Số lần đọc/download: 1703 / 40
Cập nhật: 2017-10-26 10:51:16 +0700
Hậu Ký Của Tác Giả
N
ghĩ đi nghĩ lại thì tôi cũng chẳng thể nhớ rõ trong suốt những năm qua tôi đã mải miết với cuộc đời này ra sao. Lúc nào cũng có gì đó bất an như ngồi trên đống lửa, và đọng lại sau đó chỉ là những ký ức đơn côi của riêng mình…
Khoảng mùa hè năm ngoái, có một thời gian ngắn tôi tham gia thuyết giảng trong chương trình đào tạo sinh viên với chủ đề “Thêm một văn hóa khác” do Viện hàm lâm Cơ Đốc đồng tổ chức. Có lẽ những ấn tượng mạnh mẽ tôi nhận được trong quãng thời gian đó đã khởi đầu cho cuổn tiểu thuyết này.
Tồi thấy những con người trẻ tuổi của thập niên chín mươi hiện nay, đúng như cái tuổi đôi mươi của họ, thật xinh đẹp và khỏe mạnh hơn tôi tưởng. Ý nghĩ này khiến tôi thấy vui, nhưng sau đó dường như trong tôi lại có chút gì tiếc nuối, trống trải đến lạ kỳ… Ngắm nhìn những người trẻ tuổi hôm nay mà nghĩ về chuyện xưa thì hẳn là tôi cũng đã có tuổi rồi, ý nghĩ đó khiến tôi cười một mình và đồng thời cũng khiến cảm xúc trong tôi lại trào dâng mãnh liệt. Quyết tâm viết nên cuốn tiểu thuyết này có lẽ cũng bắt đầu hình thành từ khi đó. Nhưng nói vậy không có nghĩa là tôi đã bắt tay ngay vào viết.
Tôi không thể chỉ rõ theo thứ tự thời gian cái gì diễn ra trước, cái gì diễn ra sau nhưng vào mùa hè năm ngoái tôi đã đến viếng lễ tang một người đàn anh chết trẻ. Khoảng bảy năm trước thì phải, trong số những đàn anh đàn em thường hay đến nhà tôi thì anh ấy là người khi đến sẽ luôn mang theo bên mình một chai rượu, và đến sáng hôm sau thức dậy luôn gấp chăn gọn gàng, ngồi thật nghiêm chỉnh…
Tôi cùng anh ấy đã vài lần chứng kiến sự ra đi của một số người trẻ tuổi, nhưng giờ đây chỉ còn mình tôi. Đến khi đó dường như tôi nhận ra, ngay ở giữa thập niên chín mươi này người trẻ tuổi cũng có thể bất ngờ ra đi như thế. Tôi nhận ra rằng họ có thể phải rời bỏ thế gian này, nơi họ vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều việc muốn làm, vẫn còn thật nhiều người để họ yêu thương, vì những tai nạn bất thường rất điển hình của thời đại.
Ở một góc nào đó của những lễ tang này, tôi không còn cách nào khác vẫn cứ phải đối mặt với thời xa xưa của chính mình. Những khách khứa, đeo cà vạt, mặc đồ Tây, đến nói với tôi, mong rằng tôi sẽ viết tiểu thuyết về người đã mất, hoặc không thì người đó khi còn trẻ, hoặc không nữa thì là về một người khác vẫn còn đang ở trong bệnh viện tâm thần, nhưng nói thật tâm can là tôi cũng mệt mỏi lắm. Những năm chín mươi tăm tối khiến tôi giờ đây chỉ muốn được tự do với ký ức của thập niên tám mươi. Khi đó tôi đã mong họ đừng nhờ tôi mà hãy giao cho những nhà văn khác, hay những người có tài viết lách hơn, có nhiệt huyết hơn chẳng hạn.
Và tôi cũng đã quên mất. Tôi gặp một người bạn đang chực khóc ở quán rượu, khi cậu ta còn ảo tưởng rằng vẫn còn hy vọng. Lúc đó tôi cũng tự cười mỉa trong lòng, rằng đúng là sai lầm của cả một thế hệ. Tôi cũng cho một đồng nghiệp vay tiền khi anh ta bị đuổi khỏi công ty, bỏ dở con đường đảm bảo tiền tài danh lợi lẫn tương lai của anh ta vì lý do không thể thỏa hiệp với bọn bất nghĩa. Lúc đó tôi thật muốn nói với anh ta là, thôi thì bây giờ cứ thỏa hiệp đi vậy.
Nói thật, tôi là người dường như rất dễ quên tất cả mọi thứ.
Sau đó tôi bắt đầu một cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết này có thể không phải dạng tiểu thuyết về lỗi lầm của một thế hệ mà là tiểu thuyết về sự hòa hợp với thời đại… Dưới sự hỗ trợ của nhà xuất bản, tôi đã viết đến ba bốn trăm trang, khi đó, có một ngày nọ tôi không ngủ được và trở dậy. Hình như tôi đã gặp ác mộng, bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối. Tôi nghĩ mình sẽ chẳng ngủ được nữa và cứ ngơ ngác đến ngồi bên khung cửa sổ.
Trong bóng tối, đột nhiên khuôn mặt của tất cả những người bạn đã sánh vai bên tôi trên đời này hiện lên. Rốt cuộc cái gì đã khiến họ vẫn còn bất hòa với thời đại, điều gì đã khiến họ không thể thích ứng được với những thay đổi đó…? Và tại sao giữa đêm tỉnh giấc tôi lại chỉ nghĩ về họ…? Thật ra tất cả những chuyện này thật đáng buồn, nhưng tôi vô cùng vô cùng nhớ bọn họ. Từ sau ngày hôm đó, tôi bỏ hết những gì đã viết trong suốt thời gian qua và bắt đầu cuốn tiểu thuyết này. Tôi đã từng muốn thoát ra nhưng rõ ràng trong tôi vẫn luôn tồn tại một ngọn đèn xanh của tự do, chiếu ánh sáng hy vọng xuống chúng tôi như những ngày cùng nhau bơi lội giữa biển khơi. Và đến giờ tôi vẫn không từ bỏ hy vọng với sự tự do của ngọn đèn xanh ấy.
Buổi sáng sau ngày nộp bản thảo cho nhà xuất bản, tôi đặt một chiếc ghế câu cá ở ban công của căn hộ mới chuyển đến rồi ngồi đó uống cà phê. Thời khắc này, xuân đã đi qua và mùa đang bước vào những ngày đầu hạ. Mùa xuân mới qua nên từ cửa sổ nhà tôi vẫn còn có thể nhìn thấy tuyết trên ngọn núi Bukhan, sau đó tuyết sẽ tan đi để màu xanh mơn mởn của lá cây bừng lên, hoa đỗ quyên héo dần và mùi hương cây keo càng lan tỏa. Thế nhưng tôi đã gửi mùa xuân ấy vào trong mùa thu, những ngày mà Myeong Woo và Eun Rim còn bên nhau lang thang khắp phố. Có lần tôi đang viết đột nhiên có hẹn gấp phải đi vào thành phố và gặp cơn mưa bất chợt. Tôi thầm nhủ – mưa thu gì thế này, rồi vui vẻ chuyên tâm vào cuốn tiểu thuyết.
Xuân qua hạ tới, tại ban công căn hộ, tôi ngồi với tách cà phê trên tay và nhận ra rằng giờ đây cuốn sách đã giao cho nhà xuất bản sẽ không còn là của riêng tôi nữa. Có thể là vì No Eun Rim, người đã bỏ lại tình yêu trên mảnh đất này mà ra đi cũng nên. Tôi ngộ ra rằng tôi không phải chỉ là một cá thể đơn độc, câu chữ của tôi cũng không phải của riêng mình, giống như tên tôi để gọi tôi nhưng không chỉ có thể – tên tôi không còn là của riêng một mình tôi… Nhà văn Hemingway trải qua Thế chiến thứ nhất, đã ví chính thế hệ mình, “những người tham chiến là một thế hệ bị lãng quên không còn trẻ”, những người trẻ mới mười mấy hai mươi khi trải qua phong trào sinh viên thì tự gọi mình là thế hệ bị cướp đoạt tuổi trẻ, song giờ đây tôi có thể nói thế này: những người trẻ từng đau khổ trong những năm tám mươi, mọi người có thể trẻ mãi không già… Bởi vì giờ đây tôi đã hiểu, khoảng thời gian gọi là quá khứ ấy sẽ không chỉ cứ thế trôi đi rồi biến mất.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà thơ Jeong Jong Mok đã cho phép tôi trích dẫn thơ của ông, cũng như tác giả người Đức T. Storm mà tôi còn chưa thể diện kiến, đã cho phép tôi trích dẫn bài hát trong cuốn truyện ngắn với cái tên thật đẹp, Immensee.
Tôi cũng xin gửi tặng cuốn sách này đến tất cả những người thân đã ra đi rời bỏ mảnh đất yêu thương này; những người bạn đáng trân quý vẫn đang gắn bó, yêu thương bán đảo Triều Tiên ở một góc trái đất này như chính bản thân mình; những người chưa từng học chơi ten nít, chưa một lần yêu đương tử tế nhưng lại dạy cho tôi những điều cao cả đầy sức mạnh, sức mạnh lớn hơn bất cứ loại vũ khí nào trên đời; cho cả những người dù năm tháng qua đi vẫn giữ được tâm hồn tươi trẻ, bất chấp những vết thương gây ra cho tháng ngày thanh xuân của cuộc đời họ bởi một thời lịch sử đau đớn trong quá khứ.
Gong Ji-young