Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 389 / 41
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 - Đêm Dài Ba Trăm Năm Mươi Bốn Giờ Rưỡi
úc hiện tượng này đột ngột diễn ra thì vật phóng bay sát cực Bắc của Mặt Trăng chỉ cách bề mặt không đầy năm mươi kilômét. Chỉ cần vài phút đủ để nó lặn sâu trong bóng tối hoàn toàn của không gian. Sự chuyển biến xảy ra không làm thay đổi gì, ngay cả ánh sáng cũng không hề bị giảm dần đi, nhanh đến nỗi giống như thiên thể tắt phụt bởi một làn gió mạnh nào đó.
- Mặt Trăng tiêu biến mất rồi! – Michel Ardan sửng sốt kêu lên.
Thật vậy, không một chút ánh sáng, không một cái bóng mờ, không còn sót lại từ vầng trăng mới đây sáng rực rỡ. Chỉ còn bóng tối và càng sâu thẳm hơn nữa dưới ánh sáng của những vì sao. Khắp nơi đều chìm ngập trong đêm Mặt Trăng kéo dài ba trăm năm mươi bốn giờ rưỡi này, đêm dài này là do thời gian di chuyển và thời gian quay chung quanh trục của Mặt Trời bằng nhau, một đằng là quay chung quanh mình, một đằng quay chung quanh Trái Đất. Đầu đạn nằm trong chóp bóng tối của Mặt Trăng. Không còn chịu tác động của tia sáng Mặt Trời, nên không thể nhìn thấy nữa.
Bên trong, hoàn toàn là bóng tối. Người ta không còn nhìn thấy nhau nữa, vì thế cần phải xua tan cái bóng tối này. Mặc dù Barbicane rất muốn tiết kiệm khí ga vì số lượng dự trữ rất hạn chế, nhưng ông cần đến ánh sáng, một thứ ánh sáng tốn kém mà Mặt Trời đã từ chối cung cấp.
- Cái lão Mặt Trời quỷ quái này buộc chúng ta phải dùng đến khí ga thay vì cho không chúng ta những tia sáng của nó! – Michel Ardan kêu lên.
- Đừng buộc tội Mặt Trời – Nicholl lại nói – Không phải lỗi tại nó, mà lỗi tại Mặt Trăng đã đứng che khuất không cho chúng ta thấy Mặt Trời.
- Chỉ do Mặt Trời! – Michel lại nói.
- Do Mặt Trăng! – Nicholl cãi lại.
Một cuộc cãi nhau vô ích buộc Barbicane phải chấm dứt, ông nói.
- Các bạn ạ, không phải lỗi của Mặt Trời và cũng chẳng phải lỗi của Mặt Trăng, mà là lỗi của đầu đạn đã vụng về bay lệch lộ trình. Và nói đúng hơn đó là lỗi của thiên thạch gặp không đúng lúc kia đã làm lệch một cách tệ hại hướng bay ban đầu mà chúng ta đã định.
- Thôi được! – Michel Ardan đáp – Coi như sự việc đã được dàn xếp xong, chúng ta hãy dùng điểm tâm đi. Sau một đêm tròn quan sát cũng cần lấy lại sức khoẻ một chút chứ.
Đề nghị này không thấy ai phản đối. Chỉ trong vài phút Michel đã dọn xong bữa ăn. Nhưng họ ăn là để ăn vậy thôi, họ uống không nâng cốc chúc mừng cũng chẳng hoan hô nữa. Những nhà du hành gan dạ bị cuốn hút vào trong không gian tối đen không có những tia sáng quen thuộc, họ cảm thấy một mối e ngại mơ hồ len lén trong lòng. Cái bóng tối “dữ tợn” rất thân thiết của Victor Hugo vây chặt họ tứ bề. Nhưng họ vẫn bàn bạc về đêm dài vô tận ba trăm năm mươi bốn giờ này, tức gần mười lăm ngày, mà những định luật vật lý đã áp đặt cho người nguyệt cầu. Barbicane giải thích cho các bạn của ông biết những nguyên nhân và những hậu quả của hiện tượng lạ lùng này.
- Thật là kỳ lạ! – Ông nói – Vì mỗi bán cầu của Mặt Trăng đều thiếu ánh sáng Mặt Trời trong vòng mười lăm ngày, bán cầu mà chúng ta đang trôi bên trên lúc này cũng không thấy được Trái Đất đang có ánh sáng suốt đêm dài. Nói vắn tắt, bầu trời chỉ có trăng – ở một phần của Mặt Trăng mà thôi. Nếu chuyện này cũng diễn ra như thế trên Trái Đất, tỷ dụ Châu Âu không bao giờ thấy được Mặt Trăng và chỉ có thể thấy được những điểm đối diện, các bạn cứ thử tưởng tượng một người Châu Âu sẽ ngạc nhiên đến thế nào khi đến Châu Úc?
- Vậy chúng ta đi du lịch chỉ cốt để xem cho được Mặt Trăng thôi à! – Michel đáp.
- Thế nên – Barbicane nói tiếp – sự ngạc nhiên này được dành cho người nguyệt cầu ở bên phần Mặt Trăng đối vị với Trái Đất, phần mà đồng bào của chúng ta ở địa cầu không bao giờ thấy được.
- Và phần này chúng ta sẽ thấy được – Nicholl nói thêm – nếu chúng ta đến đấy lúc bắt đầu tuần trăng mới, tức muộn hơn mười lăm ngày nữa.
- Tôi có ý kiến thêm rằng – Barbicane tiếp tục nói – ngược lại, người dân ở mặt ta nhìn thấy thì được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt mặc cho sự thiệt thòi của những người anh em ở mặt khuất bên kia. Mặt khuất này, như chúng ta thấy, trải qua những đêm dài ba trăm năm mươi bốn giờ, mà không có lấy một tia sáng nào xuyên qua được. Mặt nhìn thấy kia, trái lại, khi Mặt Trời đã chiếu sáng nó trong mười lăm ngày và lặn ở chân trời, sẽ thấy ở chân trời bên kia mọc lên một thiên thể rực rỡ. Đó chính là Trái Đất, một vầng trăng to gấp mười ba lần vầng trăng thường thấy. Vì đường kính của Trái Đất đo được đến hai độ[22] nên nó sẽ chiếu một thứ ánh sáng mạnh gấp mười ba lần mà không có một lớp khí quyển nào làm dịu bớt nó lại. Trái Đất chỉ biến đi khi Mặt Trời đến lượt xuất hiện lại mà thôi.
[22] Muốn đo đường kính của một thiên thể trong không gian người ta thường đo bằng độ (ND).
- Câu văn hay đấy – Michel Ardan nói có vẻ hơi khoa trương.
- Do đó – Barbicane điềm nhiên nói tiếp – mặt nhìn thấy của nguyệt cầu chắc ở thích lắm, vì nó bao giờ cũng thấy được hoặc Mặt Trời khi trăng tròn, hoặc Trái Đất khi đầu tuần trăng.
- Nhưng – Nicholl nói – lợi điểm này sẽ được bù trừ bởi sức nóng không thể chịu nổi do cái thứ ánh sáng đó mang lại.
- Sự bất tiện về phương diện ấy giống nhau ở cả hai mặt, vì ánh sáng do Trái Đất phản chiếu không nóng. Nhưng mặt khuất này còn nóng hơn mặt nhìn thấy. Tôi nói điều này dành riêng cho ông, ông Nicholl ạ, bởi vì Michel sẽ không hiểu được.
- Cám ơn – Michel nói.
- Thật vậy – Barbicane nói tiếp – khi mặt khuất này vừa nhận ánh sáng lẫn sức nóng của Mặt Trời, thì đó là lúc bắt đầu tuần trăng, có nghĩa là lúc nó ở vị trí giao điểm, nó nằm giữa Mặt Trời và Trái Đất. Vị trí này – nếu đem so sánh với vị trí xung đối, tức lúc trăng tròn – thì gần Mặt Trời hơn được một khoảng cách gấp đôi khoảng cách của nó với Trái Đất. Mà khoảng cách này bằng hai phần trăm khoảng cách của Trái Đất với Mặt Trời. Như vậy mặt khuất sẽ gần Mặt Trời hơn hai trăm ngàn dặm khi nó đón nhận những tia sáng.
- Rất đúng – Nicholl đáp.
- Trái lại – Barbicane nói tiếp.
- Đợi một chút – Michel nói cắt ngang ông bạn đồng hành nghiêm nghị của anh ta.
- Anh muốn gì nào?
- Tôi xin tiếp tục giải thích.
- Vì sao thế?
- Để chứng tỏ rằng tôi hiểu.
- Nào anh nói đi – Barbicane mỉm cười.
- Trái lại – Michel vừa nói vừa bắt chước giọng nói và điệu bộ của ông chủ tịch Barbicane – trái lại khi mặt nhìn thấy của nguyệt cầu được Mặt Trời chiếu sáng chính là lúc trăng tròn, tức là ở vị trí xung đối với Mặt Trời so với Trái Đất. Khoảng cách của nó với Mặt Trời tăng lên, tính tròn số sẽ là hai trăm ngàn dặm và sức nóng của nó nhận được phải ít hơn một chút.
- Anh nói được lắm – Barbicane reo lên – Anh có biết không, Michel, đối với một nghệ sĩ như anh cũng là thông minh đấy.
- Vâng – Michel hờ hững đáp – chúng ta như vậy cả.
Barbicane siết chặt tay người bạn đồng hành dễ mến của ông, và tiếp tục nêu lên những lợi điểm dành cho con người ở mặt nhìn thấy.
Trong những lợi điểm đó, ông kể đến việc quan sát những lần nhật thực, việc này chỉ làm được ở phần này của nguyệt cầu mà thôi, bởi vì, để có nhật thực Mặt Trời cần phải ở vị trí xung đối. Những lần nhật thực này xảy ra do việc Trái Đất nằm giữa Mặt Trăng và Mặt Trời có thể kéo dài trong hai giờ, trong những lần như vậy, vì tia sáng bị khúc xạ bởi lớp khí quyển, nên Trái Đất chỉ hiện ra một chấm đen trên Mặt Trời.
- Như vậy – Nicholl nói – đó là một bán cầu xấu số, không được thiên nhiên ưu đãi.
- Phải – Barbicane đáp – Nhưng không hoàn toàn đúng như thế. Thật vậy, do việc lúc lắc hay một chuyển động nhẹ nào đó trên trung tâm, Mặt Trăng cho Trái Đất thấy hơn một nửa đĩa trăng. Nó cũng giống một con lắc mà trọng tâm nghiêng về hướng địa cầu vì dao động đều. Vì đâu có sự dao động này? Do sự quay trên trục của nó chuyển động với một vận tốc đều trong khi sự di chuyển theo một quỹ đạo hình êlíp quanh Trái Đất lại không đều. Ở điểm cận địa, vận tốc di chuyển nhanh hơn nên Mặt Trăng cho thấy một phần của viền phía Tây. Ở điểm viễn địa ngược lại, vận tốc quay nhanh hơn nên một phần viền phía Đông xuất hiện. Một núi khoảng chừng tám độ hiện ra khi thì bên Tây khi thì bên Đông. Hậu quả là trên một ngàn phần thì Mặt Trăng cho thấy được năm trăm sáu mươi chín phần.
- Mặc kệ – Michel đáp – nếu chúng ta có trở thành người nguyệt cầu, chúng ta cũng sẽ sống ở mặt nhìn thấy. Tôi, tôi thì thích ánh sáng.
- Tuy nhiên với điều kiện – Nicholl nói – khí quyển không cô lại ở mặt bên kia, như một số nhà thiên văn tiên đoán.
- Chuyện đó cần phải cân nhắc – Michel đáp gọn lỏn.
Sau buổi điểm tâm, những nhà du hành trở lại vị trí của mình. Họ thử nhìn qua những khung cửa sổ tối om, sau khi đã tắt tất cả ánh sáng bên trong đầu đạn. Nhưng họ không thấy một nguyên tử ánh sáng nhỏ nào lướt qua bóng tối dày đặc đó.
Có một sự kiện không thể giải thích cứ theo đuổi mãi Barbicane. Làm thế nào bay cách Mặt Trăng một khoảng rất gần như thế – khoảng năm mươi kilômét – mà đầu đạn lại không rơi xuống đó? Nếu nó bay với một vận tốc lớn hơn thì người ta hiểu được rằng việc rơi không thể xảy ra được. Nhưng đàng này với một vận tốc tương đối nhỏ, lực nào đã cưỡng lại được sức hút của Mặt Trăng? Một vật thể nào đó đã giữ nó lại trong không gian? Rõ ràng là nó không thể nào đến được một điểm nào đó trên Mặt Trăng. Vậy nó sẽ đi đâu? Nó sẽ bị cuốn hút trong bóng đêm sâu thẳm vào vô tận? Làm sao biết được, làm sao tính toán được giữa cái bóng tối này? Tất cả những câu hỏi này làm Barbicane lo ngại, nhưng ông không thể nào giải thích được.
Thật vậy, thiên thể không nhìn thấy được vẫn ở đằng kia, có thể chỉ cách đó vài dặm mà thôi, vài ngàn mét, nhưng cả ông và các bạn đồng hành của ông không ai còn thấy nó nữa. Nếu có một tiếng động nào đó ở trên bề mặt của nó, họ cũng không thể nào nghe thấy được. Không khí, vật truyền âm không có đó để truyền đi những tiếng rên rỉ của vầng trăng mà những truyền thuyết Ả Rập gọi là “một người nửa thân đã hóa đá nhưng tim vẫn còn đập”.
Phải công nhận ở đây có cái gì đó làm cho những người quan sát kiên nhẫn nhất cũng phải khó chịu. Đó chính là cái bán cầu bí ẩn mà mắt họ không thể nhìn thấy được này. Bề mặt này mười lăm ngày trước đây và mười lăm ngày nữa đã và sẽ được những tia sáng Mặt Trời chiếu rọi rực rỡ, nhưng lúc này lại hoàn toàn chìm trong bóng tối. Mười lăm ngày nữa, đầu đạn sẽ ở đâu? Những lực hấp dẫn tình cờ đưa họ đến đâu? Ai mà biết được?
Đại khái theo những nhà nghiên cứu về Mặt Trăng thì người ta cho rằng cái bán cầu không nhìn thấy được của nguyệt cầu này, về cấu tạo, giống hoàn toàn với bán cầu nhìn thấy được. Thật ra người ta có thể thấy khoảng cách một phần bảy phần đất của nó trong những chuyển động lắc mà Barbicane đã nói đến. Thế nhưng trên những núi thoáng thấy được này, người ta chỉ thấy những đồng bằng và núi non, đài vòng và miệng núi lửa, tương tự như đã ghi ở trên những bản đồ. Người ta cũng có thể đoán nó cũng cùng một bản chất, một thế giới khô cằn và hiu quạnh. Tuy nhiên nếu trên bề mặt này lại có một lớp khí quyển thì sao? Nếu cùng với không khí, nước đã mang sự sống đến những phần đất liền này thì sao? Nếu cây cỏ vẫn còn tồn tại ở đó? Nếu có thú vật ở trên những phần đất liền và những phần biển này? Nếu con người trong những điều kiện có thể sống được như thế này vẫn luôn luôn sống ở đó thì sao? Biết bao vấn đề lý thú cần giải đáp. Người ta đã đưa ra rất nhiều giả thiết khi nhìn bán cầu này! Sẽ hấp dẫn biết bao nếu được nhìn xuống cái thế giới mà mắt người chưa bao giờ nhìn thấy được!
Người ta hiểu được sự khó chịu bực bội của các nhà du hành giữa đêm tối đen này. Không thể nào quan sát được Mặt Trăng, chỉ còn những chòm sao làm cho họ phải chú ý nhìn. Chưa bao giờ các nhà thiên văn, kể cả Faye lẫn Chacornac và Secchi lại có được những điều kiện thuận lợi như thế này để quan sát chúng.
Thật vậy, không gì có thể so sánh với sự lộng lẫy của thế giới các vì sao đang tắm mình trong cái khí ête trong vắt như thế này. Những viên kim cương được khảm trên vòm trời này đang phóng những tia lửa rạng ngời. Người ta có thể nhìn trọn cả bầu trời từ chòm Nam Tào đến ngôi sao Bắc Đẩu. Trong mười hai ngàn năm nữa những chòm sao này, theo sự tiến động của những điểm phân, sẽ nhường vai trò cho những vì sao cực, một cái nhường cho sao Canopus ở Nam bán cầu, một cái cho sao Véga ở Bắc bán cầu. Và đầu đạn đang lao vào khoảng không gian đó như một thiên thể mới do bàn tay con người tạo nên.
Những chòm sao này chiếu sáng dìu dịu rất tự nhiên, không hề lấp lánh, vì không có khí quyển, chính những lớp khí dày không đều nhau và có độ ẩm khác nhau đã sinh ra sự lấp lánh. Các vì sao này chẳng khác nào những đôi mắt dịu dàng đang nhìn xuống màn đêm sâu thẳm, giữa cái yên lặng hoàn toàn của không gian.
Các nhà du hành yên lặng quan sát rất lâu bầu trời đầy sao, trên đó tấm màn chắn lớn của Mặt Trăng tạo thành một cảm giác khó chịu rứt họ ra khỏi sự nhìn ngắm đó. Đó là một cái lạnh dữ dội, không bao lâu sau đó, trong những cánh cửa kính đã đóng một lớp nước đá dày. Thật vậy, Mặt Trời không còn hâm nóng bằng những tia sáng chiếu thẳng, đầu đạn đang mất dần sức nóng bên trong. Sức nóng này đã nhanh chóng thoát ra không gian bằng hình thức bức xạ, nên sự sụt giảm nhiệt độ đã xảy ra. Sự ẩm ướt bên trong đã biến thành nước đá bám vào cửa kính ngăn cản mọi sự quan sát.
Nicholl xem nhiệt kế thấy nhiệt kế sụt xuống mười bảy độ bách phân dưới không. Vì thế, mặc dù cần phải tiết kiệm, sau khi nhờ khí đốt để có ánh sáng, bây giờ Barbicane lại nhờ khí đốt để sưởi ấm. Nhiệt độ thấp của quả đạn không thể nào chịu nổi nữa, những vị khách bên trong sẽ chết cóng mất.
- Chúng ta sẽ không còn than phiền về sự buồn tẻ của chuyến du hành nữa – Michel Ardan lưu ý – Có biết bao biến đổi, ít ra là vấn đề nhiệt độ! Khi thì chúng ta bị chói mắt vì ánh sáng và có chán chê sức nóng như những thổ dân xứ đồng cỏ Braxin! Khi thì như ở đây, chúng ta ngụp lặn trong bóng tối sâu thẳm giữa cái lạnh của Bắc Cực, như những người Etkimô! Quả thật, chúng ta không có quyền phàn nàn, thiên nhiên đã ưu đãi chúng ta nhiều.
- Nhưng nhiệt độ ở bên ngoài như thế nào? – Nicholl hỏi.
- Đó là nhiệt độ của không gian liên hành tinh – Barbicane đáp.
- Thế thì – Michel Ardan lại nói – đây không phải là dịp để chúng ta làm thử thí nghiệm. Chúng ta không thể làm khi chúng ta tràn ngập trong ánh sáng Mặt Trời sao?
- Đây là dịp hiếm hoi – Barbicane đáp – vì chúng ta cần một hoàn cảnh như thế này để kiểm chứng xem nhiệt độ không gian và xem những bài tính của Fourier hay của Pouillet có đúng không.
- Dù thế nào đi nữa, trời cũng đang lạnh – Michel đáp – Hãy nhìn độ ẩm đang đông thành nước đá trên cửa kính kìa. Mỗi lúc một giảm nhiệt độ, hơi thở của chúng ta sẽ thành tuyết rơi xuống đầy chung quanh thôi!
- Hãy chuẩn bị nhiệt kế – Barbicane nói.
Người ta cũng hiểu một nhiệt kế thường sẽ không mang lại hiệu quả nào trong điều kiện đó. Thuỷ ngân ắt phải đông lại trong ống, vì nó không thể ở trong trạng thái lỏng với nhiệt độ bốn mươi hai độ dưới không.
Trước khi bắt đầu cuộc thí nghiệm, dụng cụ này đối chiếu với một nhiệt kế thường khác, và Barbicane chuẩn bị.
- Chúng ta sẽ xử lý cách nào đây? – Nicholl hỏi.
- Không gì dễ bằng – Michel Ardan không bao giờ bối rối đáp liền – Ta mở nhanh cửa sổ, ném nhanh nhiệt kế ra, nó sẽ ngoan ngoãn bay theo đầu đạn, một khắc đồng hồ sau ta sẽ kéo nó vào…
- Bằng tay à? – Barbicane hỏi.
- Bằng tay – Michel đáp.
- Thế thì, anh bạn ạ, anh đừng dại mà làm thế – Barbicane đáp – vì bàn tay anh kéo vào chỉ còn là một mỏm cụt rét cóng bị biến dạng vì cái lạnh ghê hồn này.
- Thật à?
- Anh sẽ cảm thấy đau buốt như bị một vết bỏng cũng giống như chạm phải một thanh sắt nung đỏ, vì cái nóng thoát ra khỏi hoặc vào trong cơ thể chúng ta đều dữ dội như nhau cả. Vả lại, bây giờ, tôi không chắc những vật chúng ta vất ra ngoài đầu đạn có còn bay theo chúng ta nữa hay không?
- Tại sao thế? – Nicholl hỏi.
- Bởi vì, nếu chúng ta đang đi ngang qua một lớp khí quyển, dù có mỏng thế nào đi nữa, những vật này cũng sẽ bị chậm lại. Nhưng bóng tối làm ta không biết những vật đó có còn bay cạnh chúng ta hay không? Vậy, để khỏi lo mất nhiệt kế, chúng ta sẽ cột dây giữ nó lại và chúng ta sẽ kéo nó vào trong dễ hơn.
Những lời khuyên của Barbicane được thực hiện. Nhiệt kế được buộc bằng một sợi dây rất ngắn để có thể kéo vào cho tiện. Nicholl ném nó nhanh qua cửa sổ. Cửa sổ chỉ được mở ra trong một giây. Tuy nhiên một giây này cũng đủ để cho cái lạnh dữ dội ùa vào bên trong đầu đạn.
- Quỷ thần! – Michel Ardan kêu lên – Cái lạnh làm rét cóng cả những con gấu trắng.
Barbicane chờ nửa giờ, thời gian quá đủ để nhiệt kế xuống đến nhiệt độ của không gian. Rồi, sau thời gian đó, nhiệt kế được kéo nhanh vào.
Barbicane tính số lượng thuỷ ngân được đổ vào cái bầu nhỏ gắn ở phần dưới của dụng cụ và ông nói.
- Một trăm bốn mươi độ bách phân dưới không!
Ông Pouillet có lý khi đối ngược lại Fourier. Đó chính là nhiệt độ ghê hồn của không gian liên hành tinh. Đó cũng có thể là nhiệt độ ở những phần đất liền của nguyệt cầu, khi thiên thể này đã mất đi, bằng bức xạ, tất cả nhiệt lượng mà mười lăm ngày trời nắng đã đổ xuống đó.
Bay Quanh Mặt Trăng Bay Quanh Mặt Trăng - Jules Verne Bay Quanh Mặt Trăng