Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 10: Chức Và Tước
C
hức và tước là hai thứ khác nhau. Chức là thứ được xác lập trên cơ sở năng lực; tước là thứ được xác lập trên cơ sở công trạng. Thế nhưng người Việt chúng ta lại cứ nói gộp làm một là chức tước. Đây là một sự nhập nhèm cố ý, vì trong cuộc sống mối quan hệ giữa hai thứ nói trên cũng khá nhập nhèm.
Trước hết, đó là tình trạng chức đẻ ra tước. Cứ có chức là tự nhiên có công trạng. Chức càng cao thì công trạng càng nhiều. Một giám đốc nhà hát rất dễ trở thành nghệ sĩ nhân dân, mặc dù ông/bà ta có thể chưa bao giờ “hát cho đồng bào tôi nghe”, chưa bao giờ “biểu diễn cho đồng bào tôi xem”. Tước trong trường hợp này thực chất chỉ là một món quà hối lộ hoặc là một sự xu nịnh. Và đây là điều mà cả người đề nghị cũng như kẻ tiếp nhận đều biết rất rõ. Tuy nhiên, biết mà vẫn làm mới chính là sự không may của xã hội ta.
Hai là, thói quen dùng chức để thưởng công. Một nhà khoa học có nhiều đóng góp thì nên được ban tặng danh hiệu anh hùng lao động hơn là chiếc ghế bộ trưởng. Toàn bộ công lao trong quá khứ chắc gì đã bù đắp được những thiệt hại do việc ngồi nhầm ghế gây ra?! Thực ra, nhà khoa học phải có kỹ năng nghiên cứu và khám phá. Vị bộ trưởng phải có tầm nhìn và kỹ năng lãnh đạo. Những kỹ năng này là rất khác nhau. Việc một nhà khoa học có nhiều đóng góp mới chỉ khẳng định được về những loại kỹ năng thứ nhất mà chẳng nói gì về những loại kỹ năng thứ hai. Vậy thì đưa một nhà khoa học lên làm bộ trưởng thật sự là một kiểu chơi đề. Không phải ai cũng thua đề, nhưng người thắng thật là ít ỏi.
Ba là, tâm lý thích có chức và đòi được thưởng công bằng chức. Tâm lý thích làm quan có tự ngày xửa, ngày xưa. Mọi chuyện cổ tích có hậu đều kết thúc bằng việc nhân vật chính được lên làm vua. Làm vua là phần thưởng lớn nhất cho mọi sự hy sinh phấn đấu. Tuy nhiên, cứ nghĩ mà xem, “làm vua” bao giờ cũng là một công việc. Một công việc thì đòi hỏi người ta phải có năng lực hơn là công trạng. Thế nhưng, sự lẫn lộn này đang xảy ra hết sức trầm trọng trong xã hội ta. Nó làm cho nhiều người mất ăn, mất ngủ: họ cảm thấy bị thiệt thòi và bị “đối xử bất công”. Họ khiếu nại, tố cáo và mặt nặng, mày nhẹ với lãnh đạo và đồng nghiệp. Bầu không khí làm việc trong các cơ quan, công sở trở nên hết sức căng thẳng. Để được yên thân, nhiều nơi người ta đã phải sắm thêm những “chiếc ghế mới”, mặc dù nhà cửa thì đã chật ních, chẳng còn có chỗ mà để. Rủi ro hơn, những người có năng lực trẻ tuổi đã phải nhường chỗ cho những kẻ ít có năng lực hơn, nhưng lại có quá trình.
Cuối cùng, sự nhập nhèm nói trên đang làm mất phẩm giá của cả chức lẫn tước. Phân định rạch ròi giữa hai thứ chức và tước là một công việc khó khăn, nhưng cần thiết. Quá trình này phải diễn ra trước hết trong đầu và sau đó trong tim chúng ta.