The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3727 / 59
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ỪNG LÁC MÓC TRONG TÚI RA MỘT CHÌA khóa. Nó bước tới chỗ xe Vespa đậu. Trong nháy mắt, Mừng lác đã rồ máy đàng hoàng ngồi trên chiếc Vespa. Nó trổ tài “thổi xế” rất hào hùng. Phóng xe đến chỗ Đạm, nó nháy mắt:
- Nhảy lên đi!
Nguyễn Đạm ngạc nhiên:
- Xe của ai đó?
- Thổi.
- Thổi là gì?
- Là mượn đỡ một lát. Xe của thiên hạ đây mà. Lẹ lên kẻo lính nó rượt thì lại vào phòng tạm giữ nếm đòn Chà và lai.
Nguyễn Đạm nhảy vội ngồi phía sau Mừng lác. Mừng lác sang số rồi chờ xe vọt chạy. Đạm ôm lấy bụng Mừng lác. Vua giết người Phú Thọ phóng qua vài phố thì bớt ga lại. Nó cười ha hả. Nguyễn Đạm sợ sệt. Mừng lác không nhìn thấy mặt Đạm lúc đó, nhưng nó hiểu Nguyễn Đạm đang lo ngại. Sự im lặng của Đạm chứng minh nhận xét của Mừng lác là đúng. Mừng lác nói:
- Ngán à?
- Ngán gì?
- Ngán trở lại phòng tạm giữ?
- Đã vào một lần có thể vài lần.
Mừng lác vồ lấy lời Đạm:
- Cũng như tôi, đã thổi xế một lần thì có thể thổi xế hàng chục lần.
Nguyễn Đạm vội thanh minh:
- Tôi không muốn nói thế.
Mừng lác hỏi:
- Thế Đạm muốn nói gì?
Nguyễn Đạm trả lời:
- Điều tôi định nói chỉ liên quan tới cá nhân tôi thôi, nhưng anh làm tôi quên béng rồi.
Mừng lác nói:
- Quên là phải, có hàng ngàn điều bắt mình phải quên. Nhớ lại chỉ tổ đau buồn. Đã có hồi tôi làm nghề ăn cắp xe. Nhưng Đạm đừng lo, giờ “giầu” rồi, tôi sẽ bảo Lâm sùi đem chiếc Vespa này lại quận X trả đàng hoàng để Lâm sùi “ăn điểm” của cảnh sát. Đạm chưa biết, tôi có nhiều tài lắm. Tôi có thể mượn đỡ chiếc xe hơi.
Xe chạy qua cầu Trương Minh Giảng. Mừng lác không nói thêm. Nguyễn Đạm cũng không hỏi han gì. Tâm hồn nó đang hướng về Thủy. Mỗi lần nhớ tới Thủy là mỗi lần lòng dạ nó bồi hồi. Và càng bồi hồi, lòng căm thù càng sôi sục. Nhưng chưa có động lực nào làm cho nỗi căm hờn của Đạm thể hiện bằng hành động. Nó chỉ chửi rủa vu vơ và hứa hẹn trả thù cuộc đời.
Sống với Mừng lác đã lâu ngày, Nguyễn Đạm không thể quên nó còn gia đình, còn người bố để khinh bỉ nó. Còn người mẹ để đêm đêm khóc thảm thê thương sót nó. Còn đàn em dại ngơ ngác chẳng biết anh mình giờ ở đâu. Đạm hiểu rõ nó có thể trở về gia đình khi nó làm nổi một việc gì đem lại danh dự cho gia đình. Hoặc nó trở về với nhiều tấm bảng trên tay, hoặc nó trở về với một địa vị cao cả trong xã hội. Một thứ thì Đạm đã từ chối dứt khoát, một thứ thì Đạm đang mò mẫm kiếm tìm.
Mừng lác đưa nó kiếm tìm trong các hộp đêm, các tiệm giải khát, các nơi ăn chơi xa hoa. Nguyễn Đạm dần dần biến thành tay ăn chơi nổi tiếng. Tiền bạc như nước, uống rượu như uống nước mía. Nhảy hay như tài tử xi nê. Những thứ đó chỉ giải buồn trong khoảng khắc. Khi nằm một mình vắt tay lên trán, nghĩ tới tương lai mình, tương lai của những đứa bằng tuổi mình, Nguyễn Đạm cảm thấy buồn nôn. Một bệnh trạng buồn nôn khốn khổ chứ không phải thứ buồn nôn rửng mỡ của bọn văn nghệ chạy theo triết lý hiện sinh mà không hiểu một tí gì về hiện sinh.
Mừng lác thắng xe làm đứt ý nghĩ của Nguyễn Đạm. Trùm du đãng bảo Đạm:
- Xuống đi bộ một quãng.
- Còn xe Vespa?
- Có lẽ không cần nhờ Lâm sùi đâu, tối nay đi nhảy gọi nhờ điện thoại cho cảnh sát biết tin xe nằm ở đây. Lúc ngồi trên xe Đạm nghĩ gì thế?
- Nghĩ tới số phận mình.
- Hôm nay ông phải “khai hỏa” đấy nhé!
Nguyễn Đạm cười ngượng:
- Cứ giục mãi...
Mừng lác vội nói:
- Hay để giành “khai hỏa” người yêu?
Nguyễn Đạm bỏ Mừng lác tại một cửa tiệm cà phê. Nó theo con ngõ nhỏ đi vào xó tội lỗi. Vẫn quang cảnh cũ. Không có gì thay đổi ở cái xóm đĩ điếm này dù trên chính sách cải cách xã hội của chánh phủ đã có nhiều điểm đổi thay. Và bộ mặt của các ông Bộ trưởng cũng thay đổi nghĩa là một ngày béo tốt, hồng hào thơm lừng bơ sữa, nhưng nghiệp dĩ của chị em điếm cứ nằm im trong cái vòng lẩn quẩn: tiếp khứa, bị bố ráp, bị bắt giam tại các phòng tạm giữ, bị đi lục xì, bị đưa vào trại hướng nghiệp rồi lại trở về làm điếm.
Những đứa trẻ thơ mất tuổi thơ, đang tập sự làm ma cô cũng vẫn thế. Tình thương không có thừa để lọt tới đây. Chỉ có sự khinh miệt ghê tởm. Bởi vậy những đôi mắt non nớt lúc nào cũng long lên những ánh căm hờn.
Đạm nghĩ tới Rớt, Gia Nin, tới những đứa trẻ khốn nạn sinh ra ở trong các xóm tội lỗi, lớn lên ở đó và mưu sinh cũng ở đó luôn. Những thằng Rớt, những con Gia nin chưa biết tương lai của chúng nó. Những thằng ma cô, những con điếm đã biết trước chúng là hậu thân của mình. Chỉ có xã hội không biết. Xã hội thì còn biết gì hơn là kết tội. Và những đứa quai mồm, lớn tiếng kết tội, rặt những đứa ăn cắp, khốn kiếp, đạo đức giả. Những người đạo đức thật chỉ nhìn tội lỗi, đau khổ mà thở dài...
Đạm cúi gầm mặt bước đi. Tiếng khóc tấm tức khiến nó phải quay lại. Một đứa bé gái, đầu tóc bơ phờ, áo quần xốc xếch đang bước theo Đạm. Đạm đã nhận ra đứa con gái. Nó chính là con Gia nin, con bé không biết quê hương Việt Nam mà lại nói tiếng Việt Nam.
Đạm đứng lại chờ con bé. Nó đã quên khuấy Đạm. Hằng ngày nó gặp bao nhiêu người đàn ông giống Đạm dễ gì nó nhớ nổi Đạm.
Con Gia Nin vén vạt áo lên chùi nước mắt. Khi bước tới gần Đạm, câu mở đầu của nó là:
- Để em dẫn anh đi...
Bọn mụ đầu ở cái xó Lăng Cha Cả này đã “giáo dục” cách dẫn “khứa”. Công việc của nó là canh gác lính. Nhưng nhiều hôm bọn “dẫn đường” đi vắng, con Gia nin hay thằng Rớt phải thay thế.
Đạm bàng hoàng nhìn con Gia nin. Nó thấy nỗi đau này còn hơn nỗi đau đớn ê chề mà những thằng Chà và lai “quần” nó ở phòng tạm giữ. Nỗi đau này không ở ngoài da thịt, mà nó nhức buốt tận xương tủy. Nó làm con người biết thương sót con người muốn nổi loạn. Muốn lột trần truồng tiểu tiện vào cuộc sống nham nhở, ích kỷ muốn châm lửa đốt hết. Rồi đốt luôn cái thể xác hôi hám của mình.
Đạm ngậm ngùi:
- Gia nin!
Con bé ngước đôi mắt xanh nhìn Đạm. Nó chớp mắt.
- Em không nhận ra anh à?
Con Gia nin ngạc nhiên. Rồi khuôn mặt ủ ê của nó bỗng tươi hẳn lên. Nó đã nhận ra Đạm. Nhưng không biết tên Đạm. Nó lấp bấp:
- Anh cho... em... tiền... hả...
Đạm giang rộng đôi tay:
- Ừ, anh cho em tiền hôm nọ ấy mà, em nhớ chưa?
Con bé nhảy bổ vào người Đạm. Đạm khép đôi tay, ôm chặt con bé. Con bé lại khóc tấm tức:
- Tiền anh cho em má Tư lấy hết trọi anh à...
Nó kể tiếp:
- Thằng Rớt giấu tiền, má Tư đánh nó tét trán nữa. Anh cho em theo anh đi. Ở đây chạy lính cực thấy mồ...
Đạm vuốt ve tóc con bé:
- Anh sẽ cho em theo.
Con bé vẫn úp mặt vào bụng Đạm. Dường như nó thèm hà hít tình thương của người thương yêu nó. Đạm mặt kệ để Gia nin ghì chặt mình mà nức nở
Có tiếng gọi:
- Gia nin...
Con bé buông Đạm ra, sợ sệt quay mặt lại. Một cái đầu người đàn bà ló khỏi căn nhà lá lụp xụp. Và tiếng trách móc:
- Mầy chôn chân ở đó à?
Con bé trả lời:
- Con đang mời má ơi!
- Lẹ lên tao nhờ chút việc không mầy ốm đòn bây giờ.
Mụ đàn bà nói tiếng Bắc. Tiếng mụ the thé đáng tởm. Mụ đã thụt cái đầu bờm sờm của mụ vào trong.
Con Gia nin bảo Đạm:
- Má Tư nó. Má bị bệnh thương hàn tháng trước. Tối qua má mới vô bót.
Nó năn nỉ Đạm:
- Em dẫn anh tới nhà chị Vang nghe anh.
Đạm gật đầu. Con bé dắt tay nó đi. Đạm hỏi:
- Má Tư nuôi em à?
- Dạ.
- Nuôi từ bé hả?
- Em không biết anh ạ! Em có nhiều má lắm. Má Tư mới nuôi em chừng năm tháng nay. Trước em ở với má Bảy. Má Bảy đi lấy Mỹ gởi em cho má Tư. Trước má Bảy em ở với má Ba. Má Ba đi tù em bơ vơ. Má Bảy đem em về nuôi.
- Má nào tốt nhất?
- Chả má nào tốt cả. Má nào cũng đánh đòn nhừ tử.
- Em vừa bị đòn à?
- Dạ.
- Lỗi gì?
- Ông khách cho em mười đồng, em ăn bánh mất năm đồng, má Tư giận đánh em. Má Tư bắt hễ ai cho tiền phải nộp đủ cho má Tư rồi má Tư cho vài đồng thôi. Má Tư bảo để dành cho em.
Đạm theo con Gia nin rẽ sang ngõ khác, tới căn nhà lợp mái tôn. Con bé bảo Đạm:
- Nhà chị Vang đây rồi!
Thấy Đạm không nói năng gì, con Gia nin hỏi:
- Anh không thích chị Vang à? Chị này chìu khách lắm mà. Má Tư nói thế.
Đạm nghiến răng ken két:
- Gia nin!
Con bé hốt hoảng:
- Dạ.
- Em đừng nói chuyện má Tư, đừng nói chuyện gì ở đây nữa.
Con bé ngơ ngác:
- Thế anh không “đi”.
Đạm nhăn nhó đưa hay tai bưng mặt:
- Khốn nạn!
Con Gia nin tưởng Đạm mắng nó khốn nạn. Nó sợ quá bước xa tránh Đạm. Đạm muốn rớt nước mắt. Con bé ngần ấy tuổi mà đầu óc đầy rẫy những ngôn ngữ đê tiện của xóm chơi bời rẻ rúng. Nó nắm chặt đôi bàn tay, rít qua kẽ răng:
- Tiên sư chúng nó...
Con Gia nin tròn đôi mắt nhìn Đạm. Nó vẩy tay cho con bé lại gần:
- Tội nghiệp em, anh chửi chúng nó khốn nạn chứ không phải mắng em đâu. Anh thương em mà...
Con Gia nin mon men lại tới gần Đạm. Nó nắm chặt tay con bé:
- Thằng Rớt đâu em?
- Nó trốn má Tư rồi.
- Nó đi đâu?
- Nó bảo em nó lên SaiGon nhập đảng đánh giầy!
- Anh Mạnh đâu?
- Anh ấy cũng trốn rồi.
- Trốn má Tư à?
- Không.
- Thế trốn ai?
- Ảnh trốn lính!
- Tại sao anh ấy trốn lính?
- Em không biết.
- Em biết bây giờ anh Mạnh ở đâu không?
- Không anh ạ!
- Thế anh có dặn gì em không?
- Không. Lính vây khu này, ảnh trốn cách nào em cũng chả hay. Lính bố hai ngày liền. Anh trốn biệt làm em rầu quá anh ơi!
Con Gia nin gõ cửa bốn tiếng. Đợi một lát, nó gõ thêm hai tiếng nữa, cánh cửa hé mở. Người đàn bà bên trong vọng ra:
- Vô.
Cả Đạm lẫn con Gia nin cùng vào. Con điếm Vang hỏi Đạm:
- Một người à?
Đạm tặc lưỡi:
- Một người chứ mấy!
Con Gia nin “giới thiệu”:
- Anh này tốt lắm, ảnh là bạn của anh Mạnh đó.
Ả điếm Vang vội săn đón:
- Anh tới “thay chân” anh Mạnh hả?
- Không.
- Vậy “đi” thôi.
Đạm lắc đầu:
- Tôi ngồi nhờ trong này nói chuyện một lát được không?
Ả điếm Vang cười nửa miệng:
- Kiếm ăn giờ khó khăn, vất vả thấy mồ tổ. Anh không “đi” thì đi cho rồi để may ra tôi còn vớ “khứa” khác chứ.
Đạm móc túi đưa cho con điếm tấm giấy hai trăm. Nó vỗ vai Gia nin:
- Em có phải đưa tiền cho má Tư không?
Con Gia nin đưa mắt nhìn ả điếm Vang, Đạm dúi vào tay nó một trăm:
- Chạy về đưa má Tư rồi đến đây ngay với anh.
Gia nin chỉ đợi có thế. Nó lách cửa bước ra khỏi căn nhà lụp xụp, ẩm mục. Ả điếm Vang bắt chuyện Đạm:
- Cố tình giữ “trinh” à?
Đạm quắc mắt nhìn Vang:
- Không nói được chuyện khác ư?
Ả Điếm vênh váo:
- Nói chuyện gì nữa. Làm đĩ thì chỉ chuyện “đó” thôi. Mình bẩn cùng mình, dẫu có bẩn thêm cũng chẳng sao. Anh muốn em nói chuyện gì bây giờ.
- Chuyện ở đây.
- Ở đây có chuyện chó chi mà nói. Ngày thì mong “khứa”, đêm thì vừa “làm ăn” vừa lo chạy lính bố ráp. Chuyện ở đây đó. Thú vị không?
- Nói nữa đi!
- Bộ anh muốn nghe em kể lể cuộc đời “ái tình” và “sự nghiệp” của em hả?
- Không.
- Thế, muốn nghe chuyện gì? Chuyện tiếu lâm nhé!
- Chuyện anh Mạnh của em.
Ả điếm Vang bĩu môi:
- Này, tôi sẵn sàng trả anh hai trăm bạc. Đây không làm chỉ điểm đâu. Thà làm đĩ chứ không thèm làm chỉ điểm.
Đạm ngạc nhiên hỏi:
- Ai bảo cô tôi làm chỉ điểm?
Ả điếm xỉa xói:
- Mấy hôm nay, biết bao đứa hỏi thăm tên Mạnh. Dọa nạt rồi hứa hẹn nghe phát tởm. Có bỏ tù thì cứ bỏ tù đi. Bỏ tù được no cơm nằm khểnh cho sướng. Sống ở ngoài khổ như chó ai ham sống đâu.
- Thì ai bắt làm điếm?
- Không làm điếm lấy cứt mà đổ vào miệng à? Đừng ấm ớ. Đây nói đây đếch sợ tù.
Trái tim Nguyễn Đạm tưởng đã chết lịm vì những nghịch cảnh trong xóm tội lỗi ngập tràn này, giờ sống lại đầy sinh khí đầy hy vọng.
- Không biết chỗ Mạnh à?
- Không.
Đạm mở cửa bước ra, nó hấp tấp bước khỏi xóm nhỏ. Nhưng tiếng con Gia nin làm nó kìm bước chân lại. Nó chưa hết trách nhiệm ở đây. Phải, nó chưa hết trách nhiệm ở đây.
Con Gia nin trách móc:
- Anh tính bỏ em sao?
- Không có đâu.
- Anh bảo cho em theo anh mà.
- Anh còn trở lại nữa.
- Không anh cho em theo anh hôm nay đi. Ở đây cứ phải “gác” mới lại “dẫn khứa” chả được đi học gì cả.
Đạm ứa nước mắt vì câu nói thê thảm của Gia nin. Nó bộc lộ một sự thật phũ phàng. Một sự thật nằm tênh hênh trên mấy trang chính sách giáo dục “mầm non của đất nước” thì lại rất đẹp. Nhưng quang cảnh này, sự thật chính là những lời chửi tục tĩu nhất để đối đáp lại mấy trang chính sách giáo dục kia.
Đạm nắm lấy tay Gia nin:
- Theo anh khổ lắm à.
Gia nin chớp mắt lia lịa:
- Nhưng anh không bắt em “gác” và “dẫn khứa” như má Tư.
Đạm mím môi:
- Thôi em, đừng nói những tiếng “gác” và “dẫn khứa” nữa.
Nó kéo con bé chạy nhanh ra ngoài lộ. Và đi luôn vào quán cà phê. Mừng lác đang ngồi chờ nó.
Mừng lác hỏi:
- Nó đâu?
Đạm trả lời:
- Lính bố, nó trốn biệt.
Nó ngó con Gia nin chằm chằm:
- Đứa nào đây?
- Con bé ở trong xóm, nó đòi theo chúng mình. Ở đây...
Mừng lác xua tay:
- Tôi hiểu rồi, đừng nói tiếp nữa.
Nó vỗ nhẹ lưng Gia nin:
- Tên em kêu chi?
- Gia nin.
- Ai đặt tên cho em?
- Em không biết.
- Uống nước cam nhé?
- Dạ.
Mừng lác kêu ly cam tươi cho Gia nin. Nó bảo con bé:
- Mầy đi học nghe.
Gia nin ứa nước mắt sung sướng. Mừng lác cũng ứa nước mắt. Ngày xưa nó có một đứa em gái. Hồi em nó bằng tuổi Gia nin, em nó đã khao khát được đi học. Nhưng vì nhà nghèo, con bé không bao giờ được đi học cả. Mừng lác đã phẫn uất vì nghèo mà đi hoang. Khi nó thừa tiền cho em gái đi học thì em nó lại chết yểu rồi. Nó vỗ nựng Gia nin:
- Thấm nước mắt đi em. Anh sẽ mua cho em nhiều quần áo đẹp. Em chịu không?
- Dạ.
Mừng lác trả tiền nước. Nó gọi tắc xi, cùng Gia nin và Đạm về Saigon.
Nước Mắt Lưng Tròng Nước Mắt Lưng Tròng - Duyên Anh Nước Mắt Lưng Tròng