Số lần đọc/download: 12084 / 945
Cập nhật: 2015-01-21 12:04:16 +0700
Chương 2e -
S
yme đã biến mất. Một buổi sáng anh không đến sở: vài người không biết nghĩ bình phẩm sự vắng mặt của anh. Ngày hôm sau không còn ai nhắc tới anh. Ngày thứ ba Winston ra tiền sảnh thuộc Cục Văn Khố xem bảng thông cáo. Một bản bố cáo kê danh sách thành phần Ủy Ban Cờ Tướng trong đó vẫn có Syme. Tờ bố cáo coi gần giống hệt trước — không có gì bị gạch — nhưng ngắn hơn một tên. Thế là đủ. Syme đã hết sống: anh không bao giờ sống trên đời.
Trời hừng nóng. Trong trận đồ Bộ, các phòng không cửa sổ được điều hòa không khí vẫn giữ nhiệt độ bình thường, nhưng bên ngoài, đá lát đốt rát chân và mùi hôi trong tàu hầm vào giờ nghẹt thật gớm. Việc chuẩn bị Tuần Lễ Hận Thù đương lúc tột độ, nhân viên các Bộ phải làm việc quá giờ. Các đám rước, phiên họp, duyệt binh, diễn văn, hình sáp, triển lãm, phim ảnh, chương trình truyền hình, việc nào cũng cần được tổ chức; phải dựng gian hàng, đắp hình nộm, đề biểu ngữ, viết bài ca, phao tin đồn, mạo hình ảnh. Đơn vị của Julia trong Cục Truyện được cất việc sản xuất truyện dài và dồn dập xuất bản một loạt văn đả kích tàn bạo. Winston, ngoài việc thường lệ, mất rất nhiều thì giờ xem lại các tập Thời Báo cũ để sửa sai hay tô điểm những tin tức sẽ được nhắc tới trong các bài diễn văn. Đêm khuya, khi đám dân đen ồn ào lũ lượt dạo phố, thành phố có vẻ bồn chồn kỳ lạ. Bom lửa đổ xuống thường hơn bao giờ hết, và thỉnh thoảng ngoài xa tít có tiếng nổ to tát không ai giải thích được xuôi nên nhiều tin đồn hoang dại.
Bản nhạc mới sẽ được dùng làm bài ca chủ đề của Tuần Lễ Hận Thù (được gọi là Hận ca) đã được soạn xong và không ngưng phát thanh trên máy truyền hình. Nó có một điệu sủa man dại, không thể được gọi hẳn là nhạc, nhưng giống tiếng trống đánh. Gào bởi hàng trăm giọng cùng nhịp với tiếng chân đi ình ịch, nó thật hãi hùng. Dân đen say mê bản đó, và nửa đêm trên đường phố nó cạnh tranh với bản "Đó là một giấc mơ vô vọng" vẫn được ưa chuộng. Con nhà Parsons chơi bản ấy vào mọi giờ ngày đêm trên lược hay giấy vệ sinh, không chịu đựng nổi. Buổi chiều tối của Winston bận rộn hơn bao giờ. Các toán tình nguyện do Parsons tổ chức sắp sửa phố cho Tuần Lễ Hận Thù, họ khâu cờ hiệu, dựng cán cờ trên mái nhà, liều mạng ném dây băng phố để chăng biểu ngữ. Parsons huyênh hoang rằng một mình Căn Nhà Chiến Thắng sẽ phô trương được bốn trăm thước cờ xí. Anh ta ở trong môi trường bẩm sinh của mình nên vui như chim sơn ca. Trời nóng và việc chân tay cho anh cớ để mặc quần đùi và áo hở ngực vào chiều tối. Anh ta có mặt một lúc khắp nơi, nào đẩy, nào kéo, nào cưa, đập lúa, ứng tác, vỗ về mọi người bằng những lời khuyến khích thân mật, và toát ra từ từng nếp thân hình anh một khối mồ hôi chua vô tận.
Một tấm bích chương mới bỗng nhiên xuất hiện khắp Luân Đôn. Nó không có chú từ, chỉ hình dung hình dáng quái dị của một tên lính Âu Á, cao ba bốn thước, đang tiến bước với khuôn mặt Mông Cổ trơ ì và đôi giầy ống kếch sù, một khẩu súng máy chĩa ra từ hông hắn. Bạn nhìn tấm bích chương từ góc nào chăng nữa, mõm súng được phóng đại bởi thuật thâu phóng vẫn hình như chĩa thẳng vào bạn. Cái ấy được dán tại khắp chỗ trống trên mọi bức tường, nhiều hơn cả hình Bác. Dân đen, thường ra thờ ơ đối với chiến tranh, bị cài vào một trận yêu nước nồng nhiệt định kỳ. Như để hòa âm với tính khí chung, bom lửa giết nhiều người hơn thường lệ. Một quả rơi xuống một rạp chiếu bóng tại Stepney, chôn vùi hàng trăm nhân mạng dưới đống nhà đổ nát. Toàn thể dân chúng vùng lân cận đến dự đám ma kéo dài dằng dặc hàng tiếng, nhưng kỳ thực đấy là một cuộc biểu tình bất bình. Một trái bom khác rớt xuống một miếng đất bỏ hoang dùng làm sân chơi, khiến hàng tá trẻ con bị tung thành mảnh. Sau đó lại có nhiều cuộc biểu tình giận dữ, hình nộm Goldstein bị đốt, hàng trăm bích chương hình dung lính Âu Á bị xé rách vứt vào lửa, và một số cửa tiệm bị cướp nhân lúc lộn xộn; rồi có tin đồn rằng bom lửa do quân gián điệp hướng dẫn nhờ làn sóng điện, và một cặp vợ chồng già bị nghi là người gốc ngoại quốc bị đốt nhà chết ngạt trong đó.
Trong căn phòng ở trên cửa tiệm ông Charrington, lúc họ tới đó được, Julia và Winston nằm cạnh nhau trên chiếc giường không khăn trải, trần truồng cho mát dưới cửa sổ mở toang. Con chuột không hề trở lại, nhưng trời nóng làm rệp sinh sản gấp bội phát gớm. Thế cũng chẳng sao. Bẩn hay sạch, căn phòng là thiên đàng. Tới nơi là họ rắc ngay khắp nơi hồ tiêu mua tại chợ đen, cởi quần áo ra và làm tình với thân thể ướt đẫm mồ hôi, rồi ngủ thiếp đi và tỉnh dậy để thấy đàn rệp đã tụ họp nhau lại sẵn sàng phản công.
Trong tháng sáu họ gặp nhau bốn, năm, sáu — bẩy lần. Winston đã bỏ thói uống rượu gin vào bất cứ giờ nào. Anh cơ hồ không thấy nó cần thiết nữa. Anh mập ra, chứng loét giãn tĩnh mạch đã lặn biến để lại một vết nâu ngoài da dưới đầu gối, cơn ho sáng sớm của anh đã ngưng. Cuộc đời không còn bất kham nữa, anh không còn xung lực nhăn mặt về phía máy truyền hình hay gân cổ chửi thề. Nay họ có một chỗ ẩn an toàn gần như một tổ ấm rồi, sự họ hiếm khi gặp nhau và mỗi lần chỉ được vài tiếng không còn làm họ đau buồn nữa. Điều quan trọng là cái căn phòng trên tiệm đồ cũ có thực. Biết nó còn đó, không bị ai xâm phạm, cũng gần như ở đó. Căn phòng là một thế giới, một túi quá khứ trong đó thú vật đã tuyệt giống còn đi lại được. Ông Charrington, theo Winston, là một thứ thú tuyệt giống ấy. Anh thường dừng chân nói chuyện với ông ta vài phút trên đường lên cầu thang. Ông già có vẻ ít khi ra khỏi nhà, và mặt khác dường như không có khách hàng. Ông ta sống một cuộc đời ma quái giữa cửa tiệm nhỏ bé tối đen và một căn bếp sau nhỏ hơn nữa, là nơi ông soạn cơm và chứa nhiều đồ đạc trong đó có một cỗ máy hát cũ kỹ với cái vành loa kếch sù. Ông ta có vẻ thích thú được dịp chuyện trò. Khi ông đi giữa khối hàng vô giá trị, với cái mũi dài dưới cặp kính dày và đôi vai khom trong chiếc vét nhung, ông luôn luôn mơ hồ có dáng của một nhà sưu tập hơn là một nhà buôn. Với một thứ nhiệt tình lỗi thời, ông có thói mân mê mảnh vật này hay mảnh vật kia — một lọ sành, một nắp hộp thuốc hít vỡ có họa màu, một chiếc mề đay bằng vàng giả đựng một cuộn tóc trẻ con đã chết từ lâu —, nhưng ông không bao giờ bảo Winston mua nó, chỉ khiến anh ngắm nó thôi. Nói chuyện với ông cũng như nghe tiếng leng keng của một hộp nhạc cũ rích. Ông đã lôi được ra khỏi ký ức ông vài mẩu nhạc đã bị quên bẵng. Có một khúc nói về hai mươi tư con chim sáo, một khúc khác nói về một con bò cái gẫy sừng, và một khúc khác nữa về cái chết của con gà Robin đáng thương. "Tôi bỗng chợt nghĩ có thể ông ưa bản này chăng?" ông ta thường vừa nói vừa cười trừ nhẹ mỗi khi ông xướng một mẩu nhạc mới. Nhưng bài nào ông ta cũng không bao giờ nhớ nhiều hơn vài giòng.
Cả Julia lẫn Winston đều biết — có thể nói ý nghĩ này không bao giờ rời họ — rằng chuyện đang xảy ra cho họ không thể kéo dài lâu được. Có những lúc cái chết sắp đến nơi cơ hồ có thể sờ thấy được cũng như cái giường đang nằm lên, và họ ôm chặt lấy nhau với cả mối tình dục tuyệt vọng, y như một linh hồn phải sa địa ngục cố bíu lấy thú vui cuối cùng năm phút trước khi giờ điểm. Nhưng cũng có lúc họ có ảo tưởng không những được an toàn, mà còn được vĩnh cửu. Cả hai cảm thấy rằng họ còn ở trong căn phòng này, không có gì hại được họ. Tới nơi vừa khó vừa nguy hiểm, nhưng vào trong, căn phòng là một điện kín. Hệt như khi Winston nhìn vào lòng tấm chặn giấy với cảm tưởng có thể bước được vào trong thế giới thủy tinh và rồi ngăn chặn được thời gian khi vào tới trong. Nhiều khi họ thả mình mơ màng chuyện thoát ly. Vận may của họ sẽ vững mãi, họ sẽ tiếp tục dan díu như thế này cho tới mãn kiếp thiên nhiên của họ. Hay Katharine sẽ chết và nhờ khéo vận động Winston và Julia sẽ được phép lấy nhau. Hay họ sẽ tự tử cùng nhau. Hay họ sẽ biến mất, cải trang cho không ai nhận ra được, học nói giọng dân đen, kiếm việc làm tại một xưởng máy, và sống suốt đời không bị lộ tẩy trong một phố hẻo lánh. Toàn là chuyện ngớ ngẩn, cả hai đều biết vậy. Thực ra, không có lối thoát. Ngay cái dự tính có thể thực hành được, tức là tự tử, họ cũng không có ý định đem ra thực hiện. Bám vào ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác, kéo dài một hiện tại không tương lai cơ hồ là một bản năng không dằn được, hệt như buồng phổi mãi mãi hít thở khi còn không khí để thở.
Thỉnh thoảng họ cũng nói chuyện lao đầu vào sự phản kháng tích cực chống Đảng, nhưng họ không biết bước đầu phải làm sao. Dù cho Hội Tình Thân có thật, vẫn còn sự khó khăn kiếm ra cách vào hội. Anh kể cho nàng tình thân thiết lạ lùng đã có, hay hình như có, giữa anh và O Brien, cái động lực có khi thúc đẩy anh đến thẳng trước mặt O Brien khai với ông ta anh là kẻ thù của Đảng và yêu cầu ông ta giúp đỡ. Khá lạ lùng, điều này không làm nàng sửng sốt và cho là một hành động khinh suất. Nàng quen theo mặt xét người, và đối với nàng đương nhiên Winston có thể căn cứ trên cường độ của ánh mắt mà tin O Brien. Lại nữa, nàng cho rằng mặc nhiên mọi người hay gần hết mọi người thầm ghét Đảng và sẵn sàng phá lệ nếu làm vậy vẫn an toàn. Nhưng nàng từ chối tin là có, hay có thể có, một tổ chức đối lập rộng rãi. Những chuyện về Goldstein và đội quân ngầm của ông, theo nàng, chỉ là một tràng tin nhảm do Đảng bịa ra vì mục đích riêng, mình phải giả vờ tin. Quá nhiều lần, tại các buổi tập họp của Đảng và các cuộc biểu tình tự phát, nàng đã ra sức hét đòi xử tử những người nàng không bao giờ nghe thấy tên, bị khép vào tội nàng không hề tin có thật. Khi xảy ra các vụ xử án công cộng, nàng có chân trong biệt đội Liên Đoàn Thanh Niên bao quanh tòa án từ sáng tới tối thỉnh thoảng hát câu: "Xử tử quân phản nghịch!" Trong Hai Phút Hận Thù nàng luôn luôn vượt hết mọi người trong việc chửi Goldstein. Thế nhưng nàng chỉ có một ý niệm rất mơ hồ về Goldstein và những học thuyết mà ông mang tiếng biểu thị. Nàng lớn lên sau Cách Mạng và còn quá trẻ để có kỷ niệm về những cuộc đấu tranh tư tưởng thời các năm năm mươi, sáu mươi. Một phong trào chính trị độc lập là một chuyện ngoài sức tưởng tượng của nàng: dù sao chăng nữa Đảng vô địch. Đảng bao giờ cũng có và sẽ mãi mãi như vậy. Chỉ có thể chống Đảng bằng cách bất tuân ngầm, hay quá lắm, bằng những hành động lẻ tẻ như giết một người hay làm nổ vật gì.
Trên vài phương diện, nàng sáng suốt hơn Winston nhiều, và ít bị nhiễm bởi sự tuyên truyền của Đảng hơn. Có một lần, nhân trong một câu chuyện anh có nhắc qua tới chiến tranh chống Âu Á, nàng làm anh sửng sốt vì thản nhiên bảo anh rằng, theo ý nàng, chiến tranh không hề xảy ra. Các trái bom lửa đổ hàng ngày xuống Luân Đôn hẳn do chính Chính Phủ Đại Dương thả, "vừa đủ để giữ cho dân chúng khiếp sợ". Đó là một ý tưởng không bao giờ lòe trong óc anh. Nàng cũng gợi trong anh một chút lòng ganh tị khi kể cho anh rằng trong Hai Phút Hận Thù nỗi khó khăn lớn của nàng là làm sao nhịn phá lên cười. Nhưng nàng chỉ đặt thành vấn đề sự dạy bảo của Đảng khi nó có cơ dính dáng đến đời sống của chính nàng. Thường nàng sẵn sàng chấp nhận huyền thoại chính thức, chỉ vì sự khác biệt giữa sự thật và sự giả dối không quan hệ đối với nàng. Giả dụ, nàng tin Đảng sáng chế ra tàu bay vì đã học như thế ở trường. (Winston nhớ rằng thời anh còn đi học, vào những năm cuối năm mươi, Đảng chỉ tuyên bố chế ra trực thăng; mười hai năm sau, khi Julia đi học, Đảng đã nhận tàu bay do Đảng phát minh; một thế hệ nữa, sẽ tới lúc Đảng đòi chế ra máy hơi.) Và khi anh bảo nàng tàu bay có từ trước khi anh ra đời, trước Cách Mạng nhiều, nàng ngạc nhiên cho điều đó hoàn toàn không đáng lưu tâm đến. Vả lại, biết ai là kẻ sáng chế ra tàu bay có tích sự gì? Anh khá bị xúc động hơn khi tình cờ phát giác nàng không nhớ rằng bốn năm trước Đại Dương đánh nhau với Đông Á và hòa với Âu Á. Đã đành nàng coi cả cuộc chiến như một trò hề: nhưng hiển nhiên nàng không để ý cả đến sự tên kẻ địch đã thay đổi. "Em tưởng bao giờ mình cũng đánh nhau với Âu Á," nàng mơ hồ nói. Điều này làm anh hơi sợ hãi. Việc sáng chế tàu bay có từ lâu trước khi nàng ra đời, nhưng sự thay đổi chiều hướng chiến tranh xảy ra có bốn năm trước, khi nàng đã khôn lớn. Anh tranh luận với nàng về điều đó khoảng chừng mười lăm phút. Cuối cùng anh thành công bắt nàng ôn lại ký ức cho tới khi nàng nhớ lờ mờ rằng có thời kẻ thù là Đông Á chứ không phải là Âu Á. Nhưng vấn đề đối với nàng vẫn không quan trọng gì. "Ai mà để ý?" nàng sốt ruột nói. "Đó chỉ là một cuộc chiến chết băm này đến cuộc chiến chết tiệt kia, với lại các tin tức đều là tin bịa cả."
Có lúc anh nói chuyện với nàng về Cục Văn Khố và các sự giả mạo do anh làm trong đó. Những việc này không có vẻ làm nàng ghê tởm. Nàng không cảm thấy vực thẳm mở rộng dưới chân nàng khi nghĩ tới những sự dối trá trở thành sự thật. Anh kể cho nàng chuyện Jones, Aaronson và Rutherford, và mảnh giấy chủ yếu mà anh đã có lần cầm giữa ngón tay. Điều này không gây xúc động cho nàng. Vả lại, thoạt đầu nàng không nắm được mấu chốt chuyện.
"Họ có phải là bạn của anh không?" nàng hỏi.
"Không, anh không hề biết họ. Họ là thành viên Đảng Trong. Ngoài ra, họ lớn tuổi hơn anh nhiều. Họ thuộc về những ngày xa xưa, trước Cách Mạng. Anh chỉ hơi biết mặt họ thôi."
"Vậy có việc gì phiền đến anh? Lúc nào chẳng có người bị giết, không phải ư?"
Anh cố gắng giảng cho nàng hiểu. "Đây là một trường hợp đặc biệt. Không phải chỉ là một chuyện giết ngưòi. Em có ý thức rằng quá khứ, kể từ hôm qua, đã thực sự bị hủy diệt không? Nếu nó tồn tại nơi nào, nó chỉ ở tại vài vật bền chắc không có liên hệ với ngôn ngữ như tấm thủy tinh này. Chưa chi mình cơ hồ hoàn toàn không biết gì về Cách Mạng và những năm trước Cách Mạng. Mọi tài liệu đã bị tiêu hủy hay giả mạo, mọi sách báo đã bị viết lại, mọi hình ảnh đã bị tô lại, mọi pho tượng, đường phố hay dinh thự đã bị đổi tên, mọi ngày tháng đã bị sửa đổi. Và quá trình này ngày ngày phút phút tiếp tục. Lịch sử đã ngừng lại. Không còn gì ngoài một hiện tại vô tận trong đó Đảng luôn luôn có lý. Dĩ nhiên anh biết rằng quá khứ bị giả mạo, nhưng anh không bao giờ có thể chứng minh được điều đó, dù chính anh làm công việc giả mạo. Sau khi việc hoàn tất, không còn chứng cớ nào tồn tại. Bằng cứ độc nhất nằm trong chính óc anh, và anh không biết chắc có người nào khác chia cùng kỷ niệm với anh không. Đúng chỉ một lần, trong cả đời anh, anh cầm được một bằng chứng cụ thể sau sự kiện, hàng năm sau đó."
"Nó có lợi ích gì?"
"Không ích lợi gì cả vì anh vứt nó đi vài phút sau. Nhưng nếu việc đó xảy ra ngày nay, anh sẽ giữ nó lại."
"Thế ư, em thì không vậy," Julia nói. "Em rất sẵn sàng liều vì nhiều chuyện xứng đáng, chứ không vì vài mẩu báo cũ. Ngay nếu anh giữ được nó, anh làm gì được với nó?"
"Có lẽ chẳng làm được gì mấy. Nhưng nó là một bằng chứng. Nó có thể gieo hoài nghi nếu anh dám cho người khác thấy. Anh không nghĩ rằng mình có thể thay đổi gì trong sinh thời mình. Nhưng có thể tưởng tượng rằng vài nút chống đối sẽ nẩy nở đây đó — vài nhóm người liên kết với nhau và lớn mạnh dần, có thể để lại một ít tài liệu để các thế hệ sau tiếp tục công việc bỏ dở."
"Em không quan tâm đến thế hệ sau, cưng ạ. Em chỉ để ý đến chúng mình thôi."
"Em chỉ là một kẻ nổi loạn từ eo trở xuống," anh bảo nàng.
Nàng cho câu ấy hết sức dí dỏm và khoái chí choàng tay quanh người anh.
Nàng không mảy may chú tâm đến các phân nhánh trong chủ thuyết của Đảng. Mỗi khi anh bắt đầu nói chuyện về nguyên lý của Anh Xã, về ý đôi, về tính đổi thay của quá khứ, về sự phủ định thực tế khách quan, và mỗi khi anh dùng danh từ Ngôn Mới, nàng đâm chán chường, bối rối và nói nàng không bao giờ lưu ý đến những vấn đề đó. Đã biết đó là chuyện tầm phào, sao cứ để mình bận lòng với nó hoài? Nàng biết khi nào phải hoan hô, khi nào phải hò hét, và chỉ cần biết vậy. Nếu anh cứ tiếp tục nói chuyện về những vấn đề trên, nàng có cái thói ngủ gật bất cứ giờ nào trong bất cứ tư thế nào. Nhờ nói chuyện với nàng, anh hiểu rằng tỏ vẻ chính thống trong khi mình không hề rõ chính thống nghĩa là gì thật là dễ. Có thể nói, thế giới quan của Đảng được ép nhận với nhiều thành công nhất trong lớp dân không có tư cách hiểu nó. Họ có thể bị khiến chấp nhận những sự vi phạm thực tế rõ ràng nhất, vì họ không bao giờ thấu được nỗi quá đáng của sự đòi hỏi nơi họ, vì họ không đủ óc quan tâm đến việc công để lưu ý đến sự thể đang xảy ra. Nhờ thiếu hiểu biết họ giữ được óc lành mạnh. Họ chỉ nuốt chửng mọi điều, và điều họ nuốt không làm hại họ vì nó không để lại cặn bã, y như một hạt lúa mì xuyên qua thân chim mà không bị tiêu hóa.