You know you've read a good book when you turn the last page and feel a little as if you have lost a friend.

Paul Sweeney

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4033 / 187
Cập nhật: 2020-02-22 17:27:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
ạn biết người y tá tù là ai không? Đoàn văn Toại, tác giả Goulag Vietnamien láo lếu đấy. Cái xó xỉnh đề lao Gia Định này là biểu tượng của nền ngục tù ô nhục của công sản ư? Đoàn Văn Toại chỉ quanh quẩn ở đề lao Gia Định. Anh ta bị bắt trước tôi vài tháng. Khi tôi đến đề lao, Đoàn Văn toại được ban phát ân huệ giúp việc Phòng Y Tế. Trưởng phòng Y Tế, bác sĩ Quang, y sĩ trung úy Thủy Quân Lục Chiến … nằm vùng. Sau 30-4-1975, anh ta mang quân hàm trung úy công an. Có lẽ, Quang là bí danh của anh ta. Đoàn văn Toại nghiền, tán thuốc dân tộc và phát thuộc các phòng tập thể C-1. Anh ta chưa được bén mảng ở cửa cachot. Toại hưởng quy chế ăn uống, tắm giặt thoải mái trên Phòng Y Tế. Mỗi tuần, Toại ra cổng trại, nhận thuốc của thân nhân tù nhân đăng ký. Bề ngoài nhận xét, Đoàn Văn Toại có vẻ là một cán bộ bị kỷ luật hơn một tù nhân chính trị. Lý do nào anh ta được cộng sản tin cẩn, tôi không hiểu. Toại biết thân, biết phận, không bàng nhàng với anh em. Một cách vô tư mà nhận xét, dưới mắt tôi, Đoàn văn Toai chỉ khúm núm cầu an. Anh ta chưa hề hại ai. Mà cũng chẳng ai có thể hại ai ở trong tù. Những kẻ xử dụng ngôn từ đao to búa lớn “Bước lên xác anh em, bán xác anh em” là những kẻ gian dối. Nó đã chứng tỏ kiến thức nhà tù cộng sản quá thấp. Cộng sản không bao giờ tin cả những tên họ xử dụng làm tai mắt cho họ. Hễ tên “ăng-ten” báo cáo một tù nhân nào, ít nhất, hai tù nhân khác bị gọi ra làm việc trước. Và câu hỏi như vậy: “Anh thấy anh X có khả năng làm việc đó, nói điều đó không?” Nếu hai tù nhân “chứng nhân” trả lời “không”, tù nhân bị báo cáo bình yên, và tên “ăng-ten” viết tự kiểm. Tôi đã trải qua ba nhà tù lớn nhất và hãi hùng nhất của miền Nam, tôi chưa thấy một tù nhân nào bị chết vì bị “ăng-ten” báo cáo. Tôi cũng chưa thấy một tù nhân nào được thả sớm nhờ làm “ăng -ten”. Chuyện “ăng-ten” là chuyện nhỏ nhặt đấy. Bạn còn nhớ Vũ Thành An, tác giả Những bài ca không tên chứ? Tất cả viên chức cao cấp “ngụy quyền” ở Lòng Thành đều rõ. Vũ Thành An đã sáng tác ca khúc có đoạn:
… Nay mới rõ, đế quốc Mỹ là quân xâm lược
Nay mới rõ, lũ ngụy quyền là lũ tay sai
Bao nhiêu năm mình cúc cung phục vụ miệt mài …
Nhờ ca khúc … nín thở qua câu này, Vũ Thành An ho lao đỡ phải vác cuốc, ngồi nhà làm Thông Tin Văn Hóa tù. Rốt cuộc, anh ta vẫn bị đày ra Bắc và trở về bệnh hoạn tiều tụy. Người ta có nỡ kết án Vũ Thành An làm “ăng-ten”, Vũ Thành An “bán xác anh em” không? Vẫn ở trại cải tạo Long Thành, bác sĩ N. Ng. T. (hiện đang định cư ở Mỹ) phục vụ tại bệnh xá tù, đã tình nguyện vác cả tủ lạnh, ti vi đem vào dâng Trưởng trại Ba Tô để hưởng nhàn, để tích trữ thuốc và để Chánh án Đào Minh Lượng mất nửa lá phổi, để Vũ Thành An ói máu thì sao không ai nói? Chưa đủ đê tiện, bác sĩ T. còn dụ đưa Ba Tô về Sàigòn chơi, cho Ba Tô ăn uống no say, để được ngủ với vợ. Và bầy trò khám các nữ tù trại Long Thành để bọn cai tù … coi xi nê thỏa thích 1. Sao không nghe ai nói nhỉ? Tôi sẽ bênh vực đến cùng, nếu ai bảo Đoàn Văn Toại làm “ăng-ten”. Toại, ban ngày, ở ngoài phè phỡn, ban đêm, vào phòng 7C-1. Phòng 7C-1 có phóng viên lùn Văn Chi, dũng sĩ quốc gia đã đánh hai Pháp kiều thân Cộng treo cờ Giải Phóng ở trung tâm Sàigòn trước 1975. Sau năm 1975, Văn Chi bán phở và tham gia tổ chức phản động. Anh ta đã “chào mừng” tôi bằng trái xoài nhờ Đoàn Văn Toại chuyển. Phòng 7C-1 có tỷ phú Phạm Quang Khai, vua tàu dầu, tư sản mại bản. Ông Khai có 50 chiếc tàu chuyên chở dầu chiến lược. Ông không tin thủy thủ đoàn Việt Nam, chuẩn bị một chiếc tàu với thủy thủ đoàn Đại Hàn. Chổi cùn, dế rách ở biệt thự nguy nga số lẻ đường Công Lý, đối diện trường Régina Mundi, được khuân hết xuống tàu. Vợ con ông đã đi từ khuya. Ngày 29-4-1975, ông khệnh khạng xuống tàu. Thủy thủ đoàn Đại Hàn ớn cộng sản đã chuồn rồi. Ông tỷ phú đứng khóc. Ông muốn điên. Ông lú lẫn. Ông không kiếm người khác. Ông sợ tàu… chìm. Và ông … vào tù y hệt tinh thần luân lý giáo khoa thư: “Ba quan đắt quá, thà chết còn hơn”. Phòng 7C-1 có cụ Cao Văn Diên, phản động già và cụ Trần Văn Liễu, phản động gân. Nhân vật Cao Văn Diên hiện diện trong Goulag Vietnamien của Đoàn Văn Toại như một ông già bị bắt oan và chết tại đề lao Gia Định. Sẽ đề cập sau.
Nhờ thảnh thơi ban ngày ngoài phòng giam, Đoàn văn Toại đã thoát dịch ghẻ 1976 kéo dài từ tháng 4-1976 đến tháng 10-1976. Cuối năm 1976, Toại bị tống vào phòng vì sự liên hệ lèm nhèm nào đó. Chức vụ y tá C-1 rơi vào tay Lý Sen, chủ nhà băng Đông Nam Á, tư sản mại bản Chợ Lớn. Đoàn Văn Toai bắt đầu bất mãn. Vợ anh ta, quốc tịch Pháp, con gái nhạc sĩ Võ Đức Tuyết, đã ẵm con sang Tây. Toại ở chung phòng với Đặng Giao bên khu A. “Ngày nào thành công, tôi sẽ sản xuất một loạt cầu tiêu hình đầu Hồ Chí Minh. Cái miệng lão là chỗ phân rơi xuống!” Đoàn Văn Toại tâm sự với Đặng Giao và Đặng Giao kể lại ngày chúng tôi tái ngộ ở Chí Hòa. Rồi Toại được thả, được leo lên máy bay Air France, đoàn tụ gia đình. Tôi vượt biển sang Pháp, biết Đoàn Văn Toại đã kể chuyện đề lao cho Minh Đức Hoài Trinh và Minh Đức Hoài Trinh thông dịch cho một ký giả Tây. Và Goulag Vietnamien xuất bản. Tôi lại biết Toại đã vận động định cư ở Mỹ và theo Trương Như Tảng. Tảng theo Hoàng Văn Hoan, chỉ chống tập đoàn Lê Duẩn – Trường Chinh, chứ không chống cộng sản Việt Nam. Họ đã xác định lập trường. Hồ Chí Minh vẫn là xác chết được tôn thờ. Cậu Đoàn Văn Toại từng bầy tỏ chí khí “Sản xuất một loạt cầu tiêu hình đầu Hồ Chí Minh. Cái miệng lão là chỗ phân rơi xuống”. Bây giờ, cậu Đoàn Văn Toại “phản tỉnh”, “thức tỉnh”, cậu hò hét “Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”. Giữa Toại và tôi đã có biên giới.
Mùa thu 1985, Đoàn Văn Toại, qua Paris, với tư cách cựu tù nhân đề lao Gia Định, mời tôi ăn tối. Với tư cách cựu tù nhân đề lao Gia Định, tôi nhận lời. Chúng tôi hẹn nhau ở quán Đào Viên quận 13. Đoàn Văn Toại tặng tôi cuốn Goulag Vietnamien. Tôi nói:
- Tôi đã đọc. Sách của cậu đáng liệng vào thùng rác. Vì có những ba điều bố láo. Một: Ở đề lao Gia Định, giấy và bút bị nghiêm cấm. Công an kiểm tra hành lý tù thường xuyên, cậu đào đâu ra giấy bút mà lập kiến nghị? Rồi tù nhân bị nhốt kỹ 24 trên 24, cậu liên lạc với ai mà xin được hàng trăm chữ ký? Hai: Cụ Cao Văn Diên phản động nặng, cụ bị đầy lên Pleiku và chết tại Gia Trung, cậu bảo cụ ấy chết ở đề lao. Cậu được tha, cụ Diên vẫn còn nằm ở đề lao. Cụ Diên rời đề lao sau 2-9-1977. Ba: Cậu quả quyết tôi chết rồi. Còn rất nhiều bố láo. Ba điều thôi đã đủ liệng sách “Chứng nhân” của cậu vào thùng rác. Tôi sẽ chửi nhà xuất bản Laffort cái tội rủa tôi chết.
Đoàn văn Toại cười cầu tài:
- Tôi kể đại ông ơi!
Tôi nhìn thẳng mặt anh ta:
- Điều nầy ngoài cuốn sách. Cậu là thằng bất nhân. Đã cho tôi chết, cậu còn bảo tôi làm “ăng-ten”
Toại chối:
- Tôi thề với ông, tôi không hề bêu nhục ông. Đứa nào nói với ông vậy?
Tôi chậm rãi:
- Bạn cậu, Vũ Ngọc Yên, tạp chí Độc Lập bên Đức.
Đoàn Văn Toai câm họng. Tôi cười xòa và bốc anh ta chín từng mây. Toại khoái chí chửi Trương Như Tảng cù lần, Hoàng Văn Hoan đần độn, Nguyễn Công Hoan ngu dốt, Tô Văn cố đấm ăn xôi… Anh ta nói về đài phát thanh sẽ lập ở Tân Gia Ba, gợi ý mời tôi bằng cách than thở thiếu nhân tài. Nội tình của phe nhóm anh ta, anh ta kể vanh vách. Tôi nghĩ thầm: Mẹ kiếp, mày nhóc tì, tuổi ít hơn ông, ngu hơn bò mà cứ đòi đi mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc ông à? Ông vừa trổ đòn nhà báo, mày đã tự khai vung xích chó. Hết chai rượu đỏ, tôi nói:
- Thôi nhé, chut tình đồng tù đề lao đến đây chấm dứt. Cậu đi đường cậu, tôi đi đường tôi. Mai này tôi đánh, cậu rán mà đỡ. Tôi thích sòng phẳng.
Chúng tôi chia tay. Ít tháng sau, Toại gửi cho tôi một bức thứ từ Liễu Châu. Anh ta ba hoa: “Đã thăm mộ các liệt sĩ quốc gia, sẽ không còn sai lầm như họ”. Tôi suýt chửi thề. Đó, người y tá tù đề lao Gia Định khu C-1, nhà cách mạng lưu vong Đoàn Văn Toại, với đầy đủ tài năng và tư cách, người đang chu du thế giới bằng tiền Tàu, tranh đấu cho giấc mộng Tôn Sĩ Nghị cùng đám Hoàng Văn Hoan, Trương Như Tảng. Và tôi, tôi ngồi trên lầu 8 của cái immeuble bên bờ sông Seine, thành phố có thị trưởng Jacques Laloe, là đảng viện cộng sản, có tổng hành định của Georges Marchais, Tổng bí thư Đảng cộng sản Tây, viết sách mưu sinh. Bởi nghèo, nên bị cư trú tại Ivry Sur Seine. Bởi chống cộng, nên bị Jacques Laloe lờ tít mọi trợ cấp xã hội, y tế. Không sao, tôi đã chống cộng, tôi đang chống cộng, tôi còn chống cộng đến tối. Tôi anh dũng thấy mẹ, tôi chống cộng trong lòng địch!
Trở lại đề lao Gia Định, nơi tôi đang học môn Thống Khổ Nhập Môn. Tôi ở 6C-1 đã 2 tuần, đã quen với sinh hoạt phóng này. Tôi không còn gớm ghiếc nhìn đống mài ghẻ mà trực sinh quét gom buổi sáng. Bạn thử tưởng tượng mài ghẻ mủ và mủ ghẻ dính nhớp nhúa trên bục nằm, mỗi sáng. Người ta phát cho chúng tôi miếng bố tời, vừa để chùi chân bước lên cầu tiêu vừa để lau bục nằm. Ở đề lao, dép cất kỹ trong bị, chỉ mang khi bị gọi lên phòng chấp pháp làm việc. Làm việc, danh từ cộng sản, có nghĩa là làm việc với công an, có nghĩa là viết tự khai và chịu đựng những cuộc thẩm vấn điên đầu. Người cộng sản chơi chữ rất xảo quyệt. Một ông Ba Tàu đã phát biểu ý kiến ở phòng B, Sở Công An: “Lù má ló, pắt pỏ tù lại pảo li học tập. Lấy cung lại pảo làm việc. Nhà tù lại pảo trường học. Cai ngục lại pảo quản giáo, cán pộ!” Chữ nghĩa của cộng sản đã huyễn hoặc thế giới. Cho đến hôm nay, báo chí người và cả báo chí mình vẫn viết nhà tù, trại tập trung khổ sai lao động là Trại học tập cải tạo! Ở khắp nơi tôi đi làm chứng nhân, người ta đều hỏi tôi: “Ông được học tập ra sao?” Và tôi đã trả lời: “Tôi chẳng được dạy dỗ gì cả. Người cộng sản có một mục đích rõ rệt. Họ làm chúng tôi sợ hãi, bắt chúng tôi khổ cực và bỏ chúng tôi đói. Càng kéo dài sự sợ hãi, khổ cực và đói, chúng tôi càng sa sút tinh thần. Khi biết chúng tôi tàn lụi ý chí phấn đấu, đó là lúc họ thả chúng tôi về. Và họ đã đạt kết quả. Đa số, chúng tôi về mất trí, thành phế nhân. Có nhiều người đã được xuất ngoại chính thức theo chương trình ODP, sang Mỹ, sang Tây … vẫn chưa hết ngẩn ngơ, ngơ ngác. Chúng tôi học tập sợ hãi, khổ cực và đói. Bất cứ tù nhân nào vượt qua sợ hãi, khổ cực và đói, thì sẽ tự học ở đó những ý nghĩa rạng ngời của cuộc sống, của lý tưởng chiến đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền.” Tôi không dám nói thêm: "Nhưng không dám vượt qua sợ hãi, khổ cực và đói thì sẽ ăn vụng thịt dưới bếp, ăn cắp cơm cháy, ăn tranh phần cơm heo và tự đòng hóa mình với súc vật". Vậy thì, làm việc là danh từ hãi hùng của tù nhân. Bạn sẽ mệt lữ cò bơ với làm việc. Làm việc ở đề lao Gia Định, là bị truy nã dĩ vãng, hiện tại; ở Chí Hòa là bị đánh học máu mồm; ở các trại tập trung là vào nhà lô, ăn đòn nhừ tử.
Tôi chưa bị ghẻ. Hồng Dương đã bắt đầu. Nhờ không biết ăn mắm ruốc và cá biển, một vài mụn ghẻ nước của tôi chịu thuốc xanh ngay. Tôi dùng mũi kim băng khều mụn, nặn đến máu chảy ra rồi thấm khô, chấm thuốc. Là mụn ghẻ mọc mài. Mỗi tù nhân đề lao đều có một cái kim băng và phải dấu kỹ. Khi bị ngứa, ngày cũng như đêm, tôi lấy bàn chải đánh răng chà lên chỗ ngứa. Nếu gãi bằng móng tay, gãi cho đã, da sẽ bị xước. Và chỉ cần da xước một tí là ghẻ mủ cấp kỳ. Ghẻ nhà tù “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” hơn xã hội chủ nghĩa. Hàng chục thứ bệnh truyền nhiễm ở phòng giam tập thể, nhưng tù nhân không được chích thuốc ngừa. Sự khôn ngoan chống ghẻ của tôi bắt tôi phải đánh răng bằng cái bàn chải tôi đã gãi khắp thân thể. Không có sự khôn ngoan nào không bị trả giá. Sự khôn lớn của con người bị trả giá đắt nhất. Phòng 6C-1, ngoài mấy tên trộm cắp vô lại, mấy tên Mafia cơm nước, mấy “chuyện buồn nhỏ nhặt”, không đáng chi phải để phòng. Tôi yêu nhóm anh em trẻ phản động Hóc Môn, Bà Điểm. Người của Mười tám thôn vườn trầu đã được hai kép hát Út Trà Ôn và Thành Được diễn tả điêu luyện và rung động trong Người ven đô như những chiến sĩ “Chống Mỹ cứu nước” phi thường lại cũng chống cộng cứu nước phi thường. Nếu tôi đã ngờ vực Trương Phiên, tôi hoàn toàn ngưỡng mộ và tin tưởng tinh thần chống cộng của nông dân trẻ miền Nam. Bắt đầu, ở phòng 6C-1, tôi suy nghĩ về cuộc tân cách mạng Tây Sơn 2. Tôi đã nói chuyện nhiều với nhóm anh em Mười tám thôn vườn trầu. 6C-1 có một người tên Nga, tâm sự na ná Moritz của Gheorghiu. Anh ta nuôi heo cho một chủ trại ở Thủ Đức. Vợ anh ta đã chết. Anh ta làm gà trống chăm sóc đứa con gái 8 tuổi. Chủ trại bị bắt. Anh Nga bị bắt theo. Người ta chụp lên đầu anh cái mũ phản động … nuôi heo để dễ ăn cướp bầy heo. Anh Nga xin đem con gái vào tủ. Người ta từ chối. Cả ngày, anh ta ngồi xổm trên thành hồ nước hết khóc lại thở dài. Này bạn chống cộng sản và bạn thân cộng sản, có bao giờ bạn thấy một người vô sản ngồi khóc nhớ con trong nhà tù cách mạng vô sản về tội nuôi heo? Chẳng bao giờ bạn thấy cả. Vì bạn không bao giờ ở tù cộng sản. Vậy bạn nên suy nghĩ về cái gọi là bản chất và hiện tượng cộng sản, xuyên qua thân phận người vô sản cùng khốn tên Nga. Chừng suy nghĩ đắn đo, chín muồi, bạn sẽ có thái độ chính trị quyết liệt, dù chống cộng hay thân cộng. Tôi vốn khinh bỉ mọi sự làm dáng chính trị. Nó không thấm khô nước mắt của anh Nga nuôi heo, nó không lau sạch mủ ghẻ trên bục xi măng nhà tù.
Tôi chưa kể chuyện người bạn tuổi nhỏ của tôi, nhà văn Từ Kế Tường, cũng bị bắt, bị đưa về đề lao Gia Định và đã tạm trú ở 7 C-1. Từ Kế Tường trốn quân dịch. Giám đốc Nha Quân Pháp của Bộ Quốc Phòng ký cho cậu ta đầy đủ giấy tờ hợp lệ như một sĩ quan. Từ Kế Tường lãnh lương và đóng thêm tiền mồ hôi nước mắt, nộp cho cai thầu lính kiểng. Cậu ta mặc quân phục, mang phù hiệu quân pháp, đeo lon thiếu úy công khai. Sau hai năm, lên trung úy. Từ Kế Tường dại dột diện quân phục về ngõ nhà mình. Khi các sĩ quan đi trình diện học tập hết, không thấy Từ Kế Tường ra đi, mấy đứa ác độc gần nhà cậu ta tố cáo cậu ta trốn học tập cải tạo. Từ Kế Tường bị bắt. Nằm đề lao chưa kịp ghẻ, nhờ ông bố tập kết bảo lãnh nên hồ sơ… lính kiểng được cứu xét lẹ. Từ Kế Tường về đời xã hội chủ nghĩa, làm tới chức Chủ nhiệm Nhà Văn Hoá quận 4. Báo Tuổi Ngọc phá kỷ lục vào tù. Chủ nhiệm Duyên Anh, chủ bút Đinh Tiến Luyện, thư ký tòa soạn Từ Kế Tường. Cuối năm 1981, được tin tôi ra trại, Từ Kế Tường, Nguyễn Thanh Trịnh, Đinh Tiến Luyện đến thăm tôi. Luyện đã phiêu lưu các trại tập trung Suối Máu, Bù Gia Mập, Tống Lê Chân và làm nghề buôn bán hạt giống, nước mắm. Trịnh làm công nhân xưởng dệt quốc doanh, cộng tác với báo Tuổi trẻ. Phạm Đình Thống bán thuốc tây chợ trời. Chúng tôi vẫn dành cho nhau nguyên vẹn tình cảm nhưng tư tưởng đã tạm ngăn cách. Và đó là nỗi buồn của chúng tôi. Phạm Đình Thống khấm khá nhờ những kinh nghiệm và thủ đoạn chợ trời. Trước ngày tôi bỏ Sàigòn, Thống mở hiệu bán thuốc với công ty bằng hữu ở đường Đồng Khánh. Chẳng biết hiệu thuộc của Thống còn tồn tại? Từ Kế Tường đã bị loại khỏi sinh hoạt văn nghệ. Nguyễn Thanh Trịnh mỗi năm chỉ được đăng hai truyện ngắn ca ngợi lao động sản xuất. Đinh Tiến Luyện vượt biên hoài không nổi, đành kết hôn với một nữ thuyền nhân hụt và yên phận chọn Tam Hiệp, Biên Hòa. Luyện đã có con gái đầu lòng. Cuộc đời đã đổi thay hết.
Một thứ không hề thay đổi. Là cung cách chiến đấu chống cộng sản. Một thứ dừng lại. Là tư tưởng văn chương của các tiên chỉ, lý trưởng văn nghệ. Một thứ trở về. Là lối kiếm tiền chụp giật để chóng giàu. Một thứ tiến bộ. Là tinh thần ăn cắp, ăn quỵt, chụp mũ.
Đầu tuần lễ thứ ba, sau khi điểm tâm, chúng tôi được lệnh chuyển trại cả phòng. Lệnh khẩn trương. Tù nhân hạ bị, giỏ, tháo gỡ hết giây, gom góp mọi đồ “tế nhuyễn”, đem ra xếp thứ tự thành một hàng dài ngoài hành lang. Tất cả sợ hãi và băn khoăn. Ngày mai thăm nuôi, chuyển trại đột xuất, chưa kịp báo tin, vợ con khuân quà cáp tới sẽ mất công khuân về và sẽ lo lắng không hiểu chồng, cha mình ở đâu. Như ở bên Sở, tù nhân được nhận quà của gia đình mỗi tuần một lần. Ngày này, danh từ cộng sản gọi là ngày thăm gặp. Thực ra, không có thăm, cũng chẳng có gặp. Thân nhân bỏ quà cáp (thịt khô, mì vụn, mắm ruốc, nước mắm, kẹo bánh, cà phê, thuốc lá, thuốc bệnh, thuốc rê, thuốc lào, giấy quấn, diêm quẹt, trái cây… và 10 đồng) vào bị cói hay túi vải, túi phân bón, kèm tấm giấy ghi các món quà. Công an kiểm soát các món ở sân ngoài, rồi ký tên xác nhận lên tấm giấy “danh sách quà cáp”. Món nào cấm, công an gạch xóa. Được nhận quà, thân nhân tin là tù nhân không bị kỷ luật, bèn về ngay. Những người được Sở cho phép gặp tù nhân thì ngồi chờ trong phòng khách. Các Trưởng phòng khiêng những túi quà vào một căn nhà khám xét quà cáp của khu mình. Đề lao Gia Định có ba khu, mỗi khu một ngày nhận quà. Ở căn nhà khám xét, công an chiếu cố quà cáp kỹ lưỡng. Món nào dính dáng tới nước mắm, bị đổ ra cái thau nhựa. Đũa, muổng, dĩa khoắng, quậy, gắp, rỉa xem có thư gửi lén. Rồi lại dồn vô túi ni-lông. Thịt kho ướp mắm ruốc, cá kho là vì cái thau nhựa bới tung mắm ruốc, cá kho bới tung thịt.. Đường, cà phê… bị nắn bóp. Bánh chưng bị cắt làm tư. Quà tù nghe chừng cũng đau đớn. Dưới mắt công an cộng sản, cái gì của tù nhân phản động đều … phản cách mạng cả. Thuốc lá bị xé bao, dẫu là thuốc lá cách mạng, dồn vào túi ni lông. Dồn cả 200 điếu. Vẫn thuốc lá ấy, nhà tù mua giùm tù nhân thì để nguyên trong bao! Khám xét … nát quà cáp, rồi vất bừa vô bị, vô giỏ. Lúc ấy, trưởng phòng khiêng về cửa phòng theo tên tù nhân và số phòng. Cai ngục mở cửa. Tù nhân dở đồ ra sắp xếp. Chuối là dập nát. Xoài là dập nát. Bún chả tanh mùi cá. Phở xào nặng hương vị mắm tôm. Mì vụn vương đầy thuốc rê. Thăm gặp, dùng chữ của công sản, là một thủ đoạn. Đừng tưởng cộng sản ban phát ân huệ. Thăm gặp nhằm những mục đích:
* Chính sách cải tạo của Đảng và Nhà Nước nhân đạo.
* Đỡ tốn thức ăn và thuốc men.
* Tù nhân dinh dưỡng bằng thực phẩm của gia đình mình sẽ khỏe mạnh để ở tù lâu.
* Cho tù nhân hưởng phè phỡn thành thói quen. Sẽ dọa cúp thăm gặp làm áp lực tình cảm và vật chất.
Bởi vậy, ngoài thăm gặp hàng tuần, còn cho mua hàng hóa hàng tuần. Tù nhân sợ chuyển trai, phần lớn, vì sợ mất liên lạc gia đình, ít ra, nửa tháng. Đến trại mới được gửi quà.
Sau khi tù nhân ra ngoài hết, cửa phòng khóa chặt. Mỗi tù nhân đứng cạnh hành lý của mình. Cai ngục điểm số. Chúng tôi, từng người đọc tên và số thứ tự xếp hàng.
- Số 1, Vũ Mông Long.
- Số 2, Nguyễn Thanh Chiểu.
- Số 52, Lâm Văn Thế.
Điểm số xong, cai ngục nói:
- Các anh nhớ số của mình.
Cửa phòng lại mở. Chúng tôi nhận lệnh trở vào. Cai ngục gọi:
- Số 1.
Tôi hô “có” và đi ra. Cai ngục bắt tôi đứng nghiêm, dơ hai tay lên. Hắn rờ nắn thân thể tôi khám xét túi quần, túi áo tôi. Những tên vệ binh đeo súng ngắn, đứng canh chừng. Khám người xong, cai ngục bảo tôi đổ từng đồ “tế nhuyễn” ở túi, bị, giỏ ra. Hắn kiểm soát từng món, cật vấn đủ điều. Thư vợ tôi gửi, cai ngục tịch thu. Ảnh vợ con tôi, hắn giữ lại “nghiên cứu”. Hành lý của tôi bừa bãi trên nền xi măng của hành lang khu C. Cai ngục hạ lệnh “Khẩn trương”. Tôi quơ vội nhét vào giỏ, bị. Nước mắm lẫn với quần áo. Tôi được đem hành lý vào phòng. Tù nhân thứ hai, Nguyễn Thanh Chiểu, bị gọi ra. Cứ vậy, tới tù nhân số 52. Một buổi tổng kiểm tra phòng. Cai ngục nói dối chuyển trại để tù nhân có cất dấu cái gì trong phòng cũng sẽ phải thu quén bỏ hết vào bị. Thêm một thủ thuật. Thủ thuật biến ảo. Nó không thành qui luật chết. Nên tù nhân mắc bẫy dài dài. Lần sau chuyển trại thật sự, tù nhân tưởng tổng kiểm tra, công kênh nhau dấu những thứ cần dấu trên những xà gỗ trần phòng. Thế là vất lại những gì đã dấu. Nửa tháng, có khi một tuần, tù nhân, tiếc rẻ món này bị tịch thu, mừng húm món kia thoát nạn. Là đầu óc bớt căng thẳng, sự nổi loạn ở phòng giam được bảo đảm. Tôi đã nhìn rõ tôi qua hình ảnh Thanh Thương Hoàng, Nguyễn Hải Chí và tất cả tù nhân đề lao ngoài ánh sáng. Mặt chúng tôi trắng bệch, ngơ ngác. Mới đứng tại hành lang khám tư trang của tù nhân đã thấy mình hèn mọn. Mọi sự hung hăng biến đâu mất. Tôi chợt nhớ bài thơ L’albatros của Beaudelaire. Con hải âu đã rơi xuống sàn tàu. Tôi chợt nhớ bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. Con hổ đã nằm trong chuồng. Tôi chợt nhớ thiên hồi ký ngắn của Nguyễn Mạnh Côn, nhắc lại kỷ niệm ở tù Việt Minh với nhà văn Trọng Lang 3. Anh Nguyễn Mạnh Côn, viết rất thật, rất người rằng, vì thương con, Trọng Lang đã lạy cộng sản để nó đừng giết mình. Trọng Lang đã phản ứng bằng cách miệt thị Nguyễn Mạnh Côn nói láo. Tôi vừa tìm ra sự thật. Chưa có ai lạy cai ngục cả. Nhưng tất cả đều lễ phép khi bị cai ngục cật vấn, xét hành lý. Tôi lại chợt nhớ lời khuyên của Thanh Thương Hoàng bằng thơ Sông Hồ “Chuyện buồn nhỏ nhặt liệu mà quên”.
Chúng tôi ăn cơm trưa muộn. Vì bận bịu sắp xếp và treo hành lý tù. Buổi trưa, không ngủ, tôi mò sang chỗ ông Lâm Văn Thế đánh cờ tướng. Đánh cờ để tâm sự. Chúng tôi nói thật nhỏ.
- Ông Thế, ông nghĩ bao lâu họ thả chúng ta?
- Chịu. Không ai đoán nổi. Mọi suy nghĩ về cộng sản của người quốc gia đều sai hết. Ông sẽ đi lao cải, sẽ về, tùy vào sự ổn định tình hình sớm hay muộn.
- Còn ông?
- Tôi sẽ ở đây với các ông Thái Đen, Nguyễn Thiện Giai, Như Phong chờ phép lạ. Hai nơi đến và đi của chúng tôi: Sở và Đề Lao. Người ta không cho chúng tôi ra ánh sáng đâu.
- Tại sao?
- Chúng tôi là tự điển!
Tự điển, ông Lâm Văn Thế, thiếu tá cảnh sát đặc biệt giải thích:
- Tôi đặc trách một cụm tình báo. Rất nhiều cộng tác viên tình báo không có tên. Họ lãnh lương bằng hàng trăm mật danh ổi, xoài, mít… Tôi cũng không thể biết mặt họ toàn thể. Một số nào quan trọng thôi. Cơ quan của tôi, kẻ đã di tản, người trốn trình diện. Và tôi bị bắt ngay đêm 30-4. Tình báo đánh giá đúng mức tình báo. Họ dùng tôi làm tự điển.
- Họ tra … ông?
- Phải. Bắt được nhân viên của tôi trốn trình diện hay một người họ ngờ vực là cộng tác viên của tôi, trước hết, họ khai thác người bị bắt. Nếu người bị bắt chối, họ bảo người bị bắt làm tự khai danh dự, chấp nhận mọi hậu quả nếu gian dối. Rồi họ gọi tôi ra. Họ nêu tên tuổi người bị bắt, hỏi tôi có quen biết không. Tôi nói không quen, họ dẫn tôi về phòng. Rồi họ lại gọi tôi ra, cho tôi gặp mặt người mà tôi nói không quen biết. Họ quan sát mặt chúng tôi, cử chỉ của chúng tôi để tìm ra sự thật.
- Nếu ông trả lời ông quen biết?
- Thì người chối không hề quen biết tôi can tội gian dối. Và anh ta đích thị là công tác viên tình báo.
- Có trường hợp ngược?
- Có chứ. Tôi đâu biết người bị bắt khai làm việc với tôi, tôi nói không quen. Họ dí vào mặt tôi tờ tự khai và dẫn người bị bắt ra gặp tôi.
- Rồi sao?
- Tôi bắt buộc phải làm tự điển trung thực.
Ông Thế buồn bã:
- Với công ăn ở bất cứ chế độ nào ông có thể dấu diếm được tư tưởng trong đầu óc ông mà không thể dấu diếm được các sự việc đã xảy ra. Ngoài tôi, còn các cuốn tự điển khác mà tôi không biết. Có lẽ, họ cũng bị bắt sớm như tôi. Cá nhân tôi, tôi cũng chẳng rõ ai chạy thoát, ai kẹt lại, ai trình diện, ai bị bắt, ai còn lẩn trốn. Họ sợ tình báo, họ cần quét sạch tình báo, từ lính đen sĩ quan, từ gác cổng đến bưng nước văn phòng.
Tôi hỏi:
- Như Phong dính dáng tình báo?
Ông Thế đáp:
- Ông ấy là tự điển Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Tôi đã thấy Trịnh Quốc Tài tự tra … tự điển bên Sở Công An. Và tôi đã thấy ông ta tra bạn tôi, Thanh Thương Hoàng.
- Họ cũng tra tự điển tôi về các nhà văn, nhà báo. Cơ quan của tôi không phụ trách “hồ sơ” văn nghệ sĩ.
Chúng tôi ngừng cuộc cờ. Tôi trở lại chỗ của tôi, ngồi dựa lưng vào tường suy nghĩ. Có hai đối tượng cộng sản đang truy lùng: Tình báo và đảng phải. Cộng sản thù hận các đảng Đại Việt, Duy Dân, Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đó là mối thù “truyền kiếp”. Rất nhiều đảng viên của ba đảng này không trình diện và tiếp tục chống đối cộng sản. Cụ thể hóa sự sợ hãi và lòng thù hận của cộng sản là Mai Chí Thọ đã đích thân chỉ huy cuộc hành quân, vây bắt trọn vẹn đàn ông (thanh niên, phụ lão) của hai làng Sống Vinh (Bà Rịa), hai làng do Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập trong kế hoạch khẩn hoang lập ấp của Phan Quang Đán. Họ sợ hãi những nhân vật chìm, những con bài chưa lật tẩy. Thứ đã lật tẩy, đã om sòm tên tuổi cỡ Vũ Hồng Khanh, Hà Thúc Ký, Đặng Văn Sung, Phạm Huy Cơ, đi hay ở, chẳng có gì quan trọng. Vũ Hồng Khanh, kẻ ngang vai vế với Hồ Chí Minh (Ở bối cảnh lịch sử 1946, còn trên cơ là khác), đã lẽo đẽo đi trình diện, đã trả lời câu hỏi “Tai sao ông chống cộng?” của tên thiếu tá quân đội nhân dân như vầy: “Sống dưới chế độ miền Nam, không chống cộng là chết!” Câu trả lời bất hủ nầy phẩm định giá trị chiến đấu của đại lãnh tụ quốc gia. Ông Vũ Hồng Khanh đã già lắm, đáng lẽ, ông đã khước từ trình diện và chỉ chấp thuận trả lời Phạm Văn Đồng, Trương Chinh. Ông đã sợ … chết già. Ông ta ham sống như bọn lãnh tụ già bất tài vô tướng ham sống vậy. Câu trả lời bằng tiếng nói đích thực của Vũ Hồng Khanh đã được truyền thanh khắp nước, ròng rã hàng tháng. Biểu tượng quốc gia bị bêu nhục. Ông giáo Giản 4 đã tiêu diệt các đảng phải quốc gia nhỏ để Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông chiếm đa số ghế trong Quốc Hội bịp 1946. Ông giáo Giản suýt thủ tiêu Nguyễn Mạnh Côn (Việt Nam Phục Quốc Đảng), nếu Nguyễn Tường Tam không kịp can thiệp 5. Nhà lãnh tủ đa sát này đã đứng giữa hoàng hôn giăng giối: “Sống dưới chế độ miền Nam, không chống cộng là chết!” Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Nguyễn Tú (ký giả nhật báo Chính luận, tên thật Nguyễn Ngọc Tú, nhân vật quan trọng của Đại Việt quan lai, từng chấp chính giữ ghế Tổng Giám đốc Nha Thanh Niên thời Tổng Trưởng Nguyễn Văn Kiểu) bị bắt ngay đêm 30-4-75 mà Phan Huy Quát, cựu Thủ tướng, Chủ tịch Liên Minh Á Châu Chống Cộng vẫn đạp xe mini suốt tháng 5-1975, Tự điển người! Ghê gớm thay thủ đoạn cộng sản. Tôi bắt đầu lo ngại cho Thanh Thương Hoàng.
Anh ta đã thức giấc đúng lúc nước sôi buổi chiều vào. Thanh Thương Hoàng pha cà phê mời tôi uống.
- Vụ ấy, mày không nhận là may. Anh em bảo mày OK.
Tôi ngẩn tò te.
- Vụ nào?
Thanh Thương Hoàng cười ruồi:
- Vụ anh em đưa vợ con mày đi.
Tôi nhớ rồi.
- Bị bắt hết. Bị Mai Chí Thọ cài người gài bẫy bắt hết.
- Có chuyến đi?
- Có. Chuyến đi dính lưới toàn bộ.
- Có chiến khu?
- Có. Một nhóm sĩ quan, một nhóm lính. Đang nằm trong tay Quân Báo bên Tô Hiến Thành.
- Sao mày biết?
- Tao không dám ta-pi. Tao từ chối. Một người quen thoát lưới chuyến đi, nhờ hối lộ tên công an Phước Tỉnh hai lạng vàng, cho tao rõ. Mấy hôm sau, người ấy báo cáo thêm cả tổ chức bị sa lưới.
- Không phải là tao không nhận. Vợ tao đau nặng hôm đó.
- Vận may. Đàn bà con nít không nên vào tủ. Họ phải ở ngoài tiếp tế cho bọn mình.
Thanh Thương Hoàng thở dài:
- Bốn phương mù mịt cả. Tổ chức nào cũng dính lưới. Có tổ chức cài người vào Phường, khi bị công an bảo vệ chính trị bắt, Phường trưởng không tin người bị bắt là phản động. Trước hôm mày vô 6C-1, thằng Chín bị đổi phòng. Nó được cài vào huyện đội công an Thủ Đức. Nó chửi Mỹ tổ chức chống cộng rồi xúi cộng sản bắt!
Tôi bỗng nhớ Trương Phiên. Người Mỹ âm mưu gì nữa? Tôi hoàn toàn mù tịt. Vỗ vai Thanh Thương Hoàng, tôi hỏi:
- Mày thận trọng nhé! Tao thấy thằng Trịnh Quốc Tài viết báo cáo có tên mày, Trịnh Viết Thành, Tô Ngọc. Mày dính dáng Phủ Đặc Ủy Trung ương Tình báo hả?
Thanh Thương Hoàng giật mình:
- Không, không…
Tô Ngọc phục vụ cảnh sát đặc biệt để trốn lính như Y Vân. Trịnh Viết Thành làm báo Quật Cường của Trung ương Tình báo với Anh Quân. Còn Thanh Thương Hoàng chỉ tai tiếng vụ Làng Báo Chí. Anh ta có dính liếu với Trung ương Tình báo hay không, tôi không biết. Nhưng khi tôi nhắc nhở anh ta có tên trong báo cáo của Trịnh Quốc Tài, anh ta rầu rĩ vô cùng. Sáng hôm sau, cai ngục đến 6C-1 trước giờ phát nước sôi. Tên hắn là Sáu, dân Sàigòn, vì bị lé nên tù nhân tặng hắn biệt danh Sáu lé.
- Nguyễn Thanh Chiểu.
- Có
- Mặc quần áo ra làm việc.
Thanh Thương Hoàng vội vàng mặc bộ bà ba vải mỏng, mầu gụ. Anh ta cầm đôi giép Nhựt bước tới cửa phòng. Tù nhân ra làm việc, bất kể làm gì, đều phải ăn mặc tươm tất, đi giép. Đầu tóc có thể rối bù. Râu ria có thể rậm rạp. Quần áo không thể thiếu nghiêm chỉnh. Ở đề lao, hàng tháng, tù nhân được cắt tóc, cạo râu một lần. Tù cắt tóc cho tù. Cai ngục đứng giám sát. Cuối khu C-1, người ta dựng cột lợp tôn làm cái chái. Do đó, phòng 7C-1 thiếu ánh sáng. Tù nhân khu C-1 ra cắt tóc ở cái chái nầy. Buổi sáng một phòng. Buổi chiều một phòng. Ba thợ cắt tóc tù làm việc khẩn trương. Cai ngục mở cửa. Ba tù nhân ra một lượt. Cửa khép chặt, ấn khóa. Không có khăn quàng. Không có dao cạo. Không có kéo. Không có gương. Tông-đơ Trung quốc lưỡi thưa, thứ tông đơ cắt lông ngựa liếm tóc tù nhân. Giáo điều cắt tóc của cách mạng vô sản:
- Cắt dài là thiếu nếp sống văn hóa mới.
- Cắt trọc là chống đối.
Bởi thế, tông-đơ đẩy lưng chừng. Đẩy xong những đường tóc, tông-đơ đẩy râu ria. Tông-đơ chấm bát luôn. Năm phút một cái đầu. Cằm bị chảy máu, mép bị chảy máu, ráng chịu. Tông-đơ nhai tóc, đừng kêu ca. Ba anh này vào, ba anh kia ra. Anh nọ soi gương bằng cách nhìn đầu anh kia. Thấy mình giống quái vật. Cắt tóc xong thì bước vô phòng tắm, dùng khăn khô phủi tóc cho nhau, đợi sáng mai hãy tắm (nếu cắt tóc chiều). Ngủ một đêm với tóc vụn dính mồ hôi có sao. Ngứa thì gãi chung với gãi ghẻ cho tiến bộ, đuổi kịp nếp sống văn hóa mới.
Đầu tóc, râu ria Thanh Thương Hoàng khiếp lắm. Rõ là thằng tù! Sáu lé mở cửa. Hắn khóa lại. Tù nhân đi trước, cai ngục đi sau, đề phòng đánh lén. Cách mạng luôn luôn cảnh giác cao. Sau bữa ăn sáng, Thanh Thương Hoàng trở về. Anh ta mệt mỏi, bỏ cơm. Kẻng tù báo thức giấc trưa, anh ta ra làm việc. Cứ vậy, sự làm việc của Thanh Thương Hoàng kéo dài cả tuần. Trong khi ấy, Chóe, Hồng Dương, Thân Trọng Kỳ, Cao Sơn và tôi chưa bị gọi ra. Một buổi tối, chúng tôi ngồi bên nhau hút thuốc lá, chuyện gẫu. Thanh Thương Hoàng nói:
- Tao đã kết thúc tự khai.
Anh ta kể:
- Tao viết một câu rất hòa giải dân tộc.
Thanh Thương Hoàng đọc:
- “Chúng tôi sẵn sàng bắt tay với các anh xây dựng lại đất nước”.
Hồng Dương dẫy nẩy:
- Hỏng rồi.
Thanh Thương Hoàng vốn phục Hồng Dương thông minh, đọc nhiều. Anh ta hỏi.
- Hỏng sao?
Tôi nhanh miệng đáp:
- Mày bỏ tù nó, mày viết thế là mày cao thượng, quốc gia cao thượng. Nó bỏ tù mày, mày nói thế là mày xấc. Nó sẽ hành mày. Nó ví chúng ta là thú vật. Mày hiểu chưa? Nó đòi cắt đuôi chúng ta để chúng ta làm người. Sức mấy nó chìa tay cho mày bắt. Xấc thì hay đấy nhưng thiếu lô-gích. Thằng nào chấp pháp mày?
- Hai Nghiêm.
- Dân gì?
- Quảng Bình.
- Nó đọc chưa?
- Rồi.
- Phát biểu?
- Tốt.
Hồng Dương lắc đầu. Hôm sau, Thanh Thương Hoàng lại lên làm việc. Lúc về, anh ta uể oải:
- Chúng mày đúng. Nó bảo tay tao chưa sạch tội ác. Tao chuẩn bị vào cachot. Nó bảo vậy.
Thanh Thương Hoàng sửa soạn hành lý. Ngay buổi chiều, anh ta rời phòng 6C-1 vào cachot số 4 của khu C. Thanh Thương Hoàng nằm cachot một tuần thì bị đưa trở lại Sở Công An. Từ đó, tôi mất tin anh. Tháng 9 năm 1981, về đời, tôi biết anh bị lưu đày lên Pleiku cùng chuyến đi với Doãn Quốc Sĩ. Gặp Sĩ, anh nói tác giả Cánh chim mỏi rã rượi lắm. Anh ta rụng hết răng, tê liệt. Người vợ thứ nhất của Thanh Thương Hoàng là con gái của Lê Khải Trạch đã không còn ở với anh từ lâu. Mọi sự nuôi anh trong tù do người vợ thứ hai. Người nầy tiếp tế anh đầy đủ. Nhưng chị ấy đã vượt biên. Người vợ thứ nhất lo việc tiếp tế. Chị ta nghèo, thiếu phương tiện thăm chồng xa xôi. Thanh Thương Hoàng trở thành “con bà phước” ở rừng núi Gia Trung 6. Anh ta hào sảng lắm, ở Sở Công An, ở đề lao Gia Định. Trên Pleiku có ai hào sảng với anh? Tất cả đã là tù nhân. Tất cả đều là bạn tù. Bạn tù trong danh ngôn nghiệt ngã “Bạn tù, tình nhà thổ”. Khi nỗi khổ kéo dài mòn mỏi, khi sự phú quý đi giật lùi, con người đâm ra bần tiện, chỉ còn biết nghĩ đến mình. Mọi thù hận lẫn nhau phát xuất từ đó. Anh em nguyền rủa lẫn nhau, nói xấu lẫn nhau. Ra khỏi tù, anh em không quên thù hận, vẫn nguyền rủa nhau, nói xấu nhau, gặp nhau không thèm nhìn mặt. Đó là mục đích trong những mục đích của học tập cải tạo tư tưởng!
Chú thích
1 Đọc Sỏi Đá Ngậm Ngùi, cùng một tác giả, Nam Á Paris xuất bản 1985.
2 Trong bộ tiểu thuyết Hồn Say Phấn Lạ, tôi khai triển tư tưởng cách mạng Tây Sơn.
3 Đã đăng trên tạp chí Bách Khoa, tôi quên số và tháng, năm phát hành.
4 Vũ Hồng Khanh, xuất thân là giáo làng.
5 Đọc Hồi Ký Nguyễn Mạnh Côn, tạp chí Bách Khoa.
6 Nghe nói anh đã được tha vào năm 1986.
Nhà Tù Nhà Tù - Duyên Anh Nhà Tù