He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Park Jin Sung
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1818 / 31
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nhật Ký Buồn 12
un Soo và tôi quay trở lại khu Yeong Deung Po. Chú Mặt Đen ấy vẫn thường đánh đập những đứa trẻ khác giống như trước kia. Hai anh em tôi lại tiếp tục đi đến các bến tàu điện ngầm và các khu chợ để xin tiền những người hảo tâm. Cứ mỗi lần đi qua cái siêu thị ấy, tôi lại chăm chăm đứng nhìn với một ánh mắt đầy oán hận, tôi căm thù ông chủ siêu thị ấy - cái kẻ đã tố cáo hai anh em tôi tội ăn cắp làm chúng tôi phải chịu bao nhiêu khổ sở uất ức ở trong trại giáo dục. Tôi nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ giết chết lão ta rồi tôi cũng sẽ chết luôn theo lão, thế là xong! Tôi tin sẽ có một ngày tôi trở thành một kẻ mạnh hơn, khỏe hơn và tôi sẽ đi trả thù lão đúng như những gì lão đã làm với anh em tôi trước kia. Tôi muốn lão ta phải chắp hai tay van xin tôi tha thứ, còn tôi lúc ấy sẽ nhìn lão với ánh mắt lạnh lùng vô cảm cũng như sẽ đánh cho lão một trận đau nhớ đời. Khi đó tôi đã nghĩ được thêm một lí do nữa để sống, đó là: sống để sau này đi trả thù.
Nhưng đến một ngày Eun Soo tự dưng bị sốt. Người em nóng bừng bừng và em không ăn bất cứ một thứ gì. Thậm chí tôi đã mua cho em cả mỳ ly - loại mỳ mà em vốn rất thích nhưng em vẫn không chịu ăn. Tôi phải ở nhà trông em, không đi ra ngoài xin tiền được nên trong mấy ngày ròng chúng tôi chẳng kiếm được đồng nào. Hôm Eun Soo bớt sốt, vừa mở mắt ra em đã gọi tôi. “Anh à, cô ca sĩ đang hát bài Quốc ca chắc xinh lắm, anh nhỉ?” Lúc đó chúng tôi đang ở trong căn phòng nhỏ của chú Mặt Đen và bật ti vi xem. Vì Eun Soo bị ốm và sợ bị lây sang cho những đứa khác nên chúng tôi được cho chuyển sang ở tạm trong phòng chú ấy mấy hôm. Lúc đó chương trình tivi đang tường thuật trực tiếp giải đấu bóng chày chuyên nghiệp và có một cô ca sĩ mặc váy ngắn, đội mũ lưỡi trai xuất hiện rồi đứng hát vang bài Quốc ca. Lúc em hỏi, tôi trả lời bâng quơ: “Ừ”. Eun Soo lại hỏi: “Xinh như mẹ mình hả anh?”. Tôi thấy em lúc ấy thật phiền nhiễu nên lại tiếp tục “ừ” lần nữa cho qua chuyện. Rồi tự dưng Eun Soo khóc. Tất nhiên tôi biết tại sao em lại khóc. Nhưng do bực mình quá nên tôi bắt đầu quay sang chửi mắng em. Thậm chí tôi còn dùng chân đá mạnh vào người em nữa. Eun Soo vừa khóc to hơn vừa nói: “Em sẽ không khóc nữa, em biết rồi, em sẽ không khóc nữa đâu”.
Tôi đánh em xong, bỏ ra ngoài đứng một mình. Rồi tôi đi uống rượu với mấy đứa lang thang bụi đời khác mà tôi từng gặp vài lần ở gần ngõ chợ. Tối hôm đó tôi không quay trở về với Eun Soo. Tự dưng tôi muốn đánh nhau với tất cả mọi người xung quanh, với cả hai mẹ con đứa bé đang cầm tay nhau đi dạo trên đường, với cả những người đang vội vã đi làm về kia hay với cả với mấy đứa học sinh mặc đồng phục đi ngang qua chỗ tôi nữa... Tôi muốn đánh nhau với tất cả bọn họ. Muốn đánh nhau với tất cả những người đang có khuôn mặt trông thật hạnh phúc và mãn nguyện kia. Cuối cùng tôi đã gây sự và đánh nhau với một anh chàng đang đi cùng bạn gái. Tôi hỏi anh ta: “Sao mày lại nhìn đểu tao thế hả?”. Sau đó chạy đến đấm thẳng vào mặt anh ta. Kết cục tôi lại bị lôi đến đồn cảnh sát, tôi bị giam ở đó mấy hôm rồi mới được thả về. Chú Mặt Đen tức giận vì tôi bỏ đi mấy hôm mà không có tin tức gì nên quay sang chửi mắng và đánh Eun Soo, rồi chú ấy đuổi cả hai anh em tôi ra đường. “Mẹ kiếp, ông đuổi tôi đi chẳng lẽ tôi không dám đi à” - tôi nghĩ thầm và kéo tay Eun Soo bỏ đi. Trong mấy ngày không có tôi ở bên, Eun Soo đã bị người ta bỏ đói cũng như bị đánh đập thậm tệ nên khuôn mặt em quắt lại nhỏ thó. Nhìn em như vậy tim tôi bỗng đau thắt. Tôi có linh cảm chú Mặt Đen đã giả vờ tỏ ra tức giận để lấy lí do đuổi anh em tôi đi, chứ thật sự chú ấy có một dự cảm chẳng lành về Eun Soo, nên mới nằng nặc đuổi chúng tôi đi như thế. Tôi cõng Eun Soo trên lưng và chầm chậm bước đi. Hôm ấy là một ngày mùa xuân. Chính xác là một đêm đầy ắp mùi hương hoa thơm ngát. Vì đang là mùa xuân và trời cũng ấm hơn trước rất nhiều nên tôi nghĩ chắc chỉ cần trải mấy tờ báo cũ ra cạnh ga tàu điện ngầm là hai anh em tôi sẽ được một đêm yên giấc. Eun Soo nằm cạnh tôi và nắm lấy tay tôi giống như hồi bé chúng tôi nằm ở nhà đắp chăn ấm ngủ chung với nhau, rồi em thủ thỉ: “Anh à, anh về rồi à, tốt quá!”. Sau đó Eun Soo lại bảo: “Anh ơi, anh hát Quốc ca cho em nghe đi, như vậy em sẽ cảm thấy bớt lạnh hơn...”. Nhưng tôi bảo: “Thôi, ngủ đi”. Eun Soo chỉ “ư” một tiếng rồi nằm im. Tôi không buồn ngủ nên cứ nằm trằn trọc hết xoay người sang bên này rồi lại trở người sang bên kia, có lúc tôi sợ Eun Soo bị lạnh nên đã nằm áp sát vào em và ôm chặt lấy em. Nhưng... đến sáng sớm hôm sau, khi tỉnh giấc tôi bỗng phát hiện ra Eun Soo đã chết cứng đờ từ lúc nào.
12.
Tử hình” - tôi đánh hai từ khóa này vào phần tìm kiếm thông tin trên mạng. Tôi di chuột và bấm vào phần kiểm tra. Có vô số các bài báo và các bài đưa tin liên quan đến hai từ này. “Tử hình là hình phạt cao nhất dành cho kẻ phạm tội, nhằm tước đoạt sinh mạng của hắn để cách ly hắn vĩnh viễn với xã hội con người”. Hai từ này được giải thích một cách ngắn gọn và dễ hiểu như vậy. Bức thư của Yoon Soo được tôi để bên cạnh máy vi tính. “Những sắc màu của ngọn núi ấy đã thay đổi. Mọi thứ xung quanh có lẽ vẫn vậy nhưng không hiểu sao con lại có cảm giác như có một màu xanh non tơ đang bao phủ tất cả, thậm chí con thấy hình như không khí xung quanh cũng đang thay đổi dần. Không biết có phải mùa xuân đến rồi nên mọi thứ bỗng trở nên như vậy không Sơ nhỉ. Và con không biết mình có thể nhìn thấy mùa xuân tươi đẹp như thế này thêm một lần nào nữa hay không. Vì biết đâu đây lại là mùa xuân cuối cùng của con thì sao. Nhưng thực sự có nhiều lúc con lại nhầm tưởng đây mới là mùa xuân đầu tiên của cuộc đời mình...”. Bức thư anh ta viết cho cô Mônica được mở đầu như vậy. Tôi nghĩ đến việc anh ta ngồi cắm cúi nắn nót viết từng chữ một bằng đôi tay đang bị còng chặt. Tôi lại nghĩ đến khuôn mặt của thằng bé có đôi tay chằng chịt toàn sẹo là sẹo mà tôi đã gặp ở chỗ cậu tôi hôm trước. Rồi cả dáng vẻ run run như đang chực khóc của Yoon Soo khi anh ta kể lại câu chuyện về Orestes và kết thúc bằng câu: “Chính là tôi đây mà...”.
“Nếu có ai đó hỏi con là con sẽ lựa chọn việc nào trong hai việc: một là gặp lại bà lão ấy và hai là phải thắt cổ chết ngay bây giờ, con nói thật là con sẽ lựa chọn việc thứ hai... Con nghĩ rằng nếu trên đời này có Chúa thật, chắc Ngài cũng đang trừng phạt con đây. Việc phải chết đối với con không phải là một sự trừng phạt, thậm chí con cũng chẳng sợ cái chết một chút nào. Vì từ hồi còn nhỏ, con đã không biết sợ những điều ấy rồi...” - tôi nhớ lại những câu nói của Yoon Soo. Cả câu trả lời của anh ta: “Là buổi sáng ạ!” - khi cô hỏi bây giờ anh ta sợ điều gì nhất?
Tôi bấm chuột tiếp vào một bài viết khác. “Nguồn gốc và các hình thái của chế độ tử hình”. Một bài viết khá thú vị: “Hồi đó ở nước Anh do nạn trộm cắp móc túi quá nhiều, pháp luật khi ấy không thể kiểm soát được. Thế nên để răn đe và để giảm bớt tệ nạn ấy, nhà nước đã ban hành quyết định xử tử những kẻ phạm tội móc túi một cách công khai trước công chúng. Những ngày có buổi thi hành án, hàng ngàn người lại đổ xô kéo đến xem, rồi do có quá nhiều người tụ tập chen lấn xô đẩy nhau như vậy nên lại càng tạo điều kiện cho bọn trộm cắp móc túi hoành hành. Kết cục là nạn trộm cắp móc túi không những không thuyên giảm mà còn tăng lên đáng kể”. Tôi cũng đọc câu chuyện kể về những người từng đi xem tử hình công khai 164 trong số 167 kẻ tử tù từng bị giam trong nhà tù thị trấn Bristol nước Anh, hồi năm 1886. Ở Mỹ đến cuối những năm 1930 người ta cũng đã ban hành hình phạt tử hình công khai. Và theo số liệu thống kê, Mỹ là đất nước có số người bị đưa ra xử tử hình nhiều thứ hai chỉ đứng sau Trung Quốc.
Tôi đi vào bếp rót thêm một ít nước nóng nữa vào cốc cà phê đang uống dở. Tôi nhìn ra phía xa xa ngoài cửa sổ, hình như... đúng là ở phía đằng sau dãy căn hộ chung cư này cũng đang xuất hiện những màu xanh non tơ giống như Yoon Soo đã từng cảm nhận và viết ở trong lá thư.
“Từ sau khi gặp Sơ, đêm nào con cũng mơ đấy ạ. Em trai con chết vào mùa xuân nên chắc vì thế mà cứ vào mùa xuân là con lại mơ thấy em. Con nhớ cả khi con còn nhỏ, lúc em trai con bị ốm con đã chạy đi mua thuốc cho em nữa. Lúc đó con cũng thấy cả thế gian này như đang được bao phủ bởi một màu xanh non tơ nhưng không hiểu sao con lại cảm thấy có cái gì đó buồn man mác. Hôm qua trước khi đi ngủ, con cũng đã ngồi cầu nguyện. Nếu con được gặp em con trong giấc mơ, con rất muốn kể cho em nghe một chuyện. Con sẽ nói với em rằng anh đã được gặp cô ca sĩ xinh đẹp - người đã hát bài Quốc ca mà em thích ngày xưa ấy. Cô ca sĩ mà em đã hỏi là trông có đẹp giống mẹ chúng mình không ấy, cô ca sĩ ấy giờ đã trở thành một giảng viên tài ba. Và con chắc em con sẽ bảo: Thấy chưa, em đã bảo mà, em đã bảo là cô ấy xinh đẹp và tài ba mà... Thế nhưng đêm qua con đã không mơ thấy gì cả, lâu lắm rồi con mới nằm ngủ mà không mơ thấy gì. Con cũng đã đọc hết những cuốn sách lần trước Sơ gửi đến cho con. Con không ngờ là việc đọc sách nó lại cuốn hút con đến thế. Dạo này con có thể ngồi cả ngày để đọc sách mà không chán. À, con cũng cảm thấy rất nhớ và muốn gặp Sơ nữa. Con biết là Sơ rất bận nhưng khi nào có thời gian Sơ hãy ghé qua đây thăm con nhé. Hình như con đòi hỏi hơi quá đáng phải không ạ?...”. Đó là toàn bộ nội dung bức thư mà Yoon Soo đã viết cho cô Mônica. Chữ anh ta viết cứ như là chữ của một đứa con trai ở tuổi dậy thì viết thư cho cô giáo của mình. Nhưng sao lúc nào tôi cũng để ý đến anh ta dù là một hành động nhỏ nhất thế nhỉ? Hay là tại anh ta đang sắp phải đối mặt với cái chết? “Đó là một tín hiệu không tốt!” - Tôi thầm nghĩ. Và tôi nhớ gần đây mỗi khi lái xe đi đâu đó, tôi cũng đều nghĩ đến anh ta. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ rồi lắc nhẹ vai. Chắc là tôi nên viết gì đó trả lời anh ta, vì dẫu sao anh ta cũng đã phải cố gắng nắn nót viết từng chữ một bằng đôi tay đang bị còng kia. Nhưng tôi nên viết gì đây? Tất nhiên tôi không thể viết rằng: “Tôi cũng là một kẻ đang rất muốn chết và hoàn cảnh của tôi cũng chẳng có gì khá hơn anh”.
Tôi tiếp tục đứng nhìn ra phía ngoài cửa sổ và chầm chậm uống nốt cốc cà phê đang cầm trên tay. Tôi nhìn thấy một cảnh tượng hơi không bình thường ở góc công viên phía đằng xa kia. Có một đám khoảng gần hai chục đứa học sinh cấp hai cấp ba gì đó đang đứng túm tụm lại một chỗ. Không biết đang có chuyện gì xảy ra. Quan sát một lúc tôi thấy cả đám học sinh đó đang đánh hội đồng một đứa. Dù đang ở tận trên tầng mười lăm của khu chung cư nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy rõ những vệt máu be bét trên khuôn mặt đứa học sinh đáng thương đang bị đánh kia. Tôi chợt có một dự cảm chẳng lành và thấy bất an vô cùng. Vì tôi thấy nhóm học sinh đó cứ đứa này đánh xong là đứa khác lại nhảy vào đánh tiếp. Tôi nhớ trước đây có lần tôi cũng đã nhìn thấy mấy đứa choai choai khác tụ tập và xông vào đánh nhau ở chính góc công viên ấy. Rồi tôi còn nhìn thấy tờ thông báo của cảnh sát khu vực yêu cầu người dân chú ý đặc biệt tới góc công viên ấy, dán ở cạnh cầu thang máy. Sao vậy nhỉ, rõ ràng trước đây tôi cũng đã từng nhìn thấy mấy cảnh tượng kiểu này nhưng tôi có đâu để ý dù chỉ là một giây, vậy mà bây giờ sao tự dưng tôi lại có cảm giác bất an như thế này. Tôi lo sợ cứ như là tôi vừa được tận mắt chứng kiến một vụ giết người man rợ. Tôi nhấc điện thoại lên và bấm số 112. Đúng là từ khi sinh ra đến giờ đây là lần đầu tiên tôi biết bấm gọi 112. Tôi nghe thấy đầu dây bên kia có tiếng trả lời.
“Alô... tôi ở khu Gang Nam, thành phố Seoul...” “À vâng, khu chung cư Seo Lyeon phải không ạ?”
Tôi đang bối rối không biết phải nói thế nào thì người ở đầu dây bên kia đã hỏi trước. Tôi chợt nghĩ hệ thống 112 của nước mình giờ cũng phát triển thật.
“Ở công viên phía sau khu chung cư số 109, có một đám học sinh gần hai chục đứa đang vây đánh hội đồng một đứa. Đứa bị đánh đang bị chảy máu nhiều lắm...”
Tôi cầm điện thoại và đi về phía cửa sổ gần bếp để tiếp tục quan sát tình hình. Tôi thấy đứa bị đánh đang nằm ngất lịm dưới đất.
“Đứa bị đánh hình như vừa bị ngất rồi. Các ông đến đây nhanh nhanh cho.”
“Tôi biết rồi.”
Tôi cúp điện thoại và nhìn đồng hồ. 3 giờ 48 phút chiều. Tôi thoáng hối hận về việc mình đã cố tình bới móc những nhược điểm của đất nước mình, sau khi tôi ở nước ngoài về. Hồi còn ở Paris có lần tôi và người bạn trai sống chung đã to tiếng với nhau, lúc ấy tôi đã chạy ra ngoài đường và hét ầm ĩ lên. Rồi chỉ chưa đầy năm phút sau, cảnh sát đã xuất hiện và suýt nữa họ đã còng tay người bạn trai đó lại. Lúc ấy cả tôi và người bạn trai vô cùng bất ngờ. Mấy ông cảnh sát có mặt khi ấy hỏi tôi:
“Madam không sao chứ? Người này đã làm gì madam vậy?”
“À không. Chỉ là chúng tôi đang trêu đùa nhau... nên tôi hét lên vậy thôi”.
Chuyện cãi vã hôm ấy của tôi và người bạn trai đã kết thúc như thế. Chúng tôi vô cùng bất ngờ vì hình như có ai đó đã nhìn qua cửa sổ và thấy chúng tôi đang cãi nhau, họ đã gọi điện thoại báo cảnh sát. Những cảnh sát tuần tra ở gần khu vực đó, nhận được điện thoại và đến ngay tức thì. “Sau này đi đâu chúng ta cũng đừng nhận mình là người Hàn Quốc nữa nhé, xấu hổ quá!” - Chúng tôi đã bảo nhau như vậy rồi đi uống rượu.
Tôi hồi hộp nhìn qua cửa sổ và theo dõi tiếp diễn biến tình hình. Đứa học sinh bị đánh đến ngất lịm vẫn chưa thấy đứng dậy dù đã mấy mươi phút trôi qua. “Nhỡ đâu nó chết rồi thì sao nhỉ?” - Tôi nghĩ. Bỗng có mấy đứa khác bắt đầu tiến đến và kéo đứa bị đánh đi ra khỏi công viên. Vụ đánh nhau đến đây là kết thúc, bây giờ cảnh sát có đến chắc cũng chẳng giải quyết được gì. Tôi thở dài. Nhưng lại có một đứa học sinh khác đang đứng gần đó bị nhóm học sinh ấy chạy đến túm hai tay và lôi vào phía trong công viên. Trông cứ như bọn chúng đang lôi kẻ tử tù ra pháp trường. Sau đó một đứa trong nhóm tiến đến và bắt đầu đánh vào đầu vào bụng đứa đang bị giữ chặt hai tay kia. Tôi sốt ruột nhìn cả phía trước lẫn phía sau con đường nằm cạnh khu chung cư nhưng vẫn chẳng thấy bóng dáng của bất kỳ một ông cảnh sát nào. Thậm chí cả tiếng còi báo động cũng không nghe thấy. Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 4 giờ rồi. Tôi lại bấm điện thoại gọi 112.
“Alô, tôi là người vừa gọi điện cách đây ít phút về vụ một đứa học sinh bị đánh ở phía sau công viên đây, giờ lại có thêm một đứa nữa đang bị đánh. Tại sao cảnh sát các ông vẫn chưa thấy có mặt thế?”
“Vâng, tôi biết rồi. Chúng tôi sẽ tới ngay đây...”
Điện thoại lại cúp. Lần này tôi thấy đứa bị đánh như đang cố chống cự. Nhưng nó chưa kịp làm gì thì mấy đứa khác đã tiến đến cũng như đấm đá khắp người nó. Thằng bé hình như bị đấm mấy cái đau quá nên ngã gục xuống đất, nhưng đám học sinh kia không có tha, chúng tiếp tục dùng chân đá túi bụi vào người thằng bé nằm trên đất. Nhìn cảnh tượng ấy tôi liên tưởng đến cảnh một lũ chim đại bàng đang cùng nhau xúm lại mổ xẻ ăn thịt một con thú đã chết. Tôi lại nhìn đồng hồ. 4 giờ 15 phút. Sao đến giờ cảnh sát vẫn chưa thấy ló mặt đến? Tim tôi đập mạnh liên hồi và miệng tôi như đang muốn ói. Sự tuyệt vọng của thằng bé đang bị đánh nằm dưới kia như đang thúc mạnh vào tim tôi. Vậy mà tôi vẫn chẳng thấy bóng dáng của mấy ông cảnh sát đâu. Tôi lại chạy vào phòng và nhấc điện thoại lên.
“Alô, tôi là người vừa gọi điện lúc nãy đây. Tại sao cảnh sát các ông vẫn chưa thấy xuất hiện! Tôi đã báo là có một em học sinh đang bị đánh cơ mà. Nó đang bị một nhóm dùng chân đạp mạnh vào người kia kìa và nó đã bị ngất rồi! Đây là đứa thứ hai bị đánh như vậy rồi đấy.”
“Vâng, chúng tôi biết rồi...”
Cúp điện thoại. Tôi lại chạy ra phía cửa sổ và nhìn xuống. Lúc này có hai đứa trong nhóm đang giữa chặt hai cánh tay của đứa bị đánh, rồi một đứa khác chạy đến dùng hai chân đá song phi vào bụng nó, trông cứ như một cảnh trong phim hành động. Toàn thân tôi bỗng co dúm lại cứ như chính tôi là đứa đang bị đánh dưới kia. Răng tôi bắt đầu đập lập cập vào nhau. Tôi như đang bị buộc phải xem một cảnh tra tấn vậy. Tiếng chuông điện thoại lại reo trong khi cảnh sát thì vẫn chẳng thấy xuất hiện.
“Alô...” “Vâng...”
“Cô là người gọi điện lúc nãy phải không? Chúng tôi... cảnh sát đây...”
Tôi thầm khen hệ thống 112 của Hàn Quốc. Vì đến số điện thoại của người gọi báo tin mà họ cũng tra ra được.
“Tại sao các ông vẫn chưa đến. Nếu các ông đến sớm giải quyết có phải sẽ chẳng có ai bị đánh không. Bây giờ lại có thêm một đứa nữa đang bị đánh rồi! Nó đang bị hơn chục đứa khác xúm lại đánh hội đồng kia kìa. Các ông phải đến ngăn chúng lại ngay. Xin các ông nhanh chân lên cho”.
“Alô. Hôm nay ở khu ngã tư Gang Nam có mấy vụ tai nạn ôtô đâm nhau và chúng tôi đang phải giải quyết ở đó. Vì thế nên chắc chúng tôi sẽ đến chỗ cô báo muộn một chút. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng đến đó thật nhanh, thế nên xin cô đừng bấm gọi 112 nữa...”
Giọng nói của ông cảnh sát nghe thân thiện cứ như là của dịch vụ quảng cáo bảo hành xe ô tô vậy. Ông ta còn giải thích rõ ràng cả lý do đến muộn cũng như mong tôi lượng thứ nữa. Đứa học sinh bị cả nhóm dưới kia đánh đã bị ngất, trong khi tôi và ông cảnh sát nói chuyện với nhau. Tôi nhìn đồng hồ, bây giờ đã quá 4 giờ 20 phút. Cảnh sát nước Đại Hàn dân quốc này vĩ đại thật - tôi mỉa mai.
Một lúc sau tôi mới nghe thấy có tiếng còi báo động của xe cảnh sát. Tôi nắm chặt hai bàn tay và yên tâm đứng đợi mấy ông cảnh sát đến dạy cho nhóm trẻ hư đốn kia một trận. Có ba bốn đứa trong nhóm ấy chạy ra phía ngoài công viên như để nghe ngóng tình hình. Rồi chúng lại chạy vào và hô nhau giải tán. Chắc chắn là chúng cũng đã nghe thấy tiếng còi của xe cảnh sát. Tiếng chuông điện thoại lại reo.
“Cảnh sát đây. Chúng tôi chẳng thấy có ai ở trong công viên chỗ cô vừa báo cả...”.
“Nhưng các ông đang đứng ở chỗ nào?”.
“Chúng tôi đang đứng ở cổng công viên gần khu chung cư Seo
Lyeon”.
“Các ông đang đứng ở công viên nhỏ nằm ở giữa khu chung cư này phải không?”.
Tôi cầm điện thoại và chạy ra ngoài lan can nhìn xuống. Vì ở giữa khu chung cư này cũng có một công viên nhỏ có đài phun nước và mấy cái ghế đá. Tôi nhìn xuống và thấy xe của cảnh sát đang đỗ ở cạnh đấy và đang hú còi inh ỏi. Tôi thấy cả mấy người phụ nữ đang đẩy nôi cho con ở chỗ đài phun nước, đang đứng xúm xít lại và nhìn chằm chằm vào xe cảnh sát.
“Alô, đấy là công viên dành cho trẻ em của dãy chung cư, luôn có bảo vệ canh gác. Có thằng điên nào đánh người ở đó đâu. Tôi đã bảo ở công viên phía sau khu chung cư 109 cơ mà!”
Tôi hét lên.
“Sao cô phải hét lên như thế! Tôi bảo là tôi biết rồi mà”.
Một lúc sau tiếng chuông điện thoại lại reo lên. Lại là ông cảnh sát đó.
“Nhưng mà xe ô tô có vào được phía sau khu chung cư cô bảo không nhỉ? Tôi thấy hình như là không có đường đi hay sao ấy”.
Lúc nãy là giọng nói thân thiện như của nhân viên dịch vụ quảng cáo bảo hành xe ô tô, còn bây giờ là giọng nói gấp gáp khó chịu như của trung tâm vận chuyển đồ vậy. Tôi cố gắng kìm nén bực bội, cố làm ra vẻ giống một nhân viên hướng dẫn thân thiện.
“Các ông phải đỗ xe ở phía trước dãy chung cư 109, sau đó đi bộ vòng lại ra phía đằng sau. Xin các ông nhanh chân lên cho!”
Tôi cầm chặt điện thoại và chạy lại phía cửa sổ ở bếp. Dù sao cảnh sát cũng đã đến. Vì cảnh sát đã đến nên chắc chắn sẽ không có thêm bất cứ một đứa nào nữa bị đánh nữa - tôi yên tâm nghĩ vậy. Nhưng nhóm học sinh đã thì thầm bảo nhau giải tán, có mấy đứa trong nhóm kéo lê đứa bị đánh trốn theo con đường leo ngược lên núi. Cứ như là một vở kịch đã có sẵn kịch bản. Khi bọn chúng vừa đi khuất thì cảnh sát cũng vừa bước tới, họ tiến lại gần chỗ mấy đứa học sinh còn lại đang đứng ở đó. Họ đi chậm rãi cứ như là đang đi dạo mát. Đứng ở trên tầng cao của chung cư, tôi cảm giác mình giống như Chúa trời đang từ trên cao nhìn xuống, có thể biết được tất cả nhất cử nhất động của mọi người bên dưới. Và tiếng chuông điện thoại lại reo lên.
“Này cô ơi, lúc nãy chúng tôi nhận điện báo khẩn cấp của cô rồi đến đây nhưng... sao chẳng có ai bị đánh hay bị thương ở đây cả?”
“Ông bảo sao cơ? Sao lại thế?”
Đến lúc này tôi không thể tiếp tục nhẫn nại dùng giọng nói thân thiện như của mấy cô nhân viên dịch vụ 114 được nữa.
“Tôi vừa hỏi mấy đứa học sinh đang đứng ở đây, nhưng chúng bảo là chúng đang tổ chức họp lớp. Tôi cũng hỏi là có đứa nào vừa bị đánh, bước ra đây báo với tôi, để tôi giải quyết cho nhưng chẳng có đứa nào bước ra cả. Không có đứa nào bị đánh nên đương nhiên là không có vụ đánh nhau nào...”
Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Nhưng tôi cũng chẳng biết phải giải thích thế nào cho mấy ông cảnh sát đó hiểu nữa.
“Ông bảo cái đứa vừa bị cả nhóm ấy đánh bước ra gặp ông à? Đáng lẽ ông phải bảo cái đứa vừa đi đánh người ta bước ra gặp ông chứ. Đúng là tôi đã quá sai lầm khi tin vào cảnh sát của cái nước Đại Hàn dân quốc này. Ông thử nghĩ xem từ lúc tôi gọi điện báo đến giờ đã bao nhiêu phút trôi qua rồi, có phải là đã quá ba mươi phút trôi qua rồi không. Giả sử trong thời gian ấy nếu có vụ giết người, chắc cũng có đến hai ba người đã bị giết chết rồi đấy ông biết không!”
Tôi tức giận cúp điện thoại. Tôi nghĩ nếu đứa bị đánh lúc nãy mà là con trai hoặc là em trai tôi, chắc chắn không bao giờ tôi có thể bỏ qua hay để yên cho mấy ông cảnh sát này. Tiếng chuông điện thoại lại vang lên. Hình như là điện thoại của ông cảnh sát đó. Tôi bỗng nhớ đến cảnh cuối cùng trong cuốn tiểu thuyết Lão Goriot của Balzac, khi chàng sinh viên luật tên là Rastignac trèo lên ngọn đồi rồi hét lên thật to: “Paris - bây giờ ta sẽ quyết đấu với ngươi”. Tôi thầm nghĩ: “Ông cảnh sát kia - bây giờ tôi sẽ quyết đấu với ông”.
“Alô...”
“Tôi cảnh sát đây. Tại sao tự dưng cô lại nổi nóng lên như thế? Chúng tôi đã làm gì sai nào? Cô nghe chúng tôi nói đây. Không phải là chúng tôi cố ý đến muộn mà là hôm nay ở khu suối Yang Jae có một người tàn tật bị ngã xuống đó. Chúng tôi đã phải đến đó để cứu người ta trước rồi phải đưa người ta về đến tận nhà nên mới tới đây muộn thế này. Còn nữa, tôi đã hỏi rồi nhưng bọn trẻ ở đây bảo là chúng đang tụ tập họp lớp với nhau, chúng nói chúng có thấy ai đánh nhau đâu. Cô nghĩ bây giờ là thời đại nào rồi... không phải cô định bảo tôi đi tra hỏi từng đứa một rồi ép chúng phải cúi đầu nhận tội đấy chứ?”
Ông cảnh sát đó nói tiếp với một giọng điệu uất ức. Nào là: “Có phải chúng tôi muốn thoái thác công việc đâu, tại có nhiều việc quá mà ở đây lại đang thiếu người, nhân viên thì ít mà lượng công việc dồn về quá nhiều nên dù có làm việc liên tục liên tục vẫn không hết, đã thế lại còn bị người ta mắng cho là vô trách nhiệm nữa chứ...”. Đúng là buồn cười, một trò hề! - Tôi vừa nghĩ vừa thấy bực bội vô cùng.
“Thế ý ông định nói là phải có sự đồng ý của người dân xung quanh, ông mới dám tra hỏi bọn chúng nhận tội hả? Ý ông định nói thế phải không?”
“Đương nhiên là không phải vậy...”
Tôi nhếch mép cười. Vì tôi chẳng biết phải làm gì ngoài việc nhếch mép lên cười như thế này cả.
“Tối thiểu ông cũng phải dạy cho chúng hiểu là không được đánh người ở nơi công cộng vào ban ngày thế này. Ông là người lớn nên ít nhất ông cũng phải nói thế nào cho chúng hiểu để lần sau chúng không làm như thế nữa. Nhỡ đâu mấy đứa trẻ hư đó sau này lớn lên trở thành những kẻ giết người rồi kết cục phải nhận án tử hình thì sao, ông không nghĩ đến những điều đó à?”
“Ơ hay... cô đã nói xong chưa thế? Cô nói cứ như là nếu có chuyện gì không hay xảy ra sau này thì đều là do lỗi của cảnh sát chúng tôi. Nói chuyện với cô đúng là chẳng thông tí nào!”
Lần này ông cảnh sát đã tắt máy trước. Và kết luận của vụ việc là câu nói cuối cùng của ông ta: “Nói chuyện với cô đúng là chẳng thông tí nào!”. Hay tại do tôi đã hơi quá đà - Tôi thầm nghĩ. Nhưng mà tự dưng sao tôi lại như vậy nhỉ, tự tôi cũng không hiểu nổi bản thân mình nữa. Tôi nhớ ngoài chuyện con chó Simsimi bị chết hồi tôi học cấp hai, từ đó đến giờ tôi có quan tâm đến bất cứ một chuyện gì xảy ra xung quanh mình đâu. Đúng là tôi cũng hơi quá vì khi nãy tôi đã lôi cả chuyện liên quan đến tử hình ra nói. Tôi quay lại chỗ bàn đọc sách và ngồi xuống. Rõ ràng đây không phải là tính cách của Moon Yoo Jeong tôi. Sau bảy năm ở nước ngoài về, cảm nhận khác lạ đầu tiên về Hàn Quốc của tôi đó là ở cái kiểu cách nói chuyện. Tiếp đó mới là cái thái độ biểu hiện rồi cuối cùng là bước chân vội vã của mọi người đi trên đường. Tại sao tôi lại nói vậy, vì đã có nhiều lần tôi bị người khác giẫm lên chân lúc tôi đi tàu điện ngầm, hay bị người đối diện vập vào vai khi đang đi bộ, nhưng họ vẫn cứ tỉnh bơ bước đi và mắt vẫn chăm chăm nhìn về phía trước chứ không hề dừng lại hay nói một lời xin lỗi. Hồi đầu tôi tỏ ra vô cùng tức giận về cái thái độ thiếu lịch sự ấy, nhưng về sau tôi phát hiện ra hình như chính bản thân họ cũng không hề biết họ vừa giẫm lên chân ai hay đi vập vào vai người khác. Nên họ cứ thế mà đi, nhưng đi đâu? Chuyện đấy thì tôi (mà có lẽ khéo cả họ nữa) cũng đều không biết. Rồi trong các bộ phim đang chiếu trên tivi, tôi thấy các diễn viên cứ mở miệng ra là chửi bậy, thậm chí trong phim có quá nhiều những cảnh tàn nhẫn, bạo lực nữa. Vậy mà điện ảnh Hàn Quốc lại bắt đầu nhận được nhiều sự ưu ái quan tâm tại các liên hoan phim quốc tế, cũng như các bài báo thi nhau viết về những chủ đề ấy.
Tự dưng tôi nhớ cô Mônica. Rồi tôi lại nghĩ hay là tôi đi mua một chậu hoa nhỏ và mang đến trại giam thăm Yoon Soo. Chẳng hiểu tại sao lúc đó tôi lại nghĩ như vậy. Tại sao nhỉ, hay là do tự dưng tôi muốn hỏi anh ta - người đã bị câu chuyện của Orestes làm cho cảm động, người đang cảm thấy đau đớn về mùa xuân đầu tiên mà biết đâu lại là mùa xuân cuối cùng, hỏi rằng: Tại sao trước đây anh lại đi giết người? Tôi muốn biết CON NGƯỜI - đại thể thì con người nó là cái gì. Cũng như con người khi ác thì ác đến đâu và khi thiện thì thiện đến mức nào. Bỗng lại có tiếng chuông điện thoại reo. Tôi bỗng thấy sờ sợ vì không hiểu phía cảnh sát họ còn định gọi điện nói thêm gì nữa. Hay là tôi gọi điện báo cho anh Hai, nhưng mà dù có báo cho anh ấy biết việc này thì cũng có giải quyết được gì đâu. Tôi nhấc điện thoại lên. Là anh Hai. Trong một tích tắc tôi nghĩ đến sợi dây tương quan liên kết giữa cảnh sát và công tố viên, rồi tôi hình dung ra hệ thống 112 của đất nước mình phát triển đến mức họ đã liên lạc được tận tới chỗ anh Hai. Đang miên man nghĩ ngợi, tôi nghe tiếng anh Hai ở đầu dây bên kia nói với một giọng điệu vô cùng gấp gáp:
“Em đến ngay bệnh viện. Mẹ lại vừa nhập viện rồi”.
Tôi cầu xin Người cho tôi tất cả mọi điều để tôi có thể tận hưởng cuộc sống.
Nhưng Người lại ban cho tôi cuộc sống để tôi tận hưởng tất cả mọi điều.
Người chẳng hề ban cho tôi một thứ nào trong tất cả mọi thứ mà tôi đã cầu xin.
Nhưng khi tôi bảo Người hãy tự do làm tất cả những điều mà
Người muốn thì Người lại nghe theo.
Bia dũng sĩ vô danh đặt tại thành phố Torino - Italy
Yêu Người Tử Tù Yêu Người Tử Tù - Park Jin Sung Yêu Người Tử Tù