuyệt diệu dẫn qua khu rừng này phải được vẽ với lòng yêu thương chăm chút, với tình yêu cũng như sự cẩn trọng như một trong những bậc thầy tiền bối ưu tú, một Altdorfer hoặc Dürer sẽ phải vẽ nó vậy. Sử dụng ánh sáng và âm điệu kỳ bí của nó cũng chưa đủ, mỗi hình thể tế vi của nó sẽ phải đem đến sự hoàn toàn đúng theo nó, phải được đánh giá một cách tinh diệu và chuyển điệu cũng như cỏ trong các bó hoa dại tuyệt vời của thân mẫu ông. Cái thung lũng sáng chói mát mẻ xa xôi đó cũng phải được ném trả lại một cách nhị bội, bởi sự tỏa chiếu ấm áp của ánh sáng của cái nền và bởi bóng mát khu rừng; nó phải được tô màu lấp lánh giống như một món nữ trang từ những chiều sâu của họa phẩm, mát mẻ và dịu dàng, lạ lùng và mê hoặc.
Ông nhìn vào đồng hồ. Đã tới giờ đi về nhà. Hôm nay ông không muốn để vợ ông phải chờ đợi. Nhưng trước hết ông lấy cuốn sổ nhỏ để phác họa của ông và, đứng dưới ánh mặt trời buổi trưa ở mé đồi, ông vẽ phác họa phẩm với những nét táo bạo, đặt xuống những đường nét vượt trên hết cả bối cảnh và cái hình bầu dục hứa hẹn của cái quang cảnh bé nhỏ lấp lánh ở đằng xa.
Bây giờ thì dù sao ông cũng đã trễ rồi, bất chấp cái nóng, ông chạy xuống con đường xuôi dốc đầy nắng. Ông nghĩ đến các nguyên liệu để vẽ cần đến và quyết định vào ngày hôm sau thức dậy rất sớm để nhìn phong cảnh trong làn ánh sáng đầu tiên của một sớm mai. Tim ông hân hoan ở cái ý nghĩ là một lần nữa cái phần vụ mời mọc, tốt đẹp ấy đã chờ đợi ông.
- Pierre thế nào? - Đó là câu hỏi đầu tiên của ông khi ông hối hả chạy vô nhà.
Em mệt mỏi và đang nằm nghỉ, bà Adele trả lời; hình như em không đau nhức và đang nằm một cách kiên nhẫn trên giường. Bà nghĩ rằng tốt nhất là đừng quấy rầy em, em bị căng thẳng thần kinh một cách lạ lùng, giật mình hễ bất cứ lúc nào cánh cửa mở ra hoặc có bất kỳ tiếng động ngẫu nhiên nào.
- Ô được, - Ông gật đầu trả lời - tôi sẽ tạt qua thăm nó sau đó, có lẽ tới chiều. Tha thứ tôi về trễ một chút, tôi mắc đi ra ngoài. Tôi sẽ vẽ ngoài trời trong vài ngày sau.
Bữa cơm thật êm ả và yên lặng. Qua các bức mành che buông xuống một làn ánh sáng xanh rờn đã lọc vào căn phòng mát mẻ, các cánh cửa sổ đều mở ra, và trong buổi trưa im lặng tiếng tung tóe nước của cái vòi nước nhỏ ở ngoài sân có thể nghe thấy.
- Ba sẽ phải trang bị cho ba đi Ấn Độ chứ - Albert nói - Ba có đem theo dụng cụ săn bắn không?
- Tôi không nghĩ vậy, Burkhardt có tất cả. Anh ta sẽ bảo tôi đem theo cái gì. Tôi tin các nguyên liệu để vẽ của tôi sẽ phải đóng trong những cái hộp được niêm phong.
- Ba sẽ đội một cái nón cối nhiệt đới chứ?
- Dĩ nhiên. Nhưng tôi có thể mua trên đường đi.
Khi bữa ăn đã xong và Albert đã rời khỏi bàn, bà Adele yêu cầu chồng bà lưu lại một chút. Bà ngồi xuống trên chiếc ghế mây cạnh cửa sổ và ông dời chiếc ghế bành đến bên cạnh bà.
- Khi nào ông sẽ ra đi? - Bà hỏi.
- Ồ, cái đó hoàn toàn tùy thuộc vào Otto; bất cứ lúc nào thuận tiện cho anh ta. Tôi cho rằng, vào lối cuối tháng chín.
- Sớm vậy cơ à? Tôi chưa có thì giờ để suy nghĩ những việc ấy, tôi bận rộn với Pierre thế kia. Nhưng trong việc liên quan với Pierre, tôi không nghĩ rằng ông sẽ đòi hỏi ở tôi quá nhiều.
- Tôi đồng ý với bà, tôi có nghĩ đến điều đó vào sáng nay. Tôi muốn bà cảm thấy hoàn toàn tự do. Tôi hiểu rằng điều đó sẽ không dành cho tôi khi đã du hành quanh thế giới và vẫn còn mong được có tiếng nói trong công việc của bà ở đây. Bà cứ làm bất kỳ điều gì bà cho là đúng. Không có lý do gì tại sao bà lại ít tự do hơn là tôi cũng đòi hỏi điều đó cho mình.
- Và ngôi nhà trở nên thế nào? Tôi không muốn ở lại đây một mình, nó cũng quá vắng vẻ và quá đồ sộ, vả lại nó còn có quá nhiều kỷ niệm quấy rầy tôi.
- Tôi đã nói với bà rồi, đi đến nơi nào bà ưa thích. Rosshalde là của bà, bà biết đấy, và trước khi tôi lên đường tôi sẽ làm điều đó trên giấy trắng mực đen, đúng như hoàn cảnh.
Bà Adele đã tái mặt. Bà quan sát gương mặt chồng bà với sự chú mục gần như là thù nghịch.
- Ông gần như là nhất quyết rồi vậy, - Bà nói trong một giọng đau đớn - như thể ông có ý định chẳng bao giờ trở lại nữa cả.
Ông chớp mắt một cách nghĩ ngợi và nhìn xuống sàn nhà.
- Người ta chẳng bao giờ biết được. Tôi vẫn chưa có ý nghĩ là tôi sẽ vắng mặt bao lâu, và tôi không chắc nghĩ rằng Ấn Độ rất là trong lành cho một người ở từng tuổi tôi.
Bà gật đầu một cách cứng cỏi.
- Đó không phải là điều tôi định nói. Tất cả chúng ta đều có thể chết đi. Tôi định nói rằng, ông có bất kỳ ý định nào trở lại không?
Ông chớp mắt và không nói gì cả. Cuối cùng ông mỉm cười yếu ớt và đứng dậy.
- Thiết tưởng để khi khác chúng ta nói đến điều đó vậy. Cuộc cãi vã cuối cùng của chúng ta cũng về cái câu hỏi đó, một ít năm trước đây, bà có nhớ chứ? Tôi không muốn có bất kỳ cuộc cãi vã nào nữa ở đây tại Rosshalde, hơn cả là với bà. Tôi đoán chừng bà vẫn còn những ý nghĩ tương tự về vấn đề mà bà đã đặt ra vào lúc ấy. Hay là hôm nay bà sẽ để cho tôi có được bé Pierre?
Bà Veraguth im lặng gật đầu.
- Đúng như tôi nghĩ mà - Chồng bà nói một cách điềm tĩnh - Tốt hơn là chúng ta ngưng điều này lại. Như tôi đã nói, bà có thể làm những gì bà thích với căn nhà. Tôi không còn ràng buộc nào quan trọng để giữ Rosshalde, nếu có kẻ nào đó đưa ra một cái giá sộp cho căn nhà thì tại sao không bán quách nó đi?
- Bấy giờ đây là chung cuộc của Rosshalde à. - Bà nói trong một giọng cay đắng sâu xa, nghĩ tới những ngày đầu tiên, khi Albert còn là một đứa bé con, và tất cả hy vọng và những hoài mong xa xưa của bà.
Veraguth, ông đã quay về danh cửa ngoảnh lại và nồi một cách dịu dàng:
- Đừng có coi nó vất vả như thế, bạn ạ. Giữ nó lại cho bà nếu bà thích.
Ông bước ra ngoài và mở xiềng cho con chó; con vật hớn hở nhảy chồm sủa quanh ông khi ông băng qua để về họa phòng. Rosshalde là gì đối với ông? Đấy là một trong những vật ông bỏ lại đằng sau. Hiện tại lần đầu tiên ông cảm thấy mạnh mẽ hơn vợ ông. Ông đã định một giới hạn. Trong tâm hồn ông, ông đã làm một cuộc hy sinh, ông đã từ bỏ Pierre. Một lần cái việc đó đã được thi hành thì toàn thể con người ông chỉ có việc hướng tới trước thôi. Đối với ông thì Rosshalde đã kết thúc rồi, kết thúc giống như những niềm hy vọng lầm lạc của những ngày nọ, kết thúc giống như tuổi trẻ của ông. Chẳng ích lợi gì thở than về điều đó cả.
Ông bấm chuông và Robert xuất hiện.
- Tôi sẽ đi vẽ ở bên ngoài trong ít ngày. Làm ơn sắp sẵn những ống sơn nhỏ và cái dù che nắng cho ngày mai. Và đánh thức tôi dậy vào lúc 5 giờ rưỡi.
- Nhất định rồi, ông Veraguth.
- Tất cả có thế. Tôi thiết tưởng thời tiết sẽ đứng vững chứ? Chú nghĩ gì?
- Tôi tin nó sẽ... Nhưng, xin tha thứ tôi, ông Veraguth, có một cái gì tôi muốn được hỏi ông.
- Tốt chứ?
- Tôi xin ông thứ cho, nhưng tôi có nghe ông sẽ đi Ấn Độ.
Veraguth cười ngạc nhiên.
- Tin tức đã du hành nhanh quá lắm. Vậy ra Albert nói à. Phải, vâng, tôi sẽ đi Ấn Độ, và tôi rất lấy làm tiếc, Robert ạ, chú không thể nào cùng đi được. Không có các người giúp việc Âu châu nào ở bên đó. Nhưng chú luôn luôn có thể đến với tôi sau đó nếu chú thích. Trong khi đó, tôi sẽ tìm cho chú một chỗ làm tốt lành khác, và có gì đi nữa thì lương bổng của chú cũng sẽ được trả cho đến Tết.
- Xin cảm ơn, ông Veraguth, cảm ơn rất nhiều. Có lẽ ông sẽ cho tôi địa chỉ của ông. Tôi rất muốn viết cho ông. Ông thấy đó - không phải dễ gì để nói ra đâu - ông thấy đó, tôi đã có một bạn đường, ông Veraguth ạ.
- Ồ, chú có vị hôn thê rồi à?
- Dạ phải, ông Veraguth, và nếu ông cho tôi đi, tôi sẽ phải cưới nàng. Ông xem, tôi đã hứa với nàng là tôi sẽ không làm chỗ nào khác nếu tôi rời khỏi nơi đây.
- Tốt, thế thì anh sẽ hài lòng để ra đi. Nhưng tôi sẽ lấy làm tiếc, Robert ạ. Anh định làm gì khi anh đã kết hôn?
- A, nàng muốn mở một cửa hàng thuốc lá với tôi.
- Một cửa hàng thuốc lá? Robert, cái đó không thích hợp với anh đâu.
- Chẳng có hại gì trong việc cố gắng, ông Veraguth ạ. Nhưng xin ông thứ lỗi... cái đó không thể nào có thể tiếp tục công việc của ông sao, ông Veraguth?
Nhà họa sĩ vỗ lên vai y.
- Trời ơi, chú ạ, cái gì sẽ tiếp tục ở đây? Chú muốn kết hôn, chú muốn mở một cửa hàng ngốc nghếch, và chú cũng muốn ở lại với tôi nữa? Có một cái gì hình như lầm lạc đấy... tôi có cảm tưởng ấy, Robert ạ, chú không muốn liên hiệp lại một cách nghiêm trọng cho cuộc hôn nhân này à?
- Không, ông Veraguth, xin ông thứ lỗi, tôi không hề. Vị hôn thê của tôi là một công nhân giỏi, tôi sẽ không phủ nhận chuyện đó. Nhưng thà là tôi ở lại với ông. Nàng có một tính tình quỷ quyệt và...
- Nhưng, ông bạn thân, thế thì tại sao lại cưới nhau? Chú sợ nàng à? Chưa có con chứ, tôi hy vọng thế?
- Không, không phải cái đó. Nhưng nàng không để tôi yên.
- Trong trường hợp ấy, Robert ạ, tặng cho nàng một chiếc trâm cài đẹp, tôi sẽ đóng góp một taler 1. Trao cho vị hôn thê của chú và bảo nàng đi tìm một kẻ nào khác nữa cho cái cửa hàng thuốc của nàng. Bảo nàng tôi nói như vậy. Chú nên lấy làm xấu hổ! Tôi sẽ cho chú thời gian là một tuần. Và lúc đó tôi sẽ muốn biết rằng chú có phải là hạng người sợ một cô gái không hơn không kém hay là không phải thế.
- Được rồi, được rồi. Tôi sẽ bảo nàng...
Veraguth ngưng cười. Mắt ông lóe lên tia nhìn tức giận vào Robert hoảng sợ:
- Chú sẽ gởi cho cô gái cái gói đó, Robert hay là chú và tôi đã xong. Hừm - để cho mình bị lôi cổ tới bàn thờ! Bây giờ chú có thể đi đi. Hãy coi điều này đã được thu xếp trong một trật tự ngắn ngủi.
Ông nhồi đầy ống điếu, đem theo với ông tập vẽ phác lớn hơn và một cái bị đầy than, ra đi tới vùng rừng đồi.
--------------------------------
1 hoặc Thaler: là đồng tiền bằng bạc cỡ lớn dùng tại các tiểu bang ở Đức từ thế ký 15 cho đến cuối thế kỷ 19.
Đâu Mái Nhà Xưa Đâu Mái Nhà Xưa - Hermann Hesse Đâu Mái Nhà Xưa