Số lần đọc/download: 1335 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 14 -
Thứ năm của đầu tháng.
Chính quyền Bắc Kinh đã khuyến cáo báo chí ngoại quốc là dưới lệnh thiết quân lực, giới truyền thông phải xin phép để loan tất cả tin tức trong vùng. Ðiều quan trọng: không được loan tin biểu tình.
Bố mẹ Nhu bắt đầu khó chịu về những cú phone của bọn tôi. Và đêm nay, Ðoan phải gọi thay Nhu để báo cho tôi biết về bịnh của nàng. Nhu đã khỏe hơn ít nhiều.
Tôi quyết định đem Nhu vào truyện. Nhân vật nữ có tính dịu dàng, hiền lành và thương người. Gương mặt thanh tú với một đồng tiền trên má phải. Trang sức giản dị, không phấn son chỉ một chiếc nhẫn có hình chữ “love” trên ngón tay áp út.
Tôi sẽ gọi phone cho Nhu biết việc này.
o O o
Thứ sáu của tuần lễ đầu tiên.
Ông chủ biên vỗ vai tôi lúc chuẩn bị về.
– Vậy là xong một tuần.
– Vâng.
– Chú sẽ làm gì cuối tuần? Lên thăm cô Nhu?
Tôi ậm ừ trong cuống họng. Trước mặt tôi là bản tin về Thiên An Môn. Hơn 1000 quân lính đã xuất hiện tại nhà ga Bắc Kinh để biểu dương lực lượng. “Tình hình lặng yên như dấu hiệu một cơn bão sẽ đến.” Ðó là nhận định của tờ Mercury News trong số báo mới nhất.
Ông chủ biên sửa lại nút cà vạt, chỉ vào tấm ảnh những người lính Trung Cộng được chụp tại nhà ga. Sau lưng họ là đoàn tàu xe lửa dài ngoẵng. Nền bức ảnh đen kịt bởi dãy nhà và các tàng cây, khoảng trời nhỏ nhoi xen vào giữa mờ nhạt.
– Thấy thế nào?
– Tối tăm quá anh ạ! Như một cảnh chết.
– Chú lại “cảm” thấy thế?
– Vâng.
– Cái cảm của người cầm viết thật lạ lùng.
Ông chủ biên cười sau câu nói và xuống thang. Tòa soạn còn mình tôi với ba chiếc máy computer. Khoảng thời gian cô đơn lại bắt đầu. Hệt như những cuối tuần không lên Sacramento hay Nhu không đến. Tôi cảm thấy cổ họng khô ran và thèm gặp một trong đám bụi đời.
Ðêm nay, nếu không có gì “trục trặc” thì thằng Mễ sẽ đến như thường lệ và phone của Nhu sẽ có lúc 10 giờ. Lát nữa tôi sẽ mua một chai “Rémy Martin” loại 750. Túi tôi còn đủ tiền cho chai rượu và những mẩu bánh mì cuối tuần.
o O o
Thứ bảy của tuần đầu.
Tôi tỉnh dậy trong cơn say váng vất. Hơi thở nồng mùi rượu, miệng đắng và cổ họng khô ran. Ánh nắng hắt qua cửa sổ thành vệt dài ngang tầm mắt, chói chan đến khó chịu. Ðêm qua tôi uống quá nhiều. Thằng Mễ không đến, chỉ có hai thằng Mỹ đen và ba con điếm: hai trắng và một đen. Chai rượu Rémy cạn, rồi một hay hai chai gì đó được đem về. Uống, chửi thề, nói vung vít và cơn say đến rất nhanh. Hình như có tiếng chuông điện thoại reng lúc khuya nhưng không đứa nào nhấc phone nổi. Mọi cảm giác dật dờ, không định được. Tôi không nhớ đã làm gì với thân thể đàn bà to gấp rưỡi nằm bên cạnh.
Suốt buổi sáng tôi nằm im trong tòa soạn. Toàn thân rũ như bông, những cử động thật khó khăn. Tôi đã châm từng điếu thuốc, hút, nhả khói khi đầu mỗi lúc một nặng. Chẳng nhớ gì hết, chỉ biết bọn bụi đời đã bỏ đi và sự vắng lặng bao quanh. Rồi lại thiếp đi khi ánh nắng không còn in trên tường.
Bây giờ trước mặt tôi là bức tượng cô bé bằng đồng thau và tập nhật ký viết dở dang. Tôi lật lại những trang đã viết và ngỡ ngàng. Những điều xảy ra trong tháng năm lẫn lộn vào nhau. Biến cố Thiên An Môn và diễn biến tình cảm riêng tư chạy song song qua những hàng chữ, như một trò chơi vô tình của trí óc. Và đó là những trang ký ức.
Sự trống rỗng của một ngày thứ bảy thật lạ lùng. Mắt tôi vẫn mở lớn, chăm chút vào từng vật, từng sự kiện xảy ra nhưng sao chẳng nhận được gì. Tôi sẽ viết gì đây?
o O o
6 giờ chiều.
Vẫn là sự trống rỗng. Tôi không viết được thêm một chữ nào cho cái truyện dài. Nhưng giòng chữ trên nhật ký thật gượng ép. Chỉ là những sự kiện mờ nhạt thoáng qua chữ, hoàn toàn không có tôi tham dự. Tôi đứng ngoài những trang nhật ký của tôi.
o O o
9 giờ 45 đêm.
Sự trống rỗng bây giờ không còn nằm bên trong nữa, đã ôm choàng lấy không khí chung quanh. Không một tiếng chuông điện thoại reng từ lúc tỉnh giấc đến giờ. Không một tiếng gõ cửa nào để khuấy động không gian nhỏ hẹp của tòa soạn. Tôi đã đi lui, đi tới trong khoảng không gian này. Ðã có những lúc tôi rờ rẫm từng chiếc máy computer như rờ đầu người. Cố tìm cảm giác ấm yên hơn từ bàn tay. Nhưng lớp nhựa trắng nham nhám vẫn lạnh toát. Ðã có lúc tôi lặng yên nhìn chiếc máy điện thoại trên bàn. Mười hai cái nút, mười con số, hai cái dấu: (*) và (#) đều câm lặng. Không một tiếng reng là không một ai gọi. Tất cả đều quên tôi rồi hay sao? Tôi biết chỉ cần đưa tay bấm bảy con số nào đó của Hoàng, của Quán, của Vĩnh... Hoặc mười con số quen thuộc của Nhu, tôi sẽ nhận được một giọng nói để thấy mình còn sống. Nhưng tôi vẫn không làm. Tôi chờ đợi mọi người đến với tôi trong phút này chứ tôi không chờ một lần nói chuyện. Ðến, để thoát khỏi tâm trạng cô đơn chứ không tìm, để hết vắng lặng. Ðã có lúc tôi cuộn mình vào chăn, trùm kín đầu tránh sự vắng lặng chung quanh, như con đà điểu bịnh hoạn chui đầu xuống cát trốn kẻ thù. Tôi đã làm đủ thứ hành động, cử chỉ để tránh tôi.
Chiếc phone vẫn câm. Những nút bấm nổi lên vuông vắn, đều đặn và trắng toát như hàm răng của một cái mồm đang cười giễu cợt.
Tôi có nên viết lại một thứ bảy này vào truyện dài hay không?
o O o
Chủ nhật của tuần thứ hai.
Tôi tỉnh dậy lúc ánh nắng chưa hắt qua khung cửa để kéo thành một vệt dài trên bức tường trước mặt. Người tỉnh táo hơn sáng hôm qua. Những sớ thịt bớt râm ran. Ðêm qua, tôi uống ít hơn đêm thứ sáu. Cũng say nhưng không đến nỗi nào. Thứ rượu Mễ, uống mỗi ngụm phải liếm một ít muối được đổ ở mu bàn tay, đắng nghét và cay xè không khoái như uống Rémy nên tôi chỉ uống vừa phải. Nghĩa là vẫn còn đủ tỉnh táo để móc túi trả tiền, không đợi một cái đá đít ra khỏi cửa cái bar Mễ bẩn thỉu như mọi lần
Tôi cảm thấy đói. Ðã hai ngày không có gì nhét vào mồm. Chỉ toàn rượu và rượu. Tôi thọc tay vào túi quần, móc ra tờ giấy bạc một đồng nhăn nhúm. Ðủ để mua một ổ bánh mì tại quán Ðakao Food To Go.
Vẫn không một tiếng chuông điện thoại. Ai cũng quên tôi rồi sao? Chiều nay, tôi sẽ làm gì? Và rượu đâu để uống cho hết buổi tối chỉ có một mình?
Những trang nhật ký đọc lại thấy kỳ cục. Thói quen viết tiểu thuyết đã ăn sâu trong máu tôi mất rồi. Nhưng chả sao, nếu cần, tôi sẽ lấy đó làm sườn cho một chương của cuốn truyện đang viết.
o O o
11 giờ 50 đêm.
Vẫn chẳng ai gọi. Những hàng chữ vẫn trống trơn trên trang kế của cuốn truyện đang viết.
Tôi quên Nhu đã hai ngày nay. Và nàng cũng đã quên tôi chăng?
o O o
Cuốn nhật ký bỏ trống một trang. Sáu trang liên tiếp là những dấu hỏi và những vòng tròn rối rắm được vẽ chồng lên nhau. Cả hai mặt giấy bị hằn lên và lốm đốm các chấm mực xen kẽ giữa vài vết rách.
Trang thứ tám là hình vẽ một mũi tên đâm vào một vòng tròn. Tại tâm vòng tròn có một chữ Nhu. Tất cả những trang này, được viết vào buổi tối chủ nhật đầu tiên của tháng sáu.
o O o
Sáng thứ năm, Tường dậy sớm hơn thường lệ. Lại sắp sửa hết một tuần sống. Công việc vẫn đều đặn với từng bài báo, từng bản tin được dịch nhưng cái truyện dài đăng từng kỳ trên báo đã hết những trang viết sẵn. Chiều hôm qua trước khi về, chị thư ký đánh máy của tòa soạn đã nhắc. Sáng nay anh phải viết bù vào tuần lễ bỏ không. Ít nhất là chục trang viết tay cho số báo thứ bảy.
Những điều gạn lọc, từ các sự kiện sống của một tuần lễ, dành cho cái truyện dài chẳng được bao nhiêu. Nhân vật chính đang bị rối rắm bởi những ý nghĩ trong đầu nên khó lòng gom về một mối để giải quyết. Tản mạn, vung vãi như những mảnh thủy tinh văng tứ tán từ một chiếc ly bị đập. Tường cố gắng giàn xếp để nhân vật nữ xuất hiện như một cứu cánh. Nhưng vô ích. Sự mâu thuẫn đã được gắn liền từ chương đầu tiên để tạo thành bản chất nhân vật. Nghĩa là hắn phải sống với cuộc đời của chính hắn, không một hiện tượng nào, một phong trào nào có thể chi phối hay lôi cuốn được. Ðể trọn vẹn kiếp người của một mẫu dân tỵ nạn, giữa một cộng đồng đang sống thật trên đất Mỹ. Nếu có thể – chỉ là có thể – một lần nữa, thảy hắn vào đáy cuộc đời nhầy nhụa với đầy đủ tính bi thảm. Cho hắn chạm lại nỗi cô đơn và sự khổ đau tận cùng thêm lần nữa, giữa cuộc sống vừa tìm lại được mà hắn hằng chắt chiu, nuôi dưỡng. Từ đó hắn sẽ bắt mình ngoi lên. Ngoi lên cao hơn lằn ranh giữa oán thù và khoan dung, để chọn lựa. Chính hắn phải tự chọn lựa.
Tường thở dài, bước vào phòng tắm. Nhân vật do anh đẻ ra không thuộc về anh nữa. Hắn đã vượt khỏi lằn kẻ của những trang giấy để tự tạo cho mình một số mạng riêng biệt. Tường không có quyền chọn lựa cho hắn thêm, hay rõ hơn, anh không có quyền sắp đặt như một nhân vật tiểu thuyết nữa. Hắn hiện diện giữa cuộc đời của cuốn truyện mà anh đã lồng xã hội San Jose vào đó.
Tường mở khóa nước. Dòng nước lạnh bắn vào người gây nên cái rùng mình nhẹ. Những tia gai gai lan trên thân thể làm các lỗ chân lông săn lại, đẩy những sợi lông dựng đứng lên. Rồi dịu dần khi dòng nước từ từ ấm. Bắp thịt giãn căng và ý nghĩ lợn cợn mất hẳn. Anh rúc đầu vào giữa luồng nước, hai tay vò mạnh lên đầu. Những ngón tay cuốn tóc thành từng lọn. Tường giật nhẹ, khoái cảm chợt có làm đầu óc nhẹ hơn. Anh huýt gió một bản nhạc vui. Âm thanh phát ra không đều đặn. Lúc dài, lúc ngắn, lúc tắt nghẽn theo nhịp nhấp nhô của đôi môi tru lên chạm vào luồng nước. Nhưng giòng nhạc không ngưng trong hơi thở. Tường nghe rõ điệu trầm bổng trong thân thể, trong từng nhịp đập của máu. Niềm vui chợt có oà vỡ trong anh.
Khóa vòi nước sau khi dứt bản nhạc, Tường quấn chiếc khăn trên người và đứng trước gương. Thằng người hiện lên trong gương đang chăm chăm nhìn anh hệt như anh đang nhìn nó. Ðôi lông mày rậm, mắt có những tia đỏ vì sũng nước, hai lỗ mũi phập phồng hơi thở, một cọng lông mũi đang run run nằm nhú ra ngoài lỗ mũi bên trái, khóe môi trễ xuống nếp nhăn và vài cái thẹo nằm vô trật tự trên mặt. Tường mỉm cười, thằng người trong gương mỉm cười theo. Hàm răng đưa ra, sạch sẽ đến độ làm nổi lên những vệt đen của thứ khói thuốc bám vào khóe răng lâu ngày. Tường nheo mắt, nó nheo mắt theo. Nó giống anh hay anh giống nó? Bất giác, Tường nhớ lại bài thơ đã học những năm trung học.
“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai.”
Tuy một mà hai. Tuy một mà hai... Nó đâu phải là Tường! Nó chỉ là chiếc bóng, giống anh và do anh đẻ ra. Hệt như nhân vật của Tường. Cũng do anh mà có nhưng không thuộc về anh. Cái bóng sẽ theo số mệnh của từng chiếc gương và nhân vật của Tường sẽ theo số mệnh của từng cuốn truyện. Anh đâu nắm giữ hay áp đặt được điều gì để bọn chúng phải là của mình. Rất hợp lý và đúng nguyên tắc sống. Tại sao lại lấn cấn, lại lợn cợn và đã trăn trở vì nhân vật chính không thuộc về mình nữa? Mình đã thực tình tôn trọng tự do khi cầm viết, như một lần đã nói với Hoàng về quan niệm viết lách hay chưa? Tường lui lại một bước, thằng người trong gương cũng lui lại một bước. Khoảng cách giữa bọn Tường đã có. Thình lình Tường nhổ mạnh một bãi nước bọt về phía trước, thằng người trong gương làm theo. Hai bãi nước bọt gặp nhau tại mặt gương. Anh vui vẻ mặc quần áo và bước ra khỏi phòng tắm.
Ông chủ biên và chị thư ký đã đến. Cả hai người lạ hoắc trong lối phục sức. Trẻ hơn và tươi mát hơn. Với chiếc áo pull bỏ ra ngoài quần, ông chủ biên trông vui và khỏe hẳn. Cũng thế, chị thư ký đã đánh rơi số tuổi của mình trong chiếc váy vàng may theo mốt mới. Một chút kem bôi trên mặt làm nụ cười tươi và rạng rỡ. Tường nhìn hai người chăm chăm.
– Cả hai người, hôm nay trông lạ ghê.
– Lạ gì chú?
– Trông trẻ và đẹp hơn
Chị thư ký có vẻ thẹn, hai gò má hơi đỏ khi bàn tay vén lại mái tóc.
– Chú... chú cảm ơn chú.
– Cảm ơn gì chị. Tôi nói thật đấy, chị trông trẻ hẳn, bây giờ chị thành người nhỏ tuổi nhất toà soạn.
Buổi sáng của tòa soạn vui hơn. Ông chủ biên đưa Tường chồng báo Mercury News. Ngay trang nhất, một tấm ảnh màu cỡ lớn đập vào mắt anh gây nên sự xúc động. Trong ảnh, một đôi trai gái đang dắt chiếc xe đạp, nép vào nhau đứng dưới chân cầu. Bên trên là một đoàn chiến xa của quân đội Bắc Kinh đang di chuyển. Sự trái ngược hiện rõ trong tấm ảnh. Tình yêu và chiến tranh. Hạnh phúc và âu lo. Mơ ước và đàn áp. Mái tóc người con gái ép vào vai người con trai và những vòng xích sắt của chiến xa nghiến trên mặt đường. Cái nhìn của người thanh niên và họng súng chỉa lên cao. Giữa thế kỷ hai mươi mà vẫn còn pha trộn các điều đối nghịch trong cùng một thời gian, một không gian chung. Tường không đọc hàng chú thích ghi bên dưới. Bức ảnh tự nó đã nói lên tất cả những điều cần nói về cuộc đàn áp từ phía chính quyền dành cho sinh viên, bắt đầu từ hôm thứ bảy ngày ba tháng sáu.
Súng đã nổ, những vòng xích chiến xa đã lăn và người đã chết tại Thiên An Môn. Tin tức bắt đầu sôi động và nóng từ những ngày đầu tuần. Phản ứng dã man của chính quyền Bắc Kinh chẳng có gì mới lạ trong kinh nghiệm sống của loài người. Tường chợt nhớ đến cuộc khơi dậy của dân Ba Lan ngày trước. Cũng những đám đông đòi quyền sống, quyền làm người. Cũng gặp phải những vòng xích chiến xa của bạo lực. Hệt như Bắc Kinh bây giờ. Những vòng xích chiến xa cán nát bét từng vùng thịt xương con người có lẽ là biểu tượng rõ nét nhất cho cái gọi là bạo lực cách mạng. Anh chợt thấy ê răng khi hình dung đến tiếng rít của những vòng xích chiến xa cán trên mặt đường. Ðẩy tờ báo sang phía ông chủ biên, Tường buột miệng.
– Dã man!
– Ðó là điều tất yếu của chế độ.
– Phản ứng của thế giới không có ảnh hưởng gì sao anh?
Ông chủ biên nhún vai.
– Nếu ảnh hưởng thì không là ho. Cậu đã biết dân ở Thượng Hải, Nam Kinh, Tây Tạng và các thành phố lớn khác đã biểu tình phản đối... Có lẽ bây giờ người Trung Hoa ở khắp nơi trên thế giới cũng bắt đầu tỏ thái độ. Nhưng...
Ông chủ biên bỏ lửng câu nói, với tay đưa Tường một tờ giấy.
– Cái này hẳn cậu thích hơn là những vòng xích chiến xa.
Tường mở tờ giấy. Ðó là lá thư cậy đăng, của những sinh viên của các trường đại học miền Bắc Cali, thông báo về tuần lễ tuyệt thực để phản đối chính sách cuỡng bách hồi hương thuyền nhân, được tổ chức tại trước cửa tòa lãnh sự Anh Quốc tại San Francisco.