Số lần đọc/download: 549 / 41
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:13 +0700
Chương 13
K
hi Lettie tới, lần này là Lettie thật, cô bé xách theo một xô nước. Nhìn dáng bộ cô bé thì chắc là nó khá nặng. Cô bé bước qua chỗ ắt hẳn là mép vòng cỏ rồi đi thẳng tới chỗ tôi.
“Xin lỗi nhé,” cô bé nói. “Việc này lâu hơn chị tưởng. Nó cũng không chịu hợp tác nên cuối cùng bà với chị phải cùng làm, và bà đã xách gần hết những thứ nặng. Nó không định tranh cãi với bà nhưng lại không thể giúp đỡ, vậy nên không dễ mà...”
“Gì cơ?” tôi hỏi. “Chị nói chuyện gì vậy?”
Cô bé để cái xô kim loại xuống bãi cỏ bên cạnh tôi mà không làm đổ lấy một giọt. “Đại dương,” cô bé nói. “Nó không chịu đi. Nó làm bà vật vã đến mức bà nói là mình sẽ phải đi ngả lưng một chút sau khi xong việc. Nhưng cuối cùng, bà với chị cũng cho nó vào xô được rồi.”
Nước trong xô lấp lánh, tỏa ra ánh sáng xanh lam pha chút màu lục. Nhờ nó mà tôi nhìn thấy mặt Lettie. Tôi thấy sóng gợn lăn tăn trên mặt nước, nhấp nhô và bắn lên thành xô.
“Em chẳng hiểu gì cả.”
“Chị không thể đưa em về chỗ đại dương,” cô bé nói. “Nhưng không có gì ngăn chị đưa đại dương đến chỗ em cả.”
Tôi nói, “Chị Lettie ơi, em thấy đói bụng. Em cũng không thích chuyện này.”
“Mẹ chị nấu bữa ăn tối xong rồi. Nhưng em sẽ phải chịu đói thêm chút nữa. Ở một mình trên này, em có sợ không?”
“Có chứ.”
“Chúng có tìm cách dụ em ra khỏi vòng tròn không?”
“Có.”
Cô bé bèn nắm cả hai tay tôi và siết chặt. “Nhưng em vẫn ở yên chỗ em phải ở và không nghe lời chúng. Giỏi lắm. Đó đúng là đức tính tốt,” giọng cô bé có vẻ tự hào. Trong khoảnh khắc đó, tôi quên mất cơn đói và nỗi sợ của mình.
“Giờ thì em phải làm gì?” tôi hỏi cô bé.
“Giờ,” cô bé nói, “em hãy bước vào trong xô. Em không cần phải cởi giày ra hay gì cả. Cứ bước vào thôi.”
Yêu cầu đó thậm chí còn chẳng có vẻ kỳ lạ nữa. Cô bé buông một tay tôi ra rồi giữ lấy tay kia. Tôi nghĩ, Em sẽ không bao giờ buông tay chị ra đâu, trừ phi chị bảo. Tôi bỏ một chân vào làn nước lung linh trong xô, làm nước dâng lên mấp mé mép xô. Bàn chân tôi chạm xuống đáy xô bằng thiếc. Nước dưới chân tôi mát dịu chứ không lạnh. Tôi bỏ chân kia vào nước, vậy là tôi chìm xuống, chìm xuống như một pho tượng đá hoa cương, sóng đại dương của Lettie Hempstock khép lại trên đầu tôi.
Tôi cảm nhận được cú choáng ta thường cảm thấy khi đi thụt lùi mà không nhìn rồi ngã xuống hồ bơi. Nước làm cay mắt nên tôi cứ nhắm nghiền mắt thật chặt.
Tôi không biết bơi. Tôi không biết mình đang ở đâu hay chuyện gì đang xảy ra, nhưng ngay cả ở dưới nước tôi cũng cảm thấy được là Lettie vẫn còn nắm tay mình.
Tôi nín thở.
Tôi nín thở cho đến khi không còn nín thở thêm được nữa, thế rồi tôi phì ra một đám bong bóng và hớp một hơi vào, tưởng sẽ bị sặc, sẽ ho sặc sụa mà chết.
Tôi không bị sặc. Tôi cảm thấy cái lạnh của nước - nếu đó đúng thật là nước - tràn vào mũi và cổ họng, cảm thấy nó dâng đầy trong phổi tôi, nhưng chỉ có thế. Nó không làm hại tôi.
Tôi nghĩ, đây là thứ nước ta thở được. Tôi nghĩ, có lẽ chỉ có một bí mật về việc thở dưới nước, đó là việc này đơn giản đến mức ai cũng làm được, giá mà người ta biết. Tôi đã nghĩ như vậy.
Đó là điều đầu tiên tôi nghĩ.
Điều thứ hai là tôi biết được mọi thứ. Đại dương của Lettie Hempstock trôi chảy trong tôi và làm đầy toàn thể vũ trụ, từ Trứng cho đến Hoa hồng*. Tôi biết vậy. Tôi biết Trứng là gì - là nơi vũ trụ bắt đầu, trước âm thanh của những giọng nói còn chưa sinh thành đang hát giữa hư vô - và tôi biết Hoa hồng ở đâu - sự gấp nếp lạ lùng của không gian này lên không gian khác tạo thành các chiều được xếp lại như nghệ thuật xếp giấy rồi nở bung ra như loài lan lạ, và nó sẽ ghi dấu khoảng thời gian tươi đẹp sau cùng trước khi xảy ra tàn cuộc của tất cả mọi thứ và vụ nổ Big Bang kế tiếp, một sự kiện mà giờ đây tôi đã biết là sẽ không hề giống như vụ nổ Big Bang mà ta vẫn biết.
Tôi biết rằng bà Hempstock sẽ có mặt ở đây khi nó xảy ra, cũng như bà đã ở đây vào lần gần đây nhất của sự kiện đó.
Tôi nhìn thấy thế giới tôi đã sống từ lúc chào đời và hiểu được là nó mong manh ra làm sao, rằng thực tại mà tôi biết chỉ là một lớp kem trang trí mỏng bên trên ổ bánh sinh nhật khổng lồ, đen kịt, lúc nhúc cả ấu trùng với ác mộng và sự đói khát. Tôi thấy thế giới từ trên cao và từ bên dưới. Tôi thấy nào là hình mẫu rồi cổng vào và lối đi ở bên kia cái thực hữu. Tôi thấy hết mọi thứ và hiểu được chúng, còn chúng dâng đầy trong tôi cũng như những tầng nước đại dương lấp đầy tôi.
Mọi thứ thì thầm bên trong tôi. Mọi thứ nói với mọi thứ, và tôi hiểu được tất cả những điều đó.
Tôi mở mắt ra, tò mò muốn biết sẽ nhìn thấy gì ở thế giới bên ngoài tôi, xem nó có giống gì với thế giới bên trong tôi hay không.
Tôi đang bồng bềnh dưới đáy nước.
Tôi nhìn xuống thì thấy thế giới màu xanh bên dưới tôi lùi vào vùng tối. Tôi nhìn lên thì thấy thế giới bên trên tôi cũng vậy. Không có gì kéo tôi xuống sâu hơn, cũng không có gì đẩy tôi lên bề mặt.
Thế rồi, tôi hơi quay đầu một chút để nhìn cô bé vì cô bé vẫn nắm tay tôi, chưa hề buông ra, và tôi thấy Lettie Hempstock.
Mới đầu, tôi không nghĩ mình biết cái mình đang nhìn là gì. Tôi không hiểu nó là gì. Trong khi Ursula Monkton được làm từ vải xám, cứ đập phành phạch, vun vút và giật từng cơn trong gió bão thì Lettie Hempstock được làm từ những tấm vải mềm mại như lụa tơ, có màu băng đá, điểm li ti những ngọn lửa nến lung linh, hàng trăm hàng vạn ánh lửa nến.
Có loại lửa nến cháy được dưới nước sao? Có đấy. Tôi biết vậy khi ở dưới đại dương, tôi còn biết làm sao mà có nó nữa kia. Tôi hiểu nó cũng giống như tôi hiểu vật chất tối, thứ vật chất của vũ trụ đã tạo thành mọi thứ hẳn là vẫn tồn tại nhưng ta không thể tìm ra. Tôi thấy mình nghĩ về một đại dương trôi chảy bên dưới toàn thể vũ trụ, như nước biển thẫm màu vỗ về bên dưới những mảnh ván của một cầu tàu cũ: một đại dương trải dài từ bất tận cho đến bất tận mà vẫn nhỏ đủ để vừa vào một cái xô, nếu ta tử tế hỏi nhờ bà Hempstock giúp sức.
Lettie Hempstock trông giống như tấm lụa nhạt màu và những ngọn lửa nến. Tôi thắc mắc không biết cô bé sẽ nhìn thấy tôi như thế nào ở nơi ấy, và tôi biết rằng thậm chí tôi có ở nơi chỉ toàn là tri thức thì duy chỉ có điều đó là tôi không thể biết. Rằng nếu tôi nhìn vào trong thì sẽ chỉ thấy những tấm gương vô tận soi vào chính mình mãi mãi.
Tấm lụa đầy ánh lửa nến bèn chuyển động, một động tác chậm rãi, duyên dáng theo kiểu ở dưới nước. Dòng nước kéo nó, giờ thì nó có hai cánh tay cùng bàn tay không bao giờ buông tay tôi ra và một thân người với gương mặt tàn nhang thân quen, rồi nó mở miệng nói bằng giọng của Lettie Hempstock, “Chị thật lòng xin lỗi.”
“Về chuyện gì?”
Cô bé không đáp. Những dòng đại dương lùa tóc và áo quần tôi như từng làn gió hây hây mùa hè. Tôi không còn thấy lạnh nữa, tôi hiểu ra mọi thứ, tôi không thấy đói, còn toàn thể thế giới rộng lớn, phức tạp đã trở nên đơn giản, dễ hiểu và dễ khám phá. Tôi sẽ ở lại nơi này cho đến cùng tận thời gian trong đại dương là vũ trụ, là linh hồn, là tất cả những gì hệ trọng này. Tôi sẽ ở lại đây mãi mãi.
“Em không thể,” Lettie nói. “Nó sẽ hủy diệt em mất.”
Tôi mở miệng định nói với cô bé rằng giờ thì không gì có thể giết chết tôi, nhưng cô bé đã nói, “Không phải giết em. Hủy diệt em. Làm em tan biến. Em sẽ không chết trong đây, chưa từng có gì chết trong đây cả, nhưng nếu em ở lại đây quá lâu thì chỉ một chút xíu con người em sẽ tồn tại ở khắp nơi, rải ra mỗi nơi một chút. Mà điều đó thì không nên. Không bao giờ có đủ toàn thể bản thân em ở một chỗ nên sẽ không còn lại gì có thể tự cho nó là một cái Tôi cả. Không còn góc nhìn cụ thể nữa, bởi vì em sẽ là một chuỗi vô tận những góc nhìn và quan điểm...”
Tôi định cãi lại cô bé. Cô bé sai rồi, chắc chắn là cô bé sai: tôi thích nơi ấy, trạng thái ấy, cảm giác ấy và tôi sẽ không bao giờ rời nó mà đi đâu.
Thế rồi, đầu tôi trồi lên mặt nước, mắt chớp chớp, miệng ho sặc sụa, và tôi đang đứng dưới cái ao nước cao tới ngang bắp vế đằng sau trang trại Hempstock, còn Lettie Hempstock đang đứng bên cạnh nắm tay tôi.
Tôi lại ho và thấy như nước đang từ mũi, cổ họng và phổi mình trào ra. Tôi hít không khí trong lành vào lồng ngực trong ánh sáng của ông trăng mùa gặt to tròn soi trên mái ngói đỏ nhà Hempstock, và trong một khoảnh khắc hoàn hảo sau cùng, tôi vẫn còn biết được mọi thứ: tôi nhớ là mình biết cách làm sao để trăng tròn khi cần, và đêm đêm soi sáng ngay sau lưng nhà.
Tôi biết mọi thứ, nhưng Lettie Hempstock đang kéo tôi ra khỏi ao.
Tôi vẫn mặc bộ đồ kiểu xưa kỳ lạ được đưa cho hồi sáng, và khi ra khỏi ao, bước lên đám cỏ viền bên ao, tôi phát hiện ra là áo quần, da dẻ mình lúc này khô rang. Đại dương đã về lại trong ao, và như thể vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ ngày hè, tôi chỉ còn biết mỗi một điều là chỉ mới đây thôi, tôi còn biết được mọi điều.
Tôi nhìn Lettie trong ánh trăng. “Có phải đối với chị thì nó là như vậy không?” tôi hỏi.
“Cái gì là như vậy đối với chị?”
“Chị vẫn luôn biết hết mọi thứ phải không?”
Cô bé lắc đầu. Cô bé không mỉm cười. Cô bé nói, “Biết được mọi thứ thì chán lắm. Nếu định rong chơi ở đây thì ta phải từ bỏ tất cả những thứ ấy.”
“Vậy là chị đã từng biết mọi thứ?”
Cô bé chun mũi. “Ai cũng vậy cả. Chị bảo em rồi mà.
Biết mọi chuyện vận hành ra sao thì có gì đặc biệt đâu nào. Và nếu ta muốn vui chơi thì phải thật sự từ bỏ tất cả những thứ ấy.”
“Chơi cái gì cơ?”
“Cái này này,” cô bé nói. Cô bé khoát tay về phía ngôi nhà, bầu trời, mặt trăng tròn không thể tưởng, đàn vịt trời, những tấm khăn san và từng chòm sao sáng.
Tôi ước mình hiểu cô bé muốn ám chỉ điều gì. Cô bé như đang nói về một giấc mơ chúng tôi đã cùng mơ. Trong một thoáng, nó gần trong tâm trí tôi đến mức tôi như sắp chạm được nó.
“Chắc em đói lắm rồi,” Lettie nói, vậy là khoảnh khắc ấy vỡ tan, và phải, tôi đói lắm, cơn đói ấy ngốn hết cả tâm trí và nuốt trọn những giấc mơ còn vương vấn trong tôi.
Ở chỗ của tôi trên bàn trong căn bếp thật rộng ở căn nhà trang trại có để sẵn một chiếc đĩa. Trên đĩa có một phần bánh nhân thịt, khoai tây nghiền có màu nâu giòn tan trên mặt, thịt băm với rau và nước xốt bên dưới. Tôi sợ phải ăn khi không ở nhà, sợ rằng tôi sẽ muốn bỏ thừa món mình không thích rồi bị rầy la hay bị ép ngồi ăn từng phần nhỏ xíu cho kỳ hết như ở trường, nhưng thức ăn ở nhà Hempstock bao giờ cũng tuyệt hảo. Tôi không sợ ăn mấy món đó.
Bác Ginnie Hempstock đang ở đó, tròn trịa và niềm nở, mặc tạp dề lăng xăng tíu tít. Tôi cúi đầu ăn, không trò chuyện, múc thứ thức ăn dễ chịu vào miệng. Hai mẹ con nhà Hempstock nói giọng khe khẽ, cấp bách.
“Chúng sẽ đến đây ngay thôi,” Lettie nói. “Chúng không ngu đâu. Chúng sẽ không chịu bỏ đi cho đến chừng nào ăn sạch sành sanh đến mẩu cuối cùng thứ đã khiến chúng đến.
Mẹ cô bé khịt mũi. Hai má bác ửng hồng vì sức nóng lửa bếp. “Nói bậy nào,” bác nói. “Bọn chúng ấy hả, chỉ toàn miệng là miệng thôi.”
Tôi chưa từng nghe cách diễn đạt đó bao giờ nên tôi nghĩ bác nói những sinh vật đó chỉ là miệng chứ không phải gì khác. Xem ra mấy bóng đen đó thực sự chỉ là miệng mà thôi. Tôi đã thấy chúng ngấu nghiến cái thứ xám xịt tự xưng là Ursula Monkton.
Bà thường rầy la tôi vì ăn như con thú hoang. “Con phải xơi” bà thường nói, “tức là ăn như người, không phải như ỉn, tức là con lợn. Khi thú ăn, chúng ngốn. Người thì xơi. Ăn như một người đường hoàng xem nào.” Xơi ngốn-, đó là cách lũ chim đói ăn Ursula Monkton, và tôi tin chắc đó cũng sẽ là cách chúng ăn sạch bách tôi.
“Con chưa bao giờ thấy chúng đông như vậy,” Lettie nói. “Ngày xưa khi đến đây, chúng chỉ có dăm ba con.”
Bác Ginnie rót cho tôi một cốc nước. “Đó là lỗi của con,” bác nói với Lettie. “Con đã phát tín hiệu đi và gọi chúng. Con giống như rung chuông báo giờ ăn ấy. Thảo nào chúng đến cả lũ.”
“Con chỉ muốn làm sao cho chắc là mụ ta đi khỏi thôi mà,” Lettie nói.
“Cái loài bọ chét. Chúng như gà ấy, ra khỏi chuồng rồi vênh váo và dương dương tự đắc là mình muốn ăn sâu rồi bọ cánh cứng hay sâu bướm bao nhiêu tùy thích, đến độ không bao giờ nghĩ đến lũ cáo,” bác Ginnie nói. Bác khuấy nồi kem sữa trứng trên bếp lò bằng cái muỗng gỗ dài thành từng nhát lớn và bực dọc. “Dù sao thì giờ ta đã có cáo rồi. Và ta sẽ cho cả đám chúng về nhà, cũng như ta đã làm mấy lần trước khi chúng rình rập đánh hơi quanh đây. Ta đã làm vậy rồi, đúng không nào?”
“Không hẳn,” Lettie đáp. “Hoặc là ta cho con bọ chét về nhà, rồi thì lũ sâu mọt sẽ không còn lý do gì để lảng vảng nữa, như con bọ chét dưới hầm vào thời Cromwell ấy, hoặc là chúng đến ăn cái đã kéo chúng đến đây rồi bỏ đi. Như con bọ chét béo ú biến giấc mơ của thiên hạ thành sự thật vào thời Rufus Mặt Đỏ. Chúng ăn thịt lão ta rồi bay đi mất. Trước đây, ta chưa bao giờ phải đuổi chúng.”
Mẹ cô bé nhún vai. “Cũng vậy cả thôi. Ta cứ cho chúng về chỗ ban đầu của chúng là dược.”
“Vậy chúng từ đâu đến?” Lettie hỏi.
Lúc này, tôi đã ăn chậm lại và đang vừa cố nhâm nhi thật lâu những mẩu bánh thịt băm cuối cùng vừa dùng nĩa thong thả lùa bánh trong đĩa.
“Chuyện đó không quan trọng,” bác Ginnie nói. “Cuối cùng rồi cả lũ chúng cũng sẽ kéo nhau về thôi. Có lẽ chỉ vì đâm ra chán phải chờ.”
“Con đã cố xua cho chúng bay vòng vòng,” Lettie Hempstock nói thật đơn giản. “Không kéo được chúng đi đâu cả. Con dùng mái vòm bảo vệ giữ chúng lại, nhưng cái đó không giữ được lâu hơn nữa. Ta ở đây thì tốt rồi - không thứ gì có thể bước vào trang trại này mà không được phép của ta.”
“Nội bất xuất, ngoại bất nhập,” bác Ginnie nói. Bác dọn cái đĩa tôi đã ăn hết đi, thay vào bằng một bát đựng lát bánh ngọt có hoa quả sấy khô còn nghi ngút khói với một lớp dày kem sữa trứng vàng xèo xèo tràn trên mặt.
Tôi sung sướng ăn.
Tôi không nhớ những gì tuổi thơ của mình, nhưng tôi nhớ rằng mình vẫn lấy làm vui sướng với những điều nhỏ nhặt, ngay cả khi những thứ lớn lao hơn đã tan tành. Tôi không làm chủ được thế giới mình sống, không thể quay lưng trốn tránh những sự việc, con người hay khoảnh khắc làm mình đau lòng, nhưng tôi lấy làm vui sướng với những thứ làm mình hạnh phúc. Món kem sữa trứng ngọt ngào béo ngậy trong miệng tôi, quả lý chua đen phồng có hương thơm phức trong lát bánh ngọt dịu và dày đến độ tôi phải nhai mỏi cả miệng, dù rằng có lẽ đêm đó tôi sẽ chết và không bao giờ còn về nhà được nữa nhưng đó quả là một bữa ăn tối ngon lành, và tôi tin tưởng Lettie Hempstock.
Thế giới bên ngoài căn bếp vẫn đang đợi chờ. Con mèo nhà màu xám khói của gia đình Hempstock - tôi không nghĩ mình đã từng biết được tên nó - bước êm đềm khắp bếp. Điều đó nhắc tôi nhớ...
“Bác Hempstock ơi? Mèo con có còn ở đây không ạ? Con màu đen có tai trắng ấy?”
“Tối nay thì không,” bác Ginnie Hempstock nói. “Nó đi đây đi đó rồi. Cả buổi chiểu, nó ngủ trên ghế dựa trong hành lang.”
Tôi ước được vuốt bộ lông mướt mịn của nó. Tôi nhận ra là mình muốn chào tạm biệt.
“ừm. Con nghĩ rằng. Tối nay. Nếu con thật sự. Phải chết,” tôi cất lời, ngập ngừng, không chắc mình muốn nói gì. Tôi nghĩ mình muốn nhờ vả một chuyện gì đó - nhờ họ chào từ biệt bố mẹ tôi hay nói với em tôi rằng thật không công bằng vì chưa bao giờ có gì xấu xảy ra cho nó: rằng đời nó sung sướng, an lành và được chở che, trong khi tôi cứ suốt ngày gặp phải tai ương. Nhưng dường như nói gì cũng không ổn nên tôi thấy nhẹ lòng khi bị bác Ginnie ngắt lời.
“Tối nay sẽ chẳng ai chết cả,” bác Ginnie Hempstock nói dứt khoát. Bác lấy cái bát tôi đã ăn hết đem tới chậu rửa sạch rồi lau khô tay vào tạp dề. Bác cởi tạp dề, đi ra ngoài hành lang rồi ít phút sau quay lại, mặc một chiếc áo choàng nâu trơn và mang đôi ủng cao su to tướng màu xanh lục.
Lettie có vẻ không được tự tin như bác Ginnie. Nhưng dù với tuổi tác và trí khôn ấy, Lettie vẫn là một đứa con gái, trong khi bác Ginnie là người lớn nên sự tự tin ở bác khiến tôi thấy vững dạ. Tôi tin tưởng cả hai người.
“Bà Hempstock đâu rồi ạ?” tôi hỏi.
“Đang ngả lưng,” bác Ginnie nói. “Bà không còn trẻ trung như xưa nữa.”
“Bà cụ bao nhiêu tuổi rồi ạ?” tôi hỏi dù không nghĩ sẽ nhận được câu trả lời. Bác Ginnie chỉ mỉm cười, còn Lettie nhún vai.
Khi chúng tôi rời căn nhà trang trại, tôi nắm lấy tay Lettie, tự hứa lần này sẽ không buông ra.