There is no way to happiness - happiness is the way.

There is no way to happiness - happiness is the way.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Godfather
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Biên tập: Open Heineken
Upload bìa: Open Heineken
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 49
Cập nhật: 2023-11-05 19:16:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
Ông Trùm đã là một người lớn thật sự vào năm mới mười hai tuổi đầu. Thấp người, da ngăm, mảnh khảnh, sống trong ngôi làng kỳ lạ như của bộ tộc Moor Tây Phi, đó là làng Corleone thuộc Sicily. Khi ra đời, ông được đặt tên là Vito Andolini, nhưng khi những kẻ lạ mặt trở lại tìm ông để giết, sau khi chúng đã sát hại cha ông, mẹ ông đã phải gửi đứa con trai nhỏ sang Mỹ sống với những người bạn của gia đình. Nơi quê hương mới mẻ này, ông đã đổi họ thành Corleone, để gắn bó với làng quê cũ. Đó là một trong vài biểu hiện tình cảm hiếm hoi trong đời ông.
Vào những năm đầu thế kỷ hai mươi, ở Sicily, băng đảng Mafia là một chính phủ thứ hai, còn nhiều quyền lực hơn cả Chính phủ chính thức ở La Mã. Cha của Vito Corleone có chuyện bất hòa, thù oán với một người làng. Gã này đem vụ việc nhờ đám Mafia phân xử. Nhưng cha của Vito tỏ ra bất phục, rồi trong khi tranh cãi, ông giết chết tên trùm Mafia. Một tuần sau, xác ông tan từng mảnh bởi một phát súng lupara. Một tháng sau, những tay súng Mafia trở lại, để "hỏi thăm" thằng con trai nhỏ của nạn nhân. Chúng cho rằng thằng nhỏ sắp trưởng thành, chỉ vài năm nữa nó sẽ tìm cách phục thù cái chết của cha nó. Thằng bé Vito mười hai tuổi được họ hàng che giấu, rồi đưa xuống tàu qua Mỹ. Nơi đây nó tá túc với gia đình Abbandando, mà sau này chính con trai họ, Genco Abbandando trở thành consigliori của Ông Trùm Corleone.
Thằng bé Vito làm việc cho cửa hàng tạp hóa của nhà Abbandando ở đại lộ số Chín, trong khu ổ chuột New York. Năm mười tám tuổi, Vito lấy một đứa con gái mới từ Sicily qua Mỹ, cô bé mới mười sáu tuổi nhưng đã tỏ ra đảm đang việc nội trợ, thu vén việc nhà. Hai vợ chồng thuê nhà ở đường số Mười, gần đường Ba Lăm, cách chỗ làm của Vito vài đoạn đường. Hai
năm sau, đứa con trai đầu lòng ra đời, đó là thằng Santino mà bạn bè vẫn gọi là Sonny.
Trong vùng có một thằng tên là Fanucci. Đó là một gã người Ý to lớn, cặp mắt hung dữ, lúc nào cũng diện bộ đồ màu sáng, xùm xụp trên đầu cái mũ rộng vành màu kem. Người ta đồn nhau là thằng này thuộc băng đảng "Bàn Tay Đen", có gốc rễ từ tụi Mafia, một nhóm chuyên hăm dọa tống tiền. Nhưng dân trong vùng, đa số đều hung dữ không vừa, nên thằng Fanucci chỉ bắt nạt được những gia đình không có con trai lớn. Cũng có mấy cửa hàng phải chi tiền cho nó để yên ổn làm ăn. Tuy nhiên đối với đám tội phạm như tụi xổ số Ý bất hợp pháp, đám mở sòng bạc tại nhà, thì thằng Fanucci đáng gờm như một con kền kền. Cửa hàng tạp hóa nhà Abbandando cũng phải cống nạp tiền cho nó. Dù thằng Genco cực lực phản đối, bảo với bố là nó dư sức trừng trị thằng Fanucci. Nhưng bố nó cấm, không được manh động. Vito Corleone quan sát những chuyện này rất bàng quan, nó không muốn vướng víu vào việc không phải của nó.
Một hôm Fanucci bị ba thằng nhóc tấn công, chúng rạch họng thằng Fanucci một đường từ tai này qua tai kia. Vết rạch không đủ sâu để giết nó, nhưng đủ làm nó sợ và máu chảy ròng ròng. Vito không thể nào quên hình ảnh thằng Fanucci vừa chạy thoát thân, vừa cầm cái mũ màu kem hứng dưới cằm, cứ như nó sợ máu làm dơ bộ đồ vía, hay sợ những vết đỏ ghi dấu trên con đường đầy nhục nhã.
Những vụ tấn công không ngờ lại trở thành cuộc đổi đời cho thằng Fanucci, Ba thằng nhóc kia không phải là những kẻ sát nhân, chúng chỉ định dạy cho Fanucci một bài học, để dẹp bớt cái thói bóc lột người khác. Nhưng thằng Fanucci chứng tỏ là thằng dám chơi dám chịu. Vài tuần sau, một trong ba thằng nhóc bị bắn chết. Bố mẹ hai thằng kia vội vàng đem tiền năn nỉ Fanucci tha thứ cho con họ. Thằng Fanucci bỗng nổi danh, tiền "cúng kiếng" cho nó tăng lên gấp bội, và nó nghiễm nhiên có phần trong
những sòng bài. Với Vito Corleone thì những chuyện này chẳng làm nó quan tâm, vì không phải việc của nó.
Trong Chiến tranh thế giới I, dầu ô–liu nhập trở nên khan hiếm. Fanucci nhận thấy cửa hàng tạp hóa nhà Abbandando không chỉ cung cấp dầu, còn cả xúc xích, dăm bông, phô mai Ý. Nó tìm cách đưa một thằng cháu vào làm, Vito bị hất cẳng ra đường.
Lúc đó Vito đang phải lo cho bốn miệng ăn. Bây giờ thất nghiệp, nó không biết xoay sở ra sao để hai vợ chồng và hai đứa con đủ sống. Thằng Genco, con trai chủ tiệm, lại là bạn thân của Vito. Nó phát xấu hổ vì hành vi của bố. Nó bảo Vito đừng lo, nó sẽ ăn cắp thực phẩm của nhà để giúp đỡ vợ chồng Vito. Đời nào Vito chịu để thằng con ăn cắp của bố để giúp nó.
Nhưng Vito ngấm ngầm căm ghét Fanucci, vì chính thằng này mới là đầu dây mối nhợ tạo hoàn cảnh khó khăn của nó. Vito vào làm cho Sở hỏa xa được mấy tháng, nhưng rồi chiến tranh chấm dứt, công việc ít đi, một tháng nó chỉ kiếm được mấy ngày công. Lại thêm tụi cai thợ toàn là dân Mỹ và Ái Nhĩ Lan, chúng trêu chọc, nhục mạ đám thợ Ý bằng đủ thứ lời thô bỉ. Mặc dù nói chưa sỏi tiếng Anh, nhưng Vito hiểu hết, nó làm mặt tỉnh bơ, như không nghe biết gì.
Một tối, đang ăn cơm với vợ con, chợt Vito nghe tiếng gõ từ cửa sổ trông ra khoảng trống giữa hai tòa nhà. Vén màn cửa, Vito kinh ngạc thấy anh chàng Peter Clemenza bên hàng xóm, đang vươn mình từ cửa sổ bên kia, đưa sang một bọc màu trắng, gọi:
– Ê, đồng hương. Giữ giùm tớ gói này, chừng nào tớ hỏi hãy đưa. Lẹ lên.
Vito vội vươn tay đỡ. Thằng này cũng tai tiếng lắm, nhưng mặt mày nó đầy vẻ khẩn trương, căng thẳng, nên Vito không nỡ chối từ. Nhưng khi vào bếp, mở cái bọc ra, Vito mới thấy trong bọc toàn là súng, còn dính nguyên dầu nhớt. Nó cất vào tủ áo trong phòng ngủ. Sau đó nó được biết tụi cớm
đã bắt Clemenza, như vậy chắc khi tụi cớm đập cửa, là lúc thằng Clemenza tuồn gói hàng qua cho Vito.
Vito không nói với ai việc này, cô vợ lại càng khiếp đảm, đâu dám hé môi, vì sợ chồng cũng bị vào tù.
Hai hôm sau Clemenza xuất hiện lại, e dè hỏi:
– Cậu vẫn giữ giùm mình đấy chứ?
Vito gật đầu. Nó vốn là người ít nói. Khi Clemenza qua nhà, Vito mời nó ly rượu, rồi vào mở tủ lấy bọc hàng.
Clemenza hỏi:
– Cậu có mở ra coi không? Vito thản nhiên bảo:
– Tớ không quan tâm tới việc người khác.
Hai đứa ngồi nhậu cả buổi tối, rất ăn ý. Clemenza thì khoái nói. Vito Corleone lại chịu khó nghe. Chúng trở thành bạn thiết.
Mấy hôm sau Clemenza hứa biếu vợ Vito một tấm thảm trải phòng khách. Nó bảo Vito đi cùng để phụ vác tấm thảm.
Rồi nó đưa Vito tới một ngôi nhà sang trọng, với hai cây cột và mặt tiền bằng đá hoa cương bóng lộn. Nó mở khóa vào nhà, rồi bảo Vito:
– Vào phòng bên, giúp tớ cuốn tấm thảm.
Đó là một tấm thảm tuyệt đẹp bằng len đỏ. Vito kinh ngạc vì sự hào phóng của Clemenza. Hai đứa cuốn tấm thảm lại, rồi mỗi đứa một đầu vác lên, tiến ra phía cửa.
Ngay lúc đó có tiếng chuông reo. Clemenza vội buông tấm thảm xuống, chạy ra cửa. Nó hé màn cửa nhìn ra, nó khựng lại, móc túi áo, rút ra khẩu
súng. Đến lúc đó, Vito mới bàng hoàng nhận ra, nó và thằng Clemenza đang đi ăn trộm.
Chuông cửa lại reo. Vito tiến sát Clemenza, nhìn ra ngoài. Một tay cảnh sát đang đứng phía ngoài. Gã cảnh sát bấm thêm mấy hồi chuông nữa, rồi nhún vai, bỏ đi.
Clemenza giục:
– Lẹ lên, chuồn thôi.
Ba mươi phút sau, hai đứa cắt tấm thảm cho vừa với phòng khách nhà Vito, phần còn lại đủ trải trong phòng ngủ.
Clemenza lôi đủ thứ đồ nghề cần thiết để cắt, từ trong cái áo khoác rộng thùng thình (ngay từ hồi đó, chưa mập thù lù như bây giờ, nó vẫn khoái mặc áo rộng quá khổ rồi).
Nhưng chẳng thể ngồi nhìn tấm thảm đẹp mà nó được, Vito đành nhận mấy gói đồ ăn của thằng bạn Genco.
Càng ngày Vito càng gần gũi với Clemenza và Tessio, Tessio cũng là một tay trẻ tuổi rất "ngầu" trong khu vực đó. Hai thằng này rất cảm phục Vito, phục lối sống thân lập thân trong cơn túng quẫn của nó. Chúng rủ Vito cùng nhập bằng, cùng "đánh" hàng, đặc biệt là những chuyến xe tải bốc quần áo may sẵn tại xưởng trên đường Ba Mươi Mốt. Chẳng có gì nguy hiểm cả. Tụi tài xế nhát như thỏ, mới nhìn thấy súng đã nằm bò ra lề đường rồi, cánh "đánh" hàng chỉ việc leo lên xe mà phóng đi, vọt thẳng tới một kho của phe ta mà xuống hàng thôi. Hàng họ thì bán cho mấy con buôn người Ý, còn lại thì đi bán dạo từng nhà trong khu cư dân Ý luôn – đại lộ Arthur ở Bronx, phố Mulberry và quận Chelsea ở Manhattan – đối với tất cả người Ý nghèo ở những nơi này thấy rẻ là mua, con gái họ có bao giờ đủ khả năng mua sắm những quần áo đẹp như thế đâu. Clemenza và Tessio cần Vito lái xe thôi, vì chúng biết Vito từng lái xe giao hàng cho tiệm nhà Abbandando. Vào năm 1919, tài xế giỏi còn hiếm lắm.
Vì hoàn cảnh đang khó khăn, mà lại được chia ít nhất một ngàn đô, Vito đành phải nhận lời. Nhưng Vito giật mình thấy hai thằng bạn trẻ quá hớ hênh, kế hoạch rất ngẫu hứng, phi tang hàng thật ngốc nghếch, toàn bộ chương trình có vẻ bất cẩn quá. Chỉ có điều hai đứa đều tốt. Thằng mập Clemenza tin cần được. Thằng gầy Tessio lì lì ít nói nhưng cương quyết.
Rất may chuyến đó mọi chuyện đều trót lọt. Vito rất ngạc nhiên là nó không hề run sợ, khi thấy hai thằng bạn vung súng lên, tống thằng tài xế ra khỏi xe. Hai thằng không chút hoảng hốt, lại còn đùa bảo thằng tài xế:
– Chú mày ngoan ngoãn, chúng anh sẽ gửi cho vợ chú mày mấy bộ đồ xịn.
Vito thấy tự đi bán lẻ hàng ăn cắp là chẳng khôn ngoan gì, nó tống tháo hết một lần cho tay thu mua hàng gian, nên thay vì một ngàn, nó chỉ được bảy trăm đô thôi. Nhưng vào năm 1919, bảy trăm cũng là một số tiền đáng kể.
Hôm sau thằng Fanucci mũ trắng, áo quần màu kem, chặn đường Vito Corleone. Với cái thẹo mới tinh trắng hếu, mà nó cố tình khoe ra, đôi mày sâu róm trên đôi mắt hung bạo, nó biểu diễn nụ cười nham nhở nói với Vito, bằng giọng còn đặc giọng Ý:
– A, chàng tuổi trẻ. Thiên hạ bảo tao mày giàu rồi hả? Mày và hai thằng bạn mày coi thường tao quá đấy. Í t ra tụi bây phải nhớ đây là đất của tao chứ, không để tao chấm mút tí nào sao?
Tuy biết tỏng thằng Fanucci đòi hỏi gì, nhưng thói quen của Vito là cứ lẳng lặng, chờ thằng kia ra giá.
Thằng Fanucci lại chành cái thẹo trắng dài như cái dây thòng lọng siết quanh cổ nó mà nhe hàm răng vàng ra cười. Nó lấy khăn tay lau mặt, cố ý mở rộng áo vest, khoe ra khẩu súng giắt ngay lưng quần. Rồi nó thở dài. bảo:
Đưa cho tao năm trăm đô, tao sẽ bỏ qua vụ chúng mày coi thường tao. Dù sao, chúng mày cũng còn trẻ, chưa biết thế nào là lễ độ đối với đàn anh như tao.
Vito Corleone nhếch miệng cười, cái cười của một thằng thanh niên chưa một lần nhúng tay vào máu, vậy mà chẳng hiểu sao làm đàn anh Fanucci phát ớn lạnh cả người. Nó ngập ngừng nói tiếp:
– Nếu không thì tụi cớm sẽ làm vợ con mày khốn khổ, nhục nhã đấy. Tất nhiên nếu tin tức của tao không chính xác, nghĩa là tụi mày không vớ bẫm đến thế, tao thông cảm, nhận chút đỉnh cho đúng phép thôi. Nhưng không dưới ba trăm đâu nhé. Và đừng tìm cách qua mặt tao.
Vito bắt đầu lên tiếng, giọng nó hòa nhã, lễ phép, đúng quy cách của thằng đàn em thưa chuyện với đàn anh tôn quý cỡ Fanucci:
– Hai thằng bạn em giữ hết tiền. Để em bảo cho tụi nó biết. Fanucci dặn:
– Bảo hai thằng bạn mày phải biết điều. Thằng Clemenza rành tao lắm, mày cứ nói thẳng, đừng ngại, nó hiểu phải làm gì mà.
– Cứ làm theo ý nó. Nó có kinh nghiệm này hơn mày. Vito làm ra vẻ xúc động:
– Đúng vậy. Đàn anh biết đó, em là lính mới mà. Cám ơn đàn anh đã mở mắt cho.
Đàn anh khoái quá, nắm lấy tay Vito bằng cả hai bàn tay rậm rì lông, bảo:
– Chú em khá lắm. Biết tôn trọng người lớn. Lần sau có làm ăn gì, nhớ báo tao trước, hả? Để tao còn thu xếp giúp cho.
Nhiều năm sau Vito Corleone mới hiểu điều làm nó phản ứng một cách hoàn hảo đến thế, chính là do cái chết của người cha nóng tính ở Sicily.
Nhưng ngay lúc này nó chỉ thấy một mối thù hận kẻ manh tâm chiếm đoạt số tiền nó đã phải liều lĩnh đánh đổi bằng cả tự do và mạng sống. Nó không hề cảm thấy sợ thằng Fanucci, trái lại, nó thấy thằng này chỉ là một thằng ngốc điên khùng. Vì với những gì nó đã thấy ở Clemenza, thằng Sicily mập này thà thí mạng chứ không chịu mất một xu. Nó đã thấy thằng Clemenza toan giết cảnh sát chỉ vì một tấm thảm. Còn thằng gầy Tessio đúng là một thằng giữ của.
Nhưng khuya hôm đó, trong căn hộ của Clemenza, Vito nhận được bài học đầu tiên. Cả hai thằng Clemenza và Tessio đều chửi thề, văng tục tùm lum, để rồi cuối cùng cả hai thằng đều băn khoăn không biết Fanucci có đồng ý nhận hai trăm đô không? Tessio đoán có lẽ nó sẽ đồng ý.
Clemenza nói như đinh đóng cột:
– Không đâu. Thằng mặt thẹo chó má ấy chắc phải dò la số hàng mình đã bán hàng cho dân phe rồi. Đời nào nó chịu nhận dưới ba trăm. Phải đưa đủ thôi.
Vito kinh ngạc vì thái độ của hai thằng bạn, nhưng không để lộ ra mà chỉ hỏi:
– Tại sao mình lại phải chi cho nó chứ? Nó có thể làm gì được ba đứa mình? Mình đông hơn, mạnh hơn. Còn có súng nữa mà. Tại sao lại phải dâng nó số tiền mà mình phải liều mạng mới có chứ?
Clemenza cắt nghĩa:
– Fanucci có bạn là những thằng rất tàn bạo. Nó lại móc ngoặc với cớm nữa. Thấy không, nó muốn tại mình báo trước khi làm ăn là để lập công với tụi cớm.
Nó là chỉ điểm, vì vậy mới có thể tung hoành vậy chứ. Nó lại còn được phép của Maranzalla để hoạt động trong khu vực này.
Maranzalla là tên trùm anh chị, tên tuổi thường được đưa lên báo, là tên đầu sỏ trong những vụ cờ bạc, cướp của giết người.
Clemenza đem rượu nhà làm ra. Vợ nó dọn một ổ bánh mì Ý, một dĩa quả ô–liu và xúc xích lên bàn, rồi lỉnh xuống trước cửa nhà tán dóc với đám đàn bà hàng xóm. Cô ta là một cô gái Ý mới tới Mỹ được vài năm, nghe ba thằng đàn ông xì xì tiếng Anh, chẳng hiểu gì cả.
Vito vừa lai rai với hai thằng bạn vừa nghĩ ngợi. Từ xưa tới giờ nó chưa hề vận dụng đến trí thông minh như lúc này. Nó ngạc nhiên thấy mình suy tính sự việc rất minh bạch. Nó nhớ lại tất cả những gì đã biết về thằng Fanucci. Nhớ lại cái ngày thằng khốn đó bị cứa cổ, vừa chạy trối chết, vừa cầm mũ hứng máu dưới cằm. Nó nhớ lại vụ một thằng bị giết và hai thằng được Fanucci nhận tiền để tha mạng. Thình lình nó tin chắc thằng Fanucci chẳng có gốc bự, móc ngoặc được với cớm kiếc gì hết. Một thằng Mafia thật sự là phải thịt luôn hai thằng nhóc kia. Không, thằng Fanucci giết được một thằng chỉ vì may mắn, khi hai thằng còn lại biết trước, để cảnh giác, nó cóc làm gì được. Nó nhận tiền và làm như bỏ qua, tha thứ. Nó chỉ là một thằng hung bạo, hành động riêng lẻ để gom tiền sòng và ức hiếp mấy cửa hàng. Nhưng Vito biết, ít nhất có một sòng không chịu nộp tiền bảo kê cho thằng Fanucci, mà chẳng hề xảy ra chuyện gì.
Vậy rõ ràng thằng Fanucci chỉ ăn mảnh một mình. Điều suy nghĩ đó đưa Vito Corleone đến một quyết định. Cái quyết định sẽ lái cuộc đời nó về hướng khác.
Từ kinh nghiệm này, nó không ngừng tin tưởng lặp lại câu "mỗi người có một số phận riêng". Nếu đêm đó nó đưa tiền cho Fanucci, và trở lại làm việc trong một tiệm tạp hóa, có lẽ ít năm sau nó có thể cũng trở thành một chủ tiệm tạp hóa nho nhỏ. Nhưng định mệnh đã an bài là nó phải trở thành một Ông Trùm, nên đã đưa Fanucci đến, để nó bước vào con đường định mệnh này.
Cùng nhau làm hết chai rượu xong, Vito mới thủng thẳng bảo Clemenza và Tessio:
– Này, nếu hai cậu muốn, tại sao không đưa tiền cho mình, mỗi cậu hai trăm, mình sẽ đưa cho thằng cha Fanucci. Bảo đảm hắn sẽ nhận ngần ấy thôi. Cứ để tớ lo. Tớ sẽ thu xếp để các cậu vừa lòng thì thôi.
Mắt Clemenza ánh lên vẻ nghi ngờ, Vito lạnh lùng nói:
– Mình chưa bao giờ dối gạt những người mình đã nhận là bạn. Cậu hãy đi nói chuyện với Fanucci vào ngày mai. Hãy để nó hỏi cậu về chuyện tiền. Nhưng đừng đưa. Và đừng tranh luận, trả giá với nó. Bảo nó cậu sẽ trao tiền cho mình để đưa cho nó. Làm cho nó tin mình rất sẵn lòng làm theo đòi hỏi của nó. Nhớ đừng trả giá. Phần đó để cho mình. Nếu quả nó là thằng nguy hiểm như cậu nói, thì cũng chẳng có điểm nào làm cho nó nổi giận được.
Hôm sau, Clemenza gặp và nói chuyện với Fanucci, để biết chắc Vito không dựng chuyện. Sau đó nó đến đưa cho Vito hai trăm và hỏi:
– Fanucci bảo, nó nhất định không chịu dưới ba trăm. Làm sao cậu đưa cho nó ít hơn được?
Vito tỉnh bơ:
– Làm sao thì cậu không cần biết. Nên nhớ tớ làm giúp các cậu.
Sau đó là Tessio, Tessio sắc sảo, khôn ngoan hơn Clemenza. Nó cảm thấy có điều bất ổn, hơi lo lắng hỏi Vito:
– Cậu có muốn mình ở đây khi trao tiền cho nó không? Thằng ấy còn quỷ quái hơn cả cha cố đấy.
Vito chỉ lắc đầu bảo:
– Nói với nó, tớ sẽ đưa tiền ngay tại nhà tớ. Mời nó lai rai, cho dễ điều đình.
Tessio cũng lắc đầu bảo:
– Chẳng ăn thua gì đâu. Thằng đó cứng lắm.
– Mình sẽ nói phải trái với nó – Vito Corleone nói.
Và câu nói đó trở thành nổi tiếng những năm sau này. Nó trở thành lời cảnh cáo khiếp đảm trước khi nổ ra một cuộc đụng độ kinh hoàng. Khi đã trở thành Ông Trùm, và đối tác được mời ngồi lại để nói chuyện phải trái, thì được hiểu như đó là cơ hội cuối cùng để giải quyết một sự việc, tránh thịt rơi máu đổ.
Vito Corleone bảo hai con xuống đường chơi sau bữa ăn tối, và chỉ khi nó cho phép mới được trở lên nhà. Phần cô vợ phải ngồi gác ngay dưới của chung cư. Nó có công việc với Fanucci, không muốn bị quấy rầy. Nhìn mặt cô hốt hoảng, nó phát bực, bảo:
– Cô nghĩ chồng cô là thằng ngốc à?
Cô ta im lặng. Không trả lời vì sợ, không phải sợ Fanucci, mà chính là sợ người chồng. Anh ta đổi thay thấy rõ từng giờ, trở thành một con người tỏa ra một sức mạnh đầy nguy hiểm. Vẫn trầm tính, ít nói, luôn luôn dịu dàng, chừng mực, thật là một điều bất thường đối với một người đàn ông Ý. Cô nhìn thấy chồng như lột xác từ một người hiền lành, chân chất, trở thành một người sẵn sàng nhào vào định mệnh. Anh khởi sự muộn, đã hai mươi bốn tuổi rồi, vì vậy anh phải khởi sự một cách chắc chắn, vững vàng khi tuổi còn xuân.
Vito Corleone quyết định thịt thằng Fanucci. Làm việc đó, nó thêm được bảy trăm đô gửi ngân hàng. Ba trăm phần nó phải nạp cho thằng Bàn Tay Đen, cộng bốn trăm của Clemenza và Tessio. Nếu để thằng Fanucci sống, nó phải trao cho thằng này tất cả bảy trăm đô đó. Đối với nó, mạng sống của thằng Fanucci không đáng bảy trăm đô. Nếu thằng Fanucci cần bảy trăm để giải phẫu mới sống được vì một căn bệnh ngặt nghèo, thì Vito cũng không bao giờ bỏ ra tới bảy trăm đô để trả tiền phẫu thuật. Cá nhân nó
chẳng ân nghĩa gì với thằng Fanucci, không máu mủ, họ hàng, chẳng ưa thích gì nhau cả. Vì lý do gì, nó phải cho thằng Fanucci bảy trăm đô? Hơn nữa, thằng Fanucci đã dùng áp lực để đòi lấy tiền của bọn nó, sao nó lại không thể thịt thằng Fanucci? Một con người như thằng ấy, sống cũng chẳng có ích gì cho ai trên đời này.
Tất nhiên cũng còn những lý do khác trong hành động của Vito. Vì có thể Fanucci còn bạn bè đủ mạnh để báo thù. Bản thân thằng Fanucci cũng đâu dễ chơi, nó vốn là thằng nguy hiểm. Lại còn cảnh sát, ghế điện sờ sờ ra đó. Nhưng bản thân Vito Corleone đã từng sống dưới bản án tử hình của những kẻ sát nhân đã giết cha nó. Mười hai tuổi đã phải vượt đại dương để đến một miền đất lạ, mang một cái tên xa lạ. Bao nhiêu năm trường lặng lẽ, âm thầm quan sát, nó nhận ra mình thông minh và can đảm hơn những thằng đàn ông khác, dù chưa có dịp sử dụng trí thông minh và sự can trường đó.
Nó ngập ngừng bước cái bước đầu tiên vào định mệnh. Nó bỏ bảy trăm vào bóp rồi nhét vào túi quần trái. Túi quần phải để khẩu súng Clemenza đã đưa trong vụ ăn hàng quần áo vừa qua.
Fanucci đến đúng chín giờ tối. Vito bày hũ rượu của Clemenza. Fanucci đặt cái mũ bên cạnh hũ rượu, nới cà vạt hoa hoét lòe loẹt. Đêm hè oi bức, đèn đóm tù mù. Trong căn hộ hoàn toàn im ắng. Để chứng tỏ lòng thành, Vito đưa cho đàn anh cuộn tiền. Fanucci đếm cẩn thận, bỏ vào cái bóp da. Fanucci vừa nhấp rượu vừa phán:
– Chú mày còn thiếu tao hai trăm đô nhé. Vito đi bài tả oán:
– Còn thiếu chút đỉnh, đàn anh thông cảm thư thư cho em vài tuần.
Chẳng là em bị thất nghiệp...
Cầm cả nắm tiền trong tay rồi, số còn lại lúc nào lấy chẳng được, nên thằng Fanucci lên giọng kẻ cả:
– A, chú mày láu cá thật. Tại sao trước đây tao không nhận ra chú mày nhỉ? Chắc tại chú mày kín đáo quá. Tao sẽ tìm cho chú mày một công việc thích hợp.
Vito cúi đầu rất lễ phép, rót thêm rượu mời đàn anh. Nhưng Fanucci đứng dậy, đưa tay bắt:
– Thôi, chào chú em. Không có gì buồn chứ? Nếu cần gì cứ cho tao biết. Tối nay mày khá lắm.
Vito đưa Fanucci xuống thang, tiễn ra tận ngoài đường. Hè phố tấp nập người, có thể làm nhân chứng thằng Fanucci ra khỏi nhà Corleone bình an. Vito lên lầu, nhìn qua cửa sổ, thấy Fanucci quẹo góc phố về hướng Đại lộ Mười Một, và biết nó trên đường về nhà. Có lẽ về để cất súng hay tiền, mới lại ra phố. Vito ra khỏi phòng, leo thang lên nóc nhà, rồi qua cửa cứu hỏa, xuống sân sau. Đối diện của sân sau, là căn hộ của khu nhà thằng Fanucci mướn ở. Suốt đại lộ Mười Một hầu hết là kho bãi của Trung tâm Đường sắt New York, kéo dài tới bờ sông Hudson. Chung cư mà Fanucci mướn một căn hộ, là một trong những chung cư lèo tèo trên khoảng đất rộng, hoang vắng. Dân cư ngụ đều thuộc giới lao động nghèo, độc thân và mấy ả điếm rẻ tiền. Đám ở đây không ngồi tán gẫu trên hè đường như những người Ý đàng hoàng khác, mà chúng chui vào mấy quán rượu chén cho kỳ hết mấy đồng bạc vừa kiếm được. Vito dễ dàng băng qua con đường vắng tanh, lẻn vào hành lang chung cư nhà Fanucci. Nó rút ra khẩu súng, nó chưa hề bắn lần nào, đứng đợi thằng Fanucci.
Nhìn qua cửa kính hành lang, Vito có thể quan sát hướng về từ đường số Mười của Fanucci. Clemenza đã hướng dẫn nó cách sử dụng súng. Nhưng ngay từ khi là thằng nhóc Sicily mới chín tuổi, nó đã có dịp đi săn với bố, thường bắn bằng khẩu súng trường năng trịch lupara. Chính vì tài bắn súng lupara của nó, mà mới mười hai tuổi, nó đã bị lên án tử bởi những kẻ sát hại ông già nó.
Trong hành lang tối, nó thấy cái bóng trắng của thằng Fanucci ở cửa. Vito bước lùi lại, dựa vai vào cánh cửa trong dẫn lên cầu thang. Nó đưa súng lên, thế sẵn sàng. Khoảng cách từ khẩu súng tới cửa trước chỉ cách vài bước. Cửa bật mở, thằng Fanucci trắng toát, đồ sộ, lù lù trước mặt. Vito Corleone bóp cò.
Tiếng nổ thoát ra tới đường phố và làm rung chuyển cả gian nhà. Fanucci chộp lấy thành cửa, ráng đứng vững và móc súng. Nó giật mạnh tới nỗi làm đứt hết nút áo vest lộ ra khẩu súng, và cũng lộ ra vết máu đỏ lòm trên nền áo trắng, ngay bụng. Rất cẩn trọng, như đang tiêm thuốc vào gân, Vito tương thêm một phát ngay đốm máu đỏ lòm.
Fanucci khuỵu xuống, cánh cửa bật tung. Nó rên rỉ thảm thiết, tiếng rên rỉ của một kẻ kiệt sức. Vito nghe Fanucci rên tới lần thứ ba, mới gí súng ngay cái má nhớp nháp mồ hôi của Fanucci, đẩy một phát xuyên tới óc. Không đầy năm giây, kể từ lúc Fanucci bước vào cửa tử đến lúc xác nó nằm lù lù chắn lối ra vào.
Rất thận trọng, Vito lấy cái bóp trong túi áo vest người chết nhét vào phía trong áo sơ mi của mình. Rồi nó bước qua đường, trở lại bãi đất thuộc khu chung cư nhà nó, đi qua sân sau, leo theo cầu thang cứu hỏa lên nóc nhà. Nó đứng trên mái quan sát xuống con phố. Xác thằng Fanucci vẫn nằm im nơi cửa, không một bóng người quanh đó. Có hai cửa sổ mở, những cái đầu đen thập thò, nhưng nó không nhìn rõ mặt thì chắc chắn họ cũng không thể nhìn rõ nó. Thằng Fanucci phải nằm đó tới sáng, hoặc có cảnh sát tuần tra đi qua mới phát hiện. Chẳng ai sống trong chung cư đó lại muốn bị cảnh sát nghi ngờ hay vặn vẹo, tra hỏi. Để yên thân, họ sẽ khóa chặt cửa, làm như chẳng nghe, chẳng biết gì.
Vito tiếp tục đi trên mái nhà, về tới nóc căn hộ của nó, nhảy xuống. Mở khóa vào nhà, đóng cửa, khóa phía trong. Lấy cái bóp của Fanucci ra. Ngoài bảy trăm đô nó mới đưa, trong bóp chỉ có một tờ năm đô và ít tiền lẻ. Cất kỹ trong một ngăn nhỏ là một đồng vàng xưa năm đô la, chắc là bùa
cầu tài của Fanucci. Tất cả càng cho thấy sự nghi ngờ của Vito là đúng. Fanucci chỉ là một tay găng tơ dỏm.
Ngay từ lúc đó Vito đã biết chẳng nên giữ đồng tiền vàng năm đô la, cái bóp và khẩu súng. Nó bỏ lại đồng tiền vào bóp, rồi leo lên mái, men theo mấy tấm ô văng, ném cái bóp xuống một cái giếng trời. Nó tháo rời khẩu súng, đập vào thành tường cho móp méo, rồi tung về những giếng trời khác. Tất cả không gây một tiếng động, từ lầu năm, những mảnh súng rơi êm, chìm trong đống rác khổng lồ phía dưới.
Nó cũng hơi run nhưng hoàn toàn tự chủ được. Nó thay quần áo, bỏ vào chậu, đổ cả đống bột giặt và thuốc tẩy, rồi đặt lên bàn giặt. Nó lấy đống quần áo mới giặt trong phòng ngủ, đem bỏ chung vào cùng với bộ đồ dơ. Xong xuôi, nó mặc một bộ đồ sạch sẽ, xuống đường chơi với vợ con và mấy người lối xóm.
Thật ra Vito quá lo xa, vì sáng hôm sau, khi tụi cớm phát hiện xác thằng Fanucci, chúng chẳng hỏi han gì tới Vito. Nó ngạc nhiên thấy tụi cớm chẳng hề hay biết gì chuyện Fanucci đến nhà nó buổi tối, trước khi bị giết. Nó đã tốn công sắp xếp để là một người ngoại phạm. Nhưng cảnh sát lại có vẻ hả hê vì cái chết của thằng Fanucci, không sốt sắng lắm trong việc truy tìm thủ phạm. Chúng đoán chừng đây chỉ là chuyện thanh toán băng đảng với nhau, nên kéo hồ sơ của mấy tay giang hồ, du đãng ra thẩm vấn. Vito Corleone là thằng hiền khô, chưa bao giờ gây chuyện lộn xộn, ai mà ngờ tới.
Nhưng nếu nó lừa được tụi cớm, thì các bạn nó lại nghĩ khác. Suốt hai tuần sau, Clemenza và Tessio lánh mặt nó.
Rồi một tối cả hai tới nhà Vito, với vẻ nể nang thấy rõ. Còn Vito vẫn lịch thiệp mời rượu. Clemenza nói trước:
– Này, chẳng thằng nào thu tiền mấy cửa hàng trên đường số Chín hết.
Mấy sòng bài trong khu này cũng vậy.
Vito lom lom nhìn hai thằng bạn, không nói năng gì. Tessio đành lên tiếng:
– Tụi mình có thể lo mấy mối làm ăn thay thằng Fanucci. Đám kia chắc sẽ chung chi cho mình.
Vito nhún vai:
– Tại sao lại bàn với tớ. Tớ đâu có quan tâm đến mấy chuyện này.
Clemenza phá lên cười. Lúc đó bụng nó chưa đến nỗi như thùng nước lèo, nhưng tiếng cười của nó đã rõ ra tiếng cười của một anh béo. Nó hỏi Vito:
– Thế khẩu súng tớ đưa cho cậu trong vụ ăn hàng đâu? Nếu không xài nữa thì trả lại chứ.
Rất khoan thai, Vito lấy từ túi ra một cọc tiền, rút ra năm tờ mười đô, bảo:
– Đây, trả cậu. Tớ liệng khẩu súng, sau vụ ăn hàng rồi. Rồi nó mỉm cười với hai thằng bạn.
Thời gian đó Vito Corleone chưa biết nụ cười của nó "nặng kí" đến cỡ nào. Nó ớn lạnh dù không hề tỏ ra hăm dọa. Nụ cười như tự đùa một chuyện riêng tư nào đó, mà chỉ mình nó biết. Nhưng từ khi nụ cười đó không còn là chuyện riêng nữa, thì trở thành kiểu cười chỉ dành cho những vụ kinh khủng chết người. Nó cười mà mắt không một thoáng cười, toàn thân nó toát ra một vẻ chừng mực, chững chạc, âm thầm; bản chất thật của nó thoắt lộ thật hãi hùng.
Clemenza ớn quá, lắc đầu:
– Tớ không cần tiền.
Vito lẳng lặng bỏ lại tiền vào túi. Chúng hiểu nhau quá rõ. Hai thằng kia đều biết nó thịt Fanucci. Và cả bọn không hề hé lộ một lời với ai. Nhưng
chỉ vài tuần sau, trong toàn khu vực, ai cũng biết. Mọi người đối xử với Vito như "một người đáng nể". Nhưng Vito vẫn không có ý định thay chân thằng Fanucci đi thâu tiền biếu xén.
Nhưng tiếp theo đó là một chuyện không tránh khỏi đã xảy ra. Một buổi tối, vợ Vito dẫn bà bạn góa bụa bên hàng xóm về nhà. Đó là một người đàn bà Ý đức hạnh. Bà ta làm việc vất vả để nuôi dạy mấy đứa con mồ côi cha. Con cái bà là những đứa con hiếu thảo. Thằng con trai mười sáu tuổi lãnh lương về là đưa hết cho mẹ, kính cẩn bằng cả hai tay đúng kiểu đất lề quê thói, con chị mười bảy tuổi của nó làm thợ may cũng vậy. Ban đêm cả nhà xúm vào đơm khuy nút kiếm thêm tí tiền còm. Tên bà ta là Colombo.
Khi nghe vợ bảo bà Colombo gặp chuyện khó khăn, nhờ giúp đỡ, Vito tưởng chuyện tiền bạc, nó sẵn lòng giúp bà. Nhưng lại là chuyện thằng con trai út của bà có một con chó cưng. Con chó nhóc đêm nào cũng sủa nhặng lên, làm mấy nhà hàng xóm bực mình, thưa gửi với ông chủ chung cư. Ông chủ bắt bà tống ngay con chó đi. Nhưng vì thương con, bà dạ dạ vâng vâng, nhưng vẫn lén lút nuôi. Khi biết chuyện, ông chủ nhà điên tiết vì cho là bà đã qua mặt ông, ra lệnh cho gia đình bà đi nơi khác. Bà vội đem con chó đi cho. Nhưng ông chủ vẫn giận vì bà đã cãi lệnh, nên nếu bà không chịu dọn đi, thì sẽ có cảnh sát tới tống cổ mẹ bà con ra đường. Vậy là thằng út khóc hết hơi vì mất chó, mà nhà vẫn bị đuổi.
Vito nhẹ nhàng hỏi:
– Sao bà lại nhờ tôi?
Bà Colombo hất đầu về vợ Vito:
– Chị ấy bảo tôi cứ nhờ anh.
Ghê chưa? Cô ấy không hề hỏi han gì đến mấy cái quần áo giặt đêm nó giết thằng Fanucci, cũng chẳng đá động coi tiền bạc ở đâu ra mà nhiều thế, trong lúc nó không công ăn việc làm. Ngay cả lúc này, mặt cô ấy vẫn tỉnh
như không. Nó bảo sẽ giúp bà Colombo một số tiền để dọn nhà tới nơi khác. Nhưng bà ta vừa khóc vừa lắc đầu:
– Không. Bạn bè tôi ở đây, suốt thời con gái chị em chúng tôi cùng lớn lên bên Ý. Làm sao tôi đến sống với những người xa lạ được? Tôi chỉ nhờ anh nói giúp một tiếng với ông chủ nhà, cho mẹ con tôi ở lại.
Vito gật đầu:
– Vậy thì được rồi. Bà sẽ không đi đâu hết. Sáng mai tôi sẽ nói chuyện với ông ấy.
Cô vợ ban cho nó nụ cười rất dễ thương, nó không hiểu vì sao, nhưng cũng cảm thấy vui vui. Bà Colombo lo lắng hỏi:
– Anh có chắc ông ấy đồng ý không? Vito ngạc nhiên hỏi lại:
– Ông Roberto à? Tất nhiên ông ấy sẽ đồng ý. Ông ấy là người tốt bụng. Tôi sẽ nói rõ hoàn cảnh của bà, ông ấy sẽ gật đầu ngay. Thôi đừng buồn nữa. Giữ gìn sức khỏe để lo cho các cháu chứ.
Ngày nào ông chủ cho thuê nhà, lão Roberto, cũng đánh một vòng qua năm chung cư của lão để kiểm tra. Lão là một "ông lớn", chuyên bán những tay lao động người Ý vừa chân ướt chân ráo tới nước Mỹ cho mấy công ty lớn. Tiền kiếm được lão lần lượt mua bất động sản, hết cắn này tới căn khác để cho thuê. Vốn là một thằng cha có học đến từ Bắc Ý, lão rất khinh bỉ tụi vô học ngu dốt đến từ Sicily hay Naples. Lũ nhà quê này lúc nhúc trong những căn nhà của lão như chấy rận, ăn ở dơ dáy, xả rác tùm lum, thản nhiên nhìn chuột bọ phá phách tài sản của lão, chẳng thèm nhúc nhích xua đuổi. Lão đâu phải người xấu, lão là người chồng, người cha tốt, chỉ hơi bị quá bận tâm vì tiền, tiền kiếm được phải tiêu vào những chuyện
chẳng đặng đừng, tất cả làm lão muốn điên lên, nên lúc nào lão cũng cau có, gắt gỏng.
Nên khi bị Vito chặn lại ngoài đường để thưa đôi câu, lão bực lắm, nhưng đối với thằng miền Nam này mà không khéo xử, là tụi nó lại cho một dao liền, vả lại thằng thanh niên này cũng có vẻ hiền lành.
Vito nói với lão:
– Thưa ông Roberto, bà bạn của vợ tôi, một người đàn bà góa bụa có cho tôi biết, vì lý do nào đó bà ấy được lệnh phải dọn khỏi nhà ông. Bà ấy rất khổ tâm, tiền bạc không có, bạn bè chỉ có mấy người đang sống trong khu này. Tôi có hứa là nói với ông giúp bà ấy. Ông là người tốt, rất biết điều. Ông bảo vậy chắc chỉ vì hiểu lầm thôi. Bà ấy đã đem cho con chó rồi, còn lý do gì để bà ấy không ở lại được đâu. Cũng là người Ý với nhau, tôi xin ông giúp cho.
Lão Roberto ngắm nghía cái thằng đang đứng lù lù chặn đường lão. Người tầm thước, khỏe mạnh, nhưng là một tên nông dân chứ không phải một thằng ăn cướp, tuy nhiên lão suýt phì cười vì thằng nhà quê này dám tự xưng là người Ý như lão. Lão nhún vai, bảo:
– Tôi đã cho người khác mướn với giá cao hơn rồi. Không thể rút lại để cho người bạn anh được.
Vito gật đầu thông cảm:
– Mỗi tháng tăng bao nhiêu?
– Năm đô la.
Nghe lão nói, Vito biết ngay lão nói láo. Bốn phòng tối như hũ nút, lão cho người đàn bà góa kia thuê mười hai đô một tháng là quá rồi, làm sao có người trả cao hơn được. với Vito lấy ra một cọc tiền, rút ba tờ mười đô đưa cho lão:
– Đây là tiền tăng thêm cho sáu tháng. Ông không cần phải nói cho bà ấy biết chuyện này, hết sáu tháng ông cứ cho biết để tôi đưa. Nhưng chắc ông cho phép bà ấy được nuôi con chó chứ?
Lão bật nói:
– Bố khỉ. Mày là thằng đếch nào mà dám ra lệnh cho tao? Mày có muốn bị đá đít ra đường không, thằng Sicily?
Vito ra vẻ ngạc nhiên đưa cả hai tay lên trời mà phân trần:
– Ô hay, tôi chỉ nhờ vả ông thôi mà. Ai chẳng có lúc phải nhờ vả người khác, phải không? Ông cứ cầm tiền này coi như chút lòng thành của tôi. Chỉ mong ông nghĩ lại, phần quyết định vẫn là do ông, tôi đâu dám bàn cãi gì thêm. Sáng mai, nếu muốn, ông trả lại tiền cho tôi vẫn kịp mà. Nếu ông muốn bà ấy dọn đi, làm sao tôi cản được. Tôi có thể thông cảm chuyện ông không ưa có chó trong nhà, vì chính tôi cũng chẳng thích gì chúng. Nhưng xin ông sáng giúp, tôi không quên ơn ông đâu. Cứ hỏi bạn bè ông quanh đây, ông sẽ biết tôi là người sống có tình nghĩa lắm.
Nhưng lão Roberto đã bắt đầu hiểu ra. Tối hôm ấy, lão lò mò làm một cuộc điều tra về Vito Corleone. Không đợi tới sáng hôm sau, ngay đêm đó lão vội vã tới gõ cửa nhà Vito. Nhận ly rượu của bà Corleone mời mà cứ luôn mồm xuýt xoa xin lỗi vì đã đến làm phiền gia đình vào cái giờ khuya khoắt thế này. Lão phân trần với Vito, tất cả chỉ do hiểu lầm thôi, bà Colombo hãy cứ ở lại căn hộ đó, cứ thoải mái nuôi chó. Cái đám mướn nhà giá rẻ mạt kia lại còn về chuyện kêu ca vì nuôi chó là không được. Sau cùng lão đặt ba chục đô la lên bàn, thành khẩn nói:
– Lòng tốt của ông đối với người đàn bà góa bụa khốn khổ kia làm tôi xấu hổ quá. Với tinh thần bác ái của một người Công giáo, tôi cũng xin đóng góp một chút. Tôi không tăng tiền thuê nhà của bà ấy đâu.
Màn bi hài kịch hai anh kép già, trẻ diễn cực khéo. Vito rót rượu, gọi vợ đem bánh ra, nắm lấy tay lão Roberto mà rung lên, ngợi ca tấm lòng từ tâm
của lão. Sau màn thắm thiết từ biệt nhau, lão Roberto bủn rủn chân tay vì sợ, đi như chạy ra xe điện vọt về nhà, leo ngay lên giường ngủ. Suốt ba ngày sau, lão không hề ló mặt đến mấy căn nhà cho thuê.
Bây giờ Vito Corleone trở thành một "người đáng trọng" trong toàn khu vực. Có lời đồn hắn là một thành viên của Mafia từ Sicily. Một hôm có một thằng cha chuyên chứa bài đến gặp Vito và tự nguyện "biếu" hắn mỗi tuần hai mươi đô la để tỏ tình thân hữu. Gã chỉ xin Vito một tuần đôi lần, tà tà ghé ngang sòng bài, để các tay chơi yên tâm là đã có đàn anh bảo kê.
Các chủ hiệu có vấn đề với mấy thằng du đãng, cũng đến nhờ đàn anh can thiệp. Vito dẹp êm ngay. Tất nhiên là có khoản "bồi dưỡng". Cứ vậy mỗi tuần Vito kiếm được cả trăm đô. Dù Clemenza và Tessio không lên tiếng, nhưng là chiến hữu của nhau, Vito cũng chia cho hai thằng bạn một phần. Cuối cùng, Vito quyết định kinh doanh dầu ô–liu cùng thằng bạn thân nhau từ nhỏ, thằng Genco Abbandando, con chủ tiệm tạp hóa. Vì Genco đã có kinh nghiệm từ cửa hàng của bố, nên lo phần định giá, nhập hàng từ Ý, trữ hàng trong kho của bố nó. Khâu phát hành là của Clemenza và Tessio. Hai gã này đến từng cửa hàng tạp hóa từ Manhattan, Brooklyn tới Bronx tiếp thị dầu ô–liu hiệu Genco Pura (Với tính khiêm nhường, Vito từ chối dùng tên hắn làm nhãn hiệu). Nhưng tất nhiên vì là người lo hầu hết công việc, kể cả tiền bạc, nên Vito là sếp sòng trong hội. Vito cũng phải giải quyết luôn những ca đặc biệt, chẳng hạn có những chủ hiệu không chịu nói chuyện buôn bán với Clemenza và Tessio, lúc đó đàn anh Vito xuất hiện, dùng cái uy đáng gờm ra mà thuyết phục.
Vài năm sau, Vito là một nhà buôn nhỏ hoàn toàn thoải mái trong cuộc sống, và dốc hết tâm lực trong việc làm ăn, để củng cố cơ sở lớn mạnh trong nền kinh tế đang phát triển năng động. Vito là một người chồng, người cha tận tụy, nhưng bận rộn tới nỗi chỉ còn rất ít thời gian dành cho vợ con. Để công ty dầu Genco Pura phát triển thành công ty nhập dầu ăn Ý lớn nhất tại Mỹ, phải tổ chức mạng lưới khắp nơi. Vito hiểu rằng để cạnh
tranh phải hạ giá bán thấp hơn đối thủ, thuyết phục khách hàng giảm mức tiêu thụ mặt hàng của đối phương. Giống như bất kỳ tay buôn lành nghề nào, Vito nhắm tới nắm độc quyền, áp lực đối phương rời bỏ thị trường hoặc phải sáp nhập vào công ty của nó. Tuy nhiên, bước khởi đầu đã ít vốn, lại không chịu quảng cáo, hoàn toàn tùy thuộc vào lối quảng cáo, tuyên truyền rỉ tai, lại thêm thật sự thì dầu Genco Pura cũng chẳng hơn gì các hãng đối thủ. Mà lại càng không thể dùng phương sách bóp hầu, bóp cổ những người làm ăn hợp pháp kia. Vito lại phải tận dụng đến phong cách riêng của nó, cái tiếng tăm của một "người đáng nể trọng".
Ngoài ra, tuy còn trẻ, Vito Corleone còn được biết đến là một người biết điều". Không bao giờ hăm dọa, chỉ đưa ra những lý lẽ rất thuyết phục. Hai bên đều có lợi, chẳng ai bị thiệt thòi. Cũng như những nhà kinh doanh tài năng khác, Vito thấy tự do cạnh tranh là vô ích, độc quyền sẽ có hiệu quả hơn. Nhưng có mấy tay buôn dầu ở khu Brooklyn rất cứng đầu, tính nóng như lửa, không thèm nghe, không thèm bàn bạc phải trái gì, dù Vito kiên nhẫn đưa ra đủ chi tiết, đủ lý lẽ. Đến đó thì Vito đành đưa hai tay lên, đầy thất vọng. Rồi nó điều ngay Tessio đến Brooklyn lập bộ chỉ huy, để giải quyết vấn đề. Nhà kho bị đốt, xe chở dầu bị đập, dầu tràn lan trên đường phố như một cái hồ. Một thằng cha gốc Milan ngu dốt, xấc xược, sùng tín cảnh sát còn hơn cả tông đồ tin Chúa Jesus, bất chấp luật Omerta từ mười thế kỷ nay, le te đi tố thằng đồng hương người Ý với cảnh sát. Nhưng cảnh sát chưa kịp động tay thì thằng đi tố cáo đã bị "hô biến" bỏ lại một vợ, ba con. Mấy thằng con lão đã trưởng thành thay cha lo việc làm ăn và đồng ý sáp nhập vào công ty dầu ăn Genco Pura.
Thời thế tạo anh hùng, nên khi luật cấm mua bán rượu ban hành, Vito Corleone nhảy một bước từ một anh nhà buôn bình thường, tuy hơi tàn nhẫn, thành một Ông Trùm trong thế giới tội ác. Tất nhiên, không phải chỉ trong một ngày, một năm, nhưng vào giai đoạn cuối của lệnh cấm rượu và bắt đầu thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế, thì Vito Corleone đã nghiễm nhiên là một Bố Già, là Ông Trùm Corleone.
Thời gian đầu Công ty dầu Genco Pura có đội xe tải sáu chiếc. Qua Clemenza, một đám buôn rượu lậu từ Canada vào Mỹ, đề nghị với Ông Trùm cho chúng thuê đội xe và người để đi phân phối hàng khắp thành phố New York, nhưng phải là những tay kín đáo, tin cậy, khỏe mạnh. Chúng sẵn lòng chi một khoản tiền lớn. Thấy món hời khổng lồ, Vito cho ngừng ngay việc vận tải dầu, dùng đội xe để chuyên chở rượu cho đám buôn lậu, bỏ ngoài tai những lời hăm he bóng gió của đám chủ hàng này. Ngay từ thuở đó, Vito Corleone đã tỏ ra là một tay khôn ngoan, lọc lõi, chẳng vì ba câu hăm dọa vớ vẩn mà cảm thấy bị mất mặt hay giận dữ đến nỗi làm vuột mất mối lợi. Trái lại Vito còn coi thường tụi kia. Đã tìm mặt gửi vàng, lại còn phải xa xôi dằn mặt nhau.
Trong chuyến đó Vito thắng lớn. Nhưng điều quan trọng hơn là hắn hiểu biết thêm, có nhiều quan hệ và nhiều kinh nghiệm hơn. Hắn tích lũy ân nghĩa, như ngân hàng tích lũy tiền. Hắn bảo trợ cho những gia đình Ý nghèo được lãnh rượu về bán chui cho mấy anh chàng lao động, với giá mười lăm xu một ly. Hắn nhận làm bố đỡ đầu cho thằng con út của bà Colombo, khi thằng nhỏ chịu lễ Thêm Sức, với món quà bằng vàng trị giá hai mươi đô. Trong thời gian đó, chẳng may mấy xe tải của hắn bị cảnh sát "vịn", Genco Abbandando thuê ngay một luật sư sáng giá, quen biết rộng với giới cảnh sát và bên tư pháp. Một hệ thống "quà cáp" được thiết lập. Chẳng bao lâu, Vito lập hẳn một bản danh sách chi tiền các quan chức hàng tháng. Anh chàng luật sư thấy tốn kém quá, định cắt bớt một số tên. Vito Corleone nói ngay:
– Đừng. Cứ để nguyên danh sách đó, dù có những tên ngay lúc này chưa làm gì giúp được mình. Tôi tin tưởng ở tình bạn, và tôi chỉ muốn chứng tỏ tình bạn trước hết.
Càng ngày, đế quốc của Corleone càng lớn mạnh. Mua thêm hàng đoàn xe tải. Danh sách "bạn hữu" cứ dài thêm. Đám quân làm việc trực tiếp dưới quyền Clemenza và Tessio mỗi ngày mỗi thêm đông. Tất cả công việc trở
thành phức tạp hơn. Vito Corleone bèn tổ chức thành hệ thống đàng hoàng. Clemenza được ban chức caporegime, tương đương một đại úy, những tên dưới quyền coi như quân lính. Genco Abbandando trở thành consigliori, cố vấn. Ông Trùm chỉ ban lệnh trực tiếp cho cố vấn (consigliori) hay một trong hai caporegime. Hiếm ai được thấy Ông Trùm ban lệnh cho người nào ngoài những cá nhân đặc biệt trên, để tránh khi hữu sự có thể làm nhân chứng. Hai caporegime cũng phải tách rời. Tessio đảm trách khu Brooklyn. Clemenza và Tessio chỉ khi nào cần thiết mới được gặp nhau. Điều này được lý giải là vì an toàn của cơ sở. Nhưng Tessio thừa thông minh để hiểu rằng Vito không muốn hai caporegime quá thân thiết, có thể tạo dịp liên kết chống lại đàn anh Vito. Nhưng bù lại, Tessio được thoải mái hoạt động ở Brooklyn, còn Clemenza tuy can đảm hơn, tàn bạo hơn, nhưng lại quá ham vui, nên phải siết chặt ở Bronx.
Vụ khủng hoảng kinh tế càng lớn, thì quyền lực của Vito Corleone càng mạnh. Và vào giai đoạn đó Vito được tôn xưng chức Ông Trùm. Thời gian đó, khắp thành phố, người lương thiện đi xin một việc làm đàng hoàng không có. Những vị quyền cao chức trọng vì gia đình, vợ con đành hạ mình nhận đồ cứu tế. Trong khi đó đàn em của Ông Trùm ngẩng cao đầu khi ra ngoài, tiền bạc rủng rỉnh đầy túi, mà lại không hề lo sợ mất việc làm. Khiêm tốn đến như Ông Trùm, còn ngấm ngầm hãnh diện vì đã lo đầy đủ cho đám người dưới trướng, những con người lệ thuộc vào ông, hy sinh xương máu để phục vụ ông. Đã vậy, nếu có tên nào chẳng may bị bắt giữ, tù tội, thì gia đình vợ con kẻ bất hạnh đó được cấp dưỡng ngay, không phải một chút bố thí, mà đầy đủ, hậu hĩ như số tiền kẻ kia kiếm được khi còn tự do.
Tất nhiên đây không phải thuần túy là việc làm bác ái của một con chiên Công giáo, không phải như bạn bè vẫn gọi Ông Trùm là bậc thánh xuống từ Thiên đàng. Trong thái độ quảng đại đó có chút ý đồ tư lợi. Một thằng lỡ sa chân vào tù, phải biết kín mồm kín miệng, không được khai báo lung tung, thì gia đình nó sẽ được lo đầy đủ đàng hoàng. Khi ra tù còn được đón rước
tử tế, tiệc tùng linh đình. Đôi khi, nửa đêm còn có cố vấn Genco Abbandando, hay cả ông Trùm đích thân ghé nhà nâng ly chúc mừng, kèm theo món tiền làm quà, để người hùng mới thoát vòng lao lý vui thú với vợ con vài tuần, trước khi trở lại công tác. Đó chính là tấm lòng bao la của Ông Trùm.
Đó cũng là thời gian có ý nghĩ Ông Trùm điều hành cái thế giới của ông khá hơn nhiều so với đám kẻ thù của ông điều hành thế giới của chúng, cái đám luôn ngăn trở, làm kỳ đà cản mũi công việc của ông. Ý nghĩ đó nảy sinh từ đám dân nghèo khó trong vùng luôn tìm đến ông xin giúp đỡ. Khi nhờ điều đình giảm tiền nhà, lúc xin việc làm hay tìm cách cứu một thằng con trai khỏi vòng tù tội, hoặc vay mượn chút tiền quá cần kíp, hay can thiệp để chủ nhà đừng đuổi người thuê đang bị thất nghiệp ra đường.
Không những Ông Trùm giúp hết, mà giúp với những lời khích lệ đầy nhân ái, sao cho người nhận không cảm thấy cay đắng, tủi thân. Đương nhiên là khi đám dân Ý này quýnh lên, bối rối trong những cuộc bầu hội đồng thị trấn, đại biểu quốc hội, lại chạy đến tìm ông xin ý kiến. Các chính khách phải lấy lòng ông để kiếm số phiếu này, vậy là Ông Trùm trở thành người có thế mạnh chính trị. Ông còn củng cố thế mạnh này bằng con mắt biết nhìn xa: giúp đỡ những thanh niên Ý nghèo nhưng thông minh vượt qua đại học, những chàng trai mai sau sẽ trở thành những luật sư, thẩm phán, thậm chí cả chánh án. Ông lên kế hoạch cho đế quốc tương lai của ông với tầm tiên đoán của một nhà lãnh đạo quốc gia có tài.
Sự bãi bỏ luật cấm rượu cũng làm chao đảo đế quốc của ông, nhưng một lần nữa chứng tỏ ông là người biết nhìn xa. Ông đã đề phòng và cử sứ giả đi gặp tay trùm cờ bạc ở Manhattan ngay từ năm 1933. Đó là Salvatore Maranzano, một trong những tay "gộc" của thế giới ngầm New York. Sứ giả nhà Corleone đưa ra một đề nghị hai bên cùng có lợi. Nhà Corleone với toàn bộ tổ chức, mối quan hệ với cảnh sát, chính khách, sẽ cung cấp cho hoạt động của Maranzano những ô dù và thế lực để bành trướng chuyện
làm ăn đến Brooklyn và Bronx. Nhưng Maranzano với sự thiển cận, đã thẳng thừng từ chối đề nghị hợp tác. Bạn của hắn là tay trùm xã hội đen Al Capone. Hắn có tổ chức riêng, đầy đủ nhân lực, vũ khí, việc gì hắn phải chịu làm một nhánh cho một thằng mới nổi, mà gốc gác Mafia chỉ là lời đồn đại. Sự khước từ của Maranzano khơi nguồn cho cuộc chiến lớn năm 1933, làm thay đổi toàn thể tổ chức thế giới ngầm của thành phố New York.
Thoạt nhìn thì rõ ràng lực lượng hai bên không tương xứng. Tổ chức của Maranzano rất hùng hậu, với những tay súng mạnh. Lại có sự hậu thuẫn bạn bè với tướng cướp Capone ở Chicago, và mối quan hệ thân thiết với gia đình Tattaglia, một gia đình chuyên tổ chức mãi dâm, và manh nha bước vào nghề buôn bán ma túy. Maranzano cũng có những mối liên hệ với những đầu sỏ uy quyền trong ngành thương mại, những tay này thường sử dụng lực lượng của hắn để khủng bố đám nghiệp đoàn Do Thái trong ngành may mặc và tụi công đoàn Ý ngành xây dựng.
Để chống lại, Trùm Corleone tung ra hai toán quân nhỏ, nhưng tinh nhuệ thuộc quyền chỉ huy của Clemenza và Tessio, Thế lực chính trị và cảnh sát của ông bị vô hiệu hóa bởi đám tài phiệt ủng hộ phe Maranzano. Nhưng ông có lợi điểm là phe địch thiếu thông tin về tổ chức của ông. Thế giới anh chị không nắm được thật sự sức mạnh của nhà Corleone, hơn nữa chúng đinh ninh Tessio ở Brooklyn là một phe độc lập.
Mặc dầu vậy, lực lượng hai bên vẫn quá chênh lệch, nếu Vito Corleone không tung ra một tuyệt chiêu thì khó lòng thắng nổi.
Maranzano cầu viện hai tay súng từ Al Capone để khử thằng cha hãnh tiến Vito Corleone. Lập tức Ông Trùm nhận thông tin từ Chicago, hai tay súng sẽ tới New York bằng xe lửa. Ông ra chỉ thị cho Luca Brasi "hóa kiếp" hai thằng này bằng bản năng man rợ nhất của nó.
Brasi và ba thằng đàn em chờ đón hai thằng Chicago ngay sân ga. Một thằng đàn em lái taxi, một thằng làm nhân viên bốc xếp, xách hành lý và
đưa hai vị khách ra thẳng xe. Vừa chui vào xe, hai vị được Brasi và đàn em gí súng, quật cả hai xuống sàn. Chúng lái xe thẳng đến một nhà kho gần bến cảng.
Hai đàn em của Capone bị trói chặt chân tay, miệng nhét đầy hai khăn tắm.
Rồi Brasi dùng rìu chặt một tên trước... Tới tên thứ hai thì không phải tốn công sức nữa, vì nhìn cảnh tượng hãi hùng, nó đã nuốt cái khăn mà chết. Khi cảnh sát mổ tử thi khám nghiệm, đã thấy cái khăn trong bụng nạn nhân.
Mấy ngày sau, một thông điệp gởi tới phe Capone Chicago: "Ông đã thấy chúng tôi đối xử với kẻ thù như thế nào. Tại sao một tay Napoli lại can thiệp vào chuyện bất hòa của hai tay Sicily? Nếu ông coi tôi như bạn, thì tôi coi như mang một món nợ với ông, khi có yêu cầu, chúng tôi sẵn lòng đền đáp. Một người như ông hẳn phải biết rằng có một người bạn, thay vì nhờ vả ông, đã tự xoay sở được một mình và sẵn lòng giúp ông trong tương lai, khi cần thiết. Còn như ông không chấp nhận tình bạn của tôi, cũng chẳng sao. Nhưng tôi phải báo để ông biết, thời tiết ở thành phố này tệ lắm; không tốt cho sức khỏe người Napoli đâu, tôi khuyên ông đừng bao giờ đến thăm nơi này."
Giọng điệu ngạo mạn của lá thư là có ý đồ. Vì Ông Trùm chỉ coi Al Capone như phương thảo khấu ngu ngốc, tàn nhẫn, dã man. Có những nguồn tin cho ông biết Capone đã mất hết thế dựa chính quyền vì thói kiêu ngạo lộ liễu và sự giàu sang nhờ tội ác của hắn ta. Ông Trùm tin chắc, không có chỗ dựa chính quyền, không có vỏ bọc xã hội, thì thế giới của Capone và những kẻ như hắn sẽ dễ dàng bị hủy diệt. Ông biết Capone đang trên đường suy tàn. Ông cũng biết ảnh hưởng của hắn không vượt qua khỏi được Chicago.
Phương pháp của Ông Trùm vậy mà thành công. Không chỉ vì sự tàn bạo trong hành động, mà còn vì phản ứng chớp nhoáng lạnh lùng. Tình báo
của ông quá nhanh nhạy, mỗi hành động của đối phương đều bị đánh trả quyết liệt, kịp thời và đầy nguy hiểm. Tốt hơn là phải tỏ ra khôn ngoan, chấp nhận giao hảo, nên Al Capone hứa hẹn không can thiệp vào chuyện của hai phe New York nữa. Bây giờ lực lượng hai bên đã cân bằng, nhưng Ông Trùm Vito Corleone được tất cả thế giới ngầm trên cả nước nể mặt vì màn hạ nhục trùm tướng cướp Al Capone đầy ngoạn mục. Suốt sáu tháng, nhà Corleone tung quân càn quét toàn bộ cơ sở làm ăn của phe Maranzano. Tấn công các sòng bài do phe địch bảo kê, chiếm cứ những ổ đề lớn nhất khu Harlem, lấy hết tiền bạc, sổ ghi đề. Kể cả ngành may mặc, Clemenza đem đàn em đứng về phía nghiệp đoàn chống lại cánh Maranzano nhận tiền của chủ nhân. Cách tổ chức thông minh và tin tình báo chính xác đã đem lại thắng lợi cho nhà Corleone trên khắp mặt trận. Thêm sự tàn bạo khoái hoạt của Clemenza mà Ông Trùm đã sử dụng đầy tính toán, đã góp phần lật ngược thế cờ. Sau đó mới tới lượt toán quân dự bị của Tessio tấn công thẳng vào Maranzano.
Thời gian này Maranzano cũng đã gởi sứ giả cầu hòa, nhưng Vito Corleone không thèm cho gặp, tìm cớ thoái thác. Đàn em của Maranzano chẳng dại gì phục vụ cho phe thua thấy rõ, rủ nhau chuồn gần hết. Đám thầu đề, chủ sòng bài quay qua đóng tiền bảo kê cho nhà Corleone. Cuộc chiến kể như chấm dứt.
Sau cùng, đúng đêm giao thừa 1933 bước qua 1934, Tessio ra tay nhổ nốt cái gai Maranzano. Lũ cận thần của Maranzano nhiệt tình tiếp tay Tessio để đưa chủ nhân của chúng vào cửa tử. Chúng bảo chủ nhân là cánh Corleone sẵn lòng nghị hòa, điểm gặp gỡ là một quán ăn ở Brooklyn, chúng sẽ đi cùng với sếp để bảo vệ. Khi tới quán ăn, chúng đưa xếp đến một bàn đặt sẵn, nhưng vừa thấy bốn thằng đàn em của Tessio xuất hiện, chúng tìm cách lỉnh ngay. Cuộc thanh toán gọn lẹ, chính xác. Maranzano lãnh đạn mà mồm vẫn còn ngậm miếng bánh mì. Cuộc chiến lúc này mới thật sự chấm dứt.
Đế quốc Maranzano sáp nhập vào nhà Corleone. Ông Trùm giữ nguyên hệ thống làm việc và nhân sự cũ. Ngoài ra ông còn lãnh một món quà phụ trội, nắm lấy nghiệp đoàn ngành may mặc, một điều tối quan trọng cho nhà Corleone trong nhiều năm sau này.
Nhưng lo xong việc làm ăn, thì Ông Trùm lại gặp rắc rối chuyện nhà. Thằng con cả Santino Corleone mười sáu tuổi, cao hơn thước tám, vai rộng, lực lưỡng, mặt mày dâm đãng, trong khi thằng con thứ Fredo lại kín đáo, lặng lẽ, còn thằng út Michael mới chập chững biết đi. Trong ba đứa chỉ có thằng Sonny luôn gây lộn xộn. Đánh lộn, lười học, đến nỗi bố đỡ đầu của nó là lão Clemenza hết che giấu nổi, phải báo cáo với Ông Trùm chuyện cậu cả tham dự một vụ cướp có vũ khí đàng hoàng, mà chắc chắn cậu là đầu đảng, hai thằng kia chỉ ăn theo.
Hiếm khi Ông Trùm nổi giận đến thế. Thời gian đó Tom Hagen đã sống với gia đình Corleone được ba năm, nên ông hỏi Clemenza thằng bé mồ côi này có tham gia vụ cướp không? Lão mập lắc đầu. Ông Trùm kêu đem ngay một xe đi gọi và đưa Sonny đến thẳng văn phòng ông trong Công ty dầu Genco Pura.
Nhưng lần đầu tiên Ông Trùm gặp thất bại. Chỉ có hai cha con, ông để cơn giận bùng nổ. Ông chửi mắng Sonny bằng ngôn ngữ địa phương Sicily, không thứ ngôn ngữ nào chửi cho hả cơn giận hơn thổ ngữ này. Cuối cùng ông hỏi:
– Điều gì cho phép mày làm chuyện đó? Cái gì xui khiến mày hành động như vậy hả?
Thằng Sonny cũng tức ra mặt, cứ đứng ra, không trả lời. Ông Trùm khinh bỉ hỏi:
Mày có thấy ngu không? Mày kiếm được bao nhiêu đêm qua? Năm mươi? Hai mươi đô la? Chỉ vì vài chục đô mà mày thí mạng à?
Cứ như nó không hề nghe ông hỏi gì, mặt lì lì, Sonny bảo:
– Con thấy bố giết thằng cha Fanucci.
Ông Trùm chỉ biết kêu trời, buông mình xuống ghế. Sonny tiếp:
– Khi Fanucci đi khỏi, mẹ bảo con có thể lên nhà được rồi. Con đã thấy bố leo lên mái nhà, con theo bố. Con thấy hết những gì bố làm. Khi bố liệng khẩu súng và cái bóp, con cũng ở đó.
Ông Trùm thở dài:
– Vậy thì bố hết biết nói gì với con rồi. Nhưng con không muốn học nữa sao? Con không muốn thành một luật sư sao? Con phải biết là một thằng luật sư với cái cặp nhẹ tênh còn trộm được bộn bạc hơn cả ngàn thằng trang bị bịt mặt, súng ống đấy.
Sonny cười cười láu cá:
– Con muốn tập tành lo chuyện gia đình.
Thấy mặt Ông Trùm vẫn nghiêm nghị, không cười cợt khi nghe nó nói.
Nó vội nói thêm:
– Con có thể học bán dầu được mà.
Ông Trùm vẫn yên lặng. Mãi sau ông mới nhún vai, bảo:
– Mỗi người đều có số mạng.
Ông không nói thêm, chính vì chứng kiến màn ông đã sát hại thằng Fanucci, con ông mới đi đến quyết định này. Ông quay đi, lặng lẽ nói:
– Chín giờ sáng mai, con tới đây. Chú Genco sẽ chỉ dẫn cho.
Genco Abbandando với sự sáng suốt của một cố vấn, đã thấy ngay mong ước thật sự của Ông Trùm, nên đa số thời gian thằng Sonny là làm cận vệ cho Ông Trùm để nó được có dịp học hỏi những mánh khóe xảo diệu của bố và để đích thân ông bố truyền nghề cho cậu cả.
Ngoài lý thuyết mà ông không ngừng lặp lại, mỗi người chỉ có một số mệnh, ông cũng không ngừng khiển trách cái tính quá nóng nảy của thằng con. Ông khẳng định sự hăm dọa chỉ phơi bày ra sự ngu xuẩn nhất. Giận dữ mà không suy tính là điều nguy hiểm. Chưa ai từng nghe Ông Trùm nói một lời hăm dọa một cách lộ liễu, chưa ai thấy ông giận dữ đến nỗi không kìm chế được. Vì vậy ông ép Sonny vào kỷ cương. Ông cả quyết trên cõi đời này không gì có lợi hơn là khi kẻ thù đánh giá quá cao khuyết điểm của mình, và một người bạn đánh giá thấp ưu điểm của mình.
Clemenza theo sát Sonny, dạy từ cách xài súng đến lối siết cổ bằng dây. Nhưng thầy Clemenza hơi buồn vì thằng học trò Sonny đã Mỹ hóa quá rồi. Nó không khoái trò xài dây siết cổ địch thủ, chơi bằng súng vừa gọn nhẹ vừa chắc ăn. Sonny trở thành trợ thủ đắc lực của bố, làm tài xế, chạy việc vặt cho ông. Nhưng suốt hai năm đó nó làm toàn những việc nhẹ nhàng nho nhỏ, nên dường như chẳng tỏ ra chút gì xuất sắc.
Trong khi đó, thằng bạn tuổi ấu thơ, Tom Hagen, được Ông Trùm nuôi ăn học, sửa soạn vào đại học. Fredo vẫn còn ở trung học, Michael mới tiểu học, còn cô gái út Connie bốn tuổi. Gia đình đã chuyển đến căn hộ ở Bronx. Ông Trùm dự định mua một cơ ngơi ở Long Beach, nhưng ông muốn kết hợp với một số kế hoạch đã từng tính toán. Ông Trùm là người nhìn xa. Ông thấy trên khắp các thành phố lớn của nước Mỹ đang bị các phe xã hội đen xâu xé, chia vùng. Các tay anh chị đầy tham vọng nổ nhau tùm lum để cố cắt được một miếng lãnh địa. Những đàn anh như Ông Trùm phải cố sức giữ vững biên cương cho được an toàn. Ông Trùm thấy báo chí và chính quyền lợi dụng những vụ thanh toán, bắn giết nhau này, để tỏ ra cứng rắn hơn, và sử dụng cảnh sát với những phương pháp hà khắc hơn. Ông thấy trước nếu làm công chúng phẫn nộ, thì ba cái đạo luật dân chủ sẽ tạm thời bị dẹp qua một bên, điều đó có nghĩa giới giang hồ đi vào cửa tử. Chuyện nội bộ trong lãnh địa ông đã ổn. Nên ông quyết định đứng ra hòa giải các phe đang lâm chiến tại New York, rồi sau đó trên toàn nước Mỹ.
Ông bỏ ra một năm để gặp gỡ các sếp sòng của mọi phe phái, đặt nền tảng cho một cuộc hội nghị, bàn bạc đi tới một liên minh, rồi chia vùng làm ăn. Nhưng có quá nhiều mối bất hòa, chống đối nhau, nên không thể đạt đến một hòa ước. Giống như những bậc trị vì thiên hạ trong lịch sử, Ông Trùm Corleone quyết định: trật tự và hòa bình chỉ vãn hồi khi nào dẹp bớt được những sứ quân, chỉ còn lại những phe mạnh và biết điều.
Chỉ còn lại năm, sáu "Đại Gia" hùng mạnh nhất. Nhà Corleone dốc toàn lực lượng dẹp sạch đám du đãng lơ mơ, ghi đề, sòng bài không ô dù của chính quyền.
Cuộc bình định toàn khu New York mất hết ba năm và phe Corleone cũng bị vài tổn thất.
Một nhóm Ái Nhĩ Lan điên cuồng chống lại kế hoạch trị an của Ông Trùm. Một tên Ái Nhĩ Lan liều lĩnh vượt qua được hàng rào bảo vệ, phơ một phát ngay ngực Trùm Corleone. Tên sát nhân bị hạ tức thì, nhưng Ông Trùm cũng phải nằm viện vì vết thương.
Tuy nhiên đó lại là cơ hội cho Sonny. Vắng mặt Bố Già, nó thành lập một toán riêng, tự làm caporegime, chứng tỏ tài năng đánh đấm trong thành phố và biểu lộ bản chất dã man tàn nhẫn của nó, điều duy nhất mà một kẻ chinh phục như Ông Trùm không có được.
Trong hai năm từ 1935 tới 1937, Sonny đã tạo được tiếng tăm là một tay đao phủ xảo quyệt, ghê gớm nhất trong lịch sử thế giới ngầm của nước Mỹ. Nhưng ở mức độ tàn bạo, nó vẫn thua con người đáng sợ là thằng Luca Brasi. Chính một tay Brasi săn lùng và diệt gọn nhóm Ái Nhĩ Lan, cũng chỉ một tay nó "làm việc" với một trong sáu gia đình hùng mạnh nhất, khi gia đình này bao che cho tay súng Ái Nhĩ Lan đã bắn Ông Trùm. Phải một thời gian sau, khi Ông Trùm bình phục, đích thân ông dàn xếp để lập lại hòa bình.
Năm 1937 là thời gian sóng êm gió lặng của thành phố New York, ngoại trừ những xích mích, hiểu lầm nho nhỏ đôi khi không tránh khỏi.
Giống như những nhà cai trị các thành phố cổ xưa, luôn phải cảnh giác những bộ lạc man rợ rình mò ngoài thành quách, Ông Trùm luôn quan sát thế giới bên ngoài, nên ông biết Hitler đang lớn mạnh, Tây Ban Nha thất thủ, quân Đức hạ Anh ở Munich. Ông thấy rõ chiến tranh toàn cầu sẽ bùng nổ và kéo theo nhiều điều rắc rối. Thế giới của ông sẽ phải vững vàng hơn trước, phải biết nhìn xa trông rộng, thì chiến tranh cũng sẽ là dịp làm tăng tài sản. Muốn vậy, phải giữ được yên ổn trong lãnh địa của ông, mặc cho bên ngoài chiến tranh nổ ra dữ dội.
Ông Trùm gửi thông điệp đi khắp nước Mỹ. Ông đàm phán với những đồng hương từ Los Angeles, San Francisco, Cleveland, Chicago, Philadelphia tới Miami và Boston. Ông là tông đồ rao giảng hòa bình của thế giới ngầm. Năm 1939, thành công hơn cả Đức Giáo hoàng, ông đạt được thỏa hiệp giữa các phe phái mạnh nhất của giới xã hội đen trên toàn nước Mỹ. Như bản Tuyên ngôn Hợp chủng quốc, thỏa hiệp này tôn trọng từng vùng riêng biệt của mỗi phe. Chia đất, chia ảnh hưởng để cùng nhau củng cố hòa bình trong giới giang hồ.
Vì vậy khi Thế chiến II bùng nổ vào năm 1939, rồi nước Mỹ tham chiến vào năm 1941, thế giới của Ông Trùm vẫn yên bình và sẵn sàng thu hoạch lợi nhuận, cũng ngang bằng các nền kỹ nghệ khác đang rộ nở trên đất Mỹ. Tem phiếu chợ đen từ lương thực, xăng dầu, tới giấy ưu tiên du lịch đều đẻ ra tiền. Vải chợ đen cung cấp cho những cơ sở, xí nghiệp may quần áo không đủ nguyên liệu. Ông còn lo cả cho đám thuộc hạ đến tuổi quân dịch, không phải đi tác chiến tận nước ngoài. Trong vụ chạy trốn lính cho lũ đàn em, ông được sự tiếp tay của các bác sĩ – uống thuốc gì trước khi khám sức khỏe hay lên danh sách cho đám thanh niên này vào những xưởng sản xuất kỹ nghệ chiến tranh.
Ông Trùm rất hãnh diện vì đường lối cai trị của mình: Những kẻ thề trung thành với ông được an toàn, những kẻ tin vào pháp luật và nhà nước phải phơi thây nơi xa xứ cả triệu tên. Chỉ có một việc đi lệch đường rầy, là chuyện thằng con út Michael từ chối sự giúp đỡ của ông, cương quyết đăng lính để phục vụ tổ quốc. Ông còn kinh ngạc hơn khi có mấy thằng thanh niên dưới quyền cũng xung phong vào lính. Một thằng còn lý luận:
– Vì đất nước này đã đối xử tốt, đã cưu mang tôi. Ông Trùm phát bực, hỏi vặn lại:
– Bộ ta không đối xử tốt, không cưu mang chúng nó sao?
Nhưng vì chính con ruột ông cũng hành động như vậy nên ông đành tha thứ cho bọn ngu ngốc đó, cái lũ thiếu bổn phận với ông và với chính bản thân chúng.
Vào giai đoạn cuối cuộc Thế chiến II, Ông Trùm biết thế giới lại sẽ có những đổi thay, nghĩa là ông phải có mình lại, sẵn sàng thích hợp với thế giới chung quanh. Ông tin mình có thể làm được điều đó mà vẫn không bị thua thiệt.
Ông có lý do để tin vào kinh nghiệm bản thân. Có hai chuyện xảy ra đặt ông vào đúng hướng quyết định. Ngày mới vào nghề, anh thanh niên Nazorine mới chỉ là một thợ phụ làm bánh. Thời gian sửa soạn cưới vợ, anh chàng gặp chuyện rắc rối, chạy đến Ông Trùm xin ý kiến. Chẳng là Nazorine và cô vợ tương lai, một cô gái ngoan hiền, dành dụm được chút tiền. Hai anh chị dám chi ra số tiền tới ba trăm đô la cho một tay buôn đồ gỗ để đặt mua bàn ghế, tủ giường. Gã lái buôn đút túi ba trăm đô tiền mồ hôi nước mắt của Nazorine và hẹn sẽ giao hàng nội trong tuần.
Nhưng ngay tuần sau, cơ sở của gã ta bị phá sản. Cái nhà kho to đùng chất đầy đồ gỗ bị niêm phong. Gã chủ cửa hàng bàn ghế lặn mất tiêu, mặc cho đám khách hàng giận dữ kêu trời. Nazorine tìm gặp luật sư, thì được cho biết chẳng làm gì được, phải đợi tòa án xử, mà tòa án thì phải kéo dài
ba năm, sau đó có may mắn lắm, Nazorine cũng chỉ lấy về được mười phần trăm.
Ông Trùm nghe chuyện mà không tin nổi. Chẳng lẽ pháp luật lại bao che cho hành vi ăn cắp trắng trợn vậy sao? Gã con buôn bàn ghế này có cả một ngôi nhà tráng lệ ở Long Island, một xe hơi sang trọng, con cái đều vào đại học, sao lại nỡ lấy ba trăm của thằng làm bánh nghèo kiết xác như thằng Nazorine? Để biết rõ hơn, Ông Trùm bảo tay luật sư đại diện Công ty dầu Genco Pura điều tra lại.
Thì ra tài sản của thằng cha con buôn đó đều đứng tên vợ. Cửa hàng đồ gỗ thì liên doanh, hùn hạp với người khác. Điều tệ là nó cứ cầm tiền của Nazorine khi nó biết kho hàng sắp bị niêm phong vì phá sản đến nơi.
Ông Trùm phái ngay cố vấn Genco Abbandando đến nói vài câu "phải trái", thằng cha buôn bàn ghế biết đụng nhầm ổ kiến lửa, đành phải ói lại tiền cho Nazorine.
Sự kiện thứ hai gây nhiều tiếng vang hơn. Đó là vào năm 1939, Ông Trùm quyết định di chuyển gia đình ra thành phố. Vì cha mẹ nào chẳng muốn con cái được học tại những ngôi trường tốt hơn và đánh bạn với những con nhà đàng hoàng hơn. Thêm một lý do nữa là ông muốn dọn đến một nơi mà tiếng tăm ông không ai biết tới. Vì vậy ông mua một cơ ngơi ở Long Beach, lúc đó trong cơ ngơi này đã có sẵn bốn căn nhà mới xây và còn rất nhiều đất trống. Sonny mới chính thức đính hôn với Sandra và sắp làm đám cưới. Vì thế phải dành một căn cho vợ chồng nó, một căn của ông bà Trùm, một căn dành cho gia đình cố vấn Genco Abbandando, còn một căn bỏ trống.
Dọn nhà được một tuần, một xe tải lù lù xuất hiện với ba gã thợ. Chúng bảo là thanh tra hệ thống lò của thị trấn Long Beach. Một vệ sĩ của Ông Trùm hướng dẫn toán thợ xuống hầm, trong khi vợ chồng ông Trùm và Sonny ngồi ngoài vườn hóng gió biển.
Ông Trùm hơi bực mình khi một vệ sĩ mời ông vào nhà vì toán thợ kiểm tra muốn gặp ông. Cả ba gã thợ đều cao lớn, vạm vỡ, đang đứng quanh hệ thống lò. Chúng đã tháo gỡ những ống lò ra từng mảnh, quăng lung tung khắp trên nền xi măng. Gã trưởng toán cộc cằn bảo Ông Trùm:
–Lò nhà ông hư hỏng hết rồi. Nếu muốn sửa chữa thì vừa công, vừa vật tư là một trăm năm chục đô. Chúng tôi sẽ bỏ qua vụ kiểm tra này. Xem đây này, tôi sẽ dán dấu kiểm tra cho ông, như thế ông sẽ không bị rắc rối với chính quyền tỉnh.
Vừa nói gã vừa chìa ra một miếng giấy màu đỏ. Ông Trùm có vẻ thú vị, vì cả tuần này ông đang phát ngấy mấy chuyện lặt vặt, dọn dẹp cửa nhà. Ông cố tình nói bằng thứ tiếng Anh ba rọi:
– Nếu tôi không chi thì sao? Thằng trưởng toán nhún vai:
– Thì mấy mảnh lò này cứ yên vị khắp mặt đất như thế này này. Ông Trùm hiền lành, nhũn nhặn bảo:
– Thế thì chờ một xí, để tôi đi lấy tiền cái đã. Ông trở ra vườn bảo Sonny:
– Này, trong kia có mấy thằng thợ lò, chúng nó nói gì mà tao chẳng hiểu gì sất. Mày vào làm việc đi.
Đó không phải chỉ là lời nói đùa, thật ra ông muốn nhân dịp này khảo sát khả năng của thằng con tiểu chủ xem sao.
Nhưng cách giải quyết của Sonny hoàn toàn không làm ông bố hài lòng. Nó thẳng thừng quá, thiếu sự xảo diệu, khôn ngoan của phong cách Sicily. Vừa nghe gã trưởng toán mở miệng đòi tiền, Sonny gí súng dồn ngay ba thằng vào một góc, rồi sai mấy tay bảo vệ đập cho chúng một trận tơi tả, mềm mình. Rồi nó ra lệnh cho ba gã thợ ráp lại hệ thống lò, thu dọn lau
chùi nền nhà. Nó lục soát và khám phá ra chúng chỉ là công nhân của một hãng sửa chữa nhà cửa ở quận Suffolk. Nó coi tên thằng chủ hãng, rồi đá ba thằng thợ ra xe, còn chửi theo:
– Ông mà thấy chúng mày léo hánh đến Long Beach lần nữa, ông thiến ráo, nghe rõ chưa?
Đó là phong cách của cậu cả ngày còn trẻ, càng lớn tuổi nó càng hung bạo, Sonny gọi cho thằng cha chủ hãng sửa chữa nhà, báo cho hắn biết đừng bao giờ cho thợ bén mảng đến khu Long Beach. Thời gian đó, Sonny thích bảo vệ cộng đồng quanh khu vực nhà nó. Ngay sau khi bắt được liên hệ với cảnh sát địa phương, gia đình nhà Corleone nhiệt tình thông báo cho chính quyền biết hết những tệ nạn trong khu vực. Chưa đầy một năm, Long Beach trở thành nơi an bình nhất nước Mỹ. Tất cả những tay anh chị chuyên nghiệp hay tay mơ đều nhận được khuyến cáo không được trổ mòi trong thị xã. Tái phạm lần hai là bị cho "biến luôn". Tui lừa đảo kiếm chuyện sửa chữa cửa nhà, đám dòm ngó để đợi dịp chôm chỉa, nhập nha được dọn sạch hết. Ngay cả mấy thằng nhóc cư trú trong khu vực mà quậy phá, không biết tôn trọng pháp luật, trật tự công cộng, cũng bị tống khỏi địa phương. Long Beach trở thành thị xã gương mẫu.
Và Ông Trùm đã sống những ngày hạnh phúc trong cái cơ ngơi ở Long Beach, củng cố và mở rộng đế quốc, cho đến khi chấm dứt chiến tranh thế giới, và thằng Thổ Sollozzo xuất hiện phá vỡ sự yên bình, đẩy Ông Trùm và thế giới của ông vào cuộc chiến khác, để giờ đây ông phải nằm trên giường bệnh viện.
Bố Già Bố Già - Mario Puzo Bố Già