Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Chương 13
N
hững trận bom và báo động suốt đêm đã làm cho thành phố thức sớm hơn thường khi.
Đèn đường vừa tắt, sương mù còn trắng từng quãng, đã hối hả trong những tiếng mơ hồ, rập rờn. Từ cầu phao lên, một đoàn xe tải còn đèn gầm, đọng vũng ánh sáng di chuyển dưới lòng đường. Tiếng rồ máy đã xa, phố lại tíu tít gió xe đạp. Một ngày thành phố thực sự bắt đầu từ lúc còn mù mịt sương.
Anh bán báo đã đến ngã năm. Anh đứng bán ở ngã năm từ thuở nào ít ai để ý, dù mỗi ngày đi qua nhiều người vẫn mua một tờ. Từ hôm Mỹ ném bom trở lại, anh bán báo được chờ đón đến suốt cả ruột.
Cái xe đạp tà tà vào bờ hè. Đống báo chất cao ngang lưng, kèm hai bên hai túi to. Xe thồ báo thơm hắc ấm mùi giấy mực vừa ở máy in ra. Người đi đường theo đến chỗ bờ hè ấy thì dừng lại - đã biết thế. Anh vừa ghếch xe, người ta xúm xít. Anh Bốn đã gầy, mấy hôm nay càng sạm đi, râu trổ lủa tủa. Hai con mắt đỏ đọc, nổi tia máu. Nhưng nhanh nhẹn, thoăn thoắt hai bàn tay rút báo.
– Cho tờ Quân đội Nhân dân.
– Tờ Nhân dân.
– Có Hà Nội mới chưa?
– Hôm nay có Văn nghệ chứ?
– Tờ Thể dục Thể thao, anh ơi!
Anh rút báo tới tấp. Đôi chốc, ngừng lại, anh nói tin, đọc từng đoạn báo. Từ nơi lấy báo ở phố Tràng Tiền về đây có một quãng đường, anh đứng chỗ nào mà đã đọc, đã thuộc trước nhanh thế.
Tiếng anh sang sảng, dõng dạc:
– Bộ ngoại giao ta họp báo tại Câu lạc bộ Quốc tế, đã đưa năm giặc lái B.52 bị bắt sống ra trình diện phóng viên báo chí trong nước ngoài nước.
Những người mua báo, có người vội đi, đã nhét tờ báo vào túi, còn rốn lại nghe. Có người đứng nhích ra phía chân cột đèn, đọc vội hàng tít lớn, tít nhỏ rồi còn quay lại. Đọc bằng mắt những tin hạ máy bay chưa thỏa tai, chưa chắc chắn bằng nghe anh phát hành báo nói. Người bán báo đã thành người phát tin hè phố, say sưa và hùng hồn những tin sốt dẻo, suốt đêm bây giờ mới được biết.
– Cho tôi tờ Nhân dân.
– Hà Nội mới có chưa, hôm nào Hà Nội mới cũng ra chậm nhỉ.
– Quân đội Nhân dân... Quân đội...
Sáng sớm, bác Vạn thả cái xích lô ra đường. Xe tối qua đi về để vào giữa nhà, ngay ngắn cẩn thận ngang chỗ với cái tủ chè khảm xà cừ mà ít ai để ý, đã ám bụi mốc thếch. Có khi cất cả thức ăn vào tủ chè như gác măng–dê. Cái xe xích lô bây giờ giá trị hơn cái tủ chè năm trước mua của người đi Nam bán vứt đi. Tủ chè ấy không làm được ra tiền như cái xích lô đã nuôi được cả nhà bác - bác vẫn nói đùa: hai vợ chồng và một lũ tàu há mồm. Bác có anh con lớn đương học đại học y sơ tán ở Hà Bắc, ba năm nữa con bác ra “đốc tờ”.
Bác Vạn nhô lưng lên, hai chân quay tròn, đều như đạp guồng nước. Đương đạp hăng, bỗng sững lại. Bác nhảy xuống, xông vào đám người quanh anh hàng báo.
– Tớ một tờ Quân đội.
Bỏ báo vào thùng xe, lại đạp phóng ra ngã năm. Tưởng đi tập trung tổ xe khách thế nào, lại dừng lại, vào hàng cắt tóc. Hợp tác xã cắt tóc cũng mở cửa sớm, tránh báo động. Những nhát kéo tóc tách, áo lui trắng quanh dưới ánh điện.
Bác Vạn ngồi đườn vào ghế, nhắm mắt, ngáp rồi bô bô nói:
– Mỗi đêm râu tóc mọc ra đúng một đốt tay, um cả lên.
Anh thợ cắt tóc, tay đưa cái lược cái kéo cùng mọi thứ chuyện cứ rả rích trên đầu.
– Đi làm sớm thế, ông?
– Cũng như các đằng ấy thôi. Rồi còn phải mở cửa hàng từ gà gáy ấy. Trông bách nghệ bách nhân đương tấp nập ngoài đường thì biết. Giờ này những thằng bỏ mẹ ấy còn ngủ. Tây nó dậy muộn lắm, ta mới làm ăn được chứ.
– Bây giờ nó đương uống cà phê.
– Phê phung gì quân mất vía! Cứ trông mấy thằng bị bắt hôm xẩm tối dẫn qua đây thì biết. Mặt bệch ra cắt không còn hột máu. Giờ này ấy à, còn chắp tay nhắm mắt a-di-men dê-su-ma, hỏi chúa xem chốc nữa phải đi liệu có còn vác xác về hay là ngóm ở đâu.
– Ông này đi báo cáo thời sự ở câu lạc bộ Đoàn Kết thì vui đấy.
– Mỗi ngày một tờ Quân đội để đâu!
– Ông ra ga đón tàu sớm về à?
– Tổ xe khách chúng tớ bây giờ trực chiến là chính.
– Thế là thế nào?
– Cứ lượn lờ đâu cũng được, hễ nghe còi ủ thì về địa điểm tập trung. Bom xuống, ban phòng không cho lệnh đi tải thương.
– Đã đi chuyến nào chưa?
– Ối giời, hỏi thế thì toi tiền đọc báo. Cửa hàng này mỗi ngày mua mấy tờ báo? Báo nói ầm lên, cả ảnh nữa. Hơn mười trận rồi. Nhạy hơn ô tô tải thương. Hầm sập trong ngõ ngách thế nào xe chúng tớ cũng lách vào tận nơi được.
– Người bị thương, mà ngồi như mình ngồi ấy à?
– Không, có cáng đàng hoàng. Lật ghế ngồi lên, kéo ra, bắc hai gióng ngang, thành cáng. Mưa nắng thì giương mui, che cánh gà. Kinh nghiệm xương máu rồi.
– Báo đăng tổ xe khách khu Hai Bà xung kích tải thương. Ông tưởng bọn này không xem báo à. Chúng tôi còn biết cả thành tích của các anh Nha, anh Gạch, anh Ngạt, anh Hiệp, xích lô cứu sập tải thương ở Mai Hương, ở Thanh Trì...
Bác Vạn im một lát, rồi nói đều đều không ra cãi lại, nhưng tự tin và thấy mình thắng:
– Ờ ờ thế tớ có phải khu Hai Bà đâu mà cũng xung kích tải thương, ra vào mười hai trận cả thảy. Biết không, xích lô toàn thành ra trận. Cái anh nhà báo viết không rõ, làm các cậu tưởng chỉ có xích lô khu Hai Bà.
– Ta giỏi thật ông Vạn nhỉ.
– Cái thằng Ních cũng cáo lắm. Một ngày một đêm bây giờ nó chỉ để hở có lúc này. Mình phải đổi lệ làm ăn.
Ngoài đường, sương còn lờ mờ, nhưng đã trông rõ được cảnh rộn ràng hơn.
Những chiếc xe bò đủng đỉnh lên dốc đê tải cát cho xưởng thổi thủy tinh Khâm Thiên. Ra bãi lấy cát từ nửa đêm, bây giờ được cát về. Mỗi xe, cát vàng vun cao, cắm một cái xẻng giữa đỉnh.
Những xe đạp thồ qua cầu phao Bác Cổ. Từng tải hành củ trắng nhễ nhại. Những bó cải Lạng Sơn to búp để muối dưa. Những sọt xu hào xanh phấn, đã sang tới đường nhựa.
Chợ Bắc Qua ở đầu cầu, không còn là chợ đổi vai cho người buôn từ nửa đêm về sáng như mọi khi. Các ngã năm, ngã bảy, từ ngã tư Trung Hiền lên ô chợ Dừa, từ vườn hoa Pátxtơ xuống Ngã Tư Sở đâu cũng thành những nơi mua bán chớp nhoáng. Cái chợ cỏ và cẳng ngô tươi cho bò, cho thỏ, cho chuột bạch, mọi khi ở Cột Đồng Hồ, bây giờ dịch xuống sau lưng Nhà hát Thành phố. Lố nhố người từ ngoại ô quảy gông cỏ vào từ mờ sáng.
Còi báo động nổi lên giữa lúc ấy. Không kịp nghe cả tiếng cô phát thanh mọi khi “đồng bào chú ý”.
Anh thợ cắt tóc cởi phăng áo choàng, lồng băng đỏ lên tay áo, với chiếc mũ sắt để trên giá gương, úp vào đầu. Xong đâu đấy, lại nâng con dao cạo, tiếp tục làm.
– Còn sửa một vành, ông ạ.
Ngoài đường, tiếng còi rít loạn lên. Những anh thợ khác trong hiệu không vướng khách đã chạy ra, đứng giữ trật tự. Cả cửa hàng cắt tóc này là một tổ dân phòng.
Anh thợ bảo bác Vạn:
– Hay là ông ra chỗ tôi đứng làm nhiệm vụ. Nốt một tẹo thôi mà.
Bác Vạn cởi nút vuông vải choàng cổ:
– Thôi, tớ cũng phải đến tập trung. Chiều về cạo nốt vậy.
Rồi, cứ cái đầu mới đưa tông–đơ được một mé trăng trắng như thế, bác Vạn phốc lên xe, một tay vòng khoành lên, lồng băng phòng không vào tay, chân đạp vòng vòng qua ngã năm. Dân phòng, phòng không các phố không đâu dám huýt còi bác Vạn, cái xích lô đã hóa ra xe xung kích cứu thương rồi.
Tiếng bom rền từ phía tay trái. Lại đầu ô, lại khu An Dương, nhà máy điện Yên Phụ... Người thành phố đã luyện được cách phân biệt tiếng súng tiếng bom. Động tai là súng, rợn chân là bom, rồi bom hướng nào, chẳng phải đứng trên cao như ban chỉ huy phòng không mà cũng đoán ra được cả. Chỉ có mỗi một lần hôm nọ, giữa trưa, máy bay Mỹ đùng đùng vào ném tan tòa nhà chính của đại sứ quán Pháp, thì không ai đoán đúng được. Thấy bom giữa thành phố, tưởng nó lại đánh ga Hàng Cỏ hay nhà Bưu Điện, trụ sở Ủy ban thành phố, đền Ngọc Sơn - chẳng người nào nghĩ ra nó choang chỗ ấy, Tây lại choảng Tây.
Bảng ở nhà máy về, dắt xe đạp men bên tường. Cách của mấy anh thạo “tranh thủ” luồn đi lúc báo động. Chỗ nào dân phòng huýt còi, Bảng đứng lại. Một lát, lại lần đi, thế là không ai nói gì. Chỗ vắng dài dài, Bảng phóng đến tận ngã năm.
Có gì đâu, Bảng đương buồn ngủ đến lử cả người. Suốt đêm, - tổ Bảng chuyển một bộ phận máy đến nơi khác trong thành phố. Bộ phận ở lại, tranh thủ điều kiện điện. Nhưng lần này, trên nhận định địch có thể nện lung tung, dù phân xưởng đã có sáng kiến dỡ trống hốc tất cả các mái tôn, cho cái nhà máy giả chết. Nhưng cẩn thận, bây giờ cứ phải dọn đến địa điểm khác. Nhà máy cũng phải du kích với địch.
Dỡ máy, ô tô chuyển rồi khiêng vai, đòn bẩy và xích trượt rê vào, lại lắp ngay cho ca sáng làm. Đến đợt báo động ba giờ, đương lắp máy. Thành phố tối om. Sáng bom, tên lửa và các cỡ pháo bên kia sông hắt sang, ghé ánh chập chờn ấy mà làm. Đến tảng sáng, vừa xong. Ra làm bát mì bồi dưỡng, có anh rõ ràng tay cầm đôi đũa mà rơi một chiếc lúc nào không biết.
Bảng đẩy cửa vào nhà. Bố đã ra trụ sở. Cháu Nam nghe tiếng người, tưởng ông về, thụt vội xuống hố. Rồi lại ló đầu lên, reo:
– A chú Bảng! Cô Nhiên đâu?
Theo thói quen của mọi người bây giờ, Bảng nói to:
– Xuống hầm! Xuống hầm! Nó đương bom, không nghe tiếng à.
Rồi, chẳng biết cháu vẫn ở dưới hầm hay lại nhò lên. Bảng dựa xe vào tường, lăn uỳnh xuống giường. Tiếng bom dội lại nhưng xa xa, thưa thớt. Trong nhà, đã vang tiếng ngáy khò khò.
Bảng ngủ lâu thế nào, mấy lần báo động, mấy lần bom nữa, không biết. Một lần, Bảng giật mình vì tiếng bom - hay tên lửa phóng gần quá, như ngay đầu phố. Bảng nhỏm lên bây giờ nghe rõ hơn tiếng máy bay. Tiếng súng các góc tường vang lại chan chát, không biết phía nào.
Bảng đứng dậy, thấy Nam vẫn nhấp nhỏm, đương ghé mắt mấp mé miệng hố, im lặng nhìn chú. Nó sợ chú lại đuổi xuống hầm, mặc dầu đã ở dưới hầm rồi. Nếu chú quát thì phải ngồi, không được đứng.
Bảng bước ra, mở cửa.
Những tiếng ì ầm đã vẳng xa, thành phố lại rờn rợn im. Có lẽ vừa rồi có trận không chiến. Máy bay ta đuổi, tiếng vang động rồi mất hẳn. Những người thạo đoán nói từ hôm kia, máy bay ta đã lên mấy trận. Cứ khi nào không nghe tiếng cao pháo, đấy là có máy bay ta xuất trận - các anh ấy nói thế. Gió thổi hun hút đầu tường, lộ một mẩu trời xanh nhờ. Không có nắng, không biết đương lúc nào trong ngày.
Bảng trông đồng hồ báo thức trên tủ rồi lơ đãng nhìn ra, hỏi cháu:
– Nam à... Nhà thổi cơm chưa?
– Chưa.
– Thế thì lên thổi cơm. Hơn mười hai giờ rồi.
– Đương báo động chú ạ.
– Mặc xác nó. Tao đói quá rồi.
Nam lồm cồm trèo khỏi hố, bụng khoái như chui trong cái lồng ra, rồi ngồi ngay nắp hầm, hóng mặt đợi chú sai.
Chú hỏi:
– Nhà có gì ăn?
– Có trứng.
– Lấy gạo, chú vo cho.
Chú Bảng ngủ từ sáng, kệ báo động, Nam đã thích. Bởi Nam được chơi quanh quẩn. Thỉnh thoảng, thấy chú ngáy to, tưởng chú thức, lại trèo xuống hầm. Bây giờ chưa còi yên mà lại đi lấy gạo, ra nhóm lửa. Ông chưa về, không biết đấy.
Tiếng còi trả yên thả dài trên thành phố lô xô những dãy nhà một tầng thấp, rêu phủ đen mái có những giàn hoa lí, những cây chanh, cây hoa mộc trồng chậu đặt trên sân thượng vào mùa hanh hao mà vẫn tươi lá - chủ đi vắng, có thể người ở phòng bên tưới nước hộ, những cái mái lợp phi–brô xi–măng trắng hay những miếng giấy dầu đen nhoáng, cạnh cửa sổ vải hoa treo giò phong lan tai trâu xanh dày - nhà này mới thêm một cặp ở riêng trong cái gác xép vừa lai thêm.
Tiếng báo yên, những tiếng yên lành theo làn gió bấc ngoài sông Hồng thổi vào, thênh thang trên những vòm cây sấu, cây nhội, cây cơm nguội, cây đa, cây đề cao cao khiến như các đường phố, nhà cửa càng ẩn mình thấp nhỏ lại.
Bác Tặng bước vào.
– Con về đấy à? Ôi dào, còi liền, không kịp cơm nước gì. Nghe tình hình thế nào không?
– Trên phổ biến nó mà bị rơi thế này, cũng chịu được vài đòn nữa thôi. Mỗi cái B.52 bằng tiền làm một nhà máy hiện đại. Thành phố đã hạ của nó mười mấy cái nhà máy tối tân rồi.
– Thằng cụp xòe cũng gớm.
– Cái F.111.
– Thằng này chỉ biết cắn trộm.
– Trên đã có kế hoạch đón lõng nó rồi, bố ạ.
Cơm vừa chín. Bảng lấy cái xoong con, rán trứng. Nam đã nhanh nhảu ra chạn bát, hạ chiếc mâm nhôm giắt ở khe tủ đựng thức ăn.
Một lát, cả nhà đã ngồi vào mâm. Chú cháu đói ngấu nghiến, nhai nhồm nhoàm. Cơm nóng và trứng rán bốc khói.
Bảng nói với bố:
– Con lại đi ngay bây giờ.
– Làm ca à?
– Kiểm tra máy di chuyển đêm qua.
– Địa điểm mới à?
– Đợt đi bộ đội của nhà máy hoãn rồi, bố ạ. Thành Đội đã thảo luận với các nhà máy, thành lập những đại đội công nhân chiến đấu. Được trang bị súng 37, chuyên đi phục kích rình chọc tiết thằng F.111 tầm thấp. Nhà máy chọn con rồi. Từ tối nay con tập trung, ở ngay công sự, vừa tập vừa chiến đấu luôn.
– Ờ.
Đêm trước, Bảng đã nói với bố việc Bảng đi bộ đội. Bác Tặng mới hiểu thêm cái ý tứ nó muốn cưới vợ. Bác Tặng nghĩ bùi ngùi khi biết con sắp đi xa mà lại chạnh nỗi nhà hiu quạnh. Bây giờ, Bảng ở lại.
Bác Tặng lại thấy vui vui:
– “Cháu Bảng sắp đi nghĩa vụ quân sự” - bác Tặng đã kể ở trụ sở. Có người nói: bác nên đề nghị trên. Bác Tặng nói: trai tráng thời chiến, các cô các cậu ấy có cái chí của các cô các cậu ấy. Bác cũng không hỏi xem Bảng đi nghĩa vụ hay Bảng xung phong. Trong công tác và đối với xã hội, bác Tặng không ngần ngại và tính toán nhiều.
Bây giờ, con chưa đi, bố lại thấy yên lòng và vui một nhẽ khác.
Bác Tặng nghĩ thầm: ừ ở nhà, ở nhà thì cũng vẫn tổ chức cưới đấy, anh ạ. Nghĩ vui thế rồi, nhưng bác lại cảm thấy nhà mình vắng. Lắm khi bần thần cả người. Nhất là lúc chập tối, ngoài đường người đi làm về bộn rộn qua, nhà mình cứ như còn thiếu ai chưa về - dù đã mấy năm, cứ nghĩ tránh đi thì thôi mà không thể nguôi được. Những việc quanh mình, bao nhiêu bề bộn không cho bác vẩn vơ nhiều. Bác nghĩ vui: cứ bảo nó tổ chức, đã định làm rồi mà.
Bác Tặng bảo Bảng:
– Bây giờ được cái hơn là ở gần, nhà đỡ vắng. Còn việc của con với cái Nhiên thì bố thấy các con cứ bình thường.
Bảng cười. Cái điều Bảng định hỏi bố đã nói rồi. Bố lại có ý giục “Nhà đỡ vắng...” Mấy lâu quả tình Bảng không để ý việc nhà. Nhiều khi về, kềnh xuống giường, cái chiếu gấp ngang giữa lưng cũng cứ thế nằm, lúc trở dậy lại để vậy đi, cái gối rơi xuống đất không biết. Đôi lúc, quét nhà xong không rõ để chổi quét nhà ở xó nào. Quần áo thay ra, bỏ đống, còn nói gì đến đỡ bố giặt áo cho cháu Nam. Đấy mới chỉ là những lặt vặt mà cũng chẳng biết ý tứ. Bao nhiêu việc đã lơ là như thế. Từ khi mẹ chết, chị Việt chết, cháu Nam thui thủi, bố quạnh quẽ, Bảng biết xót xa nhưng chưa biết lo liệu ngọn ngành công việc thế nào. Bây giờ bố bảo cho mà biết đấy. “Các con cứ tiến hành...”.
Bảng thấy trong lòng bồng bột, vừa quý vừa thương bố. Lấy nhau rồi, Nhiên về đây, đón bà về ở cùng cho vui. Thế là nhà đỡ vắng. Hay là dọn xuống ở cả nhà Nhiên dưới bãi Giữa. Bà Nhiên chỉ mong thế. Bố đã xuống chơi nhà Nhiên, bố cũng tấm tắc: giữa đất Hà Nội mà có cảnh làng xóm sông bến, vườn rau, chuồng lợn chuồng gà thế này, hay thật.
Cơm xong, Bảng lại lật đật dắt xe đạp đi. Vừa xuống đường, khoái trí, nhảy dựng cả hai chân, phóng luôn.
Đến chiều, kiểm tra xong máy, cũng vừa tan ca. Bảng đi đón Nhiên. Vừa bồn chồn, vừa vui. Thế là bố bảo phải cưới ngay. Một câu nói mà cuộc đời như tới trước cánh cửa đương mở. Bảng chưa nghĩ được ra. Mấy hôm nọ, cứ nói: tuần này... tuần này tổ chức... Nhưng cũng chưa nghĩ rõ ràng ra tuần này thế nào... tuần này...
Hai người xuống công viên Thống Nhất.
Qua phố, trông xuống ga Hàng Cỏ mới bị bom trưa hôm trước. Giữa hai hàng nhội, như sáng hơn mọi khi. Tòa nhà ga giữa treo chiếc đồng hồ to bằng chiếc nia đại đã bị bom đánh rơi. Con đường chống chếnh một lỗ hổng không quen mắt.
Bảng nói cho Nhiên biết bố bảo thế. Bây giờ bàn nhau làm gì trước làm gì sau. Đã ra tới công viên lúc nào, không biết.
Phía hồ Bảy Mẫu quang cảnh khác năm trước. Bây giờ vườn lô xô lẫn lộn những bạch đàn, bằng lăng, phi lao, suốt ngày như cái chợ con của khách đợi tàu xe bến Kim Liên và ga Hàng Cỏ. Hàng nước chè tươi, quán chè chén, gánh miến dong giềng, gánh rau muống, có khi cả một mẹt sụn vó bò người ăn chấm tương ớt cùng với can bia rót ra bát. Anh thợ cắt tóc đã ra đây, đóng chiếc đinh mười lăm phân lên thân cây phi lao, treo tấm gương rồi bắc cái ghế chéo. Khách đến, quàng khăn mặt in hoa vào cổ, làm ngay.
Chỗ này không phải chạy tàu bay. Vòm lá che trên đầu khiến người ta yên trí. Lần nó bắn bệnh viện Bạch Mai, gần quá, mấy bà bán miến, bán cơm nắm núp ngay ra cạnh quang gánh. Các bà hét anh cắt tóc dỡ cái gương úp xuống cỏ. Tiếng máy bay rít ngay trên mặt hồ. Bỏ bom đến nơi. Người nằm trên cỏ chửi om lên. Oàng! Oàng! Khói bụi mù. Có người nhảy xuống nước, sắp hụp cả áo bông. Bom rơi góc hồ đàng kia, chỗ nhà thuyền. Đến lúc khói bụi tan, không còn thấy cái nhà lợp gỗ mọi khi vẫn bán bánh tôm và bia hơi. Mấy người sợ không dám đến bãi chỗ ấy nữa. Nhưng chỉ vài hôm, lại quên, những người khác không biết, lại tấp nập đến.
Bảng và Nhiên ngồi tựa một gốc cây bằng lăng. Cái chợ ban ngày, đến chặp tối đã hóa bãi khách chờ tàu đêm. Các chuyến tàu Phủ Lý, Nam Định, Vinh chạy đêm, không khởi hành trong ga. Nhà ga hẹn khách mua vé lên đợi ở ngã tư Vọng. Bên Gia Lâm, người đi tàu ngoài ga Yên Viên, cách một hai ki-lô-mét. Xung quanh ga Hàng Cỏ, không ai đến. Vé bán các đường phía nam, mua rồi ra ngồi công viên Thống Nhất đợi tối. Không ai hẹn, người ta tìm nơi bóng cây xanh đến. Người nằm ngồi trong cỏ, đắp chăn ngủ hờ dưới gốc cây, chốc nữa, đến khuya, sương ẩm tê hai vai.
Bảng và Nhiên cũng như hai người đi tàu ngồi công viên đợi. Thành phố càng lặng lẽ, ánh điện càng sáng trắng. Phía mép nước bên kia, có tiếng máy nhẹ nhẹ vi vu. Người ta bảo đấy là một bộ phận nhà máy đóng tàu Hải Phòng đã du kích lên. Vòm sương và bóng tối êm đềm trên thành phố. Không một vẻ gì cho ai nghĩ có thể chốc nữa hoặc khi nãy có tên lửa, có báo động, có bom xuống đây. Cũng không ai biết đấy là nhà máy chế vũ khí phá mìn phong tỏa cảng.
Câu chuyện Bảng đã nói từ lúc Nhiên còn ngồi sau xe, Nhiên thích hỏi lại, thích nghe tiếng Bảng nói lại:
– Bố bảo thế nào?
Bảng lại trả lời hệt câu lúc nãy:
– Bố bảo chúng mình cưới.
– Cưới phải thế nào nhỉ?
– Một là về nói với bà.
– Dễ rồi.
– Viết giấy mời bạn bè hai đứa.
– Việc này ngượng đấy.
– Chúng mình lên một danh sách.
– Anh thạo nhỉ!
– Bố đã bảo báo tin mừng đa phần. Không tập trung quá số người ban phòng không quy định.
– Cưới ở nhà hay phòng cưới, bây giờ còn phòng cưới chứ?
– Phòng cưới đóng cửa rồi. Rồi định ngày cưới.
– Ngày cưới phải hỏi bà đã. Không biết bố thế nào chứ bà thì hay chọn ngày, kiêng ngày, ngày lẻ ngày chẵn, tốt xấu đầu tuần cuối tuần giăng thế nào đấy.
– Có việc quan trọng, suýt quên. Đi đăng ký.
– Hai đứa phải đi cùng thì dơ dơ là.
– Có lẽ một người cũng được.
– Thật thế không?
– Đoán thế. Phải đi hỏi.
– Bao nhiêu việc mà cứ nhớ ra từng việc thế này thì cả đêm không hết. Thôi để về nhà bố xếp “chương trình” cho.
– Ờ, các cụ có kinh nghiệm.
– Bàn từ chặp tối lại xóa đi, rõ con voi cái vòi đi trước.
Hai người cười nắm vai nhau đứng dậy.
Không biết mấy giờ, chỉ thấy trời tối và lạnh, tóc đã ẩm. Một chuyến tàu về qua bên kia hồ Ba Mẫu. Tiếng còi lanh lảnh trong tiếng máy hùng hổ lung lay bóng tối. Tưởng tượng đoàn tàu vươn dài vút theo tiếng còi vào thành phố.
Bảng đèo Nhiên về.
Tiếng còi báo động giục giã trên bóng đoàn tàu chuyển động như trướt theo.
Tiếng oàng oàng nã lên giữa tiếng rít xé ngang vòm trời đen kịt. Hai đứa đứng tránh vào chỗ mấy cây đề góc hồ đằng này.
– Phải thằng cánh cụp cánh xòe không, anh?
– Nó đấy.
– Chưa đi đại đội tập trung mà đã thạo nhỉ?
– Em cũng biết cơ mà.
Tiếng cười rúc rích.
Hai người đi lần lên đến bờ sông.
Khi Bảng một mình trở lại đến gần ngõ nhà, mới còi trả yên. Loa phóng thanh mắc trong vòm cây, cột điện các ngã ba ríu rít tiếng nhạc đài Hà Nội đương giờ ca nhạc. Ca sĩ Kiều Hưng tiếng ấm hơn trong đêm.
Đêm vắng, cô phát thanh nói giọng Sài Gòn ngọt ngào, vang càng xa. Cả cái hiệu tút tút chín giờ cũng nghe rõ hơn thường ngày. Trời hanh khô, tiếng động vỡ ra khác đêm thường.
Bảng về qua nhà, định nói với bố rồi mới đến địa điểm tập trung. Ban phòng không của phố còn ngồi đấy. Mấy người lố nhố quanh cái bàn nhỏ bác Tặng đặt quyển sổ tay to, đã choán một góc.
Buổi họp nào cũng chồng chất việc đọc đầu mục rồi thêm vào, dài đến phát sợ, lại phải khoanh cho dứt điểm.
Bác Tặng nói:
– Trên có công văn về nói tình hình địch đánh phá thế này, công việc cuối năm thêm ra nhiều, việc nào làm trước được phải làm sớm cho kịp. Diệt chuột thì để tuần sau cũng được. Có thuốc về trộn mồi, y tế vệ sinh cứ làm như mọi khi, khỏi phải bàn. Bây giờ về cứu tế. Tết sắp đến, trên cho con số từ ba đến năm, mở rộng hơn năm ngoái. Nhưng phải xem lại phố ta có ai khó khăn phải cứu tế, có hay không có và có thì bao nhiêu. Năm kia không có ai. Năm nay sơ tán triệt để, ta cứ dự kiến đã.
Tuyển nói:
– Cứu tế đặc biệt trong dịp Tết thì tôi thấy chỉ có ông Bôi kém mắt.
Bài nói:
– Trên cho tối đa năm người, nhưng không vì thế mà cứ cộng bừa cho đủ.
Bác Tặng nhấc bút máy, từ từ ghi Nguyễn Văn Bôi tổ 3 vào đầu trang, rồi lại thong thả nói:
– Ta xem từ hôm sơ tán khẩn trương, liệu Tết này nhà ai khó khăn đột xuất.
Tuyển nói:
– Cho mục cuối nhé. Còn tranh thủ mà ngủ. Yêu cầu đồng chí Tặng, trên cũng nhắc, cán bộ có tuổi phải sang diện sơ tán. Mọi việc bác cứ giao anh em chúng tôi.
Bác Tặng cười rồi nói to:
– Tôi còn công tác, chưa đi được. Mà để còn nghe xem.
Bài nói, như giải thích:
– Mấy năm trước, dân đi sơ tán tứ phương, mình chỉ có vận động. Bây giờ đến mục thực hiện phương án 2, vét bằng hết hàng phố đi, tạo điều kiện tàu xe chuyên chở về một vùng, phải có người lo.
– Đã cắt về đấy cả thảy tám vị tổ trưởng, tổ phó.
– Tinh thần bác thì rất hoan nghênh, bác về chỗ sơ tán cũng nhiệm vụ công tác.
Bác Tặng nói, như nói thầm:
– Các ông nghĩ cũng phải, ở đâu cũng là công tác.
– Việc bổ sung khoản di biến động đến 0 giờ ngày khóa sổ tem phiếu, mai bác tính nốt. Báo động cũng ở nhà làm, đừng ra.
– Xin chấp hành ý kiến của trên.
– Đồng chí Tuyển phó ban thay bác ở đây, bác về chịu trách nhiệm trong sơ tán.
– Nhưng mà tôi mới chỉ chấp hành được một nửa.
– Thế là thế nào?
– Tôi cho cháu Nam về trước. Con trẻ còn ở đây mình cũng áy náy.
Rồi bác Tặng cười xòa:
– Khuya rồi, ngả lưng một tí, không có nó lại đến quấy bây giờ.
Ngoài đường, những cơn gió lùa lên các cổng trống vào ngõ sâu. Mỗi lúc ngớt gió, lại nghe quèn quẹt tiếng chổi đầu phố - ca đêm của các chị quét rác đã bắt đầu. Lá xà cừ, lá sấu cứ cái mọc cái rụng, xào xạc cả đêm. Đống rác của các nhà làm tổng vệ sinh đã vun lại thành gò, phải hót đi, như mọi đêm. Bà phụ trách y tế vệ sinh vừa lên khu báo đội sửa chữa về xem số nhà đầu phố có hơn chục hộ mà hố xí hai ngăn sụt tầng nắp. Dù người đi sơ tán, cũng phải chữa cho kịp thời. Còn ai ở nhà cứ giữ vững giờ giấc tổng vệ sinh trong nhà ngoài vỉa hè, chặp tối thứ bảy.
Tiếng lạch xạch cánh gà xích lô từ ngã năm vào. Tuyển và Bài đứng lại trên vỉa hè, nhìn ra. Bác Vạn đi làm về. Cái xe lướt qua vùng ánh sáng ngọn điện trên dây giữa ngã năm đường chao đi trong làn muỗi và gió. Nhưng cũng đủ trông thấy bác Vạn đủng đỉnh, lắc lư đạp xe không. Quần xắn lên, từng vấu đầu gối bóng nhoáng thong thả dấn xuống. Cái má bê đan gỗ quay cót két. Tưởng người vừa đạp vừa ngủ gật.
Bác vạn hỏi to:
– Các ông đi tuần à?
Tuyển hỏi lại:
– Về khuya thế. Đi cắt nốt cái tóc ban sáng chưa?
Bác Vạn cười hề hề, sờ lên một bên đầu:
– Cũng quên rồi. Thôi tháng sau cắt nhân thể.
Bác Vạn dừng xe lại, ghếch một chân lên ghi đông:
– Mình về từ lúc chưa chín giờ. Các ông ở nhà có để ý lúc thằng F.111 sà xuống. Nó bỏ bom đầu ô đấy. Vào xóm chân đê ở An Dương. Thế là cả bọn quay lại. Tôi đưa xuống Việt Đức một cháu bé gãy chân, chỉ trạc mười tuổi, như thằng cu nhà tôi. Tội quá, thương quá.
Bác Tặng đứng trong cửa nhìn ra. Bác thấy cho Nam về sơ tán ngay là phải.
Lại báo động. Tiếng còi trong giá rét cứ sắc rợn. Bác Vạn nhảy xuống, lật thùng xe lên, lấy hai cái gọng kéo mắc xuống sàn xe, mặt xe hóa ra cái chõng.
Bác Vạn quay xe lại, vừa ngáp vừa lẩm bẩm:
– Quân này nhắng thật!
– Lại đi đâu?
– Trực chiến chứ còn đi đâu!
Rồi nói một mình:
– Mà cũng chàng làm gì được ông. Ông vẫn ngủ cho mà xem.
– Ngủ đứng à?
– Không ạ, trong thùng xe tôi sẵn chăn, lại sẵn cả một “góc” nữa. Giương cánh gà lên, kéo cái chăn, rồi làm một tợp. Kém gì Tây uống say nằm giường Hồng Kông. Bom rơi chỗ nào thì đạp đến đấy thôi.
Khà khà khà... Tiếng cười khàn khàn trên đường vắng.
Sáng tơ mơ, ông bán báo, gầy rạc, râu tóc đen sạm, đến ngã năm ghếch xe đạp, trịnh trọng đọc to một lô tin mới, trước khi bán báo cho đám người đã xúm quanh.
... Mỹ ném rải thảm dọc sông Hồng, khu lao động An Dương, nhà Bác Cổ, khu tập thể Lương Yên, bệnh viện Bạch Mai, trường Kinh tế Tài chính, Đại học Bách khoa... Bốn máy bay B.52 phải đền tội...
– Cho tôi tờ Quân đội Nhân dân!