Số lần đọc/download: 6797 / 13
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 13 -
G
ia Uyên nôn nóng nhìn Duy:
- Cả tuần nay anh Khanh đi đâu mà tôi nhắn máy, gọi điện đều không gặp vậy?
Duy đáp rất gọn:
- Anh Khanh bận đi họp ở Hà Nội mà...
- Họp đột xuất à?
- Đâu có! Lên kế hoạch tháng hẳn hoi đấy chứ! Chắc ảnh bận quá nên... nên..
Gia Uyên lắc đầu:
- Bận chỉ là cái cớ không chút thuyết phục. Anh nói thật đi. Có chuyện gì vậy?
Duy cà khịa:
- Chuyện gì là chuyện gì? I don t knoqu.
Mặt Uyên nghiêm lại:
- Anh nói dối! Nhỏ My bảo rằng anh biết rất nhiều chuyện..
Duy gãi đầu:
- Ai biết Uyên muốn hỏi chuyện gì mà nói chứ! Nhưng có những chuyện không nên biết thì tốt hơn.
Uyên vặn vẹo:
- Lý do?
- Vì nó tàn nhẫn quá!
Gia Uyên hỏi khựng lại:
- Tại sao lại tàn nhẫn?
Duy nhún vai:
- Vì nó chứa ân oán, yêu thương, ganh ghét từ đời này đến đời kia y như trong tiểu thuyết trường thiên. Tôi cho rằng Gia Uyên đừng nghĩ tới anh Khanh nữa, nếu không muốn khổ một mình.
Mặt Uyên biến sắc, cô hỏi tới:
- Anh Khanh đã nói gì với anh?
Duy lắc đầu:
- Ông ấy cứ im như thóc chớ có nói năng gì đâu!
- Vậy sao anh lại khuyên tôi như thế?
Duy im lặng đan hai tay vào nhau như nghĩ ngợi rất dữ rồi mới từ tốn nói:
- Anh Khanh đã biết rõ nguồn cội của mình. Ảnh biết ngoài tôi là đứa em cùng cha khác mẹ ra, ảnh còn có Hoàng là đứa em cùng mẹ khác cha nữa. Sự thật này là một cú sốc rất lớn với ảnh. Ảnh không vượt qua được mình nên sau khi nghe ba tôi nói hết đầu đuôi, ảnh đã uống rượu say mèm mất mấy ngày. Để rồi sau đó ảnh trở nên lầm lì khó hiểu.
Gia Uyên xót xa:
- Những lúc như vậy Khanh cần người an ủi, chia sẻ biết là bao. Tiếc là tôi không liên lạc được với ảnh.
Duy hỏi:
- Uyên nghĩ mình có thể an ủi chia sớt buồn vui với anh Khanh sao?
Uyên tự tin gật đầu:
- Anh Khanh là người cô độc. Ngoài tôi ra ảnh đâu còn ai để.. để...
Duy lấp lửng ngắt lời cô:
- Có những cái nằm ngoài tầm suy nghĩ của mình. Theo tôi, tam thời Uyên đừng gặp anh Khanh.
Gia Uyên ấp úng:
- Tại sao vậy?
Duy không trả lời mà hỏi:
- Uyên sẽ cảm nhận thế nào nếu người mình ghét, thậm chí là tình địch của mình bỗng trở thành em mình? Chắc khổ sở, khó chịu lắm phải không?
Lúc Uyên còn trân trối nhìn, Duy đã nói tiếp:
- Hãy để Khanh bình tâm lại đã..
Gia Uyên liếm môi:
- Khanh không muốn gặp tôi à?
- Ảnh không hề nói như vậy.
- Nhưng hành động của ảnh đã nói lên tất cả. Khanh đâu cần phải đi tận Hà Nội để lánh mặt tôi. Tình cảm tôi dành cho Khanh là thiêng liêng và chân thật mà...
Giong Uyên nghẹn lại, cô cảm thấy hụt hẫng đến mức không nói hết được điều mình nghĩ trong đầu.
Thấy cô bắt đầu thút thít, Duy rối lên:
- Trời ơi! Tôi sợ các cô quá! Chưa chi đã nhè rồi. Thảo nào ông Khanh khổ cũng phải!
Mím môi, Uyên nói:
- Ổng mà biết khổ...
Duy chặc lưỡi:
- Phải nói sao đây nhỉ?
- Bao giờ Khanh về?
- Cuối tuần này...
Gia Uyên nhấn mạnh:
- Nhất định tôi sẽ gặp ảnh!
Duy ngập ngừng như định nói gì đó rồi lại thôi. Uyên đứng lên:
- Tôi về đây!
Duy tiễn cô ra cửa:
- Bao giờ anh Khanh về, tôi sẽ cho Uyên hay.
Uyên nhếch môi. Cô có cảm giác mình và Khanh là hai người lạ, lạ đến mức chẳng liên lạc gì với nhau. Muốn biết tin anh, cô phải nhờ đến kẻ thứ ba.
Tại sao đang thắm thiết không nỡ rời, thoắt một cái Khanh lặng im rút lui thế nhỉ?
Gia Uyên buồn hiu bước đi. Buổi trưa công ty Rạng Đông vắng tanh, giờ này đã có nhiều nhân viên ra về. Gặp Uyên, họ vui vẻ chào, cô gượng gạo cười đáp lễ.
Mới rời xa nơi này không lâu, sao Uyên thấy mình vô cùng xa lạ. Tới cầu thang, thay vì bước xuống, không hiểu sao cô lại đi tới văn phòng giám đốc. Linh tính cho Uyên biết bên trong chắc chắn có người.
Tim đập thình thịch, cô đưa tay lên gõ nhẹ vào cửa.
Một giọng đàn ông lạnh lùng quen thuộc vang lên làm Gia Uyên sững sờ:
- Mời vào!
Đứng như trời trồng, Uyên nghẹn ở ngực. Cô giận đến mức không biết phản ứng thế nào. Thì ra Khanh không hề đi Hà Nội. Rõ ràng anh không muốn gặp Uyên nên đã bày trò cho Duy nói dối. Việc gì anh phải làm thế chứ!
Đâu đớn, phẫn nộ khiến Uyên mụ mẫm đi. Cô đẩy mạnh cửa đến mức chúi nhủi vào phòng. Khanh ngồi quay mặt vào tường với mù mịt khói thuốc. Anh cộc lốc:
- Chuyện gì?
Uyên không trả lời. Nước mắt tủi thân nhòe nhoẹt trên má. Sự im lặng của cô làm Khanh xoay ra cái ghế lại bằng sự phẫn nộ. Đến khi thấy cô, giọng anh dịu lại:
- Là em à?
Dụi điếu thuốc đang hút dở vào cái gạt tàn đã đầy ắp, Khanh đứng dậy bước về phía cô:
- Sao lại khóc?
Nỗi ấm ức trong lòng Uyên vỡ ra:
- Em đã làm gì sai để bị anh đối xử như vậy? Phải anh bảo Duy nói với em là anh đang ở Hà Nội không?
Mày Khanh cau lại:
- Anh không hề bảo thế!
Gia Uyên nắm chặt tay mình:
- Anh nói dối. Duy vẫn còn trong công ty. Em sẽ mời anh ấy tới để hỏi cho ra lẽ. Tại sao anh lại tránh mặt em? Nếu không thích, chúng ta có thể ngồi lại để nói lời chia tay mà?
Khanh nói:
- Dạo này anh có nhiều chuyện buồn bực, không muốn tiếp xúc với bất cứ ai. Nhưng anh không hề bảo Duy nói thế.
Gia Uyên đâu đớn:
- Anh xa lánh luôn cả em à?
Mắt Khanh chợt ánh lên tia hằn học:
- Trông thấy em để làm gì? Hừ! Anh đang muốn tịnh tâm, lẽ ra em đừng đến thì tốt hơn. Em chỉ mang tới đây sự Oán hận mà thôi! Nhìn em, anh lại nhớ những người đã gây ra chuyện tồi tệ, để cha me anh phải xa nhau, để anh lâu nay luôn khinh bỉ mẹ ruột của mình, để anh là một đứa con bất hiếu mà cứ tưởng mình làm thế là hay lắm!
Quay mặt đi, Khanh lạnh lùng:
- Anh không muốn nhìn thấy em. Anh hận lắm!
Trấn tĩnh lại, Gia Uyên phân bua một cách ngốc nghếch:
- Nhưng em đâu có lỗi gì trong chuyện đó. Em không hề nghĩ xấu về chuyện ngày xưa bác Phú từng ở tù..
Khanh gầm gừ:
- Lại thế nữa à? Em dám nghĩ xấu về ba tôi sao? Đúng là mồm mép!
Gia Uyên đỏ mặt. Vốn là người kiêu hãnh, cô không thể để Khanh nói mình như thế, dù cô rất yêu anh.
Mặt hất lên, Uyên nén đâu xuống và nói:
- Ba tôi phán đoán về anh không sai. Lâu nay trong lòng anh chỉ có thù hận. Nhưng tại sao lại hận luôn cả tôi?
Khanh gằn giọng:
- Điều này em về hỏi lại ba mình ấy. Hừ! ông ta đã nói, đã phân bua với em như thế nào về những âm mưu, thủ đoạn của mình ngày xưa nhỉ?
Uyên tròn xoe mắt:
- Anh nói âm mưu, thủ đoạn nào?
Khanh nhếch môi tội nghiệp:
- Em không biết gì hết à? Thế mà sướng đấy! Rốt cuộc chỉ mình tôi khổ sở với mối tình tưởng đâu là hạnh phúc nhưng cuối cùng chỉ là ảo tưởng.
Ngồi phịch xuống ghế, Khanh phẩy tay:
- Em biến đi! Tốt nhất đừng bao giờ gặp lại nhau nữa. Từ trước tới giờ tôi vờ yêu em để choc cho Hoàng biết thế nào là khổ. Bây giờ không cần nữa. Em hãy quay về với Hoàng đi!
Gia Uyên nhìn Khanh trân trối như muốn kiểm tra xem những lời Khanh vừa nói là thật hay giả. Đáp lại cái nhìn bi thiết của cô là ánh mắt dửng dưng ghẻ lạnh đến nhẫn tâm.
Bấu hai tay vào bàn, Uyên gào lên bằng giọng không còn hơi:
- Anh đúng là độc ác!
Lảo đảo quay đi, ra tới cửa Uyên gục đầu vào tường nức nở. Cô ước gì Khanh sẽ chạy đến và bảo rằng tất cả những gì nãy giờ chỉ là một thí nghiệm để kiểm tra tình yêu của cô đối với anh. Dù trắc nghiệm này có phần quá lố, Uyên cũng sẵn sàng bỏ qua hết để vùi mặt vào vai anh.
Nhưng Khanh vẫn ngạo nghễ ngồi ở bàn giám đốc. Anh đã nói rất rõ. Từ trước tới giờ anh chỉ vờ yêu cô để trả thù Hoàng. Bây giờ không cần nữa.
- Bây giờ không cần nữa...
Gia Uyên đâu đớn lẩm bẩm một mình rồi đi như chạy xuống cầu thang. Ra đường ngoắc chiếc xích lô, lên ngồi cô bắt đầu khóc tiếp cho đến khi về tới nhà.
Đẩy cổng bước vào, cô thấy chiếc Dream của Hoàng. Lòng dấy lên sự bực bội, khốn khổ, Uyên đi men hành lang xuống bếp để sau đó vòng lên lầu. Ngang cửa sổ cô thấy ba mình và ông Phong.
Thi ra ông Phong đến chứ không phải Hoàng. Chắc bác ấy lại bàn chuyện cưới hỏi với ba. Chỉ nghĩ thế thôi, Uyên đã nghe tức ở ngực. Cô mím môi dựa tường để nghe trộm về số phận của chính mình.
Giọng ông Đạt mệt mỏi vang lên:
- Tôi không muốn ép con bé. Bây giờ là thời buổi nào mà còn chuyện ép duyên chứ?
Ông Phong bật cười ha hả:
- Sao lại dùng từ ép duyên nghe nặng nề thế! Phải nói đây là trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Anh phải giải thích một cách kiên nhẫn, Gia Uyên mới thấm từ từ và đồng ý chứ.
Ông Đạt chắc lưỡi:
- Tôi không khuyên được Gia Uyên đâu.
Ông Phong khẽ khàng:
- Thì tìm cách nào đó. Anh vốn nhiều mưu mẹo mà! Ngày xưa nếu không nhờ anh, tôi làm sao cưới được Vân Huyền?
Uyên nghe ba mình cau có:
- Dẹp cái ngày xưa chó chết ấy đi. Nó đã làm tôi ray rứt cả đời. Tới lúc chết, mẹ của Gia Uyên vẫn chưa tha thứ cho tôi. Còn anh, cuối cùng anh cũng mất Vân Huyền. Lẽ nào anh vẫn chưa nghiệm được chân lý của tinh yêu?
Ông Phong nói:
- Tôi chi nghiệm được rằng không lấy được người mình yêu là cực kỳ đâu khổ. Tôi không muốn thằng Hoàng phải tuyệt vọng vì thất tình như tôi ngày xưa. Rõ ràng nó và Gia Uyên là một cặp xứng đôi mà!
- Gia Uyên chỉ xem Hoàng như anh trai thôi!
Giọng ông Phong tự tin:
- Vậy là tốt rồi. Miễn nó không căm ghét Hoàng thi chúng ta vẫn còn hy vọng làm sui.
- Nhưng Gia Uyên có người yêu rồi.
Ông Phong nói như ra lệnh:
- Bằng bất cứ giá nào nó cũng phải lấy Hoàng. Hừ! Anh tưởng rằng thằng Phú sẽ chịu để con trai nó cưới Gia Uyên à? Nó thù anh đâu kém gì thù tôi.
Ông Đạt quát:
- Im đi! Tôi vì anh mà làm việc bất nghĩa. Giờ thì đừng có hòng..
- Vì tôi hay vì tiền? Sau chuyện đó tôi chi cho anh cũng đâu có ít! Đủ để anh cưới vợ, tạo dựng sự nghiệp riêng kia mà. Chúng ta cùng chung một xuồng. Con anh sẽ là dâu của tôi chớ không thể là dâu của thằng Phú được.
Gia Uyên nghe ớn lạnh dọc sống lưng. Dù chưa hiểu chút gì về câu chuyện ba và ông Phong đang nói, cô cũng thấy sợ. Ba cô đã làm gì mà gọi là bất nghĩa nhỉ? Chac chận viec làm của ba co lien quan tôi bac Phu và ba Huyen.
Giọng ông Đạt nhỏ nhẹ vang lên:
- Gia Uyên có quyền tự do của nó. Anh đừng nói không thể thế này, có thể thế kia về nó, vì anh chả có tư cách nào hết.
Ông Phong cười khẩy:
- Tôi biết chứ! Tôi còn biết là anh rất sợ con gái cưng nắm được cái quá khứ tội lỗi xưa kia. Vì vậy khi kể chuyện cũ, anh sẽ bỏ qua vai trò của mình. Nhưng tôi sẽ nhắc đấy! Thậm chí tôi sẵn sàng tố cáo anh với Gia Uyên nữa kia. Hà! Con nhỏ cần biết rằng ba nó từng bày ra cái kế đem vàng giấu trong lều vịt, rồi giá họa cho thằng bạn thận này vì đã lỡ nhận tiền trả công của thằng bạn khác. Nó cần được biết vì đâu từ một thằng tay trắng, ba nó lại có vốn để đưa vợ lên Sài Gòn mở tiệm bán vật liệu xây dựng.
Ông Đạt bực tức:
- Anh hăm dọa tôi à?
- Ồ không! Tôi đang nhắc để anh hiểu anh không được lựa chọn con đường nào khác con đường anh đang đi với tôi. Chúng ta cùng một giuộc mà!
Gia Uyên choáng váng vì những lời cô vừa nghe. Thì ra sự thật là như vậy. Lý do khiến ông Phú hận ba là ở đây.
Giờ thì cô đã hiểu tại sao Khanh trố mắt dửng dưng, thậm chí căm ghét mình rồi! Đó là những điều không nên biết thì tốt hơn mà Duy đã lấp lửng nói với cô lúc nãy. Duy không muốn Uyên gặp Khanh nên đã dối rằng Khanh đi Hà Nội. Có lẽ cô phải cám ơn Duy mới đúng. Nhưng Duy nhắm sẽ cách ly Uyên với Khanh được bao lâu?
Ngồi bệt xuống sát tường, Gia Uyên nhớ lại từng lời, từng câu anh nói và xót thương... Anh đã đau khổ vì sự thật này nhưng không đành nói cho Uyên biết, rồi chịu không nổi đành thốt lên những lời mỉa mai, oán trách. Nếu thế chắc anh không vờ yêu cô để trả thù Hoàng đâu.
Gia Uyên thoáng mừng rỡ, nhưng ngay sau đó cô lại xìu xuống. Ba cô đã gây ra những việc tày trời đến thế, cô còn xứng đáng với tình yêu của Khanh sao?
Nghẹn ngào nhắm mắt, Uyên nghe trong phòng khách tiếng ông Đat vọng ra:
- Đời tôi giờ chỉ còn Uyên là vật quý nhất. Tôi sẽ không để nó khổ. Trước kia tôi cứ nghĩ nó thương Hoàng nên mới vun vào, bây giờ khác rồi. Nhất là khi nghe những lời tàn tệ vừa rồi của anh. Làm sao tôi yên tâm để nó vào một gia đình có người bố chồng sẵn sàng giở thủ đoạn để giành phần được về mình như anh chứ! Tôi sẽ kể hết những lỗi lầm đã làm với Gia Uyên.
Ông Phong thách thức:
- Anh dám à? Nghĩ thì dễ đấy, nhưng đến khi mở miệng, không dễ đâu!
Gia Uyên đứng bật dậy, lao nhanh vào nhà trước sự ngỡ ngàng của hai người đàn ông.
Ông Đạt hốt hoảng:
- Con về hồi nào vậy?
Uyên nhìn xuống chân mình:
- Con mới về, nhưng lại đúng lúc để nghe những gì không nên nghe.
Ông Phong vội vàng nói:
- Cháu đừng trách ba mình. Đời người ta dài những trăm năm, ai lại không có lúc lầm lỗi.
Uyên hết sức bình tĩnh:
- Bác nói đúng! Ai lại không có lúc lỗi lầm. Điều đáng quý là dám nhận lỗi và không tái phạm kia. Cháu tuy nhỏ, nhưng cũng được ba mình dạy dỗ để biết phân biệt phải quấy. Thật đáng tiếc khi vừa rồi cháu đã nghe những lời bác hăm dạa ba cháu. Tiện đây cháu cũng xin thưa rằng, dù phạm lỗi tày đình gì, ba cháu vẫn là ba của cháu. Lòng thương yêu kính trọng của cháu không vì thế mà suy xuyển.
Ông Phong gật gù:
- Khá lắm! Giọng điệu của cháu y như giọng điệu của mẹ mình. Nói thế nghĩa là cháu từ chối tình yêu của Hoàng? Tội nghiệp thằng con của bác. Nhưng bác vẫn tin chắc rằng sẽ có lúc cháu phải nghĩ lại, vì so với thằng Khanh, cháu phù hợp với con bác hơn.
Rồi không đợi ông Đạt nói lời nào, ông Phong đứng dậy vỗ vai ông, giọng thân tình:
- Thôi tôi về để hai bố con trò chuyện.
Gia Uyên lầm lì nhìn theo ông Phong rồi chậm chạp bước lên cầu thang.
Ông Đạt gọi nhỏ:
- Gia Uyên... Ba có chuyện muốn nói...
Cô uể oải:
- Con mệt lắm! Để hôm khác đi...
- Không được! Ba phải nói ngay lúc này.
Bước tới, ngồi xuống salon, Gia Uyên lặng thinh ngắm nghía cái nhẫn nhỏ xíu đeo ở tay và cố xem hạt cẩm thạch màu xanh biếc có lên nước thêm chút nào chưa.
Thái độ lạnh nhạt của cô làm Ông Đạt khó mở lời. Nhìn Gia Uyên, ông hỏi:
- Con đi đâu về vậy?
- Con đến công ty Rạng Đông.
- Có gặp... ai không?
Gia Uyên đáp gọn lỏn:
- Con gặp cả hai anh em của Khanh.
Ông Đạt khó nhọc:
- Chúng đã nói gì với con?
- Chả nói gì hết, và điều đó làm cô khó chịu hơn cả bị mắng.
Ông Đạt ngập ngừng:
- Ba có lỗi với bác Phú, bác Huyền và cả với mẹ con nữa.
- Nói vậy câu chuyện ba kể hôm trước có nhiều điểm không đúng?
Ông Đạt thở dài:
- Ba đã bỏ qua vai trò của mình y như lời bác Phong đã nói. Đó là một vai chánh tồi tệ, tham lam.
Ôm đầu khốn khổ, ông Đạt nói:
- Hồi xưa nhà nội con nghèo lắm nên ba luôn mơ ước đến chuyện làm giàu, chuyện làm sao có tiền để cưới vợ. Bác Phong biết được ước muốn của ba, nên đã đề cập thẳng. Nếu ba có cách giúp bác ấy loại bác Phú, cưới được bà Vân Huyền thì bác ấy sẽ đền ơn. Đề nghị ấy khiến ba ngày đêm lo nghĩ ra những mưu mà chước quỷ. Cuối cùng ba đã bày trò lấy vàng giấu trong chòi chăn vịt để hại bác Phú, nhưng thật sự lúc đó ba không biết Vân Huyền đang mang thai thằng Khanh. Ba đã làm một việc thất đức nên bây giờ con gái ba phải khổ...
Mắt Uyên nhạt nhòa, cô hỏi:
- Mẹ con có đồng tình với ba không?
Ông Đạt vội lắc đầu:
- Đương nhiên là không! Mẹ con chẳng hề hay biết gì hết, vì vậy mẹ mới đồng ý làm vợ ba. Sau đám cưới một thời gian, bác Phong đã đưa ba một số vàng để ba và mẹ con lên Sài Gòn sinh sống.
Uyên thắc mắc:
- Mẹ không nghi ngờ gì về số vàng kia sao?
- Có chứ! Nhưng ba nói vàng đó là bác Phong cho mượn. Vì tin ba nên mẹ cũng tin cả lời nói dối thô thiển ấy. Mãi đến lúc con được một tuổi, ba mẹ tổ chức thôi nôi cho con khá lớn, ba mời bác Phong tới dự. Rượu vào, lời ra. Đêm hôm đó ba và bác Phong uống say mèm và đã nói ra những bí mật giấu kín lâu nay. Mẹ con nghe được tiếng mất tiếng còn, nên đợi lúc ba tỉnh lại đã hỏi cho bằng được.
Ông Đạt ngã người ra salon:
- Thoạt đầu ba từ chối tất cả. Nhưng càng chối mẹ con càng làm dữ, cuối cùng mẹ đổ bệnh vì giận. Thế là ba khai hết. Sự thật đáng ghê tởm này khiến mẹ không ngờ đến ba mất mấy tháng. Nếu không có con là chiếc cầu nối thiêng liêng, có lẽ mẹ đã bỏ ba rồi...
Giọng buồn bã, ông Đạt nói:
- Sau đó, mẹ bắt ba phải trả số vàng trước kia đã nhận cho bác Phong. Muốn thế hai vợ chồng phải làm việc hùng hục ngày đêm. Ngoài những chi phí của con ra, mẹ không dám ăn xài một đồng một cắc. Sức khỏe của mẹ ngày một suy yếu. Khi trả xong món nợ Oan khiên đó cũng là lúc bệnh lao xương của mẹ con bộc phát dữ dội.
Nước mắt Uyên lặng lẽ rơi, ông Đạt thở dài:
- Đến năm con 12 tuổi thì mẹ mất. Tội nghiệp! Suốt 15 năm sống với ba, mẹ con chưa bao giờ được sung sướng, bởi vậy những ngày tháng cuối cuộc đời mẹ yêu cầu gì ba cũng chiều. Mẹ đòi gặp bác Phú và bác Huyền để nói hết mọi chuyện, để khi chết linh hồn được nhẹ nhõm, ba cũng chiều dù biết làm thế là tự tuyên án tù cho mình.
Gia Uyên thở nhẹ:
- Sau khi biết toàn bộ sự thật, bác Huyền đã trở về với bác Phú à?
- Người ta bảo tình cũ không rủ cũng đến thật đúng với trường hợp của hai người ấy. Ba không biết lúc mẹ của Duy còn sống, bác Phú và bà Huyền có quan hệ không, nhưng sau khi biết sự thật bà Huyền đã làm đơn xin ly dị bác Phong, dù rất yêu vợ cũng đành nuốt đau mà ký đơn. Ông sợ bà Huyền nói ra chuyện ngày xưa ấy, sẽ mất uy tín của mình trên thương trường mà..
- Vậy là đến khi mẹ của Duy chết, hai người mới chính thức sống chung?
Ông Đạt gật đầu:
- Đúng thế! Nhưng họ lại bị Khanh chống đối kịch liệt. Chính vì sự chống đối này mà hai người không dám cho Khanh biết ai là mẹ ruột của nó.
Uyên nhếch môi:
- Bây giờ ảnh đã biết rồi đó. Đang là bi kịch, đâu thể nào chuyển sang hài kịch được.
Ông Đạt bứt rứt:
- Ba xin lỗi con! Chính ba đã tạo nên bi kịch này, một bi kịch kéo dài đến thế hệ thứ hai.
Gia Uyên lặng thinh. Cô không nỡ cũng không dám trach ba mình. Với cô, những lời tự thú của ba là quá đủ rồi. Ba rất thương Uyên và cô còn đòi hỏi gì hơn được nữa chứ!
Mắt rưng rưng, cô thổn thức:
- Lúc nào ba cũng là ba của con...
Dứt lời cô vội vã chạy như điên về phòng mình...