No man can be called friendless who has God and the companionship of good books.

Elizabeth Barrett Browning

 
 
 
 
 
Tác giả: Souad
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Son Le
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2818 / 186
Cập nhật: 2014-11-25 02:57:09 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 - MAROUAN
hi Marouan vừa tròn năm tuổi cũng là lúc tôi ký nhận các tờ giấy đồng ý cho gia đình đã tiếp nhận chúng tôi nhận nó làm con nuôi. Tôi đã tiến bộ được đôi chút trong ngôn ngữ của họ – tôi vẫn chưa biết đọc, biết viết nhưng biết rõ những việc tôi đang làm. Đó không phải là một sự từ bỏ. Bố mẹ nuôi của tôi sẽ nuôi dạy thằng bé theo cách tốt nhất có thể. Được làm con của họ, nó sẽ được học hành tử tế, chỉ có họ mới giúp nó tránh được quá khứ bất hạnh của tôi. Tôi hoàn toàn không có khả năng mang lại cho nó sự ổn định, những điều kiện chăm sóc và học tập bình thường. Nhiều năm sau, tôi vẫn cảm thấy có tội với nó vì đã lựa chọn như thế. Nhưng chính quyết định đó đã giúp tôi xây dựng lại cuộc đời mà tôi không tin là tôi có thể có, nhưng vẫn luôn hy vọng theo bản năng. Tôi không khỏi bật khóc khi giải thích những chuyện này. Suốt những năm qua, tôi đã muốn tự thuyết phục mình rằng tôi không đau đớn vì cuộc chia ly ấy. Nhưng tôi không quên được con tôi, nhất là một đứa con như thế.
Tôi biết nó đang sống hạnh phúc và nó cũng biết tôi còn sống. Ở tuổi lên năm, nó không thể không biết là nó có một người mẹ đẻ vì chúng tôi đã từng sống bên nhau ở nhà bố mẹ nuôi. Tôi không biết người ta đã giải thích với nó như thế nào về sự ra đi của tôi, nhưng gia đình ấy thường tiếp nhận rất nhiều trẻ em từ khắp nơi trên thế giới và tôi còn nhớ đã có lúc, chúng tôi cả thảy có mười tấm đứa ngồi quanh bàn ăn. Phần đông đều là những đứa trẻ bị thất lạc. Chúng đều gọi ông bà chủ là bố mẹ. Họ rất tuyệt vời, tổ chức Terre des hommes gửi cho họ những khoản tiền cần thiết để họ tạm thời tiếp nhận một số đứa trẻ, và khi chúng ra đi, đó luôn là những cảnh chia ly đau lòng. Tôi từng thấy nhiều đứa ôm chặt lấy “bố” hoặc “mẹ”, chúng không muốn rời xa họ nữa. Nhưng ngôi nhà này chỉ là một trạm dừng chân để chúng có thời gian phục hồi sức khỏe – phần đông chúng chỉ lưu lại để được phẫu thuật cấp cứu, những ca phẫu thuật không thể thực hiện tại đất nước của chúng, và sau đó chúng lại trở về đó. Như thế, chúng là những đứa trẻ có đất nước thực sự, một gia đình thực sự ở đâu đó trên thế giới. Những trẻ không có đất nước và gia đình trở về, như Marouan và tôi, thì được nhận làm con nuôi. Về mặt pháp lý, tôi đã chết ở Cisjordanie và Marouan không hề tồn tại ở đó. Nó đã được sinh ra ở đây, giống như tôi, vào ngày 20 tháng Chạp. Và bố mẹ của nó cũng là bố mẹ của tôi. Tình thế kể ra cũng hơi lạ lùng, khi tôi rời tổ ấm này, sau gần bốn năm chung sống, tôi vẫn coi mình như người chị cả của nó. Tôi đã hai mươi tư tuổi. Tôi không thể ở lại để họ nuôi mãi. Tôi phải làm việc, tôi phải sống tự lập, và tôi phải trở thành người lớn.
Nếu không chọn giải pháp để nó lại đấy và làm con nuôi người khác thì một mình tôi có lẽ không thể nuôi nó được. Tôi là một người mẹ bị suy nhược tinh thần, nếu ở với tôi, nó sẽ luôn phải gánh chịu nỗi đau của tôi, cả sự hận thù của gia đình tôi ở Cisjordanie. Lẽ ra tôi phải kể cho nó những chuyện mà tôi rất muốn quên đi! Tôi không thể, vì đó là điều quá sức với tôi. Tôi không có tiền, tôi ốm đau, phải đi tị nạn, và buộc phải sống quãng đời còn lại với lý lịch giả mạo vì tôi sinh ra tại một ngôi làng có những người đàn ông hèn nhát và độc ác. Và tôi phải học tất cả. Đối với tôi, giải pháp duy nhất là dấn thân vào đất nước mới và những phong tục của nó để giành lấy con đường sống. Marouan sẽ tránh cuộc chiến đấu của cá nhân tôi. Tôi tự nhủ: “Bây giờ mình đã ở đây, mình phải hòa nhập vào đất nước này, mình không có sự lựa chọn nào khác.” Tôi không muốn để đất nước này hòa nhập vào tôi, mà chính tôi phải hòa nhập vào nó, chính tôi phải gây dựng lại đời mình. Con trai tôi nói được ngôn ngữ bản xứ, nó có cha mẹ người châu Âu, có đủ giấy tờ, và một tương lai bình thường, nó có tất cả những gì tôi không có và không bao giờ có.
Tôi đã chọn giải pháp sống và để cho Marouan được sống. Tôi biết, để nó sống ở đó, gia đình bố mẹ nuôi sẽ chăm lo tốt cho nó. Khi bàn bạc với tôi về việc nhận nuôi, họ nói có thể sẽ đưa nó đến các gia đình khác, nhưng tôi đã từ chối: “Không, không phải là gia đình khác! Marouan sẽ ở đây hoặc không gì cả. Con đã sống với bố mẹ, con biết ở đây Marouan sẽ được nuôi dạy như thế nào, con không muốn người ta lại gửi nó vào sống ở một gia đình khác.”
Bố nuôi đã hứa với tôi. Tôi đã hai mươi tư tuổi nhưng suy nghĩ của tôi chưa bằng một đứa trẻ mười lăm. Tôi luôn bị tuổi thơ, một quá khứ đầy bất hạnh vây chặt. Con trai tôi thuộc về một phần đời mà buộc tôi phải quên để xây dựng một cuộc đời khác. Vào thời điểm đó, tôi không thể lý giải mọi chuyện một cách rõ ràng như vậy, ngược lại là đằng khác. Ngày này sang ngày khác, tôi mò mẫm sống theo bản năng, giống như đang tiến lên giữa đám sương mù. Nhưng tôi chắc chắn một điều, con trai tôi được an toàn và có bố mẹ bình thường. Tôi căm ghét chính tôi, tôi khóc vì những vết bỏng của mình, vì lớp da đáng sợ tôi phải mang suốt đời. Thoạt đầu, lúc còn trong bệnh viện, tôi đã tưởng là những con người kỳ diệu ấy sẽ trả lại cho tôi làn da cũ và tôi sẽ lại là người con gái như trước đây.
Khi tôi hiểu ra họ chỉ trả lại sự sống cho tôi trong cái thân xác ghê rợn như một cơn ác mộng mà tôi phải mang suốt đời còn lại, tôi đã hoàn toàn suy sụp. Tôi không còn là gì nữa, tôi xấu xí, tôi phải trốn vào một nơi nào đó để không làm người khác khó chịu.
Những năm tiếp theo, trong khi dần dần bắt kịp với cuộc sống, tôi muốn quên Marouan vì tôi chắc chắn nó sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn tôi. Nó được đi học, nó có bố mẹ, anh em, chị em và nó nhất định sẽ hạnh phúc. phúc. Nhưng nó vẫn ở đó, được giấu kín trong một góc tâm trí tôi.
Tôi nhắm mắt lại, và nó vẫn còn ở đó. Tôi chạy ra đường, và nó vẫn còn ở đó, sau lưng, trước mặt hay bên cạnh tôi, như thể tôi càng chạy trốn thì nó càng đuổi theo tôi. Tôi còn giữ nguyên hình ảnh một đứa bé được cô y tá đặt lên đầu gối tôi và tôi không thể đưa tay bế vì tôi đang chạy trong vườn với ngọn lửa bốc cháy trên đầu và con tôi cũng bị bốc cháy như tôi. Một đứa bé mà người cha đẻ không muốn nhận, mặc dù biết chắc chắn như thế sẽ đẩy hai chúng tôi, cả mẹ lẫn con, vào chỗ chết. Ấy thế mà hồi ấy tôi đã yêu người đàn ông ấy và kỳ vọng rất nhiều vào anh ta!
Tôi đã sợ không tìm được một người đàn ông khác. Vì những vết sẹo của tôi, vì khuôn mặt tôi, vì thân hình tôi, và những điều ở trong tôi. Lúc nào tôi cũng có ý nghĩ rằng mình không còn giá trị nữa, sợ mình làm phật ý người khác và mọi người sẽ quay đi, không dám nhìn mình nữa.
Ban đầu tôi làm việc trong một trang trại, rồi sau đó nhờ bố mẹ nuôi giới thiệu, tôi được nhận vào làm ở một nhà máy chế tạo linh kiện chính xác. Công việc sạch sẽ và tôi được trả lương rất khá. Tôi kiểm tra mạch in dùng trong ngành điện tử và những chi tiết máy. Ở nhà máy này, có một phân xưởng khác thú vị hơn, nhưng phải kiểm tra các linh kiện bằng máy vi tính và tôi cảm thấy mình không đủ khả năng. Tôi từ chối tham gia khóa học để được vào làm vị trí ấy, với cớ là tôi thích đứng làm việc theo dây chuyền hơn ngồi. Một hôm, trưởng nhóm gọi tôi:
“Souad? Hãy đi với tôi!
– Vâng, thưa bà.
– Cô hãy ngồi xuống bên cạnh tôi đây, để tay vào con chuột, tôi sẽ chỉ cho cô!
– Nhưng cháu chưa bao giờ làm công việc này, cháu sẽ không làm được đâu. Cháu thích làm ở dây chuyền hơn….
– Thế nếu một hôm nào đấy không còn công việc trên dây chuyền thì sao? Cô sẽ làm gì? Không làm gì hết ư? Không còn việc cho Souad nữa ư?”
Tôi không dám từ chối. Ngay cả khi tôi rất sợ. Mỗi lần phải học một thứ gì mới, hai tay tôi toát mồ hôi và hai chân run lẩy bẩy. Tôi sợ lắm nhưng tôi cố cắn răng chịu đựng. Mỗi ngày, mỗi giờ trong đời, tôi phải học, không một chút hành trang tri thức, không đọc, không viết được như người khác. Hoàn toàn mù chữ, chưa từng được học một chữ nào. Nhưng tôi muốn làm việc đến mức chị trưởng nhóm có bảo tôi chui đầu vào trong xô và không được thở, có lẽ tôi cũng nghe theo.
Thế rồi tôi học cách sử dụng chuột và hiểu rõ màn hình máy vi tính sau mấy ngày học, mọi việc diễn ra tốt đẹp. Ai cũng hài lòng về tôi. Suốt ba năm làm việc, tôi chưa bao giờ đến muộn một phút, chỗ làm việc của tôi luôn sạch sẽ ngăn nắp – trước khi về, tôi lau dọn chỗ ngồi – và tôi luôn đến đúng giờ, trước những người khác. Ngay từ khi còn nhỏ, người ta đã dùng đòn, dùng gậy để “luyện” cho tôi biết làm việc khẩn trương, biêt vâng lời, biết đúng giờ và biết sạch sẽ. Đó trở thành bản chất thứ hai của tôi, điều duy nhất còn lại từ quãng đời trước đây. Tôi tự nhủ: “Biết đâu đấy, nhỡ ngày mai có người khác đến, mình không muốn cho người ta thấy chỗ này bẩn thỉu…”
Tôi như mắc phải bệnh ngăn nắp và sạch sẽ. Vật gì lấy ra chỗ nào thì phải trả về đúng chỗ đó, phải tắm rửa hàng ngày, phải đánh răng ba lần một ngày, phải gội hai lần một tuần và ngày nào cũng phải rửa sạch móng tay, thay quần áo lót… ở bất cứ đâu, tôi cũng đòi hỏi phải có sự sạch sẽ, điều này rất quan trọng đối với tôi nhưng tôi không thể giải thích tại sao.
Tôi thích chọn quần áo, riêng chuyện này thì tôi biết tại sao: vì trước kia tôi không có quyền chọn lựa. Chẳng hạn, tôi thích màu đỏ, nhưng mẹ tôi thường bảo: “Áo của mày đây, mày phải mặc.” Cái áo vừa xấu xí vừa có màu xám ngắt, dù không thích nhưng tôi vẫn phải mặc.
Bây giờ thì tôi thích màu đỏ, màu lục, màu da trời, màu vàng, màu nâu, màu đen, tất cả những màu mà ngày xưa tôi bị cấm. Về kiểu dáng thì tôi không có sự chọn lựa. Áo có cổ lọ hoặc kín cổ, áo cài kín phía trước, quần dài. Và tóc phủ hai bên tai. Tôi không có gì để lộ ra.
Thỉnh thoảng, tôi ngồi ngoài hiên một quán cà phê, quần áo kín mít, mùa đông cũng như mùa hè, và nhìn mọi người qua lại. Những phụ nữ mặc váy ngắn hoặc áo cổ rộng, phô tay và chân ra trước đám đàn ông. Tôi dõi theo để xem trong đám ấy có ai đưa mắt nhìn tôi không, nhưng không thấy gì hết, thế là tôi trở về nhà. Cho đến một hôm, tôi nhìn thấy, từ cửa sổ phòng tôi, một chiếc ôtô và một người đàn ông ngồi bên trong mà tôi chỉ nhìn thấy tay và đầu gối của anh.
Tôi cảm thấy yêu anh không phải vì anh đẹp trai, dễ thương, dịu dàng, cũng không phải vì anh không đánh tôi hoặc vì tôi được an toàn khi ở bên cạnh anh. Tôi cảm thấy yêu anh chỉ vì anh lái xe hơi. Chỉ cần nhìn thấy anh đỗ xe trước tòa nhà là tim tôi đập rộn lên. Chỉ cần được đứng đây, nhìn anh lên hay xuống xe những khi anh đi làm hay về nhà…. Tôi đều bật khóc! Buổi sáng, tôi sợ đến chiều anh sẽ không về.
Tôi không nhận thấy lần này giống hệt như lần đầu tiên. Mãi về sau này, phải có người nhắc thì tôi mới nhận ra. Một chiếc ôtô một người đàn ông đi và về ngay dưới cửa sổ phòng tôi, và tôi yêu người đàn ông nhưng không nói ra, tôi lo lắng chờ đợi, chỉ sợ không nhìn thấy chiếc xe quay về. Thật đơn giản! Vào thời đó, tôi không dự tính mọi việc xa hơn. Đôi khi, tôi thử bắt trí nhớ mình hoạt động để tìm hiểu nguyên nhân những sự việc xảy ra trong cuộc đời tôi, nhưng rồi nhanh chóng tôi từ bỏ ý định đó, nó quá phức tạp đối với tôi.
Antonio có một chiếc ôtô màu đỏ. Tôi đứng bên cửa sổ cho đến lúc không nhìn thấy nó nữa… Rồi tôi đóng cửa sổ lại.
Tôi đã gặp anh, tôi đã nói chuyện với anh, tôi biết anh có một người bạn gái mà tôi cũng quen biết, thế là tôi chờ đợi. Ban đầu, chúng tôi là bạn của nhau. Cũng phải mất ít nhất hai năm rưỡi đến ba năm thì tình bạn mới chuyển thành một cái gì khác. Tôi yêu anh… nhưng còn anh, tôi không biết anh nghĩ gì về tôi. Tôi không dám hỏi nhưng tôi làm tất cả để anh yêu tôi, để giữ anh. Tôi muốn cho anh tất cả, muốn phục vụ anh, muốn nâng niu anh, cho anh ăn, làm mọi thứ để được anh giữ lại bên mình!
Đó là cách duy nhất tôi không có cách nào khác. Quyến rũ anh ư? Nhưng quyến rũ bằng cách nào? Bằng đôi mắt đẹp? Bằng đôi chân đẹp? Bằng chiếc áo đẹp hở ngực?
Ban đầu, chúng tôi sống với nhau mà không tổ chức đám cưới và tôi phải mất một thời gian mới quen dần. Muốn cởi quần áo, tôi phải tắt đèn, chỉ thắp nến. Buổi sáng, tôi đi nhanh vào phòng tắm, chốt chặt cửa và chỉ ló mặt ra khi đã chùm áo choàng tắm kín mít từ đầu đến chân. Cứ như thế trong suốt một thời gian dài. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn còn ngượng ngùng, khó chịu. Những vết sẹo của tôi, tôi biết là chúng không đẹp chút nào.
Để bắt đầu, chúng tôi dọn đến sống chung trong một phòng nhỏ thuê ngoài thành phố. Cả hai chúng tôi đều đi làm. Anh kiếm tiền chân chính, tôi cũng vậy. Và tôi đợi anh ngỏ lời cầu hôn nhưng anh không đả động đến chuyện này. Và tôi mơ ước có một chiếc nhẫn, một lễ cưới, và tôi làm cho Antonio tất cả những gì mà mẹ đã làm cho cha, tất cả những gì mà phụ nữ trong làng tôi làm cho chồng họ. Buổi sáng, tôi thức dậy lúc năm giờ để rửa chân và chải tóc cho anh. Để đưa quần áo sạch là thẳng nếp cho anh. Để nhìn anh đi làm, đưa tay vẫy và gửi một nụ hôn qua cửa sổ…
Và buổi tối, tôi chờ anh với bữa cơm được chuẩn bị sẵn sàng. Chờ đến tận nửa đêm, một giờ sáng, nếu thấy cần để được ngồi ăn cùng anh. Do đó, tôi vẫn chờ như tôi từng thấy những người phụ nữ ở làng tôi làm như vậy. Chỉ khác một điều là tôi đã chọn anh, người đàn ông ấy, chứ không phải bị ai áp đặt và tôi yêu anh. Những chuyện này dường như khiến anh ngạc nhiên. Người đàn ông phương Tây không quen với những chuyện như thế. Lúc đầu anh bảo tôi: “Thật tuyệt vời! Anh cảm ơn em, như thế anh đỡ mất thời gian và anh không còn phải lo lắng nữa.”
Anh rất hạnh phúc. Buổi tối, khi anh về nhà, anh ngồi trên ghế, tôi cởi giầy và tất cho anh. Tôi đưa cho anh đôi dép đi trong nhà. Tôi hết lòng phục vụ anh để giữ anh ở nhà.
Ngày nào tôi cũng lo anh gặp người con gái khác. Và buổi tối, anh trở về nhà, ăn cơm do tôi nấu, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc đến ngày hôm sau.
Nhưng Antonio chưa muốn lấy vợ và chưa muốn có con. Còn tôi, tôi rất muốn. Anh chưa sẵn sàng. Tôi tôn trọng những suy nghĩ của anh và đợi đến khi nào anh thật sẵn sàng. Tôi đã đợi như thế gần bảy năm. năm. Antonio biết tôi có một đứa con trai và biết chuyện nó đã được gia đình khác nhận nuôi. Tôi đã kể cho anh nghe những gì anh cần biết về đời tôi, giải thích cho anh hiểu nguyên nhân những vết sẹo và sau khi đã kể hết cho anh, chúng tôi không bao giờ nhắc lại chuyện ấy nữa. Antonio cho rằng tôi đã chọn được giải pháp tốt nhất cho con trai mình. Marouan thuộc về một gia đình khác mà tôi không có quyền xen vào cuộc đời của nó. Người ta cũng thường xuyên cho tôi biết tin tức của nó, nhưng tôi sợ không dám đi gặp nó.
Suốt trong mấy năm đó, tôi chỉ đi gặp nó ba lần. Gặp một cách lén lút. Rồi tôi cũng quen dần với mặc cảm tội lỗi ấy. Tôi có sức quên và hầu như đã quên được.
Nhưng tôi muốn ít nhất cũng phải có được một đứa con. Phải lấy nhau tr, đó là điều cần thiết nhất. Tôi phải sắp xếp lại cuộc đời mình: một người chồng, một mái ấm gia đình.
Lễ cưới mà tôi chờ đợi từ lâu được tổ chức khi tôi sắp bước sang tuổi ba mươi. Antonio đã sẵn sàng, anh đã có địa vị khá hơn và chúng tôi có thể rời gian phòng nhỏ đến một căn họ lớn. Và anh cũng muốn có một đứa con. Đó là lễ cưới đầu tiên của tôi, chiếc váy cưới đầu tiên của tôi và đôi giày đẹp đầu tiên của tôi.
Một chiếc váy dài bằng da, một chiếc áo sơ mi bằng da, một chiếc áo vest cùng bộ bằng da và một đôi giày cao gót. Tất cả đều là màu trắng và bằng da thuộc. Da thuộc mềm mại và rất đắt tiền. Tôi thích được cảm nhận sự mềm mại ấy trên da thịt mình. Mỗi khi bước vào các cửa hàng lớn, trông thấy một bộ quần áo bằng da thế nào tôi cũng phải sờ vào, mân mê để xem nó mượt mà, mềm mại đến thế nào. Trước kia tôi không bao giờ hiểu tại sao, nhưng giờ thì tôi đã biết. Mỗi lần như thế tôi có cảm giác được thay đổi làn da. Và như thế cũng là một cách phòng vệ của tôi, một cách phô ra trước mắt những người khác một làn da đẹp nhưng không phải của tôi. Cũng như mỗi lần tôi nở một nụ cười, một cách hiến tặng hạnh phúc cho người khác chứ không nhất thiết phải là hạnh phúc của tôi.
Lễ cưới đó là niềm vui của đời tôi. Niềm vui duy nhất mà tôi từng biết trước đó là cuộc hẹn hò đầu tiên giữa tôi và cha của Marouan. Nhưng tôi không còn nghĩ đến chuyện đó nữa. Tất cả đã đi vào quên lãng, bị vùi sâu trong tâm trí ai đó chứ không phải của tôi. Và khi tôi có thai với Antonio, tôi quá đỗi hạnh phúc.
Laetitia thực sự là đứa con tôi đang ao ước. Tôi thầm thì nói chuyện với nó ngay từ khi nó còn nằm trong bụng tôi. Tôi tự hào khoe bụng cho mọi người nhìn thấy, và tôi mặc loại quần áo bó sát người. Tôi muốn cho mọi người biết là tôi sắp có con, muốn cho mọi người trông thấy chiếc nhẫn cưới. Thái độ của tôi dạo ấy trái ngược hẳn với những gì mà tôi đã trải qua trong lần đầu tiên mà tôi cũng vô tâm không nhận ra. Trước kia tôi phải trốn tránh, nói dối, van nài, cầu xin được lấy chồng để đứa bé trong bụng tôi khi sinh ra không mang nhục nhã đến cho gia đình. Và bây giờ tôi còn sống, tôi đang ở ngoài phố, tôi đang đi trên vỉa hè với cái bụng mới và đứa bé mới. Với niềm hạnh phúc ấy, tôi tin có thể xóa hết mọi chuyện cũ. Tôi tin sẽ làm được vì đã toàn tâm toàn ý mong như thế.
Tôi giấu Marouan vào một góc rất nhỏ trong tâm trí. Có lẽ một ngày nào đó, tôi sẽ đủ dũng cảm đối mặt với nó, kể cho nó biết những chuyện đã xảy ra, nhưng hiện giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn hồi sinh.
Tôi sinh Laetitia rất dễ dàng. Ngay trong lúc tôi nói với bác sĩ:
“Có lẽ tôi phải đi vệ sinh một lát…
– Không phải thế đâu, đứa bé sắp ra đời đấy…”
Một bông hoa bé xíu, tóc đen, nước da sẫm. Từ trong bụng tôi nó chui ra rất dễ dàng. Những người xung quanh đều nói: “Sinh con đầu lòng như thế thật tốt quá. Ít khi có trường hợp sinh con dễ dàng như vậy…”
Tôi đã cho Laetitia bú đến lúc bé được bảy tháng rưỡi tuổi và đó là một đứa bé dễ nuôi, nó ăn đủ thứ, ngủ cũng dễ, không bao giờ có vấn đề về sức khỏe.
Hai năm sau, tôi muốn có thêm một đứa con nữa. Trai hay gái không thành vấn đề. Tôi rất muốn sinh thêm con nhưng chờ mãi không thấy gì. Bác sĩ khuyên chúng tôi nên đi nghỉ mát và đừng bận tâm đến chuyện đó nữa. Nhưng tôi vẫn ngóng chờ và mỗi tháng một lần, khi chưa thấy có kết quả, tôi bật khóc. Cho đến một hôm, cuối cùng một bé gái cũng hiện ra ở chân trời.
Hôm sinh bé Nadia, chúng tôi mừng rỡ không tả xiết.
o O o
Còn bé tí xíu nhưng một hôm Laetitia vuốt ve bàn tay tôi và hỏi:
“Cái gì đây hả mẹ? Mẹ bị đau à? Vết gì thế mẹ?
– Ừ mẹ bị đau đấy. Nhưng chờ khi nào con lớn hơn, mẹ sẽ giải thích.”
Từ đấy nó tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện đó nữa. Tôi vén tay áo cho nó nhìn thấy, mỗi ngày một chút. Tôi không muốn làm cho nó bị sốc, không muốn làm cho nó ghê sợ nên chỉ cho xem từng tí một.
Rồi nó sờ vào cánh tay tôi, khi đó hình như nó đã lên năm:
“Gì đây hở mẹ?
– Mẹ đã bị đốt đấy!
– Cái gì đã đốt mẹ?
– Người ta đốt.
– Người ấy ác quá!
– Phải, ác lắm.
– Thế bố có đốt người ấy như người ấy đã đốt mẹ không?
– Không, bố con không làm thế được vì chỗ đó xa lắm, mãi ở đất nước nơi mẹ đã được sinh ra và chuyện đó đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi. Khi nào con lớn thêm chút nữa, mẹ sẽ giải thích cho con nghe.
– Nhưng người ta đốt mẹ bằng gì?
– Con có biết không, ở xứ ấy không có máy giặt như ở đây. Mẹ phải đi lấy nước và nhóm lửa.
– Mẹ làm thế nào để nhóm lửa?
– Con có nhớ có lần cả nhà mình vào rừng tìm cây khô để nhóm lửa nướng xúc xích không? Mẹ cũng đã làm như thế: mẹ có sẵn một chỗ để nhóm lửa và đun sôi nước. Mẹ đang giặt quần áo thì có một người đi đến, lấy một loại dầu rất đáng sợ có thể đốt cháy mọi thứ, nó có thể thiêu trụi cả một ngôi nhà, người ấy đổ chất đó lên tóc mẹ, rồi châm lửa bằng một que diêm. Đấy, mẹ đã bị đốt như thế.
– Người ấy độc ác quá! Con ghét ông ta! Con sẽ giết ông ta!
– Nhưng con không giết ông ta được đâu, Laetitita ạ. Có lẽ Đấng Tối cao đã trừng phạt ông ta rồi. Vì ông ta đã trừng phạt mẹ. Nhưng mẹ đang rất hạnh phúc vì mẹ đang được ở bên bố và con. Và vì mẹ rất yêu con.
– Tại sao ông ta lại làm thế hả mẹ?
– Chuyện dài lắm, bây giờ chưa thể nói cho con hiểu được…. con còn bé quá.
– Được mà mẹ, con muốn mẹ nói cơ…
– Không, Laetitia ạ. Mẹ nói rồi đấy, sau này mẹ sẽ lần lượt kể cho con nghe, bởi vì đấy là những chuyện hệ trọng rất khó giải thích, những việc mà bây giờ con không thể hiểu được. Những gì mà mẹ kể hôm nay xem ra cũng khá nhiều rồi đấy.”
Cùng ngày hôm đó, sau khi ăn tối xong, tôi đang ngồi trên ghế và nó đứng bên cạnh tôi. Nó vuốt ve tóc tôi và bắt đầu vén chiếc áo tôi đang mặc. Tôi ngờ ngợ biết nó muốn làm gì, nhưng cảm thấy vừa căng thẳng vừa hồi hộp.
“Con làm gì đấy, Laetitia?
– Con muốn xem lưng mẹ.”
Tôi để mặc cho nó muốn làm gì thì làm.
“Ôi mẹ ơi, da của mẹ chẳng mềm mại tý nào. Mẹ xem da của con này, thật là mềm.
– Phải, da của con mềm mại vì đó là da thật, nhưng da của mẹ thì không mềm mại vì có một cái sẹo to, chính vì thế mà con phải rất cẩn thận với que diêm nhé. Nó là của bố, dành riêng để châm thuốc cho bố thôi. Nếu dại dột động đến con sẽ bị đốt cháy như mẹ đấy. Con hứa với mẹ chứ? Lửa làm chết được người đấy con ạ.
– Mẹ sợ lửa lắm phải không mẹ?”
Nỗi sợ ấy tôi không dấu được, cứ gặp dịp là nó lại hiện ra. Và các que diêm không ngừng ám ảnh tôi. Bất cứ lúc nào cũng vậy.
Laetitia bắt đầu có những cơn ác mộng, tôi nghe nó cựa mình, nó kêu lên: “Ái! Ái!” và tôi trông thấy nó bấu chặt vào chăn. Có lần, nó lăn từ trên giường xuống đất. Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ lắng đi nhưng một hôm nó bảo tôi:
“Mẹ có biết không, ban đêm con vào để xem mẹ có ngủ không?
– Sao con lại làm thế?
– Để mẹ không chết.”
Tôi đưa nó đi khám. Tôi rất lo cho nó, và tự giận mình đã nói cho nó biết quá nhiều. Nhưng bác sĩ bảo tôi trả lời và nói cho nó biết sự thật như thế là đúng và dặn tôi phải rất cẩn thận khi đề cập đến phần kế tiếp.
Thế rồi đến lượt con bé Nadia. Đại loại cũng vào tuổi ấy. Nhưng nó có phản ứng theo một cách khác. Nó không gặp ác mộng, nó không sợ cho tôi nhưng tôi cảm thấy nó không ổn. Chuyện gì nó cũng giữ lại cho riêng mình chứ không chịu nói ra. Hai mẹ con đang ngồi bên cạnh nhau, nó thở dài:
“Sao lại thở dài, con gái?
– Con cũng không biết nữa, chỉ như thế thôi.
– Trong lòng muốn một cái gì mà không được thì mới thở dài. Con muốn nói gì với mẹ nhưng lại không dám nói?
– Hai vành tai mẹ bé tí xíu! Do mẹ biếng ăn nên mới bị như thế phải không?
– Không phải, con ạ. Tai mẹ bé tí xíu như thế là vì mẹ bị người ta đốt đấy.”
Tôi đã giải thích cho Nadia như đã giải thích với Laetitia trước đó. Tôi muốn các con tôi được nghe cùng một sự việc, cùng một lời giải thích. Vì vậy, tôi đã sử dụng cùng một cách diễn đạt và cùng một sự thật khi nói với Nadia.
Và câu chuyện đã làm cho nó không vui. Không như chị nó, nó không bảo sẽ đi giết người đã làm chuyện đó mà chỉ xin tôi cho nó được chạm tay vào đó. Tôi có đôi hoa tai và tôi thường đeo để che chỗ tai bị đốt.
“Con sẽ sờ nhưng không nên kéo đôi hoa tai vì kéo như thế đau lắm.”
Nó đã sờ nhẹ vào tai tôi rồi nó đi về phòng riêng, chốt cửa lại.
Điều khó khăn nhất mà chúng phải chịu đựng có lẽ là trường học. Chúng lớn lên và nhiều khi Antonio không thể đến trường đón chúng. Tôi tưởng tượng ra câu hỏi của những đứa trẻ khác. Tại sao mẹ mày lại như thế? Mẹ mày bị làm sao thế hả? Tại sao mùa hè mà mẹ vẫn mặc áo chui đầu? Tại sao mẹ mày không có vành tai?
Giai đoạn giải thích tiếp theo còn khó khăn hơn. Tôi đã lược bớt đi, không nhắc đến Marouan. Tôi đã nói dối. Tôi đã gặp người đàn ông tôi yêu và người ấy cũng yêu tôi, nhưng chuyện ấy cha mẹ tôi không cho phép. Đó là phong tục ở nước tôi. Nhưng chị Jacqueline, người vẫn thường đến thăm nhà tôi đã đưa tôi sang châu Âu để tôi được chữa lành.
Laetitia lúc nào cũng nóng nẩy. Nadia thì thầm lặng. Khi mười hai tuổi. Laetitia nói với tôi là nó sẽ đến nơi đó giết hết những người kia. Giống như câu nói của bố nó khi nghe tôi kể về cuộc đời tôi và việc tôi sinh Marouan: “Anh chỉ mong sao họ chết tươi cả lũ vì đã làm thế với em!”
Đến lượt tôi gặp lại những cơn ác mộng. Tôi đang nằm ngủ thì mẹ tôi bước vào, trên tay cầm con dao sáng loáng. Bà giơ cao phía trên đầu tôi và nói: “Tao sẽ giết mày bằng con dao này!” Con dao lấp lánh như tia sáng… sáng… Đúng là mẹ tôi, bà ở đó, phía trên đầu tôi. Và tôi choàng dậy, người toát mồ hôi vì khiếp sợ.
Cơn ác mộng ấy thưởng trở lại. Bao giờ tôi cũng choàng dậy đúng vào lúc con dao lóe lên sáng rực. Điều mà tôi không chịu được là gặp lại mẹ tôi. Hơn cả cái chết, hơn cả ngọn lửa, khuôn mặt ấy ám ảnh tôi. Bà đã muốn giết tôi, bà đã giết những đứa trẻ do chính bà sinh ra, bà có thể làm tất cả, và đó là mẹ tôi! Tôi đã từ trong bụng bà chui ra.
Tôi đã sợ mình sẽ giống bà đến nỗi một hôm tôi quyết định đi phẫu thuật, nhưng lần này là phẫu thuật thẩm mỹ. Tôi đã phẫu thuật nhiều lần, bây giờ thêm một lần nữa cũng chẳng sao…. Lần này để xóa bỏ một điểm giống mẹ tôi mà tôi không thể chịu được mỗi khi soi gương. Một chỗ lồi nhỏ giữa đôi lông mày phía trên sống mũi giống hệt mẹ tôi. Phẫu thuật xong, tôi thấy mình đẹp hơn trước. Tuy nhiên tôi vẫn bị cơn ác mộng đeo đuổi. Và bác sĩ cũng không làm gì được. Có lẽ tôi phải đi gặp một nhà tâm thần học nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ đó.
Một hôm, tôi tìm đến một bà lang để hỏi về trường hợp của tôi. Bà ta đưa cho tôi một con dao nhíp nhỏ, và nói: “Cô để con dao này dưới gối, lưỡi dao gập lại, và cô sẽ không còn gặp cơn ác mộng nữa.”
Tôi làm đúng lời bà ta dặn và kể từ đấy, trong giấc ngủ tôi không thấy con dao sáng loáng trở lại reo giắc kinh hoàng cho tôi nữa.
Nhưng khổ nỗi, lúc nào tôi cũng nghĩ đến mẹ tôi.
Bị Thiêu Sống Bị Thiêu Sống - Souad Bị Thiêu Sống