Số lần đọc/download: 2057 / 42
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:31 +0700
Chương 13
L
uyến ngồi trong phòng riêng của nó. Trên chiếc bàn gỗ đơn sơ, bừa bãi sách vở. Cái gạt tàn thuốc lá đã đầy, và gói Cotab mới mở còn nhiều. Khoa nhìn hai ngón tay phải của Luyến vàng khè chất ni cô tin, lắc đầu:
- Anh hút thuốc là từ bao giờ?
Luyến cười:
- Từ hôm, chị Ngọc khuyến khích. Chị ấy mua Cotab cho anh.
- Chị Ngọc xúi anh nghiện?
- Nghiện thuốc lá, chả sao. Nghiện vì mê gái, càng tốt. Anh thấy chị Ngọc nhận xét về anh rất đúng.
- Chị Ngọc nói sao?
- Chị ấy bảo anh là người què không giống những người què khác. Chị ấy bảo anh là người có đầu óc khác nhiều người còn đủ chân tay. Chị ấy bảo đầu óc thì phải suy nghĩ. Lúc suy nghĩ trong cô đơn, thuốc lá là bạn thân của mình, hút thuốc vào phổi, ý nghĩ luồn tim, phóng ra ngoài. Những suy nghĩ của mình sẽ đúng đắn.
- Bây giờ, với anh, chị Ngọc nhất rồi, cái gì cũng đúng. Chị ấy có khuyên anh học tiếp không?
- Không. Anh ghét trí thức khoa bảng lắm, chỉ thích đọc sách thôi. Khoa bảng ở nước mình kiến thức chuyên môn thì có, kiến thức ngoài chuyên môn thì rỗng tuếch. Anh lấy hai người làm thí dụ. Ông Nguyễn Mạnh Thường, tiến sĩ cả dàn, trí thức bên Pháp nể nang, về nước, ông chẳng được tích sự gì. Cụ Hồ Chí Minh không mảnh bằng nhét túi, cả thế giới suy tôn, về nước vẽ lối cho bầy tiến sĩ đi. Chẳng lạ, cụ Hồ phiêu bạt năm châu bốn biển, biết đến tậm tim đen khoa bảng, nên cụ coi thường trí thức khoa bảng. Trí thức khoa bảng ham quyền lực và sợ người có quyền lực. Họ răm rắp phục vụ cụ Hồ! Anh không thích khoa bảng, bằng lòng cái trung học phổ thông thôi, em ạ!
Luyến tránh chuyện chính trị, hỏi Khoa:
- Em học được ba tháng rồi nhỉ?
Khoa đáp:
- Vâng. Thì giờ nhanh thật.
- Việt văn đệ tứ có Truyện Kiều của Nguyễn Du đấy.
- Vâng.
- Anh đã suy nghĩ một chút về Truyện Kiều.
- Cho em nghe đi.
- Nghe rồi quên, đừng viết trong luận văn đi thi, nhé!
- Em nghe để biết mà.
- Câu đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du hé mở tác phẩm của mình: Trăm năm trong cõi người ta, chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau. Nếu cứ để tài mệnh tương đố nhau, anh nghĩ, nó sẽ tròn vẹn tác phẩm. Đằng này, đoạn kết Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần, Đã mang cái nghiệp vào thân, Cũng đừng oán trách trời gần trời xa, Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI. Chữ TÀI cùng với chữ TAI không phải là một vần. Mà chung một số phận. Theo kinh nhà Phật, có TÀI hơn nhiều người khác là một cái tội, có nhiều TÀI hơn người khác thì tội muôn vàn. Cũng vẫn được. Tự nhiên, Nguyễn Du nói chữ TÂM, không ăn nhằm chi đến TÀI và MệNH. Chữ TÂM trong con người, khó ai biết. Nó lênh đênh giữa đại dương bát ngát hay bay bổng trên núi vút cao. Tìm nó chưa nổi, bắt nó để đo lường sao được. Chữ TÀI thỗn thễn hiện nguyên hình, trình diễn không mệt mỏi, tóm cổ nó mà đo lường, rất dễ. Thế mà, Nguyễn Du bắt được chữ TÂM, hành hạ nó tơi bời, đo lường nó bằng thích, rồi bảo chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI. TÂM bằng ba TÀI, và có thể bằng ba triệu TÀI, cũng đáng vất TÂM đi!
- Ô, lạ quá, anh nhỉ?
- Có lẽ phải nhuận sắc những sách vở tam sao thất bản của ta. Anh thấy cổ tích hay nhất của nước ta là Thạch Sanh - Lý Thông, gồm đủ Chân, Thiện, Mỹ. Mà người mình không thích bằng Tấn Cám. Thạch Sanh không biết trả thù, dẫu kẻ thù đã hành hạ mình sống lên, chết xuống, đã cướp công lao của mình. Để Trời xử tội ác Lý Thông. Thạch Sanh cho nó về tự do. Khác hẳn thời nay, chỉ trả thù và thù hận, rồi thù hận và trả thù...
- À, thù hận và trả thù, em quên chưa báo tin anh hay cụ Hào Điển bị cách mạng giết rồi!
Luyến im lặng, rút Cotab để lên môi, bật diêm, châm lửa. Nó hít một hơi đẫy đà, rồi ngửa mặt, nhả khói lên trần nhà. Cụ Hào Điển bị cách mạng giết rồi. Tại sao cách mạng lại xuống tay với người già cả, mù lòa?
Cụ Đặng Đình Điển, một hào trưởng, ở tổng Ô Mễ, thuở còn trẻ, hăng say những chuyện bất bình. Cụ gia nhập Việt Nam quốc dân đảng và ngừng hoạt động từ ngày đảng trưởng Nguyễn Thái Học bị hành quyết. Cụ công khai nói với Pháp: Nguyễn Thái Học là thần tượng của cụ, bây giờ thần tượng đã chết, mang trọn vẹn lý tưởng của Việt Nam quốc dân đảng chết theo; cụ không còn là đảng viên nữa, về quê làm ruộng.
Người Pháp kính trọng cụ, để cụ về Ô Mễ. Cụ đã sống những tháng năm bình thản ở quê nhà, không giao du với bất cứ chính trị gia nào. Cụ làm việc cần mẫn, làm gương cho nông dân Ô Mễ. Cụ mở một cái cống lấy nước sông Trà Lý đổ vào cánh đồng Ô Mễ, bằng tiền của mình. Cái cống mang tên: Cống Hào Điển. Ngày tổng khởi nghĩa, cụ thoát khỏi vòng đảng tranh. Hai năm độc lập, cụ đã già nua và bị mù lòa, đi đâu con cháu phải chở cụ trên chiếc cáng.
Cụ Hào Điển là thân phụ của ông Đặng Xuân Rư. Mấy trăm mẫu đất cụ cho, ông Rư bán dần để ăn tiêu, hát cô đầu và đánh bạc. Ông Rư không cần làm gì cả, sống phong lưu, lãng tử. Tiêu thổ kháng chiến, ông Rư về Ô Mễ. Nhà ông là quán ăn sang trọng không trả tiền của cán bộ cách mạng cao cấp. Tố Hữu đã về Ô Mễ, Thái Bình, thượng khách của ông Rư. Ngâm thơ, Tố Hữu đã cho Ô Mễ một kỷ niệm khó quên. Các nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ ghé Ô Mễ trên đường công tác đều chọn nhà ông địa chủ phong lưu mã thượng Đặng Xuân Rư làm quán trọ. Ca sĩ đếm không hết. Cô Ngọc Dậu hát bài Trường ca sông Lô của Văn Cao với đàn ghi ta đệm tuyệt với của Canh Thân hay không thể tả.
Ruộng cứ bán không tiếc, ông địa chủ lãng tử Đặng Xuân Rư mời gánh hát cải lương Phụng Khánh, Sĩ Tiến về hát cả tuần ở chợ Ô Mễ cho dân làng đi xem. Rồi ông làm bầu gánh Thống Nhất với kép độc Mộng Tần. Ông Rư có bao nhiêu ruộng, ông không biết. Chỉ biết bán cho phỉ chí. Khi Mộng Tần chết, gánh hát rã đám. Ông muốn tặng đào kép một món tiền. Bán ruộng, ruộng hết rồi. Ông địa chủ lãng tử Đặng Xuân Rư biến thành bần cố nông trắng tay.
Tháng l năm 1950, ông Rư hồi cư sớm nhất. Ở thị xã non tuần lễ, ông vù lên Hà Nội, để mặc cụ Hào Điển sống tàn tạ trong tổng Ô Mễ. Hiện thời, con trai ông là Đặng Xuân Côn may ra đã tốt nghiệp Trường lục quân Trần Quốc Tuấn trên Sơn Tây.
Cụ Hào Điển không đi khỏi Thái Bình, không tiếp xúc ai. Đàn em của cụ như Vũ Hồng Khanh, Phạm Phan Côn... đã ra cộng tác với Bảo Đại, làm tới chức bộ trưởng, giám đốc..., cụ không thèm biết. Một đêm mùa đông mưa dầm rả rích, cách mạng lén về Ô Mễ, bắt cụ, cho vào rổ xề khiêng đi. Cả nhà ngơ ngác. Nửa tháng sau, cách mạng báo tin cụ Hào Điển đã chết, xác ỡ giữa đồng Ô Mễ. Con cháu ra ôm cái rổ xề, mang xác cụ về nhà tẩm liệm, rồi đem chôn.
Luyến dập điếu thuốc vào gạt tàn, chớp mắt lia lịa:
- Đoạn cuối đời của cụ Hào Điển bi thảm quá.
Khoa cúi đầu:
- Anh Côn giờ ra sao?
Luyến buồn rầu nói:
- Không hề biết chuyện gì, Côn sẽ sung sướng; biết chuyện cụ Hào Điển, Côn sẽ đau khổ. Cách mạng giết ông mình mà mình suy tôn cách mạng, phục vụ cách mạng, mình sẽ phản ứng ra sao. Đó là trường hợp của Côn.
Khoa hằn học:
- Tại sao cách mạng lại giết ông nội anh Côn?
Luyến lắc đầu:
- Anh không biết.
Khoa nghiến răng:
- Vô nhân đạo, vô nhân đạo.
Chợt, Khoa nhớ nhời Vọng dặn trước khi chia tay ở Tường An. Nó nói để gỡ tội cho cách mạng:
- Anh Vọng đã tâm sự với em: Bộ đội mới có thể sai chính sách của Đảng, thi hành lầm lẫn. Gia đình em chắc sẽ gặp nhiều điều oan trái. Vậy, anh còn ở đây ngày nào, gia đình em nên vào thị xã ngay. Đó, cách mạng mà còn biết cách mạng sẽ sai lầm.
Luyến đốt điếu thuốc lá mới:
- Chỉ riêng Vọng có lòng thôi.
Nhả khói thuốc, Luyến dịu dàng:
- Hôm nay, anh em mình nhận được một tin rất buồn làm đau nhói tim. Đợi Côn về, Côn phải về, cho biết thật sự thái độ của Côn. Anh em mình sẽ nghe Côn nói và không có ý kiến gì. Bây giờ còn sớm. Em có anh Vũ theo cách mạng. Anh có em Ái theo cách mạng. Chúng ta không thể ghét cách mạng vì cái chết của cụ Hào Điển. Yêu nhau hay ghét nhau đâu có dễ dàng, trong một ngày chưa kịp suy nghĩ. Chúng ta hãy hiểu rằng, cụ Hào Điển sống với nông dân Ô Mễ, rất đẹp, cách mạng đã làm cụ chết, rất xấu.
Khoa đứng dậy, lễ phép xin Luyến cho về. Khoa đi rồi, còn mình Luyến ngồi trong phòng đơn độc. Luyến dập thuốc tắt, hai tay ôm lấy đầu, hơi cúi xuống mơ mộng...
Người Luyến gặp trước nhất, là Vọng, người lính vô sản không một mặc cảm nào. Chàng chiến đấu hào hùng, sống cho giai cấp, chết cho giai cấp. Chàng sống nghèo khổ, thuở làm học trò trường Monguillot. Cha chàng cu ly nhà máy điện thị xã. Mẹ chàng gánh xôi chè, bán hàng rong. Tội ác thực dân: giết cha chàng vì bệnh ho lao. Tội ác phát xít: giết mẹ chàng vì bệnh đói. Kẻ thù, chàng nhìn rõ, thấy rõ. Người cộng sản cứu chàng, đưa hai tay cho chàng bám và dẫn chàng vào cách mạng. Lòng tốt của cộng sản đi thẳng vào trái tim chàng. Khi người cộng sản cần gì ở chàng, chàng sẽ báo ân đến chết. Vì, chàng đã thành cộng sản. Chàng đấu tranh giai cấp để bảo vệ giai cấp của chàng. Không ai được phép bình phẩm chàng. Rất may, chàng đã chơi với trẻ con tiểu tư sản, thời ấu thơ. Chàng là người cộng sản có tâm hồn tiểu tư sản, là người có lòng. Chàng đang súng lên đạn, ngoài kia.
Người Luyến gặp thứ hai, là Vũ, người lính tiểu tư sản không một mặc cảm nào. Chàng chiến đấu ngoạn mục, sống vì người yêu, chết vì người yêu. Chàng nhập cuộc chiến chinh này cốt để xây dựng thị xã bị tiêu thổ kháng chiến, trồng lại hàng hồi hai bên dẫy phố chính và sống bên cạnh người yêu trọn đời. Chàng không bao giờ mơ ước làm anh hùng và trở về với vòng hoa chiến thắng đeo quanh cổ. Chàng lăn xả vào binh lửa, chẳng phải vì giai cấp này, giai cấp nọ. chàng nổi giận quân thù là bởi dân tộc. Có mang tiếng phục vụ giai cấp vô sản, cũng chẳng sao. Cái mục đích giải phóng thị xã Thái Bình mới cần thiết. Chàng sẽ giã từ vũ khí để nịnh bợ người yêu. Người lính tiểu tư sản ấy coi tất cả như một cuộc chơi. Lúc rã đám, chẳng cần tiền về đường. Chàng vẫn chơi chiến tranh và vẫn hát nhạc lãng mạn kháng chiến. Hình như, thời binh lửa, lá cũng ngập ngừng thương hoa, tại sao người không ngập ngừng thương người nhỉ? Người lại cố tình đá con người ra khỏi vòng chiến. Chàng đang bôn ba, ngoài kia.
Người Luyến gặp thứ ba, là Côn, người lính địa chủ lãng tử, không một mặc cảm nào. Chàng chiến đấu tuyệt vời, sống cho dân, chết cho dân. Bây giờ, chàng còn học Trường lục quân Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Chàng thuộc bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của lính tiểu tư sản Trần Quang Dũng, phiền muộn hơn cả bao giờ:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt mấy lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì 1
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em vời vợi buồn Tây Phương 2
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng em nhỏ bé
Bao nhiêu rồi xác chết trôi sông
Từ độ thu về loang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều máu lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm buồn qua Phủ Quốc
Sáo diều vi vút giữa đêm trăng
Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ấy lúc thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có khi nào em nhớ ta
Tâm hồn chàng ướp chất lãng mạn. Chàng đi chinh chiến chỉ vì lãng mạn. Chànng đang phiêu hốt, ngoài kia.
Luyến thấy ba người bá vai nahu, cởi trần, vui vẻ bước đi...
Chú thích
1 Tên một ngọn núi.
2 Tên một ngôi chùa ở Sơn Tây.