A good book on your shelf is a friend that turns its back on you and remains a friend.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Bảo Ninh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đêm Trừ Tịch
ời bộ đội của tôi đã bước những bước đi đầu tiên trong các cánh rừng cằn cỗi vùng Bãi Nai. Ba tháng trời dãi gió dầm mưa trên thao trường đã giúp chúng tôi gột sạch mọi tàn tích của nếp sống thị thành và trụ vững bản thân mình vào đội ngũ. Chúng tôi tập đeo gạch hành quân, tập lăn lê trườn toài, tập nín thở bóp cò, tập bám trụ chiến hào, tập vọt tiến tấn công, tập đâm lê, tập quăng lựu đạn, tập nhồi bộc phá, tập tuân lệnh chỉ huy và tập bền bỉ chịu khổ. Kịp tới tháng chạp, gần cuối năm âm, khi mà các đồi cây lúp xúp bên bờ sông Đà lấm chấm bóng hoa đào nở sớm, cán bộ quân lực các binh đoàn tấp nập về Bãi Nai nhận lính mới.
Một số vào pháo cao xạ, một số vào pháo đất, vào công binh, vào hải quân, một số khá đông sang hậu cần đi học lái xe bổ sung cho 559, nhưng mà hùng hậu nhất vẫn là chúng tôi, lực lượng được phiên chế về các sư đoàn bộ binh. Vinh dự này khiến nhiều tay sợ vãi linh hồn. Tiểu đội tôi có thằng Nhu “mắt lươn” đã lẹ chân tút ngay trước hôm đơn vị hành quân rời Bãi Nai. Nó với một thằng nữa, khác đại đội, khăn gói phới khỏi doanh trại lúc nửa đêm, đúng vào phiên tuần tra của tôi và Hành “min tu”.
- Thằng Nhu! - Tôi hét - Thằng chó, mày tút hả!
- Lạy Chúa tôi! Thằng Nhu với thằng nào kia hở mày? Tút gì mà tút ngu thế! - Hành nói to, lia tránh luồng đèn pin khỏi lùm cây mà hai gã đào binh đang núp. Tôi giật AK khỏi vai.
- Đừng mày! - Hành chộp nòng khẩu tiểu liên trên tay tôi, đẩy chúc xuống.
Hai thằng nọ vùng chạy. Chúng bỏ đường mòn rào rào rẽ cành lá lao thục mạng vào rừng. Một hồi lâu sau vẫn còn nghe từ trong rừng vọng ra huỳnh huỵch tiếng chạy rất nặng chân của hai thằng chết nhát.
Hành móc bao thuốc, dúi tôi một điếu.
- Thây kệ chúng nó mày ạ. Ngữ chúng nó tút sớm ngày nào thì cả cách mạng cả anh em mình được nhẹ mình ngày nấy, thật đấy.
Hành khum bàn tay lại xòe diêm. Khuôn mặt anh hiện lên gầy guộc, xấu xí, nhằng nhịt nốt rỗ đậu mùa.
- Tao lạ gì nó. Nó là hạng con nhà nên được chiều hết nhẽ. Những thằng sướng quen thân thường nhát như cáy. Thằng Nhu vẫn mộng vào cảnh vệ gác các dinh thự ở Hà Nội. Giờ phải sung bộ binh đi bê, nó hãi là phải.
Tôi chẳng nói gì. Hành khạc rõ to, rồi ho.
- Tam Đảo bao bạc mà mốc mày ạ, - Anh nói - Bao thuốc này thằng Nhu kỷ niệm tao đấy. Nó hỏi tao gác phiên nào. Biết tao từng hai đận đảo ngũ nên cả ngày nay nó cứ tỷ tê rủ tao cùng tút. Thực tình tao cũng muốn can nó, nhưng mày biết đấy, tai tiếng tao thế, can được ai. Đành là nín lặng. Mới lại cũng thương tình nó. Mỗi đứa mỗi cảnh. Bố mẹ nó cao sang nhưng lại có mỗi nó nên cần nó nối dõi. Còn cảnh nhà tao thì mày biết đấy, sau tao còn cả bầy em trai đủ giữ giống nhà. Tao ra đi lần này là vì tương lai chúng nó. Hôm nhận giấy gọi nhập ngũ cùng với bọn mày, tao hỏi bố tao rằng lần này quá tam ba bận rồi, không biết con có nên tút như hai lần trước nữa hay không, hay là con nên ra đi nghiêm chỉnh, bao giờ giải phóng miền Nam xong thì mới trở về? Bố tao bảo, tùy con vì đấy là sự sống chết của con. Nhưng mà nếu lần này con không trốn nữa thì các em con, nhất là con Cúc con Đào đến trường đến lớp không phải hổ với chúng bạn.
Đã phận con nhà nghèo, lại còn tai tiếng bởi thằng anh thì làm sao ngóc đầu lên. Mẹ con đã phải sớm về chầu Chúa cốt để các em con chúng nó được sinh ra, được ban phước lành, học hành tử tế, vui hưởng cõi đời này, bố tao bảo tao thế.
Bà mẹ của Hành sinh thời là hộ lý ở Cây đa Nhà bò. Thạo nghề đỡ đẻ nên bà đẻ thật nhiều. Hành với ba thằng em trai và hai con em gái. Hai đứa con gái là cặp sinh đôi, chúng vừa khóc chào đời đã phải mồ côi mẹ. Mồ côi, nhà nghèo nên mặc dù hơn tôi năm tuổi học vấn của Hành thua xa tôi, anh chỉ leo được hết lớp bốn. Lũ em trai của Hành cũng vậy. Bốn anh em một đàn lông nhông thất học nai lưng làm lụng kiếm cơm nuôi hai đứa út. Đeo phích chạy bán kem que dọc các phố, rồi bơm xe đạp, gánh nước thuê, bổ củi thuê, rồi đẩy xe ba gác. Ông bố của Hành thì chuyên nghiệp làm lao công. Thời Tây, ông hầu việc nhà thờ. Sang thời ta, nhà chung hiến một phần dinh cơ cho nền giáo dục phổ thông, ông bố của Hành từ chân kéo chuông chuyển ngành sang gõ trống. Hàng ngày, như xưa, ông lo quét tước dọn dẹp sân xướng phòng ốc và lo cầm chịch giờ giấc. Ông thúc trống báo giờ vào lớp, giờ ra chơi và giờ tan học. Ông tên Cà song người ta cứ quen gọi ông là ông Phao Lồ. Các con ông cũng vậy, mỗi đứa có một cái tên tây dẫn trước tên ta. Giăng, Mi Sen, Mác, An Na, Xô Phi. Còn Hành, hình như ngay cả trong sổ quân tịch cũng là Phờ Răng Trịnh Văn Hành.
Ngày trước, tại khu phố tôi dân tình phần đa là con chiên nhưng họ đã ra đi gần hết trong cuộc di cư năm 54. Chỉ còn lại duy nhất gia đình ông Phao Lồ, nhà trong tít cùng một cái ngõ sâu hút. Chủ nhật nào bố con nhà này cũng dắt dây nhau hàng một đi ngang qua cổng nhà tôi. Ông Phao Lồ dẫn đầu, rồi tới hai đứa bé gái sinh đôi, ăn bận sang nhất nhà, áo dài trắng, tóc buông vai, rồi tới những thằng anh, thằng nào thằng nấy đen đúa gớm chết. Hành đi đoạn hậu. Vẫn xấu xí, vẫn thô kệch nhưng êm ả, nhẫn nhịn, lũ con trai nhà ông Phao Lồ nom khác hẳn hàng ngày. Cả tuần rách rưới lam lũ, lang thang lêu lổng giành giật áo cơm, anh em Hành để dành bộ đồ nom có vẻ tươm tất nhất và bộ dạng có vẻ hiền lành nhất cho buổi sáng ngày chủ nhật đi chầu lễ mixa. Mỗi tuần một lần, lượt đi lượt về răm rắp, không suy xuyển giờ giấc, họ đi dọc các phố giữa sự nhìn ngó. Dân tình trong khu phố dù đã quen mắt nhưng vẫn cứ mãi thấy lạ lùng với cái đám rước của bố con nhà họ. Bọn nhãi chúng tôi thì không một lần nào lỡ dịp chạy bu theo. Chúng tôi cố chọc cho anh em Hành tức khí lên.
- Cà… Cà dái dê, Hành Hẹ Tỏi Mùi trộn vào một chảo…! - Ê ê… Phờ Răng thằng Pháp! Ê… Thằng Mác tỏi tây!
Thu mình lại trong một thái độ cam chịu đầy ngoan cố, bố con nhà họ lặng lẽ bước đi, không nhìn, không nghe. Thằng Hẹ thằng Tỏi có nổi xung lên mà chực xông ra thụi nhau với bọn tôi thì cũng bị Hành ngăn lại. Nhưng càng chịu nhường thì mấy anh em Hành càng bị lũ chúng tôi được thể làm già. Cả khi đã lớn vượt lên, đã ngoài hai mươi tuổi, đã là một chân khuân vác ở Phà Đen, Hành vẫn cứ nhất định khuôn theo cái lề thói công giáo bất đề kháng ấy. Ai trêu chọc khích bác anh, cả gây sự với anh, anh một mực nhẫn nhịn, ra điều bị vả má trái chìa ngay má phải. Càng thế càng hay bị bắt nạt. Và thật là dễ ghét. To xác, vai u thịt bắp mà không chút táo tợn, luôn luôn chịu nhún thì chẳng qua là đồ nhát gan. Không thế mà nổi danh là phần tử chuyên nghiệp đảo ngũ.
Trước khi vào cùng một tiểu đội với tôi, Hành đã hai lần tút. Hai lần nhận giấy gọi vào bộ đội, hai lần chịu đựng những tháng trời nhọc nhằn của khóa huấn luyện tân binh, hai lần được sung vào quân số đi bê, và cả hai lần đơn vị vừa rậm rịch xuất quân thì Hành đều kịp nhẹ nhàng để lại vũ khí, ôm ba lô lặn thẳng một mạch về Hà Nội. Sau khi đã đá sạch quân trang cho bọn con phe, Hành kín đáo lẩn về nhà với một bọc đầy phè rượu thịt biếu ông bố, thuốc lá cho mấy thằng em trai mùi hẹ tỏi và giấy trắng học trò cùng vải hoa cho hai cô em gái. Ông Phao Lồ phải hai lần mang nộp lại bằng Gia đình Vẻ vang, còn Hành thì hai phen bị đưa ra phê phán trước tổ dân phố rồi nhận xuất lao động cải tạo, mỗi xuất ba tháng.
Lần nhập ngũ thứ ba này, đứng giữa hàng quân gồm toàn những đồng đội ít hơn nhiều tuổi nom Hành lạc lõng và nực cười như thể một tay học trò lười liên miên bị đúp. Và mặc dù từng trải hơn anh em những hai khóa tập tành, đến lần huấn luyện này Hành vẫn thứ bét về tất cả các khoa mục. Nhất là về mặt chính trị tư tưởng thì bao giờ anh cũng bị coi là phần tử đội sổ.
Các cấp chỉ huy đặc biệt để mắt tới anh. Chính trị viên Phong giao nhiệm vụ cho tôi, tổ trưởng tam tam và là bí thư chi đoàn đại đội, phải thường xuyên đi sâu đi sát để vừa động viên vừa canh chừng Hành. Hôm tiểu đoàn nhận lệnh xuất chinh, ngay trước lúc lên tầu hỏa hành quân vào Vinh, tôi thú thật với anh trọng trách ấy của mình và tôi đe là sẽ sẵn sàng nổ súng nếu anh giở trò. Hành bảo:
- Tao biết tỏng. Gì mà không biết lão Phong chỉ thị mày kè kè tao. Nhưng tao đã tút thì mười mày với mười lão Phong cũng không cản nổi. Cơ mà phiên gác tối qua tao chẳng đã nói với mày rồi là gì: về thăm nhà thêm lần này nữa thì tao thành ra quá tam ba bận mất rồi. Chỉ thương chúng mày đi bê trúng phải đợt không được hưởng chế độ mười lăm ngày phép. Lại là dịp Tết nhất thế này mới tiếc chứ. Nhưng đừng buồn mày ạ. Cũng đừng sợ tao trốn. Tao không bỏ chuyến tàu tết này đâu. Sẽ cùng anh em đi tới kịch đường tàu, vui hưởng ngày xuân. Mày cứ vững bụng mà kèm cặp tao. Đừng lo gì nhá.
Anh cười. Nhưng tôi làm sao có thể yên tâm. Chuyến tàu quân sự tối 29 Tết dốc toàn lực lướt về Nam, tuyệt đối không dừng lại ở bất cứ ga nào, tôi vẫn ngay ngáy canh chừng Hành nhất cử nhất động.
Nhưng rốt cuộc chẳng phải là tôi đã kèm cặp Hành, mà ngược lại. Nhờ sát cánh bên anh, mạng tôi còn tới bây giờ.
Chỉ còn cách ga Vinh chừng vài cây số thì đoàn tàu chở tân binh lọt vào một vùng đêm đột ngột sáng lòa. Nếu không có Hành xô xuống thì tôi đã vì chết khiếp mà nằm chết dí ở trên toa. Và nếu không có Hành ghìm lại thì trong cơn điên sợ tôi đã bỏ chạy ra giữa đồng trống. Hành kéo tôi ngã ép vào một bờ ruộng. Bom phạt quang quét thành dây, xé dọc cánh đồng. Dứt một loạt bom lại một loạt bom nữa bồi tiếp. Tiếng hú của phi cơ bổ nhào khiến tôi lại lồng lên chực chạy. Hành ghì tôi xuống, đè lên. Anh không ngớt khẩn Chúa để trấn tĩnh mình, trấn tĩnh tôi. Tảng sáng, khi trận bom đêm tạm ắng để soạn chỗ cho trận bom ban ngày, Hành hổn hển xốc tôi dậy.
Hai anh em cùng những người còn đứng được lên chập choạng mò mẫm trên cánh đồng bom lần tìm những đồng đội bị thương. Mặt trời cuối năm một màu máu chui qua sương xám, khói đen và giá lạnh chầm chậm trồi lên. Chốc chốc, trước mặt, sau lưng, lại oàng lên như sét đánh một trái bom bi nổ chậm. Không ai kịp quăng người nằm xuống, cũng không kịp cả cúi thấp đầu, dường như không kịp sợ hãi. Một trái bom nổ tung cách tôi không đầy mười bước chân, tóe bi ra từ góc ruộng. Người lính đi ngay đằng trước tôi nhào sang bên, giơ một cánh tay lên rồi vật sấp. Tôi và Hành chạy xô đến, quì thụp xuống. Người vừa ngã nằm úp mặt trên vũng máu đang rộng loang ra rất nhanh. Lẩy bẩy, tôi lật ngửa anh lên.
- Chính trị viên! - Hành kêu - Giê su ma! Anh Phong bị thương rồi, anh em ơi!
Ôi trời ơi, chính trị viên Phong. Trời ơi. Từ bụng, từ ngực Phong máu phì phì túa ra, áo trấn thủ ướt sũng. Máu chảy ứa cả ở miệng. Kinh hãi, tôi rụt tay lại.
- Lạy Chúa! Mày làm sao thế? Máu anh em mình mà mày ghê à, hả? Mau lên, nhấc anh ấy dậy, xốc lên lưng tao, mau lên! Ôi Chúa ơi! - Hành rền rĩ, mặt tái nhợt.
Trên đầu chúng tôi bầu trời như chợt co rúm lại. Từ biển ập vào hai chiếc A4. Chúng cất tiếng gầm rùng rợn, hú vang, lượn vòng rất hẹp trên cánh đồng.
Cánh đồng chết chóc bị bom đạn đào xới băm vằm trong suốt cả ngày hôm ấy. Chúng tôi rút lui vào những làng mạc gần đó. Tắm táp, ăn uống, nghỉ ngơi, sức lại dần. Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã quá phờ phạc. Gần tối, tiểu đoàn xốc lại đội ngũ, tiếp tục hành quân. Chúng tôi trẩy bộ dọc đường sắt, về phương nam. Mặt trời lặn, gió bấc thổi ù ù. Trong ánh nhá nhem của buổi hoàng hôn năm cùng tháng tận, binh sĩ đi hàng một, dẫm trên đá răm và các thanh tà vẹt giữa hai vệt ray nom như thể đang cùng nhau leo lên một cái thang cao ngất bắc thấu vào trời sâu lạnh giá.
Đi được gần hai tiếng, sau khi vượt qua một con sông, tiểu đoàn bỏ đường sắt, rẽ phải, nhằm hướng Tây. Không khí lạnh lẽo mà lầm bụi. Lệnh chỉ huy cho dừng chân bên đồi. Nhưng chỉ mười phút, chưa kịp ráo mồ hôi mọi người đã lại ba lô súng ống lên vai rào rào đứng dậy đi tiếp. Riêng tôi vẫn ngồi nguyên tại chỗ. Lẩn mình sau lùm cây, tôi đờ đẫn nhìn anh em đang kéo qua trong đêm tối. Không có tiếng nói, chỉ có tiếng vũ khí va chạm lách cách và tiếng chân của người này nối người kia rậm rịch, đều đều. Nhịp bước chân của đoàn quân xa dần, xa hẳn, tắt bặt, tôi vẫn bất động.
Cái ngày Ba mươi Tết đáng sợ nhất đời này thế là đã qua đi, nỗi khiếp hãi nguội dần tuy nhiên không tiêu tan mà rắn lại dường như có thể sờ thấy được. Tôi cắn răng, gắng gượng ghìm mình song vẫn không sao ghìm nổi tiếng rên. Tiếng rên âm ỉ, nghẹt thở, cơ hồ không phải từ cổ họng thoát ra mà là từ một chỗ rò rỉ nào đó của ý chí. Toàn thân rã rời, hoàn toàn suy kiệt, không còn nổi lấy một gờ ram tinh thần, tôi vật mình nằm nghiêng xuống mặt cỏ khô cứng đã ướt rượt sương giá, người co quắp, ngủ thiếp đi, bại hoại cả cõi lòng trong một niềm thương thân hèn mọn.
Tiếng động cơ phản lực đột ngột dội vào giấc ngủ. Tôi rùng mình, ngồi nhỏm dậy. Tôi không biết là mình đã nằm ở đây bao nhiêu lâu. Đơn vị thì chắc là đã đi xa lắm rồi có muốn đuổi theo cũng không thể kịp nữa, và cũng không biết hướng nào mà theo. Chiếc máy bay nhấp nháy đèn, trườn chầm chậm qua bên kia trời và không lượn vòng lại, tiếng động cơ nhỏ dần. Tôi không nhận thấy ngay là đang có một chùm bốn trái pháo sáng treo chênh chếch ở rìa mây. Dưới ánh hỏa châu sắp tàn, một người lính đang rảo bước trên con đường đất gập ghềnh. Tôi nhận ra bóng dáng quen thuộc của Hành. Anh quay trở lại tìm tôi. Anh rời mặt đường, rẽ cỏ tranh đi thẳng tới chỗ tôi núp và không nói gì hết, ngồi xuống cạnh tôi. Gió bấc xiết qua đồi tranh. Bốn bề một vùng mênh mông cô tịch cỏ tranh và lau lách. Một con chó hoang cất tiếng tru thảm thiết, gần đâu đây. Hành moi trong túi áo ra bao Tam Đảo ẩm dượt mồ hôi. Mỗi người mỗi điếu chúng tôi lặng lẽ hút.
Không nghe thấy tiếng máy bay, cũng không nghe thấy tiếng nổ, chỉ thấy phía trời tây nhoàng nhoàng chớp bom. Đạn cao xạ bốn luồng đỏ rực bay tủa lên nom như những chuỗi cườm.
- Không chừng… - Hành lẩm bẩm - Không chừng, lại là tiểu đoàn mình đang ăn bom…
Chếch sau lưng chúng tôi, mạn đông nam, vang lên một tiếng đại bác đơn độc, tiếng vọng lan đi rồi tắt bặt. Nửa phút sau, phát đạn thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư, mau hơn, làm không khí chấn động. Ùng… tiếng nổ đầu nòng tít ngoài khơi, rồi Oàng… trái đạn dập xuống. Mặt đất rùng mình. Âm vang của những tiếng nổ đầu tiên chưa dứt thì những tiếng khác đã tiếp theo, tiếp theo mãi, tràn lên nhau, mỗi lúc một dồn dập. Đang đêm, trọng pháo của Hạm đội Bảy dã man gầm thét, ác liệt đổ đạn bắn tan nát, bắn hủy diệt một cái làng chài nào đấy trên bờ biển Hà Tĩnh.
- Lạy Chúa tôi! Pháo hai lẻ ba ly đấy. Mỗi quả cỡ này có thể xơi tái một quả đồi, - Hành nói, và khe khẽ than lên, giọng khàn khàn - Ôi chao ôi mày ơi, đánh nhau với bọn Mỹ không chết trước cũng chết sau. Chúng nó mạnh ghê người… Nhưng mà nếu bỏ trốn, mày ạ, thì cũng thật là tội lỗi lắm lắm. Mấy lần trước tao trốn về, Cha xứ chỉ mặt tao giữa nhà thờ trước cả trăm con chiên phán là làm trai không đáng nên trai, tự đánh mất linh hồn, tội lỗi truyền đời.
Anh rít mạnh ngụm khói cuối cùng, dùng gót di mẩu thuốc, rồi chậm rãi đứng lên, rằng rặc vặn lưng.
- Thôi dậy đi mày. Đi thôi. Chúng mình tụt hậu quá rồi. Phải nhẩu lên mới hòng bắt kịp được anh em - Anh nói, chìa tay cho tôi - Đưa súng với ruột tượng đây tao mang đỡ cho.
Tôi tưởng rằng mình chẳng còn đủ nghị lực để nhúc nhích nổi thế mà rồi vẫn đứng được lên. Lúc đầu tôi nghĩ sẽ chẳng thể đi được xa, nhất định sẽ rớt lại sau Hành và thế nào rồi cũng sẽ bỏ cuộc. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy mình vẫn bám sát Hành, cùng anh mải miết đi mãi lên phía trước. Thỉnh thoảng chân vấp phải mô đất và vướng trong cỏ dại, ngã bệt xuống nhưng lại lồm cồm đứng dậy ngay.
Cả đêm ấy, trước khi bắt kịp bước chân của đơn vị, chúng tôi chỉ nghỉ chân có một lần trên một mỏm đồi. Hai đứa dừng chân để thở, nhưng không ngồi, đứng tựa vào một thân cây cụt. Bốn bề trời đất bao la song mịt mờ câm lặng, quạnh quẽ và u sầu khiến lòng tôi se lại. Gió bấc đã ngừng táp, nhưng lạnh càng thêm lạnh. Mặc dù đằng xa bom nổ, mặc dù mạn biển pháo hạm từng loạt rền vang, đêm tối chiến tranh vẫn là cả một cõi mênh mông hoang vắng bao trùm miền Trung đất nước tôi. Không đâu thoáng ánh lửa đèn, không hề nghe gợn lên một âm thanh làng mạc. Chỉ những triền miên trập trùng, quả đồi này nhường bước cho quả đồi khác, cánh rừng này tiếp nối cánh rừng khác, vô tận dưới đêm dài. Chợt, Hành lay vai tôi:
- Này. Mày nghe thấy gì không? Nghe thấy không?
Tôi lắc đầu.
- Tai mày sao thế hả? Tiếng chuông nhà thờ đấy. Nghe thấy chưa? Chuông mừng giao thừa mày hiểu không. Giao thừa rồi đấy. Lúc này đây.
Đâu ra tiếng chuông, chỉ có tiếng đại bác ùng oàng. Tôi thở dài.
- Bên công giáo cũng đón giao thừa tết ta à?
- Sao không. Mày hỏi gì lạ thế. Giáo hay lương thì cũng người mình. Như là tao với mày đây này… Nghèo thì nghèo, nhà tao Tết vẫn xôm, bánh chưng, hoa đào, rượu, pháo. Nhà tao đông anh em nên khi giao thừa thế này vui lắm. Từ ngày tao đi làm có tiền càng vui. Chán là lúc này chả có gì mừng tuổi mày, chứ mọi năm ấy à, em tao đứa nào cũng được tao mừng tuổi… Giờ này chúng nó đang nhớ tao phải biết. Mà tao cũng nhớ chúng nó quá. Con Cúc, con Đào, thằng Hẹ, thằng Mùi, thằng Tỏi… Sau này trở về mày bạn với bọn em tao nhé…
Tôi chẳng nói gì. Một mình Hành lan man nói mãi. Dưới chân đồi bóng đêm đặc sương, đi cạnh anh mà không nom thấy anh, chỉ nghe tiếng hai khẩu AK anh đeo trên vai va nhau lách cách, chỉ nghe giọng anh đều đều kể lể chuyện nhà. Chuyện ông bố. Chuyện lũ em.
Tảng sáng, hai anh em đuổi kịp đơn vị.
- Ơn Chúa! - Hành nói, trao lại tôi cái bao gạo và khẩu tiểu liên - May mà gặp mày. Chứ không thì chả biết lúc này tao đã trốn ra đến tận đâu rồi. Âu cũng là ý Chúa. Thôi thì từ nay hai đứa chúng mình cùng nhau vui hưởng chết chóc.
Tôi dệch miệng ra mếu máo cười, đi sát hơn vào anh. Tiểu đoàn trẩy đi như một con trăn dài uốn khúc qua cánh rừng thưa. Bước chân bộ đội in thành vệt xanh lục trên nền cỏ ướt. Chưa chỗ nào ngả sắc hồng nhưng góc trời đằng đông đã bắt đầu trắng ra. Tầng không xám nhợt đã sáng hơn, chuyển dần sang màu xanh lơ. Trước mặt chúng tôi, dường như ngay bên kia vạt rừng săng lẻ, núi non Trường Sơn trùng điệp một dọc không cùng tận đang từ từ nhấc mình hiện dần lên trong vùng khói sương cuồn cuộn và lạnh lẽo của miền tây đêm tối đang sắp đi vào một ngày mới nữa của mùa xuân năm đó nung trời nắng và lửa…
Mùa xuân năm đó đã lùi quá sâu vào dĩ vãng, thế nhưng cái chặng đường khuya mà tôi đã cùng Hành lội ngang qua đất Hà Tĩnh để ruổi theo bước tiến của tiểu đoàn thì tới tận bây giờ dường như vẫn đang đây, trải dài dưới chân tôi, dài xa thăm thẳm về phía trước.
Giao thừa năm nào tôi cũng lắng nghe, cũng chờ mong tiếng chuông nhà thờ. Giao thừa là phút giây lặng lẽ cho riêng ký ức cuộc đời tôi. Đêm trừ tịch đánh thức dậy một chặng đời đã chết từ lâu, làm sống dậy trong tôi mảnh hồn ma gầy guộc mang gương mặt rỗ đậu mùa thân yêu hiền hậu. Hành và tôi, hai anh em, kể từ mùa xuân năm ấy đã sát cánh nhau dấn mình vào cơn cuồng phong lửa đạn và đã cùng nhau nhiều năm trời vui hưởng chết chóc cho mãi tới ngày Hành được cái chết rước đi trong trận quyết chiến ở xứ đạo Tân Cảnh bên bờ sông Pô Cô. Thế nhưng cả sau khi Hành đã chết, Hành và tôi vẫn như hình với bóng. Tín ngưỡng Thiên Chúa của anh không ngăn tôi hương khói cho hương hồn anh. Cho đến hết cuộc chiến, trên cổ tôi không lúc nào rời cây thập ác bằng đuya ra xác máy bay mà khi hấp hối Hành đã gửi tôi mang về Hà Nội trao cho cô em út của anh.
Ông Phao Lồ đã qua đời từ lâu. Họ Trịnh không còn ông và không còn Hành, song đã trở nên đông đúc gấp bội những năm xưa nghèo khó. Cả năm người em của Hành giờ đây đều khá giả, ăn nên làm ra. Họ vẫn chăm đi lễ như sinh thời ông Phao Lồ, và vẫn giữ nếp toàn gia cùng đến nhà thờ mỗi sáng chủ nhật. Chỉ khác là bây giờ họ không lặng lẽ dắt dây nhau cha con anh em chậm rãi khiêm nhường cất bước đi qua trước cửa nhà tôi như thuở nào. Bây giờ, người lớn thì rầm rầm rộ rộ một toán đông xe máy, con trẻ thì ngồi xích lô ghế nệm, sang trọng, là lượt, trẩy dọc phố. Dù vậy, bọn oe con ở phố tôi ngày nay do quen sống một cuộc sống tuyệt đối thờ ơ với mọi sự nên chúng chẳng thiết gì nhìn ngó những người đi lễ.
Những Truyện Ngắn Những Truyện Ngắn - Bảo Ninh Những Truyện Ngắn