Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4448 / 189
Cập nhật: 2023-03-26 23:08:09 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
P2 - A -
I. Xứ đợi chờ
Tôi quyết định chui vào lò gió nóng hỗn mang. Thất thểu, sờ sợ, nhưng thích thú. Đầu bốc lửa rừng rực. Khát. Cổ khô cháy. Một cảm giác phấp phổng bứt rứt trong tôi. Ta chờ đợi cái gì nhỉ? Phải chăng một làn gió mát? Đừng nói dối! làm gì có gió mát ở đây. Thú thật tôi đang chờ một cơn gió Lào nóng rẫy. Thật khỉ! Người nóng lại thèm gió nóng. Điều đó thật mâu thuẫn, nhưng có lẽ không ai biết rằng cái nóng khi đi đến tột cùng của nó sẽ dẫn ta đến một bến bờ đê mê, đi đến một giới hạn. Chính ở giới hạn ấy, biết bao điều lạ lùng được vén tỏ. Ta sẽ tự nghiệm được cái trống rỗng và cái vô tận.
Phải chăng đó là hương vị của cái chết? Mày cứ đến đi. Đến đi! Ta đương thèm nhấm nháp - Tôi run rẩy tự nhủ - Có thể ý nghĩ đó là phi nhân, là độc ác. Nhưng, xin lỗi, mọi người hết thảy đều độc ác như vậy.
Cái không gian lò thiêu ấy màu hồng hồng... Mệt ơi là mệt. Mi mắt trĩu nặng. Ta ngủ đây. Ta ngủ trong không gian hồng lửa. Chập chờn. Ngủ mà chẳng phải ngủ. Ai thì thầm trong óc ta:
-Hãy lạc về một thời gian xa xưa nhất, quên lãng nhất.
-Anh Tám đấy ư?
-Tôi đây.
-Tôi đang ở đâu?
-Xứ đợi chờ.
-Tôi không thích đợi chờ.
-Đừng nói dối. Đã là người, ai chẳng đợi chờ. Hãy quay về với những kỷ niệm mà ta muốn che dấu. Chúng là những chứng liệu hùng hồn nhất.
1. Hội Làng
Quê ngoại tôi ở làng Ném, Bắc Ninh. Tết nào cũng vậy, tôi về quê với bà ngoại cho đến hết tháng Giêng, hết tháng hội hè.
Hàng năm, sau Tết, tổng Ném mở hội linh đình. Bảy làng ném phải chuẩn bị dự hội. Mỗi làng phải có một con lợn thật to để cúng thần, mà nhân dân vẫn gọi là "Ông Ỉ". Khoảng đến giữa năm, hội đồng kỳ mục từng làng đã đi chọn lợn. Họ đến một số nhà đã được chỉ định nuôi lợn để xem con lợn nào có khả năng dự thi. Khi chọn xong con nào, cả làng phải thay phiên nhau mang gạo ngon, cám tốt đến phục vụ "Ông ỉ".
Năm ấy nhà bà ngoại tôi được chấm lợn thờ. Lúc đó, tôi chừng bảy, tám tuổi. Tôi còn nhớ, bà ngoại vừa vui, lại vừa lo lắng. Bà tôi gầy sút hẳn đi vì hầu hạ "Ông ỉ". Bà suốt ngày lo dọn chuồng, thái bèo, nấu cám, tắm rửa cho chú lợn thờ. Lợn đói lúc nào được ăn lúc ấy. Gia đình khá tốn kém vì gạo, cám mà làng đóng góp tuy hậu hỉ nhưng không đủ. Ông Lý, ông Hương hàng tháng lại đến thăm nom "Ông Ỉ". Những ngày thăm nom ấy, bà tôi, dù túng bấn, cũng phải mua chai rượu, cái chân giò, để ông Lý khám lợn xong còn nhấm nháp một chút. Thiếu cái khoản ấy là không xong, các ông ấy lập tức hoạnh họe. May mắn thay, "Ông ỉ" nhà tôi không ốm đau và lớn nhanh như thổi. Ông ăn đủ của ngon vật lạ: Nào cháo gạo nếp, nào bột ngô, nào cá mè, nào rau muống non. "Ông ỉ" to như con bê, nặng gần hai tạ. Mặt ông béo sị, nhăn nheo, mắt híp gần như nhắm tịt. Bụng ông to như cái trống đại. Người ông thưa thớt lông và bóng nhẫy. Ông đi không nổi nữa. Ăn đấy, ngủ đấy, ỉa đái đấy.
Ngày hội làng đầu năm sắp đến.
Tôi phấp phổng đợi chờ. Nhiều đêm cứ mơ thấy cờ quạt, đàn sáo tưng bừng. Không khí chuẩn bị ngày hội càng thêm háo hức, khi đội khiêng kiệu tập múa, tập đi đứng trên cái sân mênh mông nhà cụ Chánh tổng cựu. Ông quản Kiệu, là người có chức sắc chữ nghĩa, lại làm quản kiệu lâu năm; ông có cả một quyển sách giấy bản ghi lại đội hình quân kiệu ở từng giai đoạn cuộc tế lễ. Ông quản kiệu chọn toàn những cô gái đẹp tuổi mười bảy, mười tám vào làm quân. Ông cầm chiếc trống khẩu đánh tong tong theo một nhịp điệu rắc rối. Những cô gái nõn nà, miệng tươi cười cầm chiếc quạt, lúc che miệng, lúc xòe ra, lúc cụp vào; các cô đi đứng nhún nhẩy, rón rén, lúc quay trái, lúc quay phải nhịp nhàng theo hiệu trống tong tong. Tối nào tôi cũng đi xem tập. Và đêm nào tôi cũng mơ về ngày hội.
Nỗi phấp phổng chờ đợi trong tôi càng gia tăng, khi xong ba ngày Tết. Từ mồng năm trở ra, ngày nào ông Lý, ông Hương, ông Trưởng bạ, ông Phó hội, cụ Tiên chỉ... cũng đến nhà để ngắm nghía "Ông ỉ". Ngày nào, "ông ỉ" cũng ăn cháo cá mè. Ông chán của ngon vật lạ đến nỗi bê chậu cháo đến mồm ông cũng không thèm húp.
Nỗi đợi chờ trong tôi càng nhức nhối vào hôm trước ngày hội. Tôi bắt bà Ngoại kể chi tiết về ngày hội. Bà tôi tả đội khiêng kiệu: Cô mặc áo hồng thì chít khăn xanh, cô mặc áo xanh thì chít khăn vàng, cô mặc áo tím thì chít khăn lam... Ngang lưng, cô nào cũng thắt một dải lụa đào. Khi thánh thần nhập kiệu, các cô khiêng nặng thế mà chạy như bay, chân không chấm đất. Ra đến đình, trước khi tế lễ, đội khiêng kiệu còn múa quạt rồi mới yên vị... Tôi bắt bà kể nữa nhưng mà bà tôi không biết kể hoặc không muốn kể. Chính vì thế nên nỗi đợi chờ của tôi càng tăng thêm khát khao.
Tôi đợi chờ một sự kỳ lạ. Cái gì kỳ lạ? Phải chăng là múa, là rước kiệu, là đánh vật,... Không! Chắc chắn sẽ xảy ra một cái gì ghê gớm hơn, phi thường hơn... Tôi linh cảm như vậy, bởi vì cứ nghĩ đến ngày hội là tim tôi lại rộn ràng đập.
Sáng sớm ngày hội.
Bốn anh trai làng lực lưỡng khiêng một chiếc cũi sơn son thếp vàng, theo ông Tiên chỉ bước vào nhà tôi.
Người ta vất vả lắm mới lùa được "Ông ỉ" chui vào cái cũi vàng son ấy. Sau đó, họ lấy giây thừng nhuộm phẩm đỏ chói quàng vào và dùng hai cây tre đực để khiêng. Ngoài cổng đã chờ sẵn lọng xanh lọng tía. Có cả phường bát âm và trống cái, trống con thanh la chũm chọe. Ông Tiên chỉ dẫn đầu. Theo sau ông là cái cũi vàng son, hai bên che hai cái lọng. Tiếp đến là trống cái, trống con và phường bát âm.
Tiếng tùng dinh náo động cả lũy tre làng. Đàn bà trẻ con xô đẩy nhau đi theo đám rước. Cùng đi với tâm hồn họ là tiếng réo rắt hoan hỉ của tiếng nhị, tiếng sáo, tiếng đàn.
Lúc này, tôi mới chú ý đến một người mặc quần áo đen, chít khăn đỏ, vác mã tấu đi oai ngiêm bên cạnh cũi. Tôi đồ chừng đó là chàng vệ sĩ của thần lợn.
Hội đồng chấm thi gồm toàn những người chức tước cao nhất hàng tổng: Các cụ Tiên chỉ, những ông Chánh, phó Tổng đương và cựu, những ông Chánh hương hội, một vị quan hàng tỉnh về chí sĩ.
Lạ chưa! Cuộc rước sách tế lễ tuy lạ lùng, kích thích nhưng đối với tôi hình như lại chẳng có gì mới mẻ. Tôi chờ đợi cái khác cơ.
Từ lúc đến sân đình, tôi vội sấn ngay đến gần bẩy chiếc cũi sơn son thếp vàng xếp hàng ngang rực rỡ ngay trước hiên đình.
Các cụ chức sắc đã bắt đầu chấm thi bảy "ông ỉ". Người ta bình rất kỹ lưỡng. Bình mông, vai, bụng. Xem đuôi, xem mõm, xem móng. Ngắm hình, ngắm dáng, ngắm nước da. Đo ngực, đo chiều dài, cân trọng lượng.
Năm ấy, "ông ỉ" làng tôi được giải nhất. Bà ngoại tôi run rẩy quỳ xuống nhận phần thưởng là tấm vải điều được trao từ tay ông Tiên chỉ.
Trống chiêng vang lừng. Ông vệ sĩ mặc đồ đen đứng dạng chân, tay trái chống nạnh, tay phải cầm mã tấu đặt trên vai, đầu hếch lên một chút. Người ta hò reo vang lên như sấm động.
Tiếng trống đang giòn vui bỗng chuyển thành trống ngũ liên. Đột nhiên bãi đình làng bỗng im phăng phắc. Tim tôi bỗng đập thình thình. Chắc là phút đợi chờ đã đến đây rồi. Ông đô lực sĩ bỗng nhảy ra phía trước chiếc cũi vàng son. Ông múa thanh mã tấu, nhảy nhót và biểu diễn một bài mã tấu cổ truyền. Thanh mã tấu quẹt xuống những viên gạch Bát Tràng trên sân đình làm bắn ra những tia lửa. Ông vừa múa vừa hét to:
"Trảm! Trảm!"
Mặc ông đô lực sĩ đỏ rực. Và trái tim tôi như co thắt lại. Có ai nói bên tai tôi:
"Làng Ném, chém lợn!"
"Làng Ném, chém lợn!"
À, thì ra cuối cùng là một cuộc hành quyết. Người ta nuôi lợn, chăm chút nó như thờ phụng một ông vua, một vị thần, để cuối cùng mang đi xử tử. Tôi chợt như thoáng buồn. Nhưng nỗi buồn ấy chợt tan biến ngay vì tiếng trống và tiếng hò la "Ra đi! Ra đi!". Người ta hét vang để đuổi "ông ỉ" ra khỏi chiếc cũi sơn son thếp vàng lúc này đã được mở cửa. Trẻ con cũng hò vang trên sân đình:
"Trảm! Trảm"
Tiếng trống tùng bi li rên xiết. "Ông ỉ" đột nhiên co rúm lại, không chịu nhúc nhích. Mấy người khiêng cũi lấy giáo đâm vào mông ông để xua ông ra.
Ông đô lực sĩ mặc quần áo đen, mặt đằng đằng sát khí, giơ mã tấu, đứng chảo mã tấn, ở tư thế chuẩn bị. Trước cũi, trải một tấm nhiễu đỏ rất rộng; sát cửa cũi là cái thớt lim khổng lồ.
Dân Tổng Ném lúc này hoàn toàn im phăng phắc. Bãi pháp trường sân đình chỉ còn vang lên tiếng tùng bi li khiếp đảm.
Toàn thể mọi người đều long lanh con mắt, nín thở... Những gương mặt hoặc đỏ ửng lên, hoặc tái mét đi vì sợ hãi và thích thú. Cả những cô gái nhu mì nhất cũng cố rướn cao cổ lên mà chờ đợi cái phút kỳ diệu ấy.
Mũi mác, cuối cùng, phải chọc thẳng vào hậu môn "ông ỉ". Thường ngày, "ông ỉ" không bao giờ nhích người nổi. Lúc này, ông bỗng rống lên và phóng mình chạy ra thớt.
Đầu con vật thờ phụng vừa ra đúng giữa thớt thì lưỡi mã tấu sáng loáng đã phạt ngay xuống. Lưỡi đao ngọt sớt chặt phăng cái đầu lâu "ông ỉ". Nó chạm vào chiếc thớt lim và phát lên một tiếng trên tấm vải điều.
Toàn thể dân Ném bỗng nhảy cỡn lên và hò la điên cuồng. Người ta đổ xô đến tấm vải điều. Người nào cũng cố nhúng tay vào máu con lợn thờ phụng ấy để lấy may, lấy phước.
Tôi lau những giọt mồ hôi vã ra trên trán. Và kỳ lạ thay! Một cảm giác rất mâu thuẫn bổng xuất hiện; một thoáng buồn tái tê và một nỗi hân hoan nhẹ nhõm bỗng tràn ngập lòng tôi.
Phải chăng, đã bỏ cái công phấp phỗng đợi chờ từ bấy nhiêu ngày.
Trư Cuồng Trư Cuồng - Nguyễn Xuân Khánh Trư Cuồng