Số lần đọc/download: 5824 / 104
Cập nhật: 2014-11-19 09:40:34 +0700
Chương 14
T
hế là lại dọn nhà. Cả nhà bây giờ đưa nhau ra bờ biển gần phía Mon ở, ngay kề đầu rừng trông xuống vùng bãi mà năm trước có những con chim lạ bay qua đánh rơi hạt dưa, Mon đã nhặt ươm vào khe đá. Từ năm ấy đến giờ, đã lan thành bao nhiêu bãi dưa. Chẳng bao lâu, trước cánh rừng trúc cạnh cửa suối Sáng đã mọc lên nếp nhà mới. Nếp nhà năm gian có giại che và cả đến những cái giát phên nằm cũng bằng hóp đá. Mái nhà lợp vầu úp, nhà đơn sơ như nhà sàn, nhà đất ven sông Cái. Đây là một cái nhà được vẻ nhất từ khi ra đây.
An Tiêm thường bảo các con: Nghe các cụ truyền lại, đời trước không có dao búa, không biết làm nhà, người ta phải tựa núi ở mái đá chung đụng với mọi loài trong rừng. Bây giờ người đã biết làm nhà, biết cấy lúa, biết nuôi con trâu, con lợn, vậy cái gì cũng phải cho tươm tất. Bây giờ đã thấy Mon, đã thôi nương náu trong rừng, đã đến ở trông ra biển, vậy lại càng phải tươm tất, nền nếp. Nhà ở thật thảnh thơi. An Tiêm và Mon đắp lò, đào hố lấy đất nung nồi, trã, bát, đọi. Đất đây quánh làm được đồ ăn thức đựng, làm được bánh ngói, làm được cái khánh, con cá treo Tết. Và Tết đến, bây giờ cũng vui hơn trước. Mon đào đất thó, nặn khuôn, cùng Gái chơi đập pháo đất, tiếng pháo đất kêu toác như nứa nổ suốt ngày. Mẹ con lấy cuốn trúc xâu lại lỗ tai để đeo khuyên rồi đi lấy tổ cánh kiến về nhuộm răng cánh gián, nhuộm cả răng đen cho cả nhà. Bố con đi tìm lá chàm về ngâm, đợi ngày nắng thì xăm chàm lại mình. Rồi ai cũng có vòng tay, có khuyên vàng. Nàng Hoa thổi lửa rèn vàng kỳ cạch được mấy bộ. Hai mẹ con ăn trầu bỏm bẻm, đeo khuyên, đeo vòng sáng ngời ra đứng xem bố con An Tiêm và Gấu em vào sới, như Tết ngày trước xem đánh vật ở ven sông Cái. Không có trống, Mon thổi ốc tù và. Vừa vật vừa hò la, cuộc vật nhộn nhịp đấy. Nàng Hoa nói:
- Ta chưa có ruộng cấy, chưa nghe tiếng chày cối giã gạo, còn thì cũng chẳng kém Bãi Lở đâu. Chỉ có bốn người và một con gấu, mà tưởng đương đám hội to, ai cũng nghĩ như vậy. An Tiêm nói:
- Nhà ta tưởng vỡ rồi lại lành. Số phận làm người đã khiến cho cha mẹ con cái lại được gặp nhau. Ngẫm lại từ khi ra chỗ hoang vắng, ở mái đá núi trọc rồi xuống rừng, trải cơ man nào khó khăn và tai nạn rồi bây giờ cả nhà đầy đủ lại vượt núi vượt rừng tới được chỗ bờ bãi phẳng này. Đã được điềm lành thế, đã không chết, thì thế nào cũng còn có ngày nhà ta trở về lại đất quê, ngày đêm đinh ninh thế thì thế nào cũng về được đất quê. Một ngày kia, An Tiêm bảo Nàng Hoa và các con:
- Tôi nghĩ ra được việc này hay lắm. Ta đã may nhờ con chim đuổi mồi đánh rơi hạt mà nên nguồn gốc cha mẹ tìm được con, lại còn được ăn giống dưa quí. Giống dưa quí này vỏ cứng, cùi dày, vùi cát hàng tháng không hỏng. Để ý mà xem, lúc đương mùa dưa cũng đương mùa gió nồm. Gió nồm từ phía nam thổi vào, ta thả dưa xuống bể thì dưa trôi vào bờ. Dù cho quả thối quả lành thế nào, sẽ có thuyền vớt được, thế nào cũng có người trong bờ vớt được mà đoán ra ngoài khơi bể còn có nhà ta. Đã bao nhiêu năm bặt tin, không thuyền bè nào qua lại, chắc quê nhà đã nhiều thay đổi. Ai còn ai mất, có ai còn biết, còn nhớ có nhà An Tiêm ngoài đảo hoang này không Càng lâu thì lòng mơ ước trở về càng nung nấu. Những năm trước, ước sao tìm được con, bây giờ Mon đã về, tất cả mọi lo lắng mong mỏi lại dồn vào ý nghĩ trở về. Cả nhà ai cũng một ý nghĩ:
“Xưa kia, ở Bãi Lở, có dân hàng trại biết chặn nước để vỡ đất ven sông. Đất này tốt chẳng khác Bãi Lở, chỉ ước được một hạt thóc con chim đánh rơi, hạt thóc sẽ thành cót thóc, cót thóc thành đồng bãi phì nhiêu. Bây giờ chỉ ước trở về. ở nơi làm ăn thật, quờ chỗ nào cũng thấy của, lại càng thiết tha nhớ quê. Chúng tôi muốn trở về rồi đem người ra đây mở đất lấy của nuôi người thật sung túc. Nhớ lại khi nhà mình đến Bãi Lở, làm ăn đầu tắt mặt tối mà ngày đêm như hát như hội. œớc gì đất này rồi cũng được như vậy. Rậm người hơn rậm cỏ".
Mỗi năm, quả dưa đỏ già rồi thối rữa ra, mưa trôi hạt đến đâu lại mọc thêm những bãi dưa mới đến đấy. Đàn chim biển nhớ mùa dưa tụ tập lại rập rờn bay về. Nhiều dưa quá, chim không phải tranh ăn đuổi mồi như ngày trước nữa. Rồi, không biết từ năm nào, có lẽ từ khi có mùa dưa đỏ, vô khối các loài chim khác ở đâu kéo đến. Những con bách thanh, những đàn khướu mun, những đàn iểng, những đàn vẹt, đàn gi đá, con bạc má lẻ loi
- những loài chim ngắn cánh, khéo nỉ non tiếng hót mà không bay xa được, không hiểu sao cũng ra đến tận đây. Làm thế nào chim đến tận khơi xa, không biết. Hay là con bọ nẹt, con ve đẻ ra con chim, trẻ con cũng không biết. Một ngày ấm trời, bỗng có tiếng khướu đột ngột hót vang. Ai cũng lấy làm lạ lắm. Nhưng không phải đã hết lạ lùng đâu, lại có những con yểng cổ vàng, mình đen biếc bay đến đứng ngơ ngẩn cất tiếng kêu trong gió, nom thật lạ. Rồi sáng sớm thấy dấu chân con chim choi choi nước đi kiếm ăn từ tinh mơ trên bãi cát. Tiếng chim thánh thót hay tiếng đàn dã tràng chui lỗ óc ách dưới chân bên mép nước như những ống khèn ai bắt đầu dạo. Những buổi sáng đợi nắng, tưng bừng đầy tiếng chim. Nhiều chim hót quá, bây giờ phải lúc thật tĩnh mới nghe được tiếng ve kêu. Tuy thế, tiếng ve núi ngân sớm, ngân chiều, vẫn báo được giấc nghỉ giấc ăn đúng như tiếng kêu của con bìm bịp. Tiếng ve, cái tiếng đầu tiên của vật sống nghe được trên đảo, bao giờ nghe cũng bùi ngùi nhớ lại đêm bão lũ ống khủng khiếp ấy. Rồi ai cũng đoán có nhiều chim thế là vì từ năm đem thả dưa cho trôi vào bờ, con chim nhảy xuống mặt nước tìm khoét ăn quả dưa có chỗ rữa. Mỗi năm dưa trôi về một nhiều, càng nhiều chim ra biển nhảy chuyền ăn dưa, quả này sang quả khác, cứ chuyền dưa bay mãi, có con chết bơ vơ trên sóng, có con ra được tới đây. Đấy là đoán vậy, đoán theo mong ước của mình, ước cho những quả dưa trôi vào đến đất, những quả dưa như cái cầu nối, bây giờ chim đi được rồi người cũng đi được, bây giờ người chưa đi được nhưng cứ đến mùa thả dưa trông hút những quả dưa trôi, lại tưởng như hơi người, trầm hương và mùi trầu cau trong kia đương phả ra ấm áp khắp đảo. Cũng có thể các loài chim đã chuyền ra như người đoán. Những quả dưa thả nổi trên mặt biển, đen kềnh trên sóng như lưng cá lờm.
Con chim biển đến khoét thủng một lỗ vỏ dưa rồi mổ cùi, mổ ruột. Quả dưa như cái thúng tròn trôi, suốt ngày đêm trên thúng bâu nhâu cả đàn chim, cho đến khi tan hết quả dưa, đàn chim lại đi tìm quả khác. Mỗi năm, đến mùa dưa, từng gò đống dưa lăn lóc như những tảng đá đen. Những quả dưa to, có quả to đến đỗi Gấu em khoét ruột ăn hết rồi, no kếnh bụng, mệt quá, hai mắt díp lại không kịp chui đầu ra, cứ thế ngả đầu ngủ luôn trong lòng quả dưa rỗng. Suốt men biển, dưa trong bãi đều được cắt đem thả hết xuống nước, những quả dưa đưa tin về. Mỗi mùa dưa tới, công việc gửi hy vọng về đất lại rộn ràng lên. Quả dưa lềnh bềnh trôi theo gió nồm đưa vào bờ bến, không biết bờ bến nào, nhưng mỗi quả dưa đem theo bao nhiêu mong ước, bao nhiêu chờ đợi. Mỗi mùa dưa đỏ tới với chiêm bao đất quê phảng phất. Một sáng sớm, mặt trời chưa lên mà biển đã đỏ rực. Nghe tiếng rào rào ngoài khơi, như có cơn mưa nặng hạt xuống khắp vùng biển đằng ấy. Trông ra, thấy giữa trời nước, mọc lên một cánh rừng tre rừng trúc trổ lủa tủa trong những tiếng vi vút, tiếng ào ào như xối nước, như chuyển động dăng dài ra trong ánh nước rực rỡ. Gái reo to:
- Nhiều thuyền quá! Nhiều thuyền quá! Nhưng An Tiêm và Mon che tay, im lặng nhìn mãi. Mặt nước gợn sóng rào rào, lủa tủa. An Tiêm cười, bảo các con:
- Đàn tôm rồng đi ăn về trước lúc mặt trời lên đấy thôi. Tôm ăn nổi, râu rồng thò lên chẳng khác rừng cây. Đàn tôm ăn xuống sâu xa sẫm vũng biển, rồi không thấy nữa. Nhưng cả nhà còn đứng nhìn biển một lúc lâu, bâng khuâng như nỗi nhớ. Mùa nắng đã qua, sắp hết những trận mưa rào, lại hái dưa mới. Buổi chiều, An Tiêm trông ra biển giật mình. Trời hoàng hôn như ám khói, mỗi lúc một sẫm đặc, rồi những cơn gió đen cuồn cuộn nổi lên. Đứng trên mỏm đá, An Tiêm nghênh ốc tù và thổi gọi vào rừng từng hồi dài. Mỗi người đương mỗi việc quanh đấy. Nàng Hoa phơi mảnh vỏ sui. Mùa rét này, phải buộc thêm mấy cái chăn đắp. Mon và Gái lúi húi ngoài cửa suối, be bờ, đãi vàng làm vòng. Tết sắp đến. Tết này định ăn Tết to. Gấu em một mình đi hái lá ngót cho bữa ăn tối, đương lững thững về. Nghe tiếng tù và của An Tiêm, tất cả chạy lại. Trời đen thẫm đương lan xuống mặt biển. Rồi từ thinh không mù mịt, thòng ra những lằn cột trắng nhởn như những chiếc ngà voi khổng lồ thả xuống. An Tiêm nói to:
- Rồng cuốn nước! Rồng cuốn nước! Rồng về cuốn nước! Cây nước sắp đổ vào đây! Chạy đi! Chạy đi!
Ngay sau nhà ở có cái hốc núi, cũng là nơi trú ẩn. An Tiêm đã định thế. Từ khi đến ở chỗ bờ biển này, mấy phen bão cạn, bão nước ấp đến, lần nào cũng cầm cái chết trong tay, nhưng rồi qua khỏi cả, nhờ hốc núi ấy. An Tiêm đã sửa sang cái hang. Cái hang được phá cho rộng cửa, càng vào trong càng tun hút ngược lên. Bão nước, bão gió không thể kéo được cả quả núi. Nước dâng không thể lên được hang dốc ngược, cái sống chắc chắn ở trong này. Lúc ấy, cả nhà đã đến ngồi trước cửa hang. Không trông thấy biển trước mặt, xung quanh lạnh toát hơi nước, xa xa, tiếng nước ầm ầm réo, những cái vòi rồng ghê rợn đương cuốn cả biển lên trời. Rồi cây nước đổ từ trên trời xuống, tan cả núi, cả rừng, tan hoang. Cả nhà chui vào hang, ngồi sát nhau mà không thấy nhau. Mon và Gái nằm co lại, mỗi đứa ôm một bên sườn Gấu em. Lúc lúc một tối, một lạnh, lạnh thít người. Trong chốc lát, quên hẳn trời vừa nắng rát gáy, oi chết được. Từng làn gió đen nối nhau kéo qua. Cái lạnh lùa vào hang, mỗi lúc một giá buốt thêm. An Tiêm giơ tay quờ lên mặt con. Mặt đứa nào cũng ướt đầm đìa. Mồ hôi toát ra hay hơi nước, hơi sương, hay nước mắt chúng nó. Gió đen cuốn đổ cây nước xuống, sóng biển đương dềnh lên, dâng lên, mặt biển sôi sục trắng xóa, cả cái đảo chao đi. Đến mờ sáng, trời đất bỗng im phắc, ghê rợn, ai cũng vật vờ sắp ngất. An Tiêm chui ra cửa hang, lẩy bẩy đứng lên. An Tiêm kêu lên:
- Tan bão rồi, cả nhà ơi! Những cơn gió đen cuồn cuộn suốt đêm qua đã biến từ lúc nào. Trời trở lại mờ mờ rồi đỏ ửng như thường ngày rồi trời sáng. Tiếng quằng quặc như sặc nước của những con chim biển bay qua trên đầu đi kiếm ăn sớm, lại giống buổi sáng mọi ngày. Mon đứng dậy, ngơ ngác về nhà. Cái nhà có bốn phía tường đá che vẫn vững nguyên. Mon đi thẳng xuống bờ biển. Không nhớ cơn khủng khiếp đêm qua là mê hoảng hay thật. Gấu em lũn cũn đi theo Mon. Nhưng Mon vừa ra tới mí nước đã chạy đùng đùng trở lại. Mon kêu:
- Dưới bể có cái chão to, bố ơi! An Tiêm cũng kêu lên:
- Thế thì có thuyền đắm đêm qua rồi. Đêm qua có thuyền đắm ngoài biển! Tất cả cùng chạy ra. Không phải bị hốt hoảng vì ngỡ thuyền đắm... thuyền đắm... Mà xôn xao vì có cái gì ở đâu giạt đến, của ai, của người ở nơi khác, một mẩu chão, một người, gì cũng được, cho ta nhìn thấy một người, một dấu vết của người. Bao nhiêu năm mới lại nghe tiếng có thuyền đắm. Ngày mới ra, bão cạn thuyền đắm, Mon mới hơn mười tuổi. Đêm đầu tiên lên đảo. Cả đoàn thuyền quân quan chết hết, có những cái cột buồm gãy giạt vào bờ. Mon trông thấy. Hay đây lại là đám quân quan nào bị đắm thuyền? Biển đã trầm lại, trong con nước thấp còn thấy những đám bọt sóng lớp nhớp như hàng nghìn con trăn dài vừa quăng mình quần nhau qua đây, bỏ lại tầng tầng những rớt dãi và mồ hôi gớm chết. Xuống tới mép nước, trông thấy trong đám bọt biển đen như đất, có mẩu chão và mảnh gỗ - không phải cây gỗ, mà những mảnh lớn gỗ đẽo, đích những tấm gỗ mạn thuyền to. Mon nhìn ra:
- Có khi ngoài gờ đá kia còn mắc nhiều thứ. Thế là Mon lội xuống, sải tay bơi ra. Khe đá như những chiếc răng to tướng lổn nhổn chổng ngược. Gấu em không dám theo, cứ quay đầu quay đuôi chạy quanh trên bãi cát. Mon đã bíu tay nhô lên trên tảng đá. Mon quay mặt vào, gọi to:
- Bố ơi! Bố ơi! Mon vẫy rối rít. Lập tức, An Tiêm cũng lao xuống nước, bơi ra. Vài sải tay bắt nước đã tới gờ đá. An Tiêm trèo lên chỗ Mon đứng, thấy trước mặt, một xác người nằm úp. Nước thủy triều đã xuống xa. Mỗi cơn sóng nhẹ óc ách đưa vào, chỉ đu đưa dưới chân đá. Cái xác người nhợt nhạt như khúc gỗ lim 299 300 tuột vỏ giắt vào đá. Xác đàn ông, mình trần. Chiếc quần vải trắng bệch đã toang mất một bên ống. An Tiêm xốc cái xác lên:
- Người còn mềm, có nhẽ còn sống. Rồi An Tiêm cõng vào bờ. Trên vai An Tiêm, người nằm nghiêng, trong miệng người ấy, nước ra ồng ộc. An Tiêm đặt xuống bãi phẳng. Ngắm kỹ trên mặt xám nhợt còn thấy sáng sáng, thoáng một nét mấp máy từ mắt xuống má. An Tiêm nói:
- Người này còn sống. Chốc nữa thì tỉnh thôi. Rồi An Tiêm trông ra khơi, nói:
- Chắc lúc thuyền đắm còn bơi được, sau mới kiệt sức ngất đi. Mon nói:
- Cho ăn gừng cho chóng tỉnh. Mon chạy ra suối Sáng, bới những củ gừng dại mọc từng búi trên bờ. Mon đập nát gừng rồi nắm lại trong vốc tay, vắt nước xuống mặt người thiêm thiếp. Cả Nàng Hoa với Mon và Gái và Gấu em xúm quanh cái xác - biết đấy là cái xác hay đấy là người thoi thóp?
Ai nấy phấp phỏng hy vọng, cảm giác còn ngạc nhiên như lúc nãy nghe Mon gọi ra xem cái chão thuyền đắm. Không ai biết ghê xác chết. Bao nhiêu năm nay mới lại trông thấy một người lạ. Sốt ruột, bồn chồn mong cho người ấy sống lại. Con người, thêm thấy con người, không thể nói hết nên lời. Người này còn trẻ. Mắt ti hí mà tóc đen dựng đứng, nước da xám nhờ, hai chân ngắn, nhưng cánh tay và vai lực lưỡng, dáng người sông nước. Dáng hẳn một nhà chài hay một thuyền chở của cải ở cõi nào qua bể Đông, nửa đêm, thuyền bị lao vào xoáy nước, giong đi, cuốn đến ngoài kia thì vỡ thuyền. Mặt trời đã lên, đem hơi nóng trở lại bãi cát, tự dưng môi người ấy đụng đậy. Sống rồi! Được thấy một người. Được trông thấy một người! Những con người đơn chiếc như thấy được cái cầu vồng nối đường đất quê ra. ại, mà người ấy sống, người ấy vừa sống lại... Những đường chuyển động mờ mờ trên môi, trên mặt. Rồi người ấy tóp tép miệng. Cái môi tím bợt hếch lên, như trẻ con cười nụ. Hai mắt từ từ mở. Con mắt nhợt nhạt mở 301 302 ra. Rồi lơ láo nhìn quanh. Trí nhớ dần dần nối lại. Đây là đâu? Đây như đâu đâu không phải ở đường sông. Nhưng người ấy vừa nghe chính tiếng mình chép miệng. Thế là đương sống. Người ấy mở mắt. Không, không phải ta sống. Thế là cơn gió đen lại ngùn ngụt đùn lên, sóng biển cũng đen như gió, như núi. Người ấy hét một tiếng rồi nhắm nghiền mắt, lại thiếp đi. Nhưng dù như thế, người ấy đã sống lại. Bố con An Tiêm cõng người ấy lên đồi, về nhà. Không thể kể xiết được nỗi vui, từ lúc trông thấy một con người. Người bị nạn còn mê man nằm đấy, nhưng ai nấy đều tíu tít sửa soạn, như chốc nữa, nhà có khách - nhà có khách đến. Mon lại chạy đi bới gừng. An Tiêm bảo Gấu em:
- Đi lấy mật ong! Đi lấy mật ong! Mật ong ăn nóng người thì chóng khỏe lại. Gấu em có nghe thủng câu An Tiêm nói hay không, không biết, nhưng nó bước ngay ra cửa, vừa đi vừa quay đầu lại, lúc lắc hai cái tai.
Nàng Hoa và Gái đi hái lá ngót. Mon lại vắt nước gừng vào mặt người ấy. An Tiêm dặn Mon ngồi trông rồi vác ống ra suối Sáng múc nước. Mon ngồi nhìn người ấy. Ngày ra đây, Mon còn bé. Từ đấy, không trông thấy ai, chỉ thấy bố mẹ và em. Bao năm ở rừng một mình lủi thủi với anh em gấu, có lúc Mon không nhớ trên thế gian này còn có người nữa, mà ngỡ mình bằng như con gấu mà thôi. Kịp khi gặp lại bố, Mon mới nhớ mình còn là người. Người biết làm nhà ở, biết lo, biết nghĩ, biết hát. Và đến bây giờ, Mon mới trông thấy một người, người lạ sống trên mặt đất không phải ruột thịt của mình. Đã bao nhiêu năm nay... Mon ngắm nghía. Người đàn ông này, da rám nắng, tóc rậm cứng và đen óng. ở đâu giạt đến, không biết có phải người đất quê hay người đâu. Nhưng hai ngón chân cái không chầu vào nhau, không giống chân ta. Cái mặt nó dài ngoẵng, răng nó trắng... Mon bó gối ngồi nghĩ, mắt mơ màng trông xa. Xa kia, mặt biển phẳng lặng, ngấn nước chân biển như sợi chỉ mỏng mảnh căng, tưởng thổi phù một cái thì đứt. Thế mà sao đêm qua biển hung dữ như thế?
Mon không nhìn lại, nhưng lé đuôi mắt, thấy mắt người ấy đương mở. Hai con mắt lơ láo rồi lại nhắm ngay lại.
- Người này phải có thịt ăn thì mới ngồi dậy được. Có khi nó đói cũng nên. Vào rừng kiếm con hươu, con ạ. Mon xách hai cái lao, chạy bong vào rừng. An Tiêm ngồi ngắm nghía người bị nạn. An Tiêm nghe tiếng người ấy rên khẽ. Nhưng không thấy mở mắt. Thật thì người ấy lại mở mắt. Con mắt hé hờ dưới cặp mí ướt. Người ấy trông lên, lại thấy cái mặt ma xồm xoàm lông lá ngay ở đuôi mắt. Đây là đâu? Có lẽ An Tiêm đã đoán biết những cái nghĩ bối rối của nó. An Tiêm không quay lại. An Tiêm cứ ngồi trông ra và lẳng lặng nói, như nói chỗ trống không:
- Đừng sợ. Đừng sợ mà. Rồi mày ở đây với chúng tao. An Tiêm nói đi nói lại thế. Nhưng hai mắt người ấy vẫn nhắm nghiền. An Tiêm đứng dậy ra chỗ khác. Có lẽ người ấy quá sợ. Làm sao sợ, thật khó hiểu, có khi vì anh ta không nghe hiểu tiếng mình nói:
- Tỉnh dậy. Đừng sợ mà. An Tiêm nhẹ nhàng ngồi xuống, giơ một bàn tay, sờ lên mặt người ấy. Bàn tay An Tiêm vừa đụng, người ấy vùng lên, chồm dậy. Hai đầu gối người ấy quì rập xuống, nhưng hai mắt vẫn nhắm. Trông nét mặt nhợt tím, tiếng lưỡi líu lại và cả thân hình người ấy đương giụi xuống trước mặt, An Tiêm hiểu Mon đã đoán đúng: người này sợ. Cái sợ khủng khiếp làm người ấy sắp chết. An Tiêm nói:
- Đừng sợ. Nhưng người ấy vẫn quì gục xuống. Mọi người trong nhà đã về. Nàng Hoa và Gái bỏ xuống những bó lá ngót xanh rợi. Mon chạy sầm sầm đến. Lưng Mon vác cả một con hươu choai. Cái lao phóng ngang ức con hươu, máu hươu chảy đỏ vai Mon và rỏ từng giọt dài theo khoeo chân người chạy. An Tiêm nói to:
- Nhiều thức ăn đây rồi. Thôi đứng dậy. Lại đây tao nướng thịt hươu thật thơm cho mày ăn đấy. Rồi An Tiêm giơ tay nhấc nó, ấn ngồi xuống. Nó ngồi thượt hai chân. Con mắt mở gà gà. Bây giờ người ấy trông thấy những cảnh vây quanh mình còn khiếp hơn nữa.
Những người rừng, mặt sừng sẹo, lông lá; những ma rừng trần truồng, đóng khố, cái khố cỏ vàng sạm. Những người đàn bà trần trùng trục, da đen nhánh, không giống da người. Những cái váy bùng nhùng, váy da dê núi hay da trăn. Con ma già nhất, râu tóc bẩn như trộn đất, quát một câu, giúi xuống, bắt người ngồi một chỗ. Thế là chúng nó xồ đến. Ma sắp bắt ăn thịt người rồi. Người ấy úp hai bàn tay lên mặt, dúm hẳn vai lại. Ngoài kia, rồ lên một tiếng hích hích, khặc khặc. Qua khe ngón tay, một cái gì đen kịt như bóng tối xông đến. Đấy là Gấu em. Không phải gấu xông đến cấu cắn nó. Mà gấu mang thức ăn về cho nó. Gấu em ôm cái bọng khoái ong to về. Gấu mang mật ong về cho người ăn. Nhưng con mắt người khiếp sợ không trông thấy. Người ấy úp hai bàn tay lên mặt rồi nằm sấp xuống đất. Mon buông bịch con hươu xuống. Tay Mon còn nhớp máu hươu. Mon bước đến, giằng bàn tay người ấy đương bịt lên mắt. Thế là người ấy cong cổ hú một hồi ghê rợn, lại ngất đi. Nhưng lần này không ai bối rối vì người ngất. An Tiêm thở dài:
- Nó hoảng hốt đấy thôi. Mon nói:
- Người này hèn quá, người này trong bụng không có lá gan.
Gấu em vẫn đứng yên. Hai con mắt Gấu em ti hí tinh quái đen nhánh nhìn mọi người. Gấu cố đoán việc gì đương xảy ra. Nhưng việc đương xảy ra ấy thật khó hiểu, không giống những tiếng Mon thường nói để sai gấu đi lấy khoái ong, đi vác nước, đi ngắt rau ngót... Gấu đứng yên, một tay giơ cái khoái. Không biết đưa cho ai. Mật ong rơi từng hạt vàng óng xuống đất. Gái bước đến, đỡ cái khoái trong tay gấu. Rồi ngồi xuống. Gái lẳng lặng nhá từng mảng, một lúc ăn hết cả bọng. Gấu em lùi lại, đứng tựa tảng đá, thè lưỡi liếm bàn chân trước còn dính mật. Xung quanh im lặng, chỉ nghe tiếng lưỡi gấu mải miết liếm túc tắc lòng bàn chân. An Tiêm nói:
- Mặc nó nằm đấy rồi nó lại tỉnh. Bây giờ ta đi làm thịt hươu ăn mừng người mới đến. Thế là mỗi người lại tíu tít mỗi việc, chạy lên chạy xuống. An Tiêm và Mon vác con dao vàng ra làm thịt hươu.
Riêng có Gái ăn nhiều khoái ong quá, say lử, nằm ngủ thiếp ngay bên tảng đá. Gấu em vẫn đứng cạnh đấy, một chân vẫn đưa lên mõm. Gan bàn chân gấu đỏ hỏn thế mà liếm mãi, vẫn còn dính mật. Thế rồi người ấy lại tỉnh. Người ấy rón rén bò ra. Người ấy rón rén bò ra xa. Bấy giờ đã xế trưa. Những con ve kêu muộn, ánh ỏi trong nắng. Một lúc, Gấu em ngẩng đầu lên. Cái Gái vẫn say mật ong, nằm ngủ thiếp. Gấu em nhìn ra nắng. Rồi Gấu em đến bên cạnh Gái. Gấu em bỗng kêu khặc khặc mấy tiếng. Gái mở bừng mắt. Gái hỏi:
- Cái thằng người đâu rồi? Gái trông ra thấy người ấy đang thấp thoáng lấp vào chân rừng. Người ấy trốn vào trong rừng. Cái quần rách còn có một ống. Đôi lúc, ngã hụt xuống hố, lại ngóc lên. Trông thất thểu thảm hại, chỉ đuổi nhanh vài bước cũng kịp. Hốt nhiên, người ấy quay đầu lại. Trông thấy Gấu em và cái Gái đi sau, người ấy ngã sấp, không ngóc lên được nữa. Gái bước tới, Gái xốc nó lên lưng, cõng về. Có Gấu em lũn cũn theo sau. Tới đầu nhà, vừa hay An Tiêm với Nàng Hoa và Mon đương nhìn xuôi ngược, phân vân chưa biết Gái đi đâu, Gái đã cõng được người ngất ấy về tới. Gái đặt xuống đất. Người ấy đã tỉnh, lảo đảo hai đầu gối rồi lại quỵ xuống. Gái bảo:
- Nó là ma, không phải là người. Nó muốn đi làm con ma trong rừng. An Tiêm nói:
- Ta phải dỗ dần cho nó tỉnh lại. Lạc vào nơi bơ vơ thế này, ai cũng phải sợ thôi. Gái cãi bố:
- Anh Mon cũng lạc thế, anh Mon có sợ đâu. An Tiêm cười:
- Chưa ai bảo cho người này biết có cái gan, để bỏ được cái sợ. An Tiêm xốc người ấy vào nhà, đặt xuống mặt cái giát trúc. Cho tới đêm, rồi sáng, vẫn nằm nguyên một chỗ. Sáng hôm sau, người ấy ngồi dậy. Thoạt trông thấy, lạ lùng không tưởng tượng được. Cái người hôm qua khác hẳn người này. Người này đờ đẫn, mặt trắng bệch ra như mặt nạ gỗ. Mớ tóc đen cứng của người khỏe mạnh thế mà chỉ một đêm đã xám đến tận chân tóc. Hai con mắt hôm qua lim him nhắm, bây giờ cứ mở tráo trâng, không biết nhắm nữa. Mí mắt đã cứng lại, con ngươi dại đi, hai tròng mắt cứ trô trố muốn long ra. An Tiêm bưng cái ống tre đựng nước đến.
- Uống nước này! Người ấy giơ tay, nhưng chưa cầm tới cái ống, tay đã buông xuống. Mỏi quá, hay sợ quá, dại cả tay rồi. An Tiêm đưa cả đầu ống nước vào mặt. Người ấy ngoạp miệng ra ừng ực một thôi dài. An Tiêm mừng, nói:
- Đấy, đấy... Hôm qua mày ngủ. Bây giờ mày uống nước được. Thế là mày sống. Con gấu còn ở với chúng ta được nữa là... Nghe An Tiêm nói, người ấy cứ lẩm nhẩm rồi lại úp mặt xuống đất. Suốt ngày, người ấy ngồi rục đầu một xó. Hai mí mắt lúc nãy căng rách, muốn rơi con ngươi xuống, bây giờ mới sụp lại, đóng khít lại. Từng nạm tóc rụng xuống quanh chỗ nằm, như những nút bùi nhùi. Cả ngày, cả nhà lại tấp nập. Như một sự lạ, một niềm vui to lớn. Người mới đến đã lại người dần. Chắc rồi còn khỏe mạnh hơn. Rồi cũng bằng mọi người ở đây. Cả đến Gấu em cũng lây vui. Gấu em lại cắm cúi đi đâu từ sáng sớm. Nhưng ai cũng biết Gấu em đi đâu rồi. Một lúc, thấy gấu lại ôm về một cái khoái ong to. Gấu đi, trong ánh nắng, cả nạm lông trước ngực cũng dây mật óng ánh. Về đến nhà, tay gấu cầm cái khoái mật vàng ngời, lại giơ lên. An Tiêm đã nướng được miếng thịt hươu. An Tiêm cầm miếng thịt thơm còn xèo xèo mỡ, nói:
- †n đi, ăn cho sống người, mày biết không? Con mắt nó mờ mịt dửng dưng nhìn miếng thịt, như không thấy. An Tiêm hỏi:
- Mày nhớ nhà lắm, phải không? Người ấy ngước mắt, ngơ ngẩn. An Tiêm nói:
- Bây giờ nhớ cũng không làm gì. Phải tìm cách sống đến ngày trở về, thế mới là hay. Người ấy đứng dậy, lểu đểu bước. Mới đấy mà đã tiều tụy trông thấy, như bộ xương biết đi lẩy bẩy. Cái khiếp, cái lo, cái buồn tàn phá con người ta. An Tiêm ngồi im trông người ấy rồi lắc đầu thương hại. Thằng người ấy thất thểu đi. Gấu em lặng lẽ bước theo. Người ấy vẫn mở mắt nhìn mà không trông thấy. Mon tức, nói:
- Bắt nó nhịn vài ngày, đến lúc đói ăn mới cho, xem sao nào. Nói rồi Mon đeo dao, cầm hai cái lao trúc, vào rừng. Gấu em vứt cái khoái ong, quay lại, lon ton chạy theo Mon. Đến trưa, Gái đi nhặt trám trong rừng về. Gái trông thấy người ấy vẫn tựa gốc cây đứng như lúc sáng. Đến gần, Gái thấy hai con mắt người ấy nhệch ra. Một bàn tay người ấy chới với về phía biển. Gái bước lại, giơ tay đập vào vai:
- Này anh ả! Lại có mật ong nữa, anh ả ăn không? Người ấy tự dưng đổ xiêu đi. Gái chạy đi gọi bố. Bố và mẹ đương ở ngoài cửa suối Sáng rũ sợi dứa. Những chiếc kim xương cá lờm và sợi dứa dại mỏng như tơ có thể làm nên mảnh vải dứa, khâu thành xống áo, bền chắc hơn áo vỏ cây sui và áo sợi móc. Mon và Gấu em cũng vừa về đến đấy, nghe tiếng Gái, chạy lại. Gái hớt hải:
- Nó... An Tiêm ngừng tay đập sợi, ngoảnh lên hỏi con gái:
- Nó vẫn đứng chơi đấy à? Gái đáp:
- Nó chết rồi. An Tiêm thở dài:
- Đáng tiếc, ta không làm được cho nó khỏi sợ. An Tiêm đến trước cái xác rũ nghiêng xuống. An Tiêm đứng lặng một lúc, trầm ngâm nhìn. Con người ta lại có thể vì sợ hãi mà đến chết như thế này ư? Cát mịn dưới chân lún dần. Cành cây gió đánh lắc lắc đâu quanh, cảnh hoang rợn, càng hoang rợn khác mọi khi
- bởi vì có cái xác người chết bên mình. Bỗng cái xác rướn lên, thở phì một cái, hai bên mép nhoe nhoét cả nước dãi. Hệt người thắt cổ, lúc cái dây cổ được nới ra thì cái xác đùn hắt nốt chút hơi đọng trong người. Nhưng đây hình như không phải thế. An Tiêm ghé áp vào. Hai con mắt người ấy vẫn nhắm nghiền. An Tiêm cảm thấy hơi thở ở mũi người ấy phào phào xuống tóc mình và rõ ràng tiếng đùng đục nhộn nhịp trong ngực. An Tiêm vẫy tay gọi cả nhà lại. An Tiêm nói:
- Nó chỉ ngộ gió thôi, chưa chết đâu. Gái hỏi bố:
- Sợ quá mà như chết thật a? An Tiêm thong thả xốc người ấy lên vai, vác vào trong nhà. Cả đêm hôm ấy, chốc chốc, An Tiêm lại lấy đọi nến trám vào soi. Vẫn thấy ra mặt người tỉnh, không phải mặt người chết. Và trong nhà không có cái rợn hơi người chết. An Tiêm yên tâm. An Tiêm nghĩ: thế thì người này sống, không chết. Các con An Tiêm cứ băn khoăn không thể tưởng có người lại vì sợ quá đến chết. An Tiêm thì nghĩ rõ ràng: đã là một con người thì không bao giờ có thể chỉ vì sợ mà chết. Thế rồi, những ngày sau, người ấy dần dần tỉnh. Rồi tỉnh táo hẳn. Quang đãng, sáng sủa dần trên nét môi. Cái quai hàm chốc lại động đậy nhai. Lông mày co nhíu...
Một con người, một khi đã xua đuổi được cái chết, thì sự sống trở lại, khỏe khoắn, tươi tốt, nhanh chóng - nhất là đối với một người trẻ tuổi, đấy là điều rõ ràng như vào mùa mưa thì nước suối đầy. Rồi đến khi người ấy ăn lại bữa mới ghê gớm! Không ai có thể tưởng được đã có khi con người này có lúc không nuốt nổi ngụm nước mà bây giờ thì cái gì cũng vơ vào miệng, nhai ngấu nghiến, lúc nào cũng đói, vừa ăn xong, bụng đã lại sôi ong óc... Cả nhà phải tất tả đi kiếm ăn cho nó. Thế mà có lúc thèm quá, nó nhổ ăn cả cỏ. Cả nhà kiếm về đủ thứ: măng tươi, măng khô, mật ong, hạt dẻ, thịt hươu khô, thịt hươu sấy. Một lon to tiết hươu tươi đòng đọc cũng uống đến cạn một hơi mới chịu buông tay xuống. Tóc nó bây giờ không rụng nữa. Tóc óng mỡ ra, cứng lại, tóc mới mọc - từ trong chân tóc, tóc lại thẳng, tua tủa, đen nhánh. Người ấy đứng dậy, bước ra tận bãi cát. Lại không ai có thể tưởng đấy là người hôm nào chết trôi, chết hoảng. Bây giờ người ấy đi giữa mọi người - đi thanh thả với cả nhà An Tiêm và Gấu em. Có hôm, người ấy nhảy xuống biển, bơi ra khơi xa tít, tay bắt sải nhanh như cánh chim biển lướt trên sóng. Rồi lại quay vào, chạy thoắt lên bờ, không một vẻ mệt nhọc, phởn phơ như không, khuỳnh tay làm keo vật với Mon. Có khi cả buổi cứ nhảy nhót hò hét trên mặt nước với một đàn cá lợn - vùng vẫy tung hoành chẳng khác loài cá. Mon dạy người ấy học nói tiếng mình. Đến khi nói được, người ấy trỏ tay ra biển:
- Tôi ở hòn đảo ngoài xa kia...
Người trai trẻ ấy ở trên một vùng những hòn đảo giữa biển. Người ở đảo quanh năm sinh sống vừa trên bờ vừa dưới biển, bởi vậy, ai cũng thạo biển như việc đi lại trên mặt đất. Anh kể chuyện một hôm có đoàn thuyền của người ở đảo đi trên biển. Cơn bão cạn cuốn đến, giong đoàn thuyền trôi tán loạn ra biển lớn, rồi thuyền vỡ, rồi người ấy giạt đến đây. Người ấy nói:
- Mới đầu, tôi sợ quá... Gái hỏi:
- Bây giờ còn sợ không? Người ấy cười, không trả lời, mà nói câu khác:
- Tôi tên là Ma Li... Cái tên nghe lạ tai. Đất nước ta không ai tên như vậy. Thế nhưng nghe mãi, cũng quen tai, rồi Ma Li thành tiếng thân thuộc. Ma Li gọi An Tiêm và Nàng Hoa là bố mẹ. Ma Li là anh em với Mon, cái Gái và Gấu em. Ma Li hơn tuổi, làm anh nhất. Từ đấy, Ma Li ở lại trên đảo với cả nhà An Tiêm. Có lần, Ma Li bàn với An Tiêm:
- Bố ạ, tôi đóng một cái bè...
- Đóng bè làm gì?
- Ta sẽ đi qua bể, tìm về quê.
- Về quê, về quê à?
- ở quê tôi, ai cũng biết đóng bè đi qua bể, tôi biết đóng... Không, An Tiêm không ngại vượt biển. Ai đêm ngày nung nấu thiết tha với đất quê và muốn trở về nhất, thì phải nói người ấy là An Tiêm. Không, An Tiêm không sợ nguy hiểm. Ra đây được thì phải về được. Chắc như thế. Nhưng từ khi tìm được bờ bãi vỡ được đất trồng dưa và làm nhà ở thì An Tiêm lại nghĩ, nghĩ đi nghĩ lại. ở đây cũng như đất quê, cũng như Bãi Lở xưa kia. Bãi Lở đất hoang đã thành nơi trù phú, đảo hoang này cũng sẽ thành nơi trù phú. Rồi cũng có khi có tin đất quê. Rồi có khi có người đất quê đến, con chim đến được, rồi con người cũng đến được.