Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Chương 6
G
ã quản đưa Kachia vào một căn nhà rộng rãi ở góc sân. Trước đây chính gã đã sống trong căn nhà này, khi chưa dựng được ngôi nhà lớn. Bây giờ trong căn nhà này để chuồng gà. Khi cần thì nhốt bê, cừu non. Dưới sàn ngổn ngang các dụng cụ không cần dùng vào mùa đông rét: liềm, hái, cào, bánh xe ngựa.
Sau bếp lò có một cái giường rộng bằng gỗ trải rơm, phủ vải gai. Phía dưới ảnh tượng thánh là cái bàn bầy những nồi gang. Trong căn nhà ấm áp, sực mùi gia súc, mặc dù ngoài những con gà mái đang cục cục trong chuồng ra, không còn sinh vật nào nữa. Ngày trước căn nhà có hai cửa sổ. Bây giờ chỉ lờ mờ sáng một cái, cái thứ hai đã bị xếp đầy các đầu mẩu gỗ mới cắt, bịt chặt bằng mảnh ván.
- Đây, ở đây đây. Ăn uống tôi sẽ đưa đến, cần thiết tôi sẽ cho ra ngoài. - Gã quản đi ra cửa, nhưng thấy Kachia buồn rầu, gã nán lại, an ủi: - Không phải cô là người đầu tiên ngủ lại đây đâu. Đã có nhiều kẻ làm loạn ở đây rồi. Cô hiểu không nhỉ?
Kachia im lặng ngồi xuống giường, đưa mắt nhìn quanh, nhớ lại những lời dặn dò của anh trai: «Đừng tuyệt vọng, em Kachia bé bỏng, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hãy nghĩ ngay đến những ưu thế của mình so với các đồng chí khác, có thể ở trong các điều kiện tồi tệ hơn hàng trăm lần. Và điều chủ yếu là - đừng có làm cho ai thương hại mình. Đặc biệt không dễ dàng gì ở những phút đầu và giờ đầu sống trong giam hãm. Hãy đi lại trong phòng, chừng nào điều kiện cho phép, hãy bàn định to lên thành tiếng với chính mình».
Gã quản ra khỏi và tiếng khóa lách cách vang lên hồi lâu. Sau đó, không hiểu sao gã giậm dịch rất lâu trên những bậc tam cấp hiên nhà kêu cót két.
Khi tiếng bước của gã lặng đi và ở đâu đó xa xa kẹt lên tiếng cửa, Kachia hất bỏ chiếc áo lông của Đunhia, chắp tay ra sau lưng và đi đi lại lại trong căn nhà.
- Không, ở đây hoàn toàn không tồi, ấm áp, ánh sáng rọi qua cửa sổ vào, trên giường có trải rơm. Ngủ sẽ êm. - Cô nói se sẽ, mỗi lúc một thêm tin là lời khuyên của anh trai quả thực là hợp lý. Do tiếng nói của chính mình, do đi lại trong căn nhà mà cô cảm thấy dễ chịu hơn, bình tĩnh hơn, và cô tự mỉm cười mình, nghĩ bụng: «Dù sao đi nữa mình đã không làm lộ ngôi nhà của bác Lukianốp. Bây giờ thì không thể nào gắn mình với bác ấy được. Bị bắt ở giữa đường...»
Đứng ngoài mà nhìn thì cái việc chuyện trò một mình này có thể thấy buồn cười, nhưng Kachia tiếp tục bước đi trong căn nhà và suy tính:
«Còn cậu, Masa yêu thương, tốt hơn hết là cậu phải mau mau trở lại thành phố, ngộ nhỡ chính quyền lại chợt nhớ ra cậu. Mình hiểu là cậu chẳng muốn xa rời cái làng quê hương... Cha mẹ cậu ở đây, và điều chủ yếu nữa - là anh Timôphây, nhưng dù sao đi nữa cũng đừng có nấn ná, vội lên... Nhân thể, cũng báo cho ông Naximôvích biết về điều bất hạnh của mình».
Bản thân Kachia hẳn chẳng xác định được cô đi đi lại lại bao nhiêu thời gian, nhưng lúc ấy đã vang lên tiếng cọt kẹt của cái bậc tam cấp cửa hiên, tiếng khóa nghe lách cách, cánh cửa rít lên. Gã quản bước vào, choán tất cả không gian còn để trống trong căn nhà. Trong tay gã cầm một ổ bánh mì bột mạch đen và một cái bát to đầy xúp bắp cải chua nóng hổi. Chiếc thìa gỗ nổi lềnh bềnh trong bát xúp.
- Cô ra ngoài đi rồi vào ăn trưa, tiểu thư, - đặt bát xúp xuống bàn, gã quản nói.
Kachia ra khỏi nhà, trở về với đôi tay đỏ ửng, vừa được chà xát bằng nắm tuyết.
- Trong cái chậu rửa tay đã đổ đầy nước, - gã quản nói và tránh đường cho Kachia đi tới bên bàn.
- Cám ơn ông. - Kachia ngồi xuống chiếc ghế đẩu, bắt đầu ăn.
Gã quản không bỏ đi mà đợi cho cô ăn xong để dọn ngay bát đĩa.
- Dù sao đi nữa cũng xin ông cho biết vì sao mà ông lại bắt giữ tôi, ngài quản. Là người chạy loạn, tôi đã khốn khổ nhiều quá rồi. - Kachia quyết định lợi dụng sự có mặt của gã quản để dò thử xem tâm trạng gã ra sao.
- Làm loạn... Chẳng lẽ có thể nói cái chuyện như thế ở cuộc họp làng? Không có chuyện ấy tên mugích đã tức tối rồi. Chỉ cần thích một tí thôi là hẳn có thể đập tan hàng loạt âu bát, đến mức suốt cả năm cũng không gắn lại hết được. - Gã quản nói không có vẻ giận dữ và cũng không cau có, như trước đó mấy tiếng đồng hồ, không thở phì phò và trều đôi môi bị gió lạnh nứt nẻ ra.
- Tôi nào có nói gì tồi tệ đâu. Tôi nói cái điều mà tôi biết. Thế ông thì sao, chẳng lẽ ông không sống giữa mọi người? Không lẽ ông không biết rằng tất cả mọi người đang khổ sở? - Kachia nói những lời đó bằng một giọng bình tĩnh, theo dõi gã quản, đang đứng phân vân. - Hẳn là con trai ông cũng đang nuôi rận ở trong chiến hào không biết vì lẽ gì?
- Tôi có hai đứa: Xêmiôn là thằng cả, bị thương, vừa được về chơi cách đây ít lâu. Còn thằng Vaxili thì biệt tăm biệt tích. Đã được một năm rồi, mà không có tin tức gì về nó. - Giọng gã quản run run, gã cúi đầu và sụt sịt.
Kachia nuốt vội món xúp bắp cải, miếng vỏ bánh chưa nhai kỹ, rồi cất tiếng:
- Ngài quản, giá ông thả tôi ra có phải không. Xin ông nói xem tôi đã làm gì không tốt với ông? Đấy, ông khóc thương về đứa con trai, còn tôi thì bị chiến tranh tước đoạt mất cả cha, cả mẹ, cả anh trai. Với người chị thì gần ba năm rồi không thấy mặt nhau... Xin ông thả tôi ra, ông quản, xin ông đừng làm khổ con người tội nghiệp. - Kachia bịa ngay ra một tiểu sử mới cho mình.
Gã quản ngửng đầu lên, lấy ống tay áo capốt lau mặt, lau các đường nhăn quanh mũi:
- Tiểu thư... Bà ấy sẽ làm khổ tôi chứ. Đã hai lần bà ấy phái người đến để biết đích thực là chúng tôi đã bắt giữ cô hay chưa... Bản thân bà ta, cô thấy không, sẽ làm chứng về cô đấy. Có thể, cô thân mến, cô nhận lỗi với bà ấy chăng: chẳng hạn là thế này, thế kia, chẳng qua không nghĩ chín chắn... Nếu bà ấy có lời thì tôi khó gì cơ chứ? Cái khóa tôi chỉ trong một loáng tháo ngay.
Ấy, cái đó thì không! Kachia không đời nào lại đi mua tự do cho mình bằng cái giá như vậy, cho dù cô có bị đe dọa những hình phạt kinh khủng nhất đi nữa.
- Sao lại thế, Chúa phù hộ cho ông! - Kachia thốt lên. - Sao ông lại xui tôi làm một việc như vậy? Tôi chẳng đời nào lại đi quị lụy trước quân đê tiện ấy!
- Ấy, chính là như vậy, - gã quản nói một cách thông cảm và hơi cúi xuống chào Kachia. - Kỳ phùng địch thủ. Xin tạm biệt cho đến tối.
Gã bỏ đi, và Kachia lại đi đi lại lại trong căn nhà. Niềm hy vọng vào việc giải thoát phải gạt bỏ. Cô tự thấy buồn cười: cả câu chuyện vừa rồi với gã quản hóa ra chẳng đi đến đâu. Thì cô đã hiểu là cô chẳng có chút xíu cơ sở nào mà hy vọng về lòng khoan dung ở những con người ấy. Hoàn toàn thấy rõ sự việc sẽ diễn ra tiếp là: ngay sáng mai chúng sẽ chở cô ra thành phố. Ở đó cảnh sát sẽ chuyển cô sang sở hiến binh. Mà ở đấy thì cô nằm gọn trong tay chúng rồi. Tuy nhiên cô vẫn cần phải suy nghĩ xem mình nên xử sự thế nào. Trong khi anh Akimốp còn chưa ra được nước ngoài, cô sẽ bằng mọi cách kéo dài việc điều tra. Cô sẽ phải bác bỏ các bằng chứng, rồi sau nữa đưa chứng cớ làm cho sở hiến binh phải phân vân ngờ vực và bài bác. Dễ đến kéo dài vài tháng, mà có thể, vài năm... Có gì đáng kể, cái đó cô không sợ, cô biết rõ cô đã làm việc gì...
Kachia đi đã mệt. Hất cái áo lông của Đunhia xuống giường, cô gom rơm lại dưới đó, ngả người nằm và ngủ thiếp đi. Cô choàng tỉnh ra vì tiếng gió rít, và những tiếng đập vào tường nhà. Kachia đi đến bên cửa sổ đã bị băng bao phủ, lấy ngón tay xoa cho tan băng lấy một lỗ nhìn và ghé mắt nhìn xem ngoài trời ra sao. Bóng hoàng hôn đã dày đặc. Gió cuộn tuyết dựng lên thành cột, và những cột tuyết lồng lộn cuốn đi trên đường ngõ trống trải. «Bão tuyết! Mà bão tuyết thế nào kia chứ! Mù mịt như bưng. Có thể, cả ngày cũng lại phải ngồi ở đây, - Kachia rầu rĩ nghĩ bụng. - Mà cô cũng đi đâu mà vội kia chứ? Ngày mai hay ngày kia chúng chở cô ra tỉnh chẳng thế? Càng giữ lại lâu bao nhiêu càng tốt, - cô suy nghĩ thầm. - Rồi đấy, cả anh Ivan cũng lọt qua được Tômxcơ, lại cả Masa cũng sẽ về thành phố, sẽ báo mọi chuyện cho bác Naximôvích, và bác ấy ít ra sẽ tìm cách báo lại cho tổ chức».
Khi trời đã tối hẳn, gã quản đến. Lão mang đến một mẩu nến và cái bát lớn đựng thức ăn.
- Tiểu thư ạ, bão tuyết kinh khủng, đi không vững nữa, - gã nói.
Kachia đi ra sân, cái sân đã được che chắn đầy những cây sào và rơm rạ, nhưng mặc dù vậy, những luống bột tuyết vẫn lách qua các kẽ hàng rào thổi vào, và cái sân tối phủ đầy các vệt trắng. Kachia nghe ngóng gió. Gió rít lên, rú như chó sói, ầm ầm lật các mái nhà gỗ. Không, muốn nói gì đi nữa, chứ hoàn cảnh của cô không sánh được với hoàn cảnh của người nào trong giờ phút này bị áp giải bước đi trên quan lộ. Kachia vội đi vào nơi ấm áp. Gã quản đã châm nến và bày bữa ăn của Kachia ra bàn: khoai tây luộc, dưa chuột muối, một khoanh bánh mì và một ca nước.
- Ông quản, theo ông liệu ngày mai có thể đã đi được chưa? - Kachia hỏi.
- Đi làm sao kia chứ! Ít ra phải qua hai ngày nữa mới vượt đi được. Qua một đêm tuyết phủ lên đường hàng núi phải bằng tòa nhà hai tầng. Chẳng lẽ có thể đi xuyên qua ngay được? Phải để cho các đoàn xe tải đi dẹp đường đã...
Lần này gã quản tỏ vẻ nghiêm khắc hơn. Kachia thử hỏi gã xem gã đã làm phận sự này lâu chưa và cái gì bắt gã làm cái phận sự vất vả và bị nhân dân khinh ghét này, nhưng gã quản không tiếp chuyện.
- Thế mất đầu ngoài chiến trận hay hơn ư? Sống trên đời, tiểu thư ạ, đâu có phải dạo bước qua cánh đồng, - thở dài, gã nói và âm thầm lặng im.
Gã quản bỏ đi, hứa sáng sớm mai sẽ lại đến. Mẩu nến cháy hết và tắt ngấm. Trong căn nhà trở nên tối om. Chỉ có ô cửa sổ hiện lên một vệt sáng mờ. Gió chắc hẳn thổi càng mạnh hơn. Ngôi nhà rung lên vì những đợt gió, trên mái có cái gì đó đập lạch cạch và kêu lục cục.
Kachia không muốn ngủ, nhưng đi lại trong tối cũng không tiện. Cô đụng phải cái guồng kéo sợi dựng ở trong góc nhà.
Cái guồng đổ xuống chuồng gà. Những con gà mái xao xác, cất tiếng kêu ầm ĩ mãi không yên. Kachia đi nằm xuống giường. Vào trường hợp như thế này anh trai cũng đã có lời khuyên: «Em Kachia, em hãy nhớ lại một cuốn sách nào đó đã đọc rồi, hay là suy nghĩ về một điều gì đó hệ trọng. Điều quan trọng là đừng có tập trung vào những diễn biến nội tâm của chính bản thân mình».
Kachia có trí nhớ khá về thơ và cô thuộc nhiều thơ vô kể. Cái đầu cô nhớ ngay ra là những dòng trong bài thơ của Puskin: «Giông tố mịt mờ trời đất, gió lốc tuyết bụi quay tròn, khi gào lên như thú vật, khi khóc òa như trẻ con».
Bên ngoài tường nhà quả thực mỗi lúc một xuất hiện thêm nhiều âm thanh, giống như tiếng bầy sói rú, nhưng chỉ có điều kéo dài hơn, và buồn không chịu nổi, khơi gợi từ sâu kín tâm hồn một nỗi sầu da diết và lo âu không cắt nghĩa nổi. «Hẳn là, chính bản thân Puskin cũng đã nhiều lần từng phải nghe bão tuyết, một khi ông viết được những dòng thơ như thế», - Kachia nghĩ ngợi. Ý nghĩ của cô bay về Pêtrôgrát. Cô nhớ tới anh trai Alếchxanđrơ, anh ấy là người thuộc lòng nhiều thơ hiếm có. Anh nhớ từ chữ đầu tiên đến chữ cuối cùng của «Bôrix Gôđunốp», «Mtxưri», «Pôntava». Nhưng dù sao cô cũng muốn biết xem không hiểu anh Alếchxanđrơ hẳn đã nói gì về mọi chuyện xảy ra ở đây? Không hiểu sao Kachia có cảm giác rằng anh trai tán thành cách xử sự của cô. Bởi vì không phải một hai lần trong những lúc hai anh em cùng suy tư về cách mạng, về tương lai của nước Nga, anh đã nói với cô rằng người bônsêvích thực sự không thể bỏ qua bất cứ một cơ hội nhỏ nhất nào để có thể nói lên điều sự thật cho nhân dân thấy. «Việc thu phục quần chúng - Kachia ạ, đó là vấn đề của các vấn đề trong thời gian hiện nay», - anh ấy nói.
«Anh nói đúng, anh Piốt», - Kachia thở mạnh, gọi anh bằng cái tên hoạt động bí mật.
Nhưng Kachia không phỏng đoán mãi về chuyện anh Alếchxanđrơ hẳn đã nói gì về hành động của cô. Cô lại quay trở lại với Puskin. Trong số tất cả các tác phẩm của nhà thơ. Kachia đánh giá cao hơn cả là «Người kỵ sĩ đồng». Và giờ đây, bắt đầu se sẽ lên tiếng đọc, qua mấy phút cô đã say sưa với âm thanh kỳ diệu, với nhạc điệu nẩy lửa và sức mạnh toát ra từ mỗi từ của những vần thơ khi chúng được đọc lên.
Từ Puskin cô chuyển sang Lermôntốp, người mà cô rất yêu kính và về mặt nào đó cô còn đặt cao hơn cả nhà thơ đứng đầu của nước Nga. Sau đó là Chiutsép, Phét, Blốc... hiện lên trong ký ức của cô.
Kachia đọc thơ thỏa chí, đến phát mệt lên. Tuy nhiên thời gian chuyển dịch vẫn chậm dề dề, ngủ không muốn ngủ, bão tuyết không dịu đi, mà chỉ nghe có bão tuyết thì không hiểu sao sờ sợ thế nào ấy. Nhất thiết cần phải bằng cách gì đó làm cho mình lãng quên đi, cho đến lúc buồn ngủ. Nhưng không còn nhớ thêm thơ, không còn rung động và ngạc nhiên nữa, cái lưỡi đã mỏi rồi vì đọc thơ.
Và đến đây Kachia nhớ đến công việc có tính chất nghiên cứu của chính bản thân cô. Đối với chính mình, tự cô gọi công việc này là tổng quan xã hội nước Nga vào lúc năm chín trăm mười sáu sắp hết. Cô dự định nghiên cứu các giai cấp và các nhóm giai cấp của nước Nga, vạch ra chu tuyến của các đảng phái chính trị hiện tồn tại và phanh phui cơ chế quan hệ của các đảng phái ấy với xã hội. Cô đã thu thập được nhiều tài liệu, văn kiện, nhiều tập thống kê. Trong số những cuốn sách trình bày các mặt này mặt khác của thực tế nước Nga hiện tại có một số tập về các tỉnh lỵ. Với một giá hoàn toàn không đáng kể gì Kachia đã mua lại của một ông hàng sách cũ ở đại lộ Lichâynơi một cuốn sách khá dày với cái nhan đề «Tômxcơ». Bấy giờ, giở cuốn sách này, nghiền ngẫm phần tổng quan sự phát triển các nghề thủ công và công nghiệp của cái tỉnh rộng lớn này, Kachia không thể ngờ rằng số phận lại ném cô đến cái thành phố này, rồi sau đó bắt cô nhập vào cuộc sống của nông dân Xibiri.
Lúc này trong tiếng rú rít của gió, ngồi suy nghĩ về ý định của mình, Kachia cảm thấy rằng nếu như bao giờ đó cô có thể quay lại với công việc vừa bắt đầu, thì nhất định cô sẽ dùng đến các ấn tượng của mình trong thời gian ở Xibiri. Hàng loạt các luận điểm trong công trình của cô đòi hỏi phải nghiên cứu sâu hơn. Đặc biệt cần phải nghiên cứu một cách cơ bản các hình thức bóc lột. Trong những phác thảo đầu tiên của mình cô miêu tả khá đầy đủ các hình thức bóc lột hiển nhiên, trông thấy cụ thể.
Nhưng lịch sử cái làng Lukianốpca qua Dina kể lại cho nghe, cũng như lịch sử các quan hệ của nó với «ông chủ» làng này - Evơ Evơlampi Erơmilôvích - trong thời gian chiến tranh đã đẩy Kachia tới những suy nghĩ mới. Các hình thức bóc lột kín đáo tồn tại trong thực tế rộng hơn nhiều là cô đã hình dung ra, và tính chất quan hệ qua lại giữa kẻ đi nô dịch và người bị nô dịch thực sự ác liệt đến cực độ. Cần phải nắm được tài liệu thực tế mới. Chỉ có những chứng cớ thực tế mới có thể là cơ sở vững chắc cho các kết luận.
Chà, thật tiếc là trong tay cô không có bút chì và giấy! Mọi cái này cần phải ghi chép lại, để ý nghĩ khỏi bị quên đi.
Cái suy nghĩ về công trình nghiên cứu đang bỏ dở choán hết tâm trí Kachia. Cô ngẫm nghĩ, ngẫm nghĩ mãi... Kachia không đánh giá quá mức công việc của mình, nhưng cô cảm thấy sự việc bắt đầu một năm trước đây thật lý thú và cần thiết. Có thể, thậm chí cô sẽ in ra được công trình của mình ở đâu đó, còn nếu như chuyện đó sẽ không xẩy ra thì tất cả cái gì cô đã làm và sẽ làm, có ý nghĩa luyện tập trí óc, mài sắc quan điểm.
Cuối cùng Kachia thấm mệt vì suy tư, cô buồn ngủ. Và đến đây thì cô cảm thấy có ai đó gõ vào cửa sổ. Cô ngửng đầu lên, nghe ngóng. Gió vẫn rú rít như cũ, tuyết đập vào phía ngoài tường nhà, ống khói bếp kêu u u.
Kachia cúi đầu, nghĩ bụng: «Tai nghe nhầm. Trời đất thế này ai ra đường bây giờ?» Nhưng tiếng gõ lặp lại, và lần này mạnh, rõ ràng. Kachia bật dậy khỏi giường, đi đến bên cửa sổ. Qua cái khe hẹp còn chưa bị băng phủ, trong đêm tối, trong màn tuyết lồng lộn mịt mù, cô nhìn thấy hình dáng một người đang loay hoay phía ngoài bên cạnh cửa sổ. Cô nghe thấy tiếng đinh đóng gỗ bị bật ra kẹt kẹt, cô nín thở, mồ hôi lạnh đổ ra trên trán cô. «Ai thế? Ai thế mới được chứ?» - Kachia day dứt tự hỏi, cố nhìn thấu vào bóng đêm, vào tuyết, vào mặt kính cửa.
o O o
Tin về việc Kachia bị bắt, không phải do bố mà do anh Piốt Xcôbenkin mang về báo cho Masa. Khi bác Lukianốp lặng lẽ và xúc động vào nhà, Masa đã biết mọi chuyện. Tinh thần bải hoải, tụt đầu xuống vai, cô ngồi trong buồng con gái và thút thít khóc. Cô thấy thương Kachia, và cô thầm trách mình vì đã nhượng bộ và đưa cô bạn đến cuộc họp làng. Mặc dù bác Naximôvích không giao trách nhiệm cho Masa, bản thân cô cũng đã hiểu rất rõ rằng nhiệm vụ của cô là phải giữ gìn cho Kachia được an toàn. Cả bác Naximôvích, cả chính Kachia đều không lộ cho cô biết các chi tiết dẫn đến chuyến đi của Kachia từ Pêtrôgrát đến Tômxcơ, nhưng Masa đâu có phải con ngốc mà không tự đoán ra đôi điều. Một khi đã cử một người đi tới một nơi xa xăm thế này - có nghĩa là việc đó phải có lý do, vì những cái vớ vẩn người ta không cử đi một chặng đường xa như vậy. Masa có cảm giác rằng bây giờ mà gặp bác Naximôvích thì cô chẳng biết ăn nói thế nào để giải thích tại sao mọi chuyện vừa qua lại có thể xảy ra một cách đơn giản, đơn giản đến kinh ngạc như vậy. Hẳn là cô sẽ òa khóc, và có vậy thôi.
- Masa, trước đây con quả không biết gì về cô ấy hay con giấu? - bước sang phòng con gái, bác Lukianốp hỏi, ngoái nhìn lại sau xem bác gái Tachiana có vào phòng không.
- Con biết, bố ạ. Chị ấy không chịu nổi những lời giả dối, - nức nở bật lên khóc, Masa nói.
- Con sắp là cô dâu rồi, mà còn mau nước mắt thế ư, - ông bố trách nhẹ con gái và, im lặng một lát, cao giọng tiếp: - Bản thân con, coi chừng đấy, đừng có dính vào. Cô ấy, rõ ràng là một cô gái đã từng trải. Có thể, cô ấy còn xoay xở tự gỡ ra được.
- Bây giờ thì con biết làm thế nào, bố, con ở lại đây hay chuồn về thành phố? - Masa hoang mang hỏi và nhìn thẳng vào mắt bố. Trong đôi mắt bố, cô thấy cả sự nghiêm khắc cả sự thông cảm...
- Tạm thời cứ ngồi đấy. Không có thì bất cứ ai cũng thấy rõ là: nhà Lukianốp nói láo, làm như thể cô gái kia chỉ là khách vãng lai. Bản thân cô ấy đang chứng minh điều đó, giả vờ là một người chạy loạn. Còn nếu như cô ấy không tự cứu gỡ được thì khi ấy con đi. Ở đấy anh chị em sẽ khuyên bảo nên thế nào cho khéo hơn.
Bác Lukianốp vừa nói hết lời, cửa liền mở, bác gái Tachiana bước vào, vung cái xô không. Bác vừa mang nước uống cho con bò sữa, rồi thuận đường hàng xóm bác chạy ghé sang chị góa Uxtinhia Egorôva. Hết chuyện nọ xọ chuyện kia, hai người chuyện trò đủ thứ. Chị Uxtinhia đi họp làng về, kể lại cho bác gái Tachiana nghe đầu đuôi những gì đã xảy ra ở đấy. Bác gái Tachiana thở dài, xúc động vung hai tay lên. Tất nhiên, chân lý là sự nghiệp thiêng liêng, người ta vì nó mà chịu hy sinh, nhưng một cô gái, lại là một cô gái xinh xắn như Kachia, thì len vào những chuyện lo nghĩ mugích trần tục mà làm gì kia chứ?
- Sao bà nó làm ầm ĩ lên vô ích như thế kia chứ? Cô gái hóa ra không hẳn là bạn gái của con Masa, mà là chính trị phạm. Lão quản đã bắt giữ cô ấy rồi...
Bác gái Tachiana dường như bị ai đó đánh vào đầu. Bác nhào đến bên bàn, ngồi bạch xuống ghế dài, mếu máo:
- Ôi, chạy mau đi, con gái, chạy đi... Mẹ linh cảm con sẽ gặp tai họa... Mà không biết vì sao tất cả anh chị em chúng mày sinh ra đều vô tích sự như vậy?!
Masa rụt người lại, im lặng. Cả bác Lukianốp cũng chờ đợi, mặc cho vợ bác khóc than cho hả.
- Thôi đủ rồi, mẹ nó! Đủ rồi! - bác gay gắt nói. - Đừng có gán ghép gì cho con cái chúng ta, chúng không làm gì xấu xa cả. Cái chuyện Masa đưa cô Kachia về, thì có gì nào? Cô ấy đi khắp làng xóm không phải để mua vui. Nhân dân khao khát muốn biết sự thật.
Bác gái Tachiana bình tĩnh lại, lấy đầu khăn chéo lau bộ mặt khóc đầy nước mắt.
- Có thể, mang cho cô ấy bánh mì với sữa chăng? - bất chợt bác gái Tachiana lo lắng nói, lòng đầy thương cảm Kachia.
- Không cần, mẹ ạ. Chị ấy bảo có thế nào thì phải chối không dính dáng đến cô ấy. Nghĩa là, tôi không có hay biết gì cô ấy hết. Chẳng qua là cô ta gặp ở đường bám theo xin nghỉ trọ đêm, còn sau đó đi theo mọi người tới dự họp làng, - cố trấn tĩnh, Masa nói.
- Kể thì như thế đấy, nhưng bỏ mặc cô ấy thấy không đang tâm thế nào ấy, - bác gái Tachiana thở dài và lại xuýt bật khóc. - Cô bé dễ thương quá, cứ như đứa con mình đẻ ấy.
- Nhưng ai muốn bỏ mặc cô ấy? Phải suy tính, mẹ nó ạ, làm thế nào, ra sao, - cau trán và lấy các ngón tay chải bộ râu cằm, bác Lukianốp nói. - Tối nay tôi sẽ đến gặp lão Pheôphan, tôi sẽ xin với ông ta. Tôi sẽ bảo: cánh mugích giận ông, đồ ngốc ạ. Vì duyên cớ gì mà ông bắt giữ cô gái? Vì cô ấy đã nói sự thật cho nhân dân? Những người ở mặt trận trở về, vì cái trò mẫn cán này, họ sẽ xoắn cho một trận - cứ là chết dở.
- Bố ạ, không xiêu lòng được ông ta đâu. Lẽ nào ông ta bằng lòng? Nếu như không có cái bà béo ấy đến cuộc họp, thì may ra còn cứu vớt được, - Masa nói lên ý kiến của mình.
- Nhưng dù sao đi nữa, con gái ạ, làm thử thì có mất gì. Cứ để bố đến gặp ông quản. Cứ nói hết ngọn ngành. Vì sao ông lại đi chống lại mọi người? - bác gái Tachiana đưa cái nhìn lo lắng nghiêm nghị nhìn Masa: - Con choi choi của mẹ, con đừng có mà nghĩ đến cái chuyện đi theo con đường như thể Kachia... Một thằng Paven đã là đủ... Không ráo được nước mắt. - Nhớ đến anh con trai bị biệt tung tích, bác gái Tachiana lại khóc, và những giọt nước mắt to nặng chảy trên hai má đã chớm nhăn của bác.
- Đừng có dày vò mình nữa, mẹ nó, nước mắt không xóa được đau thương đâu. - Bác Lukianốp cúi đầu xuống, không biết an ủi vợ như thế nào.
...Sau một phút, còn lại một mình trong buồng, Masa nằm xuống giường, lại ôn lại trong óc mọi chuyện vừa xảy ra mấy giờ qua. Và cô bỗng thấy khổ tâm vì cô đang nằm đây ở nhà mình trong chăn đệm êm ấm, sạch sẽ, cam chịu với số phận của Kachia, yên lòng vì chuyện tối đến bố cô sẽ đến thuyết phục lão quản thả Kachia ra. Không lẽ ngay tức khắc bây giờ không thể làm điều gì được ư? Masa nhớ lại là năm ngoái trong thời gian đình công cô đã cùng với một nhóm công nhân đi giúp đỡ những người bị bắt. Bấy giờ họ đã không chờ tối đến, mà hành động mau lẹ, kiên nghị. Lọt vào văn phòng cảnh sát trưởng, họ đã tỏ ra vững vàng, thưa chuyện một cách đòi hỏi, nên viên cảnh sát trưởng cảm thấy rằng sức mạnh thuộc về họ. Chủ tịch ủy ban đình công và phó của ông đã được trả tự do.
Masa bật dậy khỏi giường, đi đi lại lại trong buồng, suy tính xem có thể làm được việc gì. Đủ các phương án khác nhau hiện lên trong đầu cô. Có thể, tự cô tìm đến cái bà kia ở nhà ông cha đạo, và thưa chuyện rằng không phải một mình Kachia kêu gọi làm cách mạng, mà cả cô, Masa, cũng cùng với Kachia trong mọi chuyện và ở mọi lúc. Cứ ra lệnh cho lão quản bắt giữ cả cô đi. Cô không sợ hãi chút nào phải ngồi tù cùng với Kachia. Mà có thể, tập họp bọn thanh niên ở mặt trận về? Nói với anh Timôphây cùng với cô đi đến khắp mọi người, thuyết phục những người có thể dao động, sau đó cùng nhau kéo đến lão quản và đòi phải trả tự do cho Kachia?
Masa không thể dừng lại ở điểm nào cả. Đi đến gặp bà ta... Đứng ngoài mà nhìn - cái đó có vẻ vừa là có tình đồng chí vừa anh hùng, nhưng nếu xét sự việc một cách nghiêm chỉnh - thì đấy là trò trẻ con, nghịch ngợm. Chúng sẽ tống cả Kachia, cả cô, Masa, đến cái nơi xa lắc xa lơ, mà cái sự can đảm như vậy đem lại lợi lộc gì cho ai? Còn về anh em ở mặt trận về - ý đồ đáng giá đấy, nhưng chẳng lẽ có thể dựng họ dậy trong một hai giờ tức khắc? Chỉ cần đi được đến đủ mọi nhà cũng cần đến nửa ngày rồi. Mà trong thời gian đó Kachia đã bị quẳng lên xe trượt tuyết chở ra tỉnh cho cảnh sát...
Masa quyết định bàn bạc thẳng với bố, nhưng bố cô đã đóng ngựa và đánh xe vào rừng lấy củi. Đáng ra bố đã phải trở về nhưng, có lẽ, vướng mắc ở đâu đó.
Nhưng bỗng Masa nghe thấy tiếng cánh cửa đập mạnh. Có người nào đó vào nhà. Cô lắng nghe tiếng trò chuyện.
- Lại là cháu đây, bác Tachiana.
- Vào đi, Piốt, vào đi.
- Thế Masa có nhà hay không ạ?
Masa nhận ra ngay giọng nói người vừa vào. Đấy lại là Piốt Xcôbenkin. Tại sao anh ấy đến? Có thể biết được gì mới về Kachia chăng? Mà có thể là do Timôphây phái đến?
- Piốt, vào đây, - Masa ngó ở buồng ra.
Không cởi bỏ áo ấm bên ngoài và thậm chí đội nguyên cả mũ, Piốt đi vào buổng trong.
- Masa, có điều bí mật, - hạ giọng, Piốt nói.
- Bí mật gì của cậu thế? - Masa hỏi chẳng hứng thú chút gì, cảm thấy là cô đã nhầm trong cái phỏng đoán: anh ta chẳng mang đến tin tức gì về Kachia, cũng như tin tức về Timôphây. Anh ta sắp sửa lại luyên thuyên đủ mọi chuyện.
Masa nhìn vào gương và sửa sang chút ít. Piốt dù có là người hàng xóm đấy và lại còn kém một tuổi, mới vừa qua cái tuổi thiếu niên, nhưng dù sao cũng vẫn là một chàng trai...
- Masa, tôi muốn đánh tháo cho Kachia, - Piốt đã chuyển giọng nói thì thào, lấm lét nhìn quanh.
- Thế là thế nào? - Sự thờ ơ của Masa lập tức bay hết. Cô nhẩy đến bên cậu con trai, nắm lấy thắt lưng của cậu ta, nhìn thẳng vào mắt. - Sao, Piốt, sao? Nói mau đi.
- Rất đơn giản, Masa ạ. Tôi đã xem xét mọi cái. Chị Kachia ngồi trong nhà chăn nuôi của lão Pheôphan. Cửa sổ căn nhà ấy trông ra đường ngõ. Phá bật khung cửa sổ ra là chuyện vặt không đáng kể. Lấy kìm nhổ đinh ra, bẻ ngoặt một cái, thế là xong. Hỡi con chim nhỏ, hãy bay đi ra trời xa!
- Piốt, con chim câu nhỏ của tôi... Kachia sẽ chết mất vì sung sướng.
Masa ôm lấy cậu con trai hôn vào má cậu ta. Piốt lùi lại nửa bước, nhếch miệng cười, nói:
- Dù cho có ngọt ngào thật đấy, chị Masa ơi, nhưng cũng chớ có đùa tếu. Anh Timôphây cứ là bẻ gẫy chân mất.
- Nhưng rồi sau đó thế nào, Piốt? Sau đó chúng ta làm gì tiếp? - lo lắng nhìn cậu con trai, Masa hỏi.
- Làm gì ư? Chẳng có gì hết! Đợi đêm, - cười gằn, Piốt trả lời.
- Một mình cậu nghĩ ra chuyện này ư?
- Thế liên quan gì đến chị? Thế nào mà chẳng vậy?
- Thì nói đi đã làm sao?
- Nếu thế thì không phải một mình. Cùng với anh Timôphây. Và còn với đôi người khác nữa...
- Với ai nữa?
- Sao mà chị cứ bám riết như cái lá nước tắm dính vào mông ấy?
- Cậu ngu lắm! Thì tôi phải biết ai là người nghĩ ra chuyện như vậy.
- Chị ngốc lắm, chị Masa ạ! Sống ở ngay nách người ấy, mà chị chẳng biết gì...
Đột nhiên bác Lukianốp nghiêm nghị bước vào buồng. Masa bối rối không biết nói gì trước mặt bố. Piốt bật lên tiếng cười vui vẻ.
- Này Piốt, bão tuyết bắt đầu rồi đấy, - bác Lukianốp nói. - Đêm đưa cô ấy ra khỏi làng không xong đâu. Đành phải đem giấu ở đâu đó quanh đây vậy...
- Thế thì đã sao? Cháu sẽ giấu ở nhà cháu. Cháu sẽ nói với mẹ cháu là cháu như Xtêpan Radin, đưa nữ hoàng Ba Tư về nhà, còn nếu mẹ cháu không tin, thì cháu sẽ bịa là đánh cắp cô dâu ở làng khác về cho Timôphây Tsernốp. - Piốt cười khoái trá, nhìn Masa đứng ngây ra vì kinh ngạc; trong đôi mắt nheo nheo của cậu ta cứ lóe lên ánh nghịch ngợm và ngang tàng.
- Đừng có vội vã, Piốt, - bác Lukianốp giơ tay lên. - Ngày mai cháu biết sẽ thế nào không? Gã quản với lão Philimôn sẽ đến từng nhà, lục lọi cho hết mọi nhà tắm với chuồng cừu. Chính bản thân họ có thể cũng chẳng chõ mũi vào đâu, nhưng mà cái mụ tru tréo ấy bắt phải làm. Mà một khi họ đi, thì trước hết sẽ đến nhà các bác đây, rồi sau đó là sang cháu. Cháu là hàng xóm, hai nhà thân nhau. Cháu hiểu chứ?
- Cháu hiểu, bác Xtêpan ạ. Mà đưa cô ấy đi đâu thì cháu không biết. - Piốt vung hai tay, nhìn bác Lukianốp với vẻ chờ đợi.
- Chỗ chắc chắn nhất, cháu Piốt này, là nhà của cụ bà Mamica, - sau một lát im lặng, bác Lukianốp nói. - Cháu cứ nghĩ mà xem, bao nhiêu cái lợi: ngay cạnh nhà Pheôphan. Chạy qua đường ngõ, vượt quá vườn rau thế là đến nơi rồi. Không cần gì phải là đi khắp làng, không làm cho chó sủa ầm lên, và không gặp ai hết. Còn nếu họ có đi khám xét các nhà thì họ chẳng dám đến nhà cụ bà Mamica đâu. Họ sợ cụ như sợ lửa...
- Thế thì có lẽ cháu phải chạy ngay đến cụ Mamica, nói với cụ ấy một tiếng. Vì cái công việc như thế chắc chắn cụ chẳng khước từ đâu. Có thế nào, cháu sẽ viện đến Chúa Giêxu và đức mẹ đồng trinh tối thiêng Maria, - Piốt lại vui vẻ, chụp sâu mũ lông xuống hai tai.
- Khoan đã, Piốt.. Cháu đã có việc rồi. Tự bác sẽ đến gặp cụ Mamica. Bác còn nợ cụ một pút bột mì mùa xuân. Vừa hay bác mang đến trả.
- Tùy bác, bác Xtêpan ạ, nếu bác có việc. Đến tối cháu còn lại thăm, - Piốt đồng ý và láu lỉnh nháy Masa, vội vã bỏ đi.
o O o
Qua bóng tối ban đêm và màn tuyết, Kachia không sao nhận ra ai đang phá cửa sổ vào với cô. Cô muốn mau chóng nắm lấy bàn tay của người giải phóng mình, nhưng khung cửa hồ như cố tình trêu ngươi, không làm sao chịu bật ra.
- Này tiểu thư, chị đấm vào khung cửa đi, - Kachia nghe thấy tiếng của ai đó bị gió rít át đi.
Sợ tiếng gõ sẽ gây chuyện chẳng lành, Kachia ấn mạnh cả hai tay vào khung cửa, và ngay trong giây lát đó gương mặt của cô bị gió lạnh với những hạt tuyết nhọn chà sát lạnh buốt. Khung cửa sổ dễ dàng bật ra, và Kachia nhận ra người giải thoát mình.
- Xin cúi chào tiểu thư. Tôi là Piốt Xcôbenkin. Bài thơ của tiểu thư đọc thấm đến tận đáy lòng tôi... Tiểu thư đưa tay đây và nhẩy thẳng xuống chỗ tôi. Mà nhanh lên, không có thì giờ đâu mà chùng chằng. Nghe thấy không, chó đã đánh hơi thấy chúng ta rồi đấy...
Quả thực, sân nhà gã quản Pheôphan, che khuất bởi bờ rào cao, vang lên tiếng chó sủa.
Trong chuồng gà. lũ gà mái kêu cục tác toáng lên.
Kachia chui qua cửa sổ, mắc đinh rách cả lưng áo lông của Đunhia. Gió thổi làm cô xiêu vẹo, cô ngã xuống tuyết, sặc không khí lạnh, Piốt không chậm trễ một giây, đặt lại khung cửa vào chỗ cũ, bẻ lại các đầu đinh về vị trí cũ.
- Nào, tiểu thư, dẻo chân lên! - cậu ta thét to vào bên tai và nắm lấy tay Kachia, kéo theo. - Tôi sẽ giấu chị ở nhà cụ Mamica. Chị biết không? Nhà cụ Mamica.
Piốt không thương hại gì Kachia. Khi cô ngã ở ruộng rau của cụ Mamica và vẫy vùng trong tuyết, cậu ta nặng lời:
- Đồ bò cái, chị làm sao vậy, tội nợ!
Đỡ cô dậy, Piốt đưa lưng cho cô.
- Hai tay ôm chặt lấy cổ tôi. Tôi kéo vậy.
Kachia định tự đi bằng đôi chân mình, nhưng không được, lại ngã. Piốt nổi nóng:
- Bảo ai thế nhỉ, ôm lấy cổ tôi!
Bây giờ thì Kachia không từ chối sự giúp đỡ của Piốt, mặc dù cô thấy xấu hổ bám vào lưng cậu ta.
- Thế có phải tốt hơn không, như thế này công việc của chúng ta nhanh chóng hơn nhiều... Mà chị tiểu thư ạ, chị nhẹ bỗng, vậy mà trông thì không phải gầy gò, ẻo lả, - Piốt lầu bầu, đi xuyên qua ruộng rau và vừa đi vừa vấp vào những luống đất bị tuyết phủ đầy. Đưa hai tay ra sau, cậu ta giữ ngang người Kachia, xốc cô lên, như một cái bao tải.
Kachia định buông hai tay ra khỏi cái cổ lực lưỡng của Piốt, tuột khỏi lưng cậu ta, nhưng tiếng thì thào tức giận của cậu chặn cô lại:
- Không được thế! Thấy không, lão quản đốt đèn lên trong nhà kia kìa. Quân quỷ quái, lão đánh hơi thấy rồi đấy!
Piốt tự hất Kachia ra, khi hai người vào khuất sau bờ rào cao sân nhà cụ Mamica. Ở đây gió đổi khác: nó lồng lộn cùng tiếng rú rít vang rền, nhưng bờ rào vây quanh không cho nó tha hồ lồng lộn.
- Thế mà tôi toát cả mồ hôi đấy, - Piốt nói và lấy ống tay áo lông lau bộ mặt nóng bừng nhễ nhại mồ hôi và tuyết tan chẩy.
- Đừng rủa tôi quá, - Kachia nói một cách biết lỗi.
- Nhưng chả nhẽ tôi rủa ư? Chị là người tỉnh thành, không quen đấy.
Piốt đứng ngây ra như trời trồng, không nhúc nhích, hơi thở dốc làm cậu ta nghẹt thở, cậu ta há mồm đớp những cánh tuyết bay lượn.
- Thôi, bây giờ thì chúng ta cóc sợ quỉ gì nữa! - cuối cùng Piốt bật cười và nhìn Kachia chằm chằm, nhìn thẳng vào đôi mắt lấp lánh trong tối của cô. - Thế nào, tiểu thư, chị lấy lại sức đôi chút rồi chứ?
- Tôi thì có can chi? Tôi nào có phải đi tí nào đâu, - Kachia cười.
- Thôi, ta vào nhà đi. Cụ già có lẽ chẳng ngủ đâu - cụ ngồi đợi.
- Ta đi.
- Tiểu thư phải ngồi im như con dơi nấp dưới mái tranh ấy. Khi nào mọi chuyện dâu vào đấy, chúng tôi sẽ báo hiệu. Lão quản với lão thôn trưởng rồi nổi khùng lên phải biết! Họ sẽ giật râu mình lẫn râu người khác cho mà coi! Liệu lại có thể xảy ra chuyện như vậy chăng? Người ta đưa tiểu thư đi ngay trước mũi họ!
Piốt đã hồi sức hẳn và vui vẻ lên đến mức tim Kachia thót lại: sự ngang tàng của cậu ta liệu không dẫn đến điều gì tốt đẹp chăng.
«Cậu ta liều lĩnh không phải vì mình, vì tự do của mình, mà bởi vì muốn trêu chọc lão quản và lão thôn trưởng, - Kachia nghĩ bụng. Sự ngờ vực len vào lòng cô, nỗi lo lắng thắt tim cô. «Mà không, chàng trai trung thực đấy, chẳng phản thùng đâu. Chẳng qua là rối rít, nghịch ngợm vậy thôi», - một tiếng nói nội tâm khác làm yên lòng cô.
o O o
- Cụ Xtêpaniđa, đón khách nào! - Piốt nói to, mở rộng cửa vào căn nhà cụ Mamica.
Lập tức từ đâu đó phía trên vang lại giọng nói phều phào của cụ bà:
- Con đưa cô ấy vào polati[17]. Chắc là cô ấy rét cóng rồi.
Trọng những giây phút đầu tiên Kachia chẳng nhìn thấy gì hết: chẳng thấy cái bếp lò, mà từ trên bệ nắp bếp vẳng lại tiếng bà cụ, cả cái phản treo mà cô phải trèo lên đấy, cả cái giường đặt ở góc nhà, cả cái bàn bị ấn vào góc, dưới bàn thờ tượng thánh. Cô lần vào một phía nào đấy, đầu gối vấp phải một cái thùng gỗ nhỏ và cô giật mình dừng lại. Cái gáo sắt bị vạt áo lông vướng phải rơi xuống, kêu váng lên trong im lặng.
- Tiểu thư, chị làm sao vậy, cứ như chó con chưa mở mắt ấy? - Piốt cười.
Cậu ta cầm tay Kachia, đưa đến bên bếp lò.
- Bỏ giầy lông, áo lông ra, đứng lên bục cao, tôi sẽ đưa chị lên.
Kachia cởi bỏ đồ ngoài, nhưng chẳng nhìn thấy bục cao, cũng như phản treo.
- Đây, chị đứng lên đây. Piốt nắm lấy chân cô, để lên bục cao. - Bây giờ nắm lấy thành phản.
Kachia sờ sẫm thấy góc phản, bám lấy đó. Piốt ôm lấy cô, nhấc lên:
- Trèo lên.
Cuối cùng Kachia cảm thấy cái phản dưới người, đu một chân lên, rồi chân thứ hai.
- Cái mông của chị, tiểu thư ạ, cứ như cái gối ấy, - Piốt cười hô hố. - Thôi, chị khỏe mạnh nhé! Cụ Xtêpaniđa, cụ trông nom khách nhé.
Cánh cửa sập lại và Piốt biến mất. Trong căn nhà trở nên im lặng. Chỉ có tiếng bão tuyết rú rít và những nhịp thở nén lại của bà cụ vẳng đến tai cô.
- Cảm ơn cụ, nhờ cụ cho nương nhờ, - Kachia thì thào, không hy vọng là cụ bà Xtêpaniđa nghe thấy. Nhưng, mặc dù tuổi cao, tai cụ vẫn rất thính.
- Cháu gái ạ, không việc gì phải e ngại. Trong nhà không có ai đâu, - bà cụ nói.
- Thế chẳng lẽ cụ sống có một mình thôi ạ? - Kachia ngạc nhiên, nhớ lại những gì bác Tachiana kể về cụ Mamica.
- Cầu chúa đừng bắt phải sống một thân một mình trên trái đất. Có hai đứa cháu với đứa con gái cùng sống ở đây. Chúng đi sang xã Daretenaya xay bột. Ở bên ấy các gia chủ đều khá giả cả, họ sống thành ấp nhiều hơn. Cả lúa mì cả gia súc của họ cũng đều vượt xa chúng tôi. Đất ở đấy mầu mỡ hơn, đồng cỏ rộng hơn. Cháu con già mới vội tìm sang, trước khi dân ở các xã khác ùn ùn kéo đến. Cháu gái ạ, ngày nay con người ta sục đi khắp thế gian kiếm miếng bánh ăn còn hơn cả sói đói. Cái bụng đòi phần của nó.
Cụ Xtêpaniđa thở dài, thì thầm đọc kinh.
Kachia im lặng, thu xếp nằm trên phản sao cho thoải mái hơn. Cái áo lông của cô lạnh cóng ngoài gió tuyết chưa kịp ấm lên. Cô quấn tròn lại đặt xuống làm gối. Ở đây ấm áp, sực mùi ngải cứu, đất sét, nỉ.
- Cháu gái ngủ đi. Buổi sáng sẽ minh mẫn hơn chiều hôm, - vừa sột soạt quần áo, bà cụ vừa nói.
- Cháu cố ngủ bà ạ. Bà cũng nghỉ đi.
Kachia rất sợ rằng ngay lập tức bây giờ trước khi trời sáng, bà cụ lên tiếng hỏi han ngọn ngành chuyện nọ chuyện kia, mà cô còn chưa chuẩn bị đón câu chuyện như vậy, Mọi việc xẩy ra quá nhanh, nhanh đến kinh ngạc, cô vẫn còn chưa tin rằng cô đã không còn trong căn nhà của lão quản, mà đang ở trong căn nhà của cụ già lão làng Lukianốpca - cụ Mamica, người mà tất nhiên là không tố giác cô, mà sẽ che chở cho cô, một khi bằng lòng đêm hôm tiếp nhận cô. Kachia còn chưa thể ngủ được, cô còn phải suy nghĩ nhiều việc. Nhưng cô đã thiếp ngủ nhanh hơn nhiều là cô dự định. Suy nghĩ đến hoàn cảnh mới của mình Kachia quyết định rằng cô sẽ cởi mở hết với bà cụ. Tất nhiên bí mật của Đảng cô không tiết lộ rồi, nhưng cũng không giấu giếm các quan điểm của mình. Quyết định như vậy, Kachia yên lòng, co hai đầu gối thu lên bụng, để lòng bàn tay lên má, như cô vẫn thích làm như vậy tự thuở bé thơ, và cơn buồn ngủ lập tức choán lấy cô.
Kachia tỉnh giấc vì tiếng trò chuyện trong căn nhà. Cô nghển đầu khỏi cái áo lông, lắng nghe.
- Bà cô Xtêpaniđa ơi, gió mới ghê gớm chứ, đứng không vững nổi. Chẳng trông thấy gì hết. Bờ rào gỗ của ta cũng tựa hồ tan rã. Tẹo thì cháu vấp phải nó đấy, - người đàn bà mau mồm mau miệng kể lể.
- Đến sáng mà còn chưa lặng đi, thì bây giờ ít nhất là còn ầm ĩ cho đến tối, - bà cụ nói và xách cái xô lên kêu lách cách, đưa cho người đàn bà nọ.
- Khoan đã, Anhixia, già có miếng bơ cất ở cái hũ, vú bò hẳn đã cứng ra vì giá lạnh, - cụ Mamica nói, và Kachia hiểu chuyện gì đang xảy ra: cụ già không còn có thể tự vắt sữa bò vì thế người đàn bà hàng xóm này mới sang, chắc hẳn đã có thỏa thuận trước rồi.
Người đàn bà quay trở lại căn nhà cũng phải ít nhất là nửa giờ sau. Trong căn nhà đã sáng dần. Kachia hé tấm rèm che khuất chỗ phản treo, nhìn thấy cụ Mamica và người đàn bà cao lớn mặc áo lông. Hai người đổ sữa vào các âu đựng, se sẽ chuyện trò:
- Cháu đã cho bò và cừu ăn rồi đấy, bà cô Xtêpaniđa ạ. Đến trưa bà cô ném thêm cho chúng, còn đến tối cháu lại sang.
- Thế thì tốt rồi, Anhixia. Cầu chúa ban cho cháu sức khỏe. Hôm nay cháu sẽ làm việc gì đấy?
- Chúng cháu đập lúa ở nhà ông chủ quán tạp hóa. May mà trước khi nổi bão tuyết đã kịp chuyển một đống lúa vào nhà chứa. Có cái để mà đập.
- Thế ở trong làng ấy, Anhixia, có nghe nói chuyện gì không?
- Mọi người đều nguyền rủa cái bà béo tỉnh thành ấy, còn cô gái trẻ thì ai cũng thương lắm. Sao kia chứ, chẳng lẽ ở cuộc họp làng cô ấy nói không đúng sự thật ư? Sự thật trăm phần trăm! Cánh mugích rất tức giận ông quản với ông thôn trưởng. Anh Đemian của cháu thế nào kia chứ? Còn có nửa người, một tay với lại một chân. Mà thế đã hết đâu chứ! Ấy vậy mà anh ấy bảo, hễ cánh lính ở mặt trận về chúng tôi ở đây tụ tập được đông hơn nữa, thì chúng tôi sẽ mau chóng xây dựng công sự cho các vị thượng cấp này... Anh ấy nói như vậy đó: xây dựng công sự.
- Thế kia đấy! Cái đó nghĩa là như thế nào kia?
- À là thế này, anh ấy bảo: trước đây có - và thế là không còn nữa. Thay vào chỗ của họ, chúng ta sẽ cắt cử người mình trong dân nghèo, người đã bị cái ách ngày đêm làm toạc cổ...
- Mà Anhixia, cháu tin già, người ta sẽ làm như người ta nói, và chẳng truy hỏi ai được. Đùa với dân là không xong đâu.
- Ôi, đúng, đùa với dân là không xong đâu! Một khi dân muốn - sẽ làm được theo ý mình, - Anhixia tán thành và vội vã ra về. - Còn này, bà cô Xtêpaniđa, cháu về đây. Tạm biệt bà cô đến chiều tối. Nhớ ném cho bò cái và cừu ít cỏ khô đấy...
- Già nhớ, Anhixia, già nhớ.
Khi bước chân Anhixia lắng đi, Kachia lên tiếng:
- Một sớm tốt lành, bà Xtêpaniđa!
- Ô, cháu đã tỉnh dậy rồi đấy à, con bồ câu nhỏ?! Chắc chắn Anhixia làm cháu thức hả? Cô ấy to mồm to miệng, Quen quát tháo với chồng. Anh ta tàn phế. Đã cụt mất một tay, một chân, lại còn điếc đặc nữa. Anh ta bị đạn trái phá vùi dập. Nghe nói người ta phải đào bới đất mãi mới moi ra được. Ngủ nghê thế nào? Già không biết bố mẹ cháu gọi cháu thế nào?
- Cháu tên là Kachia. Cháu ngủ ngon lắm, bà Xtêpaniđa ạ.
- Nếu vậy thì dậy đi. Để già đi ra cửa hiên nhìn xem có ai đi lang thang ở gần không. Dù thời tiết có thế này, nhưng dù sao đi nữa...
Tuy vậy, cụ Xtêpaniđa chưa kịp ra cửa: ngoài phòng đệm đã nghe có tiếng chân lạch bạch, và mở toang cửa, chị Anhixia thở hổn hển chạy vào nhà.
- Bà cô Xtêpaniđa, bà cô nghe này, trên trần thế này có chuyện gì không xảy ra kia chứ! - người đàn bà vội vã lên tiếng. - Cái cô gái trẻ ấy chạy khỏi nhà gia súc của ông quản rồi. Ông Phêôphan với ông thôn trưởng đang đi lùng cô ấy khắp làng. Thấy bảo, cái bà béo bụng hung hăng ấy ra lệnh: bới đất lên cũng phải tìm cho ra cô gái bỏ trốn...
- Ừ, sáng danh Chúa, Anhixia, là cô gái đã chạy trốn được. Cô ấy chẳng có tội lỗi gì hết. - Cụ Xtêpaniđa quay lại phía bàn thờ ảnh tượng thảnh, đưa tay làm dấu.
- Xin đức mẹ trên trời, hãy ban cho cô ấy may mắn, - Anhixia vội vã phụ họa và, vươn dài cổ, chụm ba ngón tay vung lên cố làm dấu theo kịp cụ già.
- Anhixia, thế người ta có nói, là cô gái đã chạy trốn thế nào hay không? - cụ già hỏi, đứng dưới cái phản treo và tính chừng là Kachia sẽ nghe thấy tất cả câu chuyện.
- Sao lại không, bà cô Xtêpaniđa, người ta nói chứ! Và quả là chuyện thần kỳ! Sáng sớm ông Phêôphan hình như mang thức ăn đến cho cô. Ông ta mở khóa vào nhà, nhưng trong nhà không có ai cả. Ông ấy chạy đến bên cửa sổ - cửa sổ nguyên vẹn. Ông ấy leo lên bếp lò - ở đấy cũng không. Ông ta chui xuống gầm sàn - ở đó cũng chẳng có ai. Ông ta mới gõ lên trần - các tấm ván đều nguyên vẹn. Chạy ra ngoài trời: cửa sổ đóng từ mùa thu thế nào, vẫn nguyên vẹn như thế. Dấu vết không có gì hết. Tuyết dồn lại chung quanh cao có đến hai ácsin. Cứ là chết nghỉm ở đấy, có thế thôi! Nghe bảo, ông Phêôphan mới lẩm bẩm: «Cái cô gái ấy thật là phù thủy! Lạy chúa, đúng là phù thủy! Chắc là bỏ trốn ra qua đường ống khói!»
Cụ Xtêpaniđa lắc đầu, chê trách nói:
- Phù thủy... Cái anh chàng Phêôphan thật là đồ ngu. Có thể, chính chúa thượng đế đã giúp cho cô ấy cũng nên. Đúng vậy thì sao?
- Ấy, chính là nó như thế đấy, bà cô Xtêpaniđa ạ, - người đàn bà đồng tình và tiếc rẻ là chị phải vội tới chỗ đập lúa, nhanh chóng ra khỏi cửa.
- Cháu gái, cháu đã nghe cái anh chàng quản cảnh sát gọi cháu lên như thế nào không? - bà cụ cười khẩy hỏi. - Chà quân đểu cáng, chà đồ biển thủ!..
- Cháu nghe thấy rồi! - Kachia vui vẻ nói và tụt xuống khỏi cái phản treo.
- Nhưng cháu vẫn phải cẩn thận, cháu gái ạ. Tất cả bọn họ hiện đang đi lục soát: cả nhà cửa, cả nhà hong lúa, cả nhà tắm. Họ biết rõ chứ: thời tiết này không ra khỏi làng được đâu.
- Thế liệu họ có đến nhà bà không?
- Có thể. Nhưng cháu không phải sợ. Bây giờ cháu đi ăn đi - rồi thì lại lên phản treo. Phía bếp lò già sẽ lấy bao lông cừu che đi, còn đằng này tự già sẽ nằm che. Chỉ có điều bọn họ đến cổng là phải nghe thấy, chớ lãng quên, mặc dầu cổng nhà già kêu rít đến cách một dặm vẫn nghe thấy.
Kachia chạy ra ngoài trời, quay trở vào, run lập cập:
- Chà, bão tuyết mới gớm! Mạnh hơn cả hồi đêm!
Cô rửa mặt ở trên cái chậu rửa, rồi ngồi vào bàn. Bà cụ đẩy cái cốc đựng sữa, một khoanh bánh mì đen hình lưỡi kiếm tới trước mặt Kachia và phần mình cũng lấy một cái cốc, một khoanh bánh như vậy. Chỉ có điều trong cái cốc của cụ là nước. Kachia thấy ngượng trước bà lão. «Mình thì nhịn nhường, còn bao nhiêu dồn cả cho ta», - trong đầu cô thoáng nghĩ.
- Bà Xtêpaniđa, bà rót cho cháu nhiều sữa quá. Để cháu sẻ bớt cho bà, - cô đề nghị, cầm cái cốc của mình lên.
- Cháu gái ạ, sữa còn đấy. Hôm nay là ngày già ăn chay, - cụ già nói để Kachia yên lòng và mời Kachia. - Mà cháu gái ăn đi, đừng có nghển nhìn già. Cái tuổi già ăn uống chỉ cần chừng này thôi! - Bà cụ đưa bàn tay gầy guộc, chĩa cái ngón út cong queo ra.
Kachia nhanh chóng uống hết phần sữa, ăn lát bánh, và trèo lên cái phản treo.
- Nếu trên ấy thấy buồn thì cháu gái có thể lại xuống đây. Bây giờ già dọn dẹp chút ít, cụ già nói.
- Bà Xtêpaniđa, bà có cần cháu giúp không ạ? - Kachia hỏi, cảm thấy hết sức mong muốn bắt tay làm một việc gì đó.
- Cháu gái ạ, già tự làm được, Già chẳng vội đi đâu cả. Còn cháu gái cứ leo lên đấy. Họ có thể bất ngờ ập đến, Cháu không để vật gì lại đây chứ? - cụ già xem xét xung quanh.
- Mọi cái trên người cháu cả, bà ạ, ngoài cái áo lông. Mà nó đã ở trên phản treo rồi.
Kachia thấp thoáng cái váy và khuất hẳn. Cuộn tròn lại, cô nằm im, lắng nghe tiếng rú rít của bão dông. «Ai nghĩ ra cái việc giải thoát mình nhỉ? Masa? Timôphây? Piốt? Mà có thể chính là bác Lukianốp? Nhưng dù ai nghĩ ra đi nữa, thì cũng là rất hay! Nếu không phát hiện ra mình ở đây, mình sẽ chuồn được đến Tômxcơ, ở đó, có thể mình sẽ gặp anh Ivan cũng không chừng».
- Cháu gái, cháu không ngủ đấy chứ? - bỗng nghe thấy tiếng cụ Xtêpaniđa. Cụ đang trèo lên phản treo.
Kachia nắm lấy tay cụ đỡ giúp cụ,
- Cháu gái, già tự lên được, đây không phải lần đầu.
Cụ già nằm xuống bên mép phản treo, gần như sát cạnh Kachia.
- Họ sắp đến đấy, - cụ nói một cách tin tưởng, dường như có người nào đó vô hình báo cho cụ biết việc ấy.
- Làm sao mà bà biết được? - Kachia hỏi.
- Tính thời gian thì đã đến lúc rồi.
Hai người nằm im lặng. Kachia giỏng tai nghe: liệu cánh cổng có kẹt tiếng không? Lão thôn trưởng với gã quản có bước lên cái bực thềm hiên nhà không? Nhưng chẳng có tiếng kẹt cổng nào cả. Gió vẫn rú rít bên ngoài tường như trước, và bên cạnh, cụ Xtêpaniđa thở khò khè trong ngực.
- Thế cháu gái đã có chồng hay chưa thế? - cụ già se sẽ hỏi.
Từ lâu Kachia đã đợi câu hỏi này, biết rằng một người như cụ Mamica, không để yên không hỏi han cô.
- Cháu còn chưa kịp lấy chồng bà ạ. Cuộc sống của cháu nó như vậy...
- Cuộc sống có như thế nào đi nữa, cái chuyện lấy chồng cũng vẫn cần thiết. Đó là cái chuyện thượng đế đã định cho chúng ta.
- Nhưng mà lấy bất cứ ai gặp thì sợ lắm, mà người mong ước thì còn chưa gặp.
- Đi tìm, cháu gái yêu ơi, tìm lấy người xứng đáng. Phải sống suốt đời với người xa lạ thì là nỗi khổ đau hơn tất cả mọi nỗi khổ đau, Qua bản thân già biết. Thượng đế bắt già trải qua hai đời chồng, Người chồng đầu khi chết đi, già ở lại góa bụa một nách ba con nhỏ... Tất nhiên, thoạt đầu khó khăn, nhưng dù sao đi nữa già cũng cảm thấy tự do. Tâm hồn như được cởi xích. Mười tám năm già sống góa bụa. Ngang hàng với đàn ông ở ngoài đồng ruộng cũng như trong công xã. Đến năm bốn mươi hai tuổi già lại đi bước nữa. Khi người chồng thứ hai chết - hai người chỉ sống với nhau cả thẩy được có tám năm trời, - già cảm thấy cả thế gian như tối sầm cả lại. Dù rằng ông ấy không phải bao giờ cũng bình tĩnh, cũng âu yếm. Có khi, còn đánh cả già nữa...
- Bà nói gì thế vậy?! Vì sao lại đánh? - Kachia chống khuỷu tay nhổm dậy, ngạc nhiên vì lời lẽ của bà cụ.
- Chẳng vì sao cả, cháu gái ạ. Chả là có điều mê tín: nắm đấm của đàn ông làm cho đàn bà trẻ ra.
- Điều mê tín man rợ, bà Xtêpaniđa ạ! - Kachia tức giận.
- Ấy, đừng có nói thế, - bà cụ bình tĩnh bác lại. - Già nhận thấy ở bản thân mình cũng như qua các người đàn bà khác: những vết thâm tím qua đi, thế là mặt mũi cô dường như trông khá hơn hẳn, đẹp ra, mà thân thể thì rắn chắc hơn và trẻ trung ra...
- Bà Xtêpaniđa, bà nói gì vậy? Làm sao lại có thể để xảy ra chuyện thượng cẳng chân hạ cẳng tay vậy! Đó là chuyện dã man!
- Ấy, tùy cháu gái muốn gọi thế nào thì gọi, nhưng già chỉ nói tâm tình của mình cho cháu gái thôi, - bà cụ nói một cách cương nghị.
Kachia không tin tai mình nữa. «Lạy chúa, sự tăm tối nó ăn sâu bắt rễ mới gớm chưa!.. Mà đấy là lời nói của người đàn bà già thông minh có tiếng nói dẹp yên các đam mê của cả làng... Vậy thì còn chờ đợi gì ở những người đàn bà nông dân khác, số kiếp làm cho khiếp nhược hơn?!»
- Một khi tìm được người xứng đáng, cháu gái ạ, tự trái tim sẽ chỉ cho thấy: người ấy đấy. Nó sẽ không còn tiếp nhận ai khác nữa, - cụ Xtêpaniđa nói tiếp, không hề bối rối chút nào bởi việc cô khách bất ngờ vừa sôi nổi và nóng nảy tỏ ý không đồng tình với cụ.
Đột nhiên tiếng cánh cổng rít lên, các bậc tam cấp ở hiên cửa lên tiếng cọt kẹt và hơi giá lạnh ùa vào khung cửa mở rộng. Kachia thu lại cuộn tròn, máu dồn lên bên thái dương giần giật, con tim đập mạnh. «Lão quản!» - ý nghĩ thoáng lên trong đầu. Nhưng cửa đóng sập lại, người nào đó trong đà chạy ngã bạch xuống giữa nhà, và Kachia nghe thấy tiếng cười to vui vẻ của Piốt Xcôbenkin.
- Tiểu thư, này, tiểu thư, hóa ra là chị bị chó sói vồ rồi! - Tiếng cười làm Piốt sặc sụa, cậu ta lăn lộn dưới sàn nhà. - Bà Xtêpaniđa, bà đừng sợ, họ không đến nữa đâu. Họ đang ngồi ủ rũ, run rẩy. Cả mụ béo ở đằng ấy chắc hẳn cũng ỉu đi rồi...
Cụ Xtêpaniđa nhổm đầu dậy, còn Kachia vén rèm lên.
- Chuyện gì thế cháu? Kể lại đi, - bằng một giọng nghiêm khắc, bà cụ ra lệnh.
Piốt còn lăn lộn một hai lần nữa mới quì dậy, bỏ mũ lông chụp tai ra, vừa cười ha hả, vừa bắt đầu kể chuyện:
- Ông quản vừa nổi báo động một cái là cháu có mặt ngay tức thì. Ông ta gọi thôn trưởng đến, bảo gọi cánh mugích lục lọi các nhà, tìm ra người bỏ chạy. Đưa xẻng cho cả cháu. «Đồ bị thịt, mày cũng đi theo chúng tao, mày sẽ mở đường». - «Xin cho phép, còn cái chuyện đặt biệt danh thì để sau. Còn chưa rõ ai trong chúng ta là đồ bị thịt». Tất nhiên về điều ấy cháu chỉ nghĩ bụng thôi, còn đâu dám hé ra một lời nào. Mọi người ra đi. Ông ta lao đi trước như thằng phát rồ, thở hổn hển như con ngựa vừa phi về. «Con bé này là đồ phù thủy! Nó chui qua ống khói bay ra!» - ông ta quát lên về chị như vậy đẩy, tiểu thư ạ. Còn bản thân ông ta hết vào nhà này lại sang nhà khác, vào kho thóc, nhà tắm, sục sạo cứ như phát điên phát khùng.
Mọi người đi hết xóm trên, bây giờ xuống xóm dưới phải đi theo đường ngõ. Quãng này gió bão kinh khủng, đi xiên xiên vẹo vẹo chân không vững. Tuy vậy mọi người vẫn lần đi. Cánh mugích nguyền rủa ông quản với ông thôn trưởng thôi thì bằng đủ mọi lời lẽ. Còn hai người ấy, đồ chó má, cứ im như ngậm nước trong mồm ấy. Trời đã rạng sáng. Cháu nhìn thấy: phía trước có một gò tuyết. Cháu mới thúc xẻng vào đấy. Trong tuyết là một mảnh lông cừu. Bấy giờ mọi người rảo bước túm tụm quây lại. «Cái gì thế này không biết!» - người nọ hỏi người kia. Còn ông thôn trưởng be be kêu như con cừu đực: «Như vậy là, chính thế, có thể, thế đấy, cô ta bị chó sói vồ xé xác rồi». Cánh mugích nổi xung lên, lên tiếng chửi rủa ông quản: «Đấy chính là ông, cái lòng dạ lang sói của ông, đã để dã thú ăn thịt con người! Đây đúng là mảnh áo lông của cô ấy rồi. Vì cái tội này người ta không tha thứ cho ông, ở cõi đời này cũng như sang thế giới bên kia!» ông quản ngây ra, buông thõng hai tay, đứng đờ ra như mất trí. Ông thôn trưởng còn hoảng hồn hơn nữa. Trong cái bụng ông ta lục bục mạnh hơn cả gió. Ông ta lột quần ngay ở trước ngọn gió: «Anh em mugích, xin lỗi, mót lắm rồi, như là, chính thế». Còn các bác mugích thì quát ông ta: «Cứ phải lộn trái ông ra, ông là kẻ giết người thảm hại!». Anh Timôphây còn sục sạo xa hơn một chút, thúc cái nạng vào một đống tuyết, trong đó lộ ra chiếc ủng dạ. Đến đây thì cảnh tượng ai cũng thấy rõ hơn bao giờ hết: hẳn là tiểu thư muốn chạy ra đường cái quan, nhưng chó sói dường như đã rình chờ sẵn, xé xác chị ra từng mảnh, vứt xương với lại áo quần rải rác khắp bãi ruộng. Bây giờ thì tìm đâu cho ra hết những thứ ấy? Họa có đợi đến mùa xuân tuyết tan hết đã. Bấy giờ các bác mugích nổi khùng lên đến mức khủng khiếp. Cháu nghĩ: cả ông thôn trưởng lẫn ông quản đều hết đời thôi. «Các ông đi tìm lấy những người làm chứng cho mình ở thế giới bên kia, - các bác ấy quát tháo, - còn chúng tôi không phải đầy tớ của các ông!» và thế là ai về nhà ấy. Cháu cũng vác xẻng lên vai. Anh Timôphây đuổi kịp cháu, mà đôi vai anh cười rung bật lên. Anh ấy cứ khen cháu hết lời: «Khá lắm, Piốt! Có cậu thì yên chí lắm!». Bởi vì cái trò ấy, tiểu thư ạ, chính là tôi đã nghĩ ra đấy.
Kachia nghe Piốt Xcôbenkin, thò hẳn nửa người ra khỏi gác lửng. Cô hình dung rõ mọi chuyện đã diễn ra trong buổi sáng sớm cái ngày bão tuyết này. Bộ mặt cô, thoạt đầu đầy lo âu, nghiêm nghị, dần dần tươi tỉnh lại, và cô bật lên tiếng cười ròn rã.
- Piốt, chú thật là tuyệt vời! Đáng đời bọn họ! Mà rồi chúng ta còn cho bọn họ được nếm không chỉ những chuyện như thế!
- Cháu trai ơi, cháu quả là thích bông đùa, - không giấu giếm cái cười khẩy, cụ Xtêpaniđa nói. - Đánh lừa được bọn họ khá lắm. Bọn họ đáng đời. Chỉ có điều họ trở về, trấn tĩnh lại thì lại càng hung tợn hơn. Đừng có nghĩ là cháu đã dành phần thắng họ mãi mãi.
Tiếng nói tỉnh táo của bà cụ làm cho Piốt và Kachia cũng tỉnh táo ra chút ít. Trong giây phút đó hai người trẻ tuổi quên cả nghĩ đến điều nguy hiểm.
- Bà đừng dọa cháu, bà Mamica! Để rồi cháu còn cố sức và bày ra một trò đến mức mặt đất phải đảo điên lên ấy chứ! - Piốt huênh hoang, và trong giọng nói của cậu ta không cảm thấy chút ngờ vực nào ở sức mạnh của mình.
- Piốt, thế bão tuyết chưa dịu đi ư? - Kachia hỏi, thầm nghĩ: «Mình cần phải mau chóng rời khỏi Lukianốpca. Bà cụ cảnh tỉnh không phải vô cớ».
- Không dịu chút nào hết, tiểu thư ạ! Ông Anđrôn của tôi bảo, bão tuyết này phải hai ngày nữa cũng chưa tan - nhờ các khớp xương mà cụ biết.
- Vậy ở ngoài ấy cháu trai chớ có lơ là. Có thế nào: gõ ngay vào cửa sổ cho già, - cụ già nói khi thấy Piốt bật dậy và sụp mũ lông kéo đến tận lông mày.
- Cái đó nhất định rồi, bà Mamica ạ! Cháu từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa hề làm hại ai.
o O o
Chiều tối chị Anhixia lại đến, lấy cái xô đi vắt sữa bò. Chị ta làm xong công việc, trở về nhà mình, thì nghe thấy tiếng lọc cọc ở cửa hiên, và bác Lukianốp bước qua ngưỡng cửa.
- Chào cụ Xtêpaniđa, chào cô Kachia! - bác lên tiếng, đưa mắt nhìn nhanh bao quát căn nhà.
Bà cụ già ngồi đan bên bàn. Cụ đứng dậy đón bác Lukianốp, hồ hởi chào hỏi. Kachia nhận ra tiếng nói của bố Masa bèn vén cái ri-đô che phản treo.
- Ôi, ai kia chứ! Chào bác Xtêpan.
- Cái mưu kế của Piốt cứu cháu chẳng được lâu đâu, cháu Kachia ạ, - bác Lukianốp vội vã lên tiếng. - Bọn ác nhân đã thấy ra là bị lừa. Chúng lại đi các nhà, bắt đầu từ hai đầu làng. Con mụ Datunaixcaya ấy không tin rằng cô đã đi thoát trong thời tiết này, Kachia ạ. Mụ ra lệnh tìm ra bằng được cô, dù sống hay dù chết rồi...
- Bác Xtêpan, làm thế nào bây giờ? Thật cháu chẳng muốn lại rơi vào tay chúng một lần nữa chút nào, - Kachia thở dài.
- Vì thế tôi mới đến đây, đành đêm nay phải đi vào rừng taiga. Dù đi trong bão tuyết này sẽ khó khăn đấy, nhưng không còn cách nào khác được. Nếu không chúng sẽ bắt được cô.
- Thế bác Xtêpan, bác định đưa cháu gái đi đâu? Đến ấp mới chăng?
- Không, bà cô Xtêpaniđa ạ. Ấp mới chúng cũng sẽ không bỏ qua đâu. Tôi muốn giấu cô ấy ở chỗ ông cụ Okenti Xvôbôtnưi. Độ hai ngày, ba ngày gì đấy. Còn về sau thế nào sẽ hay.
- Chỗ ấy tốt đấy, chỉ có điều đường đi đến đấy quá ư gian nan.
- Chúng tôi nhất định tới nơi ấy, bà cô Xtêpaniđa ạ.
- Thế bọn chúng đã đến nhà anh chưa?
- Sục sạo mọi xó xinh.
- Có khám xét không? - lo lắng cho giấy tờ của giáo sư Likhatsiốp, Kachia hỏi.
- Ngó vào hầm nhà, vào chỗ để thóc, xem xét nhà tắm. Tôi nổi cáu với bọn họ. Khi chia tay hai bên còn hằm hè nhau.
- Đã lâu không có chuyện như thế, bác Xtêpan nhỉ. Có lẽ từ cái bữa bảy người chạy trốn trên đường bị giải đi đày. Bác có nhớ không đấy?
- Sao lại không, nhớ chứ! Tôi với bà cô đã giúp đỡ họ khi ấy. Hình như họ ngồi suốt một ngày dưới hầm chứa đồ nhà bà cô? Khi ấy tôi cũng đưa họ tới ông cụ Okenti Xvôbốtnưi... Vậy đó, cháu Kachia, cháu chuẩn bị sẵn sàng, chiều tối muộn một chút. Cháu đã trượt tuyết bao giờ chưa?
- Chút ít đã có trượt rồi ạ. Đi cùng với cha mẹ cháu đến một làng Phần Lan trong trại nghỉ, trượt từ trên núi xuống...
- Thôi được. Cháu đợi nhé.
Bác Lukianốp đi khỏi. Bà cụ xếp công việc đan lại, bắt tay lo bữa tối. Trong căn nhà đã tối hẳn. Nếu như không có những vệt ánh sáng từ cái cửa bếp lò sắt hắt ra, thì đến góc nhà cũng có thể nhầm lẫn - góc nào ở chỗ nào. Nhưng bà cụ già đi lại trong nhà rất lanh lợi, và Kachia không kịp theo dõi cụ. Đó, cụ vừa lạch cạch cái cửa bếp lò lớn, vậy mà qua một phút, dường như đã bay qua cả căn nhà từ đầu tường này sang đầu tường kia, cụ lại đã lách cách bày bát đĩa ở bàn.
- Cháu gái ơi, xuống mà ăn tối. Ăn cho khá vào, đường đi của cháu xa lắm đấy, - bà cụ cất lời mời, - đây bà còn để dành được một miếng mỡ lá, có cả khoai tây nướng bếp tro nữa.
Kachia tụt xuống khỏi phản treo, sờ sẫm tìm đến cái bàn, ngồi xuống chiếc ghế dài.
- Thế cái ông Okenti ấy là người như thế nào, bà Xtêpaniđa!
Bà cụ chần chừ không trả lời vội. Hẳn là cái ông cụ Okenti ấy không phải đơn giản đến mức có thể nói một điều gì đó cơ bản về ông bằng hai ba lời.
- Cháu không thể hiểu ngay ông ta là ai. Không hẳn là tên tà đạo, phá Chúa, không hẳn là người kỳ quặc sung sướng. Cháu sẽ tự quan sát lấy, - bà cụ lảng tránh câu trả lời thẳng.
Hai người ăn thư thả, vẫn không thắp sáng như cũ. Bà cụ già nhớ lại câu chuyện bẩy người khổ sai chạy trốn khi trước. Sự việc xảy ra vào mùa thu năm mười bốn. Đoàn tù chuyển từ Tômxcơ đến nơi mỏ quí. Người ta lùa đi một đoàn lính, sĩ quan, công nhân bị xử tội vì chống chiến tranh. Đoàn tù rất đông, đủ loại người, thật vui nhộn, mặc dù các án đều nặng: không ai dưới năm năm tù khổ sai. Vào giờ điểm danh buổi sớm đã xảy ra câu chuyện đánh lừa. Một số tiếng trả lời cất lên thay cho những người vắng mặt. Cuộc bỏ trốn của bảy người mãi khi đi trên đường mới bị phát hiện ra. Chuyện tương tự thường xảy ra không ít, nhưng chỉ là một hai người gì đó biến mất. Đằng này cùng một lúc bỏ trốn đến bảy người.
Người ta sục sạo khắp mọi xó xỉnh làng Lukianốpca, như lần cái áo lông cũ. Còn những người bỏ trốn trong lúc đó đang ngồi dưới nhà hầm chứa đồ ở ruộng rau nhà cụ Mamica. Căn nhà hầm cũ kỹ, đổ nát, không có nước băng. Chung quanh gai dầu mọc cao lút người vây kín như tường thành. Chẳng ai nghĩ đi tìm những người tù chạy trốn trong ruộng gai dầu. Đến đêm bác Eukianốp đưa những người tù đến nhà ông cụ Okenti Xvôbốtnưi, rồi từ đấy họ tìm về Tômxcơ.
- Bây giờ, cháu gái ạ, cả cháu cũng lại phải đi theo con đường ấy thôi, - cụ Xtêpaniđa kết thúc câu chuyện của mình.
Tối khuya, Piốt Xcôbenkin lại ầm ĩ ào vào căn nhà.
- Đã đến giờ chia tay, tiểu thư ạ. Bác Xtêpan đang đợi chị sau nhà hong lúa, gần rừng. Còn đây đến chỗ bác ấy tôi là người dẫn đường. Rất tiếc phải tiễn đưa chị đi khỏi làng Lukianốpca này! Nếu như có gì không nên không phải, tiểu thư ạ, xin chị bỏ quá cho. Có thể do ngu dốt nói gì đó quá lời, xin chị tha thứ cho, - Piốt nói nghiêm nghị, trong giọng nói của cậu ta không có sự bông đùa thường lệ, và điều này đã làm cho Kachia xúc động đến ứa nước mắt.
- Chú đâu có ngu dốt, Piốt, không, không đâu! Chú là một đồng chí trung kiên! Cho tôi ôm chú trước khi ta chia tay! - Kachia ôm lấy Piốt, vỗ vào lưng cậu ta. Sau đó ôm hôn bà cụ. - Bà Xtêpaniđa ạ, không phải ngẫu nhiên người ta gọi bà là Mamica. Cháu cám ơn bà đã cho cháu nương nhờ, yêu thương cháu, cám ơn bà dậy bảo cháu! Cháu sẽ nhớ bà mãi mãi!
Bà cụ sụt sịt nấc lên, giúi vào tay Kachia một mẩu bánh mì.
- Cháu gái ạ, để nó vào ngực áo. Dọc đường ăn lấy sức.
Vừa xuống khỏi bực tam cấp, ngọn gió tuyết quất mạnh ngay vào mặt Kachia. Hai mắt nảy đom đóm. Kachia co rúm người, khom xuống, chờ đòn giáng mới.
- Lấy khăn san che mắt lại, tiểu thư ạ, - Piốt khuyên bảo. Kachia kéo khăn xuống mũi, nhưng cơn lốc mới quất vào hai má cô mạnh đến mức cô cảm tưởng như máu tóe ra.
- Tiểu thư ạ, lấy tay che. Như thế này này, - Piốt đưa cái bao tay lên che mặt. Đòn thứ ba của trận lốc Kachia tránh được: lời khuyên của Piốt đã giúp cô.
Hai người trượt qua đường cái, theo lối ngõ hẹp đi xuống con suối đã đóng băng, đi dọc theo bờ suối cao. Dải bờ che chở chắc chắn cho họ khỏi bị gió quật. Chẳng bao lâu phía trước hiện ra dải rừng đen đen. Do vẻ bí ẩn bịt bùng của nó, trái tim Kachia nhói đau.
- Vậy là, tiểu thư ạ, hết đau khổ rồi - rừng đã bắt đầu. Trong rừng thì giữa bão dông cũng yên, - ngoái lại, Piốt nói. Cậu ta dường như thông cảm được tâm trạng của cô đối với cái bức tường đen này, xa lạ và hung dữ.
Có thể, Kachia cũng tin Piốt đấy, để ít ra cũng gạt bớt đi chút ít sự căng thẳng trong lúc này đang như gọng kìm siết chặt cô lại - từ chân lên đến đầu, nhưng chàng trai vừa dứt lời, thì đâu đó không bao xa vang lên một tiếng nứt nẻ rùng rợn, và đất rung lên vì tiếng nổ.
- Ô hô, bung ra mới ghê chứ, đồ quỉ! - Piốt chửi thề, còn Kachia vì hoảng sợ dừng lại mấy giây, lặng đi.
- Đừng hoảng, tiểu thư, bác Xtêpan sẽ dẫn chị đi như đi trên vỉa hè, - Piốt khoe khoang kiến thức của mình.
Còn bác Lukianốp đã đợi hai người. Bác bước khỏi cái cây tùng to sù chừng nửa bước, lên tiếng:
- Kachia đến tôi, còn cháu, Piốt, quay trở lại! Và để ý cẩn thận!
- Bác cứ yên tâm, bác Xtêpan! - Piốt kêu to và cùng với cơn gió thổi mạnh biến mất hút trong màn tuyết.
- Kachia, cô đứng lên đôi trượt tuyết. Tôi sẽ chỉ cho cô đâu vào đấy, - bác Lukianốp nói, lôi ở đâu đó từ dưới bụi liễu nhỏ một đôi trượt tuyết. Kachia tiếp nhận và ngạc nhiên là nó hoàn toàn không giống đôi trượt tuyết Phần Lan, mà trước đây cô đã từng trượt. Loại kia dài, hẹp, có khóa móc. Loại trượt này, ngược lại, hóa ra lại ngắn ngủn, rộng bản. Thêm vào đấy lại khâu phủ lông cứng.
- Loại thanh trượt này cháu chưa đi bao giờ, bác Xtêpan ạ, - Kachia nói, giọng ân hận, tay sờ nắn đôi trượt nhẹ nhàng, mềm mại, có giây khóa ở giữa và giây buộc kéo từ mép trước.
- Ở đây, đi loại trượt khác không được đâu, mà không đi không được. Đây để chân vào chỗ này. Tôi sẽ đóng giây khóa cho...
Kachia có cảm giác trong giọng nói của bác Lukianốp có ý trách móc. Cô vội đứng vào đôi trượt, nói:
- Cháu sẽ cố gắng, có thể, cũng học đi được.
- Tất nhiên, cháu có thể, - bác Lukianốp an ủi cô và bắt tay vào việc. Khua giây khóa lách cách, bác bảo cho hay là đi trên đôi trượt này dễ dàng thế nào. Sau đó bác biến đi một phút sau bụi cây và quay trở lại chân cũng đi đôi trượt rồi.
Hai người lên đường. Trong những lốc xoáy tuyết mịt mù, bác Lukianốp khi biến mất hẳn dường như tụt xuống âm ty, khi lại hiện ra ở khoảng cách chỉ một tầm tay với. Mặc dù đôi trượt hoàn toàn khác lạ, kinh nghiệm cũ vẫn có ích. Ngay ở quãng đầu tiên trên đường, Kachia đã quen rồi. Đôi trượt không trườn về phía sau: mảng lông khâu ở đế xù ra và hãm lại. Đặc biệt cái đó rất lợi khi leo lên gò cao. Do đôi trượt rộng bản nên nó vững chãi nằm trên mặt tuyết, không thụt. Kachia nhanh chóng hiểu được cả các ưu việt khác của loại trượt tuyết Lukianốp. Nếu nó dài, thì không thể cơ động trong rừng rậm taiga được.
Hai ba lần mép trượt của Kachia bị vướng vào bụi cây và thế là cô liền hiểu sai lầm của mình: cần phải kéo căng giây chằng lại. Kéo mũi trượt lên, những bụi cây nhỏ không cản đường nữa.
Kachia còn hiểu ra một điều khác: những sợi giây giúp giữ được thăng bằng, làm cho chuyển động được nhịp nhàng.
Đôi chỗ, bác Lukianốp rảo bước, và Kachia vất vả mới theo kịp, nhưng sau đợt chạy nhanh như thế bác lại cho nghỉ dài, và Kachia kịp thời lấy lại sức. Bấy giờ Kachia còn chưa biết cái điều mà bác Lukianốp biết. Rừng không phải chỗ nào cũng giống nhau. Có chỗ rừng mọc ở chỗ cát pha, rễ cây ở đấy thường bò trên mặt đất và khi có lốc tuyết xoáy là dễ dàng lộ cả ra. Bác Lukianốp sợ cho bản thân cũng như sợ cho Kachia. Trong bóng đêm tối, trong màn tuyết mịt mù dễ dàng lao vào thân cây bị gió quật đổ. Rừng taiga chốc chốc lại vang dội tiếng gẫy đổ răng rắc. Bác Lukianốp vội vượt qua thật nhanh những nơi nguy hiểm hơn cả. Kachia theo vết trượt của bác, và cái đó làm cho cô đi dễ dàng hơn. Cô chỉ chăm lo một điều: không tụt lại sau, không để mất hút người đưa đường của mình. Đôi trượt của cô cứ trượt đi theo vết trượt, như tự nó, không cần gắng sức gì lắm, và Kachia không đi chệch một lần nào.
Ở chỗ mương xói, lặng gió, bác Lukianốp dừng lại, xốc lại khẩu súng đeo sau lưng.
- Vậy là cháu Kachia, cứ coi là chúng ta đã đến đích rồi. Đến chỗ ông Okenti chỉ còn không quá hai vécxta. Mà cháu đi khá đấy. Thậm chí bác không ngờ. Mệt rồi chứ, hay chưa? - bác Lukianốp lấy túi thuốc ra nhồi tẩu, cái tẩu bao giờ bác cũng mang theo kè kè dự trữ. Trong gió thế này cuốn được điếu thuốc không dễ gì, mặc dù bác thích hút thuốc cuốn hơn.
- Thế bác cháu đã đi được bao đường đất rồi ạ, bác Xtêpan? - Kachia hỏi, đột nhiên cảm thấy mệt mỏi kinh khủng.
- Từ làng đến cái mương xói này năm vecxta, bác cho là như vậy. Còn theo đường cái, vòng vèo, từ làng Lukianốpca đến chỗ ông cụ Okenti phải mười lăm vecxta.
- Như vậy là bác cháu ta đi tắt?! - Kachia ngạc nhiên, nghĩ tiếp trong bụng: «Chà, hai vecxta nữa thì mình còn sức, chứ phải đi tiếp nữa thì hẳn mình đến xấu hổ mất thôi».
Bác Lukianốp không cho dừng lại lâu, hút thêm một hơi nữa, bác giải thích:
- Trong lúc trời còn tối, bác đã phải trở về làng rồi. Ta đi tiếp thôi.
Kachia vất vả chuyển động đôi chân. Hai đầu gối rã rời, bắp chân run run. «Bước đi, bước đi, bây giờ không còn bao xa nữa!» - Kachia thầm động viên mình. Sức lực dường như lập tức tăng thêm, cô trượt theo vết trượt của bác Lukianốp.
o O o
Ở đây, trong mương xói, dường như ở một thế giới khác. Gió rú rít đâu ở cao trên đầu, và lốc xoáy tuyết cuốn đi trên hai sườn trơ trụi của mương xói. Đi thoải mái, và Kachia ngạc nhiên khi bác Lukianôp quay ngoặt đôi trượt của mình, lên tiếng:
- Vậy là, ông cụ đây rồi, cụ Okenti Xvôbốtnưi. Bây giờ chúng ta sẽ gõ cửa.
Cách chừng hai chục bước Kachia nhìn thấy một ngôi nhà có hai cửa sổ đứng ở giữa những cây linh sam mới lớn vây quanh, phủ đầy tuyết. Chung quanh ngôi nhà không những không có sân, mà không có cả hàng rào. Không có bịch thóc. Cả chó cũng không thấy sủa người đến. Rừng âm u, bầu trời mù mịt, đất lành lạnh, và không một âm thanh sống động...
Bác Lukianốp lấy nắm tay đấm vào cửa sổ. Đợi một chút và lại đấm.
- Gớm chưa, cụ Okenti ngủ mới khiếp chưa! Không trả lời, không chào hỏi, - bác làu bàu, đấm tiếp vào thành cửa.
- Này, ai ngoài ấy?! Cứ vào, cửa không gài đâu, - nghe thấy tiếng từ xa vọng lại.
- Chào cụ, cụ Okenti! Tôi đây, Xtêpan Lukianốp đây. Ta vào đi, cháu Kachia, ông cụ chủ nhà cuối cùng cũng đã tỉnh dậy.
Bác Lukianốp và Kachia tháo bỏ đôi trượt, đi vòng quanh ngôi nhà và dừng lại bên cửa, ngập ngừng không vào.
- Ông cụ đi đâu rồi thế nhỉ? Không biết đã vào nhà chưa, hay bỏ đi đâu, - bác Lukianốp suy nghĩ thành lời.
- Vào đi, Xtêpan, vào đi. - Ông cụ Okenti ôm trên tay một ôm củi lấy ở đống củi trắng trắng giữa hai cây thông cổ thụ. Bác Lukianốp tránh đường, mở cửa, để chủ nhà vào trước.
Khi ông cụ Okenti đốt đèn lên, Kachia đưa mắt quan sát căn nhà và cả ông cụ Okenti. Ngôi nhà rộng rãi, tường bằng gỗ thân cây lớn ghép nằm. Ngoài cái bếp đất nện, cái bàn với chiếc ghế dài, cái giường gỗ mộc kê mễ, cái bếp lò nhỏ bằng sắt nhô ra hẳn giữa nhà, ở đây không còn gì nữa. Kể ra trên các mặt tường căn nhà, đặc biệt ở các góc nhà, còn treo những bó cỏ gì đó nữa.
Thấy rõ là chủ nhà không tiếc củi. Hơi ấm tỏa ra cả từ cái bếp lớn, cả cái bếp nhỏ cũng phừng phừng lửa, những khúc củi thông cháy bùng bùng. Nhưng tất cả những cái đó, mắt Kachia chỉ để ý lướt qua, bởi vì, khi nhìn đến ông cụ Okenti thì dừng ngay lại.
Kachia nhớ lại lời cụ Mamica: «Không hẳn là tên tà đạo, phá Chúa, không hẳn là người kỳ quặc sung sướng...».
Đó là một ông già gầy guộc có cái đầu tròn bù xù, bộ râu thưa không chải, bộ mặt nhăn nheo và cái mũi gợi cảm đến lạ lùng. Điều làm sửng sốt không phải là độ to của cái mũi, quả là lớn so với cái mặt gầy gò, đúng hơn là hom hem, mà là hình dạng của nó. Bắt đầu ở phía hai mắt đổ xuống là cái gốc mũi cao, đột ngột nó tỏa bè ra hai bên má, tẹt xuống. Còn cuối mũi thì hếch lên và tựa hồ như thách thức với cả thế giới chung quanh. Chỉ cần thoáng nhìn ông cụ Okenti là rõ ngay: con người khác thường, kẻ hay sinh sự, không hòa thuận được với người khác. Nhưng thực tế có như thế không, Kachia chưa biết. Ông cụ Okenti hất bỏ cái áo lông cũn cỡn ra, trên người còn mặc cái áo cánh vải gai thô dài đến đầu gối, chân đi ủng dạ, quần thùng rộng, ống bỏ ngoài giày, - ông cụ mời bác Lukianốp vào. Còn Kachia, dường như, ông cụ không nhận thấy.
- Xtêpan, thời tiết thế này anh đi lang thang trong rừng làm gì thế? - ông cụ Okenti sẽ hỏi bằng cái giọng the thé. - Tôi có thể sợ tiếng gõ của anh đấy. - Ông cụ lắc đầu trông thật ngộ nghĩnh, bật cười rè rè, đôi mắt nhỏ nhanh nhẹn nheo nheo của ông cụ tròn lại, sáng lên vì ánh đèn.
- Có việc cần, cụ cũng thấy đấy, cụ Okenti. Có điều xin cụ đừng có quở trách, - bác Lukianốp nói và nhanh chóng cởi cái áo ngắn bằng dạ của mình, đặt nó cùng cái mũ lông lên cái ngáng đóng trên tường.
- Vì cô kia hay sao? - ông cụ Okenti hất đầu về phía Kachia.
- Bị bám đuôi rồi, - bác Lukianốp giải thích vắn tắt.
- Cháu gái, cháu cởi áo ngoài ra. Vào cái phản kia kìa ngồi nghỉ, - ông cụ lên tiếng nói với Kachia, lần đầu tiên đưa mắt nhìn cô. Bây giờ ông già nói bằng một giọng rắn chắc, trầm trầm, và Kachia hiểu rằng người quen mới của cô biết thay đổi cho giọng nói của mình có các thanh điệu khác nhau.
- Cụ Okenti này, xin cụ giúp tôi để cho bạn của con gái tôi nương nhờ chỗ cụ một ngày, đến ngày kia lúc xế chiều nhờ cụ đưa cô ta đến làng mới. Và xin cụ đừng hé với ai một lời nào đấy. Bị bám đuôi rồi, - bác Lukianốp nhắc lại những lời đã nói một lần rồi.
- Chính bọn nó bị trời giáng mới phải! - ông cụ Okenti thốt lên một cách chắc chắn và kết thúc bằng cái giọng the thé: - Mà dù có ở lâu hơn cũng chẳng sao, cái ăn cái uống tôi tìm ra... Và rồi tôi sẽ dẫn ra đường tới làng mới. Có gì mà không dẫn ra được...
- Con đường đã được thử thách. - Bác Lukianốp đưa mắt nhìn ông cụ Okenti. Kachia nhận thấy điều đó và nhớ lại câu chuyện của cụ Mamica về những người tù được bác Lukianốp đưa từ làng đến chỗ ông cụ Okenti. Có thể, những người ấy cũng tìm tới được tự do theo chính con đường ấy...
Ông cụ Okenti lấy ở cái hốc rộng miệng bếp lò cái ấm chè to tướng, lôi ở trên giá bàn xuống mấy cái tách tròn gọt bằng gỗ, lấy ở dưới gầm sàn lên cái giỏ tròn đựng mật, đĩa đựng bánh mì không bằng vỏ bạch dương và mời mọi người uống chén trà sau chặng đường mệt nhọc.
Kachia rất thèm uống, nhưng cô còn thèm ngủ hơn nữa. Bỏng mồm vì nước sôi, cô uống hết tách nước cỏ lạc đà, rồi thẳng thắn hỏi:
- Thế cháu có thể nằm nghỉ một tý ở đâu đấy không ông?
- Sao lại không nhỉ? Mọi chuyện đều có thể được. - Ông cụ lôi ở nắp bệ bếp lò xuống một tấm vải gai, ném tấm vải vào góc nhà. - Đấy, cháu nằm đấy mà nghỉ.
Kachia lấy tấm áo lông của mình quận tròn vào người, cuốn mép tấm vải làm gối rồi nằm xuống. Cô không nghe thấy cả lúc bác Lukianốp ra đi cũng như lúc ông cụ Okenti tắt đèn, leo lên nắp bếp lò nằm. Cô đã ngủ giấc ngủ li bì của người mà sức lực bị dốc cạn đến cùng kiệt.
Kachia tỉnh dậy muộn. Các cửa sổ đều sáng và trắng toát vì tuyết bám vào. Bão tuyết hẳn là đã lặng đi. Gió đập vào tường mỗi lúc một bớt đi. Củi ở cái bếp sắt đã cháy lụi, và trong nhà trở nên lành lạnh. Kachia ném thêm củi vào bếp. Than vẫn còn cháy lom đom, vì thế không cần phải nhóm lửa lại.
Ông cụ Okenti bỏ đi đâu đó. Trên bàn có ấm nước trà, đã khá nguội lạnh, ngay bên cạnh là cái tách đựng việt quất, một xâu cá khô và bánh mì đen sấy khô. Kachia hiểu ra là: ông cụ chủ nhà không đợi cho đến khi cô tỉnh dậy, nhưng cũng không quên cô, để thức ăn lại cho cô. Có thể sống hết cả ngày ấy.
Trước hết Kachia làm vệ sinh cá nhân: cô rửa mặt mũi ở cái chậu gỗ, chải tóc kỹ càng. Mái tóc mầu anh đào thẫm đen của cô xổ ra, rối tung đến nỗi cái lược không chải được ngay. Vậy là đã hai ngày đêm cô không có lúc nào chăm lo được đến tóc. Ở trên cái phản treo của cụ Mamica chật chội, trần nhà không cho phép ngửng đầu, còn như hôm qua, sau chuyến chạy trốn qua rừng taiga đêm tối, cô đâu còn đầu óc nghĩ đến tóc với tai. Hình như chỉ mãi đến sáng sớm nay cô mới ráo mồ hôi... Rửa mặt, Kachia phát hiện ra hai vết xước cành cây trên mặt mình. Lạy Chúa, hai vết xước đã khô và không đau đớn gì.
Kachia thư thả ăn sáng. Trước mặt cô còn biết bao nhiêu thời gian, và phải có công việc gì đó lấp kín số thời gian đó. Trong các món ông Okenti để lại, cô đặc biệt thích món việt quất: to, mọng, ướp băng lạnh, ngọt quá, thơm quá. Kachia ăn hết cả số quả ông Okenti để lại, còn nước quả cô dốc ngược tách uống bằng cạn. Sau đó cô bắt tay vào thu dọn căn nhà. Quét nhà, rửa bát đĩa, cô bất giác suy nghĩ về ông chủ căn nhà. Nơi ở của ông, một người đã già lão, không thể gọi là bỏ hoang. Cái bàn rõ ràng là luôn được lau rửa bằng nước nóng, còn cái ghế dài kê sát bên bàn còn dấu vết được cạo. Kể ra thì ở các góc nhà đôi chỗ có mạng nhện chăng, song trong nhà không có ruồi. Kachia ngạc nhiên xem xét góc nhà: không có ảnh tượng thánh, không có cây thánh giá, cũng chẳng có bàn thờ - chẳng có gì hết.
«Ông cụ Okenti này, thực sự ông là người thế nào đây? Ngoại đạo? Vô thần? Khi nào ông cụ về, cần phải hỏi xem mới được». Kachia suy nghĩ, tiếp tục công việc thu dọn nhà cửa.
Suốt thời gian trong ngày, mấy lần Kachia ra khỏi nhà, nhưng chỉ đi độ hai mươi - ba mươi bước chân khỏi cửa, cô đã dừng lại: tuyết dồn thành những gò những đống cao, rừng thưa dần, gió thổi xiết.» Kachia vội vã quay trở lại nơi ấm áp. Nhớ lại chuyến di chuyển đêm qua trong bão tuyết và đêm tối, cô không tin ở mình nữa: không lẽ đó chính là cô đã đi cùng với bác Lukianốp, cô đã trượt bằng đôi trượt tuyết, cô đã chịu đựng được sự căng thẳng về thể lực như vậy ư?
Vẫn chưa thấy ông cụ Okenti về. Trong hoàng hôn chạng vạng, có một thân một mình ở nhà Kachia đâm thấy rợn rợn, trong đầu hiện ra đủ thứ chuyện tưởng tượng ghê sợ. Biết đâu đấy, có thể ông già đã vĩnh viễn bỏ căn nhà của mình? Cô là ai, Kachia này, đối với ông cụ là ai kia? Một kẻ đi tìm các chuyện phiêu lưu xa lạ, khó hiểu? Cô chết đói mất chăng? Hay chết cóng trong tuyết? Hậu quả điều đó sẽ ra sao? Xibiri chuyện đó đã từng thấy. Ở đây chuyện đó không có gì đáng ngạc nhiên.
Nhưng rồi ông cụ Okenti đã về và tỏ ra hơi bối rối là để mặc cô một mình quá lâu như thế.
Kachia thắp đèn, đang ngồi lắng nghe tiếng lạo xạo bên ngoài tường nhà.
- Ta không lượng đúng sức mình, cháu gái ạ. Định là trở về vào bữa trưa, nhưng thế đấy, bão tuyết không dịu đi cho, thổi ầm ầm cứ như ở bếp lò ấy. Nhưng ta lại mang được cá tươi về đây. Bây giờ ta làm cá rồi đưa lên chảo.
Ông cụ Okenti dốc cá bị băng lạnh ở bao tải ra ngay mặt sàn, cởi bỏ áo lông, mũ lông, rồi lấy dao, chảo, hộp muối ở đâu đó trên bếp lò xuống. Ông già sẵn sàng nhận sự giúp đỡ của Kachia, nhường cho cô cái xô nước, để ngâm cho cá tan băng lạnh và đánh vảy. Lúc này Kachia thấy ông già niềm nở hơn đêm hôm qua.
- Mà cháu gái, cháu có biết dùng dao không đấy? - ông cụ Okenti hỏi, nghiêm khắc nhìn Kachia. - Hẳn là người thành phố? Lại là con nhà giàu có?
- Cụ ạ, cụ không nhầm đâu, đúng cháu là người thành phố, mà cũng đúng là con nhà giàu có. Thế tại sao cụ lại nghĩ như vậy ạ? - Kachia tò mò hỏi lại.
- Thì trông ta biết. Ta đã sống trên trái đất chín chục năm rồi. Qua thời gian như vậy có thể cũng học biết được cái gì chớ. Cháu ở Tômxcơ hay ở xa tít đâu nữa?
- Người ở Tômxcơ. Nhưng có dịp sống ở các nơi khác nhau.
- Sinh viên?
- Vâng, đúng như vậy.
- Chà chà, - ông cụ kéo dài và rồi im lặng. Chắc hẳn, qua những điều ấy thôi ông cụ cũng đã đủ để có ấn tượng về lối sống của cô. Song các câu hỏi của ông cụ lại khơi sự tò mò ở Kachia.
- Thế thưa cụ, cụ đã sống ở đây lâu chưa ạ? - cô hỏi.
Ông cụ Okenti hất đầu lên, nhìn Kachia chăm chú, xét nét, chắc hẳn cân nhắc xem cô có đáng để ông cụ cởi mở không. Rồi ngẫm nghĩ nói:
- Vậy là ta dựng ngôi nhà này đã là lần thứ hai rồi đấy. Ngôi nhà trước mục nát mất từ lâu rồi.
- Nghĩa là ba mươi bốn mươi năm? - Kachia cố đoán thử.
- Gần gần như thế, mà có thể, còn nhiều hơn nữa.
- Thế sống một thân một mình cụ không thấy vất vả sao?
- Cái mà ta đi tìm, ta đã tìm thấy.
- Sao thế cụ, cụ chủ tâm đi tìm cảnh cô độc ạ? Có thể, do đạo giáo hay vì những hoàn cảnh nào đấy chăng?
Ông cụ Okenti im lặng hồi lâu. Cụ hiểu là Kachia muốn cụ chuyện trò cởi mở, tâm tình. Nhưng cụ không tin cậy đàn bà cho lắm, từ lâu đã tránh va chạm với họ, cụ vẫn cho là hễ đàn bà xuất hiện là đừng có mà chờ điều gì tốt lành. Nhưng trong con bé con này (từ tầm cao tuổi tác của mình ông cụ Okenti coi Kachia chính là một con bé con) có cái gì đó dễ có thiện cảm. Có thể, sự nghiêm túc trong con người cô? Mà có thể, cô do bác Xtêpan Lukianốp dẫn đến, đó là con người mà ông cụ Okenti tin cậy? Ông cụ Okenti không biết nên xử sự thế nào, nhưng chỉ cảm thấy rằng không thể lánh chuyện được.
- Ta là người không có đức tin, cháu gái ạ, - cuối cùng ông cụ nói và vêu cái mặt gầy gò ra đến lạ.
- Không tin vào mọi chuyện ạ? - Kachia hỏi, không rời mắt khỏi ông cụ Okenti.
- Không tin vào Chúa, không tin vào quỉ, không tin vào Sa hoàng, - chuyển từ cái giọng the thé sang cái thanh điệu rắn chắc và gay gắt, ông cụ Okenti trả lời, và đầu mũi của cụ hếch lên một cách thách thức.
- Nhưng, dù sao đi nữa cụ vẫn có tin vào điều gì chứ ạ? Không thể sống mà không có niềm tin. Chẳng hạn, cụ có tin vào cái gốc vật chất của thế giới không ạ? Hay vào hạnh phúc của con người? - trong những ngày cuối vừa qua Kachia ít được chuyện trò nên bây giờ cảm thấy thích thú được đưa ra những câu hỏi cho cụ Okenti. Cô tươi tỉnh ra, đôi mắt sáng ngời.
- Cháu gái ạ, ta sẽ nói cho cháu gái biết là ta tin vào cái gì, - đưa tay lên, ông cụ Okenti ngắt lời Kachia.- Ta tin vào Thiên nhiên. Trước chúng ta Thiên nhiên cũng đã vĩnh cửu và sẽ còn vĩnh cửu sau khi chúng ta không còn nữa. Và mọi cái sẽ vẫn tồn tại như đã tồn tại. Không biết có giống như khi chúng ta còn sống đây hay không, nhưng sẽ còn tồn tại. Mọi cái đều do mặt trời, cháu gái ạ. Mặt trời mà mất - cả trái đất cũng hết. Nhưng cái đó còn lâu lắm. Không thể tính toán ra được - con người chưa đủ sức để tính. Bởi vì trí tuệ của con người còn hẹp. Cái gì sẽ có sau này, ta không biết, nhưng sẽ phải có cái gì đó. Không thể không có cái gì hết.
«Nhà duy vật tự phát», - trong đầu Kachia thoáng qua, và cô lại hối hả thúc cụ già bằng câu hỏi như trước:
- Thế cụ tin vào hạnh phúc của con người chứ ạ?
- Con người ta trở thành bé nhỏ, đánh đổi cái tính người lấy tính thú vật, - ông cụ Okenti hất đầu lên, và đầu mũi của cụ nhọn ra, tựa hồ như vô hình muốn xuyên thấu vào đôi mắt tò mò của Kachia. - Thoát khỏi nỗi sợ hãi, cháu gái ạ, hạnh phúc của con người là ở chỗ đó... Cháu gái ạ, ta đi đến được cái đó trải qua bao đau khổ. Ách áp bức của nỗi sợ hãi đã rượt đuổi ta. Thoạt đầu là nỗi sợ hãi mà gia đình nhồi nhét cho. Nỗi sợ hãi trước cha mẹ. Sau đó là nỗi sợ hãi trước xã hội. Từ tuổi thơ ấu nỗi sợ hãi trước chúa trời treo lơ lửng như một đám mây đen dông tố trên cái đầu đáng thương của ta. Có lẽ, đó là nỗi sợ hãi lớn nhất. Còn nỗi sợ hãi trước Sa hoàng nữa. Rồi nỗi sợ hãi trước thế lực đen tối? Trước cái đói? Trước cái chết? Ta không sống, mà run rẩy, tâm hồn ta xưa bao giờ cũng thu lại vón cục...
- Thế bây giờ cụ coi là mình đã được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi? - Kachia hỏi, khi ông cụ Okenti im lặng.
Mọi cái ông cụ vừa nói không phù hợp với ấn tượng đầu tiên của Kachia về người chủ ngôi nhà này. «Một người ẩn dật, một nhà tu phá giới», - thoạt đầu cô quan niệm ông cụ Okenti là người như vậy. Bây giờ cô hiểu là mình đã kết luận vội vàng. Có lẽ ông cụ Okenti thuộc loại người gặp không ít trên đất nước Nga: người đi tìm chân lý, người sáng tạo ra lối sống đặc biệt của mình, người thí nghiệm xây dựng ra hạnh phúc toàn diện cho con người trên trái đất.
Từ lâu Kachia đã thấy rõ là những người như vậy không có sức mạnh có khả năng biến đổi xã hội nước Nga hay thậm chí thúc đẩy một cách nghiêm chỉnh nước Nga đi theo những con đường nào đó tiến đến chỗ đổi mới, nhưng bởi vì những con người này vẫn cứ hành động, đi tìm, suy tư, nên họ gợi ở Kachia sự thích thú và thậm chí đôi khi cả sự kính phục...
Cho dù ông cụ Okenti có ngàn lần không đúng trong các quan điểm của mình, cô cũng không có ý định khuyên can ông cụ điều gì, nhưng cô có bổn phận làm sáng tỏ quan niệm của ông cụ đối với thế giới, hiểu rõ các quan niệm của ông cụ về con người, lấy thực chất các suy nghĩ của người già, kinh nghiệm sống của ông cụ để kiểm tra lại một cách có phê phán nhận thức của chính mình. Cái điều lạ ở giữa rừng taiga hoang vắng, ở Xibiri, cô gặp một con người mà chắc chắn là có một cuộc đời lớn và gian truân, vừa làm cô ngạc nhiên vừa làm cô sung sướng. Điều làm cô ngạc nhiên là cuộc sống cô độc của ông cụ rất kỳ lạ, khác thường, và làm cô vui sướng và bởi vì tâm trí của cô vốn quen liên tục suy nghĩ, đối chiếu so sánh, nay nhận được nhiên liệu để làm việc.
- Và bây giờ cụ coi mình đã được giải phóng khỏi nỗi sợ hãi! - Kachia nhắc lại câu hỏi và ngồi thoải mái hơn trên chiếc ghế dài.
- Ta đã khắc phục được. Khắc phục vĩnh viễn, - ông cụ Okenti nói một cách tin tưởng.
- Cụ đã làm thế nào để đạt được điều ấy? Xin cụ kể cho cháu nghe với. - Nụ cười thoáng hiện trên môi Kachia, nhưng cô ghìm lại. Ông cụ Okenti rất có thể phật ý vì việc cô ngờ vực, vả lại sự ngờ vực cũng có thể là quá sớm.
- Sức mạnh của tâm hồn, - ông cụ thốt lên se sẽ.
- Sức mạnh tâm hồn là cái gì ạ? - Kachia hỏi lại.
- Cháu gái ạ, ở con người ta cái điểm yếu, cũng là cái điểm mạnh: đó là tâm hồn. Vì nó mà con người có thể trở thành phế nhân mê tín, kẻ mà không chúa trời, thì lại quỉ xa tăng truy đuổi từng giây từng phút, nhưng có thể vì nó, vì chính cái tâm hồn ấy, mà con người trở thành người tráng sĩ dũng cảm... người mà đối với anh ta mọi cái đều chẳng kể vào đâu... cái điều bất trị nhất đều trị được.
Kachia liếc nhìn cái thân hình còm nhom của ông cụ Okenti, trong đó chẳng có gì có thể gợi đến nét tráng sĩ, và nụ cười mỉa mai lại chập chờn trên môi cô.
- Cụ ơi, thế cụ làm thế nào đạt được điều đó? Hẳn là mỗi người đều muốn trở thành tráng sĩ.
- Chỉ có một con đường đến đây - đó là tâm hồn phải chống lại nỗi sợ hãi.
- Nhưng sợ hãi có cái khác nhau chứ ạ? Sợ hãi trước Chúa là một chuyện, còn trước cái đói lại là chuyện khác.
- Phải khắc phục thoạt đầu một trong số đó. Những cái sợ hãi khác hóa ra sẽ yếu hơn. Chỉ cần kiên định, không được thoái lui... Sau đó sẽ là chiến thắng của sức mạnh tâm hồn.
- Tuy thế dù sao cụ cũng đã đi bằng con đường nào kia? Chuyện ấy hẳn rất lý thú.
- Một con đường dài, cháu gái ạ. Hồi trai trẻ, ta có lần đã làm trợ lễ ở một làng bên đường quan. Ta gặp ông cha thất tin. Chính ông đã gieo vào tâm hồn ta câu hỏi: liệu Chúa trời quyền lực toàn năng chăng? Liệu có Chúa trời hay không? Phải chăng Chúa đó chính con người nghĩ ra để giữ con người trong sợ hãi? Đức cha trí tuệ sắc sảo, nhưng ham cái món men say. Ông đã chết vì chất đốt trắng, chưa sống trọn đến độ tứ tuần. Nhưng đã để lại dấu vết trong tâm hồn ta. Ta rời bỏ nhà thờ chính giáo. Quyết định tìm hiểu cho rõ hơn những người theo các đạo khác nhau. Ta đã từng sống với người Tácta, thờ phụng đức Alakhơ. Ở thành phố suýt nữa thì theo đạo Do thái, ba năm trời đi nhà thờ Do thái. Sau đó mê mải đạo cựu giáo. Chẳng ở đâu tìm ra được sự bằng yên cho tâm trí. Thò đầu bất cứ vào đâu, ở đó người ta cũng đem nỗi sợ hãi ra, như cái thớt cối xay đè nén anh. Vì thế mà bấy giờ ta mới bỏ vào rừng taiga. Ta suy nghĩ thế này: con người sinh ra từ thiên nhiên, chỗ của anh ta phải là ở đây. Càng gần gũi với đất, càng gần gũi với tự nhiên, càng xa cách những ti tiện của con người, càng xa nỗi sợ hãi...
- Và cụ đã tìm thấy cái của mình? - Kachia hỏi.
- Không phải ngay tức thì, cháu gái ạ. Đến lúc giải phóng được khỏi nỗi sợ hãi ở trong rừng taiga, cũng đã trải qua bao nhiêu thời gian rồi. Thoạt đầu lão khắc phục được nỗi sợ trước sự bí ẩn của rừng. Lão đã hiểu biết nó cặn kẽ. Và tin rằng, trong nó chẳng có gì cả - cả do chúa, cả do quỉ xa tăng. Chỉ có sự tự nhiên. Trước chúng ta đây đã có, và sẽ có sau cả chúng ta. Ta không còn sợ hãi rừng. Dẹp được nỗi sợ hãi trước cái im lặng trong rừng. Ta không còn sợ rừng vào ban ngày, và đặc biệt là vào ban đêm. Rồi sau hiểu biết các con thú, con chim thế là không còn sợ chúng nữa. Ta tin tưởng rằng, thậm chí con vật mạnh mẽ nhất trong số đó, cũng vẫn yếu đuối hơn con người.
- Mọi chuyện chắc là gian khổ? - bị câu chuyện của ông cụ Okenti, sự cởi mở và lòng tin cậy của ông cụ lôi cuốn, Kachia hỏi.
- Gian khổ. Nhiều lần ta đã toan bỏ chạy khỏi nơi đây. Nhưng có điều chạy đi đâu? Thoát một cái sợ, lại đến trước cái sợ khác. Chẳng có lợi lộc gì.
- Có lẽ xảy ra đủ chuyện? - Kachia lại hỏi, nghĩ thầm: «Xibiri, người thật là đa dạng! Ở đây gặp gỡ thôi thì đủ loại người! Cụ Okenti Xvôbốtnưi! Có muốn cũng không tưởng tượng ra nổi người như thế này».
- Đã xảy ra, - ông cụ Okenti khẳng định và nói tiếp: - Có lần bác Xtêpan Lukianốp đưa thằng con giai nhỏ đến ta. Cháu bé áng chừng bảy tám tuổi. Đứa lớn nhất. Đứa mà nay từ mặt trận chẳng có tin tức gì gửi về ấy. Với bác Xtêpan thì ta với bác ấy đã thân thiết từ lâu rồi. Bác ấy từng giúp miếng ăn hạt muối cho ta. Phần ta, ta cũng không để phải nợ nần. Xtêpan đi đâu đó vào sâu trong rừng taiga. Còn đứa con trai để lại nghỉ ở chỗ ta. Thế là, ta với đứa bé đi vào đồng cỏ ở gần đây. Năm ấy ở các rặng thùy liễu dọc theo bờ sông, phúc bồn tử sinh sôi được mùa. Hai ông cháu suốt ngày hái quả và mê mải quên cả thời khắc. Nhìn ra ta thấy: đứa bé mệt rồi, mà đường trở về tới nhà còn phải đi nhiều. Ta quyết định nghỉ đêm lại ngay trên bãi cỏ. Không muốn nằm đất. Chính bản thân ta thì chẳng việc gì đâu, nhưng đứa bé thì có thể ớn lạnh vì sương. Ta chọn một đống cỏ khô, bỏ lớp trên đi, và hai ông cháu nằm lên đấy. Hai ông cháu nằm sát bên nhau. Đêm ấm áp, tươi mát. Đứa bé của ta nằm xuống một cái là lập tức ngủ thiếp đi ngay. Ta nằm mở mắt ngắm nhìn trời sao. Bỗng chợt ta nghe thấy có gì đó lục bục dưới sông. Chắc hẳn bờ bị lở, sụp, - thoạt tiên ta nghĩ như vậy. Sau đó nghe thấy có tiếng phì phì. Không giống tiếng ngựa phì, bò bê gần đây không có. Trong các bụi cây những con chim hét lên tiếng rỉ rách, mà cái đó là dấu hiệu chính xác nhất: gấu đến! Và đúng như vậy: con gấu đang tiến thẳng đến chỗ đống cỏ khô, thở phì phì, chóp chép miệng, lúc lắc người giũ nước ướt. Bấy giờ thì ta cảm thấy là tóc trên đầu ta sởn cả lên. Ta nghĩ: «Làm gì đây, nếu nó lên đống cỏ khô? Có thể đứa bé của ta hoảng hốt đến thụt lưỡi mất». Vũ khí ta chẳng có gì. Chỉ có một cây rìu, nhưng rìu lại để ở dưới mặt đất, chân đống cỏ. Ta lặng người đi. Nhưng ta lại thầm xua đuổi con thú bỏ đi. Và ta chỉ nghĩ có một điều, làm sao đứa bé không mở mắt ra hoặc không vô tình nói mê. Con thú có thể nổi xung về sự phiền hà ấy, coi như đó là sự thách thức nó. Vậy là, nó cứ đi quanh quẩn bên đống cỏ khô, hếch mũi lên thở phì phì, tuy thế dù sao nó cũng cảm thấy là ta muốn gì: nó lại ngất ngưởng đi xuống sông. Nước sông lại lục bục. Sau đó mọi vật yên ắng. Con chim hét cũng lặng im. Ta cứ nằm mở mắt trừng trừng thế cho tới sáng. Rồi đứa bé vừa thức dậy là ông cháu sửa lại mái đống cỏ, rồi đi về nhà ngay... Với đứa bé ta không nói gì hết, còn với cha nó ta kể lại mọi chuyện xảy ra hồi đêm. Xtêpan vung cả hai tay kinh ngạc. «Còn như tính tôi, - bác ta nói, - tôi hẳn đã không chịu đựng được cơn sợ hãi như vậy và mò xuống dưới chân đống cỏ lấy rìu. Và khi ấy được ăn cả, ngã về không, nhưng chắc chắn là mất đứa con trai và bản thân cũng chưa chắc đã toàn vẹn». Vì thế từ đấy ta không bao giờ cầm đến vũ khí nữa. Ta hiểu là chẳng có vũ khí nào mạnh hơn là khi trong anh không còn sợ hãi. Cái đó nó che chở cho ta thoát vạn sự hiểm nguy.
- Cả bây giờ cụ đi lại cũng không có vũ khí? Thế cụ sống bằng gì? - Kachia đẩy cái nồi cá ra xa và quên cả công việc vừa bắt tay vào làm.
- Nhưng ta cần gì đến vũ khí kia chứ, cháu gái? Ta không phải là thợ săn. Ta không giết thú, giết chim. Ta ăn cá. Ngoài ra ăn nấm, quả rừng, hạt tuyết tùng, rau cỏ rừng.
- Có cả rau rừng ư?
- Sao lại không nhỉ! Rau chút chít, tỏi dại. Vườn rau rừng taiga, - ông cụ Okenti hơi nhếch cười.
- Còn cụ không sợ những kẻ xấu ư?
- Nhưng họ lấy được gì của ta? Với lại những người ấy không phải dân trong rừng. Chúng không rời xa đường cái quan.
- Trong lòng như vậy thì sống thoải mái, cụ nhỉ, chẳng sợ gì hết, - Kachia thở dài không khỏi có phần ghen tị, nhớ lại chuyện đêm qua trong rừng taiga ngập bóng tối và tuyết bay mù mịt, cô đã sợ hãi như thế nào, cô đã hoảng lên ra sao khi biến mất hình bóng bác Lukianốp đi trước mở đường giữa nơi hoang vắng.
- Nhưng mà, cháu gái ạ, dù sao cũng đến lúc ăn tối rồi. Con người không thể sống chỉ bằng lời nói, - ông cụ Okenti nói, bật cười và dịch cái nồi cá đến gần phía mình.