Nếu bạn nghĩ bạn có thể hay không có thể, cách nào thì bạn cũng đúng cả.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Walden
Dịch giả: Hiếu Tân
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 32
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
12.Những Láng Giềng Hoang Dã
ôi khi tôi có một người bạn [400] câu cá, đi từ phía bên kia xuyên qua thành phố đến nhà tôi, và cuộc câu cá cho bữa ăn cũng thành một cuộc xã giao như chính bữa ăn vậy.
Nhà ẩn sĩ, Tôi tự hỏi không biết bây giờ thiên hạ đang làm gì. Trong ba giờ ấy thậm chí tôi không nghe thấy cả tiếng ve sầu trên bụi dương xỉ. Tất cả lũ bồ câu đang ngủ trong chuồng của chúng, không vỗ cánh bay đi. Có phải tiếng tù và buổi trưa của người trại chủ vang lên từ bên kia rừng vào đúng lúc này không? Những bàn tay đang bốc thịt bò luộc chấm muối, uống rượu táo, và ăn bánh mì của người Anhđiêng. Tại sao người ta phải lo lắng nhiều như thế? Người không ăn thì không cần làm việc, tôi tự hỏi họ đã thu hoạch bao nhiêu. Ai sống ở đó, nơi người ta không bao giờ nghĩ về tiếng sủa của con Mực [401]? Và ôi, chăm sóc nhà cửa! Cọ cho sáng bóng những cái núm cửa của quỷ sứ, và cọ rửa bồn tắm của hắn trong một ngày đẹp trời thế này! Tốt nhất là chẳng cần có một ngôi nhà. Chẳng hạn, cái hốc rỗng trong một thân cây. Sẽ chẳng có khách thăm buổi sáng, chẳng có ai mời cơm buổi chiều. Chẳng có ai gõ cửa, ngoài một con chim gõ kiến mổ nhẹ. Chà, ở đằng kia bọn họ cả bầy lúc nhúc; nắng rất ấm, tôi cho rằng, họ ngập quá sâu vào cuộc bon chen. Tôi có nước lấy từ suối, và một ổ bánh mì đen trên giá. - Nghe này! Tôi nghe thấy tiếng lá xào xạc. Có phải một con chó trong làng bị bỏ đói đang đến đây săn mồi? Hay con lợn đi lạc nghe nói đang ở trong rừng này, mà tôi đã trông thấy những dấu chân của nó sau cơn mưa? Nó đến quá nhanh; những cây sơn và cây tầm xuân của tôi run rẩy. - Ê này, ông thi sĩ, phải ông đấy không? Hôm nay ông cảm thấy yêu đời như thế nào?
Nhà thơ. Hãy nhìn những đám mây kia kìa, chúng lơ lửng như thế nào! Đó là điều tuyệt nhất tôi thấy ngày hôm nay. Không có cái gì giống như thế trong những bức họa cũ, không có cái gì giống như thế trong những mảnh đất xa lạ, trừ phi chúng ta đang ở mãi tận bờ biển Tây Ban Nha. Đó là bầu trời Địa Trung Hải chính hiệu. Vì tôi phải kiếm sống, và hôm nay tôi chưa ăn, tôi nghĩ tôi có thể đi câu một phát. Đó là công việc chân chính của một nhà thơ. Đó là nghề duy nhất mà tôi học được. Nào, ta cùng đi.
Ẩn sĩ. Tôi không phản đối. Miếng bánh mì đen sẽ hết ngay. Tôi sẽ đi với anh ngay và vui vẻ, nhưng tôi đang hoàn thành một bài tập thiền nghiêm chỉnh. Cũng gần xong rồi. Vậy hãy để tôi yên một lát. Nhưng để khỏi trễ, trong lúc này anh nên đi đào một ít giun.
Ớ chỗ này khó kiếm giun làm mồi, ở đây đất chưa bao giờ được bón phân, giống giun gần như tuyệt chủng. Việc đào được giun cũng thích thú gần như câu được cá, khi sở thích không đến nỗi khắt khe quá, và việc này dành riêng cả cho anh hôm nay. Tôi khuyên anh nên mang mai tới giữa đám lạc, nơi anh thấy đám johnwort đang vẫy đó. Tôi bảo đảm cứ ba mảng cỏ anh lật lên thế nào cũng được một con giun, nếu anh nhìn kĩ xuống rễ cỏ, như khi anh giẫy cỏ ấy. Hoặc nếu anh muốn đi xa hơn, thì không phải là dở, vì tôi đã thấy số lượng giun tốt tăng lên gần như bình phương với khoảng cách.
Ẩn sĩ, một mình. Xem nào, tôi đang ở đâu đây nhỉ? Chắc tôi đang ở gần trạng thái này của tâm trí; thế giới nằm ở góc này. Tôi sẽ lên thiên đường hay đi câu cá? Nếu tôi sớm kết thúc bài thiền này, liệu có một cơ hội khác ngọt ngào thế này không. Tôi đang gần như hoà tan vào bản thể của vũ trụ, trạng thái này chưa bao giờ tôi từng trải nghiệm trong đời. Tôi sợ những ý nghĩ của tôi sẽ không trở lại với mình. Nếu có tác dụng tôi đã huýt sáo gọi nó về. Khi chúng cho chúng ta một lời mời gọi, liệu có khôn ngoan không khi nói, Chúng ta sẽ nghĩ về nó? Những ý nghĩ của tôi không để lại dấu vết nào của chúng, tôi không thể tìm lại chúng. Điều mà tôi đang nghĩ đến, nó là cái gì vậy? Hôm nay là một ngày sương mù thật dày đặc. Tôi sẽ cố thử ba câu này của Khổng Phu Tử; biết đâu chúng có thể mang trả lại tôi tâm trạng trước đó. Tôi không biết nó là những nỗi buồn chán hay một niềm hân hoan ngây ngất mới chớm. Ghi nhớ. Mỗi cơ hội chỉ có một lần.
Nhà thơ. Thế nào, Ẩn sĩ, có sớm quá không? Tôi mới kiếm được có mười ba con nguyên lành, ngoài một số con đứt đoạn hoặc quá ngắn, nhưng để câu cá con thì cũng được; chúng không bọc kín cả lưỡi câu. Những con giun quê này to quá; một con giếc có thể rỉa hết làm một bữa no nê mà chưa chạm tới mũi xiên.
Ẩn sĩ. Tốt, ta đi nào. Chúng mình đến sông Concord chăng? Nếu nước ở đấy không quá cao thì câu tuyệt lắm đấy.
Tại sao chính những vật mà chúng ta nhìn thấy này làm thành một thế giới? Tại sao con người lại có đúng những giống vật này làm hàng xóm của mình, như thể chỉ có con chuột nhắt mới lấp đầy cái khe này? Tôi ngờ rằng Pilpay [402] & Co tận dụng [403] những con vật này, vì theo một nghĩa nào đó, tất cả những con vật thô kệch này sinh ra để mang một phần những suy nghĩ của chúng ta.
Lũ chuột rúc rích trong nhà tôi không phải chuột thường đâu, người ta bảo chúng được đưa vào vùng này, nhưng loại chuột hoang bản địa (mus leucopus) không thấy có trong làng. Tôi gửi một con cho một nhà tự nhiên học xuất sắc, ông ta quan tâm lắm. Khi tôi xây nhà, một con làm tổ ngay bên dưới nền nhà, và trước khi tôi lát lớp ván sàn thứ hai, và quét sạch dăm bào, nó ló ra đều đặn vào giờ ăn cơm, và đớp mẩu bánh trên tay tôi. Có lẽ trước đó nó chưa thấy một con người; và chẳng mấy chốc nó trở nên dạn, và dám chạy trên giày tôi, leo lên cả quần áo tôi. Thoắt một cái, nó đã leo lên mọi ngóc ngách của căn phòng, động tác của nó nhanh như sóc. Cuối cùng, một hôm tôi nằm chống khuỷu tay nghỉ trên ghế băng, nó leo lên quần áo tôi, chạy dọc cánh tay tôi, và chạy vòng quanh tờ giấy tôi gói thức ăn, trong khi tôi giữ chặt tờ giấy đó, rồi chạy lắt léo và chơi trò ú tim với nó, và cuối cùng khi tôi cầm một miếng pho mát giữa ngón cái và ngón trỏ, nó đến và gặm, ngồi trên bàn tay tôi, và sau đó liếm mặt và chân nó, như một con ruồi, rồi chạy đi.
Một con chim đớp ruồi làm tổ trong nhà tôi, và một con chim cổ đỏ (robin) trú trong một cây thông trước nhà. Đến tháng Sáu con gà gô (Tetrao umbellus) vốn là một con chim rất nhút nhát, dẫn đàn con của nó đi ngang qua cửa sổ nhà tôi, từ những bụi cây phía sau nhà ra phía trước, cục cục gọi chúng như một con gà mái, trổ hết oai phong của nó ra để tỏ ra ta đây là một con gà mái của rừng. Những con gà con bỗng nhiên chạy tản ra đến gần bạn, khi có một tín hiệu từ mẹ của chúng, như thể một cơn gió lốc đã quét chúng đi, và trông chúng giống những chiếc lá khô và những cành cây con một cách là lạ, đến nỗi một du khách đã đặt chân vào giữa bầy gà, và nghe tiếng kêu quang quác của con chim già khi nó bay đi, và tiếng gọi lo lắng thảm thiết của nó, hoặc thấy nó kéo lê đôi cánh của nó để lôi kéo sự chú ý của anh ta, mà không nghi ngại gì vùng xung quanh. Con chim mẹ đôi khi cứ quay tròn trước mắt bạn một cách lôi thôi như thế đến mức trong một lúc bạn không thể nhận ra đó là loại sinh vật gì. Lũ gà con ngồi im xuôi thường xuyên chui đầu xuống một chiếc lá và chỉ chú ý đến sự chỉ đạo của mẹ chúng từ xa, ngay cả khi bạn đến gần chúng cũng không chạy và lộ mình ra. Bạn thậm chí có thể giẫm lên chúng, hoặc đứng nhìn chúng một phút, mà không phát hiện ra chúng. Tôi đã giữ chúng trong lòng bàn tay một lúc lâu mà chúng, tuân theo mẹ và bản năng của chúng, vẫn ngồi yên trên tay tôi không hề run sợ. Cái bản năng này hoàn hảo đến nỗi, có lần, khi tôi đã đặt chúng trở lại trên lá, và một con không may rơi nghiêng xuống, mười phút sau đã thấy nó trong số còn lại, đúng ở vị trí cũ của nó. Chúng không non nớt như phần lớn những con chim non khác, mà đã phát triển hoàn thiện hơn, thậm chí sớm phát triển hơn cả gà con. Cái vẻ người lớn tuy ngây thơ trong những đôi mắt mở to trong sáng của chúng thật khó quên. Toàn bộ trí thông minh thể hiện trong những đôi mắt ấy. Chúng gợi ra không chỉ sự tinh khiết của tuổi ấu thơ, mà cả cái khôn ngoan được lọc qua kinh nghiệm. Một con mắt như thế không sinh ra cùng lúc với con chim ra đời, mà cùng lúc với bầu trời xanh mà nó phản chiếu. Rừng không có được một viên ngọc khác như thế. Du khách chẳng mấy khi nhìn được vào một cái giếng trong như thế. Một thợ săn dốt nát hoặc khinh suất thường bắn một con chim mẹ vào một lúc như thế, và để lại đàn chim non làm mồi cho những con thú lang thang hoặc chim dữ, hoặc lâu dần lẫn vào lớp lá cây mục rất giống với chúng. Người ta kể rằng nếu chúng được ấp bởi một con gà mái, thì mỗi khi có động chúng sẽ chạy tản ra, và như thế dễ bị lạc, vì chúng không bao giờ nghe được tiếng mẹ gọi tụ tập chúng lại. Đây là đàn gà mẹ gà con của tôi.
Có điều lạ là bao nhiêu sinh vật sống hoang dã và tự do - mặc dù bí mật - trong rừng, và vẫn kiếm sống trong vùng lân cận với các thành thị, mà chẳng có ai ngoài các thợ săn phát hiện ra chúng. Con rái cá cố gắng sống được ở đây mới ẩn mình kín đáo làm sao. Khi lớn nó dài đến bốn foot, và to như một thằng bé, có lẽ không có người nào có thể thoáng thấy nó. Trước đây có lần tôi trông thấy con gấu trúc trong khu rừng phía sau nơi tôi xây nhà, và ban đêm có lẽ vẫn còn nghe thấy tiếng nó than vãn. Thông thường vào buổi trưa, sau khi trồng trọt tôi nghỉ một hoặc hai giờ dưới bóng cây, ăn trưa, và đọc một chút bên một dòng nước là nguồn của đầm lầy và của một con suối, rỉ ra từ bên dưới Đồi Brister, cách cánh đồng của tôi nửa dặm. Muốn đến đó phải qua qua một loạt khoảng trũng kế tiếp nhau đi xuống, nơi mọc đầy thông non, đến một cánh rừng lớn hơn bên cạnh đầm lầy. Ở đó, trong một chỗ hẻo lánh và râm mát, dưới một cây thông trắng tán rộng, có một bãi đất chắc và cỏ sạch để ngồi. Tôi khơi rộng dòng nước ra và làm một cái giếng nước trong, ở đó tôi có thể nhúng cả xô xuống mà không khuấy đục nó lên, và mùa hè hầu như ngày nào tôi cũng đến đó lấy nước, khi đầm nóng nhất. Có con chim dẽ gà [404] (woodcock) cũng dẫn đàn con đến đó bới bùn để kiếm giun, chỉ bay cao được một foot bên trên đàn con, dọc theo bờ, trong khi đàn con xúm xít chạy bên dưới, nhưng khi phát hiện ra tôi, nó bỏ đàn con đấy và lượn vòng quanh tôi nhiều vòng, càng lúc càng gần hơn, cho đến khi còn cách độ bốn năm foot, nó giả vờ gãy cánh và chân, để đánh lạc sự chú ý của tôi và giải thoát cho đàn con của nó, lúc này đã tiếp tục cuộc diễu hành của chúng, với tiếng chíp chíp khe khẽ, thành một dãy qua đầm lầy, như mẹ chúng hướng dẫn. Cũng có khi tôi nghe tiếng chíp của lũ con mà không nhìn thấy con chim mẹ.
Cũng ở đó những con bồ câu Bắc Mĩ (turtle-dove) đậu bên trên suối, hoặc bay chuyền từ cành này sang cành khác của cây thông trắng mềm mại trên đầu tôi, hoặc những con sóc đỏ nhảy xuống cành gần nhất, là đặc biệt thân mật và tò mò. Bạn chỉ cần ngồi bất động đủ lâu ở một chỗ hấp dẫn trong rừng thì tất cả những con vật sống ở đó sẽ lần lượt ra trình diện trước mắt bạn.
Tôi đã là chứng nhân cho một sự kiện không hoà bình. Một hôm khi đi ra chỗ đống gỗ của mình, hay đúng hơn là đống gốc cây, tôi thấy hai con kiến to, một con đỏ, con kia to hơn nhiều, dài gần nửa inch, màu đen, đang đánh nhau dữ dội. Một khi đã túm được nhau là chúng không bao giờ buông ra, mà đánh và vật và lăn trên những mảnh vỏ bào không ngừng nghỉ. Nhìn ra xa hơn, tôi ngạc nhiên thấy rằng mảnh vỏ bào bị che kín bởi các chiến sĩ này, rằng đây không phải là một cuộc đấu tay đôi (duellum), mà là một cuộc chiến tranh (bellum) thực sự giữa hai giống kiến, giống đỏ luôn luôn đấu với giống đen, và thường xuyên hai con đỏ đánh một con đen. Những quân đoàn Myrmidon [405] bao kín cả những quả đồi và những thung lũng trong sân nhà tôi, và mặt đất đã rải đầy xác kiến đỏ và đen, đã chết và đang chết. Đó là trận đánh duy nhất mà tôi từng chứng kiến, trận địa duy nhất mà tôi từng giẫm chân lên trong khi trận đánh đang cực kì ác liệt, một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, một bên là phe cộng hoà đỏ, bên kia là phe bảo hoàng đen. Bên nào cũng hăm hở lao vào cuộc chiến chết chóc mà tôi không nghe thấy một tiếng ồn nào, những chiến sĩ của loài người không bao giờ đánh nhau kiên quyết đế thế. Tôi nhìn một cặp đang ôm ghì khoá chặt nhau trong một thung lũng nắng nhỏ xíu giữa những dăm bào, lúc này là giữa trưa và sẵn sang đánh đến lúc mặt trời lặn, hay đến lúc tiêu đời. Chiến binh đỏ nhỏ hơn kẹp chặt đối thủ như một chiếc êtô, cùng ngã xuống và lăn trên chiến địa, trong suốt thời gian ấy cố gắng cắn sợi râu thứ hai của đối thủ sát tận chân, sau khi đã cắn đứt lìa một sợi khác rơi xuống; trong khi đó con đen khỏe hơn quăng mạnh nó từ bên này sang bên kia, và khi nhìn kĩ hơn, tôi thấy nó đã bẻ gãy mấy chân của đối thủ. Chúng chiến đấu quyết liệt hơn giống chó bun. Không bao giờ tỏ ra dù chỉ hơi có ý định rút lui. Rõ ràng tiếng gọi xung trận của chúng là Chiến thắng hay là chết [406]. Trong lúc đó có một con kiến đỏ duy nhất đang bò trên sườn đồi của thung lũng này, rõ ràng đầy kích động, nó hoặc là đã giết chết tươi đối thủ, hoặc chưa tham chiến, có lẽ thế, vì chưa bị mất cẳng chân nào, mẹ nó đã giao cho nó phải trở về với chiếc khiên của nó, hoặc nằm trên chiếc khiên ấy [407]. Hay có lẽ nó là một Achilles, kẻ đã gạt ra một bên lòng căm hận riêng, và bây giờ đến để trả thù hoặc cứu Patroclus của mình [408]. Nó nhìn cuộc chiến không cân sức này từ xa - vì con kiến đen to gần gấp đôi kiến đỏ - nó rảo bước đến gần cho tới khi còn cách trận đấu nửa inch nó cảnh giác đứng nhìn, rồi, rình chộp cơ hội, nó lao vào chiến binh đen, và bắt đầu cắn chân trước bên phải của con này gần sát mình, để cho kẻ thù tùy chọn một trong những chân của nó; và như vậy tất cả có ba con, tinh thần kiên định bất diệt với một sức mạnh đặc biệt, rắn hơn mọi loại khóa và mọi thứ xi măng. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu lúc này có dàn quân nhạc đứng trên một miếng dăm bào cao và cử quốc thiều để cổ vũ các chiến binh và ca ngợi những kẻ ngã xuống. Bản thân tôi cũng thấy hơi kích động, như thể chúng là những con người. Càng nghĩ lại càng chẳng thấy khác gì. Và chắc chắn sẽ không có trận đánh [409] được ghi lại, ít nhất trong lịch sử Concord, nếu không phải trong lịch sử nước Mĩ, nếu nó không mang một khoảnh khắc so sánh được với trận này, cả về quân số tham dự lẫn tinh thần ái quốc và chủ nghĩa anh hùng được thể hiện, về số tham chiến và mức độ tàn sát, nó sánh ngang với một Austerlitz hay Dresden [410]. Trận Concord! Hai người trong phe yêu nước bị giết, và Luther Blanchard bị thương! Ở đây mọi con kiến là một Buttrick [411]. "Bắn, vì Chúa, bắn!" và một nghìn người chung số phận với Dacis và Hosmer [412]. Ở đó không hề có một tên lính đánh thuê [413]. Tôi tin rằng họ cũng chiến đấu vì nguyên tắc, như những tổ tiên của chúng ta, và không phải để tránh khoản thuế ba xu trên bữa trà của họ [414], và những kết quả của trận đánh này đối với những ai quan tâm đến nó ít nhất cũng sẽ quan trọng và đáng nhớ như của trận đánh trên Đồi Bunker [415].
Tôi nhặt một miếng dăm bào, trên đó có ba con đang đánh nhau tôi đã đặc biệt tả trên kia, mang vào nhà và đặt nó dưới một cốc vại trên bệ cửa sổ, để xem kết quả. Đưa một kính hiển vi đến trước con kiến đỏ mà tôi nhắc đến đầu tiên, tôi thấy, mặc dù nó đang chăm chú gặm cái chân trước của kẻ thù, sau khi đã cắn đứt sợi râu còn lại của con này, ngực của chính nó đã bị xé toang, để lộ chỗ hiểm trước hàm của chiến binh đen, tấm giáp che ngực con này rõ ràng quá dày khiến con đen không thể chọc thủng được, đôi mắt tối sầm của nó lóe lên những tia hung dữ mà chỉ chiến tranh mới kích động được. Chúng đánh nhau thêm nửa giờ nữa dưới cái cốc, và khi tôi nhìn lại, con màu đen đã nghiến đứt đầu cả hai đối thủ của mình, và những cái đầu lủng lẳng hai bên mình nó như những chiến lợi phẩm kinh tởm ở cái mỏ yên của nó, vẫn kẹp chắc như bao giờ, và nó vùng vẫy cố thoát ra bằng những cử động yếu ớt, vì đã mất hết râu và chỉ còn lại một đoạn chân, và tôi không biết còn bao nhiêu vết thương nữa; cuối cùng, sau nửa giờ nữa, nó mới thoát ra được. Tôi nhấc chiếc cốc lên, và nó bò ra bậu cửa sổ với dáng bộ què quặt. Liệu cuối cùng nó có sống sót qua trận đánh này không, để về sống nốt phần còn lại của cuộc đời trong một Khách sạn Thương phế binh [416] nào đó. Tôi không biết, nhưng chắc chắn sau này nó chẳng còn mấy hữu dụng nữa. Tôi không bao giờ biết bên nào chiến thắng, cũng không biết nguyên nhân chiến tranh là gì, nhưng suốt ngày hôm ấy tôi cứ có cảm giác mình bị kích động và tổn thương vì chứng kiến cuộc đấu đá ấy, dữ dội và đẫm máu, của cuộc chiến giữa con người trước cửa nhà tôi.
Kirby và Spence [417] nói với chúng ta rằng những cuộc chiến đấu của kiến từ lâu đã được tán tụng và niên đại của chúng được ghi lại, nhưng họ nói rằng Huber [418] là tác giả hiện đại duy nhất hình như đã chứng kiến những trận đánh ấy. Họ bảo, "Eneas Sylvius [419], sau khi đã đưa ra một mô tả tường tận một cuộc chiến đấu ngoan cường bên một giống to và bé trên thân một cây lê" viết thêm rằng "trận đánh diễn ra theo lời phán của Eugenius Đệ tứ [420] trước sự có mặt của Nicolas Pitstoriensis, một luật sư xuất sắc, người kể lại toàn bộ lịch sử của trận đấu với độ trung thực cao nhất. Một cuộc giao tranh tương tự giữa những con kiến to và kiến bé được Olaus Magnus [421] ghi lại, trong đó kiến bé là bên thắng, đã chôn xác đồng đội của mình và để mặc những cái xác to lớn của kẻ thù làm mồi cho chim chóc. Sự kiện này xảy ra trước khi Chistiern II [422] bạo ngược bị đánh đuổi khỏi Thuỵ Điển". Trận đánh mà tôi chứng kiến diễn ra trong nhiệm kì tổng thống Pork [423], năm năm trước khi thông qua Dự luật Webster về Nô lệ bỏ trốn [424].
Một con chó Mực trong làng chỉ thích hợp với việc săn đuổi những con rùa-bùn trong hầm thực phẩm, chạy nhắng nhít chơi đùa trong những góc rừng rậm rạp, mà không biết gì về ông chủ của nó, đánh hơi rất kém những hang cáo già, và những hốc chuột chũi, đôi khi để cho mấy con chó gầy nhẳng dẫn đi len lỏi khắp rừng, và có thể vẫn gây ra nỗi khiếp sợ tự nhiên cho những kẻ cư ngụ trong đó, lúc này tụt xa đằng sau sự dẫn đường của nó, sủa như một con chó bun về phía con sóc đang trốn trên cây nhìn xuống, rồi, chạy lon ton đi trước, vít cong những bụi cây nhỏ bằng sức nặng của nó, tưởng tượng nó đang lần theo dấu một thành viên của gia đình nhà chuột đi lạc. Có lần tôi ngạc nhiên thấy một con mèo bước đi trên bờ đá của đầm vì nó hiếm khi đi xa khỏi nhà. Nó cũng ngạc nhiên vì tôi. Một con mèo ngoan nhất, cả ngày nằm trên thảm trải sàn, có vẻ hoàn toàn thoải mái trong rừng, nhưng, bằng hành vi ranh ma và lén lút của mình, nó tỏ ra là dân bản xứ hơn những kẻ cư ngụ thường xuyên ở đây. Có lần, khi đi hái quả, tôi gặp một con mèo với mấy con mèo con trong rừng, hoàn toàn hoang dã, và tất cả, giống như mẹ chúng, uốn lưng lên và phun phì phì vào tôi một cách dữ dội. Mấy năm trước, tôi sống trong một khu rừng một con mèo giống là "mèo bay" trong một trang trại của ông Gilian Baker, ở Lincoln gần nhất với đầm. Khi tôi đến để xem nó vào tháng Tư năm 1842, nó đang đi săn trong rừng, như nó quen làm (tôi không biết đó là đực hay cái, nên cứ tạm gọi như vậy), bà chủ nhà nói nó sang nhà hàng xóm từ hơn một năm trước, yào tháng Tư, và ở luôn trong nhà họ, rằng da nó nâu xám xẫm, với một khoang trắng trên cổ, chân trắng, và một cái đuôi to rậm như đuôi cáo, rằng vào mùa đông bộ lông của nó mọc dày hơn và bẹt ra ở hai bên, tạo thành những dải dài mười hai inch rộng một inch rưỡi, dưới cằm nó giống như một chiếc găng tay, phía trên xốp mềm, phần dưới rối như nỉ, và vào mùa xuân phần phụ thêm này rớt ra. Họ cho tôi một cặp “cánh” của nó, đến giờ tôi vẫn giữ. Trông nó chẳng có vẻ gì giống một cái màng cả. Một số người nghĩ nó là một bộ phận của con sóc bay, hay một loài hoang dã nào đó, điều này có thể lắm, vì theo các nhà tự nhiên học, những giống lai mắn đẻ đã được tạo ra bởi sự phối ngẫu giữa chồn mactet và mèo nhà. Loài này có thể đã đúng là loài mèo để tôi nuôi, nếu tôi có nuôi mèo, vì tại sao con mèo của nhà thơ lại không thể có cánh như con ngựa của chàng ta [425]?
Vào mùa thu, con chim lặn gavia (Colymbus glacialis) đến, như thường lệ, để thay lông và tắm trên đầm, làm cho rừng rung lên với tiếng cười rộ hoang dã của nó trước khi tôi thức dậy. Tất cả những thợ săn trên Đập nước, nghe đồn nó đến, đã cảnh giác và sẵn sàng, đi bộ hoặc trên xe hai bánh một ngựa kéo, tốp hai và ba người, với những khẩu súng trường có nhãn [426], và những viên đạn côn, cùng với kính viễn vọng nhỏ. Họ đi sột soạt qua rừng như những chiếc lá khô, ít nhất mười người trên một con gavia. Một số dừng lại trên bờ bên này đầm, một số sang bờ bên kia, vì con chim tội nghiệp không thể có mặt ở khắp nơi, nếu nó lặn chỗ này nó phải nổi lên ở chỗ kia. Nhưng bây giờ cơn gió dịu êm tháng Mười đã nổi, làm cây lá xào xạc và mặt nước gợn sóng lăn tăn, do đó không thể nghe hay nhìn thấy con gavia nào cả, dù những kẻ địch của nó đã dung kính viễn vọng quét hết mặt đầm, và làm rừng vang dội những phát súng của họ. Những con sóng nhô lên và tan ra một cách giận dữ, đứng về phe tất cả những con chim có thể bơi dưới nước, và đám thợ săn của chúng tôi phải rút lui trước thời hạn về thành phố và cửa tiệm, với những công việc bất tận của mình. Nhưng họ đã nhiều lần thành công. Khi đến lấy một xô nước vào buổi sáng sớm, tôi thường thấy con chim oai vệ này bơi ra khỏi nơi tôi nấp chừng vài sải (rod). Nếu tôi bơi một chiếc thuyền cố gắng bắt kịp nó, để thấy nó xoay trở như thế nào, thì nó lặn xuống và hoàn toàn biến mất, để tôi không the thấy nó lần nữa, có khi đến tận chiều tối. Nhưng trên mặt nước nó đâu không lại với tôi. Nó thường biến mất trong một cơn mưa.
Vào một chiều tháng Mười rất lặng gió, trong những ngày như thế chúng đặc biệt tụ tập về các hồ giống như những đóa bông tai sa xuống, tôi chèo thuyền dọc theo bờ bắc và nhìn khắp đầm nhưng không thấy con gavia nào, thì bỗng một con, bơi từ bờ ra giữa đầm cách vài sải trước mặt tôi, bắt đầu phát ra tiếng cười hoang dại của nó và để lộ mình ra. Tôi chèo đuổi theo thì nó lặn xuống, nhưng khi nó nổi lên thì tôi đã ở gần nó hơn. Nó lại lặn, và tôi đã tính sai hướng của nó, cách nó đến năm mươi sải khi nó nổi lên mặt nước, vì tôi đã giúp nó mở rộng khoảng cách; và một lần nữa nó cười dài và to, vì có lí do hơn lúc trước. Nó xoay trở khôn lanh đến nỗi tôi không làm sao đến gần nó trong khoảng năm sáu sải. Mỗi lần, khi nổi lên mặt nước, quay đầu bên này bên kia, nó bình tĩnh khảo sát nước và đất, và rõ ràng đã chọn hành trình sao cho có thể nhô lên ở chỗ mặt nước rộng thoáng nhất và cách thuyền tôi xa nhất. Đáng ngạc nhiên là sao nó có thể quyết định và thực hiện giải pháp nhanh thế. Nó lập tức dẫn tôi đến chỗ rộng rãi nhất của đầm, và không thể dụ nó ra khỏi đó. Trong khi nó đang nghĩ một điều gì, thì tôi cố gắng đoán ra ý nghĩ của nó. Đó là một trò chơi tuyệt vời, chơi trên mặt đầm êm đềm, một người đấu với một con chim lặn gavia. Bỗng nhiên quân cờ của đối thủ của bạn biến mất dưới bàn cờ, và vấn đề là phải đặt được quần cờ của bạn gần nhất với chỗ nó sẽ xuất hiện trở lại. Đôi khi nó đột nhiên hiện lên bất ngờ ở phía ngược với tôi, như thể đã chui thẳng qua dưới đáy thuyền. Nó dài hơi và bền sức đến nỗi sau khi đã bơi xa nhất nó vẫn có thể lại lặn ngay lập tức; và khi đó dù khôn đến đâu cũng không đoán được nó ở đâu trong cái đầm sâu này, bên dưới mặt nước êm đềm này; nó có thể bơi tung tăng như cá, vì nó có thời gian và khả năng thám hiểm đáy đầm ở nơi sâu nhất. Người ta nói rằng trong những hồ ở New York có thế câu được những con gavia tám foot dưới mặt nước, bằng những lưỡi câu dùng để câu cá hồi, mặc dù Walden sâu hơn thế. Những con cá sẽ ngạc nhiên biết bao khi thấy vị khách vô duyên này từ một môi trường khác đến tung tăng giữa bầy cá của chúng! Tuy nhiên nó có vẻ biết chắc cách đi lại dưới lòng nước cũng như trên mặt, và bơi dưới đó còn nhanh hơn. Một đôi lần tôi thấy gợn sóng ở chỗ nó lên gần mặt nước, nhưng vừa nhô đầu lên thám thính, ngay lập tức nó lại lặn xuống. Tôi thấy cứ dừng chèo ngồi đợi nó xuất hiện trở lại còn hơn cố gắng tính toán xem nó có thể nhô lên ở chỗ nào; vì đã hết lần này đến lần khác, khi cố căng mắt hướng nhìn ra mặt nước, thì tôi giật mình vì tiếng cười ma quái của nó sau lưng tôi. Nhưng tại sao, sau khi đã phô diễn đủ trò tinh quái đến thế, nó lần nào cũng như lần nào tự bộc lộ mình vào cái giây phút nó xuất hiện bằng tiếng cười to ấy? Cái ngực trắng của nó không đủ bộc lộ nó hay sao? Tôi nghĩ chắc chắn nó là một con chim gavia ngu xuẩn. Nói chung tôi có thể nghe tiếng nước bì bõm khi nó tới, và có thể phát hiện ra nó bằng cách ấy. Nhưng sau một giờ có vẻ nó vẫn khỏe khoắn hơn bao giờ hết, lặn một cách hào hứng và bơi nhanh hơn ban đầu. Tôi ngạc nhiên nhìn nó thanh thản bơi đi, với cái ngực trơn mượt không làm dậy sóng khi nó nhô lên mặt nước, làm mọi động tác bằng những bàn chân có màng bên dưới. Tiếng kêu của nó là tiếng cười ma quái này, tuy hơi giống tiếng của những con chim bơi dưới nước khác, nhưng đôi khi, khi đã nhử tôi thành công nhất, nó nhô lên và bơi một hơi dài ra xa, tuôn ra một tiếng hú khủng khiếp kéo dài, có lẽ giống tiếng hú của một con sói hơn là một con chim, như một con thú chúi mõm xuống đất và cố tình tru lên. Đó là tiếng kêu đặc thù của con chim lặn gavia, có lẽ là tiếng kêu hoang dại nhất tôi từng nghe thấy ở đây, làm cây rừng rung lên xa rộng. Tôi kết luận rằng nó cười chế giễu những cố gắng vô hiệu của tôi, tự tin vào tài xoay trở của nó. Mặc dù bầu trời lúc này đầy mây, đầm vẫn êm đến mức tôi có thể thấy nó rẽ mặt nước khi còn chưa nghe thấy tiếng nó. Cái ngực trắng của nó, sự êm lặng của không khí, và sự êm đềm của nước là tất cả chống lại nó. Cuối cùng, khi đã đến còn cách năm mươi sải, nó thốt ra một trong những tiếng hú kéo dài ấy, như thể gọi thượng đế của loài chim lặn gavia giúp nó, và ngay lập tức một làn gió từ hướng đông thổi tới làm gợn sóng mặt nước, làm không gian ngập tràn sương mù, và tôi có cảm giác như đó lời đáp cho lời cầu nguyện của con chim kia, và thượng đế của nó đã nổi giận với tôi; và như vậy tôi để cho nó biến đi xa trên mặt nước mịt mù.
Vào mùa thu, tôi ngồi xem trong nhiều giờ những con vịt bơi một cách ngoắt ngoéo và dừng lại giữa đầm, xa thợ săn, những mẹo vặt chúng sẽ ít cần đến khi ở những đầm lầy Louisiana. Khi buộc phải bay lên chúng sẽ lượn vòng lượn vòng trên khắp mặt đầm ở một tầm khá cao, từ đó chúng dễ dàng nhìn thấy những đầm khác và sông, như những hạt bụi đen trên bầu trời, và, khi tôi nghĩ chúng đã bay tới đó từ lâu, thì chúng lại sà xuống theo một đường bay nghiêng một phần tư dặm đến một khoảng xa và thoáng của đầm; nhưng ngoài chuyện an toàn chúng có lí do gì bơi ra giữa Walden tôi không biết, trừ phi chúng thích nước của nó với cùng lí do như tôi.
Walden - Một Mình Sống Trong Rừng Walden - Một Mình Sống Trong Rừng - Henry David Thoreau Walden - Một Mình Sống Trong Rừng