One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 30
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 88
hiên tử phản công, Tào Tháo bị dọa hồn bay phách lạc
Hứa Đô chuẩn bị chinh chiến
Ngày Kỷ Tỵ tháng Mười năm Kiến An thứ tám (năm 203 sau Công Nguyên) là một ngày bình thường nhưng lại không hề bình thường. Tuy chưa xảy ra biến cố gì, nhưng hôm đó là ngày lập đông, triều đình Hứa Đô khôi phục lại đại lễ lập đông đã bị bỏ bẵng suốt mười lăm năm nay. Thượng thư lệnh Tuân Úc đã tính toán cho việc này từ rất lâu, Tào Tháo cũng thân chinh rời khỏi quân đội trở về Hứa Đô trước để tham gia đại lễ.
Theo quy định trong lễ chế, ngày này trước khi hết năm khắc của đêm hôm trước (tức là trước khi mặt trời mọc), văn võ toàn triều đều phải đổi sang mặc lễ phục màu đen, đến ngoại ô phía bắc thành để đón ngọn gió bắc đầu tiên, sau đó về phủ đổi sang mặc lễ phục màu tía vào cung triều hạ. Lễ phục tía này sẽ phải mặc cho tới tiết đông chí. Trong hoàng cung còn biểu diễn điệu múa Bát dật(*), tấu nhạc tổng chương, toàn bộ nghi thức mới coi như kết thúc. Trong thời gian này, tất cả các thự, nha trong triều đình đều tạm dừng công việc, hoàng cung cũng không thực hiện việc triều hội nghe chính sự.
Tào Tháo đã tới Hứa Đô từ đêm hôm trước, về đến mạc phủ không kịp chợp mắt thì trời đã sắp sáng, vội thay bộ lễ phục màu đỏ lên xe ra khỏi thành, cùng với đội ngũ bá quan đến ngoại ô phía bắc hành lễ. Trong những lễ nghi trọng đại như vậy, Tào Tháo không thể không tham gia, bởi ai cũng biết rằng buổi lễ mà không có Tào Tháo đích thân tham dự thì căn bản chẳng có ý nghĩa gì. Còn sở dĩ khôi phục lại những nghi thức thế này là để chứng minh cho thiên hạ thấy, triều Đại Hán vẫn là triều Đại Hán, tất cả mọi khuôn phép, lễ pháp vẫn còn.
Thực hiện xong nghi lễ nghênh khí, trời vẫn còn chưa sáng rõ, Tào Tháo vội gọi Tuân Úc đến xe của mình.
— Tào công muốn đi đâu? - Tuân Úc che miệng ngáp mãi, xem ra tối qua cũng không được ngủ tròn giấc.
— Lập tức vào cung. - Tào Tháo tỏ ra tràn trề sức lực. - Ta chỉ có thể ở lại Hứa Đô một ngày, sớm mai đã phải dẫn quân lên phía bắc, tất cả mọi việc đều phải xử lý xong trong ngày hôm nay.
— Theo lễ chế, chúng ta phải đổi mặc sang áo tía cho tốt lành, hay là trước tiên hãy hồi phủ đã.
— Không cần, ta đã sai Vương Tất mang đến sảnh trung rồi, cả bộ của ông cũng sai đi lấy rồi. Kinh Châu Biệt giá Lưu Tiên vẫn đang ở phủ của ta đợi vào triều kiến.
— Ồ. - Tuân Úc có vẻ buồn bực không vui. Theo lễ chế quy định, sau khi xong lễ nghênh khí thì không thể lại tiến hành triều hội nữa, đây là lễ chế mà chính Tào Tháo khôi phục, thế mà chính ông lại tự tay phá vỡ.
Tào Tháo đâu còn có tâm tư suy nghĩ những điều đó, trong đầu ông chỉ có chuyện đánh trận:
— Bản tấu của Chung Do trên đường đi ta đã xem rồi. Thái thú Hà Nội Vương Ấp từ chối không chịu vào triều, thủ hạ của y là Phạm Tiên, Vệ Cố mượn điều ý dân đòi giữ ở lại, nhất định lại là trò ma mãnh của Cao Cán! Tên tiểu tử này cùng một giuộc với huynh đệ Viên gia, nếu ta xuất binh lên Hà Bắc, hắn tất sẽ làm loạn ở Quan Trung, e là sẽ còn tệ hại hơn lần trước. Nghe nói dư đảng Khăn Vàng ở một rẻo Hào Sơn liên tục qua lại với Cao Cán, đám quân này cũng không thể xem thường.
Thủ lĩnh giặc Khăn Vàng ở Hào Sơn là Trương Thạnh do quen cưỡi một con ngựa bạch nên có biệt hiệu là “Trương Bạch Kỵ”, dưới tay có hơn một vạn quân phỉ. Vì các thế lực ở Quan Trung không thống nhất nên đám dư đảng Khăn Vàng này chẳng những không bị tiêu diệt mà mấy năm gần đây còn không ngừng lớn mạnh, nghiễm nhiên thành thế lực cát cứ một phương, hô ứng trong ngoài với rất nhiều thổ hào ở Hoằng Nông, lại ngầm câu kết với Lưu Biểu. Đám quân này nếu lại để cho Cao Cán nhúng tay vào, đến khi đó kẻ địch nam bắc sẽ liên thông với nhau.
Ngược với mọi khi, Tuân Úc lại chẳng hề có chút lo lắng nào:
— Tình thế đã khác rồi, Cao Cán đã không thể gây ra sóng gió gì được nữa.
— Ồ? - Tào Tháo rất ít khi thấy ông ta lạc quan như vậy.
— Lòng dân hướng về đâu đã rõ ràng, thiên hạ chiến loạn đã lâu, bách tính Quan Trung đều mong muốn được yên ổn, dù cho có mấy kẻ ưa làm loạn thì có thể làm được gì? Vương Ấp đâu phải không có dã tâm, chỉ là tham giữ thực quyền không chịu vào triều, đám Phạm Tiên, Vệ Cố chẳng qua chỉ là làm bừa theo. Còn như Trương Bạch Kỵ của Khăn Vàng, cũng không còn là đạo đồ của Thái Bình đạo, hô hào câu “Trời xanh đã chết, trời vàng đang lập” nữa, mà chỉ là vì tư lợi của mình mà thôi. Với uy vũ của triều đình và minh công, đám giặc mọn này có đáng kể gì. Lần trước, Quách Viện đánh Hà Đông, huyện trưởng Giáng Ấp là Giả Quỳ thà chết không chịu đầu hàng, Quách Viện đem ông ta ném xuống cái giếng khô, chỉ trong vòng một đêm đã được người khác thả đi rồi. Ngài nói xem, đó là vì sao?
— Vì sao? - Tào Tháo rất muốn nghe cao luận của Tuân Úc.
— Bởi vì lòng người muốn được yên ổn, sĩ dân đều biết uy tín của triều đình, không muốn đánh nhau nữa. Hôm trước, quận Hoằng Nông còn sai Công tào Tôn Tư vào triều dâng trình kế bạ(*), phía bắc đã chiến loạn mười lăm năm rồi, cuối cùng cũng đã được trông thấy kế lại ở địa phương! Điều ấy chứng minh những nỗ lực của ta đã không uổng phí, minh công nếu có thể một trận quét sạch Hà Bắc thì Lưu Biểu ở Kinh Châu đâu có bõ dính răng? Thiên hạ sắp được bình định rồi! - Tuân Úc vô cùng xúc động.
Tào Tháo liên tục vỗ đùi:
— Mượn câu tốt lành ấy của Lệnh quân, lão phu nhất định sẽ mở cờ đắc thắng, mã đáo thành công! Thăng quan cho Giả Quỳ, Tôn Tư, biểu dương bọn họ trước triều đình! - Sau khi kêu lên câu ấy rồi, Tào Tháo dần bình tĩnh lại. - Tuy nói vậy, nhưng Cao Cán sinh biến không thể không đề phòng. Chư tướng ở Quan Tây ỷ vào núi sông hiểm yếu, chiến mã mạnh hay, công nhiên chinh thảo, thế tất sinh loạn. Trương Thạnh cướp bóc ở Hào Sơn, Mẫn Trì, phía nam thông đồng với Lưu Biểu, phía bắc liên kết với Cao Cán, bọn Vệ Cố lại làm loạn theo, thế cũng đủ gây hại. Hà Đông dựa vào núi liền với sông, bốn phía nhiều biến động, chính là đất yếu địa trong thiên hạ ngày nay vậy. Lệnh quân cũng nên vì ta cử tiến một người tài trí như Tiêu Hà, Khấu Tuân để tiếp quản đất của Vương Ấp.
Tuân Úc mỉm cười:
— Người có thể lựa chọn đảm đương việc ấy, tại hạ đã tiến cử lên Tào công từ lâu rồi.
— Ai?
— Chính là Đỗ Kỳ đó!
— Đỗ Bá Hầu... - Tào Tháo thực sự hơi tiếc nuối. Đỗ Kỳ kia rất được coi trọng, tuy mới vào mạc phủ có mấy tháng nhưng nói đến ân sủng thì hơn hẳn tất cả các duyện thuộc. Tào Tháo rất coi trọng dư luận ở kinh sư, trong khi các hiệu sự trước đây là Triệu Đạt, Lư Hồng nhân phẩm thấp kém, bị người ta khinh bỉ, cho nên lại đặt ra chức ty trực, là thuộc hạ của Tư không, chuyên giám sát bách quan trong triều, sai Đỗ Kỳ sung vào chức ấy. Không lâu sau, lại chuyển sang nhận chức Hộ Khương hiệu úy, bước vào hàng ngũ đại quan trong triều. Khi Tào Tháo đóng quân ở Tây Bình, lại thăng huyện lên thành quận, cho Đỗ Kỳ làm Thái thú Tây Bình giám sát chư quân - chỉ trong vòng mấy tháng thăng liền ba cấp, từ khi mạc phủ được lập ra đến nay, chưa từng có một duyện thuộc nào được thăng chức nhanh như vậy.
— Chính là ông ta! - Tuân Úc liên tục gật đầu. - Người này xét về dũng có thể đương đầu được nạn lớn, xét về trí có thể ứng phó việc bất ngờ, lại là nhân sĩ ở Kinh Triệu, thông tỏ dân tình, quan hệ rộng khắp, việc trấn thủ ở Hà Đông không phải ông ấy thì không còn ai làm nổi.
— Được rồi, hãy để Đỗ Kỳ làm Thái thú Hà Đông, triệu Vương Ấp mau chóng vào triều, không cho kháng mệnh. - Nói xong Tào Tháo ngưng lại giây lát, tựa hồ lơ đễnh hỏi. - Có phải Lệnh quân có ý kiến gì với việc lập ra chức ty trực của lão phu chăng?
Vừa có hiệu sự, lại có ty trực, khiến cho bá quan ở Hứa Đô đều ngậm miệng không dám nói gì, Tuân Úc làm sao lại không có ý kiến cho được? Nhưng ông cũng không tiện phản bác ngay trước mặt, chỉ khéo léo nói:
— Năm xưa Hiếu Vũ Đế hùng tài đại lược, chỉ vì trọng dụng một kẻ tiểu nhân hay bới móc thị phi là Giang Sung mới khiến cho thái tử phải chết oan uổng, đến nỗi phải tự trách mình ở Luân Đài, minh công nên lấy đó làm gương.
Tào Tháo cũng không phản bác, nhưng lại nói:
— Nếu ông không nói đến chuyện Hiếu Vũ Đế giết con thì thôi, nhưng nếu nói cho kỹ thì ban đầu chính là Thừa tướng Ty trực Điền Nhân mở cửa thành cho thái tử Lưu Cứ chạy đi. Có thể thấy loại quan viên ấy cũng có kẻ tốt kẻ xấu. Nếu như nói quan hiệu sự là Giang Sung, vậy quan ty trực ấy chính là Điền Nhân, quân tử và tiểu nhân lão phu không những đều phải dùng, mà còn phải dùng cho hay.
Trong khi còn nói chuyện, xe ngựa đã tới cửa hoàng cung, không thể đi tiếp được nữa, Tào Tháo và Tuân Úc sánh vai cùng bước vào cửa đoan môn, qua nghi môn, đến ngự viên. Vì đông chí bãi triều nên bốn xung quanh đều vắng lặng im lìm, bất kể là triều thần hay quan viên đều trở về phủ đệ hết, chỉ có lác đác một vài quân hổ bôn vũ lâm canh giữ các cửa cung. Hai người đi đến trung đài đổi sang mặc lễ phục sắc tía, rồi lại đến điện Ngọc Đường. Hoàng cung Hứa Đô cũng đang từng bước được sửa sang mở rộng, năm nay lại làm thêm mấy tòa cung khuyết, cái khắc lậu bằng đồng xanh ở trước điện cũng mới được đúc lại. Lúc này mặt trời vừa mới lên, rọi vào những thứ đồ đồng tinh xảo ấy sáng chói hẳn lên.
Tuân Úc tuy vất vả cả đêm nhưng tâm tình vẫn như thường, đã lâu lắm ông không được trò chuyện thỏa thuê với Tào Tháo. Ông bước đi chầm chậm trước sân hoàng cung, ngắm nhìn dãy khắc lậu, nhật cữu(*) mới tinh, nói:
— Tại hạ còn nhớ, ngày trước ở Nam Cung, Lạc Dương còn có một đôi Hoãn thiên nghi và Địa động nghi(*).
— Đúng vậy, triều Hiếu Thuận Đế, Thái sử lệnh Trương Hành đã đích thân đôn đốc việc đúc tạo chúng. Nghe nói để đúc tạo ra hai thứ ấy, ông ta đã phải mất gần bốn năm trời. Tiếc rằng cuối cùng lại bị một mồi lửa của Đổng Trác thiêu hủy mất. - Giọng nói của Tào Tháo pha chút trào phúng.
— Tại hạ muốn tập hợp kẻ sĩ hiểu biết và thợ thuyền để đúc lại hai thứ ấy.
— Đúc lại? - Tào Tháo cười. - Hai thứ ấy thì có tác dụng gì? Hãy nói về cái Địa động nghi nhé, trước khi Trương Hành làm ra nó đã có động đất, sau khi làm ra nó rồi vẫn cứ động đất, không thể cứu nổi dân chúng khỏi cơn nguy nan, ngược lại khiến triều đình thêm loạn. Từ khi có cái Địa động nghi ấy, trong việc bãi miễn tam công lại có thêm một điều về động đất. Bàng Tham, Vương Cung đều là bậc phụ bật lương thần khi ấy, chẳng phải đã bị bãi miễn vì việc động đất ư? Ngay cả Hiếu Thuận Đế cũng không thể không hạ chiếu tự trách mình. Trong tấu sớ của Trương Hành đã viết rõ ràng: “Nghiệt tinh hiện ở trên, đất rung động ở dưới, ấy là ý trời răn đe vậy, phải nên kinh sợ. Nay đã thấy rồi, sợ hãi mà sửa sang lại chính sự thì sẽ chuyển họa thành phúc.” Ông ấy vốn chỉ muốn trừ diệt gian nịnh để giúp vua, nhưng kết quả lại làm hại nhiều bậc lương thần, gây oán hận khắp nơi. Một dạ trung thành nhưng lại làm một việc sai lầm, cuối cùng vì lời sàm ngôn mà phải chuyển đến Hà Gian làm chức Quốc tướng. Những kẻ nói xấu ông ta chẳng phải chỉ có bọn tiểu nhân, mà còn có cả người quân tử, tất cả đều sợ ông ta lấy chuyện thiên tai để dâng sớ đàn hặc vậy! Đổng Trọng Thư nói: “Xem xét việc đời trước đã làm, quan sát lúc trời người giao hòa.” Cái thuyết “thiên nhân cảm ứng” của triều ta thực là ghê gớm.
— Ngài có tin điều ấy không?
Tào Tháo lắc lắc đầu:
— Ta trước nay chẳng tin cái gì gọi là ý trời, mệnh trời cả!
Tuân Úc hai mắt sáng ngời nhìn Tào Tháo, không biết nên nói gì - người không tin vào thiên mệnh cố nhiên sẽ không bị mê hoặc bởi thuyết sấm vĩ mê tín. Nhưng không tin thiên mệnh cũng có nghĩa là bất cứ việc gì cũng có thể làm! Đáng sợ nhất là, bây giờ không tin, nhưng sau này lại tin... Tuân Úc không dám nghĩ tiếp nữa, nói lảng sang chuyện khác:
— Tấu chương của Trương Bình Tử mà ngài cũng nhớ rõ như thế, thực là không đơn giản.
Tào Tháo lừ mắt nhìn Tuân Úc:
— Lệnh quân cho ta là kẻ thế nào, từ nhỏ chỉ là kẻ võ phu lỗ mãng ư? Năm xưa ta làm chức Nghị lang, đã có không ít thời gian ở Đông Quân, Lạc Dương đọc đủ thứ sách vở. Còn nhớ năm ấy có một con chó mặc áo mũ từ trong vườn ngự chạy ra, ta còn cùng với Trần Đam liên danh dâng sớ lật đổ được Thái úy Hứa Vực - kẻ cùng đảng với hoạn quan. Thời thế đổi thay, không ngờ bây giờ... - Tào Tháo cúi đầu nhìn vào tay mình, đôi bàn tay từng tròn trịa, trắng trẻo chỉ biết cầm quản bút này, bây giờ đã bị dấu ấn thời gian cùng những bôn ba chiến sự làm cho thô ráp, trong mỗi nếp nhăn không biết đã chứa bao nhiêu máu tanh và mạng người!
Tuân Úc cũng thở dài:
— Năm xưa tại hạ đảm nhận chức Thủ cung lệnh, chỉ lo việc giữ giấy bút cho thiên tử. Bây giờ là Thượng thư lệnh, ngày nào cũng chỉ huy các thượng thư, lệnh sử múa bút đua văn.
— Năm xưa, khi Lệnh quân còn chưa thành danh, Hà Ngung đã nói ông có tài phò vua giúp nước, có vị trí như ngày hôm nay cũng là lẽ đương nhiên thôi.
— Tài phò vua giúp nước... - Tuân Úc cười nhăn nhó. Tài phò vua giúp nước đúng thực không sai, nhưng rốt cuộc là phò giúp cho ai?
Tào Tháo chợt nhớ ra một việc:
— Trước khi ta xuống phía nam từng dâng sớ xin phong tước hầu cho mười mấy người. Những người khác đều đã có biểu tạ ơn, mà sao Lệnh quân lại không chịu nhận? - Những người Tào Tháo biểu tấu lần này đều là những công thần giúp việc cử binh khi xưa, có người đã làm quan trong triều, có người là tướng quân, có người là duyện thuộc. Tâu cho Hạ Hầu Đôn làm Cao An Đình hầu, Tuân Du làm Lục Thụ Đình hầu, Chung Do làm Đông Vũ Đình hầu... Tuân Úc được xếp đầu bảng, xin phong làm Vạn Tuế Đình hầu.
Tuân Úc lặng yên nhìn lên cung điện, rút một cuốn thẻ tre trong tay áo ra:
— Ngài nói cái này ư?
— Lệnh quân không trình nó lên thiên tử ư? - Tào Tháo nhận lại xem, quả nhiên là nét chữ của chính mình viết:
Thần nghe, lo toan là công đầu, mưu tính nên thưởng trước. Công tích ở ngoài chẳng qua được kẻ ở trong miếu đường, đánh trận tuy nhiều không vượt nổi công lao trong nước. Cho nên ban thưởng ở Khúc Phụ, không thua kém Doanh Khâu; quan tước của Tiêu Hà còn trước cả Bình Dương. Quý trọng mưu kế sách lược, vốn được ưa chuộng xưa nay. Thị trung thủ Thượng thư lệnh Tuân Úc, tích lũy đức hạnh, từ nhỏ đến lớn chưa hề thay đổi, gặp thuở loạn ly, một dạ trung vua, hằng mong thịnh trị. Từ khi thần cử nghĩa binh, chinh phạt khắp nơi, có Tuân Úc cùng đồng tâm hiệp lực, ở hai bên tả hữu lo sách lược cho nhà vua. Những mưu kế bàn bạc của Tuân Úc, không điều gì không có hiệu quả. Công nghiệp của Tuân Úc, thần cũng nhờ đó mà được thành tựu, vén hết mây mù, cho sáng soi nhật nguyệt. Bệ hạ may mắn có Tuân Úc ở gần bên tả hữu, một dạ trung thành cung thuận, lúc nào cũng lo lắng như bước trên băng mỏng, suy nghĩ mọi việc sao cho tinh diệu nhất, để vỗ về chúng dân, yên định thiên hạ. Ấy là công lao của Tuân Úc vậy. Vậy xin hãy ban cho được hưởng tước cao, để làm rõ công huân của Úc.
— Theo đúng như ý của minh công, tất cả các văn thư thiên tử muốn xem đều phải qua tay tại hạ. - Câu nói của Tuân Úc có vẻ miễn cưỡng.
— Lệnh quân tự khiêm quá. - Tào Tháo bật cười, đưa lại bản tấu chương cho ông ta, - Những điều ta viết ở đây có câu nào không đúng với công lao của Lệnh quân, vậy mà một tước vị đình hầu cỏn con ông cũng không chịu nhận? Hãy đem bản tấu dâng lên thiên tử đi.
Tuân Úc chỉ đứng yên, lắc đầu nói:
— Một là tại hạ chẳng qua là nhờ sự tin cậy của minh công mới có thể được chủ trì triều chính, không được coi là mệnh lệnh thực sự của thiên tử, nên không dám nói có công lao gì...
— Nói bậy! - Tào Tháo phất tay áo, - Ông làm chức Thượng thư lệnh lẽ nào lại không có chiếu mệnh của thiên tử? Chẳng lẽ lại là bọn Khổng Dung nói năng điều chi điên rồ?
Tuân Úc không nói phải, cũng chẳng nói không:
— Dù không có những câu tầm phào như vậy, tại hạ cũng không dám lĩnh nhận. Đất phong ấp mà ngài nhắc đến ấy chính là Vạn Tuế Đình ở huyện Tân Trịnh, không thể dễ dàng ban cho ngoại thần được. Tuân mỗ có tài đức gì mà dám tiếm vượt hai chữ “Vạn Tuế” ấy?
— Chẳng qua chỉ là một địa danh, đâu cần phải lo nghĩ quá nhiều. Với công lao của Lệnh quân thì phong ở đâu mà chẳng được? Hiện nay tả hữu trong triều chỉ có ta với ông, lão phu chinh chiến ở ngoài, Lệnh quân phụ chính bên trong, được hưởng công lao là lẽ đương nhiên. Nếu ông thấy áy náy trong lòng, vậy thì cứ học theo lão phu, ba lần từ chối rồi sau mới nhận là được chứ gì! - Tào Tháo cười lớn.
Tuân Úc thực sự không hiểu vì sao Tào Tháo lại có thể cười được? Những năm gần đây giữa ông với Tào Tháo dường như có một bức tường vô hình ngăn cách, không thể nào tìm lại được cảm giác thân thiết như thuở mới sáng nghiệp ở Duyện Châu nữa. Tuân Úc nhận lại cuốn tấu chương, lặng lẽ hồi lâu mới nói:
— Còn một số việc nữa, tại hạ từ lâu đã muốn nói với minh công. Sau khi Trần Quần hết hạn thủ hiếu quay về triều, việc đầu tiên ông ta làm chính là tham tấu chỉ trích việc Quách Gia vơ vét của cải, không chịu sửa chữa hạnh kiểm, con cháu trong gia tộc gây chuyện thị phi ở ngoài! Lại còn Viên Hoán hiện làm chức Huyện lệnh ở quê minh công cũng dâng sớ nói Đinh Phỉ ỷ quyền cậy thế vơ vét tiền tài của dân, mượn cớ cấp trâu cày cho đồn điền để làm đầy túi riêng. Ngay cả Hứa Tử Viễn, Lưu Tử Đài cũng không nể nang. Lại còn... - Tuân Úc không muốn nói lại chuyện Tào Hồng vơ vét thêm lần nữa, chuyện này đã nói mấy lượt rồi.
Tào Tháo gãi gãi đầu có vẻ ái ngại, nhưng vẫn dạn mặt nói:
— Bọn họ đều là những người có công, vào sinh ra tử, chịu nhiều gian khổ, cũng không tiện quản giáo quá nghiêm... Trần Quần về kinh có dẫn theo người đồng hương là Đặng Triển không? Người này rất giỏi võ nghệ, Lệnh quân hãy biểu tấu cho ông ta một chức quan nhé.
Tuân Úc thấy Tào Tháo cố ý lảng sang chuyện khác, lại tiếp lời hỏi:
— Việc biểu tất tất nhiên tại hạ sẽ phải làm, nhưng mấy kẻ coi thường luật pháp kia minh công xử trí sao đây?
Tào Tháo vỗ vỗ lên tay Tuân Úc:
— Phiền Lệnh quân khuyên giải Trần Quần, Viên Hoán, hãy nể mặt mọi người một chút, ấy cũng là nể mặt lão phu vậy! Ta cũng sẽ nghiêm khắc giáo huấn để họ quy củ hơn, những tài vật vơ vét được, cái gì có thể trả lại phải trả lại hết, chúng ta hãy dẹp chuyện ấy đi cho yên là hơn.
Đó rõ ràng chỉ là cách xoa dịu, chứ những kẻ như Tào Hồng, Đinh Phỉ là đầu thai chuyển thế của giống tì hưu từ thời thượng cổ, xưa nay chỉ có vào chứ chẳng có ra, những của cải chúng đã nuốt được rồi há có thể nhả ra được? Còn như Quách Gia không giữ lẽ cần kiệm, những món nợ mơ hồ như vậy biết tính thế nào? Tuân Úc thấy thái độ Tào Tháo như vậy cũng không biết làm sao, đành thở dài nói:
— Tạm theo lời của minh công vậy. Nhưng người đặt ra luật thì không thể phạm luật, nếu không thì chịu tổn thất sẽ lại là triều đình, cái bị mất đi chính là lòng dân, dám mong minh công suy nghĩ kỹ.
— Phải, phải, phải, lão phu nhớ kỹ rồi. - Tào Tháo vừa gật đầu vừa vươn vai.
— Còn nữa, về việc trưng vời Thịnh Hiến, Khổng Dung đã mấy bận trình bày với triều đình. Liệu có thể cân nhắc một chút không?
— Ôi dào! Lão Khổng Dung kia thật đáng ghét, việc gì cũng làm phiền lão phu.
— Minh công chớ nên trách ông ta, ông ta cũng chỉ là nghĩ cho triều đình thôi. Thịnh Hiến kia từng giữ chức Thái thú Cối Kê, có chút hiềm khích với họ Tôn, nếu như ngài không vời ông ta vào triều, chỉ e là sau này sẽ mất mạng bởi tay họ Tôn. Nếu minh công thấy chết không cứu, há chẳng phải làm tổn hại uy danh của mình sao? Lại còn Tôn Thiệu, tuy từng là thuộc lại cũ của Khổng Dung, nhưng cũng là tài sĩ một phương...
— Được rồi, được rồi! - Tào Tháo xua xua tay. - Vậy cứ làm theo ý Khổng Dung, chúng ta hãy tạm cho yên chuyện đã.
— Còn Trọng Trưởng Thống...
— Không được! Người này tuyệt đối không được. - Tào Tháo nói dứt khoát, - Lão phu không phủ nhận Xương Ngôn là tác phẩm hiếm có một đời, nhưng nếu theo cách ấy mà trị nước thì căn bản không thể thực hiện được. Đời loạn không thể làm theo cách thông thường, việc đánh trận trước mắt mới là việc quan trọng nhất. Nếu không thể bình định Hà Bắc, tiêu diệt Kinh Châu, tất cả chỉ là những câu bàn suông không thiết thực. - Đó cố nhiên là một lý do, nhưng quan trọng hơn là chuyện Tào Tháo cắt xén lời văn, đọc đúng câu “đem dũng khí để so thư hùng...” của Trọng Trưởng Thống nên đã có ấn tượng xấu với ông ta.
Tuân Úc liệu rằng Tào Tháo sẽ phản đối nên đã nghĩ sẵn lý do:
— Minh công chớ cho rằng Trọng Trưởng Thống là kẻ thư sinh mặt trắng, ông ta cũng từng chu du bốn bể, làm môn khách ở Tịnh Châu. Cao Cán vô cùng coi trọng người này, nhưng ông ta cho rằng Cao Cán khó thành được đại sự nên đã bỏ đến kinh sư. Nếu minh công cho ông ta theo trong quân, một khi Tịnh Châu có biến, có thể tùy lúc mà nhờ ông ta tham mưu cho.
— Ồ? - Vừa nói đến có ích cho việc quân, thái độ của Tào Tháo lập tức thay đổi, - Vậy thì... vời ông ta vào làm duyện thuộc.
— Không được, không được! “Phong chi tích dã bất hậu, tắc kỳ phụ đại dực dã vô lực”,(*) chân duyện thuộc bình thường làm sao có thể dùng hết được tài năng của ông ấy?
— Ý Lệnh quân thế nào?
— Ít nhất cũng phải cho ông ta làm chức tham quân! - Tuân Úc nói dứt khoát.
— Chẳng qua chỉ là tham mưu việc quân ở Tịnh Châu, há có thể vừa vào mạc phủ đã được làm chức tham quân?
Tuân Úc nói vẻ khẩn thiết:
— Nếu minh công có thể lấy được Ký Châu thì người này tất có công dụng lớn...
— Công dụng lớn? Cũng được! Vậy cứ theo lời Lệnh quân. Vời Trọng Trưởng Thống ra làm Mạc phủ tham quân, lập tức có mặt trong hàng ngũ, ngày mai sẽ theo ta cùng xuất quân lên phía bắc. - Tào Tháo lấy lại tinh thần, - Còn bọn Tiên Vu Phụ, Điền Dự, Đổng Chiêu tất cả những người có quan hệ với Hà Bắc đều theo quân xuất chinh, lão phu muốn đánh một trận định xong đất bốn châu!
— Mong minh công đại thắng hồi triều - Tuân Úc thấy Tào Tháo đã chịu dùng Trọng Trưởng Thống, trong lòng cảm thấy rất vui.
Tào Tháo đưa mắt nhìn khắc lậu:
— Đã quá giờ Thìn rồi, thiên tử chắc cũng đã chải đầu rửa mặt xong, lão phu không thể mất thì giờ thêm nữa. - Nói rồi ông đi nhanh đến bên quả chuông lớn trước điện, sai đầy tớ trong cung mau chóng đánh chuông.
Trong hoàng cung, trên đến vệ binh, dưới đến tạp dịch đều là những người quê ở huyện Tiều, Bái Quốc, làm gì có ai không biết Tào Tháo? Chúng lập tức vung dùi đánh quả chuông lớn - tiếng chuông chính là tín hiệu triệu tập triều hội, chỉ cần tiếng chuông vang lên, bất kể là đông chí hay hạ chí, tất cả triều thần đều phải mau chóng vào cung. Tào Tháo chỉ ở lại Hứa Đô được một ngày, tất phải đối phó xong với chuyện triều kiến của Kinh châu Biệt giá Lưu Tiên.
Tiếng chuông vang rền truyền đi rất xa, Tuân Úc cũng không dám chậm trễ, về trung đài lấy cây hốt dùng khi lên điện. Tào Tháo nhìn theo vóc dáng gầy gò của Tuân Úc, bỗng nhiên thở dài, ông cũng cảm thấy mình với Tuân Úc đang ngày càng xa cách nhau hơn, tựa hồ đã có một tấm vách ngăn vô hình vậy. Nhưng ông cũng chưa nghĩ kỹ đến việc này, chỉ cảm thấy là một người chủ về quân sự, một người chủ về chính sự, giữa quân sự với chính sự khó tránh khỏi những va chạm nhỏ với nhau mà thôi, hoàn toàn không đem sự chia rẽ ấy liên hệ với những việc làm chuyên quyền triều chính của mình.
Dẫu sao, làm thế nào để đánh thắng trận trước mắt mới là việc mà Tào Tháo suy nghĩ nhiều nhất...
Hồn bay phách lạc
Nếu như không chính mắt trông thấy, văn võ cả triều chẳng ai có thể tin vào cảnh tượng đang diễn ra trước mắt. Ấn tượng của họ về Tào Tháo từ trước đến nay luôn như một con mãnh hổ chuyên quyền hống hách, nhưng những gì Tào Tháo thể hiện ra hôm nay lại y hệt một con cừu non. Kinh Châu Biệt giá Lưu Tiên phụng mệnh Lưu Biểu đến Hứa Đô, đầu tiên là để triều kiến thiên tử, thứ hai là để hòa giải việc chiến sự.
Nào ngờ sau khi dâng tấu chương thay cho Lưu Biểu xong, Lưu Tiên liền bắt đầu kể tội Tào Tháo. Nào là giả mượn thánh mệnh công phạt chư hầu, vô cớ hưng binh xâm phạm Kinh Châu, đem trách nhiệm trong cuộc chiến ở Nam Dương lần này đổ hết sang cho Tào Tháo, hơn nữa còn công nhiên nói quận Nam Dương vốn là đất của Kinh Châu, về lý nên thuộc quyền quản hạt của Lưu Biểu.
Chức Biệt giá chẳng qua chỉ là một chân giúp việc dưới quyền Thứ sử ở châu, nếu không có lý do đặc biệt thì căn bản không có quyền vào điện, ông Biệt giá họ Lưu này chẳng những được gặp thiên tử, lại còn dám công kích bậc tể phụ đương triều ngay trên điện, khiến văn võ cả triều đều phải há mồm tròn mắt, tất cả đều cho rằng Tào Tháo nhất định sẽ lấy mạng người này. Không ngờ Tào Tháo chỉ cầm hốt đứng yên không nói một lời, bất luận Lưu Tiên nói gì đều nhẫn nhịn, thậm chí còn bằng lòng với yêu cầu giao lại Nam Dương.
Hành động bức người quá đáng của Lưu Tiên, đừng nói đến phe của Tào Tháo, mà ngay cả những đại thần xưa nay không liên quan đến Tào Tháo cũng không thể chấp nhận. Điện Ngọc Đường vốn là chốn trang nghiêm, vậy mà các đại thần đều không nhẫn nhịn nói nghiêng đầu ghé tai, có kẻ thấy Lưu Tiên công kích Tào Tháo thì thầm lấy làm thích thú, có người cho việc này là nỗi nhục nhã với triều đình, lại có kẻ phẫn nộ bất bình thay cho Tào Tháo. Quang Lộc huân Hy Lự là nhân sĩ ở Sơn Dương, Duyện Châu, trước nay vẫn thân thiết với phe Tào Tháo, thấy cảnh tượng ấy liền bước ra nói chen vào:
— Những gì Lưu Biệt giá vừa nói đều là bịa đặt. Quận Nam Dương tuy ở Kinh Châu, nhưng cũng là của thiên tử, Lưu Kinh Châu chiếm đất của triều đình như vậy lẽ nào lại không phải là ngỗ nghịch?
Lưu Tiên cũng là một nhân vật tiếng vang như chuông ở Kinh Châu, kiến thức không hề tầm thường. Ông ta đã nắm rõ đến tám chín phần mười đầu đuôi việc chiến sự ở Nam Dương rồi, liệu rằng Tào Tháo vội vàng lui quân là để lên phía bắc. Trong thời điểm quan trọng này, dù có đưa ra điều kiện hà khắc hơn nữa, Tào Tháo cũng không thể không bằng lòng nghe theo, nhân cơ hội này được thỏa sức cứ thỏa sức, cho nên mới dám đại ngôn ngay trước điện mà không kiêng dè gì cả, không ngờ giữa chừng lại có Hy Lự chặn lại. Khắp trong thiên hạ, đâu chẳng phải là đất của thiên tử, đó là lý do không thể tranh cãi. Tuy nói Tào Tháo chuyên quyền triều chính, nhưng chỉ cần lấy thiên tử ra làm chiêu bài, tất mọi lý do đều có thể không đánh tự tan. May cho Lưu Tiên nhanh trí, thoáng chút suy nghĩ, lập tức tranh biện:
— Khi xưa Lưu Sứ quân một mình một ngựa đến nhận chức, đã có công dẹp loạn thổ hào, đánh đuổi Viên Thuật, cho nên khi còn ở Tây Kinh, triều đình đã phong cho là Trấn Nam Tướng quân, Kinh Châu mục, phong tước Thành Vũ hầu, có quyền được mang cờ mao tiết. Đã có quyền mang cờ mao tiết thì có thể khống chế một châu. Hạ quan nếu chẳng nhớ lầm, Tào công cũng có quyền mang cờ mao tiết, nhưng quyền khống chế thì e chẳng phải chỉ dừng ở một châu?
Tào Tháo tuy nét mặt không lộ vẻ gì, nhưng trong lòng lửa giận đã bốc cao ba trượng, chỉ vì tình thế bức bách nên không thể phát tác ra mà thôi. Khi nãy Hy Lự bước ra biện bác, Tào Tháo cũng thầm hy vọng có thể cho Lưu Tiên kia thế nào là lễ độ, nào ngờ lại càng làm mình mất mặt thêm, Tào Tháo thực sự không thể nhẫn nhịn được nữa, cười nhạt nói:
— Không sai, bản quan đúng là có kiêm chức Duyện Châu mục. Nhưng việc đại sự quốc gia, chỉ có tế lễ và binh nhung, Lưu Sứ quân ở Kinh Châu tự ý làm lễ tế trời đất, e rằng đó không phải là kẻ có quyền mang cờ tiết mao được làm chứ?
Kẻ bề tôi mà tế trời đất là tiếm vượt, Tào Tháo nghĩ câu này có thể áp chế hoàn toàn Lưu Tiên, nào hay ông ta vẫn đối đáp như thường:
— Lưu Kinh Châu là gan ruột của nhà Hán, đứng đầu một châu, lại gặp lúc vương đạo chưa yên, hung đồ nghẽn lối, ôm ngọc bạch mà không có nơi nào cúng lễ, soạn tấu chương mà không được dâng vua, cho nên phải tế cáo trời đất để bày tỏ lòng thành vậy!
Câu “lại gặp lúc vương đạo chưa yên, hung đồ nghẽn lối, ôm ngọc bạch mà không có nơi nào cúng lễ, soạn tấu chương mà không được dâng vua” của Lưu Tiên rõ ràng là trách mắng Tào Tháo bức thiên tử để ra lệnh chư hầu, làm cản trở vương đạo, ngỗ nghịch với thiên hạ. Quân thần nghe thấy câu này lập tức yên ắng hết cả, mọi con mắt đều trộm nhìn Tào Tháo. Trên đại điện phút chốc trở lên tĩnh lặng, có thể nghe thấy cả tiếng giọt nước của khắc lậu bên ngoài điện. Tào Tháo cầm cây hốt trong tay không hề động đậy, hai mắt dần lộ hung quang, nghiến răng gằn từng tiếng một:
— Hung đồ mà Lưu Biệt giá nói là ai?
— Nhìn thấy vô vàn! - Lưu Tiên không biết vì sợ hay vì không quan tâm, chẳng thèm ngẩng lên nhìn thẳng vào Tào Tháo.
— Nhìn thấy vô vàn? - Tào Tháo cuối cùng đã xoay người, bước một bước ra khỏi chỗ nói, - Bản quan có tướng sĩ anh dũng thiện chiến, bộ kỵ mười vạn, phụng mệnh điếu phạt, kẻ nào dám không phục? Lưu Biệt giá hãy lôi những kẻ hung đồ ra đây, ta nguyện sẽ thay thiên tử diệt trừ quốc tặc. - Vừa nói, Tào Tháo vừa tay trái cầm hốt, tay phải đã nắm chắc lấy chuôi kiếm. Trên đại điện vốn không thể mang theo binh khí, nhưng Tào Tháo ỷ có công dời đô, tự cho mình được quyền mang kiếm lên điện. Nhưng nếu làm việc hành hung trước mặt ngự giá thì lễ chế tôn kính thiên tử do chính tay ông lập ra sẽ bị phá vỡ.
Lưu Tiên bỗng nhiên quay mặt lại, chắp tay nhìn thẳng Tào Tháo nói:
— Vận nước nhà Hán suy bại, sinh linh tiều tụy, không có kẻ sĩ trung nghĩa phụ tá thiên tử bình định trong nước, khiến thiên hạ quy phụ bởi đức chính. Há không nghe câu “Thị binh tắc dân tàn, dân tàn tắc chúng phản”?(*) Thời buổi ngày nay không thể khiến bách tính an cư lạc nghiệp, ngược lại chỉ trưng binh mộ võ, chỉ e là chuyện Si Vưu(*), Trí Bá(*) lại tái diễn lại ở đời này mà thôi! - Mọi người nghe thấy ông ta lôi Si Vưu, Trí Bá là những kẻ chiến bại thân vong ra so với Tào Tháo thì đều sợ hãi hồn bay phách lạc, tất cả đều tim thọt lên cổ, đến liếc nhìn Tào Tháo cũng không dám nữa.
Không ngờ lúc lâu sau, Tào Tháo từ từ buông tay khỏi cây bội kiếm, khuôn mặt dữ dằn dần chuyển sang vẻ tươi cười:
— Giỏi... giỏi... Lão phu sẽ theo đúng như lời Lưu Biệt giá, cho dân an cư lạc nghiệp, không động can qua nữa. Cũng nhờ ông nói lại với Lưu Kinh châu, xin ông ấy cũng đừng làm những việc vô ích nữa, chúng ta cùng bãi binh ở đây.
— Vâng. - Lưu Tiên vái dài một vái, tim ông ta cũng đang đập thình thịch, đối mặt với một nhân vật như Tào Tháo, dù ngoài miệng nói cứng như vậy, nhưng trong lòng há lại không sợ?
Tuân Úc đứng bên cạnh nhìn, hai bàn tay nắm chặt túa đầy mồ hôi, thấy tình thế dù kinh hãi nhưng dã không còn nguy hiểm nữa, vội vàng bước ra quỳ xuống:
— Thần tấu thỉnh bệ hạ, Lưu Biệt giá là ngoại thần, nay việc triều kiến đã xong, xin lệnh cho trở về quân dịch, hôm khác sẽ gia phong ban thưởng.
Hoàng đế Lưu Hiệp vốn chỉ là bù nhìn, lời Tuân Úc đã nói há có thể không y theo? Nhưng còn chưa kịp cất lời, Tào Tháo bỗng lớn tiếng cắt ngang:
— Lệnh quân nói sai rồi! Lưu Tiên từ xa xôi ngàn dặm về tới kinh sư, không từ gian khó triều kiến thiên tử, việc làm trung nghĩa ấy sao lại đợi ngày sau mới ban thưởng? Chẳng bằng bây giờ ban thưởng cho Lưu Tiên làm Thái thú Vũ Lăng. - Quận Vũ Lăng cũng thuộc địa phận Kinh Châu, từ Biệt giá thăng lên làm Thái thú, đó đã là một bước thăng tiến rất lớn.
Lưu Hiệp thở dài một tiếng nhẹ như tơ, phẩy phẩy tay nói:
— Vậy cứ theo lời Tào công đi.
— Đa tạ bệ hạ! - Lưu Tiên quỳ xuống tạ ơn, - Cung chúc bệ hạ vạn tuế khang cường! - Lại đứng dậy, quay sang Tào Tháo chắp tay nói, - Xin cũng đa tạ Tào công! - Rồi Lưu Tiên mới chỉnh đốn lại áo mũ chậm rãi lui ra ngoài điện, trong lòng thầm nghĩ: “Ta dựa vào chuyện đình chiến để công kích Tào lão tặc, vậy mà hắn không giận, ngược lại lại còn thăng quan cho ta. Kẻ này có cương có nhu, thực cũng là bậc hảo hán, Lưu Cảnh Thăng luận cả về tài về trí đều không thể sánh kịp, chỉ e là đất Tương Dương rốt cuộc sẽ rơi vào tay người này thôi...”
Văn võ trên điện nhìn theo Lưu Tiên đủng đỉnh bước xuống bệ ngọc, nỗi sợ hãi trong lòng nãy giờ mới dần tan đi, rất lâu không ai nói thêm một câu nào. Tuân Úc nghĩ đến chuyện Tào Tháo phá lệ triệu tập triều hội, nếu cứ để im lặng kéo dài thì không thể được, bèn bước ra tâu:
— Thần bẩm tấu bệ hạ, Thứ sử Thanh Châu Tang Bá hôm trước đã có tin báo tiệp, các quận Bắc Hải, Đông Lai đã được quân triều đình thu phục. Xin các vị đại nhân thương nghị nên lấy người nào tạm lĩnh chính sự hai quận này.
Lưu Hiệp vẫy vẫy tay, vẻ mặt thờ ơ nói:
— Vậy thì hãy bàn xem.
Thực ra ai cũng, biết rằng, có bàn cũng là bàn suông thôi, người quyết định cuối cùng vẫn là Tào Tháo. Đây chẳng qua là bước phải làm mang tính tượng trưng. Tư đồ Triệu Ôn vuốt chòm râu bạc cười nói:
— Thanh Châu gần đây đã thu phục lại được, nên chọn người đức cao vọng trọng làm Quận tướng. Quang Lộc huân Hy Hồng Dự là môn sinh của Trịnh Khang Thành, ở Bắc Hải rất được mọi người kính trọng, lại được sự tín nhiệm của Tào công, xin nhận mệnh cho ông ấy tạm thời làm quận thú cũng không ngại gì. - Triệu Ôn vốn nói tiếng là khôn khéo, đề cử Hy Lự vừa không làm mất uy nghiêm của triều đình, lại không làm mất mặt Tào Tháo.
Hy Lự đứng dưới Triệu Ôn, nghe thấy ông ấy tiến cử mình, tuy biết rõ sẽ không thể như mong muốn nhưng cũng thấy mát mặt. Nào hay còn chưa dứt câu, Thiếu phủ Khổng Dung ngồi đối diện đã phản đối ngay:
— Triệu công nói sai rồi, thống lĩnh một quận, lo văn sửa võ chẳng phải là sở trường của Hy Hồng Dự vậy. - Ông ta đúng là giỏi làm xấu mặt người khác, phản bác như vậy ngay trước mặt người ta, chẳng những đắc tội với Hy Lự mà còn khiến Triệu Ôn không có đường lui.
Văn võ triều thần đều biết Hy Lự vốn thân cận với Tào Tháo, Khổng Dung không nể nang gì như thế, nào ai còn bàn được gì nữa. Đúng lúc ấy, thiên tử đã cất lời, vẻ bình thản:
— Thống lĩnh một quận không phải là sở trường của Hồng Dự, vậy Hồng Dự có sở trường gì chứ? - Trong giọng nói mang chút khẩu khí chế giễu khiêu khích.
Khổng Dung đáp:
— Theo thần, Hy Hồng Dự chỉ hợp với đạo thường, chưa xứng với quyền chức. - Câu “hợp với đạo thường” chính là ý nói Hy Lự cùng hòa đồng theo trào lưu thói thường, ngoài việc bám vào Tào Tháo ra thì không có tài cán thực sự nào cả.
Hy Lự vốn cũng là môn sinh xuất sắc của Trịnh Huyền, miệng lưỡi không kém gì Khổng Dung, há có thể để cho ông ta châm chọc mình như vậy? Hy Lự lập tức giơ cao cây hốt đốp chát lại:
— Thần hạ tài lực không đủ, chỉ hợp với đạo thường, chưa xứng với quyền chức. Nhưng Khổng Văn Cử xưa từng nhận chức Bắc Hải tướng, mà để chính sự tan tác, dân tình ly tán, thua binh mất thành, vậy xứng với quyền chức chỗ nào?
Triều thần nhà Hán rất chú trọng lễ nghi, dù có muốn nói Khổng Dung thế nào cũng nên kiêng nể. Hy Lự châm chọc như vậy cũng là quá đáng, những người trên điện không ai không thấy ngượng ngùng. Duy có Tào Tháo trong lòng thích thú, từ lâu ông đã không hài lòng với Khổng Dung rồi, Hy Lự nhiếc móc như vậy coi như cũng khiến Tào Tháo hả dạ. Nhưng Tào Tháo chỉ thầm cười nhạt, không ngờ lại có người bỗng phá lên cười - không phải ai khác, đó chính là thiên tử đang ngồi trên ngự tọa.
Lưu Hiệp hết nhìn trái, lại nhìn phải, thấy hai vị cửu khanh đại thần đang như hai con gà chọi, trong lòng đã nguội lạnh như băng - Được, được lắm! Đúng là một lũ thần tử bất tài vô dụng, nạn nước đang trước mắt, quyền thần nắm chính sự, chẳng những không thể đồng tâm hiệp lực ủng hộ trẫm, lại còn tố cáo lẫn nhau tranh giành không ngớt. Dựa vào đám quần thần không ra gì các ngươi, xã tắc đại Hán ta sao không mất chứ? Lão Tào Tháo kia há có thể không đoạt giang sơn của trẫm?... Nghĩ đến đó, hoàng đế bỗng dưng ngửa mặt lên trời cười lớn:
— Ha ha ha!... Ha ha ha!... - Tiếng cười bi ai thảm thiết ấy vang vọng mãi trong những chiếc cột kèo chạm trổ, khiến tất cả mọi người đều sợ hãi đứng lặng.
Tuân Úc trong lòng càng thấp thỏm không yên, vội tâu:
— Các việc triều hội đã bàn rồi, xin mời bệ hạ bãi triều.
Lưu Hiệp vẫn cứ cười như điên dại, không biết từ khi nào hai giọt nước mắt đã lăn dài xuống má, may mà có rèm tua mũ miện che đi. Hoàng đế chỉ yếu ớt đưa tay:
— Đi đi... Mau đi đi... Tào công hãy dừng bước, trẫm còn có chuyện muốn nói.
Phần lớn các công khanh đại thần ở đây chỉ là có cho đủ, làm gì có gan chống lại Tào Tháo, thấy cuối cùng cuộc đấu khẩu trong triều hội cũng đã chấm dứt, vội vàng cáo lui, lủi thủi đi ra như một đàn thỏ nhát. Khổng Dung với Hy Lự đứng sững nhìn nhau hồi lâu, ai nấy nhếch mép cười nhạt, rồi cũng theo triều ban cáo lui. Tuân Úc biết thiên tử đang uất ức trong lòng, vừa rồi có một trận cười khác lạ, giờ lại giữ một mình Tào Tháo ở lại, thực sự không yên lòng với hai người quân thần bọn họ, cũng lẳng lặng đứng lại. Tào Tháo chợt thấy bầu không khí có vẻ kỳ lạ, quỳ xuống trước bệ rồng nói:
— Không biết bệ hạ giữ lão thần lại có điều chi dặn dò?
Lưu Hiệp đờ đẫn nhìn Tào Tháo, lơ đãng nói:
— Tuân Lệnh quân lui ra.
Tuân Úc không ngăn được chau mày, nhưng quân vương đã có lệnh, thần tử không thể không tuân theo, quay sang nhìn Tào Tháo, rồi cũng chậm rãi lui ra.
Lưu Hiệp lại chỉ vào các quan hoàng môn đang hầu trên điện và vệ sĩ hổ bôn:
— Các ngươi cũng lui hết cả ra.
Những người ấy tuy là hầu cận của thiên tử nhưng đều là hương nhân được Tào Tháo lựa chọn, bất ngờ nghe thấy thiên tử sắp đặt như vậy, không biết là nên đi hay ở, tròn mắt nhìn Tào Tháo, thấy ông khẽ gật đầu, khi ấy mới vội vã lui xuống.
Trên đại điện vắng lặng chỉ còn lại hai vua tôi, người này nhìn người kia, rất lâu vẫn chưa nói một lời. Tào Tháo dần cảm thấy không khí trầm lặng đến nghẹt thở, ông cũng không nhìn thấy được thần sắc của thiên tử bởi đã bị bức rèm châu trên vương miện che đi, cuối cùng phải cất tiếng hỏi:
— Bệ hạ giữ lão thần lại có chuyện gì?
Lưu Hiệp vẫn không đáp lời, ngồi lặng đi hồi lâu, bỗng nhiên đưa tay lên tự bỏ mũ miện của hoàng đế trên đầu xuống. Đại thần cũng không được nhìn thẳng vào diện mục của thiên tử, Tào Tháo cũng không dám phá vỡ quy tắc ấy, vội cúi thấp đầu xuống thì nghe thấy hoàng đế nói:
— Tào công, ngươi ngẩng mặt lên nhìn trẫm đi.
Tào Tháo thấy câu nói của hoàng đế lạnh như băng, vội vàng thỉnh tội:
— Thần không dám ngẩng mặt nhìn hoàng thượng.
— Không dám?... - Lưu Hiệp dường như bật một tiếng cười. - Trẫm thứ tội cho ngươi, ngươi cứ việc ngẩng đầu lên nhìn trẫm đi...
Tào Tháo vốn không sợ trời không sợ đất, giờ đây lại hơi run run. Biết rõ rằng vị thiên tử này vốn chẳng có thực quyền gì, nhưng vẫn không nén được nỗi lo lắng trước mỗi lời nói hành động của ông ta - đó chính là sự uy hiếp của hoàng quyền, cũng là giới hạn cuối cùng của đạo đức thần tử.
Tào Tháo chậm rãi ngẩng đầu lên, khẽ đưa mắt nhìn vị hoàng đế trẻ tuổi, rồi lại vội cúi đầu xuống - nét mặt Lưu Hiệp trắng trẻo, thanh gầy, tướng mạo rất anh tuấn. Nhưng hoàn toàn không phù hợp với khuôn mặt ấy là ánh mắt cam chịu và đầy vẻ chán nản, hai tròng mắt to tròn dường như không có chút ánh sáng nào, hệt một cái giếng cũ đã cạn nước. Đặc biệt, điều khiến người ta không nỡ lòng nhìn thấy là vị hoàng đế mới hai mươi tư tuổi xuân ấy, bên mái đầu đã lốm đốm những sợi tóc bạc.
Lưu Hiệp không phẫn nộ, cũng chẳng ai oán. Ông từng oán hận đến tận xương cốt kẻ quyền thần trước mắt, phải giết bằng được mới hả dạ, cũng từng vì cái chết của Đổng quý nhân mà đau đớn tưởng muốn đứt ruột gan... Nhưng giờ đây, tất cả đều đã tê liệt rồi. Người trong thiên hạ đã không còn nhớ rằng có một vị hoàng đế là ông nữa, văn võ cả triều chỉ nghe theo mệnh lệnh của Tào Tháo. Từ lâu ông đã không còn hy vọng hay đau đớn gì nữa, cái còn lại chỉ là một hiện thực mơ hồ:
— Tào công đã bao lâu không đến gặp quả nhân rồi?
Câu hỏi ấy khiến Tào Tháo không thể trả lời, ông thực sự không nhớ được mình đã bao lâu không đến diện kiến thiên tử. Suốt ngày nam chinh bắc chiến, vất vả ngược xuôi, bên tai chỉ nghe những lời khen ngợi, ca tụng công lao, dường như chỉ khi ông muốn chiêu hàng nạp phản một cách đường hoàng, thiên tử mới thực sự tồn tại. Tào Tháo phủ phục ở đó lặng đi hồi lâu, vẫn không thể nhớ ra lần gặp mặt hoàng đế trước là cách đây mấy tháng, bèn thỉnh tội:
— Lão thần chinh chiến bên ngoài, đã lâu không triều kiến, thực sự là không nhớ rõ. Nhưng thân vất vả là vì giang sơn xã tắc của bệ hạ, đợi đến ngày thần diệt hết phản tặc, đại công cáo thành, sẽ lại...
— Trẫm không muốn nghe những điều ấy. - Lưu Hiệp cắt ngang những câu văn vẻ áo mũ của Tào Tháo.
Tào Tháo nghe câu ấy, cho rằng Lưu Hiệp lại sắp than vãn, vội gạt đi:
— Lão thần nhất định phải nói.
— Vậy ngươi nói đi. - Lưu Hiệp chán ngán lắc lắc đầu.
— Thưa, những điều thần làm có thể có chỗ chưa được xác đáng, nhưng đều một lòng vì bệ hạ. Nếu có thể diệt hết được bọn phản tặc, thống nhất thiên hạ, xã tắc nhà Hán sẽ hết tối lại sáng. Trên có thể xứng với liệt tổ liệt tông, lịch đại tiên hoàng, dưới có thể úy lạo lê dân bách tính, lớp lớp chúng sinh. Ngày mai thần còn phải lĩnh binh lên phía bắc chinh thảo nghịch thần Viên Thượng, mong bệ hạ có thể...
Tào Tháo nói được nửa chừng chợt ngẩng đầu lên, bất giác ngây người ra - Lưu Hiệp căn bản không nghe ông nói, chỉ ngẩng đầu nhìn lên những xà cột chạm vẽ trên nóc cung điện, hoàn toàn không quan tâm. Tào Tháo thấy bộ dạng hoàng đế như vậy, trong lòng rất không vui. Nếu là người khác dám không coi mình ra gì như vậy, ông dù không phanh thây kẻ đó thì cũng mắng cho một trận nên thân để bõ hận, nhưng làm sao được, đây lại là hoàng thượng, phải giữ chút đạo thần tử, chỉ có thể dò hỏi:
— Phải chăng bệ hạ có gì không bằng lòng với lão thần?
Lưu Hiệp dường như không hề sợ hãi, vẫn ngẩng đầu như cũ, lạnh nhạt nói:
— Không có... Trẫm không oán ngươi, trẫm chẳng oán ai cả... Trẫm chỉ đang nghĩ, tòa cung điện này bức bối đến độ khiến người ta thấy ngạt thở, giống y như một chiếc lồng son nhốt chặt trẫm ở đây, không hề được biết một năm bốn mùa, hoa nở hoa tàn... Nhớ trong thiên Tiêu Dao Du, sách Trang Tử có câu: “Liệt tử cưỡi gió mà đi, một cách êm ái nhẹ nhàng, trọn mười lăm hôm mới về. Đó là trí phúc, chưa từng bận lòng việc gì vậy. Nhưng nếu thuận theo cải chánh của trời đất, nương theo cái biến của lục khí mà lại qua trong cõi vô cùng, thì đó đâu còn phải chờ gì nữa.” Trẫm thực muốn rời bỏ tất cả những điều phiền muộn này, đi đến một nơi không còn vướng bận gì nữa...
Tào Tháo đột nhiên thấy một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng mình, cảm thấy câu nói thanh tĩnh ấy lại vô cùng ma mị, không biết phải đáp lại thế nào, lập cập nói:
— Bệ hạ nếu... nếu cảm thấy buồn tẻ, sao người không dẫn hoàng hậu, hoàng tử ra ngự viên dạo chơi.
Lại một sự tĩnh lặng khiến người ta phải lo lắng... Lưu Hiệp bỗng nhiên lảo đảo đứng lên, chỉ tay vào long án, nhìn chằm chằm Tào Tháo, cất lời nói:
— Tào ái khanh, nếu khanh thực sự bằng lòng toàn tâm toàn ý phò tá trẫm, vậy hãy để trẫm tự chủ trì quyết sách! Còn nếu không bằng lòng phò tá trẫm, xin khanh hãy nương tay thả cho trẫm đi đi... Ta cam tâm vĩnh viễn ở nơi núi rừng, đời đời làm dân, ngôi vị này khanh hãy lên ngồi!
Tào Tháo nghe thấy câu ấy như sấm nổ bên tai, kinh sợ toát mồ hôi, ngồi bệt xuống đất.
Lưu Hiệp cất tiếng cười nhẹ như gió xuân, tay vẫn chỉ lên án rồng, giọng bình thản trong veo như nước:
— Khanh cứ việc lên ngồi vào chỗ này, trẫm chỉ muốn... muốn tự do.
Trong khoảnh khắc, Tào Tháo bị vị hoàng đế trẻ tuổi đánh gục hoàn toàn! Nếu như hoàng đế oán hận, nhục mạ hay kêu gào thì với tính cách của mình, Tào Tháo sẽ dám đáp lại. Nhưng hoàng đế lại muốn hai tay dâng tặng ngôi vị cho ông, chuyện luân lý cương thường như vậy há chẳng phải một đòn đau mà kẻ phàm phu tục tử có thể chống đỡ nổi? Đừng nói là Tào Tháo chưa từng có ý nghĩ như vậy, mà dù có từng trộm nghĩ đến khi nằm trong chăn lúc đêm khuya canh vắng đi nữa, cũng không dám làm như vậy! Huống chi thiên hạ còn chưa bình định, Tào Tháo vẫn tự khoe rằng phụng mệnh thiên tử thảo phạt kẻ bất thần, nếu như chính ông lại là kẻ bất thần trước, còn biết dựa vào điều gì để chinh thảo kẻ khác đây? Còn mặt mũi nào đứng trong thế gian nữa? Há chẳng bị ngàn người chỉ trích, quy mình cùng một giuộc với Vương Mãng, bị người thiên hạ phỉ nhổ mà chết ư!
Tào Tháo bỗng thấy lạnh run người, lưng như có gai đâm, ngũ tạng thiêu đốt, chỉ có một phản ứng duy nhất xuất hiện trong đầu, đó là bỏ chạy. Chạy... một kẻ không sợ trời, chẳng sợ đất như Tào Tháo lúc này hệt như một tên lính bại trận, một tên trộm bị chủ nhà phát hiện. Ông không còn cả dũng khí để từ biệt hoàng thượng, hốt hoảng vừa lăn vừa bò, lồm cồm chạy ra khỏi điện Ngọc Đường, run rẩy xuống được nửa bậc thì trượt chân ngã lăn quay từ trên thềm ngọc cao bảy tám bậc xuống.
— Tào công ngã rồi... - Mười mấy tên võ sĩ trước điện vừa kêu vừa chạy lại đỡ.
— Không được đến gần! - Tào Tháo mũ mão rớt một nơi, giày dưới chân không biết cũng văng đâu mất, mé trán bị đập vào bệ ngọc sưng tấy lên, nhưng ông mau chóng bò dậy được, chống kiếm trong tay, lớn tiếng quát, - Không kẻ nào được lại gần ta! Kẻ nào dám đến gần... lão phu sẽ giết chết! Lão phu sẽ giết cả nhà kẻ đó, gà chó cũng không tha! - Tiếng quát như hết hơi của Tào Tháo nghe đã lạc giọng đi.
Các võ sĩ không hiểu nội tình thế nào, sợ hãi tản ra xung quanh. Tào Tháo trợn đôi mắt đầy vằn máu nhìn một lượt mọi người. Tuy bọn họ đều là đồng hương ở huyện Tiều, Bái Quốc được Hạ Hầu Đôn tuyển chọn, nhưng trong tay họ vẫn có vũ khí. Theo quy chế cũ của nhà Hán, bậc tam công nắm giữ binh quyền, khi triều kiến thiên tử phải có hổ bôn võ sĩ hộ tòng. Lúc này đây trong lòng Tào Tháo tràn ngập nỗi sợ hãi, mọi thứ trước mắt đều khiến ông cảm thấy bất an. Dù cho những người kia không muốn mưu hại mình, nhưng nếu vũ khí trong tay họ không giữ chặt được, chạm vào người mình thì đáng sợ biết bao! Thật đáng sợ! Kẻ nào cũng đáng sợ như vậy!
Chạy thôi! Tiếp tục chạy thôi! Hoàng cung Hứa Đô, sau này sẽ không bao giờ đến nữa... Nghĩ đến đó, Tào Tháo càng gào hét to hơn, cho tới khi tận mắt thấy đám võ sĩ hổ bôn không biết làm sao đã lui hết ra khỏi cửa điện, Tào Tháo mới giơ cao kiếm, bước thấp bước cao đi ra phía cửa cung. Cứ run rẩy chạy như vậy rất xa, mới thấy Hứa Chử đang đốc suất đám tùy tòng tâm phúc trong mạc phủ chạy đến.
Hứa Chử vốn đang chờ sẵn ngoài cửa nghi môn, nghe thấy tiếng la hét, vội chạy vào, vừa thấy Tào Tháo mặt mũi méo xệch như bị trúng tà thì sợ hãi giật mình:
— Chúa công sao lại ra nông nỗi này?
Tào Tháo được Hứa Chử đỡ trong tay, chỉ một mực lắc đầu, hổn hển thở gấp. Đám vệ sĩ cũng sợ hết hồn, kẻ xoa ngực, người đấm lưng, cất giữ bảo kiếm, chỉnh đốn y quan cho Tào Tháo. Hứa Chử thấy bộ dạng thất thần của Tào Tháo, sốt ruột hỏi:
— Phải chăng có kẻ muốn hành thích chúa công?
— Không có... không có... - Tào Tháo mở to đôi mắt sợ hãi lắp bắp nói.
— Trong cung nếu có sự biến, chúa công không tiện nhắc đến, sao không nói với Lệnh quân?
Câu nói ấy kéo Tào Tháo quay về với thực tại. Mắt ông chợt sáng lên, rồi lại sầm xuống. Chuyện khó nói như vậy, sao có thể thổ lộ với Tuân Úc được, nếu để truyền ra ngoài há chẳng gây sóng gió ầm ĩ hay sao? Tào Tháo nghiến răng, nắm chặt lấy tay Hứa Chử, gằn giọng nói:
— Chuyện hôm nay, không được nói với bất kỳ ai... Ngươi đi nói với Đinh Xung, Hy Lự, đem tất cả những thị vệ hoàng môn túc trực ngày hôm nay giết hết cho ta!
— Vì sao vậy?
— Không cần phải hỏi vì sao! Giết hết!
Hứa Chử cũng là kẻ tâm địa lương thiện, lại nói:
— Bọn họ đều là đồng hương Bái Quốc chúng ta, nếu không có tội mà giết đi, ngày sau chúa công còn mặt mũi nào gặp hương thân phụ lão nữa.
— Vậy... vậy thì hãy đuổi bọn họ ra khỏi kinh sư, vĩnh viễn không cho phép quay về Hứa Đô!
— Dạ. - Tào Tháo đã không chịu nói rõ, Hứa Chử cũng không dám hỏi thêm, đỡ ông chậm chạp ra khỏi đoan môn.
Rất nhiều duyện thuộc có công việc, thấy Tào Tháo mãi không quay ra, đều đang chờ ngoài cửa cung. Tận đến khi ngồi yên trên xe ngựa rồi, Tào Tháo mới dần hết run, nhắm mắt nhăn mày, buồn bã thở dài mãi. Trần Kiều chạy nhanh đến bên cạnh Tào Tháo bẩm báo:
— Chúa công, mới có tin tức từ Đông Thành chuyển đến, Trần Nguyên Long bảy hôm trước đã phát bệnh mà chết. Quả như lời Hoa Đà đã đoán định, vừa vặn đúng ba năm ạ!
Với Tào Tháo, cái chết của Trần Đăng vốn là một việc tốt, nhưng lúc này đây ông vẫn chưa lấy lại được tinh thần, chỉ xua xua tay:
— Ta biết rồi.
Đúng lúc ấy, chợt có tiếng vó ngựa dồn dập, từ phía chính nam có ba người cưỡi ngựa chạy tới, chính là Tào Phi, Tào Chân và Tào Hưu. Ba huynh đệ hôm nay vô cũng phấn chấn, ai nấy mình mặc võ phục, đầu đội mũ bì biền, lưng đeo bội kiếm. Tào Chân chạy đến trước xe đầu tiên, nhảy khỏi lưng ngựa, quỳ xuống đất:
— Cầu xin phụ thân cho con cùng theo xuất chinh, để được ra sức vì triều đình!
Chưa nói hết câu thì Tào Phi cũng đã tới nơi:
— Lời Tử Đan nói cũng là điều hài nhi muốn nói, hài nhi đã qua tuổi vũ tượng, nên theo phụ thân để công lập nghiệp.
Tào Hưu cũng nói:
— Mẹ con diệt nhi nhờ ơn cưu mang của thúc phụ, giờ cũng nên, trên thì báo ơn thiên tử, dưới là đền ơn thúc phụ. Xin người cho diệt nhi theo giúp sức nơi sa trường!
Tào Tháo ngồi ủ rũ trên xe, nhìn ba đứa trẻ. Cũng giống như tất cả cha mẹ trong thiên hạ, Tào Tháo không hề coi nhẹ Tào Phi, nhưng mấy năm nay mọi người đều bàn tán to nhỏ chuyện của Tào Tháo, nên ông không muốn để các con mình tham gia vào việc triều đình quá sớm. Một là để tránh điều tiếng, hai là sợ bọn chúng ỷ thế chuyên quyền hống hách. Nhưng bây giờ mọi việc đã khác, lúc này đây ông chỉ muốn vũ trang cho tất cả gia tộc, để con cháu bảo vệ ở bên mình... Khác hẳn với mọi khi, Tào Tháo đưa tay nắm chặt lấy Tào Phi:
— Nếu các con đã muốn, hãy đến đội hổ báo kỵ ở trung quân báo danh. Cha không thể lấy việc công để giúp việc riêng, hậu đãi người này mà bạc đãi kẻ kia được! Nhưng các con phải ở trong doanh trung quân của ta, nhất định phải dẫn quân bảo vệ thật tốt sự an toàn cho phụ thân!
Tào Phi vừa hưng phấn lại vừa ngạc nhiên, khẩu khí của phụ thân hôm nay khác hẳn mọi ngày. Chưa kịp hỏi thêm, lại thấy Vương Tất chen qua đám đông chạy đến trước xe:
— Khải bẩm chúa công, Lưu Lão Thường bá mất rồi! - Lưu Lão Thường bá, tức là thị trung Lưu Mạc.
Tào Tháo nghe thấy lại than thở một hồi. Lưu Mạc tuy vì chuyện bảo vệ gia tộc Lương vương trong vụ án “chiếu thư trong đai ngọc” mà có va chạm với Tào Tháo, từng làm một phen ầm ĩ, cuối cùng Vương tử Phục vẫn cứ bị khai trừ khỏi tông tịch, phải đổi thành họ Lý mới tạm coi như kết thúc. Thế nhưng, lão nhân gia dẫu sao vẫn là người có ơn với Tào Tháo. Bỗng nhiên nhớ lại chuyện chiếu thư trong đai ngọc, tâm tư mới tạm lắng xuống của Tào Tháo lại chợt lo lắng trở lại. Tấm lụa đẫm máu ấy dường như lại hiện lên trước mắt ông: Giết tên nghịch thần ngông cuồng này! Nét sổ thẳng của chữ cuối cùng kéo xuống thật dài, tựa hồ như đang nhỏ máu.
Vương Tất trước khi theo Tào Tháo từng là thuộc hạ của Lưu Mạc, nam nhi sắt đá là thế mà giờ đây khóc lóc như một đứa trẻ. Thấy Tào Tháo vẻ mặt thẫn thờ, cho là ông cũng thương cảm về chuyện Lưu Mạc, Vương Tất liền quỳ gối lết lên mấy bước, bám bên xe nói:
— Lưu Lão Thường bá không có con cái, cầu xin chúa công ân chuẩn cho thuộc hạ ở lại Hứa Đô lo việc tang cho lão đại nhân, coi như để báo ơn tri ngộ của người chủ cũ.
Tào Tháo chậm chạp gật gật đầu:
— Lần xuất binh này, ngươi hãy ở lại, sau khi lo tang ma cho Lưu Mạc xong, ngươi hãy tập hợp gia đinh bộ hạ, chiêu mộ một số con em thân tộc, tổ chức thêm cho ta một đội quân mã.
— Tổ chức thêm một đội quân? - Vương Tất ngạc nhiên hỏi.
— Đúng! Lão phu muốn ngươi thống lĩnh đội quân này để luôn đảm bảo an toàn cho mạc phủ và gia quyến ta.
— Thuộc hạ rõ rồi.
Tào Tháo bóp bóp trán, dặn dò thêm:
— Ngươi nói với Nguyên Nhượng giúp ta, bảo ông ấy cẩn thận đề phòng xung quanh Hứa Đô, nhất thiết không được sơ suất.
— Dạ!
— Còn nữa... nói với Lư Hồng, Triệu Đạt, theo dõi nhất cử nhất động tất cả văn võ trong triều, có điều gì phải lập tức báo cho ta biết ngay. Đặng Triển vốn tinh thông kiếm thuật, hãy gọi vào trong quân để bảo vệ cho ta, không cần phải nói với Mao Giới đâu, lập tức gọi hắn đến luôn!
— Dạ! - Vương Tất không hiểu vì sao Tào Tháo đột nhiên cẩn thận như vậy, nhưng vẫn nhất nhất làm theo.
Tào Tháo khi ấy mới tạm an tâm, nghiêng người tựa vào thành xe. Mọi người đều nhận thấy sắc mặt Tào Tháo không tốt, cho rằng căn bệnh đau đầu lại tái phát. Trần Kiều nói chen vào:
— Tại hạ thấy chúa công khí sắc không khỏe, danh y Hoa Đà kia đã rời khỏi Quảng Lăng nhiều ngày, nghe nói đang đi du ngoạn ở vùng Bành Thành, sao không gọi ông ta đến chữa trị cho chúa công một thời gian.
— Lão phu không có bệnh gì! - Tào Tháo mệt mỏi tựa vào thành xe, - Dù cho có thì cũng là tâm bệnh, tuyệt không phải bệnh mà giang hồ thuật sĩ có thể chữa trị được...
Tào Phi liền nói:
— Phụ thân chớ nên từ chối, Hoa Đà kia chuyên trị bệnh nan y thiên hạ đều biết tiếng. Phụ thân còn nhớ lão binh Lý Thành năm ngoái chết vì bạo bệnh không ạ? Năm xưa, Hoa Đà chữa bệnh cho ông ấy có nói, mười tám năm sau bệnh sẽ tái phát, tính đến năm ngoái chẳng phải là đúng mười tám năm đấy ư?
Trần Kiều cũng nói:
— Hoa Đà chẩn đoán cho Trần Đăng và Lý Thành đều chính xác, chúa công hãy cứ cho gọi ông ta vào trong quân để tiện sai bảo, dù cho chúa công có khỏe mạnh, thì để ông ta chữa bệnh trị thương cho chúng tướng cũng là việc tốt.
Tào Tháo cũng đã mệt, nói:
— Tùy các ngươi làm vậy... Đi!
Hứa Chử bám vào bên xe hô to:
— Chúa công khởi giá, về mạc phủ!
— Không, không, không! - Tào Tháo liên tục xua tay, - Không về mạc phủ, lập tức ra khỏi thành đến nơi đóng quân.
— Ngày mai xuất quân lên phía bắc, chúa công không về nghỉ trong phủ một đêm sao?
Trong ánh mắt Tào Tháo vẫn lộ ra một tia sợ hãi:
— Không cần đợi đến mai nữa, tối nay đi luôn! Càng nhanh càng tốt! - Không biết vì sao, Tào Tháo bỗng cảm thấy kinh thành Hứa Đô do chính tay ông gây dựng lại đáng sợ đến thế, tựa hồ bất cứ lúc nào cũng có người xông ra đòi mạng ông. Ông không muốn ở lại lâu hơn nữa, phải nhanh chóng quay lại với chinh chiến thôi, trên chiến trường dù hai bên giao tranh nhưng còn an toàn hơn nơi này nhiều.
Từ sau sự việc lần ấy, Tào Tháo đến chết cũng không bao giờ dám một mình yết kiến thiên tử nữa...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 6 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 6 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 6