Số lần đọc/download: 201 / 19
Cập nhật: 2020-07-08 19:36:02 +0700
Chương 14
H
ƠN MỘT TUẦN TRÔI QUA và CM chưa gọi lại cho tôi. Được thôi, có khi cô không ở Seattle, nhưng như thế không có nghĩa là trước khi đi cô không thể nhấc điện thoại lên gọi cho tôi. Hay là CM vẫn còn cáu tôi. Lý nào lại thế, CM không phải loại thù dai nhớ lâu. Nóng lên thì bùng nổ, rồi nguội lại ngay, đó mới là CM. Vậy chắc là dính dáng đến Neal rồi. Kịch bản một, màn đoàn tụ là thảm họa toàn tập và CM chán đến mức không buồn nhắc đến nữa. Hoặc kịch bản hai, kết thúc mĩ mãn, hạnh phúc lâng lâng và chàng vẫn còn ở lỳ đó.
Chiều thứ Năm, CM gọi điện. Nghe giọng cô, tôi lập tức khẳng định được đó là kịch bản hai.
- Xin lỗi bồ vì tôi đã không gọi điện sớm hơn. Tôi đang tính trên đường đi làm về sẽ ghé chỗ bồ. Nếu bồ không bận gì.
- Ờ... tôi phải kiểm tra lịch trình hôm nay đã. Úi giời, hôm nay là ngày Harrison Ford sẽ dạy tôi nhảy dù đấy.
- Trong khi bồ cuộn dù thì tụi mình vẫn nói chuyện được.
Mẻ bánh từ cuộc thí nghiệm mới nhất của tôi mới ra khỏi lò, tất thảy đều vàng rộm và giòn rụm. Căn nhà ngập trong mùi ngô nướng thơm ngọt khi CM bước vào.
- Bồ đừng có lúc nào cũng để cửa khơi khơi như thế.
- Không thì bồ có cửa nào mà tùy nghi phăm phăm như thế được.
CM thả túi xách xuống đệm.
- Quỷ thần ơi, mùi gì thơm dữ vậy?
- Bánh bột ngô và kê. Liệu bề mà cư xử thì bồ sẽ được nếm.
CM ôm chầm lấy tôi.
- Thân và tâm của bồ đã hồi lại sau vụ đám cưới chưa đấy?
- Rồi. Cũng vừa đúng lúc. Tôi đã nhận được hồ sơ giấy tờ của vụ li hôn. Còn bồ đã hồi lại sau thời-kỳ-Neal chưa?
- Ôi trời! - Sắc mặt CM chợt ửng hồng. - Tôi thấy mình thật chẳng ra cái thể thống gì khi vác tâm trạng thiếu nữ mới lớn chộn rộn đến đây đúng lúc bồ đang phải xoay xở giấy tờ li hôn.
- Tôi vẫn trẻ khỏe mà, sẽ vượt qua ngon lành thôi. Còn bồ nói tôi nghe đi.
- Tuyệt vời đến không tưởng.
- Trừ chuyện trên giường ra.
- Không, tất cả đều tuyệt vời đến không tưởng. Anh ấy và tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, hết cả cuối tuần, rồi anh ấy hoãn chuyến bay và ở lại đến tận hôm qua. Sau lần bỏ đi hồi mùa thu năm ngoái, hình như anh ấy đã tĩnh tâm suy nghĩ nhiều lắm. Hồi đó anh ấy có thái độ khá tiêu cực về chuyện bị tuột mất công việc, thế mới ảnh hưởng lây đến quan hệ giữa hai đứa... Nhưng giờ nói chung anh ấy đã cân bằng và sáng suốt hơn rồi...
- Nói chung ấy à?
- Tôi nghĩ thế. Dù sao, anh ấy cũng ngỏ lời muốn nối lại, và tôi đã đồng ý. Hai tuần nữa anh ấy sẽ chuyển đến.
- Dọn đến chỗ mới của anh ấy hả?
- Ờ... không. Sao phải thế?
- Để xem chừng mọi chuyện tiến triển thế nào chứ sao.
- Nhất định sẽ ổn. - CM nói chắc nịch. - Hội đồng đã thông qua đề cương luận án của anh ấy, bây giờ mọi việc chỉ còn là viết nó ra thôi.
- Anh Neal sẽ đi làm chứ?
- Tôi chắc chắn anh ấy sẽ tìm được việc gì đó. Trợ giảng chẳng hạn, hoặc anh ấy có thể dạy ở một trường tư.
Tôi ráng mím môi để không lỡ lời nói ra điều gì chướng tai, nhưng thà tôi cứ nói phắt ra còn hơn, vì CM đã đọc thấu được tâm tư tôi.
- Anh Neal không phải là mẫu người tham công tiếc việc, - CM nói.
- Chỉ là tôi không thích anh ấy ăn bám bồ.
- Đỡ đần Neal trong lúc anh ấy hoàn thành luận án, đối với tôi không có vấn đề gì. - CM đã nhấp nhỏm chuyển thế phòng thủ. - Việc gì cần thì mình làm thôi.
- Tôi biết, cũng hiểu là anh ấy không chủ ý lợi dụng gì bồ, cơ mà... thỉnh thoảng...
- Thỉnh thoảng sao?
- Chẳng sao cả. Bồ thừa thông minh để biết phải làm gì. Và chắc như ăn bắp rằng tôi chẳng là gì mà lên mặt khuyên nhủ bồ cả.
- Thế kể tôi nghe David đã nói gì đi. Nếu bồ thấy thoải mái.
- Cả mớ lùng bùng khiến tôi phát ớn. Tóm gọn lại, cả hai đều đã thay đổi. Cả hai không còn nói chuyện với nhau được nữa. Người này khiến cuộc sống của người kia trở nên khổ sở. Trong khi đó, Kelley kể vai sát cánh bên chàng mỗi ngày, “căng ra trên các mặt trận”, nguyên văn lời chàng đấy.
Tràng cười của CM vút lên the thé.
- Cái gì mà mặt với chả trận? “Mặt trận” gần nhất mà David có cơ mon men tiếp cận được là khi Sở Giao thông California cho đào tung đường Highland lên thôi.
Tôi nghe mà cười chảy cả nước mắt. Như thế cũng tốt, nếu không chắc hẳn đã khóc ra nước mắt.
- Mà tôi chưa báo với bồ tin vui. Tôi đã có cuộc hẹn hò đầu tiên.
- Thật à? Với ai?
- Với anh trai khác cha khác mẹ mới của tôi.
- Kinh đấy, cơ mà tôi thích đấy.
- Cảm giác có chút là lạ. Anh ấy tên là Gary.
- Ổn đấy. Bồ cần một người đàn ông cho thời kỳ quá độ này. Đại khái là góp phần đưa bồ trở về đúng quỹ đạo. Vậy chứ anh chàng thế nào?
- Ờ thì dễ mến. Đáng yêu.
- Gì nữa?
- Tôi cũng không biết còn gì nữa. Sau ngày mai tôi sẽ cho bồ biết thêm.
- Anh ấy cũng ở đây à?
- Ở Marin. Anh ấy chỉ đến đây công tác thôi.
CM đảo mắt.
- Anh ấy làm nghề gì?
- Trông xe.
- Hả?
- Anh ấy có một công ty nhỏ chuyên cung cấp dịch vụ đỗ xe cho những người đi dự các sự kiện trang trọng.
- Chắc mẹ Gary đã xem loạt phim 77 Sunset Strip trong thời kỳ mang bầu anh ấy đấy nhỉ.
- Tối hôm thứ Ba anh ấy đã đưa tôi đến Canlis, nhưng tôi không biết thứ Sáu sẽ đi đâu. Có khi chỉ cần đặt phục vụ phòng.
Chân mày CM nhướn lẻn.
- Bồ phải thận trọng cảnh giác đấy nhé. Hãy nhớ, đây là Chàng Quá Độ nghe chưa.
- Nghe cứ như một tộc người tiền sử ý.
- Mới cả đừng quên mặc áo mưa cho chú lính nhỏ của chàng ta đấy.
o O o
Mẻ bánh bột ngô và kê đầu tiên có mùi vị mê ly, nhưng khi cắt lại bị vụn ra như bánh ngô làm bằng bột nở. Không đủ gluten đây mà.
Tôi thử lại, chia đôi phần bột ngô, thêm một cốc bột mì nguyên, và xay một nửa lượng hạt kê bằng cối xay tay chuyên dụng cho làm bánh. Thế này giống với những gì tôi hình dung hơn - dẻo hơn, nhưng vẫn có cảm giác đậm đà từ bột ngô và kê. Ra được thứ bánh nướng để đời, nhất là nếu quết thêm bơ mặn và chút xíu mật ong.
Tôi mang một ít đến cho Linda nếm thử. Bà lầu bầu công nhận là ngon, không quên cảnh báo tôi:
- Cô cứ việc bày đồ hàng mà chơi ở nhà, nhưng nếu mơ tưởng thay đổi thứ gì ở đây, thì xin mời lôi ý nghĩ ấy ra khỏi đầu ngay cho.
- Tôi chả ham ôm mộng thay đổi dù chỉ một thìa nào những thứ trong cuốn sổ đen thiêng liêng ấy đâu.
Linda đúng là kiểu một-tấc-không-đi-một-ly-không-rời mà.
- Cô có thích bày trò bánh bánh bột bột trong những ngày nghỉ thì cũng chả can gì đến tôi.
Linda đứng đó, hai tay chống nạnh, miệng mím chặt, mắt đảo hết trái sang phải, như thể làm bánh ở nhà là một hành vi tạo phản mà dám là bà sẽ trình báo cảnh sát ngay tắp lự.
Tôi thoáng nghĩ, hay là mình sải cú nước rút, mang bánh đến cho Ellen thử và hỏi chị xem có nên làm bánh này ở đây không. Có thể chỉ vào các thứ Bảy. Nhưng thực ra công việc hiện tại đã đủ vất vả cho Linda rồi. Qua mặt Linda lúc này sẽ chỉ tổ khiến nhân vật phản diện trong bà có thêm đất diễn mà thôi.
o O o
Gary và tôi đã đồng ý sẽ gặp nhau tại quầy bar ở Edgewater nếu anh đến muộn. Nhưng tôi tới đã thấy anh đang ngồi bên bàn gần lò sưởi; và vừa thấy tôi, gương mặt anh sáng bừng lên như bánh ga-tô sinh nhật. Tôi không quen với sự nhiệt thành vồn vã không che giấu này.
Khi Gary đứng dậy và hôn lên má tôi, dạ dày tôi khẽ thót lại chừng như phản đối, nhưng rồi cũng bình thường lại. Được rồi mà. Mình làm được mà. Anh nói trông tôi rất đẹp, và tôi sát lại hỏi “Gì cơ ạ?” chỉ để được nghe điều đó thêm một lần nữa.
- Em dùng gì? - Gary hỏi. Anh đang mặc thứ mà tôi luôn gọi là “áo khoác của thi sĩ Anh” - áo vest vải tuýt với miếng đệm bằng da ở khuỷu tay. David sẽ thà chết còn hơn là mặc kiểu áo ấy.
- Có lẽ là rượu Chardonnay ạ.
Mất mấy phút Gary mới gây được chú ý với người phục vụ. David chưa bao giờ phải cố gắng như vậy cả. Luôn có một thứ ánh sáng tỏa ra từ David, khiến những người phục vụ phải tiến lại, chờ xem anh muốn gì. Nhưng thế quái nào tôi lại nghĩ đến những điều này nhỉ? Khi sang tuổi tám mươi bảy, liệu tôi có lẩy bẩy trên giường trong viện dưỡng lão và hồi tưởng David đã cư xử với những người bồi bàn như thế nào không?
Sau khi gọi rượu cho tôi, Gary kể rằng những cuộc họp của anh đã diễn ra tốt đẹp hơn dự kiến. Tôi mỉm cười:
- Thế thì tốt quá.
- Để xem sao. Cũng có nghĩa là ba tuần nữa anh sẽ quay lại.
Chắc tôi cần phải tỏ ra phấn chấn khi nghe thế. Khi tôi không nói gì, Gary đưa tay nắm trọn lấy bàn tay tôi. Nhưng rất nhẹ. Tôi gần như không cảm thấy gì.
- Anh tưởng em sẽ vui.
- Em vui mà. Thật. Chỉ là em thấy... hồi hộp, chắc thế ạ.
- Hoàn toàn tự nhiên thôi. Giá mà anh nói hay làm được gì để em khỏi bị như vậy nhỉ.
Tôi bật cười.
- Đàn ông luôn muốn làm gì đó. Đôi khi anh chỉ cần ngồi yên cho đến khi mọi chuyện đâu lại vào đó. - Tôi rút tay về và nâng ly rượu lên.
- Anh đã nói chuyện với Andrew và Katie ngay trước khi rời nhà.
Mất vài giây bộ não mới khiến tôi nhận ra rằng Gary đang nói đến các con anh.
- Hai đứa sao rồi ạ?
- Đang ở chỗ Erica, vợ cũ của anh. Chiều nay Katie đi tập trong đội cổ vũ; còn bài tập môn khoa học của Andrew giành giải nhất trong cuộc thi của trường, thế nên thẳng bé sẽ được thi ở cấp quận.
- Chắc anh tự hào về hai đứa lắm nhỉ.
Anh nhìn mặt bàn, rồi đưa mắt trở lại tôi.
- Em không có con thì chắc khó mà hiểu hết được. Mỗi việc mới mà chúng làm đều khiến anh hân hoan âm ỉ. Có những lúc chỉ muốn nói mãi về chúng thôi... Anh không muốn làm em thấy chán.
- Em có thấy chán đâu. - Trong đầu mình, tôi nghe thấy tiếng CM đang gào lên: “Chỉ giỏi xạo sự!”.
- Em từng muốn có con bao giờ chưa?
- Chưa anh ạ.
- Ồ, có lý do đặc biệt nào không?
- Không. Em chỉ nghĩ, có những phụ nữ sinh ra là để làm mẹ, và có những người thì không. Mà em đã từng dạy học ở trường phổ thông, từng thấy những đứa trẻ bé bỏng dễ thương lớn lên thành ra thế nào rồi.
- Anh nghĩ em sẽ là một người mẹ tuyệt vời.
- Sao anh lại nghĩ thế?
Gary nhún vai.
- Không biết nữa. Chỉ là em có vẻ...
Giờ thì tôi phì cười.
- Đừng cười thế, đúng mà. Em chu đáo, biết quan tâm...
- Em ích kỷ và được chiều quá hóa hư.
- Anh hoạt bát và năng động...
- Anh đang nói lấy được đấy Gary. Với cả, em không hòa đồng tốt với trẻ con. Điều đó đã thành truyền thống trong gia đình em rồi.
- Nếu có con thì em sẽ làm được tốt thôi. Hoặc nếu em gặp...
- Ồ không, đừng vẽ ra viễn cảnh ấy. Dù chỉ trong giả thuyết. Em vẫn luôn tâm niệm rằng một khi có con thì cuộc đời riêng của mình coi như xong.
- Không phải đâu. Đó chỉ là khởi đầu mới đúng.
- Đàn ông nói được như vậy vì không phải loay hoay xoay xở với đủ thứ linh tinh không tên...
- Anh có làm đấy. - Gary chợt trở nên hết sức nghiêm túc.
- Em xin lỗi, phần lớn đàn ông.
Người chơi piano ngồi xuống bên đàn và mở cặp táp của mình ra. Gary nhìn đồng hồ.
- Mình đi thôi. Mười lăm phút nữa mình sẽ có chỗ đã đặt trước ở nhà hàng Dahlia.
Dahlia là một nơi khá lãng mạn dù hơi nhỏ, đông và ồn ào. Những bức tường sẫm màu, các phòng ăn được chiếu sáng bằng những con cá giấy lạ mắt có đèn ở trong. Phục vụ nhanh và dễ chịu. Tôi thả lỏng, thậm chí còn vô tư lự nhìn vào đôi mắt đẹp của người anh trai khác cha khác mẹ. Gary bắt tín hiệu, đặt cánh tay trên lưng ghế để ngón tay anh vừa chạm vào vai tôi. Trong khoảnh khắc, tôi chỉ muốn bật cười khúc khích. Anh cư xử như thể tôi sắp hạ cằm xuống mà cắn một miếng trên tay anh vậy.
- Em và David cưới nhau được bao lâu?
- Bảy năm.
- Cậu ấy là người thế nào?
- Ừm... điển trai, quyến rũ, thông minh, thành đạt.
- Nghe như người chồng hoàn hảo ấy nhỉ.
- Mẹ em từng nói, “Nếu điều gì đó chừng như tốt đến mức không tin nổi, thì có khi thực sự chẳng đáng tin đâu”. Còn anh thì sao? Anh và Erica cưới nhau được bao lâu?
- Mười một năm. - Anh mở nụ cười mỉm của người đàn ông đã biết nhiều hơn mức mình muốn biết về chia tay và li hôn.
- Anh nhớ chị ấy, phải không?
- Anh nhớ cả nhà bên nhau. Cảm giác cả nhà từng cùng nhau. Từ khi Erica quay lại trường luật, mọi chuyện không còn như xưa nữa.
- Em vẫn hình dung theo học trường luật thì vất vả lắm. - Tôi đặt ly xuống và dựa vào anh, chỉ để cảm nhận hơi thở của anh trên má mình.
- Ừ, anh biết là vất vả chứ. - Gary lúc lắc đầu. - Chắc anh sẽ không bao giờ hiểu nổi tại sao Erica lại muốn chọn trường luật. Chỉ làm trợ lý luật sư thôi cô ấy cũng đã có thu nhập rất khá. Hoặc tại sao cô ấy không chịu đợi đến lúc bọn trẻ lớn hơn.
- Hẳn là việc đó thực sự quan trọng với chị ấy. - Tôi khẽ nói với anh. - Theo nghề luật không phải là một quyết định một sớm một chiều.
- Hôn nhân cũng vậy mà thôi.
o O o
Sau bữa tối, Gary hỏi tôi có muốn quay lại Edgewater uống một ly không. Tôi biết anh thực sự muốn gì, và đã trả lời đồng ý. Ở hàng lang, cả hai đều không liếc đến quầy bar, chúng tôi đi thẳng đến thang máy. Chỉ có tôi và anh ấy. Gary kéo tôi vào vòng tay anh. Nụ hôn có vị như rượu vang đỏ mà chúng tôi đã dùng trong bữa tối, và món tráng miệng với táo chín. Tôi thích mùi nước hoa cạo râu của anh - không phải là nước hoa Polo. Xúc cảm đầu tiên có thể gọi tên được là sự nhẹ nhõm. Thứ hai là cảm giác biết ơn. Giờ thì tất cả đều đã quay lại với tôi - cảm giác khi một người đàn ông thèm muốn ta, phút giây chùng lại khi chàng không biết có nên chạm vào ta hay không, vì một khi đã đụng chạm thì chàng sẽ không kiềm chế nổi bản thân. Những đụng chạm mê đắm như thuốc phiện.
Nhưng người đàn ông này có thể kiềm chế được, và anh dừng lại. Gary miễn cưỡng giữ lấy hai vai tôi.
- Wyn... - Hơi thở của anh trầm nặng. - Anh không muốn hối thúc em.
Giá mà anh biết được trong thang máy này anh đã hối hả đến mức nào.
Cửa căn phòng 324 còn chưa khép lại, tôi đã kéo vạt áo sơ-mi của anh ra khỏi quần. Anh kéo áo khoác của tôi qua vai, hôn lên cổ, tai và tóc tôi. Áo khoác rơi xuống sàn, chúng tôi dẫm qua khi luýnh quýnh tiến đến giường. Nếu có máy quay nào ghi lại, chắc chúng tôi sẽ là ứng cử viên sáng giá cho những cảnh khôi hài nhất nước Mĩ. Giữa những môi hôn và lớp áo quần, chúng tôi liên tục bị rối vào nhau, hết tay áo len lại đến ống quần dài.
Cuối cùng anh cũng tìm thấy cái móc cài trên áo lót của tôi.
- Trời ơi, anh muốn em, - Gary thì thầm vào tai tôi. - Anh chỉ không muốn quá gấp gáp.
Tôi nhìn vào mắt Gary, đôi mắt anh đã ngả sang màu nâu trầm đây khao khát.
- Em cũng thế. Nếu nhanh quá thì mình có thể làm lại lần nữa.
Anh vùi đầu vào cổ tôi và cả hai cùng khúc khích.
Chẳng khó khăn gì, gần như là cảm giác thân thuộc. Cơ thể tôi như đã ghi nhớ anh từ bao giờ không biết; bàn tay anh, khuôn miệng của anh. Gary nồng nàn và biết mình muốn gì, rõ ràng đã quen là người chủ động, và tôi hạnh phúc thả mình trôi theo những đợt sóng khoái cảm. Lạ lùng là có chút giống như lướt sóng vậy, nhưng những con sóng này không đưa tôi vào bờ, mà trái lại, đẩy tôi đi xa hơn ra vùng nước tối. Gary dịu dàng hỏi tôi cảm thấy thế nào, nói muốn tôi chạm vào anh ấy ra sao. Nhưng mỗi lần tôi tưởng chừng anh sắp tiến sâu vào trong tôi, thì Gary lại lùi ra và bắt đầu lại từ đầu.
Những ngón tay tôi lùa vào mái tóc dày mềm mại của anh.
- Nếu anh muốn em phải cầu xin anh hãy vào đi, thì em sẽ làm thật đấy.
Gary mỉm cười, rướn mình lên trên tôi.
Điện thoại đổ chuông, dễ chừng phải một, hai hồi tôi mới nghe thấy.
- Anh đừng nhấc máy, - tôi thì thầm.
Anh cố gắng. Thực sự rất cố. Không khó nhận ra cuộc đấu tranh nội tâm của anh.
- Nhỡ là bọn trẻ.
Gary bối rối và tỏ vẻ biết lỗi. Nhưng anh nhoài người khỏi tôi và nhấc ống nghe lên.
- Ừ, Erica hả? Có chuyện gì vậy? - Anh thở dài qua hàm răng. - Ờ, anh tưởng đã nói với hai đứa rồi. Không, không sao. Không, anh không bận. Tất nhiên anh sẽ chúc hai đứa ngủ ngon.
Gary kiên nhẫn rủ rỉ với hai đứa trẻ. Không, còn hơn cả kiên nhẫn. Anh thực sự nhập tâm. Đầu tiên là Andrew với bài tập môn khoa học. Nét cười ánh lên trên mặt Gary, nhưng mạch chuyện tiếp diễn nghe như hai người đàn ông đang nghiêm túc bàn công việc. Đi cắt tóc. Andrew nói nó chưa cần cắt, còn mẹ thằng bé cho là có cần. Cô ấy đã biết, tất nhiên rồi. Trước đấy khi nói chuyện với con, hẳn là Gary đã kể sẽ đi ăn tối với ai đó. Với bản năng, vốn là dạng thức cao hơn của suy luận lô-gíc, hẳn Erica đã biết “ai đó” là một phụ nữ.
Rồi đến lượt Katie. Công chúa của đội cổ vũ. Giọng anh mềm đi đầy cưng chiều. Tôi nhìn Gary cuộn mình nằm nghiêng. Khỏa thân, chỉ trừ đôi tất len đen. Tên lửa Titan đã gọn lại như một quả dưa chuột bao tử xinh xinh, ngoan ngoãn nằm yên trên chân anh. Trong một tích tắc sáng tỏ, tôi thấy được một thế giới tôi luôn biết vẫn hiện hữu, nhưng chưa từng thẳng thắn nhìn vào. Đó là thế giới của những cuộc điện thoại lúc sáu giờ sáng thứ Bảy từ Erica, nhắc Gary rằng đến lượt anh đưa con đi tập bóng đá buổi sớm. Hai gương mặt bé bỏng lấm tấm tàn nhang ngọt ngào mỉm cười với tôi. Cô không phải là mẹ cháu. Cô không bắt cháu phải làm gì được cả. Những bữa tối lãng mạn ở Chuck E. Cheese. Bệnh thủy đậu. Con trăn nuôi làm thú cưng trong nhà bị xổng mất. Cháu mà muốn thì mẹ sẽ cho cháu xem kênh MTV bất cứ lúc nào.
Gary đặt điện thoại xuống, nhìn tôi với biểu cảm đầy khổ sở.
- Anh xin lỗi.
- Không sao mà. - Tôi ngả người hôn lên má anh. - Em phải chuẩn bị đi làm rồi. - Tôi kéo lại ga trải giường với tất cả phẩm hạnh mà một người phụ nữ khỏa thân có thể có.
Cúi nhặt áo lót, áo len và quần dài, tôi để áo khoác ở chân giường rồi mang đống quần áo còn lại của mình vào phòng tắm, mở vòi hoa sen.
o O o
Gió lùa như cứa qua áo khoác đang mặc, tôi lập cập bước nhanh vào con ngõ dẫn đến cửa sau hiệu bánh, vẩn vơ nghĩ về cuộc chuyển mình chóng vánh từ cô vợ bị chồng bỏ thành người phụ nữ vừa li hôn, độc thân - vui tính - yêu đời này. Gary nhất quyết muốn lái xe đưa tôi đến chỗ làm, trên đường đi liên tục xin lỗi. Anh xin lỗi nhiều đến mức tôi chỉ muốn nhét ngay khăn quàng của mình vào miệng anh. Gary nói muốn gặp tôi khi anh quay lại vào cuối tháng. Tôi đồng ý, nhưng trong lòng không hoàn toàn thoải mái.
Tôi gõ lên cửa sau, chân dậm tới dậm lui để giữ ấm. Chắc Linda đang ở trong kho hoặc phòng tắm. Tôi gõ cửa lần nữa, mạnh hơn. Vẫn không có động tĩnh gì. Trời ạ, Linda. Đừng gây hấn với tôi đêm nay. Tôi đang không có tâm trạng nào cả. Tôi bỏ ba-lô xuống, sục vào ngăn có khóa kéo, lần tìm cho đến khi mò thấy miếng móc bằng kim loại của chùm chìa khóa hiệu bánh.
Bên trong, mới có vài ngọn đèn được bật. Không thấy xô bột nào đã được lấy ra. Đúng hơn là không có gì cả. Bàn làm bánh trống trơn.
- Linda ơi? - Không có tiếng trả lời. Tôi cảm thấy gai gai sống lưng. - Linda?
Đóng cửa sau lại, tôi tiến vài bước vào trong, rồi nghe thấy tiếng gì đó - không hẳn là từ ngữ rõ ràng, nghe như pha trộn giữa rên rỉ và lầu bầu hơn.
- Linda ơi, chị ở đâu thế?
Chẳng nghĩ ra là chỉ việc bật hết đèn lên, tôi không nhìn thấy Linda và vấp phải chân bà. Linda đang lầm bầm gì đó không thể hiểu nổi.
Bà đang dựa mọp vào bức tường cạnh lò nướng, chắn lối đi hẹp dẫn vào phòng kho. Mắt nhắm nghiền, miệng há hốc, nước dãi chảy dài từ một bên mép. Nhịp thở nghe khò khè nặng nhọc.
- Linda ơi, chị bị ốm à?
Tôi cúi xuống, ngửi thấy mùi quả bách xù hăng hăng. Hóa ra là Linda say không biết trời trăng gì. Ngấp nghé bất tỉnh nhân sự tới nơi rồi. Một vỏ chai rỗng lăn cạnh Linda, khi bà đánh rơi chắc ở trong chai đã chẳng còn gì vì sàn nhà vẫn sạch bong. Xem ra đêm nay mình tôi làm việc rồi. Nhưng phải làm gì với Linda đây?
Trong kho có mấy tập vải bạt. Tôi xếp một chỗ nằm nhỏ ở bên cạnh lò nướng. Lôi được Linda lên đấy không phải chuyện dễ dàng gì. Bà không đến mức bồ sứt cạp, nhưng nặng còn hơn cả cối đá. Rút cục, trong đầu tôi chợt nảy ra ý tưởng nửa kéo nửa cáng như hồi ở trường Hướng Đạo Sinh Nữ người ta dạy cách di chuyển người bị thương. Tôi trải một tấm bạt ra cạnh Linda; rồi cố lách mình vào giữa bà và bức tường, tôi lăn được Linda lên tấm bạt. Lúc này thân nhiệt của bà đã giảm, chẳng khác gì tôi đang kéo một con cá voi bị mắc cạn trên bờ. Còn may là Linda không cảm nhận được gì, vì tôi chỉ có thể di chuyển bằng cách dựa lưng vào tường và dùng chân đẩy bà. Vừa đẩy vừa kéo như thế, cuối cùng tôi cũng đưa được Linda ra một chỗ rộng, đắp áo khoác lên người bà, vứt vỏ chai, rồi xắn tay vào chiến đấu với những mẻ bánh đêm nay.
Hai máy trộn bột đã miệt mài quay. Ngồi trên ghế đẩu phết dầu ăn vào các khuôn cho khỏi dính, tôi chợt nhớ Tyler từng nói thỉnh thoảng Linda uống quá chén và sẽ nói rất nhiều. Nhưng lần này rõ ràng bà đã vượt quá giới hạn tửu lượng rồi.
Tôi lấy bột bánh mì trắng và bánh mì nguyên cám khỏi máy trộn, cho vào khay lớn để bột nở lần đầu; rồi bỏ ngay nguyên liệu làm bánh mì nho và bánh mì phô mai vào mà không kịp làm sạch máy trộn. Đêm nay không có thời gian để mà hoàn hảo đến từng chi tiết. Đang đong nho khô, tôi nghe thấy tiếng gì như thể một dải băng dính lớn vừa bị xé toạc. Rồi tôi nhận ra Linda đã nửa nằm nửa ngồi và bắt đầu nôn. Ôi Đức chúa trời, Đức mẹ, Đức thánh thần ơi! Ngày xưa ông tôi hay thốt lên như vậy. Thôi thì ít ra như vậy bà ấy vẫn còn tỉnh táo và chưa ngộp thở tới chết. Tôi vớ ngay cái xô không và hứng dưới đầu Linda. Một mùi nồng nặc sộc lên.
Chừng như Linda đã nôn hết, tôi nhúng một cái khăn ướt và đưa cho bà. Linda tự lau chùi, rồi đắp khăn lên mặt và lại nằm xuống, trở về trạng thái vô thức. Tôi vứt hết cả xô lẫn khăn ra thùng rác lớn ở bên ngoài, rồi để ngỏ cửa sau. Vì an toàn, chúng tôi thường không bao giờ để cửa như vậy, nhưng đêm nay chắc chẳng có ma nào muốn mon men vào đây, trừ khi bị bắt buộc.
Sáu giờ sáng. Tôi đang dỡ bánh mì phô mai ra khay để nguội thì Ellen mở cửa trước. Yên lặng, rồi:
- Ô hay, sao mà rét thế này?
Tiếng bước chân.
- Mùi gì khiếp thế?
Và Ellen đứng đó, nhìn từ Linda đến tôi, nhìn trở lại Linda, nhìn ra cửa sau, rồi đến tôi.
- Chuyện quái quỷ gì đã xảy ra vậy?
- Linda ốm rồi, - tôi đáp.
Tôi dọn đống bao vỏ bỏ đi, kiểm tra nhiệt độ tầng nướng trên cùng, đảo vị trí vài ổ bánh. Linda vẫn nằm trên tấm bạt, bắt đầu đảo mắt nhìn quanh và rên rẩm.
- Phải đưa Linda ra khỏi đây và tẩy cái mùi này đi, không thì hôm nay sẽ chẳng bán chác được gì sất. - Mắt Ellen nhíu lại khi chị quay sang nhìn tôi. - Linda đã uống rượu à?
Tôi nhún vai, nhìn lại vào mắt Ellen.
- Em chịu. Lúc em đến thấy Linda vẫn bình thường. Rồi thành ra thế lúc nào không biết.
Ellen nghiêm khắc nhìn tôi vài giây.
- Tôi sẽ gọi điện cho con gái Linda.
Paige, cô con gái, có mặt sau chưa đầy ba mươi phút. Hình như cô chỉ đợi điện thoại là đến. Cô gái đẹp đến ngạc nhiên, một vẻ đẹp nề nếp, tóc buộc suôn sau lưng, không trang điểm, mặc đồng phục y tá màu trắng. Khi Ellen giới thiệu chúng tôi với nhau, tôi để ý thấy đôi mắt xanh nhạt của cô hoe đỏ, chừng như mới khóc. Paige đứng bên mẹ, những động tác mềm mại để lộ sự quan tâm lo lắng.
- Chắc mẹ em uống từ chiều tối, - Paige nói và ngước nhìn Ellen.
- Bố em mới mất hôm qua.
Trong khi Ellen và tôi đi qua đi lại dọn dẹp hiệu bánh, tôi chợt nghĩ rằng mất mát của Linda, dù thực lòng rất đáng buồn, đã mang lại cho tôi một cơ hội. Tôi vét một nắm bột cỡ bằng bàn tay từ máy trộn, bẻ ra thành từng miếng nhỏ và trộn với một cốc nước. Thả thêm vào hai nắm đẩy bột mì, và thế là có chef cái gốc của men ủ chua, được phủ một tấm vải ẩm lên và đặt trên giá trong phòng kho, chín dần trong không khí mát và thuận lợi để lên men.
Jean-Marc đã dạy tôi khi tôi nói với anh rằng tôi muốn mang chef theo về nhà.
o O o
- Trước hết cô phải làm được chef, OK?
“OK” là từ tiếng Anh yêu thích của Jean-Marc. Anh lấy cái bát nhỏ từ giá dưới mặt bàn bếp và mang đến thùng đựng bột mì.
- Cô lấy bột đi.
Anh thả một nắm bột mì trắng vào bát.
- Và một chút bột mì nguyên pour le fair plus fort, cô hiểu chứ? Để bánh đằm hơn. Rồi thêm nước.
Anh cho bột vào cái khuôn trên bàn, ấn trũng ở giữa, rồi đổ nước vào đầy hõm bột, trông như cái giếng con con. Bằng hai ngón tay và đi từ giữa lòng “giếng” ra, Jean-Marc bắt đầu trộn bột với nước, đầu tiên thành bột nhão, rồi thêm bột khô cho đến khi thành một nắm bột nhào dẻo và chắc. Anh đưa cho tôi cục bột nhào to cỡ một quả óc chó.
- Nhào một lúc...
Anh đi quanh, chừng như tìm gì đó, trong khi tôi nhẹ tay nhào cục bột con con ấy trên mặt bàn bếp.
Khi bột đã đạt độ đàn hồi tốt, Jean-Marc đưa tôi cái thó nhỏ bằng đất nung.
- OK. Đây.
Tôi đặt nắm bột nhào vào. Anh lấy khăn vải bông, nhúng ướt, vắt và giũ bớt, rồi phủ lên miệng thố.
- Maintenant nous attentions*.
- Đợi bao lâu ạ?
Jean-Marc nhún vai.
- Đợi đến khi được. Hai, ba ngày gì đó. Ta đợi levure sauvage, cô hiểu chứ?
- Men tự nhiên phải không ạ?
- Đúng rồi. Và khăn phủ lúc nào cũng phải ẩm. Nhớ nhé.
Hai ngày sau, khi lấy khăn ra để làm ẩm, tôi thất vọng thấy nắm bột đã cứng lại như đá. Tôi đưa nó cho Jean-Marc xem.
- Sao lại thế nhỉ? Em đã làm sai ở đâu ạ?
Jean-Marc bật cười. Anh cầm lấy nắm bột và bắt đầu bóc như bóc trứng luộc. Dưới lớp vỏ cứng, phần lõi bên trong đầy nhóc những chấm nhỏ li ti và tỏa ra mùi ngòn ngọt.
- Ổn đấy. Nhồi thêm lần đầu được rồi. - Jean-Marc đưa trả tôi nắm bột, giờ chỉ bằng một nửa lúc đầu. - Làm đi, tôi xem. Lần này thêm hai nắm bột mì. Tốt. Giờ ở giữa. - Anh ra hiệu vòng tròn và tôi ấn trũng giữa chỗ bột khô. - Cho chef vào. Thế. Thêm chút nước. Đúng rồi. Không. Chưa trộn bột vội. Cô phải... - Anh làm động tác miết các ngón tay.
- Vuốt bột ạ?
- “Vuốt bột” à? Hóa ra tiếng Anh nói như thế à?
- Vâng. Bien sûr. - Tôi vuốt bột với nước, miết giữa các ngón tay cho đến khi tan hết.
- Tốt. Bây giờ thêm bột mì khô. Ta lại đợi. Đến mai, có thể.
- Anh không biết sẽ mất bao lâu ạ?
Jean-Marc nhìn tôi với ánh mắt trịnh trọng.
- Wynter, ta không bảo bánh phải làm gì. Bánh sẽ cho ta biết. Cô sẽ biết khi nhìn thấy nó, cảm nhận nó, ngửi và nếm nó. Ấm, lạnh thế nào. Khô, ướt ra sao. Cô hiểu chứ?
o O o
Tôi không ngại sương sớm. Thực ra, vào buổi sáng đặc biệt này, sương sớm thực hợp lòng tôi. Chậm chạp bước đi trên phố, tôi hồi tưởng câu chuyện đêm qua. Tất cả thực xán lạn và đầy hi vọng. Có phải tôi đã quá nóng vội không? Lẽ ra tôi nên... “tỉnh táo” hơn, chắc mẹ tôi sẽ nói như vậy. Thậm chí tôi còn chưa thực sự li hôn. Không thể cứ thế là chạy vòng quanh và lên giường với người khác. Tôi đang cô đơn và dễ bị tổn thương. Dám là tôi sẵn sàng hôn Pee-wee Herman* nếu cảm thấy thèm muốn.
Đôi giày thể thao miết lạo xạo trên sỏi, tôi cứ thế xuyên qua vạt độc cần chứ không đi vòng như mọi ngày. Một chuyển động khiến tôi chú ý đến hiên nhà. Thân hình Gary dần hiện rõ trong màn sương. Anh mặc quần jeans, áo nỉ đỏ và áo khoác da đã bạc. Anh có dáng vẻ của người đàn ông sẵn sàng đi bộ cả dặm để kiếm một điếu Camel. Hoặc như đại ca Wally trong phim Cứ kệ Hải Ly. Trông anh thật quyến rũ. Tôi muốn mình vui vẻ khi gặp anh, nhưng một cái gì đó như sầm lại trong tôi. Đồng thời, tôi lại nghĩ đến cảm giác khi anh đặt môi lên ngực tôi, mường tượng làn da trần - da thịt tôi chẳng hạn, khi cọ lên lớp áo khoác da kia thì sẽ cảm thấy thế nào.
Gary toan nói gì đó, nhưng tôi đã nhanh miệng nói trước.
- Anh mà xin lỗi thêm một câu thì em sẽ không bao giờ nói chuyện với anh nữa.
Gary bật cười.
- Được rồi, không xin lỗi nữa.
Vào nhà, tôi ôm lấy cái áo khoác của anh chừng một phút rồi mới treo lên.
- Em tưởng sáng nay anh đi rồi cơ mà.
- Anh đổi sang bay chuyến buổi chiều.
- Sao phải thế ạ? - ừ thì hỏi thế là thừa, nhưng tôi muốn nghe anh trả lời.
- Còn việc chưa làm xong. - Anh nhẹ kéo tôi vào lòng, áp má lên tóc tôi. - Anh không thể tin được là em lại thơm thế này.
- Mùi bánh mới ra lò đấy. - Tôi mỉm cười. - Anh uống cà phê nhé.
Gary cao bằng tôi, nên khi anh lùi lại, chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau.
- Không, - anh đáp.
o O o
Đến đêm thứ Hai, chef đã nở gấp đôi và bề mặt lấm tấm những hạt nhỏ li ti. Khi tôi mở khăn phủ, mùi men không thể nhầm lẫn được tỏa ra từ bát bột. Tôi thêm bột khô, nước và trộn thật kỹ.
Lần thứ ba tôi kiểm tra chef nó đã lại nở gấp đôi, dẻo mềm đầy sức sống. Tôi cấu một miếng nhỏ và nếm thử. Vị chua chua đăng đắng gắt lên như que diêm xòe lửa, để lại chút dư vị bùi bùi ngầy ngậy. Đã sẵn sàng để làm levain rồi.
Tôi đã tiện thể quên mất rằng Linda đã đi làm trở lại, cho đến đêm thứ Năm, tôi mở cửa sau đi vào, đúng lúc thấy bà đang đứng cạnh thùng rác với chef của tôi.
- Chị đang làm cái quái gì vậy? - Tôi kêu lên.
Đầu Linda quay giật lại, tôi suýt phì cười khi thấy vẻ hoảng hốt trên mặt bà. Chắc chắn chưa có ai ở hiệu bánh khiến bà thót lại như vậy. Nhưng Linda nhanh chóng lấy lại miệng lưỡi thường ngày.
- Ai bảo cô làm cái này?
- Không ai bảo tôi làm cả. Tôi tự làm cho mình chứ không phải cho cửa hàng, nên chị cứ kệ nó đấy.
- Tôi không muốn thấy nó ở đây. - Bà giật tấm khăn phủ ra, vứt toẹt xuống sàn.
- Ellen đã đồng ý cho tôi để nó lên men ở đây. Hôm nay tôi mang nó về nhà ngay thôi.
Linda nhìn thẳng vào mắt tôi và vứt toẹt chef của tôi vào thùng rác. Vừa sững sờ vừa tức giận, tôi đứng ngây ra. Rồi tôi nghe thấy tiếng mình nói:
- Chị là lầm lẫn đáng tiếc nhất của tạo hóa.
Linda cười nham nhở, bà có vẻ hài lòng với bản thân.
- Cô em nói gì cơ?
- Tôi nói chị là đồ quỷ cái.
Tôi quay lưng, đi thẳng qua cửa sau, bước vội ra con ngõ bên ngoài. Có tiếng cửa sau bật mở và Linda rít lên:
- Cô bị đuổi việc! Biết chưa? Bị đuổi việc!
Đó là điều Linda đã mong đợi bao lâu nay.
Tôi nhóm lò sưởi, cuốn chăn quanh mình, ngồi trên ghế và co đầu gối lên trước ngực. Mac dặn tôi cứ một, hai hôm nên đốt lò sưởi khoảng ba mươi phút để bồ hóng không bám trong ống khói. Ngọn lửa cháy đượm, ngốn ngấu hết những miếng gỗ mồi.
Được rồi, giờ thì sao nào? Linda là đồ quỷ cái. Không biết điều, không thể làm việc cùng được. Thảm hại và ngốc nghếch. Nhưng tôi thất nghiệp còn Linda thì không.
Làm việc một mình suốt ba đêm qua đã khiến tôi hình dung rõ hơn về tương lai. Mở cửa và cảm nhận hơi nóng từ lò nướng ùa ra đón mình. Bật tất cả đèn lên thì thấy chỗ nào cũng sạch sẽ, yên tĩnh, đầy mời gọi. Lần đầu tiên, tôi nghĩ mình hiểu được CM cảm thấy như thế nào khi cô đứng ở cánh gà, chờ âm nhạc nổi lên.
Tôi thử tưởng tượng làm việc ban ngày cùng Ellen và Tyler, Diane, Misha và Jen. Mấy chị em ríu rít với nhau chắc là vui lắm, nhưng điều tôi nhớ rõ nhất là sự ồn ào. Và tôi sẽ phải làm muffin và scone chứ không phải là bánh mì.
Nhưng những lựa chọn khác còn đáng chán hơn. Làm sao tôi có thể làm việc trong cửa hàng, đi dạy học hay ngồi văn phòng cả ngày được? Chợt nghĩ đến Lauren ở trung tâm giới thiệu việc làm mà tôi đã đến vào cái buổi sáng sau khi David đưa ra phán quyết của anh. ”Tôi không muốn làm cô sợ đâu, Wynter ạ, nhưng tôi ghét công việc này. Đôi khi ta phải làm những việc mà ta ghét cay ghét đắng”. Chắc sau đó chị ấy đã cười vào mũi tôi, vô tư kể lại chuyện đời tôi với những nhân viên tư vấn khách hàng khác. ”Nói cho mọi người biết cô khách hôm nay của tôi nhé: một nàng chảnh chọe nhiều tiền ít hiểu biết”. Và đó đúng là tôi. Bằng giờ năm ngoái, nỗi lo lớn nhất của tôi là nên mặc màu đen hay trắng đến dạ hội hòa nhạc Đen Và Trắng.
Trường hợp Linda thì miễn bình luận, đúng thế. Nhưng sao tôi lại để cho bà ấy bắt thóp được mình? Chỉ là một nắm chef thôi mà. Cùng lắm là tôi làm lại cái khác. Tại sao tôi lại nổi sung lên vậy? Có khác nào tự cắt đường hô hấp của mình đâu. Tôi với tay lấy cái gối trên xô-pha.
Tôi mở mắt ra thì lò sưởi đã tắt. Cổ và lưng đau ê ẩm vì chẳng bao giờ co ro ngủ quên thế này. Ai đó đang gõ mạnh lên cửa ra vào. Tôi duỗi mình khỏi ghế, cuốn Bay đêm cũ kĩ của bố tôi rơi soạt xuống thảm. Tôi cúi nhặt rồi loạng choạng đi ra cửa.
- Wyn ơi, tôi xin lỗi. - Ellen lao vào nhà trước khi tôi kịp nói gì. Chị đóng cửa lại và quay sang tôi. - Ối, tôi đánh thức cô dậy à? Buồn quá đi mất!
- Chị ngồi đi. - Tôi chỉ cái ghế. - Em ngủ quên lúc nào không biết. - Tôi đổ nước vào ấm và đặt lên bếp. - Mấy giờ rồi nhỉ?
- Bảy giờ.
- Chị Ellen, em xin lỗi đã nóng nảy...
Ellen một mực lắc đầu.
- Tôi xin lỗi vì cô đã phải chịu đựng bà ấy.
- Linda nói với chị rồi à?
- Bà ấy quá tự hào về bản thân. Tôi đã bảo Linda là bà ấy phải xin lỗi cô. - Chị mỉm cười cầu hòa. - Tôi cũng nói với Linda là cô sẽ làm vài loại bánh mì mới. Nhưng tất nhiên là nếu cô muốn thế.
Tôi ngạc nhiên nhìn Ellen.
- Tức là chị vẫn muốn tôi đi làm?
- Cô điên hay sao mà hỏi thế? Trước hết, cô là một thợ làm bánh giỏi. Thêm nữa, cô trụ được với Linda lâu hơn bất cứ ai khác trong lịch sử hiệu bánh. Không thể nhớ nổi đã bao lần chúng tôi phải trải qua cảnh này. Đưa được ai về là Linda cũng tìm cách hẩy đi hết.
- Cho em hỏi điều này nhé, vậy sao chị lại giữ bà ấy lại?
Ellen nhìn sang ấm đun nước đã bắt đầu lăn tăn sôi.
- Chỉ là vì tôi không thể ép bản thân mình hãy đuổi Linda đi. Bà ấy sẽ không kiếm nổi công việc nào khác. Có tuổi như thế, lại trái tính trái nết... rồi sẽ chẳng kiếm được việc gì cả. Nhưng Linda cũng sắp nghỉ hưu rồi, đến lúc ấy, chắc chúng ta ráng chịu đựng bà ấy thôi.
Chị quay lại nhìn tôi bằng ánh mắt van vỉ.
- Cô sẽ ở lại, đồng ý nhé?
- Em không hiểu nổi sao Linda vẫn ngoan cố vứt nắm bột đi dù em đã nói đó là của em và em sẽ mang về nhà.
Ellen đưa tay vuốt mái tóc tém sẫm màu.
- Vì bà ấy là một người khốn khổ. Tính cay nghiệt ngấm vào mọi việc bà ấy làm. Và cô đã phạm một lỗi không thể tha thứ được là cố gắng muốn giúp bà ấy. Thế nên Linda sẽ còn ghét cô dài dài.
Cái còi ở ấm đun nước réo lên báo sôi.
- Chị dùng trà nhé?
- Thôi, cảm ơn cô. Tôi về cửa hàng đây. Chạy vội đến chỉ để chắc chắn là cô không đóng gói hành lý lên đường về Los Angeles thôi. - Ellen lưỡng lự. - Tôi biết tối nay quay lại làm việc sẽ hơi khó xử...
Tôi bật cười.
- Có phải lần đầu em phải ở cùng một chỗ với người không muốn em có mặt đâu.
o O o
Tôi không gõ mà mở cửa sau bằng chìa khóa của mình. Tôi đi vào, Linda đang xách hai xô bột mì từ trong kho ra.
- Chào chị.
Linda lạnh nhạt nhìn tôi và cắm đầu đi tiếp. Được thôi. Tôi lấy cuốn sổ đen xuống, bật một bản concerto cho piano của Mozart, bắt đầu đong bột làm bánh mì trắng. Tôi đang phết dầu chống dính lên khuôn thì bản nhạc hết, ổ băng dừng khực lại.
- Linda này, tôi rất tiếc về chuyện của anh nhà chị.
Im lặng. Linda đang bối rối hay chỉ là căm ghét tôi? Tôi quay lại nhìn Linda, những giọt nước mắt lớn đang mọng lên trên mắt bà, nặng nề lăn xuống má. Như thể bà đang kiên cường chống cự lại. Tôi mới nhấc mình khỏi ghế đẩu, bà đã thốt lên:
- Khốn kiếp.
Linda đang nói đến ông chồng hay đến tôi vậy?
- Biết lão chết thế nào không?
Tôi lắc đầu.
- Khốn kiếp, - Linda nhắc lại. - Uống say bí tỉ trên thuyền. Chứng nào tật nấy.
- Tôi rất tiếc.
Chúng tôi làm việc trong yên lặng, chỉ có tiếng động từ máy trộn nguyên liệu.
- Ellen bảo tôi phải xin lỗi.
Linda bất ngờ tuyên bố, khiến tôi giật bắn mình. Bà đứng cạnh lò nướng, híp mắt hằm hè nhìn tôi, hai tay chống nạnh. Nếu có điếu xì gà bập trên môi, trông bà sẽ giống hệt thủy thủ Popeye.
- Nhưng tôi không xin lỗi đâu. Lỗi gì mà phải xin.
Tôi thở dài.
- Chị có xin lỗi hay không với tôi cũng chẳng khác gì. Tôi chỉ muốn làm công việc của mình thôi.
- Nếu muốn thì Ellen có thể sa thải tôi.
- Ellen sẽ không làm thế đâu.
- Cô em đừng lên giọng biết tuốt thế.
- Linda, sao chị cứ gây khó dễ không cần thiết như vậy? Làm bánh là một công việc tốt. Chúng ta đi làm lẽ ra phải vui.
Tiếng cười sằng sặc của Linda phình ra khắp căn phòng.
- Muốn vui à? Ôi thưa quý cô Ngốc, chắc chắn là vui phải biết nếu ông thân sinh ra quý cô lắm tiền, và quý cô thích bỏ việc lúc nào thì bỏ, rồi vi vu đến Hawaii nghỉ dưỡng vài tuần. Quý cô cứ thử làm riết hai mươi lăm năm ròng, kiếm sống nuôi hai đứa trẻ trong khi lão chồng quý hóa hễ có đồng nào uống rượu đồng ấy xem. Tha hồ mà vui nhá!
Tóc đang dựng lên sau gáy, và cơn nóng bốc ngụt mặt tôi.
- Bố tôi mất rồi! - Tôi nghe thấy mình đang gào lên, hận bản thân lại nổi sung vì Linda. - Và tôi không thể sướng lên là vi vu đến Hawaii vài tuần vì tôi đang ly thân với chồng và tôi cần công việc làm tử tế. Thế đấy, chị hài lòng chưa? Vậy hãy tha cho tôi đi, để yên cho tôi làm việc.