Let your bookcases and your shelves be your gardens and your pleasure-grounds. Pluck the fruit that grows therein, gather the roses, the spices, and the myrrh.

Judah Ibn Tibbon

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2045 / 25
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Kam-Pu-Chia: Một Thế Trung Lập Chông Chênh
ruyện cổ Kam-pu-chia phỏng theo sự tích Ấn Độ kể rằng: xưa, thế gian tràn ngập quỷ ma. Trời muốn tẩy sạch mặt đất, bèn sáng tạo ra nàng Apsara Tilottama kiều diễm và cho nàng xuống trần. Apsara Tilottama đã dùng sắc đẹp của mình dụ cho các Ma vương đánh lộn và chúng Ma vương giết nhau mãi cho đến không còn mống nào, nhờ đó mà thế gian này tồn tại.
Và, với người Khmer dưới thời Sihanouk, họ cũng cho rằng chính sách tuyệt diệu hơn cả là ở giữa, mặc cho các cường lực bên ngoài tranh giành, chống đối nhau. Họ tự phụ ngầm với cái khôn ngoan của Apsara Tilottama mà học tự cho là đã nắm chắc được; nhưng bề ngoài, biện bạch một cách khiêm tốn hơn, Sihanouk nói với mọi người “Khi hai con voi đang xung đột thì con kiến chỉ biết đứng ngoài mà ngó chứ còn làm gì hơn được!”
Trên thực tế, Sihanouk đã không chỉ đứng ngó với tư thế một con kiến. Người ta đã thấy con kiến Kam-pu-chia nhiều lần ngả về phía voi này để làm áp lực với voi kia và ngược lại. Hành động theo phản ứng ấy đã đưa đẩy bảy triệu dân Kam-pu-chia vào cái thế chông chênh nguy hiểm, cái thế của kẻ leo dây, tâm không vững, chủ đích không rõ mà dây thì dài vô tận! Và cuối cùng kẻ leo dây đã ngã. Nếu có còn lại cái gì thì chẳng qua cũng chỉ là một bài học đáng để chúng ta suy ngẫm.
15 Năm Một Bộ Mặt
Sau hiệp định đình chiến Genève về Đông Dương, khi các lực lượng vũ trang cộng sản không còn là mối nguy cơ cho Kam-pu-chia nữa, Sihanouk bắt đầu mưu tính diệt trừ các phe quốc gia đối lập, đặc biệt là nhóm Sơn Ngọc Thành và đảng Dân Chủ. Trong dịp này, Sơn Ngọc Thành đã xin hội kiến với Sihanouk để trở về hợp tác và hứa trung thành với Hoàng gia, nhưng với tính cố chấp sẵn có, Sihanouk đã đáp lại bằng cách tố cáo Thành là kẻ thù của quốc vương, của chính phủ, của nhân dân, và dồn Thành vào cái thế phải tiếp tục chống lại Sihanouk tới cùng.
Về đảng Dân Chủ, Sihanouk nhận thấy ảnh hưởng vẫn còn rất mạnh, nên một mặt ông ta cứ lần lữa trì hoãn tổ chức bầu cử, mặt khác ông ta cho cựu thủ tướng Yem Sambaur đứng ra quy tụ các đảng phái thân chính phủ lại thành Liên minh Sahapak (Liên Minh Thống Nhất) để dễ bề đương đầu. Liên minh Sahapak là tổ chức tập hợp các cựu đảng Tự Do, Dân Chủ Tiến Bộ, Khmer Phục Hưng, Chiến Thắng Đông Bắc và Canh Tân Quốc Gia; nhưng các đảng nhỏ này vốn quá yếu không có bao nhiêu quần chúng đảng viên, nên Liên minh tập hợp cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn là tan rã.
Rõ ràng những cận thần của Sihanouk không có người nào vượt trổi lên, đủ uy tín để quy tụ quần chúng. Cuối cùng Sihanouk đành nhào hẳn vào cuộc ganh đua ảnh hưởng bằng cách thoái vị, nhường ngôi cho cha là Norodom Suramarit (đầu tháng 3 năm 1955) để có thể bước ra hoạt động chính trị như một chính khách mà không hại gì đến uy tín hoàng gia.
Cuối tháng 3 năm 1955, Sihanouk công bố việc thành lập Tập Đoàn Xã Hội Nhân Dân (Sangkum Reastr Niyum). Tập đoàn này vẫn được gọi tắt là đảng Sangkum; dù theo Sihanouk, đó không phải là một đảng mà là một tập hợp toàn thể nhân dân Khmer vượt lên trên đảng phái. Trong các cuộc vận động để thu hút đảng viên, Sihanouk luôn luôn diễn tả Sangkum là trung thành với hoàng gia, chống Sangkum là chống hoàng gia. Dân Kam-pu-chia, trong một trình độ còn ấu trĩ về sinh hoạt dân chủ, đã không đặt thành vấn đề lựa chọn trước hoàng gia. Hoàng gia đối với họ là trên hết và trước mắt họ Sihanouk vẫn là quốc vương dù ông ta đã thoái vị. Vì vậy chỉ trong một thời gian nhắn, Sangkum đã thu hút được một số đảng viên đông đảo và gây được một ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng.
Trong cuộc bầu cử ngày 11 tháng 9 năm 1955, Sangkum đã thu được 83% phiếu, Dân Chủ được 12%, còn đảng Pracheachon (Liên Đoàn Nhân Dân, được coi là do CS tổ chức) đạt được 4%. Đảng Dân Chủ ngày càng mòn mỏi dần và tới tháng 8 năm 1957 thì suy sụp hẳn trước sự công kích của Sihanouk làm tan rã nhóm lãnh đạo. Tới cuộc bầu cử ngày 23 tháng 3 năm 1958 thì chỉ còn Pracheachon đối lập với Sangkum, nhưng kết quả bầu cử đã chặt mất chân đứng trên chính trường của Pracheachon, vì Sangkum đã thâu hết 99,9% phiếu bầu.
Sự thắng thế của Sangkum đã làm cho sinh hoạt chính trị trở nên lắng dịu hẳn ở thủ đô, vì lúc ấy quốc hội gồm toàn các dân biểu Sangkum. Nhưng bên trong không phải là không có rạn nứt trầm trọng. Thật sự Sangkum không phải là không có chủ trương rõ rệt, không nhằm đấu tranh cho một dường hướng chính trị mà một chính đảng phải có, nên quần chúng đảng viên đã được tập hợp một cách rộng rãi đến nỗi ngay trong tổ chức cũng khó mà tìm ra nỗi một mẫu số chung về bất kỳ địa hạt nào. Những tiêu chuẩn mơ hồ về “nền dân chủ bình đẳng và chủ nghĩa chân xã hội” của Đảng chỉ là những danh từ được hiểu một cách khái quát mà nhà cầm quyền muốn diễn tả thế nào cũng được.
Đầu năm 1959, một biến cố xẩy ra đã hé cho người ta thấy rõ tính chất phức tạp bên trong của cái bề mặt chính trị phẳng lặng lúc ấy. Đó là một âm mưu khuynh đảo chính phủ Sihanouk của bộ ba Sơn Ngọc Thành, Dap Chhuon và Sam Sary. Với Sơn Ngọc Thành (khi ấy còn ở ngoài bưng) và Dap Chhuon (một trong những cựu lãnh tụ Khmer Issarak, khi ấy đang là tỉnh trưởng Siem Reap) thì không ai lấy gì làm lạ, nhưng với Sam Sary thì thật là khó hiểu. Sam Sary là một cận thần của Sihanouk, đã từng giữ những chức vụ ngoại trưởng, phó thủ tướng, đại sứ ở Luân Đôn, khi ấy đang là tổng thư ký đảng Sangkum. Sau vụ này chỉ có Dap Chhuon bị hạ sát, Sơn Ngọc Thành thì vẫn không ló mặt, còn Sam Sary thì trốn sang Nam Việt Nam.
Tháng 4 năm 1960, vua Norodom Suramarit tạ thế, Sihanouk đã từ chối tái nhận vương miện, cũng không đặt con cả lên ngai vàng và đồng thời cũng ngăn cản sự đề bạt một người chú ông lên kế vị. Sau, hoàng tộc đã đặt ba vị nhiếp chánh do hoàng hậu Kossamak, mẹ Sihanouk, đứng đầu.
Mối băn khoăn của Sihanouk là làm thế nào vừa lãnh đạo chính phủ vừa không mất chân đứng trong thể chế đệ ngũ cộng hoà Pháp. Thế là ông tự đặt ra một chức vị quốc trưởng mới cho mình và chức vụ này đã dược hợp thức hóa trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5 tháng 6 năm 1960. Với chức vị quốc trưởng trong một nước quân chủ lập hiến, thực sự Sihanouk đã tái nhận vai trò quốc vương, nhưng ông ta lại tránh danh hiệu này để dễ bề nhúng tay vào hành pháp.
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa được Sihanouk coi là đủ, vì dưới tổng thống Pháp, dù là tổng thống đầy quyền uy của đệ ngũ cộng hoà, vẫn còn có thủ tướng trực tiếp điều khiển nội các. Cho nên, ngay khi chính phủ Pho Proeung từ chức sau vụ một nhân viên người Pháp biển thủ hai triệu Mỹ kim của ngân hàng Quốc gia (ngày 14 tháng 1 năm 1961), Sihanouk bèn sáng chế ra một thứ quốc trưởng mới có quyền hành kiểm soát cả lập pháp lẫn hành pháp và trực tiếp điều khiển hội đồng nội các. Ngày 23 tháng 1, quốc hội đã bỏ phiếu hợp thức hóa dự định của Sihanouk và ngày 28 tháng 1, Sihanouk thành lập xong tân chính phủ. Kể tứ đó, quốc hội đã trao toàn quyền cho quốc trưởng, và không còn mảy may khả năng đặt vấn đề tín nhiệm hay bất tín nhiệm chính phủ nữa.
Sihanouk đã tự vạch ra một vai trò kỳ lạ trong sinh hoạt chính trị và làm tan rã hoàn toàn những viên gạch đắp móng cho nền dân chủ phôi thai của Kam-pu-chia trước đây. Nhưng với nhân dân, dù Sihanouk có làm gì đi nữa cũng chẳng ai ta thán được, vì ai cũng nhớ Sihanouk đã là vua! Nếu có những kẻ phê bình, chống đối quốc trưởng, thì đó chỉ là những phần tử mà Sihanouk gọi là “bọn trí thức non không làm nhưng chỉ thích trỉ chích người lớn.” Cái “bọn trí thức non” ấy ngày càng đông đảo và càng ồn ào, nhưng thực tế không nguy hiểm cho chế độ. Mối nguy chìm lẩn bên trong, kín nhẹm hơn, sâu xa hơn, lại chính là những tướng lãnh tay chân của Sihanouk, những người thường được Sihanouk dùng làm lá bài hù bọn tả phái trẻ.
Hai bộ mặt lớn nhất trong đám tướng tá cầm đầu quân đội là Lon Nol và Sirik Matak. Sirik Matak là hoàng thân, lại thuộc dòng họ chính thống, nên sau này Sihanouk đã coi là đối thủ đáng ngại. Từ 1967, Matak đã bị đẩy đi làm đại sứ để tránh “nội họa”. Còn Lon Nol, dù sao cũng là một quân nhân thuần túy, lại thường tỏ ra rất phục tòng nên Sihanouk ít để ý hơn.
Trên chính trường thời Sihanouk, ngoài bọn phong kiến, trí thức trẻ, một số ít tướng tá, tưởng cũng còn phải kể thêm một thế lực khác đã tạo được chân đứng từ cuộc bầu cử 1966: đó là giới đại điền chủ. Điền chủ ở Kam-pu-chia đã ngoi lên được, cụ thể là đã lọt vào quốc hội, là nhờ tổ chức bầu cử tương đối cởi mở hơn sau cuộc thăm viếng của De Gaulle vào mùa hè cùng năm. Chính từ cuộc thăm viếng này, thế thăng bằng biểu kiến của Sihanouk đã sụp đổ. Sihanouk và chế độ của ông đã tự biến Kam-pu-chia thành tiền đồn Đông Nam Á của chủ nghĩa De Gaulle với những màn khích động về đối ngoại làm ngơ ngác các nước láng giềng.
Trong Cuộc Tranh Dành Quốc Tế
Về đối ngoại, trước đây mặc dầu có cái vẻ cứng rắn, nhưng Sihanouk lại luôn luôn ở trong tình trạng dễ chao động, cái hoàn cảnh của người leo dây phải nghiêng người về bên này để giữ cho khỏi rơi về bên kia. Sihanouk thường nhắc nhở quần chúng chính sách trung lập mà ông chủ trương. Ông lấy lịch sử ra để dẫn chứng: người xưa đã sai lầm khi chút chút lại chạy ra ngoài cầu viện ngoại bang để giải quyết những chuyện lộn xộn nội bộ, nên ngoại bang mới có dịp xâu xé đất nước này. Câu chuyện con kiến trước cảnh hai voi đánh lộn cũng là hình ảnh Sihanouk thường hay đề cập đến khi muốn nói về cái thế đứng ngoài của Kam-pu-chia trước cuộc tương tranh của hai phe tư bản và cộng sản quốc tế.
Chính sách trung lập đối với Kam-pu-chia là một nhu cầu để khỏa lấp những yếu tố được coi là có phương hại đến an ninh quốc gia. Bốn yếu tố hàng đầu được Sihanouk liệt kê gồm:
1. Sự yếu kém của lực lượng quốc phòng Kam-pu-chia.
2. Mối hiểm nguy do hai quốc gia láng giềng Thái Việt gây nên.
3. Nhược điểm về địa lý của Kam-pu-chia.
4. Khả năng bành trướng xuống Đông Nam Á của Trung Cộng.
Về sự yếu kém của lực lượng quốc phòng, Sihanouk đã không nhằm cải thiện vì ông quan niệm nhân lực hiện cần thiết cho việc phát triển kinh tế và xã hội hơn là mọi mục tiêu nào khác. Thực ra Sihanouk đã nhìn thấy rõ vai trò đặc biệt của quân đội ở các nước mới thâu hồi độc lập, nếu để cho lực lượng này đủ mạnh và tập trung quyền chỉ huy thì sẽ dễ trở thành mối nguy cho chính quyền. Cho nên, ở Kam-pu-chia, quân đội chính quy chưa từng vượt quá con số 35.000 người (còn kém cả lực lượng cảnh sát) dưới thời Sihanouk. Hơn nữa, lực lượng nhỏ bé này còn bị cấm tham gia các tổ chức chính trị và luôn luôn được phân tán ra các tỉnh xa thủ đô. Để lấp vào hố trống quốc phòng, nhằm chống đỡ các cuộc xâm lược nếu có, theo luật trung lập đã được quốc hội phê chuẩn ngày 11 tháng 9 năm 1957, chính phủ Kam-pu-chia “có quyền” kêu gọi Liên Hiệp Quốc và quân lực bạn (?) tới hỗ trợ.
Và điều mà Sihanouk gọi là mối hiểm nguy do hai quốc gia láng giềng tạo nên, thật sự chỉ là mối hiểm nguy cho riêng chế độ Sihanouk, nhưng đã được phóng đại như sự đe doạ thường trực quốc gia Kam-pu-chia và tạo thành huyền thoại tiêm nhiễm vào đầu óc dân chúng để dễ bề lợi dụng khi cần. Ngày nay không một chính phủ Thái hay Việt nào lại có thể tiếp tục nuôi dưỡng cái mộng nuốt trọn Kam-pu-chia của các triều đình xa xưa. Huyền thoại Thái Việt xâm lược được lợi dụng nhiều nhất trong cuộc tuyên truyền chống các nhóm ly khai. Các lực lượng Khmer Issarak, Khmer Serei được Sihanouk gán cho nhãn hiệu tay sai Thái hoặc Việt để gây lòng thù ghét trong quần chúng nhất là lực lượng sau trong cuộc đảo chính hụt 1959 đã để lộ nhiều bằng chứng cho thấy có sự nhúng tay của Sàigòn. Chính vì những lộn xộn ở biên giới và vì những hoạt động của các lực lượng võ trang chống chính phủ, Sihanouk đã đi đến quyết định đoạn giao với Thái năm 1961 và sau đó với Việt Nam Cộng Hòa năm 1963.
Ngược lại đối với Cộng sản Việt, Sihanouk lại luôn luôn tỏ thái độ hòa hoãn, nhượng bộ. Năm 1965, Sihanouk đã thỏa hiệp với Bắc Việt và Cộng sản Miền Nam về việc cho phép CS chuyển quân ngang lãnh thổ Kam-pu-chia và nhận đồ tiếp tế qua cảng Sihanoukville. Mỹ đã tố cáo rằng quân dụng, vũ khí của Nga và Trung Cộng đã được chở tới Sihanoukville nói là để viện trợ cho Kam-pu-chia, nhưng chỉ có một phần nhỏ được chở về căn cứ tiếp vận Kompong Speu của quân đội hoàng gia, còn phần lớn được chuyển tới các địa điểm tiếp nhận ở biên giới của CS Việt, mỗi tháng không dưới 500 tấn.[1] Năm 1969, tiến xa hơn nữa, Phnom Penh đã chính thức lập quan hệ ngoại giao với “chính phủ” của CS Nam Việt. Đổi lại hảo ý này, Bắc Việt và CS Nam Việt đã công nhận đường biên giới do Sihanouk vạch ra.
Trong vòng dăm năm trước chiến biến 1970, lực lượng CS đã trú đóng trên lãnh thổ Kam-pu-chia ít nhất là ba sư đoàn (chừng 30.000 quân) dọc biên giới từ vùng Mỏ Vịt tới Tam Biên. Lúc đầu Sihanouk còn phủ nhận sự việc này nhưng sau ông ta xác nhận nhưng cho là chẳng làm gì hơn được vì những vùng biên giới mà CS Việt trú đóng toàn là rừng rậm không thể kiểm soát nổi. Đối với Sihanouk, đó cũng là nhược điểm về địa lý có phương hại trực tiếp đến nền an ninh Kam-pu-chia!
Tuy nhiên nhìn sâu vào vấn đề, người ta thấy thực sự Sihanouk đã có mặc cảm bất lực trước sự bành trướng của Trung Cộng. Sihanouk cũng như các cận thần của ông tin rằng Trung Cộng sẽ bành trướng thế lực xuống Đông Nam Á và Mỹ sẽ không thể kiềm chế nổi. Cái thế sa lầy của Mỹ ở Việt Nam càng làm cho Sihanouk tin ở lập luận của mình. Cho nên đối với Sihanouk, ngăn cản cuộc nam tiến ấy là một điều bất khả, nhưng có thể dùng sự khôn khéo để né tránh cho riêng mình được chừng nào hay chừng nấy. Về phương thức tiến hành việc bành trướng của Trung Cộng, Sihanouk đã có những nhận xét khá tinh tế qua bài viết trên tạp chí Preuves vào đầu năm 1970, vài tuần trước khi bị lật đổ, như sau: “Trung Cộng không gửi quân, nhưng trong bóng tối, họ dựng lên những cuộc tranh chấp phá hoại, khiến cho người Khmer chống người Khmer, người Lào chống người Lào, người Việt Nam chống lại người Việt Nam, và cứ thế…”
Đối với Mỹ, từ 1955 tới 1963, Kam-pu-chia đã nhận 270 triệu Mỹ kim viện trợ kinh tế và 94 triệu Mỹ kim viện trợ quân sự. Nhưng, đột nhiên cuối năm 1963 Sihanouk khước từ viện trợ và cáo giác Mỹ đã trợ giúp các phong trào ly khai Kam-pu-chia chống chính phủ của ông. Mối bang giao Mỹ-Kam-pu-chia rạn nứt, cho tới 1965 thì vỡ hẳn. Năm 1969, Sihanouk đã tuyên bố trắng ra là ông ta chỉ coi Hoa Thịnh Đốn như lá bài để tố phe Cộng khi cần. Nếu cộng sản làm tới trong việc giúp du kích Kam-pu-chia hoạt động thì ông ta sẽ nghiêng về phía Mỹ ngay, dù chiến tranh Việt Nam chưa chấm dứt. Nhưng ngược lại, nếu Mỹ tiếp tục làm tới trong sự giúp các lực lượng ly khai, ông ta cũng không ngần ngại gì mà không mở cửa cho Nga và Trung Cộng can thiệp.
Sihanouk không chỉ tuyên bố suông, chính sách trung lập của ông quả đã xây dựng trên cái thế dựa dẫm ấy, cái thế dựa dẫm đã duy trì sự tồn tại của chế độ ông ta nhưng sau cùng cũng đã quật ngã chế độ ấy.
Ốc Đảo Sụp Đổ
Những diễn biến đưa đến sự sụp đổ chế độ Sihanouk đã xảy ra thật mau chóng, vỏn vẹn chỉ trong vòng 10 ngày giữa lúc Sihanouk đang du ngoạn bên Pháp.
Lon Nol vốn được coi là một nhân vật cực hữu trong chính quyền Sihanouk, đã được Sihanouk chỉ định làm thủ tướng thay Penn Nouth từ ngày 1 tháng 8 năm 1969. Làm việc vừa được một tháng thì Lon Nol bỏ sang Pháp chữa bệnh, giao chức vụ quyền thủ tướng lại cho tướng phụ tá của ông là Sirik Matak. Tháng 1 năm 1970, Sihanouk cũng đi Pháp, cũng nói là để chữa bệnh. Chủ tịch quốc hội Cheng Heng xử lý thường vụ chức vị quốc trưởng. Đầu tháng 3 năm 1970, Lon Nol từ Pháp trở về Phnom Penh. Chính biến bắt đầu xảy ra.
Ngày 8 tháng 3 năm 1970, dân Svay Riêng biểu tình bạo động chống sự hiện diện của quân đội cộng sản Việt tại tỉnh này. Ngày 11 tháng 3 năm 1970, biểu tình lan lên Phnom Penh. Các toà đại diện Bắc Việt và Cộng Sản Nam Việt bị phá. Ngày 12 tháng 3 năm 1970, Lon Nol công bố kỳ hạn ba ngày cho quân đội CS Việt phải rút khỏi Kam-pu-chia và đồng thời hủy bỏ hiệp ước tái ký ngày 12 tháng 9 năm 1969 cho phép cộng sản sử dụng cảng Sihanoukville. Ngày 15 tháng 3, chính phủ Lon Nol đặt Kam-pu-chia trong tình trạng một quốc gia đang lâm nguy và mọi quyền hành hiến định đều hủy bỏ. Ngày 18 tháng 3, quốc hội Kam-pu-chia biểu quyết truất phế Sihanouk khỏi chức vụ quốc trưởng và Cheng Heng được chỉ định tạm thay thế.
Về phía Sihanouk, khi nghe tin có biến động ở Phnom Penh, ông đã vội vã bay sang Mạc Tư Khoa rồi sau đó sang Bắc Kinh ngày 13 tháng 3 năm 1970. Mười ngày sau, Sihanouk tung ra bản tuyên cáo 5 điểm [2] bày tỏ một lập trường dứt khoát đương đầu với tân chế độ ở Phnom Penh, nhận quân đội CS là quân đội của mình, lập Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc Kam-pu-chia và sau đó lập chính phủ lưu vong dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh.
Ốc đảo trong chiến trường Đông Dương sụp đổ từ đấy. Phe Phnom Penh đứng hẳn về phía Mỹ, chấp nhận việc quân đội Mỹ từ Nam Việt Nam tiến vào lãnh thổ Kam-pu-chia hành quân phá cơ sở hậu cần của cộng sản từ ngày 30 tháng 4 năm 1970. Trong khi Sihanouk phản ứng lại bằng các đứng hẳn sang khối Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam mặc dầu trong thâm tâm ông ta không bao giờ tin tưởng vào Cộng Sản.
Ghi Chú: [1] U.S. News and World Report số 2 bộ LXVI ngày 20-1-1969.
[2] Tuyên cáo 5 điểm của Sihanouk ngày 23 tháng 3 năm 1970:
- Với danh nghĩa quốc trưởng hợp pháp, nay giải tán các cơ cấu lãnh đạo hiện tại gồm nội các, quốc hội và hội đồng hoàng gia Kam-pu-chia.
- Tiến hành việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
- Tổ chức một hội nghị gồm các giới chức Kam-pu-chia trước khi tình hình trở lại bình thường.
- Thành lập quân đội giải phóng dân tộc để giải phóng tổ quốc.
- Thành lập Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc Kam-pu-chia do sự hợp nhất của các thành phần trên.
Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh - Phạm Việt Châu Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh