Số lần đọc/download: 1043 / 29
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Chương 13
S
au một năm học Văn khoa dở dang vì gặp quá nhiều phiền muộn, niên khóa sau Nam thi đậu vào Đại học Sư phạm. Gia đình ông Văn cho đó là dấu hiệu tốt của thời kỳ ổn định sắp tới. Như đã nói ở trên, trong các con, ông Văn chỉ tin tưởng hy vọng ở Nam. Sự thành bại của Nam là sự thành bại của đời ông. Nam đậu Ðại học Sư phạm, như vậy trong ngôi nhà này ông sắp có một bạn đồng nghiệp.
Từ lâu Tường không còn đến thăm và hỏi ý kiến thầy nữa. Ông chua chát thất vọng, nhưng cố tìm một cách an ủi: ông đã xây tổ tha mồi mớm cho con chim non mọc lông mọc cánh, thì phải đến lúc con chim non bay xa chứ. Ông bắt đầu mớm mồi cho một con chim khác, lần này hy vọng giữ nó thật lâu trong tổ ấm vì nó yếu ớt hơn, ít cao vọng bay xa hơn. Nó lại là con của ông. Vì thế, ông Văn vững lòng chờ đón những điều tốt đẹp.
Hai đứa con khác tính cha là Quế và Lãng đột nhiên trở thành cột trụ của gia đình. Thật bất ngờ. Sau vụ Lãng được tha nhờ công lao vận động của Mân ở Royal Youth Club, Lãng được đặc cách chuyển về hậu trạm lữ đoàn nay dời hẳn vào Huế (ông tướng thích sưu tầm của lạ đích thân can thiệp cho Lãng). Vụ tai tiếng có tác dụng thuận lợi bất ngờ đối với việc mưu sinh của Lãng. Cậu đương nhiên trở thành “đàn anh” trong đám thanh niên du thủ du thực ở Huế lẫn Đông hà. Mân nhờ RYC quen biết nhiều sĩ quan Mỹ lẫn sĩ quan Việt nên nhận liên tiếp được nhiều vụ đấu thầu béo bở. Gần như Mân chuyên hẳn vào dịch vụ thầu rác ở các doanh trại Mỹ.
Rác Mỹ có nhiều thứ phế thải đáng giá, nhưng không phải chỉ có vậy. Những chiếc xe chở rác được tự do ra vào doanh trại Mỹ hàng ngày là phương tiện tốt nhất để chở đồ ăn cắp ở kho PX, từ các thức ăn tươi cồng kềnh phải gói nhiều lớp bao ny lông cho vào thùng nước thải cho đến các thùng radio, tivi, đồng hồ lính gác kho bán theo đơn vị phút. (Lính Mỹ định giá mười lăm phút là 1.000 đô chẳng hạn, nếu chủ thầu rác đồng ý, anh ta nhận tiền rồi mở cửa kho cho khuân đủ thời gian ấn định, quá mười lăm phút, anh ta có quyền nổ súng). Một nghiệp vụ như thế tất nhiên phải bị nhiều giới chức có quyền có súng cạnh tranh. Họ phá nhau đủ cách, dùng gái mua chuộc sĩ quan quân nhu Mỹ, dùng An ninh Quân đội vu cho nhau là nội tuyến Cộng sản, hoặc đơn giản hơn hết là thuê lính thứ dữ thảy lựu đạn vào nhà nhau để dằn mặt. Mân càng ăn nên làm ra thì càng phải dằn mặt nhiều tên tai to mặt lớn. Lãng trở thành cánh tay đắc lực của Mân là nhờ vậy.
Ngoài việc đánh trống cho ban nhạc của Câu lạc bộ Thanh niên Hoàng gia, Lãng còn kiêm luôn cả việc quản lý vài chục tay anh chị bảo vệ cơ sở làm ăn của Mân.
Việc đấu thầu tại Huế không được bao nhiêu lời, nên ông Toàn và Mân dời cơ sở làm ăn vào Đà nẵng, Chu lai. Lãng lại được đặc cách chuyển vào Ðà nẵng. Nghề dạy nghề, sau này chính Lăng cũng xin được một mối thầu: một hợp đồng cung cấp rau tươi cho doanh trại Mỹ khê, và một hợp đồng chở rác cho doanh trại khác ở Non nước. Lãng bán lại hợp đồng đầu cho một thương gia có vựa rau quả ở chợ Cồn, số tiền không biết lên đến bao nhiêu, chỉ biết đủ cho Lãng tiêu vung vít suốt sáu tháng chưa hết. Hợp đồng sau, Lãng thấy nhường cho người ngoài tiếc quá. Lãng nhớ suốt thời hoang đàng mình làm khổ gia đình quá nhiều.
Cậu về Huế, không dám bàn chuyện với ông Văn, cậu đã khôn ngoan để tránh làm cái việc dại dột. Lãng chỉ bàn với mẹ và Quế. Quế lại được dịp tỏ cái tài xoay xở bẩm sinh. Cô lên phố tìm ông Thanh Tuyến. Mọi sự thu xếp chóng vánh trong không đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Ông Thanh Tuyến dùng chiếc Toyota trắng chở Lãng và Quế vào Đà nẵng.
Từ đó quan hệ giữa hai gia đình mật thiết hẳn lên. Bà Thanh Tuyến xuống thăm bà Văn, mỗi lần không quên mang theo đủ thứ quà cáp. Cần đi đâu xa, ông Văn chỉ việc mượn “điện thoại nhà trường gọi về cửa hiệu Thanh Tuyến là có xe đến rước ngay. Nam thường được mẹ sai lên phố làm việc này việc nọ, nhiều chuyện không đáng nhưng vẫn sai. Nam thấy hình như mẹ nàng muốn nàng chính thức làm cái gạch nối cho hai nhà. Nàng cảm động. Và lo âu.
Tâm hồn nàng mong manh như chiếc lá mỏng trên ngọn cao, chỉ cần thời tiết se mình đã run rẩy báo hiệu cơn bão sắp đến. Nàng lo âu là phải!
° ° °
Nam chới với vì cảm thấy dường như những gì thân yêu nhất đối với nàng dần dần vuột khỏi tầm tay, mà nàng không cứu gỡ được. Trước hết là tình yêu Tường.
Sau vụ Thanh bồ, Nam đau đớn nhận thấy càng bình phục Tường càng xa nàng. Sự biến đổi không lộ liễu dễ thấy. Không. Mới nhìn dường như không có gì biến đổi trong tình yêu của họ.
Người ngoài mặc nhiên chấp nhận họ như những người đang yêu nhau và đương nhiên một ngày nào đó họ sẽ lấy nhau. Ngay người trong cuộc cũng không nhận ra sự thay đổi. Nam gọi bà Thanh Tuyến là “me” lúc nào không hay, còn đối với Quỳnh Như nàng ngọt ngào xưng “chị”. Quỳnh Trang ở Sài gòn viết thư về thầy me hoặc cho em gái không bao giờ quên gửi lời thăm “bà chị dâu”.
Cách xưng hô trong gia đình Tường, Ngô, Ngữ khác nhau tùy theo gốc gác của họ. Ông bà Thanh Tuyến gốc Hà nội thuộc gia đình phong lưu lâu đời nên thích được con cái gọi là “thầy me”. Gia đình Ngô thuần gốc Huế nên gọi cha mẹ là “ba mạ”. Gia đình Ngữ lai Bắc lai Trung, gọi “ba má”. Không cần thảo luận để định lúc bắt đầu, không cần băn khoăn lựa chọn hoặc e ngại ngượng ngùng, Tưởng gọi ông bà Văn là “ba má” như Nam đã gọi ông bà Thanh Tuyến là “thầy me”.
Và cách gọi đó, đối với mọi người, là hoàn toàn bình thường tự nhiên. Không có gì làm ngăn trở tình yêu của họ, kể cả những lời thị phi. Vì đôi khi cũng có những lời xì xầm tiếc rẻ đại loại như:
- Tiếc nhỉ. Chị ấy hơi ốm.
- Hai vợ chồng như thế đẻ con ra chắc bằng cây tăm.
- Chị ấy trông già già thế nào. Mới hai mươi mấy tuổi đâu đã ra nông nỗi.
Nhưng phải nhớ là những cô gái tôn thờ Tường như một loại người hùng đều ôm ốm, mặt không son phấn và có đôi mắt say sưa khi dự hội thảo hay nghe tuyên cáo, những khuôn mặt “cách mạng” ấy không có gì hơn khuôn mặt Nam. Các cô gái trẻ ham vui có khuôn mặt bầu bĩnh hồng hào đều kính trọng Tường, nhưng “kính nhi viễn chi”. Vài cô cũng khoái chí khi nghĩ có lúc mình được đứng sát Tường trong các cuộc biểu dương lực lượng. Nhưng các cô gái đẹp thường rất thực tế. Họ lãng mạn khi phác họa chân dung một người tình, nhưng lại so đo rất chi li lúc phải chọn một người chồng. Tường không đẹp trai như Marlon Brando, Elvis Presley hoặc James Dean nên không có chỗ để lồng ảnh Tường dưới tấm gương đặt trên bàn học được.
Tuy vậy, chính Nam lại chới với lo lắng sợ mất Tường. Nam mất Tường từng chút một, nay một ít mai một ít, và mất ngay từ lúc Tường còn nằm trên giường bênh.
Lúc các vết xây xát trên môi và mặt bắt đầu làm da non, Nam cẩn thận mua nghệ đem lên cho Tường để xoa vào các chỗ vết thương liền da. Tường ngước mắt để yên cho Nam quết nhẹ nước nghệ như một đứa trẻ, nhưng Nam không vui như những ngày đầu. Ánh nhìn của Tường không bẽn lẽn hân hoan như trước. Tường lo âu nôn nóng chuyện khác kia. Nam dịu dàng nói:
- Anh chịu khó để em quết đều. Nếu không sau này chỗ sẹo da sẽ đỏ hỏn. kỳ lắm.
Nàng đợi Tường cười, rồi nói một câu giễu cợt nào đó, có thể là:
- Em sợ đi gần anh xấu xí phải không?
hoặc:
- Thây kệ tôi. Xấu tôi tôi chịu, việc gì đến bà.
Nhưng Nam chờ mãi không thấy Tường nói gì. Hình như Tường khó chịu vì phải ngửng đầu lâu quá. Nam vừa thả tay thay miếng bông gòn khác, Tường đã hỏi:
- Báo Sài gòn đã ra chưa em?
Nam đáp:
- Em chẳng rõ. Con Quế đi lấy báo, sẵn đường đi chợ luôn thể rồi mới đem về.
Tường thắc mắc:
- Sao em không đi lãnh cho nhanh?
- Em bận lên anh.
Nam chờ Tường cảm động nói vài lời âu yếm. Lại chẳng có gì. Tường hơi cáu kỉnh khi nói:
- Lần sau em nhớ đi lãnh báo luôn thể. Anh chờ tờ báo hằng ngày còn hơn…
Không hiểu Tường định nói gì thêm, chỉ thấy nói đến đó, chàng dừng lại kịp thời. Nam đau nhói cả lòng, không kiểm soát được lòng tự ái nên hỏi liền:
- Anh chờ báo hơn chờ em hả?
- Không phải thế, nhưng…
- Em chẳng thấy họ đăng cái gì hứng thú trong đó cả. Hết ông tướng này lên, lại đến lượt ông tướng khác. Được làm vua, thua làm đại sứ, lố lăng quá sức. Thà để giấy phát cho lũ học trò nghèo làm vở học còn hơn.
Nói xong, Nam thấy mình bất công. Tường chau mày không nói gì, một lúc sau lại hỏi:
- Văn khoa có gì lạ nữa không?
- Cũng như hôm qua.
- Cũng như thế nào được. Phải có tiến, hoặc lùi.
- Làm sao em biết được. Em có làm gì trong Ban Ðại diện đâu?
Tường quay ra trách móc:
- Đáng lẽ em phải xông xáo hơn nữa. Đứng tà tà hoài, coi sao được.
- Em không thích.
- Vấn đề ở đây không phải là thích hay không. Vấn đề là nên hay không nên.
Nam cổ dằn mới khỏi bật khóc trước mặt Tường.
Lần Nam đến tháo băng đầu cho Tường, chàng chỉ hỏi tin tức loan trên đài BBC về phong trào tranh đấu ở Huế. Nam hồi hộp tháo băng, vừa sợ vết thương chưa lành hẳn, vừa sợ do sơ ý có thể làm toét chỗ da non, nên run run hỏi dò:
- Có đau không anh? Khi nào đau anh nói liền cho em dừng nhá.
Nhưng Tường chỉ hỏi:
- Em có nghe trọn bài bình luận của ông Honey không?
Nam nhíu mày nín thở để gỡ nhẹ mảnh bông gòn dính chặt vào cái vảy khô, trả lời cho có:
- Ờ, có bài của ông Honey đấy.
Tường nghiêng đầu hỏi xẵng:
- Em nói gì thế?
khiến Nam sợ hãi kêu lên:
- Ái, anh làm rách chỗ sẹo rồi.
Tường thản nhiên nói:
- Không hề gì. Xức chút thuốc đỏ là xong. Đáng lẽ em phải nghe thật kỹ bài của Honey.
- Ba có nghe. Lúc đó em bận làm cơm. Vả lại xưa nay ông ấy chỉ nói hàng hai. “Tuy thế nhưng mà” mãi. Ông ấy ở tận bên Anh biết gì bên này mà bàn luận.
- Em đàn bà biết gì! Hồi sáng anh Kha nói Honey tin rằng thế lực Huế sẽ là một trong những yếu tố làm thay đổi chiều hưóng của chính trường Việt nam trong thời gian sắp tới.
Nam giận lây ông Honey:
- Ông ấy ngồi bên lò sưởi hút xì gà đọc báo rồi đoán mò.
Tường trố mắt nhìn Nam, vừa giận vừa thương hại.
Những lần sau Nam đến phải chờ vì lúc nào cũng có bạn bè của Tường tới ngồi ngay trên giường bệnh để bàn thảo sôi nổi với Tường.
Nam rót nước cho họ, mua thuốc lá hết bao này đến bao khác cho họ, lúc họ về lại lo thu dọn cái bàn nước vung vãi xác trà và tàn thuốc. Họ làm bẩn cả cái khăn phủ giường vì chân họ luôn luôn dơ dáy. Nam khó chịu, cố lấy nét mặt đăm đăm để Tường hiểu.
Nhưng Tường có hiểu gì đâu. Chàng hớn hở trông thấy. Mắt chàng sáng lên nao nức, muốn bỏ ngay phòng bệnh để xông ra đường, chụp trở lại cái micro, vuốt mái tóc dài bù xù và say sưa nói, nói, nói…
Nam đi từ thất vọng đến tuyệt vọng. Tường trở lại làm người say. Nàng chới với lo âu vì biết tình địch của nàng không phải là một con người (dù là người đẹp chim sa cá lặn Nam cũng không ngại). Nàng phải ghen với nhiều thứ quá: đám đông, đêm không ngủ, các cuộc xuống đường, những khẩu hiệu “US Go Home” kẻ trên đường nhựa, khói đen ùn ùn bốc lên từ các chiếc xe Mỹ cháy, tiếng la hét, cảm giác ngây ngất trước họng súng và giữa vùng hơi lựu đạn cay…
Nàng thua cuộc là phải.
° ° °
Lúc tình trạng tài chánh gia đình khá lên cũng là lúc Nam thấy mình mất thêm hai đứa em và người mẹ.
Quế bận vào Đà nẵng trực tiếp theo dõi vụ thầu rác nên hiệu sách phải đóng cửa. Lãng ít khi ghé nhà, nếu có ghé thì dẫn theo một lũ côn đồ đầu trâu mặt ngựa. Nam bực dọc quá không thèm tiếp. Lãng tỉnh bơ. Cần gì. Nam không tiếp thì đã có bà Văn. Mẹ nàng hí hửng như được hân hạnh tiếp khách quý. Bà đích thân chạy đi mua đồ nhậu, đích thân ra quán giải khát ì ạch khiêng về hết caisse bia này đến caisse bia khác.
Căn nhà yên tĩnh trở nên ồn ào và nồng nặc mùi ôi chua của thức ăn mửa ra lẫn hơi bia.
Ông Văn nhíu mày khó chịu như Nam, nhưng ông không nói gì, gượng giả lả chào hỏi vài câu rồi xách xe ra đi. Nam chạy lên nhà Tường để thấy một lũ đầu trâu mặt ngựa khác do ông Thanh Tuyến đem Toyota chở về.
Nàng mất tường, mất Quế, mất Lãng, mất me, mất khung cảnh êm ấm của gia đình. Chỉ còn lại lòng ngậm ngùi bất lực và những cái lắc đầu ngao ngán hiểu ngầm giữa Nam với Ngữ, giữa Nam với cha.
Thời đó Nam thường nói chuyện với anh hơn trước. Đột nhiên Ngữ bỏ bộ mặt đăm đăm và mỗi khi gặp em, chàng chủ động gợi chuyện để đi sâu vào những điều tâm sự riêng tư.
Thường thường Ngữ tưởng sẽ làm em gái vui lên nếu nhắc đến Tường. Chẳng hạn chàng hỏi:
- Mấy bữa nay thằng Tường thế nào?
Nam xót xa trong lòng nhưng vẫn cố gượng cười hỏi lại:
- Thế nào là thế nào?
Ngữ tưỏng em ưa đùa, cười vui vẻ rồi nói:
- Nghĩa là nó còn tiếp tục say sưa hay bớt rồi?
Nam nghiêm mặt thú nhận thất bại đau đớn nhất của đời mình:
- Vẫn vậy.
Rồi vì thấy cái cười hơi mỉa mai của anh, nàng nói:
- Tính anh ấy vẫn thế. Cái gì cũng muốn tới cùng.
Ngữ âu yếm nhìn em, thành thực bảo:
- Anh mong chuyện tình cảm cũng được như vậy.
Nam lại xót xa. Nàng cảm thấy nhột ở đầu mũi, mắt cay cay. Sợ anh thấy mình khóc, Nam nói:
- Độ này mắt em yếu quá. Học lâu một chút là nước mắt sống cứ tuôn ra.
Ngữ tưỏng thật vội nói:
- Thế à. Tìm mua Visine nhỏ vào.
- Em có mua đó.
Ngữ ngờ em có điều gì bất thường, giọng lo âu:
- Ðộ này em hơi xanh. Vì sao thế?
Nam nói dối:
- Sư phạm bài vở nhiều hơn Văn khoa. Khổ nhất là chuyện ghi bài. Giá Ban Đại diện chịu để cái máy ronéo rảnh để in cours thì hay quá.
Ngữ cười:
- Máy móc cũng phải dấn thân chứ.
- Em thấy xuống đường hội thảo liên miên nhưng cứ giẫm chân tại chỗ. Lâu hóa nhàm. Chỉ có tụi nhóc là vui. Hôm qua tụi nó chận chiếc xe Jeep Mỹ lại bật lửa đốt, khói bay mù lên phòng học, nhìn lên bảng không ra chữ và đứa nào cũng ho sặc sụa. Mấy chú G.I. mập ú chạy văng mạng, khá vui.
Ngữ nhận xét:
- Cuối cùng chỉ có việc chống Mỹ là hấp dẫn. Đòi thực thi dân chủ. đòi bảo vệ đạo đức, đòi công bằng xã hội, đòi cách mạng triệt để, thật trừu tượng và mông lung quá. Hiện giờ gia đình nào cũng xáo động dữ dội từ lúc quân đội Mỹ đổ vào. Cú suy từ gia đình mình cũng đủ biết. Cho nên xách động chống Mỹ, hô “US Go Home” là có người hưởng ứng ngay.
Nam gật gù nói:
- Em cũng thấy thế. Ít có gia đình nào giữ nguyên vẹn được nếp sống cũ. Hạng lương ba cọc ba đồng thì vất vả tủi nhục. Hạng giàu nổi nhờ thời cuộc thì đánh mất mình.
Ngữ cười lỏn lẻn, rồi bảo em sau một lúc do dự:
- Gia đình thằng Ngô cũng khổ sở vất vả vì vật giá đấy. Không hôm nào anh lên chơi mà không bắt gặp hai ông bà đang cãi nhau.
Nam ngờ ngợ chẳng hiểu vì sao anh mình nói chuyện buồn như thế mà nét mặt lại vui, nên hỏi cho có hỏi:
- Anh lên trên ấy thường không?
Ngữ đỏ mặt nhìn em đề phòng, rồi đáp:
- Lâu lâu anh có tạt qua xem Ngô nó có vẽ được gì mới không.
Nam trề môi:
- Độ này anh ấy vẽ xấu òm.
Ngữ cười bảo:
- Đúng thế. Nó đang lúng túng. Diễm cũng chê như em.
Chàng chờ xem Nam có hỏi gì về Diễm không, nhưng Nam yên lặng. Bất đắc dĩ Ngữ phải nói:
- Độ này Diễm cũng chán tranh đấu tranh điếc rồi.
Nam nhớ đến Tường, bần thần nên nói ơ hờ:
- Thế à.
- Diễm càng lớn càng giỏi ra, công việc nhà một mình lo cả..
- Thế à.
- Kể ra cô bé cũng dễ thương đấy chứ.
- Dạ. Cũng được.
Ngữ cụt hứng. Chàng phải chờ cơ hội khác vậy.