Hãy tiến lên và cứ phạm sai lầm. Phạm thật nhiều sai lầm. Bởi vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy thành công ở phía sau những sai lầm này.

Thomas J. Watson, Sr.

 
 
 
 
 
Thể loại: Kinh Dị
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 37
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1597 / 17
Cập nhật: 2015-12-22 21:39:09 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 -
áng hôm sau tôi tỉnh giấc bởi ánh sáng của mùa xuân trong lành. Tôi chạy bộ vài cây số, quên đi cảm giác đau giần ở đầu gối và miên man nghĩ về chuyện tối qua giữa tôi và Robin.
Sau khi chạy xong, tôi tắm, cho cá ăn và đọc báo trong lúc ăn sáng. Lại là những tin tức về cái chết của Ashmore.
Tôi gọi điện tới Ban trung tâm thông tin, cố tìm kiếm một số điện thoại khớp với địa chỉ mà Milo đã đưa cho tôi về Herbert. Không hề có số điện thoại nào của địa chỉ ấy nằm trong danh bạ và hai người Herbert kia sống ở Culver City cũng không biết về người nào có họ là Dawn.
Tôi gác máy, tự hỏi liệu gặp được cô ta rồi thì có giải quyết được chuyện gì không. Cứ cho là gặp được cô ta rồi thì biết phải dùng danh phận gì, câu chuyện gì để hỏi cô ta về hồ sơ của Chad?
Tôi quyết định tập trung làm theo những gì đã được đào tạo. Thay quần áo và kẹp tấm phù hiệu bệnh viện vào ve áo, tôi ra khỏi nhà, theo đường Sunset tới Hollywood.
Chỉ vài phút sau tôi đã tới được Beverly Hills và vượt qua đường Whittier Drive mà không đi chậm lại. Bên kia đường có điều gì đó đập vào mắt tôi.
Chiếc xe Cutlass màu trắng đang đi từ phía Đông trở lại. Nó rẽ sang đường Whittier và hướng về khu nhà số 900.
Tôi liền vòng trở lại. Khi tới căn nhà kiểu Georgia to lớn kia, chiếc xe được đậu vào đúng chỗ hôm trước tôi đã thấy. Một người phụ nữ da đen bước ra khỏi xe từ phía tay lái.
Đó là một người phụ nữ còn trẻ, trạc 28, 30, thấp và nhỏ nhắn. Cô ta mặc chiếc váy vải bông màu xám dài tới tận mắt cá chân, đi dép không quai hậu. Một tay cô nàng xách chiếc túi Bullock, còn tay kia cầm chiếc bóp da.
Có lẽ đây là người giữ nhà, tôi đoán vậy. Chắc là cô ta ra ngoài để làm một số việc mua bán cho bà vợ goá của Ashmore.
Vừa lúc cô nàng quay về phía căn nhà thì đã phát hiện ra tôi. Tôi mỉm cười. Vẻ mặt cô nàng bối rối, cô liền chậm bước qua đường vào nhà. Khi tới gần, tôi thấy cô nàng khá xinh xắn, da đen đến mức tôi cứ ngỡ là màu xanh da trời. Khuôn mặt cô tròn, cằm vuông, nhìn chung là có vẻ sáng sủa và sạch sẽ giống như đeo chiếc mặt nạ của người Nubia. Đôi mắt to, tò mò nhìn thẳng vào tôi.
- Xin chào ông. Phải chăng ông từ bệnh viện tới? - Giọng Anh, được đào tạo rất bài bản.
- Vâng, đúng thế - Tôi đáp, cảm thấy thật kỳ lạ nhưng rồi nhận ra rằng cô nàng đã nhìn phù hiệu của tôi trên ve áo.
Đôi mắt cô nàng hấp háy, rồi mở to. Xung quanh mắt có vết tím. Chắc chắn là cô ta đã khóc rất nhiều. Đôi môi cũng hơi run run.
- Thật cảm kích vì ông đã tới - Cô nói.
- Tôi là Alex Delaware - Tôi giới thiệu và chìa bàn tay ra ngoài cửa sổ xe. Cô đặt chiếc túi mua hàng xuống bãi cỏ và bắt lấy tay tôi. Bàn tay cô nhỏ, khô và rất lạnh.
- Tôi là Anna Ashmore. Tôi không nghĩ lại có người tới sớm thế này.
Biết nhận định của mình sai, tôi hơi xấu hổ nhưng cũng nhanh miệng nói:
- Tôi và bác sĩ Ashmore thực ra không phải là chỗ thân tình cá nhân đâu, nhưng tôi thực lòng muốn tới viếng ông ấy.
Cô ta liền để cho bàn tay rơi thõng xuống. Xung quanh đâu đó có tiếng máy cắt cỏ kêu.
- Chúng tôi không tiến hành nghi thức nào cả. Chúng tôi không phải là người theo đạo.
Cô quay lại phía căn nhà.
- Xin mời ông vào nhà!
Phòng khách có tới hai tầng, sàn lát đá hoa cương màu sữa. Tay vịn cầu thang bằng đồng rất đẹp và cầu thang lát đá hoa cương uốn hình xoáy ốc lên tầng hai. Bên phải là phòng ăn màu vàng rộng rãi có những đồ mới tinh màu đen bóng mà người giữ nhà thực sự đang lau chùi. Phía sau cầu thang, bức tường cũng đầy những tác phẩm nghệ thuật của Ba-tích châu Phi và tranh đương đại. Qua cầu thang, một hành lang ngắn dẫn tới cánh cửa thuỷ tinh, làm khung luôn cho tấm bưu thiếp lớn của California - bức tranh phong cảnh hữu tình mà tôi vẫn thấy bày bán ngoài đường phố.
Người hầu gái từ trong phòng ăn đi ra nhận lấy túi đồ của Ashmore. Anna Ashmore cảm ơn cô hầu gái xong liền chỉ tay về bên trái tới phòng khách rộng cỡ bằng hai phòng ăn, nền thấp hơn phòng ăn khoảng hai bậc.
- Xin mời ông đi lối này - Nói rồi cô đi xuống và bật công tắc khiến rất nhiều đèn bừng sáng.
Một góc nhà là chiếc piano lớn. Tường phía đông là những cánh cửa sổ lớn đang đóng để lọt vào những tia nắng như những lưỡi dao. Sàn nhà được lát gỗ màu vàng và trải thảm màu nâu của Arập. Trần nhà ốp gỗ màu trắng, bên trên những bức tường vữa màu vàng lại là những tác phẩm nghệ thuật, vẫn những bức tranh sơn dầu và thảm phong cảnh. Tôi nghĩ đã phát hiện ra một bức tranh của Hockney ở bên trái cái lò sưởi bằng đá granite.
Căn phòng lạnh lẽo và đầy đồ đạc khiến tôi có cảm giác đó là một trung tâm thiết kế. Ghế sôpha bọc da trắng của Italia, cái ghế đẩu Breuer màu đen, mấ chiếc bàn giả cổ bằng đá và vài cái bàn khác nhỏ hơn có chân bằng đồng, mặt kính. Một trong số những chiếc bàn đá ấy được đặt trước những chiếc ghế sôpha lớn nhất. Giữa mặt bàn là chiếc bát lớn bằng gỗ nghiến đựng đầy táo và cam.
Ashmore lại nói:
- Xin mời ông - Và ngồi xuống chiếc ghế phía sau cái bát đựng hoa quả.
- Tôi lấy thứ gì cho ông uống nhé?
- Không, xin cảm ơn cô.
Cô liền ngồi ngay trước mặt tôi, mặt đối mặt, im lặng.
Một lúc bằng khoảng thời gian đi từ phòng ngoài vào đây, mắt cô đã ngấn lệ.
- Tôi xin được chia sẻ sự mất mát của cô và gia đình - Tôi nói.
Cô lau nước mắt bằng một ngón tay và ngồi thẳng người lên.
- Cảm ơn ông đã tới.
Căn phòng tràn ngập không khí tĩnh lặng khiến tôi càng có cảm giác lạnh lẽo hơn. Cô nàng lại đưa tay lau mắt và rồi đan những ngón tay vào nhau.
Tôi khen:
- Căn nhà của vợ chồng cô đẹp quá.
Cô nàng giơ tay lên và làm một động tác bất lực:
- Tôi không biết sẽ phải làm gì với nó nữa, thưa ông.
- Cô đã sống ở đây lâu chưa?
- Mới chỉ một năm. Larry là chủ sở hữu của căn nhà này trước đó rất lâu rồi, nhưng chúng tôi không sống cùng với nhau ở đây. Khi chúng tôi tới California, Larry nío rằng chúng tôi nên cùng nhau tới sống tại đây.
Cô nàng nhún vai và lại giơ hay tay lên vẻ bất lực rồi buông thõng xuống đầu gối.
- Quá lớn, thực sự rất lố bịch... chúng tôi đã bàn tới chuyện bán căn nhà này... - Cô lắc đầu - Ôi, mời ông, ông dùng thứ gì đó đi.
Tôi cầm một quả táo và gặm. Thấy tôi ăn, cô nàng có vẻ rất hài lòng.
- Thế ban đầu vợ chồng cô từ đâu chuyển tới đây? - Tôi hỏi.
- Từ New York.
- Thế trước đó bác sĩ Ashmore từng sống ở Los Angeles đúng không?
- Không, nhưng ông ấy thường tới đây để mua nhà - ông ấy có rất nhiều nhà. Nhà của ông ấy ở khắp đất nước. Đó là... công việc của ông ấy.
- Mua bán bất động sản ư?
- Mua và bán. Đầu tư. Từng có lúc ông ấy mua cả nhà ở Pháp nữa. Một căn nhà rất cổ. Một vị bá tước đã mua lại căn nhà đó và nói với mọi người rằng dòng tộc của ông ta đã gìn giữ căn nhà đó hàng mấy trăm năm. Larry rất ghét kiểu khoác lác đó. Nhưng ông ấy rất hứng thú với việc mua và bán nhà. Nó mang lại cho ông ấy sự tự do, tự tại.
Tôi hiểu lời cô ta nói vì chính bản thân tôi cũng đã nhờ vào cơn sốt đất để có được sự độc lập về tài chính vào những năm giữa thập kỷ 70. Nhưng tôi hoạt động ở mức độ còn thấp hơn nhiều.
- Trên tầng - Cô nàng nói - hoàn toàn không có gì cả.
- Thế cô sống một mình à?
- Vâng. Chúng tôi không có con cái. Nào, xin mời ông ăn cam đi. Tôi lấy từ cây ở sau vườn đấy. Rất dễ bóc.
Tôi cầm trái cam, bóc vỏ và ăn một múi.
- Tôi chỉ biết có Larry thôi, không biết nhiều người khác - Cô nàng giải thích.
Nhớ lại cô nàng đã nói rằng tôi đến sớm, tôi liền nói:
- Thế đã có ai từ bệnh viện tới đây rồi à?
Cô nàng gật đầu.
- Họ đã đến cùng với món quà - giấy chứng nhận quyên góp cho UNICEF. Họ đã cho đóng khung tờ giấy chứng nhận ấy. Hôm qua một người đàn ông đã gọi điện cho tôi, để kiểm tra xem chuyện đã xong chưa, chuyện góp cho UNICEF ấy mà.
- Một người tên là Plumb phải không?
- Không... tôi không nghĩ thế. Một cái tên dài cơ - nghe như tiếng Đức ấy.
- Phải chăng là Huenengarth.
- Vâng, đúng đấy. Ông ta rất tử tế, nói những điều tốt đẹp về Larry.
Cái nhìn của cô nàng thay đổi, như thể bị mất tập trung, và nhìn vào trần nhà.
- Hay ông cứ để tôi lấy cho ông thứ gì đó để uống nhé.
- Thế thì cho tôi ít nước vậy.
Cô nàng gật đầu và đứng dậy.
- Nếu ông may mắn thì người đưa nước Sparkletts đã tới. Nước ở Beverly Hills không thể dùng được. Chúng tôi dùng nước khoáng, không dùng nước ở đây.
Khi cô nàng đi khỏi, tôi đứng dậy và xem xét các bức tranh. Tất cả đều có chứng nhận của Hockney. Có rất nhiều loại tranh và đồ đạc quý. Rất nhiều thứ tôi không xác định được nguồn gốc. Chúng được xếp cùng với những bức Batích gam màu đất.
Cô nàng quay trở lại với một chiếc ly rỗng không, một chai Perrier và khăn ăn đặt trên cái đĩa hình ôvan.
- Thật tiếc, đã hết nước mát rồi. Tôi nghĩ nước này cũng tốt.
- Không sao, cảm ơn cô.
Cô nàng rót nước ra ly cho tôi và ngồi vào chỗ của mình.
- Tranh đẹp thật - Tôi khen.
- Larry mua từ New York khi ông ấy làm việc tại Sloan-Kettering đấy.
- Viện ung thư phải không?
- Vâng. Chúng tôi đã ở đó bốn năm. Larry rất quan tâm tới bệnh ung thư - về sự gia tăng tần suất xuất hiện bệnh, về kiểu bệnh, về tình hình ô nhiễm của thế giới. Ông ấy rất lo cho thế giới này.
Cô nàng lại nhắm mắt.
- Có phải hai người gặp nhau tại đó không?
- Không. Chúng tôi gặp nhau ở nước tôi - Sudan. Tôi sống tại một ngôi làng ở phía Nam Sudan. Cha tôi là trưởng làng. Tôi đi học tại Kenya và Anh bởi vì những trường đại học lớn ở Khartoum và Omdurman là của người Hồi giáo trong khi gia đình tôi lại theo đạo Thiên chúa. Miền Nam toàn những người theo đạo Thiên chúa và những người theo thuyết vật linh - ông có biết đó là tôn giáo gì không?
- Là những tôn giáo của bộ tộc người cổ xưa.
- Đúng. Cổ xưa, nhưng tồn tại rất lâu. Những người miền Bắc rất ghét điều này - sự tồn tại dai dẳng của nó. Lẽ ra tất cả mọi người phải là người Hồi giáo mới phải. Một trăm năm trước, họ bán những người miền Nam như những nô lệ; bây giờ họ lại cố gắng biến chúng tôi thành nô lệ cho tôn giáo của họ.
Đôi bàn tay cô nắm chặt. Toàn thân vẫn không thay đổi tư thế.
- Thế chắc ông nhà cũng từng nghiên cứu ở Sudan?
Cô gật đầu.
- Ông ấy đi cùng với phái đoàn của Liên Hợp quốc, nghiên cứu về các mô thức phát triển của bệnh dịch - đó là lý do tại sao ông Huenengarth nghĩ rằng quyên góp cho UNICEF là một đóng góp hợp lý.
- Về mô thức phát triển của bệnh dịch à - Tôi lẩm bẩm - Phải chăng đó là dịch tễ học?
Cô gật đầu.
- Ông ấy được đào tạo về độc học và bệnh học môi trường, nhưng chỉ hành nghề trong lĩnh vực ấy một thời gian ngắn. Toán học mới là thứ ông ấy thực sự say mê, và với dịch tễ học, ông ấy có thể kết hợp toán học với y học. Tại Sudan, ông ấy nghiên cứu tốc độ lây lan của vi khuẩn từ làng này sang làng khác. Bố tôi rất thán phục việc làm của ông và giao cho tôi nhiệm vụ giúp ông ấy lấy mẫu máu của trẻ con - trước đó tôi đã học xong y tá tại Nairobi và trở về nhà - Cô mỉm cười - Tôi trở thành phụ tá của Larry - ông không thích làm đau trẻ con. Chúng tôi trở thành bạn của nhau. Rồi những người Hồi giáo tràn tới. Bố tôi bị giết - cả gia đình tôi đều bị giết chết...
Cô kể lại cho tôi nghe bi kịch của gia đình mình bằng giọng rất thật, như thể đời cô đã liên tục phải chịu những sự mất mát lớn. Tôi tự hỏi không biết có phải vì liên tục chịu những đau đớn, mất mát nên cô đã không quỵ ngã trước cái chết của chồng mình, hay nó chỉ làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Cô nói tiếp:
- Bọn trẻ con trong làng... đều bị giết sạch khi người miền Bắc tới, Liên Hợp quốc không làm gì cả, vì thế Larry vô cùng tức giận. Ông ấy quá vỡ mộng với những nhân viên Liên Hợp quốc. Khi chúng tôi tới New York, ông ấy đã viết nhiều thư từ gửi đi các nơi và cố gắng nói chuyện với những người có chức quyền ở đó. Khi họ không chịu tiếp nhận ý kiến của Larry, ông ấy càng tức giận hơn và tính tình trở nên thâm trầm, hướng nội. Đó là lúc ông ấy lao vào mua bán bất động sản.
- Là để làm giảm bớt đi sự tức giận của ông ấy phải không?
Một cái gật đầu rất chắc chắn:
- Nghệ thuật trở thành nơi rút lui của ông ấy, thưa bác sĩ Delaware. Ông ấy gọi đó là nơi cao nhất mà con người có thể đạt tới. Mỗi khi mua được một bức tranh mới, ông ấy liền treo lên và ngắm nhìn hàng giờ đồng hồ. Ông thường nói rằng cần phải bao quanh chúng tôi bằng những thứ không làm tổn thương đến bản thân chúng tôi được.
Cô nàng đảo mắt quanh căn nhà một lượt rồi lắc đầu:
- Giờ ông ấy ra đi để lại toàn bộ những thứ này cho tôi, mà phần lớn những thứ này với tôi là vô nghĩa - Cô lại lắc đầu - Những bức tranh thường gợi tôi nhớ lại sự tức giận của ông ấy - ông ấy là người dễ nổi giận lắm. Kể cả kiếm tiền ông ấy cũng kiếm từ sự giận dữ.
Cô nàng nhận thấy vẻ bối rối của tôi.
- Ôi, xin lỗi đã bắt ông phải nghe câu chuyện của chúng tôi - tôi lại lan man mất rồi. Điều mà tôi muốn nói là cách bắt đầu kiếm tiền của ông ấy. Ông ấy chơi blackjack, rồi những trò chơi may rủi khác. Tuy nhiên, nói là chơi thì cũng chưa hẳn là chính xác đâu - khi đánh bạc, ông ấy ở trong thế giới riêng của mình, ham tới mức quên ăn, quên ngủ.
- Thế ông ấy thường đánh bạc ở đâu?
- Tất cả mọi nơi. Las Vegas, Atlantic City, Reno, Lake Tahoe. Số tiền kiếm được từ đánh bạc, ông ấy lại đầu tư vào những dự án khác - vào thị trường chứng khoán, trái phiếu - Cô vung cánh tay thành một vòng tròn.
- Thế ông ấy có hay thắng không?
- Gần như là luôn luôn thắng.
- Chắc ông nhà phải có hệ thống tính toán thế nào đấy chứ?
- Ông ấy có rất nhiều là đằng khác. Ông ấy dùng máy tính để tạo ra các phép tính. Nói đúng ra, ông là thiên tài toán học, bác sĩ Delaware ạ. Những hệ thống tính toán của ông ấy đòi hỏi một trí nhớ phi phàm, chỉ cần nhẩm tính là ông ấy cũng có thể cộng được cả những cột dài các con số, chẳng khác nào cái máy tính. Cha tôi nghĩ ông ấy là phù thuỷ. Khi chúng tôi lấy mẫu máu trẻ con, tôi yêu cầu ông ấy làm ảo thuật tính toán cho bọn trẻ. Chúng xem và đứa nào đứa nấy đều ngây người ra, ngỡ ngàng đến mức không còn cảm thấy kim tiêm chọc vào người mình.
Cô nàng cười và lấy tay che miệng.
- Ông ấy nghĩ rằng có thể làm thế mãi. Cô nói và ngẩng mặt lên - tức là làm giàu bằng bài bạc ấy. Nhưng rồi bọn họ phát hiện ra và xin ông ấy đi chỗ khác cho họ còn làm ăn. Đó là ở Las Vegas. Ông ấy liền bay tới Reno nhưng sòng bạc ở đó cũng biết ông ấy rồi. Larry vô cùng tức tối. Một vài tháng sau đó, ông ấy cải trang rồi trở lại sòng bạc đầu tiên. Ông ấy chơi với số tiền lớn và lại thắng.
Cô nàng nhớ lại những kỷ niệm ấy một lát, miệng tủm tỉm cười. Được giãi bày tâm sự đã làm cho cô nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau. Việc này làm cho sự có mặt của tôi trở nên hợp lý.
- Thế rồi - Cô nói tiếp - ông ấy không chơi nữa. Ông ấy bảo đã chán rồi nên bắt đầu đi vào mua bán bất động sản. Về lĩnh vực này thì ông ấy tài lắm... Tôi chẳng còn biết phải làm gì khi chuyện xảy ra với ông ấy.
- Thế cô có gia đình, người thân nào ở đây không?
Cô lắc đầu và nắm chặt hai tay.
- Không có ở đây và cũng không có ở bất kỳ nơi đâu khác. Bố mẹ ông Larry nhà tôi cũng đã mất cả rồi... thật là trớ trêu quá. Khi những người miền Bắc đến, họ bắn chết phụ nữ và trẻ em. Larry tận mắt chứng kiến cảnh ấy và gào thét vào mặt họ, chửi bới và gọi họ bằng những cái tên kinh khủng nhất. Ông ấy không phải là người to lớn.. mà ông đã gặp ông nhà tôi chưa?
Tôi lắc đầu.
- Ông ấy rất nhỏ - Lại một nụ cười - Rất nhỏ. Khi không có mặt ông ấy, cha tôi thường gọi ông ấy là con khỉ. Tất nhiên là không hề có ác ý. Gọi là khỉ nhưng thâm tâm ông ấy lại nghĩ Larry là một con sư tử. Làng xóm hay lấy chuyện này ra làm chuyện khôi hài nhưng ông nhà tôi chẳng phật lòng. Có lẽ chính những người Hồi giáo cũng tin ông ấy là một con sư tử. Họ chưa bao giờ làm tổn thương tới ông ấy. Họ để ông ấy đưa tôi lên máy bay ra đi. Một tháng sau khi chúng tôi tới New York, tôi bị một tên nghiện chặn cướp. Hãi quá. Những thành phố ấy chưa bao giờ làm cho Larry phải sợ cả. Tôi thường đùa rằng ông ấy làm cho thành phố đó phải sợ. Ông ấy đúng là con khỉ nhỏ ghê gớm. Còn bây giờ...
Cô lại lắc đầu, lấy tay che miệng và nhìn đi nơi khác. Vài giây trôi qua, tôi hỏi:
- Tại sao hai vợ chồng cô lại chuyển tới Los Angeles?
- Larry không thích Sloan-Kettering. Có quá nhiều lụât lệ, quá nhiều chính trị. Ông ấy nói rằng chúng tôi nên chuyển tới California. Ông ấy nói ngôi nhà này - ông ấy nghĩ đây là ngôi nhà đẹp nhất, tốt nhất ông ấy có và thật là ngu ngốc lại để cho kẻ khác hưởng thụ trong khi chúng tôi phải sống ở căn hộ. Vì thế ông ấy đuổi người thuê nhà đi - hình như đó là một nhà sản xuất phim đã không chịu trả tiền thuê cho ông ấy.
- Tại sao ông ấy lại chọn làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng miền Tây?
Cô nàng ngập ngừng:
- Xin ông đừng giận, thưa bác sĩ, nhưng ông ấy lý luận rằng Bệnh viện Nhi đồng miền Tây là một bệnh viện ... đang suy sụp, gặp vấn đề về tiền. Vì vậy sự độc lập tài chính của ông ấy sẽ cho phép ông ấy được yên tâm làm công tác nghiên cứu.
- Thế ông ấy nghiên cứu về lĩnh vực gì?
- Vẫn như trước, mô thức phát triển bệnh. Tôi không biết nhiều về chuyện nghiên cứu của ông ấy - Larry không thích nói nhiều về công việc của mình - Cô lắc đầu - Ông ấy ít nói chuyện. Sau khi ở Sudan và làm việc với các bệnh nhân ung thư tại New York, ông ấy không hề muốn tiếp xúc với người bệnh và những nỗi đau của họ nữa.
- Tôi từng nghe ông ấy làm việc một mình.
Cô cười hiền:
- Ông ấy thích sống một mình. Ngay cả một thư ký ông ấy cũng không muốn có. Ông ấy nói rằng có thể đánh máy nhanh hơn và chính xác hơn máy chữ của ông ấy. Mà ông hỏi thế chắc có ý gì à?
- Ông ấy có trợ lý nghiên cứu thì phải, tên là Dawn Herbert gì đó.
- Tôi không biết tên những người này đâu, nhưng đúng. Thỉnh thoảng ông ấy có thuê những sinh viên mới ra trường, nhưng họ không bao giờ đáp ứng được các tiêu chuẩn của ông ấy.
- Có phải là trường đại học ở Westwood không?
- Đúng. Trợ cấp nghiên cứu ông ấy dành để trả cho những người phụ tá và những việc khác mà ông ấy không muốn làm. Nhưng ông ấy không bao giờ hài lòng với việc làm của họ. Sự thật là, thưa bác sĩ, Larry không thích phụ thuộc vào bất kỳ ai khác. Tự thân vận động chính là một thứ tôn giáo của ông ấy. Sau khi tôi bị cướp ở New York, ông ấy đề nghị cả hai chúng tôi cùng học võ để tự vệ. Ông ấy nói cảnh sát ở đây lười nhác và thiếu quan tâm lắm. Ông ấy tìm được ông thầy người Hàn Quốc ở Manhattan dạy chúng tôi karate, cước pháp - rất nhiều kỹ thuật. Tôi học được hai, ba buổi rồi thôi. Có vẻ như không được hợp lý lắm bởi làm sao chân tay không mà chúng ta có thể chống lại được mấy kẻ nghiện ngập có súng chứ? Nhưng Larry thì tiếp tục học và thực hành vào mỗi buổi tối. Ông ấy đã lấy được đai đấy.
- Đai đen à?
- Đai nâu. Larry nói rằng chỉ cần đai nâu là đủ; nếu như có gì đó hơn nữa thì có lẽ lại là cái tôi của ông ấy.
Cúi mặt xuống, cô nàng khóc. Tôi lấy chiếc khăn ăn từ đĩa, đứng cạnh ghế và sẵn sàng đưa cho cô khi cô ngẩng mặt lên. Bàn tay cô nắm chặt những ngón tay của tôi đến nỗi tôi cảm thấy đau, rồi mới bỏ ra. Tôi ngồi trở lại ghế.
Cô nói:
- Vậy ông có muốn dùng gì nữa không?
Tôi lắc đầu.
- Không bíêt tôi có thể giúp gì cho cô nhỉ?
- Không, cảm ơn ông. Chỉ cần ông đến viếng thăm gia đình thế này đã là tốt lắm rồi - chúng tôi không quen biết nhiều người đâu.
Cô nàng nhìn căn phòng thêm một lần nữa.
Tôi nói:
- Có phải cô sắp đặt chuyện tang lễ không?
- Thông qua luật sư riêng của Larry.. ông ấy đã có kế hoạch hết rồi. Tất cả mọi thứ. Ông ấy cũng có luôn cả một kế hoạch cho tôi nữa. Tôi không bao giờ biết cả. Ông ấy làm tất cả mọi thứ... tôi không biết khi nào thì tang lễ sẽ được cử hành. Trong những trường hợp như thế này... nhân viên khám nghiệm... Thật tệ quá...
Hai bàn tay cô nhanh chóng úp lấy mặt. Cô nàng lại khóc nức nở.
- Chuyện này tồi tệ quá. Tôi hay khóc lắm - Cô lấy khăn ăn lau mắt.
- Đây là một mất mát thật to lớn, thưa cô Ashmore.
- Không có gì là tôi chưa được chứng kiến cả - Cô nói rất nhanh. Bỗng nhiên, giọng cô nàng đanh lại, với vẻ mặt đầy tức tối.
Tôi không nói gì nữa.
- Mà - Cô lên tiếng - Có lẽ tôi cũng nên làm việc của mình thôi.
Tôi đứng dậy. Cô tiễn tôi ra cửa.
- Cảm ơn ông đã tới, thưa bác sĩ Delaware.
- Nếu như cô cần gì, hãy gọi tôi một tiếng nhé.
- Ông thật tử tế, nhưng chắc chắn là tôi sẽ tự làm được dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.
Cô mở cửa.
Tôi chào cô nàng. Cánh cửa đóng lại phía sau tôi.
Tôi cất bước về phía chiếc Seville. Những tiếng làm vườn đã không còn nữa, đường phố thật đẹp và yên tĩnh.
Vũ Điệu Quỷ Vũ Điệu Quỷ - Jonathan Kellerman Vũ Điệu Quỷ