Love is hard to get into, but even harder to get out of.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 131 / 20
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ột buổi tối tôi nghe có tiếng chuông gọi cửa. Tôi đứng dậy ra mở cửa và sững sờ nhận ra Giôn.
- Lạy chúa - Tôi kêu lên.
Giôn lao vào ôm chầm lấy tôi.
- Phụng - Giọng anh kêu lên khe khẽ và run rẩy.
Tôi để anh ôm tôi như thế rất lâu. Cuối cùng tôi nói khẽ:
- Anh vào nhà đi.
Khi Giôn ngồi xuống ghế, tôi mới có dịp ngắm kỹ anh. Râu tóc anh có lẽ từ ngày đi đến giờ không cắt, trùm kín che hết gương mặt anh. Khuôn mặt anh hốc hác. Anh đen và già đi rất nhiều.
- Thế là anh đã trở về - Tôi nói.
- Tôi không thể đi đâu được nữa.
- Thôi anh đi tắm đi, Phụng làm một chút gì cho anh ăn. Nào anh, ta sẽ nói chuyện sau.
Anh cởi chiếc ba lô du lịch vẫn đeo sau lưng, lúc này tôi mới để ý đến con Túc. Tôi ôm lấy nó vuốt ve:
- Ôi Túc, tao nhớ mày quá! Cám ơn mày đã đưa Giôn trở về. Mày gầy đi nhiều quá.
Hình như con Túc xúc động. Người nó run lên.
Sau khi Giôn tắm xong, tôi dọn bàn ăn cho anh và cả con Túc. Tôi nhìn anh ăn như một đứa trẻ.
- Anh ở đâu trong những ngày vừa qua? - Tôi hỏi khi chúng tôi ngồi uống cà phê.
- Tôi đến một hòn đảo tí hon, chỉ chừng một ki-lô-mét vuông, trong quần đảo Hawaii.
- Sao anh không viết thư về cho Phụng?
- Hoặc là tôi trở về, hoặc là tôi quên hết cả.
- Anh đã trở về, như thế nghĩa là anh không quên gì cả.
- Tôi nghĩ, tôi sẽ quên đi được nước Mỹ, tôi sẽ quên đi được những cơn ác mộng. Nhưng làm sao quên được. Ban ngày tôi làm việc và đi bộ quanh đảo. Đêm đến thì tôi lại hoảng sợ. Tôi kể chuyện với gia đình chủ đảo về chiến tranh Việt Nam. Tôi nghe họ hát những bài hát của dòng họ họ sáng tác về hòn đảo và về chính gia đình họ bao nhiêu đời nay. Đêm đêm tôi đi ra bờ cát, tôi quỳ trên cát hướng về đất liền cầu nguyện cho bạn bè tôi, cho gia đình Giêm, cho Phụng và tôi gọi tên từng người. Trên bãi cát vắng chỉ có tôi, con Túc và những lời cầu nguyện đau khổ.
Giôn ngừng nói. Anh đến trước tôi. Anh quỳ xuống và cầm lấy bàn tay của tôi.
- Chỉ còn em, Phụng ạ. Tôi yêu em. Chỉ có tình yêu của em mới làm tôi quên đi hết tất cả. Chỉ em mới cứu rỗi được linh hồn tôi. Chúa đã bất lực. Tôi yêu em, tôi trở về để tìm em. Chẳng lẽ sự đau khổ đến hóa điên và sự ân hận của tôi không chuộc lại một phần nào tội lỗi của tôi ư? Em nói đi, em nghĩ gì về tôi?
Tôi cứ ngồi như vậy và khóc. Tôi nói với anh như thế nào bây giờ. Tôi giải thích với anh như thế nào về sự cô độc của tôi. Tôi nói với anh về Hùng, người tôi yêu và đã cách xa mười mấy năm trời rồi ư? Mười mấy năm trời không một mẩu tin. Tôi nói với anh, tôi là ai ư? Công việc không cho phép mặc dù tôi hoàn toàn tin anh. Nếu tôi nói ra sự thật, tôi là một tình báo của một nước cộng sản, tôi tin anh sẽ bảo vệ tôi. Bởi anh đã hiểu được những người cộng sản như thế nào. Và bởi anh yêu tôi. Tình yêu ấy làm nhòa đi mọi điều khác. Nhưng tôi không thể.
- Giôn - Tôi kêu lên và gục đầu vào vai anh. Tôi khóc như một đứa trẻ - Hãy hiểu em, hãy tha thứ cho em. Em...
Tôi muốn nói một điều gì đó với anh, nhưng tôi không nói được.
- Tôi hiểu, tôi hiểu - Giọng anh như bị nghẹn - Tôi hiểu Phụng không bao giờ yêu tôi cả. Tôi không có quyền gì để trách Phụng. Chúa đã trừng phạt tôi. Đến bây giờ tôi hiểu rằng tôi phải ra đi...
- Anh đi đâu? Không - Tôi kêu lên. Tôi ôm siết cổ anh - Anh không được đi đâu cả. Đừng đi Giôn nhé. Hãy coi em như một đứa em gái bé bỏng của anh.
Giôn trở về phòng anh. Tôi mở khóa và bật đèn cho anh. Anh mở tủ lạnh lấy rượu uống.
- Anh đừng uống nhiều. Một chút thôi.
Anh không nói, chỉ nhìn tôi. Chưa bao giờ tôi gặp một đôi mắt như thế. Tôi không ngờ rằng đó là cái nhìn cuối cùng của anh. Anh đã trở về để ra đi vĩnh viễn. Khi những người Mỹ mở được cửa phòng anh, họ đã thấy anh ngồi tựa vào xa lông. Bên cạnh là con Túc nằm im lặng. Anh đã dùng dược tố để kết thúc những đau khổ và thất vọng của cuộc đời mình.
Đứng trước mộ anh, Giêm vừa khóc vừa lắc đầu. Rất nhiều người không quen biết cũng tiễn đưa anh.
- Tôi đã giết chết anh ấy - Tôi nói với Giêm.
Giêm ôm chặt lấy vai tôi:
- Giôn không bao giờ tìm được con đường để thoát khỏi ám ảnh ma quỷ của cuộc chiến tranh Việt Nam. Có bao nhiêu cựu binh Mỹ cũng như anh. Cái chết của anh ấy là sự tố cáo mạnh mẽ nhất. Phụng ơi, hãy làm một điều gì đó để ngăn chặn bất kỳ một cuộc chiến tranh nào có thể xảy ra với con người. Cái chết của Giôn là lôgic của lương tâm con người.
- Anh ấy yêu tôi. Anh ấy cần tình yêu của tôi. Anh ấy đáng yêu biết bao nhiêu, anh ấy xứng đáng với tình yêu của những người phụ nữ tuyệt vời, thế mà tôi...
- Đừng nghĩ nữa Phụng ạ. Chúng ta phải cùng nhau làm điều gì đó để cho những người khác không có kết thúc như Giôn, mặc dù sự kết thúc ấy là tất yếu.
o O o
Theo di chúc đau buồn của Giôn để lại trước khi chết, tôi sẽ là người trông coi con Túc cho anh và giữ hộ cuốn hồi ký dày chừng một nghìn trang của anh.
Một buổi tối sau khi anh mất được 51 ngày, tôi mới mở tập hồi ký của anh. Trang đầu tiên anh viết một dòng chữ màu đỏ thẫm: “Mẹ yêu quý của con, con yêu mẹ bằng tất cả nỗi đau đớn của con”. Trang thứ hai cũng một dòng chữ màu đỏ: “Phụng yêu dấu, tôi yêu em bằng tất cả niềm hy vọng của tôi”. Tôi biết rằng anh đã viết những dòng chữ đó bằng máu của mình.
Tôi lần giở và đọc trang hồi ký của anh. Chữ anh viết rất khó xem.
“Ngày....
Hôm nay là ngày đầu tiên tôi đặt chân lên hòn đảo này. Tôi lọt vào hòn đảo một cách không chính thức. Ở Hawaii tôi mua một chiếc thuyền bằng hầu hết số tiền tôi dành dụm được trong mười mấy năm qua. Khi vừa đặt chân lên mép cát của bờ đảo thì tôi bị phát hiện. Những người của gia đình da đỏ này vây quanh tôi.
- Ông có biết hòn đảo này thuộc quyền sở hữu của chúng tôi chứ? - Một thanh niên da đỏ hỏi tôi.
- Tôi biết.
- Vậy tại sao ông xâm nhập lãnh thổ của chúng tôi bất hợp pháp?
- Tôi biết nếu yêu cầu các ông trước thì tôi sẽ không được chấp nhận - Tôi nói.
- Chúng tôi không cần biết ông đến đây vì mục đích gì. Nhưng chúng tôi yêu cầu ông rời khỏi nơi này ngay.
- Tôi... tôi muốn... ở lại đây - Tôi hoảng hốt nói - Hãy hiểu cho tôi.
- Ông không phải là người đầu tiên đến hòn đảo này. Đã có những người da trắng khác đến đây, nhưng bọn họ là những con quỷ. Khi chúng tôi gặp họ, họ cũng van xin như ông vậy. Ông nên nhớ, chúng tôi là những người da đỏ ở thập kỷ 80.
- Tôi biết... tôi biết... Tôi muốn ở lại.
- Lý do?
- Tôi muốn chạy khỏi chiến tranh. Tôi muốn chạy khỏi nước Mỹ.
- Ha, ha, ha - Người thanh niên da đỏ ngửa mặt cười - Bây giờ làm gì có chiến tranh. Và, đây cũng là nước Mỹ. Có phải ông là tội phạm hình sự không?
Tôi lắc đầu.
- Hay ông...?
- Tôi là tội phạm chiến tranh.
- Lần đầu tiên một người như ông có lý do lạ. Thôi được, chúng tôi sẽ đưa ông về gặp ông chúng tôi. Kìa, người ông run lên hết cả kia kìa.
Họ dẫn tôi về khu nhà ở của họ. Ở đó tôi gặp một người da đỏ rất già. Ông nhìn tôi và hỏi:
- Anh cần gì ở đây?
- Thưa ngài, tôi muốn được sinh sống ở hòn đảo của các ngài một thời gian.
- Vì sao?
- Thưa ngài, chuyện khá dài, ngài cho phép tôi được kể từ đầu, như vậy hy vọng ngài sẽ hiểu được tôi.
Ông gật đầu và mời tôi ngồi. Lúc đó, một cô gái da đỏ chừng mười sáu tuổi mang rượu ra mời tôi.
Sau khi uống một hớp rượu, tôi kể lại cuộc đời tôi. Tôi kể về những ngày tôi đóng quân ở Đà Nẵng. Tôi kể về những trận B52 rải thảm. Tôi kể về những đứa trẻ chết cháy vì bom napan. Tôi kể về một buổi sáng chúng tôi đã càn vào một làng nhỏ Việt Nam. Tôi kể về những tấm lưng của những người già, trẻ con, phụ nữ của cái làng đó vỡ bung ra trước họng súng man rợ của chúng tôi. Và tôi kể về những cơn ác mộng suốt mười năm qua trong cuộc đời tôi.
Tôi vừa kể vừa khóc. Những người da đỏ đứng quanh tôi im lặng. Đôi mắt của họ nhòa ướt.
Sau khi tôi ngừng kể, ông già da đỏ ngồi im lặng rất lâu. Cuối cùng ông quay lại phía người thanh niên tôi gặp đầu tiên ở bờ đảo:
- Hãy cho Karen khiêu vũ.
Sau hiệu lệnh của ông, tiếng trống rung lên. Karen xuất hiện. Đó là cô gái đã tiếp rượu cho tôi. Cô nhón gót đi ra theo nhịp trống. Mỗi bước đi cô lại trút bỏ một mảnh vải trên người. Khi đến trước mặt tôi thì cô hoàn toàn như một đứa bé vừa sinh ra. Mãi sau này người da đỏ mới nói cho tôi biết rằng, đó chính là câu hỏi cuối cùng để kiểm tra những ông khách da trắng không mời mà đến trên hòn đảo này. Trong khi vị khách da trắng chăm chú theo dõi vũ điệu của cô gái trẻ đẹp nhất đảo thì ông già chủ đảo sẽ tuyên bố cho vị khách lưu lại hay tống cổ anh ta ra khỏi đảo, vì ánh mắt vị khách theo dõi cô gái da đỏ khỏa thân sẽ nói với ông già chủ đảo rằng anh ta là kẻ trong sạch hay vẩn đục.
Trong nhịp trống rung lên hối hả, Karen đi những điệu vũ tuyệt vời của người da đỏ. Mắt cô hình như không chớp. Miệng cô nở một nụ cười bất tận đầy quyến rũ và kiêu hãnh. Cả cơ thể khỏe mạnh hoang dại và mềm mại như nước suối của cô rung lên như từng đợt sóng. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cảnh như thế. Đầu óc tôi mê man cuốn vào tiếng trống như tiếng réo của những ngọn lửa lớn. Và với cơ thể Karen, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy hình dáng và nhịp đi của những ngọn gió rừng.
Khi gót chân cuối cùng của cô gái biến đi, ông già chủ đảo cầm hai tay hai chiếc cốc rượu nạm bạc đến trước tôi. Tôi ngỡ ngàng đỡ lấy cốc rượu từ tay ông.
- Tôi cho phép anh lưu lại hòn đảo này.
Lời ông vừa dứt thì những người da đỏ quanh tôi hú lên vui mừng...”.
Đến đoạn đó tôi ngừng đọc. Tôi quay sang phía con Túc nằm bên cạnh tôi khẽ nói:
- Đó, Giôn thế đó. Mày hiểu không Túc? Nhưng bây giờ thì Giôn đã đi xa lắm rồi.
Con Túc rên khe khẽ. Nó bước lại gần tôi và tựa đầu vào tay tôi. Tôi xoa đầu nó và nói:
- Đừng buồn nhiều Túc nhé! Đừng buồn...
Sau ngày Giôn mất, con Túc không còn nhanh nhẹn, nghịch ngợm như trước nữa. Nó buồn nhớ chủ. Đêm đêm tôi nghe thấy tiếng rên khe khẽ của nó. Nó đi quanh phòng tôi tìm hơi chủ nó. Và đêm nào cũng vậy, cuối cùng nó dừng trước giá sách của tôi, ở đó có cuốn hồi ký của Giôn. Nó ngửa mặt về phía cuốn nhật ký và tru lên khe khẽ.
Rồi một ngày chủ nhật, tôi mở cửa để đưa nó đi chơi. Ra đến cửa, nó quay lại nhìn tôi rồi bỏ chạy. Nó phi lên từng bậc thang. Tôi chạy theo nó và gọi đến tầng thứ năm tính từ tầng tôi lên thì tôi không thể nào chạy theo nó được nữa. Tôi biết lối cầu thang sẽ dẫn lên sân thượng. Tôi linh cảm thấy chuyện không bình thường. Chưa bao giờ nó bỏ chạy khi tôi gọi nó. Tôi vội vàng bấm nút thang máy lên tầng thượng. Khi tôi bước đến cửa của cái nhà chòi trên sân thượng thì gió ùa vào như cuốn hất tung tôi lên. Phía trước tôi, con Túc đang đứng gần mép sân thượng. Lông nó xù lên vì gió.
- Tu...u...úc - Tôi gào gọi nó.
Hình như gió cuốn mất tiếng gọi của tôi. Con Túc vẫn đứng chênh vênh ở mép sân thượng và ngửa mặt lên trời, tru thảm thiết. Nghe như một tiếng khóc triền miên, rền rĩ.
- Tu...u...úc - Tôi gọi nó trong tiếng khóc. Tôi không bước nổi vì gió.
- Tu...u...úc.
Con Túc từ từ quay lại phía tôi. Nó im lặng nhìn tôi và cúi đầu.
- Lại đây Túc. Lại đây nào. Tu...úc.
Nó bước mấy bước về phía tôi, rồi dừng lại.
- Lại đây, lại đây đi, Túc.
Nó kêu lên khe khẽ nhìn tôi. Bỗng nó quay ngoắt và chạy về phía mép sân thượng. Khi đến gần, nó bay người lên. Tôi rú lên ôm mặt. Tôi quỵ xuống. Quanh tôi chợt im ắng đến lạ thường. Tôi vừa khóc vừa dò từng bước đi xuống cầu thang máy.
Khi tôi xuống đến đất thì một đám đông đang xúm quanh xác con Túc. Tôi rẽ đám đông bước vào và ngồi xuống cạnh nó. Tôi đặt tay lên người nó. Tôi nhận thấy cơ thể nó vẫn còn nóng ấm dưới bàn tay tôi.
- Túc ơi! - Tôi kêu lên.
- Nó bị tai nạn à? - Có ai đó hỏi.
- Không - Một người khác trả lời - Tôi thấy nó rú lên trên sân thượng rất lâu. Rồi nó tự nhảy xuống.
- Lạ nhỉ! Hay nó bị điên? Có phải không thưa bà?
Tôi ngước mắt lên nhìn những người đang đứng xung quanh và nói:
- Chủ nó đã tự tử vì cuộc chiến tranh Việt Nam, nó cũng tự tử vì lý do ấy. Vâng, đúng thế, thưa các ngài.
Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn - Nguyễn Quang Thiều Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn