Số lần đọc/download: 2844 / 68
Cập nhật: 2015-07-21 10:16:36 +0700
Chương 14
T
uần sau, ông chủ tiệm bánh đột ngột xuất hiện trong sân xưởng sửa xe của chúng tôi.
"Cậu ra tiếp lão ấy," Lenz nói, ném một cái nhìn độc địa qua cửa sổ, "chắc Casanova - Bánh Ngọt muốn cò kè lấy rẻ một món gì đây."
Ông chủ tiệm bánh trông thật nảo nề. "Xe có bị trục trặc gì không?" tôi hỏi.
Ông lắc đầu. "Không, không. Chạy ngon lành. Hệt như xe mới."
"Tôi lại chẳng biết thế sao," tôi xác định, và chăm chú nhìn ông, tò mò hơn.
"Cậu biết không -- " ông nói. "Chuyện là như thế này -- tôi muốn một chiếc xe khác -- to hơn --"
Ông đảo mắt nhìn quanh sân. "Ủa, lần trước, tôi thấy một chiếc Cadillac ở đây mà?"
Tôi lâp tức hiểu ra vấn đề. Cô tóc đen đã vòi vĩnh, mè nheo ông ta không ít.
"Xe Cadillac? Ô, phải rồi," tôi hăng hái nói; "đáng lẽ ông phải thử nó khi có dịp. Giá rất mềm. Chỉ bẩy ngàn marks. Rẻ như quà biếu, ta có thể nói thế --"
"Ơ, làm sao lại rẻ như quà biếu được,"
"Rẻ như quà biếu," tôi nhấn mạnh, trong đầu thầm nghĩ đến bước tới. "Tôi có thể hỏi dò, nếu ông muốn," tôi nói; "Không chừng người mua chiếc xe ấy đang cần tiền mặt. Những chuyện như vậy, trong thời buổi này, có thể xảy ra rất nhanh. Nửa tháng thôi."
Tôi đi vào xưởng và tóm gọn câu chuyện. Lenz nhảy dựng lên. "Tìm đâu cho ra một chiếc Cadillac cũ đây, mấy cậu? Nào, làm việc chăm lên! "
"Để tớ tính," tôi nói; "còn cậu, cứ đợi đấy, phen này lão ấy đừng hòng thoát khỏi tay tớ."
"Được rồi, giao cho cậu." Gottfried biến mất.
Tôi điện thoại cho Blumenthal. Tôi không nuôi nhiều hy vọng, nhưng ít nhất tôi cũng phải thử. Ông đang có mặt tại văn phòng. "Ông có muốn bán lại chiếc Cadillac không?" tôi thẳng thừng hỏi.
Blumenthal cười to.
"Tôi biết một người muốn mua nó," tôi tiếp tục, "trả tiền mặt."
"Tiền mặt," Blumenthal trả lời sau khi suy nghĩ thật nhanh. "Đấy là con chữ có tính thi ca nhất hiện nay --"
"Đấy cũng là ý tưởng của tôi," tôi nói, thình lình cảm thấy sung sướng. "Vậy, chúng ta có thể nói chuyện với nhau?"
"Ta luôn luôn có thể nói chuyện với nhau," Blumenthal đáp.
"Tốt. Khi nào tôi có thể gặp ông?"
"Chiều nay sau giờ ăn trưa, tôi không bận. Khoảng hai giờ chiều, ở văn phòng này, được không?"
"Đồng ý."
Tôi gác máy. "Otto," tôi hý hửng gọi Koster, "tớ không hề mong đợi, thế nhưng tớ tin là chiếc Cadillac của chúng mình sắp sửa trở về."
Koster đẩy đống hồ sơ sang bên. "Thật sao? Ông ấy muốn bán nó?"
Tôi gật đầu và nhìn qua cửa sổ, Lenz đang hăng say nói với ông chủ tiệm bánh. "Anh ấy đang làm hư bột hư đường," tôi bức rức nói; "anh ấy nói nhiều quá. Lão chủ tiệm bánh là chúa đa nghi; ta chỉ có thể dụ được lão nếu ta không nói gì. Tớ phải lập tức ra đó, và thay thế Gottfried."
Koster cười. "Đúng rồi -- nhất chín nhì bù, Bob."
Tôi nháy mắt với anh và đi ngay. Nhưng tôi không tin được chính tai mình; thật cách xa một trời một vực với những lời tán tụng hãy còn quá sớm về chiếc Cadillac, Goffried hoàn toàn chú tâm vào việc giải thích cho ông chủ tiệm bánh, cách thức thổ dân Da Đỏ ở Nam Mỹ làm bánh mì ngô.
Tôi nhìn anh ra vẻ tán thưởng rồi quay sang ông chủ tiệm bánh; "Xui quá, ông kia không muốn bán ---"
"Vậy tớ đã nói với cậu thế nào nhỉ?" Lenz lập tức đáp, như thể chúng tôi đã bàn bạc với nhau từ trước.
Tôi nhún vai. "Tiếc thật -- nhưng tôi có thể hiểu --"
Ông chủ tiệm bánh đứng ỳ ra, hoang mang. Tôi nhìn Lenz.
"Có thể nào, cậu cố gắng gọi lại ông ấy một lần nữa? anh lập tức hỏi tôi.
"Tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể," tôi trả lời. "Tôi đã dàn xếp gặp ông ấy chiều nay. Vậy, tôi sẽ lên lạc với ông bằng cách nào?" tôi hỏi ông chủ tiệm bánh.
"Tôi có công việc quanh đây vào lúc bốn giờ. Tôi có thể ghé qua."
"Tốt -- Tôi sẽ có câu trả lời vào lúc ấy. Tôi hy vọng chúng ta sẽ thành công."
Ông chủ tiệm bánh gật đầu. Rồi ông ngồi vào chiếc xe Ford và rồ máy lái đi.
"Cậu có điên không vậy?" Goffried xổ một tràng, khi ông ta vừa khuất ở góc đường. "Tớ vừa mới bắt đầu tóm được lão, thì cậu đã thả cho lão đi, như thế đấy."
"Luận lý học và tâm lý học, Gottfried thân mến," tôi nói, vỗ vai anh. "Cậu chẳng biết tí gì về chúng."
Anh phủi tay tôi. "Tâm lý học -- " anh nói một cách khinh miệt. "Đòn tâm lý hay nhất là chụp lấy cơ hội. Và đấy là một cơ hội tốt. Lão sẽ không bao giờ trở lại."
"Lão sẽ trở lại lúc bốn giờ --"
Gottfried nhìn tôi, thương hại. "Cậu dám cá với tớ?" anh nói.
"Dám chớ sao không," tôi trả lời, " nhưng cậu sẽ thua. Tớ hiểu lão rõ hơn cậu. Cậu phải liên tiếp nắn gân lão mới xong. Hơn nữa, tớ không thể bán cho lão một thứ mà chúng ta chưa có."
"Ach, du lieber Gott, nếu cậu chỉ hiểu được bấy nhiêu thôi," Gottfried nói, lắc đầu, "cậu sẽ chẳng làm nên trò trống gì, Cưng ạ. Đấy là điều luật thứ nhất trong việc mua bán. Đến đây, tớ sẽ tặng cậu một bài học về các phương cách làm ăn hiện đại."
Sau giờ ăn trưa, tôi đến văn phòng của Blumenthal. Trên đường đi, tôi có cảm giác của một chú dê non sắp sửa đến thăm một con sói già. Mặt trời chiếu gay gắt xuống mặt đường nhựa, và với từng bước chân, tôi lại càng không muốn mình bị xiên quay trên que nướng của Blumethal. Tốt nhất là đánh một trận nhanh gọn.
"Herr Blumenthal," tôi lập tức nói khi bước qua cửa, trước khi ông bắt đầu mở miệng, "một đề nghị công bằng ngay từ đầu. Ông mua chiếc Cadillac với giá năm ngàn năm trăm marks -- bây giờ tôi trả ông sáu ngàn -- với điều kiện tôi phải là người giao xe. Công việc sẽ xong xuôi tối nay."
Blumenthal chễm chệ ngự trên ngai, đàng sau bàn viết, đang xơi táo. Ông ngừng lại, nhìn tôi một giây.
"Tốt," ông nói, và tiếp tục nhai.
Tôi chờ đến khi ông quăng cái lõi táo vào giỏ rác.
"Vậy ông đồng ý?" tôi hỏi.
"Khoan đã." Ông lấy một quả táo từ trong ngăn kéo bàn viết. "Cậu ăn không?"
"Cảm ơn, chưa đâu."
Ông ngoạm một miếng táo. "Hãy ăn thật nhiều táo, Herr Lohkamp. Táo giúp ta sống lâu. Mỗi ngày ăn vài quả, ta không bao giờ phải đi bác sĩ."
"Ngay cả khi ta bị gãy tay?"
Ông nhoẻn cười, quăng bỏ cái lõi táo thứ nhì, rồi đứng lên.
"Vậy ta không nên gãy tay."
"Nghe hay lắm," tôi nói và chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Câu chuyện táo tiếc này đáng ngờ lắm.
Blumenthal lấy một hộp xì gà từ cái tủ nhỏ và mời tôi. Đấy là xì gà Coronas tôi đã biết. "Chúng cũng kéo dài tuổi thọ sao?" tôi hỏi.
"Không, chúng làm ngắn lại. Cân bằng những quả táo." Ông thổi ra một quầng khói mù và nhìn tôi, đầu nghiêng sang một bên như một con chim trầm mặc, nhìn từ dưới lên trên. "Cân bằng, Herr Lohkamp, luôn luôn cân bằng -- đấy là bí quyết của cuộc đời."
"Nếu ta có thể."
Ông nháy mắt. "Đúng thế; nếu ta có thể, đấy là bí quyết, dĩ nhiên rồi. Chúng ta biết quá nhiều, nhưng chỉ có thể làm quá ít. Bởi vì chúng ta biết quá nhiều. ---" ông cười to. "Xin tha lỗi cho tôi -- sau khi ăn trưa, tôi luôn luôn triết lý vặt."
"Đấy cũng là thời điểm tốt nhất," tôi nói. "Bây giờ, về chiếc Cadillac; chúng ta cũng sẽ làm cho cân bằng, phải không?"
Ông dơ một tay lên. "Khoan đã."
Tôi cúi đầu chịu thua. Blumenthal nhận thấy và cười. "Không phải như cậu nghĩ. Tôi chỉ định khen cậu một câu. Đánh con bài chủ từ đầu, không dấu diếm gì cả. Như thế là đi đúng nước bài với lão Blumenthal này. Cậu biết tôi mong đợi gì không?"
"Rằng tôi sẽ bắt đầu ra giá bốn ngàn năm trăm --"
"Đúng. Nhưng nếu làm thế, cậu sẽ không đạt được kết quả. Cậu định bán xe với giá bẩy ngàn, phải không?"
Tôi nhún vai, không cam kết gì cả. "Sao lại chính xác bảy ngàn?"
"Bởi vì đó là cái giá cậu đã thách tôi lần đầu."
"Ông có một trí nhớ tuyệt vời," tôi nói.
"Về những con số. Chỉ những con số mà thôi. Thật không may. Ta đi đến kết luận này nhé -- cậu có thể lấy chiếc xe với giá đã nêu, sáu ngàn."
Ông chìa tay và tôi chụp lấy. "Tạ ơn Chúa," tôi nói, nhẹ nhõm, "cho chúng con một dịp mua may bán đắt chờ đợi đã lâu. Dường như chiếc Cadillac cho chúng tôi may mắn."
"Với tôi, cũng thế," Blumenthal nói. "Đừng quên, tôi cũng kiếm lời năm trăm, nhờ nó."
"Đúng. Nhưng xin ông cho biết, vì sao ông muốn bán nó sớm vậy? Ông không vừa ý hay sao?"
"Chỉ là dị đoan mà thôi," Blumenthal giải thích. "Tôi không bao giờ để lỡ một cơ hội làm ra tiền."
"Dị đoan tốt," tôi trả lời.
Ông ngúc ngoắc cái đầu hói bóng nhẫy. "Cậu không tin đâu nhỉ -- thật thế. Tôi làm vậy để tránh những điều không tốt xảy ra với tôi -- với những thứ khác. Chê bỏ một vận may hôm nay, có nghĩa là thách đố Thượng Đế. Và không ai trong chúng ta dám làm vậy."
Lúc bốn giờ rưởi, Gottfried Lenz, vẻ mặt trịnh trọng, đặt một vỏ chai gin trên bàn, trước mặt tôi. "Cưng ơi, tớ muốn cậu đong đầy cái chai này. Tớ được miễn phí. Cậu còn nhớ chúng ta đánh cuộc thế nào không?"
"Nhớ chứ," tôi nói. "Nhưng cậu đến sớm quá."
Không một lời, Gottfried dí cái đồng hồ tay của anh sát mắt tôi.
"Bốn giờ rưởi," tôi nói. "Giờ thiên văn, rõ rồi. Có điều, ai cũng có thể đi trễ. Tớ tăng tiền cược gấp đôi, hai chống một --"
"Đồng ý," Gottfried hý hửng nói. "Nếu thắng, tớ sẽ được chung bốn chai gin. Cái đó gọi là anh hùng đấu tranh cho chính nghĩa đã mất. Danh dự lắm, Cưng ạ, nhưng cưng sai lầm rồi."
"Cứ đợi đấy,"
Thật tình tôi không còn tự tin như đang làm bộ. Trái lại, tôi tin chắc, ông chủ tiệm bánh sẽ không trở lại. Lẽ ra sáng nay tôi phải tìm hiểu ông ta kỹ càng hơn. Không thể nào tin tưởng ông ta.
Khi tiếng còi tan tầm của xưởng chế tạo nệm lò xo bên kia đường inh ỏi hụ, báo năm giờ chiều, Gottfried lẳng lặng đặt thêm ba cái vỏ chai gin trên bàn, trước mặt tôi. Rồi anh tựa vào cửa sổ và chăm chú nhìn tôi. "Tớ khát quá," một lúc sau, anh nói, nhấn mạnh.
Ngay lúc ấy, tôi nghe tiếng động cơ rầm rập rất đặc trưng của xe Ford chạy ngoài đường, và sau đó, xe của ông chủ tiệm bánh quẹo vào cổng rào của chúng tôi.
"Nếu cậu khát, Gottfried yêu dấu của tớ," tôi chững chạc trả lời, "chỉ cần chạy đi mua hai chai rum mà tớ đã thắng cuộc. Cậu có thể tợp một ngụm miễn phí. Thấy ông chủ hiệu bánh đàng kia chưa? Tâm lý học, con ơi. Bây giờ thì, làm ơn dẹp dùm mấy cái vỏ chai gin này ngay. Sau đó, cậu có thể lái chiếc tắc xi. Cậu còn quá trẻ người non dạ với những công việc tinh tế. Mừng sức khỏe, con ơi."
Tôi ra đón và bảo ông chủ tiệm bánh rằng, dường như chiếc Cadillac sẽ thuộc về ông. Khách hàng ra giá bẩy ngàn năm trăm, nhưng nếu trả tiền mặt, ông ấy có thể bớt còn bẩy ngàn.
Ông chủ hiệu bánh lơ đãng đến nổi tôi phải ngừng nói. "Tôi cần gọi điện cho ông ấy lúc sáu giờ," cuối cùng tôi nói.
"Lúc sáu giờ?" Ông chủ hiệu bánh bừng tỉnh. "Lúc sáu giờ, tôi phải --" Rồi ông ta bỗng quay lại. "Cậu đi với tôi được chứ?"
"Đi đâu?" tôi kinh ngạc hỏi.
"Đến nhà bạn cậu, ông họa sĩ. Tranh đã xong."
"Ach, thì ra thế, đến xưởng họa Ferdinand Grau?"
Ông gật đầu. "Đi với tôi, nhé? Rồi chúng ta sẽ thảo luận giá cả."
Dường như ông không muốn đi một mình chút nào. Ngược lại, tôi cũng thấy rất thiết yếu, không nên để ông rời khỏi nơi đây một mình một lần nữa. "Được mà," do đó, tôi nói. "Hơi xa đấy -- chúng ta nên đi ngay bây giờ."
Ferdinand Grau trông bịnh hoạn. Gương mặt xám xanh, tối và bủng. Anh đón chúng tôi ở cửa xưởng họa. Ông chủ tiệm bánh gần như không nhìn tới anh. Ông ta thiếu tự tin và nóng nảy lạ lùng. "Tranh ở đâu?" ông ta lập tức hỏi.
Fedinand chỉ về hướng cửa sổ. Bức tranh đặt trên giá vẽ. Ông chủ tiệm bánh bước vội đến rồi dừng lại trước mặt nó, bất động. Một lúc sau, ông bỏ mũ xuống. Ông đã hối hả tới nỗi quên béng đi cái mũ.
Ferdinand và tôi vẫn đứng cạnh cửa. "Anh khỏe không, Ferdinand?"
Anh khoác tay, làm một cử chỉ mơ hồ.
"Có chuyện gì không tốt chăng?"
"Chuyện gì không tốt đâu?"
"Khí sắc của anh tệ lắm --"
"Hỏi gì nữa không?"
"Không," tôi nói, "hết rồi."
Anh đặt bàn tay hộ pháp lên vai tôi và cười với nét mặt của một con chó St. Bernard's già.
Chúng tôi đợi một lát. Rồi chúng tôi lại gần. Tôi ngạc nhiên khi nhìn vào tranh. Chân dung được thể hiện rất sinh động, dựa theo tấm ảnh ngày cưới và tấm thứ nhì, đã mờ cũ, một thiếu phụ còn trẻ nhìn thẳng về phía trước với đôi mắt nghiêm nghị đượm nét hoang mang.
"Vâng," ông chủ tiệm bánh đáp, không quay lại. "Đúng là bà ấy."
Ông ta nói với bản thân nhiều hơn với chúng tôi, và tôi có cảm tưởng, ông cũng chẳng ý thức được mình đang nói.
"Ông có cần thêm ánh sáng?" Ferdinand hỏi.
Ông chủ tiệm bánh không trả lời.
Ferdinand tiến tới, chỉnh lại vị trí của giá vẽ. Rồi anh lùi bước, gật đầu ra hiệu cho tôi đi qua một căn phòng nhỏ, cạnh xưởng vẽ.
"Tôi thật không ngờ," anh nói, ngạc nhiên. "Bức tranh đã đánh động cõi lòng của cái máy giảm giá cằn cỗi ấy! Ông ta khóc nức nở --"
"Ai cũng có lúc để cảm xúc trào dâng," tôi trả lời. "Có điều, với ông ấy, đã quá muộn."
"Quá muộn," Ferdinand nói; "luôn luôn quá muộn màng. Việc đời cứ như thế, Bob ạ."
Anh khoan thai đếm bước. "Hãy để ông ấy được yên tĩnh," anh nói. "Cậu nghĩ sao, trong khi chờ đợi, ta làm một ván cờ nhé?"
"Anh có tâm hồn tươi vui lắm, Ferdinand," tôi nói.
Anh ngừng chân. "Tại sao không? Không gây hại mà cũng không làm lợi gì cho ông ấy. Nếu cứ khăng khăng nghĩ về những chuyện buồn ấy, sẽ không ai có thể cười được nữa, Bob ạ."
"Anh nói đúng," tôi đáp. "Vậy mình chơi trò gì nhanh một chút."
Chúng tôi bày bàn cờ ra và bắt đầu. Ferdinand thắng một cách dễ dàng. Anh chiếu bí tôi với con tháp và con giám mục, không cần con nữ hoàng.
"Tôi thật không hiểu anh làm cách nào," tôi nói. "Trông anh như người thiếu ngủ đã mấy đêm. Thế mà anh chơi dũng mãnh như quân cướp biển."
"Những khi buồn, tớ luôn luôn chơi rất khá," Ferdinand trả lời.
"Tại sao anh buồn?"
"Ach, tớ không biết. Bởi vì màn đêm buông xuống. Tất cả những người tốt đều sầu buồn khi chiều đến. Chẳng vì lý do đặc biệt nào. Chung chung như thế thôi."
"Nhưng chỉ khi nào họ cô độc," tôi nói.
"Dĩ nhiên. Giờ của chập chùng bóng tối. Giờ của cô đơn quạnh quẽ. Giờ khi nhâm nhi cognac ngon nhất."
Anh lấy ra chai rượu và hai cái ly. "Chúng ta có nên trở vào gặp ông chủ tiệm bánh không?" tôi hỏi.
"Một phút nữa." Anh rót rượu vào cốc. "Pros't, Bob. Vì tất cả chúng ta rồi sẽ chết."
"Pros't, Ferdinand. Vì chúng ta vẫn còn đây."
"Ấy mà," anh nói, "đôi khi người ta lại không muốn thế. Hãy cạn một ly mừng điều đó."
"Chí lý."
Chúng tôi trở vào xưởng vẽ. Căn phòng tối hơn khi nãy. Ông chủ tiệm bánh với đôi vai so, vẫn còn đứng trước bức tranh. Trông ông ta lạc loài đáng thương trong căn phòng rộng, trống lốc và tôi chợt nhận ra, ông ta càng như nhỏ thó hơn.
"Tôi đóng gói bức tranh lại cho ông nhé?" Ferdinand hỏi.
Ông ta giật mình. "Không."
"Vậy ngày mai, tôi sẽ cho người mang đến?"
"Tôi có thể gởi nó lại đây, được không?" ông chủ tiệm bánh rụt rè hỏi.
"Nhưng tại sao?" Ferdinand ngạc nhiên, và đến gần hơn. "Ông không thích nó hay sao?"
"Có, tôi thích chứ -- nhưng tôi cần để nó lại đây."
"Tôi không hiểu."
Ông chủ tiệm bánh nhìn tôi, cầu cứu. Tôi hiểu -- ông ta sợ phải treo bức tranh trong nhà trước sự hiện diện của con chằng cái tóc đen. Có lẽ, ông ta cũng có một nỗi sợ hãi nào đấy với người đã khuất, sợ phải mang bà về nhà."
"Nhưng Ferdinand," tôi nói, "tranh có thể treo tại đây, được không, nếu trả tiền xong?"
"Thế thì, dĩ nhiên được thôi."
Ông chủ tiệm bánh, yên lòng, lấy từ túi ra một quyển chi phiếu. Hai người đi tới bàn.
"Còn thiếu bốn trăm marks?" ông chủ tiệm bánh hỏi.
"Bốn trăm hai mươi," Ferdinand nói, "đã chiết giảm. Ông cần biên nhận không?"
"Có chứ," ông chủ tiệm bánh nói, "cho ban kế toán."
Trong im lặng, họ viết chi phiếu và biên nhận. Tôi vẫn đứng cạnh cửa sổ và nhìn quanh. Trong ánh nắng chiều, các bức chân dung bị bỏ rơi sáng lờ mờ trong những khung vàng. Chúng trông như bộ sưu tập ma quái của thế giới khác và những cái nhìn chăm chăm của chúng hướng về bức tranh bên cửa sổ, bức tranh sắp được kết nạp, bức tranh mà trên đó, buổi chiều đang rót những giọt nắng sau cùng. Không khí kỳ quặc -- hai cái bóng lom khom ở bàn, bóng tối và rất nhiều chân dung câm nín.
Ông chủ tiệm bánh trở lại cửa sổ. Đôi mắt vằn đỏ của ông như hai viên bi ve, miệng của ông há ra nửa vời, môi dưới trễ xuống để lộ những chiếc răng ố vàng -- cách ông ta đứng đấy, vừa khôi hài, vừa buồn thảm. Ở tầng lầu ngay bên trên xưởng vẽ, một người nào đó bắt đầu gõ những phím dương cầm một bài luyện ngón, mà chuỗi âm thanh lập đi lập lại cùng một điệu. Mỏng manh và than thở. Ferdinand Grau vẫn đứng cạnh bàn. Anh đốt một điếu xì -gà. Ngọn lửa hiu hắt soi gương mặt của anh. Căn phòng tối lờ mờ dường như to rộng lên một cách ghê rợn và xanh rất thẳm, so với đóm lửa đỏ.
"Ông vẫn có thể sửa lại một thứ gì đó, phải không?" ông chủ tiệm bánh hỏi.
"Sửa gì cơ?"
Ferdinand tiến đến. Ông chủ tiệm bánh trỏ vào món nữ trang.
"Ông có thể xóa nó, được chứ?"
Đấy là cái kim vàng cài áo to đùng mà khi đặt hàng, ông ta đã kỳ kèo cho bằng được.
"Được chứ," Ferdinand nói, "thật tình mà nói, nó làm thô gương mặt. Tranh sẽ đẹp hơn nếu xóa nó đi."
"Tôi cũng nghĩ vậy." Ông ta ba hoa một chập nữa. "Tôi phải trả thêm bao nhiêu?"
Ferdinand và tôi nhìn nhau. "Không tốn xu nào cả," Ferdinand nói, quảng đại; "ngược lại, lẽ ra còn phải bù tiền cho ông. Ông thấy không, vẽ ít hơn mà."
Ông chủ hiệu bánh ngửng đầu lên, ngạc nhiên. Trong một thoáng, dường như ông có ý định bàn sâu về chuyện ấy. Nhưng rồi ông dứt khoát: "Ach, không, đừng bận tâm -- nói cho cùng, dù sao ông đã vẽ rồi."
"Điều ấy cũng đúng --"
Chúng tôi ra về. Trên cầu thang bên ngoài, nhìn phiến lưng còng trước mặt, tôi cảm thấy ân hận về ông chủ tiệm bánh, về việc lương tâm của ông đã đánh bại ước muốn thủ lợi với cái kim cài áo. Tôi không muốn dẫn ông ta đi mua xe Cadillac trong tâm trạng hiện tại của ông. Nhưng rồi tôi nhớ rằng, nỗi thương tiếc, đáng tuyên dương biết bao, dành cho người vợ quá cố ấy, ít nhiều gì chỉ khởi dậy bởi cô gái tóc đen ở nhà là một con ngựa bà quá quắt, và thế là tôi lại hăng hái ngay.
"Chúng ta có thể ghé tiệm bánh để bàn bạc," bên ngoài, ông ta nói.
Tôi gật đầu. Rất tiện lợi cho tôi. Ông chủ tiệm bánh cứ ngỡ, trong bốn bức vách của ông, ông ta sẽ mạnh mẽ hơn -- nhưng tôi có sự ủng hộ của cô nàng tóc đen.
Cô ta đợi sẳn ở cửa. "Chân thành chúc mừng bà," tôi nói, trước khi ông chủ tiệm bánh kịp mở miệng.
"Mừng gì cơ?" cô ta lập tức hỏi, ánh mắt long lanh.
"Xe Cadillac của bà," không nao núng, tôi trả lời.
"Anh yêu!" cô ta nhảy cẫng lên, ôm chặt cổ ông ta.
"Nhưng chuyện chưa đâu vào đâu cả," ông cố gỡ tay cô và giải thích. Nhưng cô ta vẫn đeo dính và nghịch ngợm quay ông ta vòng vòng, không để ông ta thốt một lời. Tôi lần lượt thấy sau bờ vai của ông, gương mặt ranh mãnh, con mắt nháy nhó của cô ta và sau bờ vai cô ta, cái đầu như con mọt gạo của ông ta, trách móc, phản kháng vô vọng.
Cuối cùng ông ta cũng rứt ra được. "Chúng ta chưa đạt đến một thỏa thuận nào," ông thở hào hển.
"Có mà," tôi hăng hái nói, "tôi bảo đảm sẽ làm hết sức để giảm năm trăm marks cuối cùng. Ông không phải trả thêm một xu nào ngoài bảy ngàn marks cho chiếc Cadillac. Ông đồng ý chứ?"
"Dĩ nhiên," cô tóc đen nhanh nhảu nói. "Giá ấy, thật quá hời, anh yêu."
"Nín ngay!" Ông chủ tiệm bánh dơ tay khỏi đầu.
"Anh có điên không vậy?" cô ta tấn công. "Lúc đầu, anh nói anh sẽ mua xe, giờ thì anh đứng ỳ ra đấy, nói rằng anh sẽ không mua."
"Không sao, ông ấy sẽ mua." Tôi can gián. "Chúng tôi đã bàn thảo với nhau."
"Vậy thì, anh yêu -- tại sao, anh lại -- " Cô nàng õng ẹo dựa sát người ông ta. Ông ta cố gắng nhích ra nhưng cô nàng đã ép đôi vú căng phồng lên cánh tay ông. Ông ta nhăn mặt tuyệt vọng, nhưng sức kháng cự đã yếu hẳn.
"Chiếc xe Ford -- "ông ta nói.
"Sẽ chi trả từng phần, dĩ nhiên."
"Bốn ngàn marks?"
"Ông đã tốn đến ngần ấy sao?" tôi thân ái hỏi.
"Xe Ford phải bán với giá bốn ngàn marks, trả từng phần," ông quả quyết. Cuối cùng, ông ta cũng tìm được cách trả đòn sau khi bất ngờ bị tấn công lúc đầu. "Xe tốt y như xe mới."
"Xe mới?" tôi nói. "Sau khi được đại tu như thế?"
"Sáng nay, chính cậu cũng nhận là xe tốt như mới mà."
"Sáng nay, đấy lại là chuyện khác. Mới hay không -- tùy theo, ta là người bán hay người mua. Với giá bốn ngàn marks, xe Ford của ông phải có cảng bằng vàng."
"Bốn ngàn marks, không chịu thì thôi," ông chủ tiệm bánh bướng bỉnh nói. Ông ta đã hồi phục bản tính cũ và rõ ràng, muốn sửa chữa những tình cảm ủy mị mới đây.
"Vậy, au revoir," tôi trả lời, và quay sang cô tóc đen. "Tôi rất tiếc, bà ạ -- nhưng tôi không thể mua bán thiệt thòi như thế. Chúng tôi không lãi đồng nào với chiếc Cadillac, vì thế, tôi không thể mua vào chiếc Ford cũ với cái giá trên trời. Tạm biệt."
Cô ta giữ tôi lại. Đôi mắt tóe lửa, cô ta tấn công ông chủ tiệm bánh khiến ông ta chẳng biết nên tiến hay lùi. "Anh đã nói hàng trăm lần là chiếc Ford không đáng giá gì hết," cuối cùng, cô ta rít lên, nước mắt đoanh tròng.
"Hai ngàn marks," tôi nói. "Hai ngàn marks, mặc dù giá ấy chết người."
Ông chủ hiệu bánh im lìm.
"Nào nào, nói gì đi chứ. Anh đứng đây làm gì mà không chịu mở miệng? cô nàng tóc đen tát yêu ông ta.
"Xin ông bà thứ lỗi," tôi nói. "Tôi phải đi lấy chiếc Cadillac. Khi tôi trở lại, có lẽ ông bà đã thảo luận xong."
Tôi có cảm tưởng nếu tôi biến đi thì tốt hơn. Tóc đen sẽ tiếp tục công việc dùm tôi.
Một giờ sau tôi lại có mặt ở đấy. Tôi thấy ngay, cuộc cải vã đã được giải quyết bằng cái phương pháp giản dị nhất. Y phục của ông ta hơi nhàu và một cái lông ngỗng trong chăn còn vướng trên áo khoác -- còn cô tóc đen, trái lại, mắt ngời sáng, vú rung rinh; và cô ta mỉm cười, mãn nguyện và xảo quyệt. Cô ta đã thay y phục, và mặc một chiếc áo đầm lụa mỏng, dán sát người. Khi không bị chú ý, cô ta gật đầu với tôi, và nháy mắt ra hiệu là mọi việc đều ổn thỏa.
Chúng tôi lái thử. Tóc đen ngồi gọn gàng, thoải mái trên cái ghế rộng và liếng thoắng nói không ngừng. Tôi ước gì mình có thể quẳng cô ả qua cửa sổ, thế nhưng tôi vẫn cần sự có mặt của cô ta. Ông chủ tiệm bánh ủ rũ ngồi cạnh tôi. Ông ta thương tiếc trước cho số tiền sẽ chia tay -- có lẽ, đó là sự thương tiếc chân thành nhất.
Chúng tôi dừng xe trước nhà ông chủ tiệm bánh, rồi đi vào. Ông ta bước qua phòng khác để lấy tiền. Trông ông ta già sụm, và tôi nhận ra, tóc của ông đã phải nhuộm.
Tóc đen lướt tay ve vuốt cái áo đầm của ả. "Chúng ta làm chuyện ấy cừ thật, phải không?"
"Vâng," tôi ngần ngừ nói.
"Anh nợ em một trăm marks cho việc ấy."
"Ach, vậy thì sao?" tôi nói.
"Lão già keo kiệt ấy," cô ta thì thào thân mật, tiến gần tôi, "giàu có lắm. Nhưng cứ thử moi một đồng của lão! Lại còn không chịu làm di chúc nữa cơ. Và dĩ nhiên, sau khi lão đi đời nhà ma, con cái của lão sẽ hưởng trọn gia tài, còn em sẽ bơ vơ nơi đâu? Ngoài ra, chẳng vui sướng gì, lúc nào lão cũng mắng mỏ em --"
Cô ta lại gần hơn nữa và hây hẩy cặp vú. "Vậy, ngày mai, em sẽ qua đấy lấy một trăm marks. Khi nào anh có mặt? Hoặc đi ngang đây?" Cô ta khúc khích cười. "Chiều mai, em ở nhà một mình."
"Tôi sẽ gởi tiền cho bà." tôi nói.
Cô ta lại rinh rích cười. "Anh đích thân mang đến, nhé. Hay là anh sợ?"
Rõ ràng, cô ta nghĩ rằng tôi ngây thơ, và phải nói huỵch toẹt cho tôi hiểu.
"Không sợ," tôi nói, "nhưng tôi bận. Ngày mai, tôi phải đi bác sĩ. Bịnh giang mai lâu rồi -- làm đời mất vui."
Nhanh như cắt, cô ta lùi lại, suýt ngã lên chiếc ghế bành bọc nhung. Ngay khi ấy, ông chủ tiệm bánh đi vào. Ông ta nhìn cô ta một cách ngờ vực. Rồi ông ta đếm thành tiếng cọc tiền chất trên bàn. Chậm và lưỡng lự. Cái bóng của ông lung linh theo nhịp đếm trên nền thảm hồng. Khi tôi viết biên lai, tôi bàng hoàng nhận ra, chuyện này đã xảy ra một lần hôm nay -- chỉ có điều, Ferdinand Grau đóng vai tôi. Mặc dù việc này chẳng quan trọng gì, nhưng với tôi, quái dị quá.
Tôi vui vì lại được ra ngoài. Không khí mềm và ấm như mùa hè. Chiếc Cadillac đậu bên lề, hóm hỉnh nháy mắt với tôi.
"Ôi, cám ơn cưng," tôi nói, gõ gõ lên bộ tản nhiệt. "Mau về thăm anh nhé."