Số lần đọc/download: 1922 / 40
Cập nhật: 2016-06-03 16:16:40 +0700
Chương 12
Đ
êm, bóng tối, đối với tôi là một điều thật tuyệt diệu. Từ ngày yêu chàng luôn luôn tôi khao khát được đi chơi với chàng dưới những ngọn điện trong những hàng cây rũ bóng, khi bầu trời tím thẫm ở trên cao. Tôi ước ao được nghe tiếng giầy của hai đứa rớt trên những hè đường đẫm ướt sương đêm. Tôi ước ao được đi nép bên chàng ngang qua những công viên mà ở đó, những cặp tình nhân chụm đầu nhau, che khuất nhau cả thế giới bên ngoài, ngay cả những vì sao long lanh nhất, cũng không còn chỗ để lọt vào đôi mắt kín. Tôi mơ được ngồi thu mình trong những ngôi quán có những chùm đèn như hoa thả xuống. Những chiếc bàn sạch bóng. Những lưng ghế kê ngay ngắn, thành lối. Đêm tối với hơi mát của gió, với hương thoảng của cỏ cây mục nát hay cựa mình lớn dạy. Đêm tối, với những bóng người lầm lũi bước chậm trên những đường lộ thênh thang, gót giầy nện mạnh, cổ áo kéo cao, bàn tay dấu cắt, và chỉ có thể thấy đóm lửa lập lòe là điếu thuốc cháy trên môi họ. Đó là hình ảnh không thể nhìn thấy ở ban ngày, ở giờ tan đường phố nghẹt xe. Trăm ngàn thứ còi cùng nổi lên một lúc. Hàng chục thứ mùi tỏa bay vào khoảng không gian hâm hấp những cơn sốt vội vã, âu lo, thảng thốt.
Và tôi chỉ có một cách để trở về sau khi thành phố đã lên đèn, khi xóm giềng đã chìm vào giấc ngủ sớm. Đó là sự nhân danh, mượn cớ sinh nhật Mậu. Đám giỗ ở nhà Tứ. Tang chế của ngoại cô giáo Trí. Hiếu hỉ nơi gia đình Ngọc.
Tôi không thể diễn tả trọn vẹn cái cảm giác lâng lâng, như hồn đầy gió lớn, như lòng ngập nước sông, như tay chân tháp cánh lúc được phép ra khỏi nhà trước bữa cơm tối. Đó là sự trộn lẫn của nhiều thứ cảm giác như hoa bướm, như thành chim của tôi. Và chúng tôi đã quấn lấy nhau với những xiết tay đau đến chảy nước mắt. Và chúng tôi đã hôn nhau những cái hôn muốn bật máu môi tham. Chúng tôi rời xa, thật xa ngôi nhà tôi vừa thoát như sợ nếu quanh quẩn, lập tức sẽ bị tóm lại. Nhưng nếu không đi xa khuất, sẽ bị phát giác mưu gian. Đó là những buổi tối hiếm hoi và quí báu. Đó là những buổi tối như những ngọn nến không bao giờ bắt được trong hồi tưởng, trong ký ức, trong cơn mê, mỗi khi tôi một mình, một mình trước những trang sách nặng chịch chữ nghĩa.
Những cuộc đi chơi kia, sự thực không hẳn gồm toàn những rung động, những cảm xúc chất ngất đến thế, nếu cả hai đều không thấy rõ một điều: hạnh phúc có được phải tính bằng phút giây. Sự sống có được chỉ là thoáng chốc. Những đam mây đe dọa, những thước đường đi tới trong từng lượng khí thở vào. Nhớ tới nó, tôi lại ngậm ngùi. Nghĩ tới nó, tôi lại muốn khóc. Nhưng cách nào, tôi cũng chẳng thể đòi hỏi hơn. Không. Tôi biết lắm giới hạn của mình. Tôi hiểu lắm ranh mức đòi hỏi và quyền được hưởng. Có thể, chính Hãn, Hãn cũng tự biết chàng không thể dành lấy cho chàng nhiều quá. Chàng còn có bổn phận đối với Thiện. Chàng còn có trách nhiệm với các con, và với cả những người đàn bà trong rừng khói sương dĩ vãng chàng nữa.
Hãn. Em hiểu. Em không ghen tuông, không tỵ hiềm với những ràng buộc và liên hệ quanh đời sống anh. Chính những thứ đó (có thể) để khiến em yêu anh hơn. Anh tin không? Em đang cố gắng đây. Cố gắng nhiều để xứng đáng với tình yêu (và với chính em), đồng thời, để chờ đợi nhục nhã, để chào đón tang thương mà cả hai đứa đã cùng nhìn thấy. Và hơn thế, Hãn vẫn hoài nhắc nhở em, như nhắc em nhớ những tháng ngày còn lại của đời em ngắn ngủi.
Đêm mưa luôn là đêm tối của tôi, thức trắng. Đêm của tôi sáng láng trong nỗi tuyệt vọng êm đềm. Tôi như đếm ngược từng mũi kim thời gian khâu trên thân thể. Mỗi vết kim là một tháng năm đó sống. Mỗi dấu kim là một vết thương chỉ cần chạm nhẹ cũng nhói buốt cay chua. Thuốc ngủ Valium. Có chứ? Nhiều lắm. Tôi luôn nghĩ đến thuốc ngủ trong những đêm mưa như vậy. Tôi có nguyên một hộp dấu giữa những quyển sách trên giá. Nhưng “cũng như anh, thuốc ngủ quyến rũ em. Cũng như anh, em không thể cưỡng chống được, nếu em sờ tới một viên thuốc. Một viên là một vỉ, một vỉ là trọn hộp…” Không. Tôi còn muốn sống. Tôi còn khao khát lắm. Đây là lần thứ bao nhiêu rồi, tôi van nài đời cho tôi được sống!
Mưa, buổi sáng muộn. Nhưng muộn mấy thì tôi cũng phải đến trường dù không có giờ. Ở thư viện, có lẽ tôi học được nhiều hơn, hay ít ra thì đó cũng là điều tôi tưởng thế. Mưa, ngồi trong thư viện, nhìn ra khoảng sân cát ngổn ngang gạch đá, tôi thấy gần gũi và như cũng từ chỗ ngồi quen thuộc này, sao sớm nay, mưa chỉ khiến tôi nghe bồn chồn trong ruột. Lòng cồn cào một nỗi âu lo mờ mịt. Trang sách mở ra, nguyên vẹn. Tôi không thể nhét vào óc lấy một chữ. Tôi không thể giữ im mắt mình được một giây. Trực giác không muốn loan báo cùng tôi một điều gì không thường. Một điều mà dẫu cố gắng mấy, tôi cũng không thể mường tượng được.
Mưa vẫn đều đặn ném xuống những hạt nước bạc, sáng. Thỉnh thoảng gió lại vật vã những cành phượng. Và cứ mỗi lần như vậy, những chiếc lá lăn tăn lại có dịp trút xuống hàng loạt những hạt nước xanh, lớn. Nhắm mắt lại, tưởng như biển đang động, ở phía nào, thật mạnh.
Hiến chưa đến. Một ông thầy tu trẻ đã ngồi vào của cô nhỏ. Không biết ông ta học gì nhưng chốc chốc, ông lại lấm lét nhìn trộm tôi. Hành vi này làm tôi bực dọc thêm. Đã có lúc tôi muốn xô ghế đứng dậy, hỏi ông có thấy trên mặt tôi vết nhọ bẩn nào chăng? Nhưng tôi dằn được mình. Không thể lỗ mãng thế. Tôi nghĩ. Bề gì, ông ta cũng mặc áo tu hành. Tôi chọn một thế ngồi khác. Từ lúc nào, tập giấy nháp trắng tinh đã đầy tên Hãn cùng với một đoạn nhạc trong bài Trương Chi. Tôi lắc đầu chán ngán. Chẳng biết có khi nào Hãn chán tôi không. Sao thỉnh thoảng tôi lại thấy chán mình, như chán một vật gì đã trở nên ù lì, thừa thãi và vướng mắt.
Cố gắng lắm tôi mới ngồi được cho tới lúc chuông reo báo giờ học thứ ba chấm dứt.
Tôi xếp sách vở, ôm áo mưa đi ra. Ngang qua bàn ông thầy tu, tự dưng tôi gật đầu chào. Mặt nhà tu bừng đỏ. Chắc ông lúng túng hay vì sung sướng. Bất giác tôi cười vu vơ. Lòng nhẹ như vừa trút được một mối hận.
Dọc theo hành lang, gió tạt với những lớp mưa mỏng đan kín một khoảng sân nước sũng. Vừa hát nhỏ tôi vừa chợt thấy mình sao quá tàn nhẫn. Lần này, tôi bật cười thành tiếng. Tuy nhiên, chút vui thoáng nhẹ vẫn lập lờ trong tôi, như chút vàng hanh của nắng đã thoáng thấy trên bờ tường hàng rào.
Chân sáo, tôi ngang qua và liếc mắt vào một lớp học còn tụ lại từng nhóm các bà, các cô. Những “đại sinh viên” đi học để làm cảnh và chờ… chồng. Thật tôi không thể nào gia nhập cái tập đoàn… tổng trừ bị đó. Sự cách biệt không tránh được đã khiến tôi trở thành cái gai đối với họ.
Bỗng tôi run lạnh toàn thân. Đôi chân muốn khụyu xuống. Tim thắt nghẹn. Máu dồn căng ngực thở. Loáng thoáng đâu đó, tiếng xì xầm, từ những đám người này. Tiếng lào xào đuổi theo như cố ý bắt tôi phải nghe. Một giọng kim nhọn hoắt: Đó. Phiến đó. Con nhỏ đó đó. Một giọng thở ồ ề: cái mặt làm bộ thấy rõ. Đôi ba tiếng cười khúc khích. Mồ hôi vã ra trong thoáng chốc, tôi hiểu họ nói gì. Ôi thật tồi tệ. Họ muốn gì nơi tôi nữa. Hận thù gì? Tranh chấp nào đã có giữa chúng tôi khiến các người phải dành cho tôi những mai mỉa, những dè bỉu kia? Tôi có phải được sinh ra để làm tấm bia cho những mũi tên tẩm độc? Họ muốn gì nơi tôi? Họ muốn gì khi bắt tôi phải nhìn những tấm ảnh chụp từ phía khác của tình yêu tôi cay đắng? Không lý họ ghen với cả những nhục nhã tôi chịu? Hay họ cho rằng tôi đang quá hạnh phúc?
Đây chẳng phải là lần đầu tiên tôi nhận được những lời mai mỉa dèm xiểm của chung quanh. Lâu rồi, ngay trong lớp học, tôi đã được nghe nhiều lần những lời tương tự. Thoạt, tôi không để ý, sau họ cố tình nói rõ hơn với những chi tiết khiến tôi không thể nghĩ lầm sang chuyện khác. Điều phiền nhất cho tôi ở chỗ có khá nhiều người biết Hãn. Biết Hãn, nhưng họ lại chẳng hiểu một chút gì về đời sống riêng của chàng. Chính vì thế những lời đồn đãi của Hãn ngày càng nhiều hơn. Chẳng hạn người ta nói Hãn là một tay sở khanh có hạng. Trong suốt cuộc đời Hãn chưa hề yêu ai thành thật. Đàn bà con gái với Hãn chỉ có ý nghĩa như một cái cớ để chàng đạt tới một mục đích riêng. Có người lại bảo Hãn bị bệnh. Một thứ bệnh thuộc về tâm lý. Có người cho Hãn tán tỉnh ai đó chỉ để thỏa mãn tự ái và để dài thêm cái danh sách thành tích của Hãn mà thôi. Dư luận còn xầm xì nhiều nữa, tuy trong số cũng có đôi ba nhận xét rất tốt dành cho chàng. Tựu trung chẳng ai có được một cái nhìn bao quát về Hãn. Kẻ thương Hãn, bảo Hãn là một loài cây hiếm quý. Kẻ ghét Hãn, bảo đây là một thứ ma dơi hút máu…
Có dự bị tinh thần nên tôi chỉ lặng lẽ mỉm cười trong mọi trường hợp đã xảy ra như thế. Tôi sẽ chẳng chút quan tâm nào, nếu Hiên, nếu Ngọ không thỉnh thoảng tìm tôi để lập lại những điều tiếng kia và muốn tôi phải lên tiếng. Thái độ hốt hoảng, bàng hoàng đến tức giận của những người bạn, nhất là Hiên làm tôi cảm động. Một lần tôi đành phải trả lời Hiên “Em đừng kể những chuyện đó nữa. Chị không có gì để cải chính hết. Bởi quá nửa những điều họ xì xầm và đến tai em là sự thật. Chỉ có một điều duy nhất không thực, đó là sự họ chẳng hiểu chút gì về anh ấy và hơn nữa, họ chẳng bao giờ hiểu được chị. Chị cũng không mong họ hiểu gì khác hơn những điều họ đã nói”. Hiên tròn xoe đôi mắt dại, đôi cánh mũi rung động và mồ hôi lấm tấm ở chóp mũi. Hiên thường bị như vậy mỗi lần ngơ ngác hay kinh ngạc. Vẻ mặt Hiên lúc đó thật đáng yêu và cũng thật tôäi nghiệp. Tôi khỏa lấp bằng cách vuốt tóc Hiên “Thôi hai chị em mình đi kiếm ô mai ăn đi. Chẳng có gì đáng phải bận tâm đâu ngoài viên ô mai của mình”. Hiên cười được ngay. Những lúc ấy, tôi chỉ muốn ôm Hiên vào lòng mà nói: Ôi bé bỏng của chị Phiến.
Nhưng lúc Hiên quên được chuyện ấy, lại là lúc tôi nghĩ ngợi về nó nhiều hơn bao giờ. Tôi thấy rõ bước chân mình lao chao trên những bậc cấp dẫn xuống sân. Tôi thấy rõ cảnh vật đang từ từ lộn ngược và quay những vòng thật chậm. Tôi lấy xe, quyết định đi tìm Hãn. Tôi không biết tôi muốn gặp chàng lúc này để làm gì? Tôi sẽ nói gì với chàng? Chúng tôi có giải quyết được gì cho nhau không? Câu trả lời: không biết. Và tôi cứ chạy.
Mưa đẫm ướt. Bắt đầu là tóc, mặt mũi rồi tới cổ, ngực và quần áo bên trong áo mưa, tôi nghe gây lạnh như đang bắt đầu một cơn sốt. Người ta trả lời Hãn mới đi khỏi. Tôi lên xe, và tiếp tục dầm mưa. Những giây phút chìm lắng trong mưa giúp tôi bình tĩnh và tỉnh táo trở lại. Tôi không cần thiết phải gặp Hãn. Nhưng đầu óc thì lại rơi vào tình trạng rỗng không. Trắng xóa. Như mưa, từng lớp, trước mặt. Như bị ép buộc bởi một mãnh lực nào đó từ vô thức, tôi cất tiếng hát. Tiếng hát chìm lẫn vào cơn mưa. Tiếng hát như cũng trôi tuột đi, để lại cho riêng tôi một nỗi hoang lạnh “ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn - còn nghe như đâu đây ai kia oán trách gào than. Hòa với tiếng gió… chìm xuống đáy nước lấp lánh in bóng đò xưa…”
Giọng tôi yếu dần, nhỏ đi, cho đến khi tôi không còn nhận ra tiếng hát hay hơi thở tôi hào hển. Về đến nhà, mẹ tôi cho biết đôi mắt tôi hoe đỏ. Tôi không muốn nghĩ vì mưa, mà muốn nói thật là tôi đã khóc. Phải, tôi đã khóc suốt, trên những con đường chạy qua.
Tôi im lặng đẩy xe vào, cởi áo mưa, vũ nước ngoài hiên.
Tôi nghe tiếng cuốn truyện rơi khỏi tay bố xuống mặt đi văng và tiếng nói bâng quơ của ông cụ “mưa hoài”.
Tôi bước vội xuống nhà bếp, mặc mẹ tôi ngơ ngác nhìn theo với ánh mắt đầy nghi ngại.
Trong bữa cơm, bố nói anh Hữu bảo gặp tôi đi chơi nhiều lần với một người đàn ông có râu.
Tôi đáP.
- Con đi với Hãn.
- Cái thằng thỉnh thoảng lại đây đó phải không? Mẹ tôi hỏi.
Tôi vẫn trên đà phóng theo mũi lao đã lỡ.
- Vâng.
- Nó thế nào? Sao tao và mẹ mày không nghe mày nói gì hết vậy?
Vẻ nghiêm trọng với nhiều khó chịu được báo trước trong giọng nói của bố.
Tôi nuốt chửng miếng cơm khô và nhạt thếch.
- Tại chưa đến lúc.
Đến lúc đó bố tôi bắt đầu mất bình tĩnh, ông cụ buông đũa và đặt bát xuống đàn.
- Thế nào mới là đúng lúc? À, con này lúc sau này giỏi gớm há.
Mẹ tôi cắt ngang:
- Ông, thật hay. Muốn hỏi gì con thỉ hỏi cho nó từ từ tốn tốn. Chưa gì ông đã quát như vậy nó sợ, nó cuống làm sao trả lời được.
Bà quay sang tôi, định nói. Nhưng tôi đứng lên.
- Vô phép cơm bố mẹ. Con no rồi.
Tôi rời bàn ăn. Đâu thể nào tha cho tôi một cách dễ dàng vậy được, ông cụ gằn giọng hơn:
- Con kia. Ngồi lại đây tao hỏi đã.
Tôi ngập ngừng giây lát trước khi quyết liệt:
- Con đã thưa với bố, chuyện đó chưa tới lúc. Nếu thấy cần con đã thưa chuyện với bố mẹ, đâu cần chi bố mẹ phải nhắc. Con lớn rồi. Con có thể lo lấy một mình.
Tôi nói câu sau với những bước chân nhanh trên lầu. Tôi biết sự giùng giằng sẽ làm câu chuyện bị xé to ra và mẹ tôi lại có thêm một trận khóc giữa bữa.
Tôi cố không nghe những lùời mắng tiếp theo của ông cụ và lời can gián dịu dàng của mẹ tôi.
Tôi khổ quá rồi. Tôi chỉ muốn yên thân thôi. Tại sao ai cũng chỉ chực nhắm tôi để dày vò, để dằn vặt. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa. Hãy thương xót và đoái hoài tới tôi một chút. Ôi, có ai thương con nhỏ này không? Đứa con gái hai mươi mốt tuổi với vết chàm trên mặt, như dấu vết của lầm than tủi nhục một đời.
Tôi gọi tên Hãn rất khẽ lúc ngồi vào bàn học.