Số lần đọc/download: 1475 / 25
Cập nhật: 2015-05-24 22:30:33 +0700
Chương 13 -
L
òng náo nức, tôi chạy xuống thang lầu. Giờ này tôi rảnh. Tôi muốn xem chớp bóng mà chẳng có đồng nào trong túi! Túi áo! Cũng chả phải là áo tôi, nó là áo cậu Murdoch chuyển lại đó chứ. Tôi đã lớn để có thể mặc áo quần của cậu, những bộ quần áo cũ kỹ được mẹ cất trong rương, sặc mùi long não.
Tôi bèn ra bếp: mẹ tôi đang phun nước cho ẩm áo quần trước khi ủi. Mái tóc mẹ đã hết óng ả, cặp mắt lờ đờ thêm, khuôn mặt gầy và nhăn hơn, song vẫn tính nết cũ: dịu dàng và kiên nhẫn. Tôi nóng lòng muốn tâm sự với mẹ, nhưng tôi chỉ nói:
- Một ngày kia, mẹ sẽ thấy... Một ngày kia... mẹ sẽ thấy...
Nở nụ cười hiền lành và buồn bã, mẹ hỏi tôi:
- Mẹ sẽ thấy gì nào?
- Một ngày kia, con sẽ đủ sức làm một điều gì cho mẹ, mẹ sẽ sung sướng hơn bây giờ... con tin vậy đó. Một điều quan trọng...
Vụng về nhưng tin tưởng, tôi trả lời bà. Mẹ áp cái bàn ủi gần má thử sức nóng, vui vẻ bảo tôi:
- Vậy bây giờ, trong khi chờ đợi, con giúp mẹ một việc không quan trọng, được chứ? Robert? Con đem cái thư đến cho dì Kate...
- Ô! Thưa mẹ, sao không, được lắm chứ!
Tôi thường đem thư mẹ cho dì Kate ở đầu tỉnh, khu Barloan Toll, và cho cậu Murdoch, hiện làm việc với ông Dalrymphe, nhà trồng tỉa. (Cậu thành công lắm, cậu tỏ ra vui vẻ vì thoát ách bảo hộ của ba). Nhờ tôi, mẹ đỡ tốn khoảng tiền tem không ít, - bà năng gửi thư mà!
Các thư gửi đi phản ánh nguyện vọng cũng như tâm hồn mẹ: thư không chỉ mang theo tin tức mà còn đầy những lời khuyên nhủ, dặn dò, khích lệ, chúng biểu lộ ao ước nồng nhiệt thiết tha của mẹ: giữ mãi mối dây liên lạc thật chặt chẽ giữa mọi người trong gia đình.
Mẹ đặt bàn ủi xuống, vào trong một giây và đem ra bao thư dán kín, đưa tôi:
- Đây, con đem đến cho dì con. Mẹ muốn gửi cho nó ít bánh... nhưng (bà giờ nắp thùng ra và xịu mặt xuống) hết bột rồi. Thôi, con đi đi! Nhớ hôn tất cả hộ mẹ nhé?
Tôi dạ to một tiếng, cầm phong thư chạy bay ra đường. Ngang công viên, rẽ trái, dọc theo dãy nhà đồ sộ, vách đen sì của xưởng thép.
Dì Kate ở một trong những căn nhà xinh xắn mới xây ở ngoại ô, thảm cỏ xanh tươi mát bao quanh. Gần tới nhà, tôi chợt thấy dì đang đẩy một cái xe trẻ con từ một ngã rẽ khác trở ra, xe màu xanh dương, mặt dì rạng rỡ trông thấy (Chao! Tôi dám cam đoan là dì đã bỏ ra nhiều thì giờ trong tuần để đẩy xe loanh quanh đây kia, ngoài phố, đến công viên với đứa con cưng quý của dì). Chốc chốc, dì dừng lại vỗ nhẹ lên cái chăn cũng màu xanh dương ở một góc có thêu chữ N to tướng, màu trắng.
Dì chưa trông thấy tôi, tôi đứng lại nhìn dì đến gần thích thú và cảm động trong lòng. Thân hình dì có hơi mập ra, dì cúi xuống đứa bé, cười đùa với nó. Khi dì vượt ngang tôi, tôi rụt rè gọi:
- Dì Kate!
- A! Robert! – Dì kêu lên mừng rỡ - Tại cháu bé nên dì không thấy cháu đó. Này, Robert, cháu biết không: bé sắp mọc cái răng thứ hai đó, mà suốt ngày không khóc một giọt đó, ngoan quá, phải không cháu?
Dì Kate của tôi! Trông dì hạnh phúc làm sao! Đứa bé thì xinh xẻo quá. Nhà dì thật sạch, đầy đủ mọi tiện nghi – kể cả máy nước nóng – mùi sơn mới và mùi sáp thơm nồng. Vào nhà, tôi biết ngay dì là một tay nội trợ tài ba, ngăn nắp.
Tôi chợt nhớ lại những lời tiên đoán tồi tệ của ba (chả là ông tức giận dì không còn mang tiền về cho ông nữa mà) rằng nào là dì sẽ làm hỏng cuộc đời, nào là Jamie không xứng đáng, nào là một hôn nhân thất bại v.v... Tôi, tôi nhận thấy dì sống rất hạnh phúc, tôi vui lắm.
Sau khi cho bé vào nôi, dì đốt lò ga và chỉ một lát sau gian bếp thơm lừng mùi thịt bít tết và hành tây chiên lẫn lộn. Dì tươi cười bảo tôi:
- Robert! Cháu ở lại ăn với dì và Jamie nhé? Chú ấy đang tắm. Robert ơi! Lúc này chú phải làm thêm giờ phụ trội nên không rảnh mà dắt cháu đi xem đá bóng. Cháu đói chưa? Đợi một chút nhé?
Dì tôi trở thành tế nhị nhiều so với khi còn con gái. Jamie đã xuống: tóc còn ướt được chải cẩn thận, một cái cà vạt đỏ tươi trang điểm thêm cho Jamie.
- Robert đây rồi!
Jamie kêu lên vui vẻ, vồn vã. Đối với tôi, vài lời đơn giản như thế kèm thêm cái gật đầu thân ái còn ấm lòng hơn những câu tiếp đón dài dòng.
Chúng tôi vào bàn ăn ngay. Dì chọn cho tôi miếng thịt thật to, mềm và ngon. Tôi như thể được tiếp máu, trong lúc đó chồng dì không ngừng múc thêm thức ăn vào dĩa cho tôi, những củ hành chiên vàng giòn, bánh mì nướng phết bơ và trà đậm, nóng.
Hai người hiểu rằng ở nhà ông bà ngoại, càng ngày càng tiết giảm thức ăn. Jamie luôn luôn bắt tôi ăn thêm mỗi khi có dịp. Cái nhìn của chú đầy thân ái và luôn luôn kèm theo câu:
- Ở tuổi cháu phải ăn nhiều vào cho mau lớn.
Tại Lomond-View một luật lệ quái dị đè nặng tuổi thơ của tôi: phải hà tiện đủ mọi cách, dù phải hy sinh những cần thiết đi nữa. Ôi! Nếu ông ngoại tôi không bị tiền bạc ám ảnh, nếu không làm nô lệ cho cái tính hà tiện Tô Cách Lan khiến ông thích có tiền gửi trong ngân hàng hơn là có bữa ăn ngon... Tính ấy làm tiêu hủy lòng đại lượng, gieo tai họa cho gia đình không ít.
Mỗi khi bối rối về vấn đề tiền bạc, tôi nghĩ ngay đến vợ chồng của dì tôi. Họ không giàu, nhưng họ mua những miếng thịt ngon và Jamie đã dắt tôi đi xem đá bóng; tôi, một đứa trẻ mồ côi, cô độc. Họ đã dùng đồng tiền kiếm được một cách khó nhọc trong vài mục đích vị tha... Họ tốt biết bao! Hay nói văn vẻ hơn một chút, thì họ biết làm chủ đồng tiền chứ không để tiền làm chủ họ.
Sau bữa ăn, Jamie bắt đầu trêu tôi một cách trìu mến, phàn nàn khuynh hướng thích cô đơn của tôi và tỏ vẻ lo lắng cho tôi thực sự làm tôi cảm động. Mãi một lúc sau, dì Kate mới hỏi tôi:
- Nhà có gì lạ không, hở cháu?
- Ý, chút nữa cháu quên: có thư cho dì!
Dì đón lá thư trong tay tôi, mở ra đọc hai lần tiếp, tôi ngạc nhiên thấy mặt dì tối sầm lại và những nếp nhăn trên trán dì đã biến mất từ lâu bỗng hiện ra. Rồi dì đưa cho chồng đọc, Jamie đón thư đọc nhưng không nói một lời. Dì kêu lên, bực tức:
- Thật hết sức! Cái thói ham tiền ở nơi ba đã trở thành bệnh chớ không phải chơi.
Chúng tôi cùng thấy không khí khó thở. Chợt may sao: em bé la lên và dì tôi vội vàng chạy lại bế nó, cho bú.
Tôi được hân hạnh ôm “kho báu” đó trong tay một lúc sau khi nó bú no, đó là dấu hiệu sự thương mến của dì và Jamie đối với tôi.
Dì âu yếm nhìn tôi bế em và cười, nói:
- Nó nhận ra cháu đó, thấy chưa? Robert! Một ngày kia cháu sẽ lớn lên, có con... cháu sẽ hiểu...
Tôi ngượng đến đỏ mặt lên. Dì đặt em bé vào nôi và tiễn tôi ra cửa. Dì chăm chú nhìn tôi:
- Mẹ không nói gì với nhau về lá thư gửi dì hết sao, Robert?
- Thưa dì, không. Nhưng thưa dì, cháu cũng có tin quan trọng...
- Tốt hay xấu? Dì tôi hỏi, đầu hơi nghiêng, dáng bộ nóng nảy.
Tôi vui vẻ:
- Thưa dì, tin này... rất tốt... dì ạ!
Tôi ngừng lại thình lình. Đêm tối bí mật vây phủ dì cháu tôi. Xa xa có tiếng còi tàu rú lên. Dì cười:
- Thôi được, cháu cứ giữ kín bí mật của cháu, dì cứ giữ kín bí mật của dì. Đừng vội nói ra.
Tôi nắm tay dì thật chặt rồi quay đi thật mau. Dù tôi thương yêu dì nhưng tôi vẫn chưa muốn kể cho dì hay trước tiên về niềm vui của tôi. Từ dòng sông tối đen có tiếng rền của một con tàu hướng ra bể cả. Tôi rùng mình và cảm thấy phấn khởi rất nhiều.