Số lần đọc/download: 5831 / 254
Cập nhật: 2023-08-05 10:29:45 +0700
Chương 14: Kẻ Ở Người Về
G
ian phòng gác của ông Mỹ Bối tại một toà nhà ở phố Hàng Bạc, tuy rộng hơn cái lỗ mũi đấy, nhưng hôm nay đã nghiễm nhiên bày rõ một cái quang cảnh của nơi nghị trường nhằm ngày các ông Dân biểu họp.
Sáu giờ sáng, sau khi theo đúng lời dặn ân cần của ông ấm rằng lại chờ tại nhà này có một việc tối quan hệ, lúc tôi cùng anh Vân vừa để chân lên sàn gác, đã thấy đủ một nửa tá các ông tuổi từ hai mươi đến bốn mươi, Âu phục có, quốc phục có, "lai phục" nữa cũng có, - ông nào cũng chải chuốt, tề chỉnh lắm, đang kẻ nước, kẻ thuốc lào, kẻ thuốc lá; nói chuyện bô bô như bọn dân quê gào thét, mổ bò.
Tôi đưa mắt hỏi thì ông Mỹ Bối ghé vào tai tôi:
- Đủ mặt nhân vật của làng b... đấy nhé ! Trông đã... sung sướng chưa? Cái ông đã già, ăn mặc nhũn nhặn đây kia là ông Cửu Sần, dáng người trông có vẻ dân Đình Dù ấy. Còn hai người ngồi cạnh, cũng áo sa, giày ban thì người có tuổi là Tư Cường mà người trẻ hơn, trông hao hao giống kép Phẩm của Cải lương Hí viện là Hai Yêm. Ngồi đối diện anh chàng giày ta, mũ tây là Quế con và anh chàng khăn lượt, giày đơ cu lơ 1 là Thương Sinh Từ. Cậu trẻ người mặt trông bịp nhất, cầm can bịt bạc kia là Bình... ! Ông trông có phải họ người nào cũng ra vẻ... thật thà cả không ! Thật thà cả đấy chứ?
Vừa lúc này có tiếng giày nện trên bậc thang. Ông ấm bước lên, bắt tay một lượt rồi quay lại hỏi anh Vũ:
- Thế nào? Thằng cha Sinh đâu?
- Lão ấy không có nhà. Tối hôm qua tôi đến thì vợ lão mặt sưng
mày sỉa lên kêu rằng chồng mình hôm qua phát tài, có lẽ lại đâm sang hát bên Gia Quất...
Ông ấm thở dài:
- Thế thì ra nó vẫn cứ điên mãi thế ư? Rõ bụt chùa nhà không thiêng có khác ! Làm chủ một nhà ả đào mà chỉ cờ gian bạc lận để rồi lại đem đi phụng dưỡng các "mẹ nuôi" ả đào khác!
Vũ thêm:
- Nhưng tôi cũng đã dặn vợ lão rằng lão về thì bảo đến sáng hôm nay lại đây để ông ấm bảo có việc can hệ.
Ông ấm:
- Được lắm... Mà tôi sở dĩ mời anh em lại đây họp đông thế này, không phải có việc tối can hệ gì, chỉ là việc đi đưa ma... Ba Mỹ Ký chết!
Bao nhiêu người sửng sốt hỏi một lúc:
- Ba Mỹ Ký chết rồi à? Chết bao giờ?
- Chết vào lúc 10 giờ đêm hôm kia. Vì anh em xưa nay vẫn khinh nó, vẫn ghét nó vì chứng hay hụt, hay bồng nên sợ bảo thật thì ít ai đã chịu đi đưa, tôi mới phải nói dối là có việc can hệ. Thôi, dù sao hắn đối với chúng mình cũng có chút tình đồng nghiệp, mà xưa nay anh em đi chinh phục thiên hạ vẫn phải dùng đến khí giới của hắn, nghĩa tử là nghĩa tận, anh em cũng nên chịu khó đi đưa một buổi cho phải đạo và cho... thiên hạ trông vào. Mình nên ăn ở với nhau cho có nghĩa.
- Tưởng gì? Thế mà cụ làm tôi bỏ mất một con mòng rất sộp hôm nay!
- Nó ở với tôi như thế còn tình nghĩa gì mà bảo tôi đưa nó?
- Tôi với bác ấy chỉ quen nhau loàng xoàng.
Đối lại những lời bất mãn này, ông ấm chỉ lấy câu:
- Thôi, nghĩa tử là nghĩa tận...
Tôi đến gần ông ấm:
- Tôi chỉ đến thăm "xưởng chế tạo khí giới" có một lần mà bây giờ cụ cũng bắt đền bằng một buổi đưa đám ư? Nghĩ kĩ ra, sự tôi đi đưa không có nghĩa gì cả.
Ông ấm lôi tôi ra một xó gác :
- Kể thì ông nói rất phải. Thôi, ông chịu vậy vì tôi có ý muốn đám ma long trọng để chữa cho cái cảnh khổ của Ba Mỹ Ký là cái nghèo. Không nên để một linh hồn phải chịu tủi nhục. Vả lại, đối với người chết thì thế nào cũng được nhưng còn đối với người sống? Tôi muốn gia đình và họ hàng anh Ba Mỹ Ký biết đến cái nghĩa của làng b... Tôi thật bất bình về thái độ của mấy thằng cha kia. Chúng nó có gan, trong đám bạc dám đánh đòn ống, đòn kìm, đòn Vân Nam, sao chúng lại đến nỗi đê hèn là không có gan đi đưa một người anh em trong làng bịp? Chúng nó mà còn sợ xấu hổ nữa à?...
Ông ấm im một lúc cho qua cơn giận rồi lại tiếp:
- Mà tôi, hôm nay cũng có một ông Châu ở Hoà Bình về gọi đi có việc. Trên ấy mở hội, ông định mở bát, nhân tiện về Hà Thành, có tạt vào gọi tôi. Đáng lẽ bây giờ tôi đang phải sửa soạn hành trang và mọi đồ... khí giới thì mới kịp. Nhưng còn cái đám ma đấy, biết làm thế nào? Tôi lại không biết chỉ nghĩa đến cái lợi cho tôi thôi ư? Còn ông, ông cất công đi đưa, tôi xin thay vong hồn người chết mà tạ ông, mà tôi cũng xin chịu ơn cái lòng quý hoá của ông như ông... như ông đưa đám tôi vậy !
Lúc này thấy anh Vũ reo lớn:
- Đây rồi! Bố Sinh đã đến kìa!
Một người mà hai mí mắt còn nặng trĩu cái buồn ngủ, mũ dạ xám, áo trắng quần lụa, giày băng túp với bít tất vảy tê tê, lò dò bước vào rồi hỏi:
- Làm gì mà đông thế này? Việc gì tối can hệ thế?
Tham Ngọc đón lời:
- Ba Mỹ Ký chết rồi. Anh em rủ bác đi đưa ma...
Lão Sinh quay sang hỏi ông ấm:
- Ba Mỹ Ký chết mất rồi à? Gọi tôi đi đưa à?
- Phải.
- Thế thì bố giết con thật!... Bố đi bố nói là việc tối can hệ, làm con bốn giờ đêm về thấy nó nói, không dám cởi quần áo nữa, cứ thế này ngả lưng chợp mắt một lúc thấy đánh 5 giờ đã choàng dậy, thuê hai hào xe đi ngay đây!... Rõ bố giết con thật!
Ông ấm cười :
- Thì anh cũng giết tôi nốt! Anh đi đưa ma mà ăn mặc thế này có khác gì anh chửi xỏ cả người chết lẫn người sống không?
Đến lượt Sinh ngắm lại bộ mã lộ tẩy của mình xong, nhe răng vàng ra cười trừ.
Vẳng thấy tiếng kèn, tiếng trống nổi lên ở phía ngõ Trung Yên, chúng tôi vội vàng kéo nhau xuống gác.
o O o
Một cành phán, một cái kèn, một cái nhà tầng sơ sài bé nhỏ, sáu người vận tang phục, mười hai người áo quần cũng khá sang trọng, chỉ có thế, đám ma qua phố Bờ Hồ.
Xếp hàng ba một, bọn người đưa đám, theo đà chân của bốn bác phu đòn, đủng đỉnh giẫm bẹp những thoi vàng mà đi. Hàng đầu có ông ấm B... Hàng sau cùng là tôi với ông Mỹ Bối. Ít tình cảm với người chết, chúng tôi không đi gần những người có tang phục và dùng những cái phút này để nói chuyện về nghề b... Ông Mỹ Bối cho tôi rõ một thủ đoạn của ông Cửu Sần:
- Lão ta nhờ được cái vẻ mặt trông rất Đình Dù nên dễ phát nhất. Tuy cũng đánh ống, đánh lớp, đánh mẫu tử, đánh giác đủ ngón đấy nhưng lão còn một ngón rất đặc biệt nữa, ngón mà sử sách đã từng biên chép là ngón đòn Ba Giai. Trước khi ngồi vào đám tổ tôm hay tài bàn nào, nếu người đánh toàn là anh em thì lão ta đã tiểu chú với cả hai hay bốn người kia rằng nếu mình hạ ù, dù có thiếu lưng hay thiếu phu thì cứ ngơ đi cho rồi lão sẽ chia tiền cho, sau khi tan cuộc. Thành thử lúc đánh, thấy lão hạ ù, ông nào cũng có nhìn bài đấy nhưng ai cũng làm ra lối quân tử, chỉ qua loa theo lối che mắt thế gian. Bốn người cùng nhìn nhưng không ai nói gì, ông nọ sung sướng ngang với ông kia, ông nọ cho ông kia là mù và quých. Đứng lên, sau cùng thì lão không chia cho ông nào cả; mà sự ức ấy tuy nó có cái ức chung của cả bốn nhưng không ai dám thổ lộ với ai thành thử nó chỉ là cái ức của một người thôi. Lối bịp này chép của Ba Giai, con người ngang tàng đời vua Tự Đức ! - Còn lối bịp khôn khéo nữa, có thể đặt tên là đòn nội phản thì của Tư Cường. Thí dụ mòng là người không biết đánh, chỉ biết ké thôi. Thì mòng thò ké cửa người nào là người ấy thua, hoặc quên ăn, quên phỗng, bỏ ù cho người khác được. Ké đến ba cửa mà không một ván nào được cả, khôn ra thì còn khá chứ lại nóng húc, chỉ có mà trần!
Rồi ông Mỹ Bối lại kể một cách làm tiền riêng của ông. La cà vào chơi nhà nào có đám bạc, mà trong đám bạc lại có một ngài bịp, ông chỉ chờ tan cuộc là làm một câu: "Hôm nay phát tài thế, trả cho chỗ ba của giựt tạm hôm nọ đi thôi" là bịp kia đủ hiểu ý rồi. Rồi ngài bịp kia sẽ ra một chỗ rút tiền cho ông, vì câu nói trên chính là một câu hăm doạ vậy.
Tôi đang ngẫm nghĩ về những điều kì lạ một cách ra ngoài sự tưởng tượng ấy chợt thấy Vũ với Vân đi trước mặt tôi rũ rượi người ra vì cố nhịn cười. Trong tay Vân có một mảnh giấy. Tôi giật lấy giấy, cùng ông Mỹ Bối đọc xem. Thì ra một bài văn tế khôi hài viếng anh Ba Mỹ Ký!
Ngày 1 0 tháng 6 năm Quý Dậu
Ngu đệ là bịp Vũ, đứng nước bài vị vong huynh Ba Mỹ Ký vỗ ngực đôm đốp mà kêu to rằng:
Thần Đổ Bác nghiến răng cau mặt, xót xa thương môn hạ trung thành
Quỷ Đỏ Đen múa lộn cả người, hí hờn thoát kẻ thù tai hại
Than khôn nguôi mà khóc cũng khôn nguôi
Im cũng phải mà nói ra cũng phải
Nhớ bạn xưa
Ngực lép quân bài
Mặt trông lộ tẩy
Gây thú bạc bài cho đám trếch, sư nghiệp này thôi tiếng để nghìn thu
Tai vạ đen đỏ giúp làng b... công đức ấy hẳn thơm còn vạn đại
Tận lực săn mòng, lần mò xuôi ngược
Lăn lưng kiếm đất, chinh phục đông tây
Bắt bọn quých vài mươi ngón bịp, nào đánh ống, nào hụt nọc; nào xếp lớp mới hay gan quỷ thuật kì tài
Giúp làng b... dăm bảy thứ hàng, nào mẫu tử, nào giác bóng, nào giác mùi, thật rõ công chuyên khoa quỷ quái
Ra xã hội đã khôn ngoan cản trở, đóng kịch chim mồi ở gia đình còn nhẫn nại điểm tô, chế chuyên "khí giới "
Long đong thay! Thân thể lên voi xuống chó bao lần
Lật đật bấy! Cuộc đời từ tạ đến b... mấy hội
Hơn mấy chục năm lăn lóc, nào đĩa kìm nào bát nhé, đổi bàn này, thay chiếc khác, bịp vung tàn tán, than ôi cay vẫn hoàn cay!
Gần ba vạn cuộc miệt mài, nào ngón hụt, nào đòn bồng, phía chuyện nọ, đặt cớ kia, gian lận như ranh, ngán nỗi tấy không thấy tấy!
Than ôi!
Một nghề đen, đỏ - tôi ở, anh về
Hai chữ được, thua, - kẻ nhường người lấy
Cay đắng bồ hòn xoa mắt tớ
Gắt gao muối ớt xát lòng ai
Vừa ngày nào, ta đây bạn đó, người bò nhoài thì kẻ giở Vân Nam.
Mà bây giờ: kẻ khuất người còn, ta tố bừa thì nháy ai tháu cáy!?
Thôi chẳng may mỏng phận ngắn đợi
Song này đã kèn đây, trống đấy
Ngu hữu dám xin tỏ chút tâm thành:
Nước mắt ba dòng, điếu văn một cái
Quých, mòng chẳng một, - tạ, bịp hàng dây
Bạn khôn thiêng chăng?
Xin... ngồi nhỏm dậy.
Ô hô lai tai!...
Cái ông Mỹ Bối sao mà vô ý tứ! Ông quên bẵng ngay mất rằng mình đang đi đưa đám ma mà sằng sặc lên cười. Ông tự do như đang ngồi trong rạp hát vậy. Tuy đi tận trên hàng đầu, ông ấm B... cũng nghe thấy. Ông ấm quay lại nhìn, sa sầm nét mặt dừng chân lại, chờ cho hàng cuối cùng lên tới chỗ ông đứng rồi nghiêm nghị:
- Lúc này là lúc các ông đùa đấy ư?
Ông Mỹ Bối đưa ra mảnh giấy, trỏ Vũ mà rằng:
- Chỉ tại cái thằng ông mãnh kia!
Ông ấm cầm bài văn tế, liếc mắt nhìn qua rồi thụi ngầm kí Vũ một cái:
- Anh muốn để thiên hạ người ta chửi cho cả lũ đấy à?
Vũ cũng khôn, cứ vừa đi nghiêm trang vừa ngẩn mặt ra, làm như không hiểu chuyện gì cả.
Còn thái độ anh Vân thì thật khó hiểu, vì anh cứ thờ thẫn người ra như kẻ bị ma bắt mất hồn. Tôi khích cánh tay, bỏ nhỏ với ông Mỹ Bối:
- Kìa, trông "người anh em" hay không?
Lập tức ông ta cắt nghĩa ngay cho tôi cái thái độ ấy.
- Đó là người anh em thất vọng đấy. Mà để người anh em bơ phờ ra thế kia là lỗi tại tôi. Hôm qua, Vân lại chơi tôi, có đả động đến mĩ nhân ở Đường Thành. Buột mồm, tôi lại đi nói phắt ngay ra rằng mĩ nhân đã có lần lại lấy của tôi thuốc tim la với thuốc lậu...
- Gớm nhỉ!... Mĩ nhân lại mắc lậu và ông lại còn là thầy lang chữa thuốc lậu nữa đấy à?
Lúc này tình cờ có hai thầy lính cảnh sát đi qua làm chờ ông Mỹ Bối được dịp pha trò bằng câu thì thào :
- Ấy chết, khẽ chứ. Tôi không có môn bài mà ông cứ nói bô bô lên thế thì thật bằng ông giết tôi !...
Tôi cười và bắt tay ông ta:
- Xin đa tạ ông lắm. Cái vô ý của ông tuy có lỗi là làm cho Vân thất vọng nhưng đối với tôi, nó lại quý hoá vô cùng. Nếu không, dễ không bao giờ tôi cầu được khúc hát "Quy khứ lai từ" 3 của Vân...
- Thế nhưng tôi đã vô tình phá mất cái kế mĩ nhân của ông ấm!... Ông không hiểu ư? Vân là chim mồi có giá trị, lắm đất, mà Vân lại hiếu sắc... thì ông ấm cho Vân lên cản ở Đường Thành!
Đám ma đến quá cửa Ô Bạch Mai phải đứng dừng. Trước mặt là một xe gạch đổ tung toé ra giữa đường, bên phải lù lù mấy toa xe điện đỗ ở chỗ tàu tránh nhau, mà đằng xa thì tiếng còi ô tô rúc lên như mấy trăm con lợn bị chọc tiết trong một lúc.
Người dừng bước, kèn cũng im hơi.
Một, hai cái, bốn, sáu cái xe hơi xình xịch dẫn qua đã làm cho người ta phải tưởng là không bao giờ hết... thì cái thứ bảy lại sừng sững hãm máy, đỗ ngay bên cạnh sườn chúng tôi. Trên ô tô bước xuống một ông có tuổi, đẫy đà. Do y phục mà suy, phi một ông quan tất một ông trọc phú. Người ấy lật đật chạy lại vỗ vai ông ấm B... Hai người lôi nhau ra một chỗ, nói với nhau những gì gì khiến cho anh em làng b... phải trô trố nhìn không chớp mắt. Rồi thấy ông ấm ra hiệu gọi tôi, ông Mỹ Bối, và anh Vân...
- Trong ba ông, ông mô đi được Hoà Bình với tôi nào?
Đã đành là tôi không đáp lời, mà đến anh Vân cũng không đáp nốt. Anh đưa mắt cho ông Mỹ Bối mà rằng:
- Ông đi đi hơn. Trông ông được cái... bệ vệ.
Ông Mỹ Bối nhất mực từ chối. Trong mười phút cứ người nọ đùn cho người kia, mà ông ấm thì nèo cả ba, sau cùng đến anh Vân phải nhận !Ông ấm nói với chúng tôi:
- Xin giới thiệu: quan Châu... thuộc Hoà Bình.
Chúng tôi khẽ nghiêng đầu, con mắt tinh quái liếc nhìn ông Châu. ông ta vẫn thản nhiên lắm! Ông ấm có ý phàn nàn:
- Tôi đã hẹn với quan anh đến 11 giờ trưa vì tôi đang bận đưa đám thì quan anh lại cứ ép đi ngay !
Ông kia rút cái bót thuốc lá dài hơn một gang tay ở miệng ra:
- Thôi, quan anh bằng lòng vậy. Tôi còn nhiều việc lắm mà thời giờ thì kíp quá rồi. Quan anh lên xe, rồi ta về nhà lấy hành lí.
Thế là ông mở phanh cửa xe có ý thúc giục. Ông ấm quay lại:
- Ông nào có việc cần lắm hãy về, còn nếu có thời gian thì cứ đi đến huyệt cho chu tất hộ tôi nhé, anh em nhé! Thôi, xin tạm biệt các anh em... Ba người bước lên xe, xe chạy đi, để lại ít khói xanh và ít bụi. Lúc này là lúc anh em làng b... kháo nhau ồn ào.
Ông Mỹ Bối, một cách chán nản:
- Mình cũng đi về thôi.
Ông gọi xe, chúng tôi bước lên. Tôi hỏi:
- Sao ông lại cứ nhường cho anh Vân! Để tôi lại không lôi nổi anh ta về Bắc ! Đang khi ông bị lúc kinh tế quẫn bách mà lại bỏ mất một dịp phát tài
Ông ta lạnh lùng:
- Thôi, lăn lộn trong làng b... thế là đủ rồi, cần gì phải loã lồ quá nữa? Đám ma anh Ba Mỹ Ký đã khiến tôi có những cảm tưởng lạ lùng và lấy làm chán chường về cuộc đời "theo bịp" của tôi.
Câu ấy khiến tôi quay cổ nhìn lại. Anh em làng bịp, vắng ông ấm, như quân vô tướng, hổ vô đầu, bỏ mặc kệ đám, lên xe điện tìm đường chuồn cả. Sau cái nhà tang, chỉ thấy còn sáu người vận quần áo tang.
Phố xá vẫn giữ cái nhộn nhịp, hoạt động của ban ngày.
Người phu cắm cổ kéo, chúng tôi trở về, lại theo con đường rải rác có những thỏi vàng hồ, con đường đi về chỗ ở cuối cùng của một người mà cái ban ngày của cuộc đời không xoá nhoà vết tích...
Chú thích
1. Tiếng Pháp deux couleurs là giày đóng hai màu da khác nhau.
2. Tiếng Pháp pantoufe là giày vải đi trong nhà.
3. Đào Tiềm (365 - 427) nhà thơ lớn đời Tấn ở Trung Quốc, nhiều lần ra làm quan cứ từ chức về cày cấy mà ăn, sau cùng làm huyện lệnh Bành Trạch có tám mươi ngày rồi viết bài "Quy khứ lai từ" (năm 406) tỏ rõ quyết tâm trở về quê cày cấy, trồng trọt mà sống đến hết đời.