Số lần đọc/download: 1318 / 34
Cập nhật: 2016-04-30 17:35:29 +0700
Chương 13
K
ết thúc đợt hoạt động quân sự mùa mưa năm 1966, Sư đoàn 9 được lệnh của Bộ chỉ huy Miền chuyển đội hình sang mặt trận phía tây.
Thế là chúng tôi tạm biệt một chiến trường gắn bó, trở nên thân quen kể từ tháng 4 năm 1965 qua các trận Phước Bình, Phước Long, Đồng Xoài, Đất Cuốc, Bầu Bàng, Căm Se, Dầu Tiếng, Nhà Đỏ - Bông Trang, Cù Đinh, Cần Đâm, Cần Lê, v.v.
Lại lật cánh sang hướng tây Sài Gòn, vì đây là lần thứ hai chuyển hướng hoạt động. Lần thứ nhất vào đầu tháng 5 năm 1966, chúng tôi đã phối hợp ăn ý với lực lượng vũ trang địa phương, tổ chức tập kích đánh thiệt hại nặng chiến đoàn Mỹ ở Bầu Sắn (Tây Ninh), buộc chúng phải chấm dứt cuộc hành quân Bớc-minh-hao được xem là cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ vào chiến khu Dương Minh Châu trong cuộc phản công mùa khô lần thứ nhất.
Lần này trở lại, với định hướng là để củng cố lực lượng, chuẩn bị đón nhận nhiệm vụ mùa khô lần thứ hai.
Thời gian yên tĩnh giữa hai trận đánh sao mà hiếm đến thế.
Một mặt lo tổ chức học tập nâng cao nhận thức tình hình nhiệm vụ mới, củng cố quyết tâm đánh Mỹ; tiếp nhận và bổ sung quân số trang bị vũ khí đưa từ miền Bắc vào (1); tổ chức rút kinh nghiệm một năm đánh Mỹ; mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ thuật, chiến thuật, nhất là các kỹ thuật bắn súng, ném lựu đạn, đâm lê, đánh bộc phá. Mặt khác chỉ huy sư đoàn chúng tôi phân công theo chức trách được giao đi tiếp nhận các chủ trương chỉ đạo của cấp trên.
Vấn đề có ý nghĩa bao trùm xuyên suốt trong thời gian này là lo tổ chức học tập nâng cao nhận thức tình hình, nhiệm vụ, củng cố quyết tâm đánh Mỹ. Sư đoàn 9 đã cùng với lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân Đông Nam Bộ đánh thắng hiệp đầu chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ. Đây là một thắng lợi có tầm quan trọng rất lớn cả về chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Nhiều kinh nghiệm được đúc kết kịp thời đưa vào ứng dụng nhằm vượt qua những khó khăn ác liệt mới mà kẻ thù đã gây ra.
Trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 -1966, để giành lại thế chủ động trên chiến trường, "tìm diệt" chủ lực ta, Mỹ đã huy động lực lượng lớn, phát huy đến mức cao nhất thế mạnh về kỹ thuật, chiến thuật và sức cơ động của chúng. Trong nhiều cuộc hành quân, địch tổ chức mũi thọc sâu trên hướng chính bằng bộ binh cơ giới đánh thẳng vào căn cứ của ta, đồng thời tổ chức mũi vu hồi bằng cơ giới hoặc đổ quân bằng máy bay lên thẳng xuống phía sau làm cho ta gặp khó khăn khi di chuyển hoặc khi cần phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Pháo diện địa của địch (thường từ 48-60 nòng pháo 105 đến 155 ly, 175 "vua chiến trường" được sử dụng trong một cuộc hành quân) bắn phá ác liệt các khu vực chúng nghi ta tập kết lực lượng.
Hoả lực không quân, đặc biệt là máy bay B.52 liên tục đánh phá các căn cứ và chi viện cho các cuộc hành quân.
Trong các trận đánh, địch nhanh chóng tăng cường lực lượng chi viện và dùng hoả lực chặn phía sau đội hình ta; địch còn dùng phi pháo huỷ diệt cả căn cứ trận địa khi bị ta đánh chiếm để vừa sát thương vừa không cho ta thu vũ khí.
Với sự thay đổi thủ đoạn tác chiến khi trong tay có đầy đủ vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, Mỹ đã làm cho nhiều trận đánh của ta không gọn, không bắt được tù binh, không thu được vũ khí. Tổn thất về người và vũ khí của một số đơn vị khá cao. Các bước của một trận đánh không triển khai được. Bộ đội phải cơ động liên tục để tránh bị thương vong vì bom pháo. Mỗi khi trú quân đều phải đào hầm, công sự chiến đấu. sinh hoạt vật chất tinh thần của bộ đội thiếu lớn và không ổn định.
Những biểu hiện ngại bom pháo địch, ngại ác liệt đã xuất hiện trong một số cán bộ, chiến sĩ, ảnh hưởng đến ý chí và quyết tâm chiến đấu, đòi hỏi giải quyết nó không thể một chiều áp đặt, mà phải tiến hành từ nhiều chiều, bằng nhiều biện pháp.
Qua các cuộc họp nghe phổ biến tình hình nhiệm vụ và các lần giao ban định kỳ do Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền triệu tập, chúng tôi tiếp nhận được nhiều thông tin có tầm nhìn xa rộng từ Hà Nội truyền vào.
Ngay từ đầu năm 1966, trong khi sư đoàn 9 đang căng thẳng dàn thế trận đánh bại cuộc hành quân "Đá lăn" của sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ ở Nhà Đỏ - Bông Trang, thì Trung ương, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã liên tục họp bàn, nhận định: "Mặc dầu bị thất bại liên tiếp, đế quốc Mỹ đang ra sức tăng quân và phương tiện chiến tranh, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược hòng giải quyết vấn đề Việt Nam trong những năm 1967 - 1968"(2) với một lực lượng trên một triệu quân, trong đó quân Mỹ có thể lên tới trên dưới 40 vạn(3).
Trong thế trận toàn miền Nam, Đông Nam Bộ gồm cả Sài Gòn - Gia Định có ý nghĩa quan trọng đặc biệt cả về quân sự và chính trị. Một yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định của chiến trường Đông Nam Bộ, là tầm vóc, vị trí của thành phố Sài Gòn (tức thành phố Hồ Chí Minh) nơi nguỵ quyền đặt "thủ đô và Mỹ đặt "Lầu năm góc phương Đông" để điều khiển cuộc chiến tranh xâm lược ba nước Đông Dương.
Oét-mo-len đặt cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong khuôn khổ kế hoạch tác chiến toàn miền Nam. Ông ta bố trí lực lượng khá chu đáo, ít ra là trên văn bản, trên sơ đồ nhằm chặn các cửa ngõ của quân ta tiến xuống các vùng đồng bằng và phụ cận thành phố, thị xã quan trọng, trong khi Mỹ tập trung lực lượng đánh Đông Nam Bộ.
Trong khi phân tích, đoán định sự phát triển phức tạp và đa dạng của tình hình, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu đã đề ra chủ trương tổng thể trên phạm vi toàn quốc, giao nhiệm vụ cho các chiến trường khác phải có kế hoạch hướng sự nỗ lực của mình vào chiến trường chính, "ra sức đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của bọn xâm lược Mỹ, làm thất bại các mục tiêu lớn của chúng, giữ vững thế chủ động, bảo tồn và phát triển lực lượng của ta, tạo điều kiện và thời cơ cho các hoạt động lớn tiếp theo"(4); đồng thời đẩy mạnh chiến tranh nhân dân đất đối không ở miền Bắc, kiên quyết "đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tăng cường lực lượng kinh tế và quốc phòng, ra sức giữ vững và mở rộng các con đường hành lang, bảo đảm tăng cường chi viện cho miền Nam"(5).
Rõ ràng do vị trí đặc biệt, ở Đông Nam Bộ sẽ diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch trong mùa khô 1966 - 1967. Tháng 4 năm 1966, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập Khu uỷ và quân khu Trị - Thiên - Huế, tách khỏi Khu 5. Tháng 6, Quân uỷ Trung ương quyết định lập Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, mở ra một hướng tiến công mới, buộc địch phải phân tán lực lương, tạo thuận lợi cho các chiến trường khác trong đó có Đông Nam Bộ hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của mình, trước mắt là mùa khô này.
Tiếp đó Bộ Chính trị chính thức thông qua sáu phương thức tác chiến (6) do Quân uỷ Trung ương trình bày sau nhiều lần thử nghiệm trong thực tiễn. Những phương thức tác chiến được phổ biến vào chiến trường miền Nam ngay sau đó, đã cung cấp cho chúng tôi, những cán Bộ chỉ huy quân sự cao cấp một khối lượng kiến thức quân sự được đúc kết thành những nguyên tắc có sức khái quát cao dễ nhớ vừa chứa đựng chiều sâu lý luận sáng tạo mang tính đặc thù Việt Nam, vừa mang tính tổ chức chỉ đạo thực tiễn, mở ra nhiều định hướng giải quyết các vấn đề chỉ đạo chiến dịch, chỉ huy chiến đấu. Trước mắt, chúng tôi xác định đưa vào nội dung chủ yếu tập huấn cán bộ, nhằm nâng cao kiến thức, đồng thời lấy đó làm căn cứ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm các đợt chiến đấu vừa qua, phục vụ thiết thực cuộc chiến đấu sắp tới.
Thượng tuần tháng 7 năm 1966, Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền họp thảo luận thông qua quyết tâm và kế hoạch hoạt động quân sự mùa khô lần thứ hai. Các anh Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh đều có mặt.
Cuộc họp này tập trung bàn kế hoạch đối phó với cuộc phản công mùa khô lần thứ hai của Mỹ vào chiến trường Đông Nam Bộ, mà chủ yếu là khu vực Dương Minh Châu. Về các vấn đề chung, từ tháng 6, Trung ương Cục và Quân uỷ Miền đã có chủ trương chỉ đạo các tỉnh thuộc B2 và Quân khu 6, gấp rút có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động quân sự và chính trị, tiêu hao tiêu diệt sinh lực tại chỗ kết hợp với chống phá bình định, nhằm thực hiện chủ trương mở chiến dịch Hè Thu phối hợp với Đường 9 đánh bại kế hoạch mùa mưa của địch; đồng thời có kế hoạch sẵn sàng phối hợp tác chiến quân sự đánh địch ở vòng ngoài, nếu địch mở cuộc phản công vào vùng căn cứ của ta.
Cũng từ tháng 6 năm 1966, được các thông tin về chỉ đạo từ Hà Nội gửi vào, từ nguồn thông tin tình báo chiến lược cung cấp các tin kỹ thuật thu qua sóng điện, lãnh đạo và chỉ huy Miền đã đoán được chính xác âm mưu thủ đoạn địch trong cuộc phản công mùa khô lần thứ hai, đã có phương hướng chỉ đạo ban đầu gấp rút củng cố lại việc phòng thủ căn cứ, xây dựng mạng lưới chiến tranh nhân dân trong vùng căn cứ ít dân.
Vì vậy cuộc họp này các anh bàn những vấn đề cụ thể.
Các anh Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng phát biểu ngắn gọn, nhấn mạnh những điểm có tính định hướng nhưng sát sườn cho việc xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể: Đây là cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ - nguỵ, là hướng chủ yếu của gọng kìm thứ nhất của địch nhằm đánh phá căn cứ, tìm diệt cơ quan lãnh đạo Miền và sư đoàn 9, giành thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định cho cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai, tạo ra bước ngoặt làm chuyển biến cục diện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán Đánh bại cuộc hành quân này có ý nghĩa lớn làm thất bại gọng kìm thứ nhất của địch trên chiến trường Đông Nam Bộ, sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến gọng kìm "bình định" của địch, tạo điều kiện giành thắng lợi cả năm 1967; bảo vệ được căn cứ, bảo vệ được cơ quan, kho tàng sẽ có ảnh hưởng lớn về mặt quân sự, chính trị.
Quyết tâm của Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền là động viên mọi lực lượng, lập thế trận chiến tranh nhân dân hợp lý thực hiện phòng thủ căn cứ theo phương chãm bám trụ chiến đấu tại chỗ, kiên quyết đánh bại cuộc phản công của địch, khó mấy cũng phải làm.
Lúc này tôi được Trung ương Cục, Quân uỷ Miền quyết định giữ chức phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền, đồng thời giao luôn cả công việc dự thảo kế hoạch tác chiến trình ra hội nghị để các anh xem xét.
Tôi rất lo, nhưng là mệnh lệnh, là chỉ thị phải chấp hành, tự nhủ cứ làm hết khả năng của mình, mạnh dạn nêu ra những suy nghĩ của mình để các anh lãnh đạo cho ý kiến.
Đúng là lúc này chỉ có hai cách lựa chọn. Hoặc đối mặt với kẻ thù đánh bại ý đồ thâm độc của địch, giữ vững căn cứ, hoặc rút lui lên tận biên giới Campuchia, tạo cơ hội khác tiến công chúng.
Nhưng chúng ta đã chọn cách thứ nhất, vì vai trò vị trí của chiến trường Đông Nam Bộ trong thời điểm đó, đặc biệt là khu vực chiến khu C.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của các anh lãnh đạo Miền, mà trực tiếp là anh Trần Văn Trà tư lệnh trưởng, thay mặt bộ phận được phân công chuẩn bị kế hoạch tác chiến, tôi trình bày những vấn đề cụ thể, tập trung vào một số nội dung chủ yếu.
- Một là, thực hiện vũ trang hoá cơ quan thành lực lượng chiến đấu, tiến hành xây dựng công sự hầm hào để thực hiện đánh địch tại chỗ; tiến công địch trên các hướng trước mặt, bên sườn, luồn sâu vu hồi phía sau lưng địch, không để địch phân tuyến, bắt chúng phải đánh theo cách đánh của ta.
- Hai là, khẩn trương hình thành thế trận phòng thủ bằng lưới mìn, bằng lực lượng dân quân tự vệ, bằng lực lượng chủ lực phối hợp hỗ trợ tiến công ngay từ trận đầu và đánh liên tục.
- Ba là, ta bí mật bao vây chia cắt thực hành tập kích, phục kích và vận động phục kích, quấy rối đánh nhỏ tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch bảo vệ bệnh viện, kho tàng, đồng thời sẵn sàng đánh những trận then chốt, diệt từng bộ phận quân địch, v.v.
Bằng phẩm chất kiên nghị, bằng sự lịch lãm được tích luỹ qua năm tháng chiến đấu ở một chiến trường đầy sôi động, các anh lãnh đạo Miền sau khi nhận xét, trao đổi những vấn đề của bộ phận chuẩn bị trình ra, đã chính thức thông qua kế hoạch tổ chức và chiến đấu đánh địch, bảo vệ căn cứ như sau:
1. Nhằm thực hiện thống nhất chỉ huy các lực lượng tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân, lãnh đạo Miền quyết định các ngành dân chính đảng đóng ở đông, tây đường 22 đến giáp sông Vàm Cỏ được tổ chức thành sáu huyện căn cứ (7). Số 2.000 cán bộ công nhân viên cơ quan này tổ chức thành sáu đại đội cơ động của huyện làm nhiệm vụ bộ đội địa phương; 1.200 du kích cơ quan làm nhiệm vụ chiến đấu tại chỗ. Các cơ quan, bệnh viện, công xường, kho tàng trực thuộc Bộ chỉ huy Miền đóng từ đông đường số 4 đến giáp sông Sài Gòn chia thành bảy khu vực được tổ chức thành bảy huyện căn cứ(8): số 3.000 cán bộ, chiến sĩ nhân viên thuộc Bộ chỉ huy Miền được tổ chức thành bảy đại đội cơ động làm nhiệm vụ bộ đội địa phương huyện; 2.000 cán bộ chiến sĩ còn lại tổ chức thành lực lượng du kích cơ quan chiến đấu tại chỗ. Trong mỗi "huyện" phân chia thành nhiều "xã". Thủ trường cơ quan giữ chức "huyện đội trưởng", "xã đội trưởng". Nhân viên các cơ quan, chiến sĩ các đơn vị tập hợp thành các đơn vị du kích, được trang bị vũ khí, kể cả súng chống tăng B.40, mỗi cơ quan đơn vị được dự trữ ba tháng lương thực.
2. Nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não Miền và sư đoàn 9, đánh phá căn cứ, kho tàng, địch sẽ tổ chức phản công ồ ạt, trước hết chúng đổ quân chặn biên giới, đóng chốt các điểm Mi Mốt, Cà Tum, Trảng Ba Vũng; đồng thời đổ bộ trực thăng kết hợp với bộ binh cơ giới từ phía nam thọc sâu theo hai đường số 22 và đường số 4, từ đó phân thành nhiều mũi thực hành bao vây chia cắt vu hồi phía sau, đánh xuyên qua từng khu vực nhằm chụp bắt cơ quan lãnh đạo, bao vây tiêu diệt các đơn vị chủ lực, triệt phá kho tàng.
3. Hướng tác chiến chủ yếu của ta nhằm vào các khu vực:
- Thực hành phản công trong căn cứ là các điểm: trên lộ 4, đoạn từ Bầu Cỏ - Cà Tum; trên lộ Kiểm, đoạn từ Chà Dơ - Bổ Túc; trên lộ Đá Đỏ, đoạn từ Sóc Con Trăng - Suối Ngô.
- Các khu vực chọn sẵn để đánh các trận then chốt: trên lộ 4 gồm các điểm Bầu Cỏ - Đồng Pan, Cà Tum; trên lộ Kiểm gồm các điểm Chà Dơ, Đồng Rùm, Bổ Túc; trên lộ Đá Đỏ gồm các điểm Sóc Con Trăng, Bà Chiếm, Suối Ngô.
4. Hướng phòng thủ chủ yếu trong căn cứ: khu vực Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền.
5. Hướng tác chiến bên ngoài căn cứ: đường 13 đoạn từ Chơn Thành - Bầu Bàng, khu vực Sài Gòn - Gia Định, Tây Ninh và Bình Dương.
6. Hướng nghi binh thu hút địch: huyện Tà Đạt.
7. Nhiệm vụ chiến đấu của các đơn vị:
- Lực lượng du kích cơ quan, phân đội bảo vệ kiên quyết bám trụ căn cứ, bám sát kìm chế tiêu hao địch, thực hành tiêu diệt nhỏ, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực tập trung tiêu diệt từng bộ phận quân địch. Lực lượng bộ đội địa phương trong căn cứ bám sát, liên tục tiêu hao và tiêu diệt nhỏ, phối hợp với chủ lực trong các trận đánh then chốt trên địa bàn phụ trách.
- Lực lượng chủ lực hỗ trợ các hoạt động của các đơn vị du kích cơ quan, sẵn sàng đánh một số trận thối động, đồng thời tích cực kìm chế cầm chân địch, tiêu hao rộng rãi và tiêu diệt nhỏ nhằm bảo vệ cơ quan. Cụ thể sư đoàn 9 vừa làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung ương Cục vừa tổ chức đánh địch bảo vệ căn cứ; Sư đoàn 5 vẫn đứng chân ở khu vực Bà Rịa - Long Khánh, đánh phối hợp vòng ngoài, phân tán lực lượng địch, hỗ trợ chính diện khu vực căn cứ.
- Lực lượng vũ trang địa phương các tmh Tây Ninh, Bình Long, Bình Dương đẩy mạnh hoạt động phối hợp chiến trường, nhằm lúc địch tập trung lực lượng đi càn quét để lộ nhiều sơ hở, tiêu diệt bọn bình định và đánh phá các hậu cứ, thị xã trong vùng chúng kiểm soát.
Ý đồ của các anh lãnh đạo và chỉ huy Miền là trong thời gian đầu của cuộc hành quân, tìm mọi cách bao vây, chia cắt, tiêu hao tiêu diệt quân địch, cầm chân chúng; vừa đánh vừa chuẩn bị tốt hơn nữa thế trận, vừa củng cố lực lượng để đánh lâu dài với chúng, không cho chúng vô hiệu hoá căn cứ, tiêu diệt chủ lực ta, làm cho địch nản chí, cuối cùng buộc phải rút trong khi quân còn đông, vũ khí phương tiện chiến tranh còn nhiều nhưng vì không chịu nổi cách đánh của ta mà phải bỏ cuộc.
Sau cuộc họp, thể theo nguyện vọng cá nhân, các anh lãnh đạo Miền cho tôi được tạm hoãn thực thi chức trách Phó tham mưu trường Miền, về lại sư đoàn 9 tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ căn cứ.
Vừa thấy tôi anh Lê Văn Tưởng, chính uỷ thân mật nắm tay tôi nhưng cũng dứt khoát như để lãnh đạo tư tưởng tôi.
- Vậy là Năm Thạch lại về! - Anh quay ra nói vớỉ mọi người như khẳng định - Không tăng cường, không đốc chiến gì hết mà trở về với sư đoàn, thuộc quân số sư đoàn.
Tôi nắm chặt tay anh, lắc mạnh đáp lại tình cảm gắn bó giữa hai người và chia vui với anh:
- Báo cáo chính uỷ! Tôi được lệnh cấp trên điều về đây giữ chức sư trường, xin chính uỷ phân công.
Các anh trong Bộ tư lệnh sư đoàn và các cán bộ chiến sĩ trong cơ quan sư đoàn bộ ùa đến bắt tay, chúc sức khỏe tôi.
Nhiều câu hỏi chờ đợi được dịp bung ra.
- Nhiệm vụ cụ thể của sư đoàn, ở hướng nào?
- Có thêm lực lượng ngoài Bắc vào không?
- Sư đoàn ta có được bổ sung quân số, vũ khí?
- Chỉ có sư đoàn 9 chúng ta - Tôi trả lời.
Không khí hồ hởi như chùng xuống, tôi đưa mắt lướt nhanh một lượt. Những người xung quanh như có gì khó hiểu, kèm theo cả thất vọng.
Vẫn biết thời gian đang rất khẩn trương, cũng không nên để anh em chứa đựng kéo dài cái khó hiểu nơi tâm tư mình. Tôi nói tiếp:
- Các đồng chí ạ! Trận chiến cũng như cờ tướng. Bên thắng không phải lúc nào cũng nhiều quân, nhiều lúc chỉ một tốt vượt hà là làm nên chuyện. Bên thua không phải hết quân mà là nhiều quân, tượng xe còn cả. Vấn đề là thế trận. Nếu có thế tốt, lực ít hoá nhiều. Ngược lại lực nhiều mà thế bất lợi, lực khó phát huy được sức mạnh. Đúng như Bác Hồ đã dạy:
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí
Gặp thời, một tốt cũng thành công.
Một cuộc họp bộ tư lệnh mở rộng được triệu tập để nghe tôi thông báo sơ bộ về chủ trương, kế hoạch chiến đấu bảo vệ căn cứ đã được lãnh đạo Miền thông qua, làm cơ sở để chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác chuẩn bị, sẵn sàng thích ứng với tình huống phức tạp và khẩn trương đang diễn ra.
Sau khi trình bày quyết tâm chung của Miền, tôi nói tiếp nhiệm vụ của sư đoàn 9 là vừa làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung ương Cục, vừa tổ chức chiến đấu tiêu diệt địch. Hai yêu cầu này có quan hệ nhân quả với nhau cần được quán triệt từ nhận thức thông suốt đến các biện pháp thực hiện cụ thể.
Không có câu hỏi nào nêu ra trao đổi. Tôi trình bày tiếp về tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Miền.
Đúng là lực lượng làm nhiệm vụ đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của Mỹ ở Đông Nam Bộ mà chủ yếu tập trung vào mục tiêu chiến khu Dương Minh Châu chỉ có sư đoàn 9 chúng ta. Lúc đầu chính tôi cũng phân vân về lực lượng đảm nhiệm quá ít, e có khó khăn. Cũng định nêu vấn đề này với anh Trần Văn Trà. Nhưng chưa kỉp đặt ra thì trong quá trình dự họp, được trao đổi cùng các anh lãnh đạo và chỉ huy Miền, vấn đề đã được sáng tỏ, tự mình tiêu luôn cái phân vân một cách êm ả, như chắng có nó ở trong đầu. Chỉ một sư đoàn 9 được tăng cường trung đoàn 16 nhưng chúng ta chiến đấu trong thế trận chiến tranh nhân dân, một thế trận vừa huyền thoại vừa hiện thực, có đủ thành phần ba thứ quân.
- Lấy đâu ra ba thứ quân? - Có ý kiến hỏi.
Đúng là căn cứ Dương Minh Châu hiện chỉ còn 800 dân theo đúng nghĩa đen của nó, nhưng lại sống phân tán. Trước tình hình đó, lãnh đạo Miền đã quyết định tất cả gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thuộc các cơ quan Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền sẽ được trang bị vũ khí, phân chia thành các ]ực lượng bộ đội địa phương và du kích cơ quan "huyện", "xã" là những khu vực cơ quan, đơn vị bộ đội đóng trụ sở.
Với gần 5.000 bộ đội dịa phương, du kích cơ quan đều là những cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có nhận thức cao về trách nhiệm chiến đấu vì sự nghìệp độc lập, thống nhất Tổ quốc, được thử thách thực sự trong khói lửa chiến đấu, thạo địa hình, lại được trang bị vũ khí, được phân công phân nhiệm rõ ràng, được chuẩn bị sẵn trận địa, thiết bị chiến đấu, đó là một lực lượng mạnh và tinh. Tất cả đều được bố trí vừa rộng về diện vừa hiểm về thế cài răng lược, không cho địch phân tuyến, sẽ đủ sức bám trụ chiến đấu tại chỗ có hiệu quả; đồng thời sẽ phối hợp và hỗ trợ tốt cho sư đoàn 9 chúng ta có điều kiện rảnh tay, tập trung lực lượng vào những trận đánh then chốt khi có thời cơ.
Tất nhiên còn phải chờ thực tế trả lời. Nhưng ngay từ lúc này, trên bình diện chủ trương và biện pháp tổ chức thực hiện, tôi thấy đây là một sáng tạo của chúng ta trong việc vận dụng quan điểm chiến tranh nhân dân của Dảng vào điều kiện cụ thể của tình hình cũng rất cụ thể. Không thể có cách nào hơn để tạo lực, tạo thế đánh địch trong lúc thật hiểm nghèo này, nếu chúng ta chấp nhận sự đối mặt với chúng.
Tiếp theo, các anh trong Bộ tư lệnh tham gia ý kiến. Sau đó anh Lê Văn Tường, chính uỷ sư đoàn kết luận:
- Về biện pháp thực hiện cụ thể thì phong phú, có thể còn nhiều hiến kế bổ sung, nhưng về tư tưởng chỉ có một yêu cầu tất cả chúng ta đồng tâm nhất trí, xác định đầy đủ tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi quyết tâm chiến đấu của Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền.
- Trước mắt chúng ta cần hoàn thành tốt chương trình rút kinh nghiệm và tập huấn các yêu cầu về chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu cá nhân.
- Đồng thời triển khai công tác chuẩn bị chiến đấu. Tổ chức trao đổi và quán triệt nhiệm vụ của sư đoàn trong tiến công đánh bại cuộc phản công, cần làm rõ mối quan hệ vừa làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung ương Cục, vừa tổ chức đánh địch bảo vệ căn cứ.
Mùa mưa vừa chấm dứt, lợi dụng yếu tố bất ngờ về thời tiết ở Nam Bộ đang chuyển sang mùa khô, tướng Oét-mo-len, tư lệnh quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam ngay từ trung tuần tháng 10 năm 1966, đã ráo riết chuẩn bị cuộc phản công mùa khô lần thứ hai. Mở đầu Mỹ tổ chức một cuộc càn quét nhằm củng cố các tuyến phòng thủ xung quanh Sài Gòn, chuẩn bị bàn đạp nhằm đành đòn bất ngờ vào lực lượng ta ở bắc Tây Ninh.
Nhưng như trên đã trình bày, chúng ta hoàn toàn chủ động trên mọi bình diện chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và chỉ huy chiến đấu được hình thành từ rất sớm, ngay từ mùa khô lần thứ nhất chưa kết thúc. Sự hiện diện của sư đoàn 9 đang còn dở dang nhiệm vụ ở hướng bắc Sài Gòn lật cánh sang hướng tây nam, theo lệnh Bộ chỉ huy Miền là một minh chứng chúng ta đã đi trước kẻ địch trong việc tranh thủ yếu tố thời tiết.
Ngày 2-11-1966, khi ta hoàn thành bước chuẩn bị, các đơn vị đã vào vị trí tập kết và ngày N của trận đánh mở đầu đang tới gần, thì ngày 3 tháng 11 một bộ phận lực lượng của lữ đoàn bộ binh nhẹ 196 của Mỹ đổ quân bằng máy bay lên thẳng xuống trảng trống Bầu Gòn, cách sở chỉ huy sư đoàn 9 khoảng 500 mét. Cán bộ, chiến sĩ cơ quan sư đoàn bộ, nòng cốt là trung đội vệ binh và trinh sát triển khai chiếm lĩnh ngay bìa trảng, đánh lui đợt tiến công của mũi đi đầu, bắn rơi một máy bay lên thẳng, kèm theo "vài chục lính Mỹ bị thương nặng, mất hẳn liên lạc và cây cối gây trở ngại không ai đến cứu được".
Ngay sau đó ít phút, thường vụ và Bộ tư lệnh sư đoàn hội ý nhận định: Mỹ đổ quân xuống khu vực ta đã chuẩn bị, là cơ hội để ta tiếp cận địch, thực hành tiêu diệt chúng, và thống nhất xử lý:
- Thông báo ngay tin đánh thắng trận đầu của trung đội bảo vệ trinh sát sư đoàn đến các đơn vị trong sư đoàn để động viên khí thế.
- Nhắc các đơn vị giữ vững quyết tâm, không được chủ quan, sẵn sàng đánh địch theo kế hoạch chung.
Lệnh bổ sung: trung đoàn 16 chuyển sang đánh địch bảo vệ căn cứ, cụ thể tiểu đoàn 9 hành quân gấp về khu vực Bầu Gòn, tăng thêm lực lượng đánh địch đổ bộ đường không; hai tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 8 hình thành thế trận đánh địch tiến quân theo đường bộ trên đoạn từ Lộc Ninh - Võ Tùng (tỉnh lộ 18 thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh).
Trên thế chủ động, do phán đoán chính xác diễn biến và kịp thời điều chỉnh lực lượng, phân công nhiệm vụ, trong hai ngày 4 và 5 tháng 11, lữ đoàn 196 liên tiếp đổ quân xuống Bầu Gòn, lọt vào trận địa bày sẵn của tiểu đoàn 9, bí tiểu đoàn này đồng loạt tiến công, đánh lui 9 đợt tiến công của địch. "Thiếu tá Me-loi tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, trung đoàn 27 bị thương. trung tá Ba-rốt chỉ huy tiểu đoàn 2 bị chết khi đi cứu viện. Cả một tiểu đoàn của ông ta bị Việt cộng (tức Quân giải phóng) loại khỏi vòng chiến đấu. Khi máy bay đáp tới phòng tuyến thì trời tối đã bật đèn soi bãi đáp nên bị súng cối Việt cộng nã vào. Qua nửa đêm, quân địa phương Suối Cao bị trung đoàn 272 (tức trung đoàn 2) Việt cộng tiến công sở chỉ huy của lữ đoàn 196 cũng bị nã súng cối".
Chiều ngày 5 tháng 11, quân Mỹ rút lực lượng còn lại về hậu cứ để củng cố lực lượng, kết thúc giai đoạn đầu của cuộc hành quân Át-tơn-bo-rơ, có tính chất chuẩn bị chiến trường, chưa có đụng độ lớn. Nhưng lữ đoàn 196 đã bị thiệt hại đáng kể, buộc Mỹ phải chuyển hướng mở rộng quy mô của cuộc hành quân.
Trên hướng đông-nam Sài Gòn, Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ra lệnh ngừng các cuộc hành quân càn quét vào Nhơn Trạch (Biên Hoà), Võ Đắc, Tánh Linh (Long khánh), Nha Mát - Long Nguyên (Thủ Dầu Một), đưa toàn bộ sư đoàn bộ binh số 1 "Anh cả đỏ", lữ đoàn bộ binh 196, lữ dù 173, trung đoàn thiết giáp số 11 và một số đơn vị thuộc sư đoàn bộ binh cơ giới số 25 "Tia chớp nhiệt đới" sư đoàn bộ binh số 4, nâng tổng số quân tham chiến lên tới 30.000 tên, 300 xe tăng thiết giáp, 100 khẩu pháo và nhiều lần chiếc máy bay lên đối phó với ta.
Đây là cuộc hành quân lớn đầu tiên của Mỹ ở Đông Nam Bộ và cả chiến trường miền Nam nói chung trên một diện rộng từ Trảng Bàng đến Gò Dầu trên đường số 1 và Trại Đèn bên quốc lộ 13 với mục đích cao hơn giai đoạn đầu, không phải chỉ nhằm chuẩn bị chiến trường, mà là thăm dò, tạo bàn đạp tiến sâu vào tung thâm căn cứ, "tìm diệt" cơ quan lãnh đạo đầu não và chủ lực ta.
Mặc dầu có khí thế của đánh thắng trận đầu, nhưng chúng tôi vẫn chưa thật yên tâm trước diễn biến mới thật mau lẹ trong giai đoạn hai của cuộc hành quân Át-tơn-bo-rơ đánh vào căn cứ Dương Minh Châu. Quán triệt mệnh lệnh chiến đấu bổ sung của Bộ chỉ huy Miền điện xuống, chúng tôi chuyển toàn bộ đội hình sư đoàn sang phối hợp với quân dân căn cứ Dương Minh Châu và du kích cơ quan khu B, chiến đấu bẻ gãy cuộc hành quân. Một thế trận chiến đấu phối hợp ba thứ quân đã diễn ra liên tục có hiệu quả trên toàn mặt trận. Sư đoàn 9 đã hỗ trợ tạo điều kiện cho các đơn vị du kích cơ quan Trung ương Cục hậu cần Miền, cơ quan B5, cơ quan thông tin huyện Tà Đạt tiểu đoàn 70 bảo vệ mở những trận tiến công nhỏ lẻ, diệt gần 300 Mỹ, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy 19 xe tăng, thiết giáp.
Ngược lại với những trận tiến công nhỏ lẻ tiêu hao đều khắp của du kích cơ quan kể trên, sư đoàn 9 có điều kiện bứt ra tổ chức lực lượng bám trụ đánh địch trên đường liên tỉnh 4; cử một bộ phận đánh vào phía sau, phối hợp với quân dân Tây Ninh đánh địch ở vòng ngoài. Trong những ngày chống cuộc hành quân Át-tơn-bo-rơ mở rộng, Trung đoàn 1 với tinh thần chủ động, phát huy cách đánh bằng lực lượng nhỏ tổ chức được nhiều trận phục kích, đánh địch càn quét, phá huỷ 8 xe M.113.
Ngày 18 tháng 11, quân Mỹ buộc phải co lại, điều chỉnh kế hoạch hành quân.
Ngay lúc đó Bộ chỉ huy Miền điện xuống lệnh cho sư đoàn cần có kế hoạch bám đánh địch trên đường chúng rút. Chúng tôi triển khai thực hiện mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Miền không mấy khó khăn, vì ngay từ đầu sư đoàn đã xác định phải bám đường 4 vì địch tiến quân hay lui quân thường phải dựa vào con đường này. Liên tiếp trong ba ngày 21, 22 và 25 thánh 11 các trung đoàn 1, 16 và trung đoàn 2 tổ chức tiến công Mỹ ở Tà Đạt Suối Đá Dầu Tiếng loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, phá huỷ 1 pháo 105 ly, 5 máy bay lên thẳng.
Ngày 26 tháng 11, tướng Oét-mo-len buộc phải kết thúc cuộc hành quân. "Bắt dầu chỉ là lữ đoàn 196 nống ra có tính chất thăm dò, chuẩn bị chiến trường, sau hút cả sư đoàn bộ binh số 1, ba lữ đoàn không vận, kỵ binh thiết giáp khác với yêu cầu cao hơn đánh thẳng vào căn cứ Dương Minh Châu nhưng đã thất bại. Vào những ngày kết thúc cuộc hành quân, MACV buộc phải kết luận, lữ đoàn 196 đã sứt mẻ nặng, buộc tướng một sao Đờ-xớt xuya chuyển sang lực lượng pháo binh dã chiến, giao cho tướng một sao Nâu chỉ huy lữ đoàn này. Lục quân Mỹ phải đẩy thêm nhiều quân Mỹ vào Việt Nam, cho thấy dấu hiệu ở chiến trường ngày thêm căng thẳng".
Rút kinh nghiệm đánh bại cuộc hành quân Át-tơn-bo-rơ, Bộ chỉ huy Miền khẳng định mạnh mẽ hơn nữa phương châm chỉ đạo bám trụ đánh địch tại chỗ là hoàn toàn có cơ sở và hạ quyết tâm: động viên mọi lực lượng cơ quan, đơn vị trong căn cứ bám trụ chiến đấu tại chỗ, phối hợp với một bộ phận chủ lực mở chiến dịch phản công, kiên quyết đánh bại cuộc hành quân quy mô của địch, bảo vệ căn cứ, bẻ gãy gọng kìm "tìm diệt" để hỗ trợ phá vỡ gọng kìm "bình định", tạo điều kiện giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định trong năm 1967.
Sư đoàn 9 sau đợt chiến đấu góp phần đánh bại cuộc hành quân Át-tơn-bo-rơ của Mỹ, được bồ sung quân số, vũ khí từ mỉền Bắc vào theo đường Trường Sơn. Toàn sư đoàn được đổi mới trang bị, bằng hệ vũ khí CKC, AK, B.40, được tăng cường một tiểu đoàn súng cối 120 ly mang vác, một tiểu đoàn súng trọng liên 12,7 ly (9) và triển khai thế trận mới: Trung đoàn 1 đứng chân tây đường 22, Trung đoàn 2 đứng chân tại Chà Dơ, Trung đoàn 16 ở Suối Dây, Trung đoàn 3 sang Phước Sang đường 13.
Tuy nhiên Mỹ vẫn chưa từ bỏ ý định mở các cuộc hành quân thăm dò, nghi binh thu hút làm lạc hướng phán đoán của ta, nhằm đảm bảo chắc ăn cho một cuộc triển khai lực lượng lớn đánh vào chiến khu C. Đó là cuộc hành quân tiếp theo mang mật danh Xê-đa-phôn tiến hành từ ngày 8 tháng 1 đến 26-1-1967
Với lực lượng cỡ quân đoàn(10) đánh vào vùng "tam giác sắt"(11) với mục đích củng cố và nới rộng vành đai an ninh phía bắc Sài Gòn, diệt, đẩy chủ lực ta ra xa, "tìm diệt" cơ quan lãnh đạo kháng chiến của thành phố Sài Gòn - Gia Định, chuẩn bị bàn đạp đánh vào căn cứ Dương Minh Châu.
Cũng cần nói thêm, bản thân cuộc hành quân cấp quân đoàn này đã không có sự nhất trí của những người cầm đầu quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam lúc đó. Trước hết, Bộ tư lệnh dã chiến Mỹ đóng ở Biên Hoà không chấp nhận mở cuộc hành quân, để tập trung lực lượng xâm nhập vào chiến khu Dương Minh Châu. Nhưng tướng Oét-mô-len là tư lệnh chỉ huy chung có tham vọng lớn hơn, muốn cùng một thời gian mở cuộc hành quân Xê-đa-phôn nhằm bứng "Việt cộng" (tức Quân giải phóng) ra khỏi nơi đây với kế hoạch dùng sư đoàn 25 và lữ đoàn 196 ngược sông Sài Gòn làm cái đe. Sau đó dùng sư đoàn 1, lữ đoàn 173 và trung đoàn 11 thiết giáp từ phía đông đánh thẳng vào khu "tam giác sắt", cắt nó ra làm đôi đặt đối phương lên đe mà nện. Như vậy, sẽ có một bàn đạp đánh vào Dương Minh Châu.
Nhưng ta, bằng phương thức phối hợp tiến công rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương với tác chiến của một bộ phận đơn vị chủ lực đánh vào các mục tiêu chủ yếu, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, buộc tướng Oét-mo-len phải kết thúc cuộc hành quân, sau khi chỉ dồn được 15.000 dân về thị xã Thủ Dầu Một.
Đặc biệt từ ngày 2 tháng 2 đến 21-2-1967 (trước cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty 20 ngày) địch liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét cấp sư đoàn. Không kể cuộc hành quân Bíc-sprinh của sư đoàn 1 và lữ đoàn 173 ngày 1 tháng 2 đến 16 tháng 2 vào khu vực Sìng Bà Đá thuộc chiến khu Đ, riêng ở khu vực Dương Minh Châu đã có hai cuộc hành quân nhằm tiêu hao lực lượng ta, tạo thế cho các bước hoạt động quân sự sau đó. Đó là cuộc hành quân Gát-xđen từ ngày 2 tháng 2 đến 21 tháng 2 của sư đoàn 22 đánh vào tây đường 22 đến sát biên giới Campuchia, chốt lại các điểm Lò Gò, Cần Đăng, Tà Xia; cuộc hành quân Túc Sơn từ 14 tháng 2 đến ngày 18 tháng 2 do lữ đoàn 1, sư đoàn 1, một bộ phận lữ đoàn 3, sư đoàn số 4 thực hiện đánh vào Váu Tám, Thị Tính - đông sông Sài Gòn thuộc khu vực Long Nguyên, nhằm tạo địa bàn cho lực lượng hành quân từ quốc lộ 13 đánh vào khu vực căn cứ.
Ngay sau khi cuộc hành quân Xê-đa-phôn kết thúc, lãnh đạo và chỉ huy Miền nhận định: Địch sẽ dốc toàn lực mở cuộc tiến công lớn đánh sâu vào căn cứ của ta, nhằm diệt cơ quan đầu não và lực lượng chủ lực của ta, cố giành thắng lợi có tính quyết định. Vì vậy cần có chủ trương động viên mọi lực lượng cơ quan, đơn vị có mặt trong chiến khu bám trụ, chiến đấu phối hợp với bộ đội chủ lực kiên quyết phản công và tiến công, quyết đánh bại cuộc hành quân đầy tham vọng của địch, giữ vững căn cứ.
Đến đây, công tác chuẩn bị có được định hướng rõ ràng, đã tnển khai với nhịp độ tích cực, khẩn trương hơn.
Cùng với các lực lượng dân, chính, đảng, Sư đoàn 9 đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ không chỉ bằng mồ hôi, công sức mà cả bằng máu xương đổ xuống qua đụng độ với kẻ thù trong các cuộc hành quân chuẩn bị nhằm nghi binh, thăm dò, tạo thế của địch(12). Nhưng lúc này đây sau khi nghe ý kiến nhắc nhở động viên của cấp trên qua điện thoại - Quyết đánh và quyết thắng cuộc hành quân lớn của địch, giữ vững căn cứ kháng chiến sao mà thiêng liêng đến thế!
Mảnh đất mà chúng tôi đang đứng, có nhiệm vụ xả thân để bảo vệ là mảnh đất mang cái tên thân thương trìu mến vô cùng! - Căn cứ khu B (địch gọi là chiến khu C) thuộc địa phận bắc huyện Dương Minh Châu (sau tách ra lập huyện Tân Biên) tỉnh Tây Ninh, nằm giữa hai sông Vàm Cỏ ở phía tây và sông Sài Gòn ở phía đông. Trong kháng chiến chín năm, nơi đây là một trong những căn cứ địa của miền Đông và là chỗ đứng chân của Xứ uỷ Nam Bộ, của Phân khu uỷ và Bộ tư lệnh miền Đông cho đến ngày lực lượng vũ trang ta tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Trong kháng chiến chống Mỹ, từ 1958 Xứ uỷ Nam bộ đã có chủ trương xây dựng nơi đây thành căn cứ tây-bắc làm chỗ dựa cho Xứ uỷ và là nơi thành lập lực lượng vũ trang đầu tiên của miền Đông. Ở đây cũng đã diễn ra các trận Minh Thạnh (10-1958), Tua Hai (1-1960), mở đầu phong trào đồng khởi của Đông Nam Bộ. Sau đồng khởi, khu B trở thành căn cứ chủ yếu của Xứ uỷ Nam Bộ, sau đó là Trung ương Cục Uỷ ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ chỉ huy quân sự Miền, đài phát thanh Giải phóng.
Trong giai đoạn "chiến tranh đặc biệt", quân đội nguỵ Sài Gòn đã mở nhiều cuộc hành quân đánh vào căn cứ, nhưng cũng chỉ đến vùng ven. Từ năm 1965, khi quân Mỹ nhảy vào trực tiếp tham chiến, trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất, trên hướng bắc, tây-bắc địch đã mở liên tiếp 13 cuộc hành quân cấp lữ đoàn, sư đoàn tăng cường, cũng chỉ đánh vào các khu căn cứ lõm của ta nhằm đẩy chủ lực ta ra xa vành đai bảo vệ thành phố Sài Gòn và các đô thị vùng ven.
Giờ đây căn cứ khu B nổi lên như một khu căn cứ đầu não lãnh đạo cách mạng toàn Miền, được coi như là vùng bất khả xâm phạm, đã được tướng bốn sao Oét-mo-len, tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam đưa vào mục tiêu chủ yếu cần phải đánh phá trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong khuôn khổ của chiến lược "tìm diệt".
Hầu như mỗi chúng tôi, những cán Bộ chỉ huy quân sự và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố thuộc chiến trường B2 đều ít nhất có một lần đặt chân lên mảnh đất có diện tích khoảng 1.500 ki-lô-mét vuông này. Ấy là những ngày về báo cáo, nhận chỉ thị của Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền về tổ chức các đợt hoạt động quân sự, về các chủ trương xây dựng cơ sở, phát động quần chúng đấu tranh thực hiện phương châm hai chân, ba mũi đánh bại âm mưu xâm lược của kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Những ngày như thế chúng tôi cảm thấy như mình được sống trên mảnh đất của chính mình, mảnh đất có chủ quyền, được thở hít không khí tự do, được sười ấm tình cảm đồng đội đồng chí, được hàn huyên, tâm sự, được tĩnh tâm và thư giãn.
Quá khứ sáng chói, tự hào, lại gìữ vị trí then chốt trong hiện tại mảnh đất đang thực sự là nguồn, là gốc của một điểm tựa, một thế trận vững chắc về chính trị, tinh thần và cả vật chất; nó là nơi để ta tạo lực, tạo thế, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho cuộc chiến đấu.
Rõ ràng để kẻ thù đánh phá nhằm vô hiệu hoá mảnh "đất thánh" này là một xúc phạm không thể chấp nhận!
Tuy biểu hiện có khác nhau, nhưng các cán Bộ chỉ huy sư đoàn chúng tôi đều có một suy nghĩ, một tâm tư chung như vậy trước khi vào trận.
Trong-1-1967, sau khi được bổ sung quân số, vũ khí, tiến hành học tập Nghị quyết Bộ Chính trị, Nghị quyết 4, Trung ương Cục củng cố quyết tâm chiến đấu, rút kinh nghiệm đánh bại cuộc hành quân Át-tơn-bo-rơ, phân công cán bộ sư đoàn, trung đoàn đi nghiên cứu thực địa, chuẩn bị phương án chiến đấu trên các điểm chọn sẵn theo quyết tâm chiến địch của Bộ tư lệnh Miền.
Thực hiện hướng dẫn bổ sung của cơ quan tác chiến cấp trên, hình thành thế đánh của bộ đội chủ lực, chúng tôi điều chỉnh cho các đơn vị vào các trọng điểm dự kiến địch sẽ đổ quân cụm lại hoặc hành quân qua.
Trung đoàn 1 đang tham gia chống cuộc hành quân Gat-xđen ở tây đường 12 chuyển về đứng chân tại khu vực đường 4 phối hợp với du kích cơ quan, bộ đội địa phương đánh nhỏ lẻ ở tây đường 4 đến đường 22, sẵn sàng phối hợp với Trung đoàn 2, Trung đoàn 16 đánh một số trận tập kích tiêu diệt các cụm quân địch dọc đường 4 trên các khu vực Bầu Cỏ, Đồng Pan, Bổ Túc. Sau về làm lực lượng dự bị sư đoàn, đứng ở bắc Bổ Túc.
Trung đoàn 2 đứng chân ở khu vực Chà Dơ, phối hợp với du kích cơ quan, bộ đội địa phương đánh nhỏ lẻ trên các khu vực Võ Tùng, Bà Chiếm, Chà Dơ; sẵn sàng phối hợp với Trung đoàn 16 đánh các trận tập kích tiêu diệt các cụm địch ở Chà Dơ, Đồng Rùm trên lộ Kiểm - Chà Dơ - Bổ Túc, trên đường Đá Đỏ - Bổ Túc - Sóc Con Trăng.
Trung đoàn 16 về đứng chân đông đường 4, khu vực Suối Mây, bến ông Ngọt phối hợp với du kích cơ quan, bộ đội địa phương đánh nhỏ lẻ trên khu vực đông đường 4, sẵn sàng phối hợp với Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 đánh các trận tiêu diệt địch trên đường 4, Lộ Kiểm, Chà Dơ đi Bổ Túc.
Trung đoàn 3 lật cánh sang Phước San - An Tịnh (đông quốc lộ 18) thực hiện nghi binh, kéo dãn đội hình địch, đồng thời tổ chức đánh địch trên đoạn nam, bắc Chơn Tllành, sẵn sàng thọc xuống hoạt động sau lưng địch ở khu vực Bầu Bàng, Bến Cát.
Ở đây cũng cần nói thêm, trong quá trình họp bàn kế hoạch tác chiến, có hai loại ý kiến nêu lên: tình hình thay đổi, không như Bầu Bàng trước đây, lần này địch tập trung ưu thế tuyệt đối cả binh lực và hoả lực, ra quân ồ ạt, ta chỉ có thể phân tán đánh nhỏ; ý kiến khác cho rằng không nên cứng nhắc mà phải có nhiều cách đánh, nhỏ, vừa và đánh lớn.
Đây là một tồn tại thuộc tư tưởng, chứ không đơn thần là nhận thức, cần được giải quyết thông suốt trước khi bước vào chiến đấu. Nhưng giải quyết nó lại không đơn giản, nếu chỉ đơn thuần áp đặt hoặc phê phán một cách võ đoán. Bởi loại ý kiến thứ nhất xuất phát từ thực tế, vì trước đó trung đoàn 2 đã chạm trán với lữ đoàn 196 trong cuộc hành quân Át-tơn-bo-rơ bị địch chống trả rất ác liệt bằng phi pháo, gây thương vong cho ta, một số ít nảy sinh bi quan, dao động.
Sau khi thống nhất trong Bộ tư lệnh sư đoàn, tôi trao đổi lại với các đồng chí chỉ huy trung đoàn và các đơn vị trực thuộc, làm cơ sở tiến hành giải thích cho mọi người thông suốt. Nguyên nhân gây thương vong phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không phải chỉ do kẻ địch có nhiều phi pháo, không phải do tập trung, đánh lớn. Trong thực tế chiến đấu, không phải phân tán đánh nhỏ là ít thương vong hoặc không có thương vong. Ngược lại không phải bao giờ tập trung đánh lớn cũng đồng nghĩa với thương vong nhiều. Vấn đề là ở nghệ thuật chỉ huy, ở trình độ chiến thuật và kỹ thuật chiến đấu cá nhân của mỗi người có thuần thục hay không. Chính vì chúng ta kịp thời rút kinh nghiệm sau chiến dịch Bầu Bàng - Dấu Tiếng, sau đợt hoạt động mùa mưa 1966 đánh địch trên quốc lộ 13; chính vì chúng ta đánh giá địch đúng trong cuộc hành quân này, nên Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ tư lệnh Miền đã đề ra trong bước mở đầu của đợt hoạt động sẽ đánh nhỏ, đánh vừa với quy mô tiểu đoàn, trung đoàn là chính, chỉ đánh lớn khi chắc thắng.
Chú thích:
(1) Trung ương tăng cường cho B2 gồm 3 trung đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn súng máy cao xạ 1 trung đoàn ĐKB, 1 tiểu đoàn súng cối 120 ly, lên đường đầu năm 196B. tháng 5 đến chiến trường, trong đó Sư đoàn 9 được bổ sung trung đoàn 16, một tiểu đoàn súng máy cao xạ 12,8 ly, mỗi đại đội bộ binh của sư đoàn được trang bị 9 B.40, mỗi trung đoàn được trang bị 18 khẩu B.41.
(2) Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 10 năm 1966.
(3) Mùa khô lần thứ nhất (1965 - 1966) lực lượng Mỹ vào khoảng 20 vạn quân, 2.200 máy bay, 1.400 xe tăng - thiết giáp, 1.200 khẩu pháo, 500 tàu chiến. Mùa khô lần thứ hai (1966-1967) lực lượng Mỹ trên 44 vạn, 4.300 máy bay, 3.300 xe tăng - thiết giáp, 2.300 tàu chiến các loại.
(4) Nghị quyết Bộ chính trị tháng 10 năm 1966.
(5) Nghị quyết Bộ chính trị thắng 10 năm 1966.
(6) Nội dung tóm tắt sáu phương thức tác chiến:
- Đẩy mạnh tác chiến của bộ đội tập trung, mở những chiến dích tiến công hoặc phản công vừa và lớn, tiên tới đánh những trận có tác động chiến lược nhằm tranh thủ ưu thế quân sự trên một hướng.
- Đẩy mạnh chiến tranh du kích đến trình độ cao, tiêu hao rộng rãi quân địch.
- Đánh các căn cứ hậu cần, kho tàng, sân bay, hải cảng, cơ quan đầu não của địch.
- Triệt phá đường giao thông thuỷ, bộ quan trọng, tạo thế chia cắt, bao vây địch, làm giảm khả năng chi viện của chúng.
- Đẩy mạnh hoạt động quân sự ở các đô thị, từ hình thức tác chiến nhô kết hợp với đấu tranh chính trị đến tác chiến lớn kết hợp với tlên công và khởi nghĩa.
- Tác chiến kết hợp với binh biến, đẩy mạnh công tác binh vận, nguỵ vận, tạo điều kiện làm tan rã, ly khai, gây binh biến.
(7) - Huyện Rùm Đuôn - Sóc Mới: Cơ quan bảo vệ Trung ương Cục đảm nhiệm
- Huyện Suối Mây: Cơ quan văn phòng Trung ương Cục
- Huyện Báy Dài: Cơ quan tổ chức Trung ương Cục
- Huyện Xa Mát - Tà Xia: Cơ quan an ninh Trung ương Cục
- Huyện Xóm Giữa - Đồi Thị: Cơ quan dân y Trung ương Cục
- Huyện Cò Gò - Bến Ba: Cơ quan tuyên huân Trung ương Cục
(8) - Huyện Châu Thành: Trung đoàn bộ binh 170 đảm nhiệm.
- Huyện Tà Keng: Cục Tham mưu Miền.
- Huyện Cà Tum: Cục chính trị Miền.
- Huyện Sóc Kỳ: Phòng công binh Miền.
Huyện Bà Chtêm: Đoàn pháo binh 69.
- Huyện Bá Hảo: Cục Hậu cần Miến.
- Huyện Tà Đạt: Phờng thông tin Miền.
(9) Quân số tăng: mỗi tiểu đoàn có từ 350- 400 quân, mỗi trung đoàn có từ 1.8000 - 2.000 quân, toàn sư đoàn có 9.368 quân.
(10) Lực lượng địch huy động: sư đoàn 1, sư đoàn 25, lữ đoàn 196, lữ đoàn dù 173, trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11 và một số đơn vị quân nguỵ Sài Gòn.
(11) Là khu vực An Điềm - An Tây sau này Mỹ khoanh thành một vùng gọi là "Tam giác sắt" rộng chừng 170km2. Trên bản đồ đó là một hình tam giác mà các đỉnh của nó là thị trấn Bến Súc, thị trấn Bến Cát và giao điểm của sông Sài Gòn với sông Thị Tính. Trong nhiều tải liệu "Tam giác sắt" thường được hiểu bao gồm phần đất Trảng Bàng, Củ Chi, Bến Cát, Dầu Tiếng. Gọi là "tam giác sắt" vì nơi đây đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ, địch đổ xuống đăy hàng chục ngàn tấn bom đạn nhưng vẫn không đè bẹp được ý chí gang thép của quân và dân ta, không xoá được một vùng vẫn vững vàng là căn cứ cách mạng.
(12) Trận thắng Bầu Gòn ngày 4 và 5-11-1966, quân Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu 600 tên, Sư đoàn 9 có 21 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 46 đồng chí bị thương.