The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4352 / 180
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
Ở Đội văn nghệ và thể thao, mọi người đều quý tôi. Đội này không có tù hình sự. Đa số là sĩ quan và hạ sĩ quan cảnh sát. Phần còn lại là sĩ quan quân đội. Những người này đã trải qua nhiều trại lao cải. Tôi nằm phía trên, giữa Biên và Hưởng. Một hôm, Biên tâm sự:
- Chúng nó bảo thằng Có, thằng Hưỏng và thằng Ánh là “ăng-ten” gây ra vụ một số anh em đi Phú Khánh.
- Tôi không cần biết.
- Ông nên biết.
- Biết để làm chi. Toàn chuyện tầm phào.
- Biết để hiểu trắng và đen, đen và trắng trong tù.
- Vậy ông kể đi.
- Thằng Ánh đã sang làm Đội trưởng Đội trừng giới, chúng nó càng tin nó làm “ăng-ten”. Tết vừa rồi, thằng Ánh sáng tác khẩu hiệu, thơ vè; thằng Có vẽ và viết tay trái; thằng Hưởng dán. Thằng Có vẽ ở phòng hội hoạ, ai dám nghi nó. Thằng Hưởng ảo thuật dán nhanh như làm trò. Cả trại khoan khoái đọc thơ, vè, khẩu hiệu, khen nhặng những thằng dám chơi là ái quốc là can đảm.
- Rồi sao lại thành”ăng-ten”.
- Vì chúng nó chửi những thằng viết, vẽ dán khẩu hiệu, chửi loạn cả lên.
- Tại sao có vụ đi Phú Khánh?
- Chuyện cũ tích lại. Ông Huỳnh Thành Vị nhà tôi cứ ngứa miệng cãi chuyện Paris với thằng chưa đến Paris rồi chửi nó ngu ngọng. Cán bộ nghe thấy nó bèn chụp mũ ông Vị chửi nó ngọng. Ông Duy Trác thì chủ nhật nào cũng vác đàn đi hát nhạc vàng… ôi, đủ thứ. Xẩy ra vụ dán khẩu hiệu chửi cộng sản, nó không bắt được ai bèn giận cá chém thớt đưa những anh bị nó ghim ra Phú Khánh dằn mặt anh em.
- Hưởng, Ánh và Có im lặng?
- Chứ cái gì nữa! Chúng nó không buồn vì còn một vài người biết chuyện. Đấy, trắng hóa đen là vậy. Tôi bị chúng nó chửi cò mồi, nay đến ông bị cất một chỗ cũng cứ rằng đã gặp phái đoàn Liên-tôn làm cò mồi. Cái trại này táp nham, ông sống lâu sẽ rõ. Ông sẽ khổ tâm lắm đấy. Cộng sản nó theo dõi ông, tù nhân theo dõi ông từng hành động. Ai bảo ông nổi tiếng? Vào tù vô danh tiểu tốt là yên thân.
- Ông nhận xét đúng.
- Ở tù cộng sản có những nỗi oan không dám thanh minh. Như tôi. Tôi cò mồi mẹ gì đâu. Anh Trương Đình Huân phục vụ ở UNESCO nhờ Amnesty International can thiệp cho tôi vì gốc tôi là giáo sư biệt phái về Trung tâm học liệu. AI ghi tên tôi và trại tôi đang cải tạo. Thằng Dụ cũng thế. AI đòi gặp hai đứa tôi. Chúng tôi thông dịch theo đúng lời nói của tù nhân được phỏng vấn. Có thông dịch viên của họ giám sát vớ vẩn ốm đòn à? Nó đâu tin mình. AI hứa can thiệp cho tôi về sớm. Tôi phải làm kiểm điểm mờ người, phải hứa không tiết lộ chuyện AI can thiệp cho tôi. Rồi chúng tôi bị biên chế qua Đội văn nghệ. Tôi văn nghệ mẹ gì. Nó đề phòng tôi ngứa miệng bên khu B. Ngu sao. Tôi ngậm họng mặc chúng nó chửi lèm bèm.
Lê Ngọc Biên triết lý:
- Người Việt Nam đếch có kinh nghiệm gì cả, kể luôn kinh nghiệm ở tù cộng sản. Chỉ a dua, phán xét bậy.
Biên nói đúng. Đã không có kinh nghiệm cộng sản đến nỗi bị nó bắt bỏ tù rồi vẫn không chịu học tập kinh nghiệm cộng sản trong tù. Hình như, cái…truyền thống bạn đáng diệt hơn kẻ thù có từ 20 năm miền Nam chống cộng. Kẻ thù xa, đối lập gần. Đối lập có thể đảo chính mình, kẻ thù thôn tính cả nước. “Đất nước mất, mất tất cả”. Cả nước rơi vào tay kẻ thù, ô kê. Quyền bính của mình rơi vào tay đối lập, nô ô kê. Truyền thống này đưa sang Mỹ, sang Tây. Mày đối lập ông, mày nguy hiểm hơn cộng sản. Nghĩ cũng bẽ bàng khi phải đứng chung chiến tuyến với bọn vô lại. Bọn vô lại kháng chiến, phục quốc chỉ muốn những người chống chúng nó gian manh, bịp bợm bỏ rơi chuyện chống cộng hoặc đầu hàng cộng sản. Để chúng nó tự do kháng chiến bịp, phục quốc lừa. Có một thằng vô lại vén môi lên tồ tồ rẳng: Giải phóng Việt Nam không phải là ước mơ mà còn là nhiệm vụ, bổn phận. Tôi tìm cách giành lại quê hương bằng cách làm cho cộng sản kiệt quệ về quân sự, kinh tế, chính trị! Rõ khẩu khí một thằng vô lại. Nó đã viết sách nhận nó ngu dốt chính trị, thầy nó không chịu dạy nó. Nay nó đòi “giành lại quê hương đòi làm cho cộng sản kiệt quệ chính trị”. Lại còn kinh tế nữa, trời ạ! Độc Ngữ viết hai câu thơ khá độc:
Đó cái gọi là tướng
Lũ sán kim ngọ nguậy ngứa hậu môn
Thằng này câm đi thì dần dần hết vô lại. Nó càng đao to búa lớn, càng vô lại hết thuốc chữa. Quê hương Việt Nam không cần vô lại nữa. Thời của vô lại cai trị dân tộc đã cáo chung. Thầy Gerald Ford dạy: “Lịch sử đã sang trang”. Hiểu chưa? Đã sang trang mới cho tuổi trẻ Việt Nam làm chính quyền. Sẽ không còn phỉ quyền gian ác và ngụy quyền vô lại trên quê hương Việt Nam tương lai.
- Ông ạ, tôi linh cảm tôi sắp về. Biên nói.
- Ông tin AI cứu nổi ông?
- Tin lắm.
- Tốt thôi.
- Tôi hiểu chỉ ông mới viết được truyện về những đứa trẻ con ở trại Phú Văn.
- Truyện thế nào?
Biên kể ngọn đồi mà tù nhân cải tạo đặt tên là Đồi Fanta (La Colline de Fanta, Les Éditions Belfond). Ngọn đồi này đã làm tôi quên mọi ưu phiền Z30 D. Ít ra, cái trại lao cải hắc ám cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đã cho tôi một toan tính ngày mai. Tôi ghim vào đầu óc ngọn đồi ô nhục và hy vọng sớm được tha để viết cuốn sách về nó.
Những ngày ở Đội văn nghệ và thể thao, tôi có dịp đi lao động ngoài quốc lộ. Quản giáo đội này tên Hào, ham chơi hơn giáo dục tù nhân. Chúng tôi thường cuốc bộ theo hướng ra Phan Thiết. Chừng hai cây số cách trại, có một cái chợ nhỏ của một xã nằm sát quốc lộ. Tên chợ tôi quên rồi. Chợ có vài quán cà phê, hủ tíu, bún bò xào. Mỗi sáng, đội của chúng tôi dừng chân nơi đây ăn điểm tâm uống cà phê rồi mới vào rừng. Quản giáo và vệ binh ở lại đá banh bàn, thụt bi da và ngủ. Đội muốn đi đâu muốn làm gì tùy ý, miễn là trở lại tập họp tại chợ đúng 14 giờ. Đội lao động rất lè phè và “tự do” mua bán, ăn uống. Đó là lý do phải chấp nhận sự ghét bỏ của các đội khác.
Tôi lấy làm lạ điều này: Không hề thấy tù nhân hình sự hay chính trị ở các đội lâm sản trốn trại. Những người này muốn trốn, sẽ trốn dễ đàng. Họ vào rừng từ 7 giờ sáng, 16 giờ mới về. Các đội lâm sản không cần vệ binh. Làm sao đủ vệ binh canh giữ? Vậy tù nhân tự giác. Và hiếm họa lắm mới có một tù nhân ở đội lâm sản ra đi không về… trại. Dẫu có tù nhân ra đi, các tù nhân còn lại vẫn tự do vào rừng và, nếu thích, cứ việc sắp xếp chương trình về sum họp gia đình không cần Giấy ra trại. Điều lạ ấy chính là nghệ thuật quản lý tù nhân của cộng sản. Đâu cần Phạm Hùng hay Cao Đăng Chiếm chọn tù nhân biên chế vào đội lâm sản. Chỉ là Ban Giám Thị và đám công an chăn trâu cắt cỏ, ngọng níu lưỡi tuyển chọn. Tù nhân tiến bộ đến mức không thèm trốn trại. Các đội lâm sản không chấp nhận sĩ quan tác chiến, quân báo, nhẩy dù, thủy quân lục chiến. Phản động cũng bị chê. Đa số là cảnh sát và sĩ quan văn phòng. Nếu tôi còn ở Đội văn nghệ và thể thao, thể nào cũng có ngày tôi trốn trại. Tôi đã phác họa kế hoạch ngon lành. Rất tiếc, chưa kịp trốn thì tôi bi biên chế sang Đội 27 nông nghiệp. Có lẽ, người ta đã đoán được âm mưu của tôi.
Đội 27 nông nghiệp của K Z30 D, khi tôi sang, vừa thay đổi quản giáo mới. Quản giáo tên Hà, dân Hà Tĩnh. Kinh nghiệm ở tù cho tôi biết điều này: Hễ tên cai tù ở miền nào bị Mỹ dội bom nhiều nhất, tên ấy khe khắt nhất. Quản giáo Hà là tên cai tù ấy. Hắn mang quân hàm trung sĩ. Đội của tôi nhan nhản đại úy, trung úy phi công, hải quân. Và cũng nhan nhản hình sự vô lại. Tôi được sống lại không khí xô bồ như ở các phòng giam đề lao Gia Định, khám lớn Chí Hòa. Bấy giờ, Đội trưởng lành Vũ Tiến Đạt, một người đầy đủ tư cách. Hiện trường lao động của chúng tôi nằm sát con đường ra vào cổng chính của trại, đối diện nhà thăm gặp. Chúng tôi có nhà lô. Sa Ác B không có nhà lô. Đội 27 đã canh tác nhiều vụ khoai, ngô và đậu xanh. Đội chia nhiều Tổ và các tổ lao động giống nhau, không chuyên biệt như đội rau xanh. Công việc của tôi là cuốc đất, lên luống, rắc phân hoá học, đặt phân xanh, bỏ hạt bắp, giây khoai, làm cỏbắp, vén giây khoai… Chờ đợi thu hoạch chúng tôi chặt cây điên điển đào hầm chôn để làm phân xanh cho vụ mới.
Mùa thu hoạch thì lao động cả chủ nhật. Hết bắp lại ngô. So với Sa Ác lao động ở Rừng Lá không đáng kể. Tôi bằng lòng thái độ lao động của tù nhân Sa Ác hơn. Ở đội của tôi tại Z30D, người ta chấp nhận nghe quản giáo “giáo dục”. Người ta thản nhiên ”Nghe chúng nó chửi quen rồi”! Và người ta không xấu hổ ăn cắp mướp, ăn cắp bắp non, ăn cắp khoai… Một số tù nhân tự dẫm lên phẩm cách của mình đã bắt cả đội phải xếp hàng, đứng nghiêm, nghe quản giáo phê bình bằng giọng điệu xấc xược, trịch thượng.
Quản giáo không bao giờ giáo dục một tù nhân. Chỉ cần một tù nhân ăn cắp trái mướp trên giàn mướp của hắn, hắn sẽ tập họp đội, miệt thị “các anh toàn bọn ăn cắp, thế mà cứ tưởng mình sĩ quan, trí thức” và đem vợ con tù nhân vào cuộc học tập “các anh là bọn mất tính người, không còn tình người, cố kéo dài thời gian cải tạo để bắt vợ con nhịn ăn mặc thăm nuôi các anh!” Tôi thấy số người tự xóa bỏ nhân cách của mình vẫn bình thản, vẫn nhe răng cười. Tôi thì tôi lấy làm đau đớn lắm. Thà nhịn ăn mướp, thà cuốc đúng chỉ tiêu chứ không chịu nghe cai tù giáo huấn. Nhưng vô ích, tất cả tù nhân tự trọng, những tù nhân bằng lòng để cộng sản thù ghét, không bằng lòng để cộng sản khinh bỉ, đều bị đồng hóa bởi số tù nhân vô lại.Anh Vũ Tiến Đạt hiểu tâm sự tôi. Anh chuyện riêng với tôi:
- Sự khốn nạn của chúng ta là chúng ta đã không được phép chọn người sống chung một đội.
- Cộng sản nó muốn vậy.
- Đồng ý, song anh đã rõ, trong đám vô lại có cả vài ông sĩ quan của chúng tôi. Bọn này to mồm nhất, yêu nước nhất, căm hờn cộng sản nhất và sẵn sàng chụp cứt lên đầu kẻ đồng cảnh ngộ tàn bạo nhất. Anh mới về đội, chưa hiểu hết sự tình não nề. Chia rẽ, kèn cựa, chụp mũ, chửi bới, đánh lộn chẳng còn ra tù…chính trị gì cả. Riết rồi tù hình sự trộm cắp nó khinh thường. Cờ bạc sát phạt nhau tới…tán đường cuối cùng! Tôi cứ giả mù, giả điếc, giả câm. Đánh đấm nhau, chửi bới nhau rồi đưa nhau vào biên bản cuối tuần. Năm năm cải tạo rồi, ấu trĩ gì! Làm Đội trưởng khổ hơn chó.
Đội 27 nông nghiệp, chỉ có vài tên vô lại quậy phá. Chúng nó trêu chọc cả đàn bà, con gái đi thăm nuôi chồng, cha, anh. Chúng nó nói năng nham nhở, mất dậy. Chúng nó đã làm phiền cả đội. Những người đứng tuổi im lặng, cầu an. Đa số phẫn nộ nhưng không tỏ thái độ. Có một tù nhân tên Thành, Trưởng ty cảnh sát thời Ngô Đình Diệm, con bà phước từ khi trình diện học tập cải tạo bị đám vô lại đặt hỗn danh Thành chạp và bị chúng nó ghét ra mặt. Chỉ vì ông Thành đói, ai cho gì cũng nhận và vớ được cái gì cũng ăn. Chúng nó, dĩ nhiên, không cho ông Thành một miếng sắn lát song, ai cho ông Thành nắm mì, dúm tôm khô, chúng nó ngăn cản. Tôi đã thường xuyên tặng hủ tíu, tặng mì vụn, tặng phần bo bo nguyên ngày chủ nhật cho ông Thành. Tôi bị chúng nó ghét. Nhờ tôi có thuốc lào xiện, lại chủ trương “đông phen no lo hao lao”, tôi đã chế ngự chúng nó. Gô thuốc lào mở nắp, tha hồ các “phen” hít và phê. Thuốc lào xiện là thước đo giá trị con người!
- Anh ơi anh đừng ăn cơm chung với thằng Thịnh.
- Tại sao?
-Nó là thằng đi rêu rao anh làm cò mồi. Anh cứ thử hỏi các bố sĩ quan của Sư đoàn 18 là biết nó. Quân báo đấy. Nó bô bô khoe thành tích đã ăn cắp cái máy bơm nước của một nông dân rồi cho lính bán lại cho nông dân này.
- Chuyện nhảm.
- Nhảm gì, cháu của nông dân này lại là sĩ quan cùng Sư đoàn 18 và cùng ở đội mình.
- Cậu thích thì ăn chung với tôi luôn.
-Em mến anh nhưng em ghét thằng Thịnh.
- Cậu muốn sao?
- Anh đuổi ngay thằng Thịnh đi, em xin về ăn chung, phục dịch anh.
Thuốc lào ngon và túi thăm nuôi nặng và thường xuyên của tôi đã “đổi thù thành bạn”. Hợp với thành ngữ Bạn tù tình nhà thổ. Tôi sống yên thân ở Đội 27 nông nghiệp. Rồi tôi trở thành một máy ghi âm chuyên ghi tin miệng của đám vô lại tố cáo nhau.
- Anh này.
- Mấy tháng trước anh đã gặp phái đoàn Liên tôn hả?
- Ai nói vậy?
- Cán bộ giáo dục.
- Nói với cậu à?
- Với bạn em bên khu B, bạn em nói lại với tụi em.
- Cậu tin chứ?
- Hồi đó chúng em tin, chúng em rao rêu hại anh.
- Bây giờ cậu tin cán bộ hay tin tôi?
- Em tin anh.
- Thế thì tôi không gặp phái đoàn nào cả.
-Tại sao cán bộ bịa đặt nhỉ?
- Tôi không hiểu.
Nếu bạn đọc Lê nin toàn tập, bạn sẽ gặp câu này: “Dùng bọn côn đồ mạt hạng để chúng diệt những phần tử lương thiện đối nghịch cách mạng. Khi những phần tử lương thiện bị triệt hạ, sẽ diệt bọn côn đồ mạt hạng”. Cộng sản áp dụng đúng sách vở của sư tổ vào nhà tù. Cho nên bọn tù nhân vô lại, bọn ăn cắp khoai mì, ăn vụng thịt dưới bếp, ăn tranh phần khoai và cơm cháy của heo, vân vân… đã được xử dụng để triệt hạ những tù nhân cố gắng giữ phẩm cách làm người trong bất cứ nghịch cảnh nào.
° ° °
Tổ chức của Z30 D hơi khác TH6 một chút. Ở đây không quân sự hóa nếp sống nên thiếu hoạt cảnh báo cáo xuất trại. Các đội cứ ngồi tại sân tập họp, Đội trưởng tới gần điếm canh báo cáo quân số với cán bộ trực trại. Cán bộ ghi vào sổ trực. Thế là đội đứng dậy xuất trại. Qua cổng, tất cả phải dở nón, mũ. Điều này đã ghi rõ trong Nội quy. Ở đây an ninh gọi là chấp pháp. Công an đặc trách an ninh gọi là cán bộ chấp pháp. Chấp pháp của trại chỉ điều tra những việc xẩy ra ở trại. Tù nhân bị chấp pháp gọi lên “làm việc” có nghĩa là chuẩn bị vào cachot. Chấp pháp bao trùm quyền uy. Chỉ dưới Ban Giám Thị. Ở đâycó một đội chuyên gài mìn phá núi và một tổ thiết kế. Ở đây có hồ rộng nuôi cá. Nói tóm lại, nội dung của Z30 D hiểm độc gấp bội TH6, hình thức của nó là… kiểu mẫu. Các phái đoàn ngoại quốc thân cộng sản và không chống cộng sản đều chỉ được dẫn tới Z30 D, K1, khu A và cơ quan. Dĩ nhiên, họ chỉ thấy hình thức. Cộng sản nặng phần trình diễn hơn quốc gia. Nghệ thuật trình diễn của họ cộng thêm nghệ thuật chơi chữ của họ đã khiến thế giới tự do mê sảng. Ở đây, trật tự đa số là tù nhân chính trị. Công an cộng sản hiểu rõ cảnh sát quốc gia. Do đó, trật tự được tuyển lựa từ thành phần cảnh sát đặc biệt, an ninh quân đội.
Trật tự khu A gồm 4 người tạo thành một giai cấp đặc quyền, đặc lợi và trở thành đối tượng thù hận của tù nhân. Người thứ nhất là ông già Tới, can tội hình sự, mẫn cán với cai tù nhưng vô tội vạ với tù nhân, nóng tính mà tâm địa tốt. Người thứ hai là ông già Phú, giảng sư Đại học Vạn Hạnh, can tội vượt biên, thông thạo Anh, Pháp ngữ, kiến thức rộng, giỏi toán học, được chỉ định làm trật tự để dạy một ông chấp pháp học toán và Anh văn. Người thứ ba, tôi quên tên, một ông già cảnh sát hiền lành, cả khu yêu mến. (Ông này được tha hồi tháng 4 1980, người thay thế là một viên chức của VTX, tôi không nhớ tên). Người thứ tư là Trần Trọng Thanh trung uý cảnh sát đặc biệt, chuyên thẩm vấn Việt cộng ở Biên Hoà. Trần Trọng Thanh dân Quảng Ngải, một loại ngụy quân tử trong tù. Hắn xúi ông già Tới gây khó dễ cho tù nhân. Còn hằn, hắn đóng vai thiện. Khuôn mặt Trần Trọng Thanh xám xịt, vui buồn khó đoán. Hắn là cáo già của phòng trật tự.
Ở Z30 D, mỗi nhà có một phòng ăn, cửa sổ thoáng mát bàn ghế sạch sẽ. Có bếp lợp mái tôn cho tù nhân ca cóng những ngày được phép ca cóng. Trật tự nấu nướng bằng bếp riêng ở ngay phòng. Họ lấy than hồng của bếp trại mà cải thiện bữa ăn. Họ ăn sang hơn cả cai tù. Cai tù mua thịt cá giùm họ. Rau, mướp, bầu, bí thì họ xin các đội rau xanh. Những ngày lễ lớn hay những hôm đột xuất có thịt heo, trật tự được chia phần thịt tươi gấp 10 tiêu chuẩn tù nhân. Cơm của trật tự luôn luôn thừa thãi. Phòng của trật tự có chiếc máy vô tuyến truyền hình. Máy này, thỉnh thoảng, đem ra sân cho tù nhân giải trí kịch nhạc cách mạng. Trật tự chỉ thị công tác lao động cho vệ sinh và sai phái vệ sinh. Mỗi lần vợ thăm nuôi, trật tự được ngủ với vợ một đêm ở nhà thăm gặp. Cái đặc quyền, đặc lợi do hưởng đầy đặc ân đã khiến một vài anh trật tự quên mất bản thân mình là tù nhân. Ở khu A, Trần Trọng Thanh thâu tóm hết đặc quyền, đặc lợi. Ông già Phú “con bà phước”, ông già Tới vợ đã chết. Trần Trọng Thanh vợ buôn bán khá, mấy đứa con trai lại vượt biên thoát, thăm nuôi ê hề tiền bạc thừa thãi cung phụng chấp pháp và trực trại.
Z30 D, K1 là trại kiểu mẫu, kỷ luật gay gắt nhưng ca cóng tự do ngoài bãi. Ở đây, người ta chỉ đòi hỏi tuyệt đối “an tâm cải tạo” nghĩa là đừng có tư tưởng trốn trại và chống đối Nội quy. Nội quy trại tù là pháp lệnh của Nhà nước xã hội chủ nghĩa thu hẹp. Chống Nội quy tội nặng hơn các tội cũ và mới. Người ta lý luận rằng, ở tù mà chống Nội quy ra đời sẽ chống Chế độ. Bởi vậy trên tấm Giấy ra trại, phần “Nhận xét quá trình cải tạo”, đa số tuyệt đối tù nhân được tha đều ghi câu tương tự danh ngôn bất hủ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của nhân vật Số đỏ: “Trong thời gian học tập đã có nhiều tiến bộ, lao động và học tập tốt, chấp hành nội quy của trại nghiêm”. Một số nhỏ bị “nhận xét” thế này: “Trong thời gian tập có tiến bộ nhưng vẫn thiếu thiện chí cải tạo, chưa chấp hành nội quy tốt”. Bèn thêm câu: “Đương sự cần được chính quyền địa phương giáo dục thêm” thì kể như số vất vả. Sẽ bị công an phường bắt “đi học” dài dài. Sẽ có cuốn vở chép nhật ký để công an phường theo dõi mọi sinh hoạt.
Giấy ra trại là một lối chơi chữ của cộng sản. Anh ra trại thôi, có thể, anh lại bị vào trại. Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Hải Thủy đã vào trại sau khi ra trại. Giấy ra trại, với tù nhân mang án phạt “tập trung cải tạo, TTCT” là thứ giấy thủ thân đến khi nhắm mắt. Tiêu đề của nó là Giấy ra trại nhưng văn từ thì lại “Thi hành án văn, quyết đinh tha số… ngày… tháng… năm… của Bộ Nội Vụ. Nay có giấy tha cho anh, chị có tên sau đây…” Trên Giấy ra trại của tôi, ghi rõ “Can tội Nhà Văn Phản Động. Bị bắt ngày 8-04-1976, án phạt TTCT. Theo quyết định, án văn số không có, ngày tháng không có. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc cứ… tự do bắt tưới hạt sen, chẳng thèm quyết định, án văn. Thế giới có thể nhìn rõ sự bắt người.,sự giam nhốt người – sự hành hạ người và sự tha người của chủ nghĩa cộng sản trên một Giấy ra trại của bất cứ một tù nhân nào. Nếu mắt thế giới không thông manh và óc thế giới không đặc khịt, họ sẽ tìm ra một định nghĩa về nhân quyền ở Việt Nam hôm nay. Trong phần “Nhận xét quá trình cải tạo” còn hai câu ác độc:
1- Nơi cư trú do chính quyền địa phương quy định.
2- Đương sự không được cư trú tại nơi đăng ký nhân khẩu thường trú trước khi bị bắt.
Nếu tù nhân đã cư ngụ ở nhà của mình do mình đứng tên trên bằng khoán, mình sống chung với vợ con mình trước ngày mình bị bắt, Sài gòn chẳng hạn, nay được tha, chính quyền địa phương nó “quy định” cá nhân mình về Long Xuyên hay lên Ban Mê Thuột mình phải…l ưu vong ngay trên quê hương của mình. Vợ mình nó không làm giấy bảo đảm cho mình tạm trú tại nhà mình thì dẫu chính quyền địa phương quy định” nơi cư trú cho mình là nhà mình”, mình vẫn đành lưu vong. Bị ghi câu số 1 đã lận đận. Bị ghi câu số 2 thì khốn nạn, thì kể như biệt xứ bất thành án văn, khỏi cần vượt biên tha phương cầu thực. Giấy ra trại của tôi ghi câu số 1. May mắn, tôi không bị “quản chế” nên “được hưởng quyền công dân”. Tù nhân bị quản chế một thời gian nào đó, phải trình diện công an địa phương hàng ngày, hàng tuần và chờ đợi sự khoan hồng của nhân dân khu phố mình cư ngụ trong cuộc họp quyết định “trả lại quyền công dân”. Tù nhân dưới chế độ cộng sản, vào tù đã khổ, đã nhục; ra tù còn khổ, còn nhục hơn 1.
Nội quy nhà tù và trại lao cải quan trọng thế đấy. Anh bị tống vào cachot để “thành khẩn suy nghĩ” mà viết tự khai trong thời gian anh bị thẩm vấn thì không sao cả. Anh bị tống vào cachot vì tội trốn trại, tội chống đối Nội quy, Giấy ra trại của anh nhất định bị ghi nhữngcâu nhận xét độc ác. Và đó là bản chất nhân đạo của chủ nghĩa, của chế độ. Ở trại kiểu mau Z30 D, K1, lao động có thể lề mề nhưng tư tưởng bị kiểm soát gắt gao. Bởi nó là son phấn của chính sách học tập cải tạo, là nơi Tú Bà cộng sản dễ lửa bịp khách làng chơi thế giới tự do bằng “nước vỏ lựu, hoa mào gà” Mác-xít-lê-ni-nít!
Đầu tháng 5-1980, Z30 D thả một số đông tù nhân sĩ quan quân đội, cảnh sát và hạ sĩ quan an ninh quân đội, cảnh sát đặc biệt. Lê Ngọc Biên trúng số kỳ này. Những người trúng số K2 và K3 ra hết K1. Họ tập trung ở hội trường, ăn ngủ ở đó thêm 10 ngày để chờ làm thủ tục. Thủ tục là gì? Lãnh đồng hồ, bút máy nhẫn vàng, giây chuyềnvàng đã đăng ký. Lãnh giấy ra trại, tiền đi đường…. Chỉ cần làm việc một ngày là xong mọi thủ tục. Nhưng Ban Giám Thị muốn “thầu” nhân lực 10 ngày của tù nhân. Họ sắp về nên lao động hăng lắm. Tù nhân vào rừng chặt đọt buông và bắt cắc kè để Ban Giám Thịbán cho Hợp tác xã ở thành phố Hồ Chí Minh. Tiền vào túi Ban Giám Thị. Không có bảo đảm về tính mạng cho tù nhân đã được tha nếu họ chết trong lao động “làm giày cho Ban giám thị”. Những người được tha mòn mỏi thêm 10 ngày. Họ rất sợ Bộ Nội Vụ ra quyết định mới giữ họ lạivài năm nữa. 10 ngày lâu bằng suốt quá trình lao cải. Chỉ khi xách túi hành lý nhỏ, cầm giấy ra trại, lĩnh vài đồng bạc tiền đường và bước nhanh ra quốc lộ, người được tha mới thở phào. Ân huệ của cộng sản thật đòi đoạn. Ban Giám Thị Z30D đã bóc lột tù nhân đến giọt giọt mồ hôi lao cải cuối cùng.
Giám thị Z30 D tên Nguyễn văn Mạnh, mang quân hàm Đại tá công an, già nua, có cô vợ trẻ. Vợ hắn bắt tù canh tác riêng một vườn ngô, vườn khoai. Tù nhân phải ăn thêm ngô, khoai của vợ Giám thị Mạnh. Mụ này bán ngô, khoai cho trại. Mụ cũng nuôi đàn vịt, bán trứng cho tù nhân qua trung gian tù nhân Đội chăn nuôi, giá cắt cổ. Ở Z30 D, chúng tôi phải ăn sắn lát. Bạn biết sắn lát chứ? Nông dân hai bên quốc lộ số 1 thuộc phạm vi huyện Hàm Tân trồng khoai mì, thái từng lát mỏng, phơi nắng đầy đường cho khô cứng rồi đóng bao bố nộp thuế nông nghiệp cho nhà nước. Nhà nước bán rẻ cho nhà tù. Nhà tù hầm sắn lát cho tù nhân ăn. Sắn lát ăn với nước muối. Tiêu chuẩn như vầy:
- Sáng, điểm tâm một chén sắn lát đầy có ngọn. Lao động 4 giờ.
- Trưa, một chén sắn lát, một chén cơm. Lao động 4 giờ.
-Chiều, một chén sắn lát, một chén cơm. Ngủ 8 giờ.
Ăn sắn lát thảm hơn ăn bo bo, ăn bắp đá. Với khoai, bắp, sắn, bo bo là thực phẩm lý tưởng. Răng rụng và bao tử loét vì bắp đá, bo bo, sắn lát.
Thỉnh thoảng, tù nhân bị ăn cá biển ươn cả tuần. Chả là công an kinh tế ngoài quốc lộ bắt trúng cá Phan Thiết chở vào Sài gòn bán lậu. Bèn phạt. Dân buôn chạy tiền phạt thời gian hạn định không nổi. Đành để công an kinh tế tịch thu. Công an kinh tế bán rẻ rề cho Ban Giám Thị Z30 D. Tù ăn cá thối 7 ngày thì 7 ngày sau ăn toàn sắn lát. Gạo trừ cá. Ban Giám Thị bán gạo cho dân ngoài quốc lộ. Thỉnh thoảng, tù nhân được phát muồng xanh chua lòm. Ăn muồng xanh cũng bị trừ phần cơm. Ban Giám Thị rất giỏi kế hoạch kinh tế…nhà tù. Mỗi tháng, một tù nhân bị ăn cắp một ký gạo nhai sắn lát thay cơm, 3000 tù nhân đã đóng góp vào túi Ban Giám Thị số tiền lớn, năm này qua năm khác. Chưa kể đọt buông, cắc kè của hàng ngàn tù nhân được tha “lao động tự giác 10 ngày”. Z30D, bí số của đốn mạt! Nó là thứ kiểu mẫu của gian lận, bịp bợm.
Z30 D có hai nhân vật tù nhân. Ông Paul Nur, Tổng trưởng Bộ sắc tộc triều đại Nguyễn văn Thiệu và cụ Trân (hay Trản), thân phụ của cố thiếu tướng Nguyễn văn Hiếu. Ông Paul Nur, “con bà phước”, nấu bếp ở Đội cấp dưỡng. Tổng trưởng Paul Nur thường được cán bộ ưu ái cho giết bò những ngày lễ lớn. Đền công ông, cán bộ tặng ông da bò! Ông đem về treo sàn bếp. Một ngày xấu trời của năm 1982, Tổng trưởng Paul Nur ăn khá nhiều da bò hầm. Ông bị sình bụng. Bác sĩ Nhơn đã về. Bác sĩ Hoàng Cầm mãi đi chơi xa. Y tá không biết trị bệnh. Thế là Tổng trưởng Paul Nur về…sum họp với tổ tiên. Cụ Trản thuộc loại lão thành phản động. Cụ bất chấp kỷ luật của Z30 D. Hình tưởng một cụ già ngoài 70 tuổi mà còn bị đày đoạ ở Đội trừng giới, sẽ hiểu tinh thần bất khuất của cụ.
Thời gian tôi ở Z30 D, hầu như tháng nào cũng được kết quả xổ số. Tháng 7-1980, khá đông sĩ quan cải tạo ở Thanh Nghệ Tĩnht về Z30 D. Có ông thiếu tá nhẩy dù Phạm Đình Cung, hỗn danh Cung củ đậu. Tù nhân cải tạo ở miền Nam vẫn tưởng tù nhân cải tạo ở miền Bắc ngoan cường lắm. Z30 D đã thất vọng nhóm tù nhân về từ Thanh Nghệ Tỉnh. Họ ở khu B. Nhiều lúc tôi muốn văng tục với loài người. Con người không dám phản kháng chỉ mong con người khác phản kháng. Và khi con người mình kỳ vọng bất động, mình thất vọng, mình coi thường! Tôi đã bị nghe những lời bình phẩm nặng nề tù nhân Thanh Nghệ Tỉnh của những ông tù nhân Z30 D thuộc loại “bầy tỏ chí khí trong bóng tối “. Tù nhân Thanh Nghệ Tỉnh về không bị biên chế sang các đội cũ của Z30 D. Họ được ở chung với nhau. Và đó là những đội của sĩ quan quân đội trình diện học tập cải tạo. Tháng 9-1980, Đội 27 của tôi gặp sự rắc rối. Bấy giờ Vũ Tiến Đạt đã bị “cất chức” Đội trưởng. Đội trưởng mới Nguyễn văn Thành, sĩ quan cảnh sát tốt nghiệp Viện cảnh sát quốc gia, tác giả vụ bắt sòng bài tổ chức tại nhà ca sĩ Thanh Thúy, đường Cao thắng và vụ đột nhập sòng thuốc phiện Tư Cao. Nguyên nhân sự rắc rối như vầy: Tôi nằm giữa Nguyễn văn Hải, trung úy quân đội và Bùi Đình Mừng, phản động hiện hành. Ngô của đội tôi đã ra bắp. Quản giáo chọn người đi canh ruộng bắp. Thư ký đội (tôi quên tên), trung úy không-ảnh, được giao phó công tác canh ngô. Chủ nhật, anh ta về muộn, lúc trại đã điểm danh chiều và tù nhân đã vào “chuồng”, cửa đã khóa. Anh ta đứng ngoài đợi trực trại mở cửa. Nguyễn văn Hải ngứa miệng:
- Sao không trốn luôn đi? Chăm lắm. Trước đây mà chăm một góc thôi, đâu đến nỗi mất nước.
Bùi Đình Mừng vồ được câu “đại phản động” này. Nó vốn thù ghét Nguyễn văn Hải “con bà phước”, vì Hải ưa nói móc nó. Mừng to họng nhất đội, thích đấm đá và thích chụp mũ “ăng ten” lên đầu người khác. Nó hỏi tôi:
- Anh có nghe gì không?
- Nghe gì?
- Anh Hải vừa nói.
- Không.
- Tại sao anh không nghe?
- Tôi bận hút thuốc lào và rồi tôi phê…
Họp đội, Bùi Đình Mừng đưa Nguyễn văn Hải vào mục phê bình. Nó nhắc nguyên văn câu của Hải. Nó bắt tôi làm chứng. Tôi nói:
- Tôi không nghe thấy gì cả. Vì tôi phê thuốc lào. Dẫu tôi nghe thấy, làm chứng hay không là do tôi thích hay không, anh Mừng không có quyền bắt tôi làm chứng. Chứng nhân là ân nhân của pháp luật, không là nạn nhân của pháp luật, anh Mừng hiểu chưa?
Đội trưởng Thành không ghi chuyện này vào biên bản. Bùi Đình Mừng báo cáo quản giáo. Họp đội tại nhà lô. Mừng quyết liệt tố cáo Hải. Tôi vẫn “không nghe gì cả,vì phê thuốc lào”. Phiên họp giải tán. Quản giáo gọi tôi, hỏi riêng:
- Anh Hải có khả năng nói thế không?
- Tôi không nghe gì cả.
- Có khả năng nói thôi?
- Tôi biết anh Mừng ghét anh Hải. Khi người ta ghét nhau thì nhẹ là nặng, ít là nhiều.
Quản giáo bỏ qua vụ này. Tôi thêm hỗn danh Long phê sau khi đã là Long ếch mù. Bùi Đình Mừng không dám sinh sự với tôi. Từ đó, nó hết bảo người này “ăng ten” người kia “ăng ten”. Và “cơ” của tôi bắt đầu lên!
--------------------------------
1 Xin đón đọc Chiến Bại, tiểu thuyết của Duyên Anh viết về những tù nhân trở về đời sống cũ.
Trại Tập Trung Trại Tập Trung - Duyên Anh Trại Tập Trung