Số lần đọc/download: 1419 / 23
Cập nhật: 2016-01-24 12:25:09 +0700
Chương 13
A
nh cháu vội vàng kéo đầu này, vuốt đầu kia cái chiếu hoa đã sờn nhiều sợi cói ở ngoài mép. Ông em chồng đặt bà chị dâu nằm xuống giường, trong tư thế nằm ngửa cho thoải mái. Xong, lại kéo thẳng hai tay cho xuôi dọc người, rồi cầm nhẹ hai chân vuốt vuốt cho thẳng. Bà Bao có lẽ từ sau ngày nhận giấy báo tử của chồng cũng chưa lần nào xúc động như lần này, nên đã đặt nằm xuống giường trong tư thế ấy mà vẫn thở gấp gáp như người hụt hơi. Ông Thuật vội bảo Bính đi rấp nước khăn tay mang vào đây, chú đắp lên trán cho mẹ cháu, nhanh lên. Khi thằng cháu tất tưởi đi ra bể nước đầu nhà, ông Thuật mới bỗng nghĩ ra, phải cởi bớt xống áo cho người ngất dễ thở. Nhưng khi vừa đặt tay lên chiếc cúc áo ngực bà chị dâu, ông em chồng ngập ngừng dừng lại nửa giây, chiếc cúc đã bật mở, để lộ ra làn da trắng mơn mởn và khuôn ngực của người đàn bà ngoài năm mươi nhưng ít sinh nở, ít va chạm với đàn ông, vẫn còn lùm lùm, ngồn ngộn. Đã thế cũng chẳng còn gì phải ý tứ giữ gìn, vả đây là việc cứu người có gì là xấu. Ông em chồng, như có đà, cởi luôn hàng cúc áo, để phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật cái bụng bà chị dâu mỡ màng với phần trên đầy đặn, hai bầu vú vẫn còn căng cứng như vú con gái. Nhưng đúng vào lúc ông Thuật cởi xong hàng cúc áo, để phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật cái bụng bà chị dâu mỡ màng, thì bất thần như có phép lạ, bà Bao ngồi bật dậy, hai tay kéo nhanh hai vạt áo, rồi lần lần hai hàng khuya đóng cúc, mắt lướt nhanh nhìn ông Thuật đang luống cuống tụt xuống khỏi giường, miệng ông lúng búng: "Bác ngất làm tôi lo quá!". Nhưng bà Bao đã bước xuống giường, nhìn thằng con đang cầm cái khăn tay ướt vào đến cửa, bảo:
- Con vào mở hòm lấy cái túi con gói mảnh vải nhựa mang ra đây cho mẹ. - Nhưng mẹ phải bình tĩnh, không lại phát bệnh huyết áp thì gay.
- Mẹ bất ngờ quá đấy mà. Con cứ mang cái túi ra đây. Trong ấy mẹ để tấm ảnh bố và mẹ chụp chung trước ngày ông ấy đi B. Nếu đúng với tấm ảnh con vừa đưa mẹ xem thì chắc là bố con có người chôn cất cho ở đâu, mới lấy được tấm ảnh ấy. Chứ không, lúc nào ông ấy cũng cất kỹ tấm ảnh trong lần túi áo phụ cơ mà.
Bính từ trong buồng vừa đi nhanh ra, vừa giở mảnh vải nhựa gói cái túi con. Bà Bao và ông Thuật đã ngồi vào cái chõng con giữa nhà, thấy Bính ra, cả hai cùng đứng lên. Bà Bao nhìn con, bảo:
- Con biết đâu mà lấy. Đưa mẹ lấy cho nhanh nào.
Nhưng Bính vẫn vạch vạch cái túi con, nghiêng ngó. Cái túi bằng bàn tay, khâu làm mấy ngăn, không phải đê cất tiền vàng, tiền vàng làm gì có cất kỹ thế, mà toàn những thứ trông vào chẳng đáng gì. Tấm ảnh chụp riêng từng người của vợ chồng bà, ảnh thằng con không biết là chụp lúc được ba tháng, sáu tháng hay một năm, mà buổi dái còn ngỗn nghện cả ra. Thằng con vừa rút từng thứ để trong túi ra, giơ đến trước mặt mẹ, vừa hỏi:
- Dạo trước có lần mẹ lấy ra cho con xem, mẹ có để lại vào đây không?
- Bao giờ xem xong mẹ cũng cất kỹ vào đấy mà lại.
Ông Thuật bảo Bính:
- Cứ tìm kỹ xem, cháu ạ!
Bính vạch vạch cái túi ra, dán mắt vào một lần nữa, bỗng reo lên:
- A, đây rồi!
Khi tấm ảnh con, cũng vừa bằng hai ngón tay, rút ra khỏi túi, cả bà Bao và ông Thuật như cùng đưa tay ra cầm. Nhưng thằng Bính đã nhanh tay đưa cho mẹ:
- Đúng là giống tấm ảnh bác Thàng trên Bắc Cạn cho con mang về rồi, mẹ với chứ ạ!
Bà Bao hai tay cầm hai tấm ảnh, đưa ra trước mặt. Hai tấm ảnh đúng là cùng một kiểu, chụp nửa người, hai vợ chồng bà ngồi hơi nghiêng đầu vào nhau, tay phải của ông đặt hờ lên vai trái của bà, âu yếm, kín đáo. Lật phía sau hai tấm ảnh đều còn rõ nét chữ của bà viết nắn nót: "Kỷ niệm ngày anh về phép để đi B 15/9/67". Bà Bao vừa định ấp tấm ảnh vào ngực, thì thằng con như sợ mẹ lại ngất lần nữa, vội nói:
- Kìa mẹ! Đưa ảnh cho chú Thuật xem với chứ.
Bấy giờ, có lẽ bà Bao mới chợt nhớ còn có chú em chồng ở đây, vội đưa cả hai tấm ảnh cho ông Thuật, bảo:
- Thế là nhà mình vẫn còn phúc, chú ạ!
Ông Thuật hai tay run run đón hai tấm ảnh bà chị dâu đưa cho, mới thoạt nhìn nước mắt đã lã chã lăn trên đôi má nhăn nheo. Ông cứ đứng ngây ra ngắm nhìn hai tấm ảnh. Không còn nghi ngờ gì nữa, hai tấm ảnh giống nhau như đúc. Người đàn ông ngồi bên trái đang quàng vai, ghé đầu vào người đàn bà còn rất trẻ, chính là người anh liền ruột với ông. Ngày thơ ấu dường như cả nhà chỉ có mỗi anh Bao là hay đe nẹt em nhất, vì tính em hay tắt mắt, lại nhát gan, nhát đòn, mỗi khi làm sai, làm vỡ cái gì cấm bao giờ dám nhận. Thế lại càng hay bị đòn đau. Có lần giữa vụ tháng mười, cả nhà ra đồng, chỉ còn mình em ở nhà trông nhà và trưa đến thì luộc nồi khoai lang, nấu ấm nước vối mang ra cho thợ gặt. Nhưng em mải chơi, chạy tót theo mấy đứa trẻ hàng xóm ra đổng hun chuột. Hun mải hun mê, đến nỗi để lửa bén vào, cháy cả đống lúa người ta gặt còn để đầu bờ chờ chuyển về nhà. Đận ấy, anh bực không để đâu hết bực, về đến nhà liền gọi em vào, buộc tay em vào gốc cau, rồi cứ thế lấy roi mây vụt đến nỗi gẫy tới chiếc thứ ba mà em cũng không chịu nhận có ra đồng hun chuột. May có em Ngấn đi đâu về, thấy thế vội chạy đến ôm chặt hai chân anh cả van xin, anh cả có đánh thì đánh em đây này, chứ đừng đánh anh Thuật đến toé máu ra thế kia nữa. Bấy giờ anh Bao mới chịu buông roi. Cái trận đòn nhớ đời ấy tưởng giúp Thuật bỏ được cái tính tắt mắt, dối trá thì giờ Thuật thảnh thơi, thanh nhàn lòng dạ biết chừng nào. Nhưng... Ối anh ơi là anh ơi! Sao cái lòng dạ em nó lại tối tăm ngu muội lâu đến thế, hở anh! Hờ anh ơi là anh ơi ơi ơ ơ ơ! Giờ thì quả báo nhỡn tiền, thằng con chú Lận... ơ hơ ơ hơ hơ hơ...! Ông Thuật cứ thế mà gào lên như người nhập đồng, rồi lăn ra nhà, làm hai mẹ con bà Bao sợ chết khiếp. Bính vội ngồi bệt xuống nền nhà, gỡ mãi mới lấy được hai tấm ảnh trong bàn tay nắm chặt của ông chú, chạy đi cất vào cái hòm trong buồng, xong lại chạy ra. Bà Bao luống cuống bảo con:
- Đưa chú lên giường, nhanh đi con!
Nhưng thằng con lại bảo:
- Chú bị choáng. Cứ để chú nằm yên một tý.
Thế nhưng ông chú không nằm yên, lại cứ gào thốc bộ lên:
- Ới anh ơi là anh ơi! Hôm nay anh về đến cửa đến nhà rồi, thì đón em đi với, anh ơi là anh ơi ời ời ờ ờ ơ ơ...! Anh để em sống làm gì mà không vụt cho em mấy chục cái roi mây nữa, cho em chết đi từ ngày âý, lại để em sống đến bây giờ có khổ, có nhục cái thân em không, anh ơi ờ ờ ơ ơ...!
Mẹ con bà Bao nhìn ông Thuật như bị giời đày, bò lê bò toài ra nhà khóc lóc, kể lể dây cà dây muống, nghe không còn ra câu nào vào câu nào. Cả hai mẹ con lòng đau như muối xát, lại sợ đến mặt xanh da vàng. Không biết làm thế nào cho ông ấy tỉnh lại được. Mà chạy đi gọi bà vợ ông ấy, hay vợ chồng chú Lận lúc này chỉ tổ vạch áo cho người xem lưng, ầm làng lên. Rồi người ta lại chẳng biết cho, có khi còn đặt lời, không biết thế nào, chỉ thấy ông em chồng đến nhà bà chị dâu, chẳng rõ có ăn uống, rượu chè bùa mê thuốc lú gì không lại sinh ra thế, thì ê mặt với bàn dân thiên hạ. Thế là mẹ con bà Bao đành lấy hết sức bình sinh đưa ông Thuật lên giường, rồi bao nhiêu động tác ông em chồng làm cho bà chị dâu khi nãy thế nào, giờ bà chị dâu lại làm đúng như thế. Sau khi nghe mẹ giục đi rấp nước cái khăn tay mang vào đây, nhanh lên, Bính luống cuống không những chỉ rấp nước khăn tay, còn bê cả cái chậu men hoa đầy nước vào đặt xuống giường, cạnh chỗ ông chú đang nằm thở khò khè như kéo bễ lò rèn. Bà Bao vừa cởi xong hàng cúc trên áo ông em chồng, thì đứa con gái của Lận hộc tốc đâm xe đạp thẳng vào sân. Tưởng ai mang tin ra ngoài ấy mà nhanh thế, bà Bao vội nói như để dẹp chuyện:
- Bác cả chỉ bị cảm gió tý thôi. Cháu cứ về nước nôi khách khứa đi.
Nhưng con bé lại có vẻ bất ngờ, khi nghe tin ông bác bị cảm gió:
- Bác cả bị cảm lâu chưa, hả bác? Thế mà chẳng ai biết gì sất. Bố cháu lại bảo cháu đi tìm bác cả về, có ông Cải và mấy người trên huyện xuống thăm.
Ông Thuật không biết có nghe đứa cháu gái nói câu ấy không, liền bật ngồi dậy, cứ như có thần dược đổ vào, làm cả hai mẹ con bà Bao và đứa con gái Lận mắt đều trố ra như cái ốc nhồi. Không còn hiểu thế này là thế nào. Có đúng ông Thuật bằng xương bằng thịt đang ngồi trên giường, thọc thọc tay vào cánh tay áo, mặc áo vào, còn hai chân khua khua xuống đất như tìm đôi dép cao su của mình hay không. Nhưng chỉ chưa đầy nửa giây, ông Thuật đã đứng hẳn người xuống đất, vừa đóng cúc áo, vừa săn đón hỏi đứa cháu gái, với một giọng tỉnh như sáo, cứ như ông chưa hề bị cảm mạo đến nghẹt thở khi nào:
- Bí thư huyện uỷ xuống thật, hả cháu?
Nhưng đứa con gái mười lăm tuổi của vợ chồng Lận chừng như lại không biết bí thư huyện uỷ là ai, chỉ thấy sao nói vậy:
- Cháu cũng không biết có phải bí thư huyện uỷ thật hay không, chỉ thấy bố cháu bảo đi tìm bác về có ông Cải và mấy ông trên huyện xuống thăm.
Thế là ông Thuật tất tưởi ra sân, thấy chiếc xe đạp của đứa cháu gái dựng ở thềm, ông vừa bước đến dắt luôn xe ra, vừa nói vỏng vào trong nhà:
- Bác lấy xe đạp của mày về cho nhanh đấy.
o O o
Trong khi đó, ở ngoài xã, Điền và ông Liểu cùng mấy người cửa hàng mua bán đang sấp ngửa cân sắn cho xã viên.
Bấy giờ, những người mau chân đi nhận sắn cũng đã vào tới sân cửa hàng mua bán xã. Thấy đèn măng xông sáng bừng, ai nấy reo lên sáng quá, sáng quá, phải sáng thế này nhìn những củ sắn mới đã mắt. Ông Hoạt, bà Vang, rồi anh Hiển nhân viên cửa hàng mua bán, kẻ đạp xe, người chạy bộ cũng tất tưởi ra đến nơi. Đúng là gặp lúc đói kém, củ sắn, củ khoai cũng quý như vàng. Người nào người nấy vừa í ới gọi nhau, vừa rảo cẳng chạy bán sống bán chết ra cửa hàng.
Điền, với tư cách trưởng đoàn đi miền ngược mua sắn theo nhiệm vụ của xã giao, liền mời ông Hoạt và ông Liểu vào trong nhà hội ý thống nhất cách chia sắn, căn cứ danh sách những hộ đăng ký mua, trước khi đi Bắc Cạn xã đã giao cả cho Điền. Ông Liểu tính cẩn thận, vả lại cũng có ý ngài ngại anh em ông chủ tịch sau này lại trách cầm đèn chạy trước ô tô, vô nguyên tắc, đi mua sắn về chưa báo cáo lãnh đạo đã tự ý chia cho dân, thật là công chả thấy lại thấy tội, liền đưa ra ý kiến cho người đi báo cáo với đồng chí quyền bí thư đảng uỷ, kiêm chủ tịch uỷ ban xã và đồng chí chủ nhiệm hợp tác đã. Nhưng ông Hoạt, cửa hàng trưởng mua bán, lại bảo, thằng con ông Lận mất, hai ông ấy giờ đang tang gia bối rối, còn đầu óc đâu sắn với sằn mà báo cáo. Thôi, cứ chia cho dân người ta mang về, nhà nào luộc thì luộc, nhà nào nấu thì nấu, cốt có cái vào bụng đã. Một miếng khi đói bằng cả gói khi no, các ông ấy có khằn khò đã có tôi với anh Điền đây đứng ra chịu, chứ không để đến ông chịu đâu mà lo. Ông Liểu vội bảo, ấy, tôi lo là ỉo cho anh Điền, chứ riêng tôi, đã là phó thường dân còn sợ gì mấy ông lãnh đạo ấy khằn khò. Vả lại, còn có dân chúng đây cơ mà, muốn cho khách quan, công bằng, cứ mời bà con cử ra cho một, hai người giám sát cân. Có ai trong đám dân làng Phương La mới đến vội bảo, thế thì cử chị Miền. Đúng rồi, cử chị Miền. Cán bộ tài chính xã mà giám sát cân thì chỉ đúng quá, bác Liểu nhỉ! Mọi người nói cười, trêu trọc, ồn lên một chập. Tưởng Miền biết có ai vừa trêu mình với Liểu, lại tự ái không nhận. Nhưng Miền cũng đê cái thúng từ nãy vẫn khoác trên vai xuống dưới hiên, đi đến chỗ Điền, bảo đâu giấy bút đâu, chú đưa chị ghi mã cân cho. Thế là việc chia sắn chưa bắt đầu đã gặp thuận lợi.
Điền đọc danh sách những nhà đăng ký số lượng sắn mua, ông Hoạt cầm cân, có Miền đứng bên giám sát. Ông Liểu, anh Hiển, bà Vang và mấy người nam giới nữa nhặt từng củ sắn để vào thúng, vào rổ, vào sảo, rồi chuyển lên cân theo tiếng Điền gọi tên từng nhà. Đám chia sắn ồn ã, náo nhiệt, người nghe đọc đến tên thì hớn hở đưa thúng, đưa rổ, sảo vào nhận sắn; người chưa đến lượt nhận sắn thì chen vai thích cánh lại gần đống sắn, nghiêng nghiêng, ngó ngó từng củ sắn sần sùi làn da xám. Người này khen mấy củ sắn kia ngon, trông vỏ sần sùi thế mới bùi, mới bở. Người kia bảo, sắn không nên tham củ to, trông sần sùi thế chứ luộc ăn sậm sật, nước mẹ gì. Ai đó gọi đích danh chú Hiển ơi chú Hiển, bỏ hộ chị cái củ ấy ra đi, trông cái củ nó to thế kia là trồng lâu năm rồi, luộc ăn như củ chuối, chứ chẳng có tý bột nào đâu. ơ, cái nhà bà này, cái gì to thì thích, củ sắn to lại chê. Phải gió cái nhà chú, bảo bỏ ra là bỏ ra, lại còn cho cái củ sứt mẻ khác vào làm gì. Không bỏ củ khác vào thì thiếu cân. Thôi, thiếu tý cũng được. Mau mau còn đến nhà khác. Ấy ấy, phải cân đủ, dù nửa lạng cũng không được để thiếu. Điền đứng cạnh cây đèn măng xông vội quay ra bảo Miền, cô nhìn cân cho tinh, đánh nhau chia gạo chào nhau ăn cơm, không được cân thiếu, dù chỉ nửa lạng cho nhà nào đấy nhá. Ông Liểu đang nhặt sắn cũng quay vào chỗ cân nói trống không, một miếng khi đói bằng một gói khi no, cứ là phải cho công bằng. Điền vừa gọi đến tên một nhà, thì nghe tiếng chị ta kêu giẫy lên, tay chỉ vào đống sắn, ấy ấy, chú đừng cho củ sắn vỡ đôi vỡ ba kia vào thúng chị nữa, sắn vỡ ra thế là ăn vào say chết đấy. Mọi người cũng nhao lên, vất ra, vất ra, cứ củ nào vỡ to là vất ra, chứ đưa vào cân cho người ta, nhỡ ra là oan gia đấy. Sau những lời nhao nhao ấy là sự trầm lắng đến rợn người. Không ai nói ra, nhưng dường như ai cũng nghĩ đến cái chết thê thảm của vợ chồng, con cái nhà Nhương bên Phương La, cái đận đói giáp hạt tháng ba năm nọ. Xã cũng đứng ra đi miền ngược mua sắn về cho dân cứu đói. Mỗi nhà chỉ được mươi cân chứ có nhiều nhặn gì. Thế mà ai đời, chỉ có mỗi mẻ sắn luộc chưa đầy cái nồi nấu ba bơ gạo, mà hai vợ chồng với đứa con nhà Nhương ăn vào, bị ngộ độc không tài nào cứu nổi nữa. Từ đấy ai cũng kinh. Hễ năm nào đói kém phải hò nhau đi miền ngược mua sắn là y như rằng, lúc về chia sắn thể nào cũng diễn ra cảnh tranh giành củ lành củ vỡ, cứ rối tinh rối mù cả lên.
Điền đang dán mắt vào tờ danh sách, nghe chị kia kêu giẫy lên về tội củ sắn vỡ đôi vỡ ba Hiển vừa vất vào thúng, liền quay ra bảo, anh Hiển đừng tiếc củ vỡ ấy nữa. Những củ vỡ nhiều cứ vất hẳn ra ngoài kia cơ. Ông Hoạt, chị Miền vội bảo, vỡ thì chịu khó gọt chỗ vỡ đi, chứ hễ củ nào vỡ là vất ra, nhỡ thiếu sắn chia thì sao. Ông Liểu cũng bảo, phiên phiến thôi bà con ơi, vỡ to thì trả, vỡ bé cố gắng lấy, chứ không, thiếu nhiều quá rồi lấy đâu mà chia cho những nhà lấy sau. Bấy giờ mọi người mới chín bỏ làm mười, không kén cá chọn canh quá thể như lúc mới cân nữa. Mấy người đến sau còn giục mọi người đứng xa ra, để cho mấy người đi mua sắn về, với mấy vị ngoài cửa hàng nhặt sắn cho các hộ, rồi cân cho nó khách quan. Các cụ xưa đã dạy, đánh nhau chia gạo chào nhau ăn cơm, cứ phải cho công bằng, không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng các ông, các bà ạ! Điền quay nhìn mấy ông bà mới xách thúng ra, đang đứng bên đống sắn nói cười hơ hớ. Cái sân trước cửa hàng mua bán nằm sát đường trục xã, rộng đến cả sào, lát gạch chỉ, xây tường bao hai bên, giữa để cái cổng rộng xe tải năm tấn ra vào dễ dàng, sát gần hiên nhà chỉ đổ mỗi đống sắn với mắc bàn treo cân và Điền, ông Hoạt, chị Miền cùng mấy người đứng nhặt sắn, cân sắn, còn lại cái sân chật những người là người.
Điền đứng cân sắn, nhìn người này vất củ bé ra nhặt củ to vào thúng nhà mình, nghe người nọ ca cẩm với người kia rằng thúng sắn của mình đã nhiều củ nhỏ, lại còn bị cả những củ sắn vỡ, mà cổ họng anh chỉ thấy nóng rát ràn ràn như có muối sát. Không biết đến khi nào cái cảnh chia sắn háo hức, cập rập, nhốn nháo, giành giật, quát mắng, gằn hắt, ca cẩm lẫn nhau mới khỏi diễn ra mỗi kỳ giáp hạt thế này? Điền vừa cầm chiếc bút máy đánh dấu chữ thập ra cạnh họ tên từng hộ, trong danh sách những nhà mua sắn, để khỏi nhầm lẫn nhà cân rồi với nhà chưa cân, vừa miên man nghĩ đến những người ngày ngày gần gũi với mình, có thể nói từ sáng tinh mơ đến tận chiều tà, không đi ra đến ngoài thì thôi, chứ đã đi, dù chỉ là một bước, nửa bước cũng gặp những con người chân chất, cần mẫn, thật thà, giản dị này. Vậy mà cả đời họ, không, từ đời ông, đời cha họ, có ước mơ gì cao xa đâu, chỉ là mảnh ruộng cày cuốc, cấy trồng để có cái cho vào bụng no ngày hai bữa. Có cái cho vào bụng no ngày hai bữa mới nói đến chuyện mái nhà, cây mít, mảnh sân gạch phơi phong. Ôi chao, càng nghĩ càng rối.
Tối hôm nằm nói chuyện với Cải, Điền định kể xong toàn bộ cái án kỷ luật đảng thì hỏi Cải một câu, chỉ một câu thôi, rằng theo anh, ý kiến riêng của anh, cái việc tôi và chi bộ Phương Trà giao ruộng cho xã viên chủ động làm, có thật là sai đến mức tôi phải bị kỷ luật lưu đảng đến tận bày giờ không? Nhưng Điền chưa kịp hỏi, thì cái đám đuổi trộm ngoài đầm sen đầu làng đã làm đút mạch câu chuyện của hai người. Rồi bao nhiêu việc giời ơi ập đến, vừa thoát khỏi cái góc nhà hội trường không khác trại giam, sau vụ trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết ở đầu làng Phương Lưu, lại sa ngay vào bát quái trận đồ của anh em ông Thuật, mà Điền phải nuốt bồ hòn làm ngọt để nhất cử lưỡng tiện, cánh ông Tinh và tổ cờ đỏ Phương Lưu thì được trắng án, sau vụ ném vỡ cửa kính xe của huyện, chứ không, công bằng ra người ta vẫn có thể đưa ra toà về tội chống lại người thi hành công vụ. Còn Điền, chuyến đi Bắc Cạn bất ngờ lại gặp người đồng đội, người thủ trưởng cũ, mà dẫu chỉ ở với nhau thời gian ngắn cũng để lại kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời binh nghiệp của anh. Vậy là từ hôm ấy đến nay cũng chưa gặp lại Cải. Lúc xe sắn về đổ xuống cửa hàng, Điền vội tạt qua nhà, ông bố, bà mẹ, rồi cô em gái đều bảo, anh Cải xuống chơi, có ý lo cho anh đi Bắc Cạn mua sắn không biết thế nào. Điền cũng thấy xúc động. Hai người biết nhau chưa lâu, hiểu nhau chưa nhiều, nhưng Điền ham hiểu biết, thích mày mò, học hỏi, nghe ngóng người này, người khác nên cũng dễ mến, dễ gần những người cởi mở, lại có hiểu biết như anh Cải. Nhưng dẫu sao Điền vẫn thấy phấp phỏng về câu chuyện mình nói với anh đêm ấy mà chưa được biết, chưa được thấy tý ty gì về thái độ của anh từ sau hôm ấy.
Thế, Điền lại càng nóng lòng muốn biết. Mà người cho Điền biết tin tức đầy đủ nhất ở xã này, không ai khác là Dậm, em vợ Đĩnh ngoài Phương Lưu.
Cũng từ hôm xảy ra xô xát ở đầu làng Phương Lưu, giữa tổ cờ đỏ với mấy người ở huyện xuống chở lợn ngoài trại chăn nuôi, Điền chưa ra đến ngoài đó, chưa gặp lại Dậm lần nào.
Điền hăm hở đạp xe ra ngoài Phương Lưu. Qua đầu làng, chỗ hôm lâu xảy ra xô xát, cây tre bắc ngang đường làm ba-ri-e chắn xe cộ qua lại vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Chỉ khác, cái chỗ che cho mấy người trong tổ cờ đỏ ngồi gác đường, trước chỉ tùm hum cái nia bằng bàn tay bắc trên bốn cái cọc tre bờ ở rìa đường, thì nay thấy làm cẩn thận như cái chòi của người coi đồng. Không chỉ che mưa che nắng, bên trong còn thấy kê cái giường một, đóng bằng gỗ bạch đàn, là loại gỗ được trồng nhan nhản trên đường làng ngõ xóm. Dáng chừng có tổ viên tổ cờ đỏ trông coi ba-ri-e cả đêm lẫn ngày hay sao thế này. Vậy thì sự thể không còn bưng bọc sau cái ba-ri-e và luỹ tre làng được nữa rồi hay sao, mà phải canh gác cẩn trọng đến thế. Điền vừa dừng xe, bước xuống, vừa chờn vờn nghĩ. Một cậu cờ đỏ không những biết Điền, còn tỏ ra biết khá kỹ, từ trong chòi bước nhanh ra, hỏi:
- Anh đã chia sắn xong rồi hay sao, mà ra ngoài nhà chị Dậm đấy?
Điền định nói chối, mình ra ngoài anh Đĩnh, nhưng nghĩ thế nào lại nói:
- Chia xong hồi đêm cả rồi. Ngoài nhà cậu vụ giáp hạt này đủ ăn hay sao, không thấy đăng ký mua sắn?
- Nhà em tằn tiện bữa no bữa đói cũng đủ đến khi có lúa, anh ạ.
Một cậu cờ đỏ từ trong chòi đi ra, cười:
- Bữa no bữa đói gì nhà nó, thóc còn có cho vạy lãi đấy, anh ạ.
- Nó bốc lửa bỏ tay người, anh đừng có nghe. Nhà em còn thóc cho vay thì chẳng những không lấy lãi, mà còn giảm gốc cho người vay nữa ấy chứ.
Điền nhìn cả hai cậu cờ đỏ, hỏi:
- Ngoài này có nhà nào phải đi vay lãi thóc gạo, hay tiền bạc chưa?
Cái cậu vừa bảo nhà còn thóc cho vay thì chẳng những không lấy lãi, còn giảm cả gốc nữa, liền nói:
- Ngoài chúng em chưa có nhà nào. Nhưng trong Phương La, quê ngoại mẹ em, thấy nói có nhà đi vay thóc lãi những hai mươi nhăm, hai mươi bảy phân rồi đấy, anh ạ.
Cậu ban nãy bảo bữa no bữa đói gì nhà nó, mới nghe bạn nói đến đấy, liền nói bâng quơ:
- Sao cùng một hợp tác mà bên Phương La không khoán ruộng cho dân làm như bên Phương Lưu, lại để nhiều nhà hết ăn thế nhỉ?
- Suỵt! Be bé cái mồm chứ. May đây là anh Điền, bị mất chức chủ nhiệm vì cho khoán ruộng, nên mày, và tao nữa, mới còn được đứng đây. Chứ không, đã bị tra tay vào còng số tám rồi, em ạ!
Cả Điền và hai cậu cờ đỏ đều ặt cổ ra cười, như hiểu nhau cả. Hiểu nhau cả, nhưng sao hôm nay qua đây lại thấy cái chòi làm cẩn thận, ra dáng canh phòng nghiêm ngặt hơn cả cái hôm xảy ra xô xát với xe ô tô huyện thế kia. Điền nhìn hai cậu cờ đỏ, hỏi:
- Trong làng mới có chuyện gì, hả hai em?
Một cậu ước còn thóc cho vay không lấy lãi, bảo:
- Dân làng với nhau thì không có chuyện gì. Nhưng hình như việc đội Phương Lưu chúng em khoán ruộng cho xã viên bị lộ rồi, chủ nhiệm ạ!
- Em vừa nói anh mất chức chủ nhiệm vì khoán ruộng cho xã viên, sao giờ lại gọi anh "chủ nhiệm ạ!". - Điền vừa cười vừa nói với cái cậu gọi anh là chủ nhiệm. Đoạn, tỏ sự lo lắng, hỏi. - Nhưng sao em biết bị lộ?
- Mấy ngày nay em cứ thấy làng xóm thế nào ấy, anh ạ. Những ông già bà cả và các bác trung niên gặp nhau ở đâu, có vài ba n^ười, là thể nào cũng thấy thì thà thì thầm. Còn chi uỷ và ban đội thì tối nao cũng thấy tụ họp ở nhà ông Tinh đến nửa đêm gà gáy. Ngay tổ cờ đỏ chúng em đây, chỉ trông cổng làng không cho xe cộ và người lạ qua lại thôi, mấy ngày nay cũng được tăng cường bao nhiêu thứ đấy. Nào là làm lại mái che chắc chắn này, đóng cho cái giường con vững chắc để chúng em nằm ngồi, rồi còn chi thêm công, bổ sung thêm người giác ba-ri-e suốt ngày đêm nữa. Em cảm thấy làng Phương Lưu chúng em đang lẳng lặng chuẩn bị làm cái gì đó, hệ trọng lắm, anh ạ.
- Lại như sờ sợ thế nào nữa ấy. Dân tình lúc nào cũng như ngơ ngáo dò la cái gì ấy không biết? - Cái cậu vừa nãy bảo cậu kia nhà còn thóc cho vay lãi, lơ ngơ nhìn Điền tỏ nỗi lo âu.
Điền nhìn hai cậu cờ đỏ Phương Lưu, dặn:
- Tất cả những gì hai em vừa nói với anh, tuyệt đối không được nói với Ễà\ đấy nhá. Nhớ đấy! Không là mắc tội với dàn làng, nghe ra chưa!
- Vâng ạ!
- Chúng em nghe ra rồi.
Điền cười, giơ tay có ý chào hai cậu cờ đỏ, rồi vừa nhảy lên xe đạp, vừa nói:
- Anh đi đây!
Một cậu nhìn ngóp theo Điền đạp xe đi, hỏi:
- Anh ra thẳng ngoài anh Đĩnh, hay vào trong chị Dậm?
Điền không nói gì, chi quay lại cười. Một cậu nhìn anh, nói trêu:
- Vào chị Dậm trước hay hơn, anh Điền ơi!
Thực, lúc ở nhà đạp xe đi, Điền cũng định ra thẳng nhà Đĩnh hỏi xem lịch học tháng này có gì thay đổi không, xong mới vào nhà cô Dậm. Nhưng từ lúc đến trạm gác đầu làng Phương Lưu, nghe hai cậu tổ viên cờ đỏ nói, Điền lại muốn vào nhà Dậm trước.
Mới đến đầu ngõ đã nhìn thấy Dậm quần ống thấp ống cao, bê cái sảo từ đầu nhà đi qua sân ra bờ ao. Dậm như cũng nhìn thấy Điền dong xe vào, hỏi trước:
- Anh đi mua sắn về hổi đêm à?
- Em bê sảo gì mà lổng chổng thế?
- Em dọn cái chuồng gà, tiện mang ít phân vào bón mấy cây hạt tiêu. Thấy bảo cái giống hạt tiêu mà bón phân gà vào là cay lắm. Anh đi về có khoẻ không? Sao không nghỉ một hôm cho lại sức. Mà có việc gì lại ra ngoài này ngay thế? Học tháng này, em nghe anh Đĩnh nói lùi lại một tuần cơ mà.
Điền vừa dựng xe đạp vào cạnh tường bếp, vừa nói:
- Anh thấy người bình thường, nên cũng không muốn nghỉ. Mới lại, cũng muốn gặp em...
Điền vừa nói đến đấy, như biết mình lỡ lời, vội hỏi:
- Mẹ đi đâu, hả em?
- Mẹ em đi chợ bán ít trứng. Nhà mấy con gà đẻ, trứng ăn không xuể, hôm nay bà cụ mang bán lấy tiền mua phân đạm. Anh vào trong nhà đi, em đổ sảo phân rồi rửa chân tay vào ngay.
Điền lững thững bước qua bậc cửa, vào gian giữa nhà. Nhà hai mẹ con bà goá, tiếng là cả bà cụ và cô con gái đều đảm đang, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác thiêu thiếu bàn tay người đàn ông, có cái gì như trống vắng, lỏng lẻo, tềnh toàng. Điền để chiếc mũ cối lên một đầu chiếc bàn gỗ mộc cũ kỹ, kê làm bàn uống nước ở giữa nhà, tiện tay xếp lại cái khay chén uống nước, có dễ mấy hôm không dùng đến, cáu nước đóng két lại đáy chén, vàng khè. Rồi vừa cầm cái giẻ lau mặt bàn được mấy nhát, đã nghe tiếng Dậm vừa cười, vừa nói ở ngoài cửa:
- Gớm, đi Bắc Cạn mấy hôm về tiến bộ hẳn. Tự nhiên cứ như ở nhà.
Điền quay ra:
- Thì thấy bàn bẩn cũng lau qua. Ở nhà có tình hình gì mới không em?
Dậm chưa nói gì, đi thẳng vào trong buồng. Giây lát, không biết mải làm gì ở trong ấy lại chỉ thấy nói vọng ra, giọng hờn dỗi:
- Anh thì chưa thấy người đã thấy "tình hình". Đi về chả hỏi người ta được một câu khoẻ yếu ra sao, đã vội hỏi "tình hình", "tình hình"...
Điền vẫn đứng cạnh chiếc bàn ngoài nhà, nhìn ngớp vào trong buồng, cười:
- Thì vừa giáp mặt nhau em đã tót vào trong ấy rồi, anh làm sao biết em khoẻ yếu thế nào được nữa!
Dậm vẫn không biết làm gì ở trong ấy, nói vỏng ra trong tiếng cười:
- Anh chỉ gian thôi. Mà muốn biết thì phải chủ động chứ...
Nói thế thì quá bằng...Điền liền săng sái bước rảo về phía cửa buồng. Như nhìn thấy, hay nghe thấy bước chân của Điền, Dậm vội kêu:
- Ây ấy anh, đừng có vào. Em ứ chơi kiểu ấy đâu...
Nhưng Điền đã bước chân qua ngưỡng cửa buồng. Và quan trọng hon, còn nhìn thấy rõ mười mươi một toà thiên nhiên. Dậm gần như khoả thân, từ đầu đến chân trắng nõn nà, chỉ mỗi chỗ giữa có mảnh quần lót bằng bàn tay, và trên bộ ngực ngồn ngộn cũng chỉ có mỗi bên một miếng vải con che bầu vú. Dậm đang một tay cầm cái áo giơ lên như lộn lại ống tay áo, thấy Điền bước vào vội kêu lên thế. Nhưng thay cho việc lẽ ra phải vội vàng xỏ tay vào áo và mặc nhanh cái quần vào, thì Dậm lại dềnh dàng để nguyên cái áo giơ ra thế, nhìn Điền toét miệng cười. Điền bước nhanh lại, và như toàn thân lao vào Dậm bế bổng ỉên. Một mùi đàn bà thơm thơm khơi gợi, gọi mời. Dậm bỗng chốc như đứa trẻ ngoan để nguyên cho Điền bế, hai tay quàng ra ôm hờ nơi cổ Điền. Nhưng có lẽ là lần đầu họ suồng sã, chầm bập nhau, dẫu là ở trong buồng thì cũng là giữa ban ngày ban mặt, nên sau phút bồng bột cuồng si, cả hai như chưa được chuẩn bị cho động tác tiếp theo là gì. Điền gần như luống cuống, bế người yêu trên tay rồi mà chưa biết đặt xuống đâu, hay cứ bế thế này đến khi nào. Còn Dậm như đã đạt được đỉnh ước mơ, cứ dụi dụi cái đầu bù xù tóc rối vào cổ Điền mà hà hít, như uống lấy uống để hơi hướng người đàn ông mới biết lần đầu. Nhưng giữa cơn hà hít như uống lấy uống để hơi hướng người đàn ông, Dậm như vẫn nhận ra Điền đang bế mình đi ra cửa buồng, để ra ngoài nhà giữa ban ngày ban mặt. Bỗng chốc, Dậm như một người khác, một cơ thể khác, một sức vóc khác, nhanh nhẹn, chừng mực, tinh tế tụt khỏi đôi tay vạm vỡ, rắn như hai gọng kìm của Điền. Rồi Dậm quay ngoắt lại chỗ đứng thay quần áo ban nãy, nhặt chiếc quần đen nằm chỏng chơ dưới đất lên, đưa chân xỏ rất nhanh vào ống quần. Rồi vừa cúi xuống lấy chiếc áo, vừa nhẹ nhàng bảo Điền, cứ như thể từ bấy đến giờ hai người chưa nhìn thấy gì, chưa biết một cái gì của nhau: "Anh ra ngoài nhà uống nước, chờ em một tý".
Hai người ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn uống nước, như đang chuyện trò, bàn soạn công việc, chứ hoàn toàn không có biểu hiện gì để nhỡ có ai vào lại ngờ họ vừa làm điều xấu xa. Xã này đã không ít đôi rơi vào cảnh "tình ngay ý gian" như thế. Thì chị Tiến, anh Sùng làng này chứ ai. Mới chập tối, chị đang rấm cám lợn dưới bếp thì anh sang chơi. Nhà không có ai nên trên nhà không thắp đèn. Anh vào đến đầu sân, qua ánh sáng chập chờn từ trong bếp hắt ra, thấy chị đang ngồi đun bếp, liền đi vào, ngồi xuống bên cạnh. Hai người mới nói với nhau được vài câu chưa ra môn ra khoai gì, thì trời thù đất hại thế nào, lại đúng lúc chị vừa dụi bớt bếp lửa để đưa tay ra bắc nồi cám vần xuống rấm, bỗng bên ngoài có hai dân quân đi tuần qua, bất ngờ rẽ vào. Thấy hai người ngồi trong bếp đèn đóm không có, bếp núc tù mù, vội kêu toáng lên, có anh ả quan hệ bất chính bà con ơi! Chỉ cần nghe có quan hệ bất chính, hoặc hủ hoá với nhau đới, là thành chuyện động trời rồi. Lập tức cả xóm đổ xô đến, tắt đèn nhà ngói như nhà tranh, có giời cãi. Anh Sùng, chị Tiến vừa tức vừa hận, mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, cảm ơn dân quân đã kịp thời giúp đỡ, nên chúng tôi mới chưa phạm khuyết điểm nghiêm trọng(!). Vậy là mấy ngày sau hai nhà vội chạm ngõ, ăn hỏi, cưới liền tay, dẫu là việc nằm ngoài dự tính, không thế, để lâu mang tiếng. Đâu không biết, chứ nội cái làng này, xã này, phàm việc gì dân quân, cờ đỏ đã biết, đã dúng vào, thì không chứng nọ cũng tật kia, khó mà tránh khỏi mang tai mang tiếng với bàn dân thiên hạ. Điền không biết thế nào, chứ Dậm mỗi khi hai người gặp nhau cũng ý tứ giữ gìn. Ngay cả ban nãy ở trong buồng, nhìn thấy Điền bước vào Dậm đã có ý tránh, vội bảo: "Ấy ấy, anh đừng có vào!", nhưng rồi không hiểu sao lại như con chi chi thế không biết. Đến lúc này, mỗi người đã ngồi trên chiếc ghế đẩu, ngăn cách nhau bởi một cái bàn rồi đây, Dậm vẫn thấy hai má hâm hấp nóng, chốc chốc lại đưa tay lên xoa xoa. Điền nhìn Dậm xoa tay lên má, tủm tỉm cười:
- Thôi, anh hỏi nghiêm chỉnh đây này!
Dậm như cũng mơ màng hiểu Điền định hỏi gì, thủng thẳng nói:
- Anh cứ hỏi đi! Biết thì nói, không biết em ngồi em nghe vậy.
- Anh nghĩ là ít nhiều em ở nhà từ hôm ấy đến nay, cũng có người nói đến tai.
Dậm hiểu Điền định hỏi về việc gì rồi, cũng không muốn úp úp mở mở nữa, nói ngay:
- Có lẽ bí thư huyện uỷ biết rõ thực chất của việc xô xát giữa cờ đỏ làng em với mấy người đánh xe uỷ ban huyện xuống hôm trước rồi, anh ạ.
Điền vội hỏi:
- Em nghĩ thế, hay ai nói với em thế?
- Em thấy từ hôm xảy ra xô xát, thái độ của huyện có nhiều cái khác lạ lắm. Thứ nhất là việc thả anh, ông Tinh và mấy người cờ đỏ làng em ra. Nghe đâu có ý kiến chỉ đạo của huyện, chứ không hẳn là việc ông Thuật thấy em trai bắt người chưa có lệnh của viện kiểm sát mà vội thả ra đâu. Thứ hai là, dẫu sao cái việc mấy xã viên đội em manh động, cầm đất đá ném văng mạng vào xe, làm vỡ cửa kính ô tô uỷ ban huyện cũng là sai. Thông thường có khi phải đền. Đằng này từ hôm ấy đến nay, không thấy nói đến kính vỡ kính việc gì nữa. Nhưng cái thứ ba em mới thấy lạ, chưa thấy huyện xử sự với cấp xã nào thế bao giờ.
Điền đưa tay cầm chiếc tích rót nước nguội vào cái ca men định uống, nhưng nghe Dậm nói thế, vội hỏi:
- Huyện chịu bồi thường cho trại Phương Lưu nuôi khống mấy chục con lợn tham quan trượt, phải không?
- Huyện sao chịu nước lép bồi thường cho xã, nhưng cách cư xử lại gần giống như thế. Các ông ấy tính cho trại Phương Lưu nuôi hai mươi nhăm con lợn xấp xỉ tạ, trong thời gian nửa tháng, tính gọn mọi khoản chi phí cám bã, rau bèo, công chăn nuôi bằng hai tấn rưỡi lợn thịt hơi, trừ vào chỉ tiêu nghĩa vụ thực phẩm năm nay của đội. Ngoài ra, huyện còn giảm chỉ tiêu lương thực bán nghĩa vụ cho nhà nước của Phương Lưu chúng em vụ này đi hai mươi nhăm tấn thóc nữa. Đấy, anh bảo không lạ à, lạ quá đi chứ! Xưa nay, trăm dâu đổ đầu tằm, chỉ có làng xã mới phải gánh chịu tất cả những gì trên dội xuống, chứ có khi nào trên lại chịu cái nước lép với dưới thế đâu. Anh bảo không lạ là gì!
Điền nghe, lại càng sốt ruột, vội hỏi:
- Nhưng tình hình anh muốn biết thì em lại chưa nói?
- Ơ, chả phải em nói từ nãy đến giờ đấy thây. Còn tình hình gì nữa?
- Thôi thôi, em hiểu rồi. Anh muốn biết cái chuyện anh nói với ông Cải đêm hôm lâu chứ gì. Nhưng em nói anh phải bình tĩnh cơ. Vì chính em lúc đầu nghe anh Đĩnh về nói cũng thấy hoảng. Nhỡ lần này huyện lại xử lý nghiêm việc Phương Lưu giao khoán ruộng cho các hộ cày cấy thì có khi cả chi bộ chúng em bị kỷ luật, chứ không riêng một mình ai, như anh năm trước đâu.
- Nhưng cái chính anh muốn biết là thái độ của anh Cải đối với việc đó thế nào thôi. Vì ý kiến của bí thư quan trọng lắm. Bao giờ và ở đâu chả thế, trong khi còn có nhận thức, suy nghĩ, và cả ý kiến trái ngược nhau, thì mỗi khi người đứng đầu quyết theo chiều huứng nào, sớm hay muộn tình hình cũng chuyển biến theo chiều hướng đó. Mà thường là thuận lợi, tốt đẹp nhiều hơn khó khăn, trắc trở.
- Em hiểu ý anh rồi. Nhưng anh phải bình tĩnh nghe, em mới nói. Sau hôm anh đi Bắc Cạn, anh Đĩnh đi họp huyện về vội chạy vào kéo em ra cầu ao, vẻ bí mật và nghiêm trọng: "Gay go lo rồi dì ơi! Chuyến này thì chết cả lũ, chứ chả một, hai người như vụ kỷ luật thằng Điền năm trước đâu". Em cũng thấy hoang mang, vội giục: "Thôi, anh đừng doạ già doạ non em nữa, có thế nào nói ngay đi, xem còn cách gì cứu vãn không". Anh Đĩnh bảo, giữa buổi họp, ông Cải xuống chỗ anh ngồi, vỗ vai: "Tý giải lao, cậu vào huyện uỷ mình hỏi cái này nhé". Anh ấy cũng thấy lo lo, không biết bí thư huyện uỷ gặp riêng có chuyện gì, lành hay dữ, liền đứng dậy, theo chân ông Cải ra ngay. Vào đến phòng làm việc của bí thư huyện uỷ, sau vài câu thăm hỏi sức khoẻ gia đình và tình hình đói kém ở dưới làng, ông Cải nói thẳng với anh Đĩnh rằng, cậu Điền đã nói hết với tôi về cái vụ cậu ấy bị kỷ luật năm trước rồi. Nhưng tôi hỏi thật, cậu cũng phải nói thật, trong tình anh em như tôi với cậu Điền, chứ không phải với tư cách bí thư huyện uỷ với một đảng uỷ viên kiêm phó chủ tịch uỷ ban xã đâu nhá. Theo cậu, giao ruộng cho xã viên cày cấy như cậu Điền đã làm hồi cậu ấy còn làm chủ nhiệm hợp tác xã thì có lợi hơn, hay cứ để nguyên như lâu nay các nơi vẫn làm thì có lợi hơn? Nghe bí thư hỏi thế, anh Đĩnh bảo lúc ấy tao cũng chẳng còn biết sợ là gì nữa. Vì nghĩ thằng Điền nó chỉ còn mỗi cái lưu đảng mà còn dám nói, huống hồ mình không những là đảng viên, lại còn là uỷ viên ban chấp hành đảng bộ, đại biểu hội đồng nhân dân, phó chủ tịch uỷ ban xã. Thế là tao nói thẳng với ông Cải, các anh ngồi ở bên trên, nên cứ nghĩ ở đâu người ta cũng vẫn nghiêm chỉnh giữ nguyên cách quản khoán trong nông nghiệp, như cấp trên hướng dẫn từ hàng chục năm nay chắc. Khôn? đâu, nhiều nơi đã biến tướng cách quản khoán ấy đi nhiều kiểu lắm rồi. Nơi thì giao cho cán bộ, đảng viên nhận chăm sóc ruộng tăng sản. Nơi giao ruộng trồng hoa màu cho xã viên làm, cuối năm hợp tác thu tiền theo đầu sào. Còn vùng trồng thuốc lào như chúng em thì giao hẳn cho xã viên trồng, chăm sóc, thu hái. Cũng đều là kiểu giao ruộng đất cho nông dân làm, hay nói như bên trên vẫn thường phê phán là khoán chui, xé rào, thì cũng thế. Nhưng vẫn phải báo cáo lên trên là làm tập thể, phân phối hoa lợi tập thể, chứ hễ hở ra cá thể làm, cá thể hưởng, dẫu cá thể ấy cũng là một gia đình, ít là hai vợ chồng trở lên, nhiều là ông bà, bố mẹ, cháu con đến hàng chục cái tàu há mồm, thì vẫn cứ bị coi là Cắà thể, riêng rẽ, nhẹ thì phê bình, cảnh cáo, nặng thì kỷ luật như trường hợp cậu Điền. Nên ở đâu cũng tỏ ra là mình nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc quản khoán tập trung, quy mô lớn xã hội chủ nghĩa. Ngay ở Phương Lưu em cũng thế, báo cáo thật với bí thư, trước đây cậu Điền còn làm chủ nhiệm, hay từ khi cậu ấy bị kỷ luật đến nay, chúng em vẫn giao ruộng khoán cho các hộ cày cấy, đến mùa đội thu phần sản lượng khoán nộp lên hợp tác xã, đưa vào cân đối ăn chia chung. Phần sản lượng còn lại nhà nào nhà nấy hưởng hết. Thế nên như năm nay, bão lốc nhiều nơi dân hết ăn nhao cả lên, nhưng đến giờ dưới Phương Lưu chúng em có mấy nhà hết ăn đâu.
Ông Cải ngồi nghe anh Đĩnh nói, lúc đầu còn thỉnh thoảng à à, thế hử, thế hử, sau chẳng thấy nói năng, hỏi han gì nữa. Anh Đĩnh bảo lúc ấy tao cũng hơi hoảng, không hiểu ông ấy đồng ý cho mình làm thế hay không, lại cứ im lặng. Nhưng sau nghĩ, thây kệ, đằng nào cũng đánh bài ngửa rồi, được ăn cả ngã về không, cùng lắm ông ấy đến mắng cho mấy câu, rằng các anh chỉ khéo bịp trên Ioè dưới, làm thì láo báo cáo thì hay, chứ gì. Ôi dào, ối đứa còn không có nói rằng có, làm thì ít xít ra nhiều để được khen thưởng hết huy chương này đến huân chương khác, loè dưới bịp trên còn bằng mấy, chứ chúng em chẳng qua cũng chỉ vì bát cơm manh áo của dân, mà một liều ba bảy cũng liều chia ruộng cho dân làm, đâu phải chí vì cái bụng của vợ con chúng em, hả anh. Nghe anh Đĩnh nói thế, ông Cải chỉ dặn, cậu đừng nói lại với ai những gì cậu nói với tôi từ nãy đến giờ, cũng đùng kể với ai về cuộc gặp giữa tôi và cậu hôm nay nhá. Thế anh bảo có lạ không cơ chú!
Dậm như dốc hết những gì ông anh rể sẻ chia, sau cái buổi sáng nhớ đời ở chỗ bí thư huyện uỷ, bỏ cả ăn trưa ở cuộc họp huyện, hộc tốc đạp xe về trút hết mọi bức xúc, dằn vặt, lo lắng ra với Dậm, không những là cô em vợ, mà còn là bí thư chi bộ kiêm đội trường đội sản xuất làng Phương Lưu. Nghe xong, Điền ngồi lặng đi, lòng ngổn ngang bao ý nghĩ, và dẫu ý nghĩ nào thì cũng chỉ bủa vây lấy một người, đón bắt lòng dạ, tâm trạng của một nguời, như Dậm vừa nói "có lạ không cơ chứ!".
Ấy là Cải, người mà Điền đã trút hết tâm tư, ý nghĩ thầm kín trong lòng một cách không đắn đo cân nhắc, chỉ bởi lần này Điền gặp lại Cải trên cương vị bí thư huyện uỷ Vĩnh Tiên, như có điềm báo trước, Điền được trút bỏ u uất, thanh thản cõi lòng, chứ không, lúc nào cũng mang nỗi ấm ức không biết ngỏ cùng ai, ngoài những người ở làng xã biết mà chẳng làm gì được. Một khi trong lòng có nỗi ấm ức mà có người để san sẻ, dãi bày thì tự nhiên cũng thấy vợi nỗi ưu sầu đi nhiều, nhất là người đó lại là người mình có thể trao thân gửi phận.
Trong khi Điền và Dậm còn ngồi lặng đi, mỗi người đang mải dò la, nắm bắt ý nghiã thực của cuộc gặp giữa Cải và Đĩnh, thì không biết linh thiêng đến mức nào, Đĩnh bỗng dưng lù lù lao xe vào sân.
- Bắt được quả tang anh ả tự tình rồi nhá. Mới đi Bắc Cạn về đã tót ngay ra ngoài này, gớm thật! - Đĩnh vừa phanh xe ngay trước cửa, nhảy xuống, vừa cười nói lảng rang. Dựng vội chiếc xe ngoài hiên, Đĩnh bước vào trong nhà, không kịp đê Điền và Dậm hỏi han gì, nói ngay. - Nghe mấy đứa cờ đỏ bảo chú Điền đang ở đây, anh vội đến báo cho hai em một tin cực kỳ quan trọng.
Dậm vội cúi xuống chân bàn rút nhanh ra chiếc ghế đẩu, có ý mời anh rể ngồi, còn Điền cũng cầm cái tích định rót nước. Nhưng Đĩnh vội giơ tay ra hiệu không nước nôi gì, rồi ngồi xuống chiếc ghế Dậm vừa kéo ra, nhìn cả hai người, nói đầy vẻ bí ẩn:
- Sáng nay anh đi chợ Am mua con lợn giống, gặp tay Quyền phó ban nông nghiệp huyện ngang đường. Hắn với mình mọi khi gặp nhau cũng chỉ chào hỏi qua loa, chứ không bao giờ vồn vã, thân thiện. Thế mà sáng nay gặp, hắn không những chào hỏi trước, còn nhảy xuống xe, làm mình cũng phải vội vàng dừng xe lại. Mới mặt nhìn mặt, hắn nói ngay, dưới Phương Lưu các bố ghê thật đấy, mưu ngang mưu Gia Cát Lượng. Mình còn đang chưa biết hắn nói thế là thế nào, thì hắn đã ghé sát vào mặt mình, miệng thở ra toàn mùi hành, mùi rượu, chắc là vừa ăn sáng trong hàng tiết canh lòng lợn ra, nói nửa kín nửa hở, Phương Lưu các bố khoán chui cho hộ, nên mới lập ra cái trạm gác đầu làng để dễ bề ngăn cản cấp trên về kiểm tra chứ gì, ai còn lạ. Nhưng chẳng qua ban nông nghiệp chúng tôi còn chưa tố giác các bố, cũng là có ý ngầm theo dõi xem các bố làm ăn thế nào, được hỏng, thành bại ra sao. Nhung mà thôi, từ nay có ai hỏi đừng quên nói hay, nói tốt cho cánh này nữa nhá, rằng thì là sở dĩ Phương Lưu dám khoán chui cũng là nhờ được ban nông nghiệp huyện ngầm bật đèn xanh cho làm đấy.
Nghe Đĩnh nói, Điền vội buột kêu:
- Đúng là khi vui thì vỗ tay vào, đến khi gãy sào thì vội chạy xa. Nhưng tay Quyền nói có ý muốn dây máu ăn phần thế, chắc là tình hình sáng sủa rồi, anh Đĩnh, cô Dậm ạ!
Đĩnh nói ngay:
- Đúng là tình hình sáng sủa rồi. Tay Quyền nói với anh, hôm qua ban thường vụ huyện uỷ họp ra nehị quyết cho các hợp tác xã khoán ruộng đất canh tác cho xã viên, ngay từ vụ mùa này.
Điền vội hỏi:
- Anh có nghe nhầm không đấy? Thường mỗi khi có chủ trương mới ra, đều cho một số nơi làm thử, nhưng lần này không làm thử, lại làm luôn đại trà ngay từ vụ mùa này à?
Đĩnh quả quyết:
- Anh nghe đúng thế mà. Tay Quyền còn thề sống thề chết là chính hắn, với cương vị phó ban nông nghiệp và tay Tuấn, trưởng ban kế hoạch huyện, là hai người duy nhất không có chân trong thường vụ huyện uỷ, nhưng được đích danh bí thư Cải ký giấy mời đến để tham gia phần thảo luận dự thảo nghị quyết mà lại. Tay ấy còn kể vanh vách khi biểu quyết ai tán thành cho giao ruộng khoán, ai không tán thành nữa cơ.
Điền không biết có phải vì đã một lần bị án kỷ luật, đến giờ vẫn chưa hết hoảng hay sao, nghe Đĩnh nói đến đấy bỗng cắt ngang bằng một giọng ngờ vực:
- Tay ấy nói nào, khéo không lại giăng bẫy anh cũng nên. Chứ không, vừa bảo chỉ được tham gia phần thảo luận, có nghĩa là lúc biểu quyết thì phải ra, thế sao còn biết ai tán thành ai không được nữa?
Sự ngờ vực của Điền nghe có lý, bỗng lan nhanh sang Dậm, rồi cả Đĩnh, người mới vừa nãy còn khấp khởi báo với Điền và Dậm cái tin do phó ban nông nghiệp huyện nói lại. Bỗng chốc, cả ba như ngồi thộn ra, ngơ ngác, chẳng ai biết hỏi ai bây giờ. Chỉ còn nước duy nhất là chờ, như bao lâu nay họ vẫn chờ, vẫn đợi một sự giải thoát không chỉ cho cõi lòng được thảnh thơi, mà còn cả cho đi đứng, nói năng cũng đường đường chính chính, có bảo có, không bảo không, chứ không lúc nào cũng ngơ ngáo như gà phải cáo, giấu giấu, giếm giếm có nói rằng không, không lại bảo rằng có, đến nỗi ngay hai cậu cờ đỏ ở đầu làng Phương Lưu lúc vào Điền gặp cũng phải nói: "Dân tình lúc nào cũng như ngơ ngáo dò la cái gì ấy không biết!".