Never lend books, for no one ever returns them; the only books I have in my library are books that other folks have lent me.

Anatole France

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2702 / 72
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13: Thư Viết Cho Vợ
hà mình.. Nửa đêm...
Phượng yêu dấu,
Đêm nay, anh cố ý thức thật khuya để khỏi viết cuốn thứ ba trong bộ truyện dài sáu cuốn của anh. Đời anh sẽ chỉ loay hoay ở bộ truyện này. Bởi vì, bộ truyện này anh viết tặng con chúng ta. Bởi vì, khi anh viết bộ truyện này tâm hồn anh không phải là tâm hồn của anh hiện tại, thứ tâm hồn què quặt, xảo trá, thủ đoạn của người sớm bước xuống cuộc đời, sớm biết cuộc đời để sớm ghê tởm cuộc đời. Tâm hồn anh, khi viết truyện tặng con chúng ta là tâm hồn của ngày xưa còn bé. Tâm hồn ấy đã ngập ứ kỷ niệm hoa bướm, trong suốt pha lê. Cho nên, hễ anh viết, ý tưởng từ óc chảy xuống tim chảy ra năm đầu ngón tay anh. Và anh viết rất nắn nót. Viết cả đêm chỉ được ba trang giấy. Như lần khởi sự viết cuốn thứ nhất. Phượng ạ, anh đốt hết nửa gói thuốc lá, uống cạn một chai nước lọc mà vẫn chưa “đẻ” được dòng nào. Thế mới biết thực hiện đúng ý muốn của mình bao giờ cũng khó.
Anh ngó em... Qua tấm màn lan tiêu, em đang thiêm thiếp ngủ. Dạo này em ngủ ngon giấc, ngủ không cần thuốc an thần của anh Đức cho. Em ngủ được nhờ anh. Em nói thế. Nhờ anh đã thật tình với em. Không nói dối em. Không bắt tội em băng khoăn, sầu khổ. Chợt anh nhớ tới một truyện ngắn trong tập truyện “Cái bong bóng lợn” của ông Phan văn Tạo. Truyện ngắn đó là một bức thư của một người chồng viết cho vợ và dán tem đem bỏ vào thùng thư. Anh luôn luôn xúc động sau mỗi lần đọc những truyện viết về gia đình. Đọc truyện ngắn “Hai chị em” của bà Nguyễn thị Vinh anh rơm rớm nước mắt. Nhưng đọc những tiểu thuyết tình ái dang dở, lâm ly, anh không mảy may xúc động. Bởi vậy anh chưa hề viết nổi một cuốn tiểu thuyết ái tình lâm ly nước mắt. Mà chỉ viết chuyện gia đình, truyện con nít tầm thường. Lại viết giản dị, hiền lành và... bình dân! Đến nỗi các nhà phê bình văn học ở đây coi anh như kẻ đi về đường xưa lối cũ để lượm nhặt những cái mảnh sành, mảnh kính chìm lấp dưới lớp cát dầy. Tiểu thuyết của anh không biết mổ xẻ thân phận làm người. Nghĩa là không bầy chân dung của Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Nathalie Sarraute, Simone de Beauvoir, André Malraux.. Điều ấy dễ hiểu. Vì anh không đủ chữ Pháp để đọc và thấu hiểu những Sartre, những Camus. Vì anh không thích đọc để chẳng hiểu gì mà cứ toan làm dáng sự hiểu biết của mình. Và, có thể, vì anh kiêu hãnh. Anh không muốn giống những người khác, không muốn làm con trâu nhai lại. Anh rất mừng là, tuy những gì anh đã viết chẳng hay hớm, cao siêu nhưng chúng thuộc của riêng anh, chỉ anh mới có. Anh ví anh như cây dại giữa đồng không mông quạnh. Cây dại ấy chịu đựng nắng cháy mưa tầm mà lớn dần để nở hoa. Hoa không hương sắc. Vẫn là hoa. Cuộc đời anh khởi tự dưới lớp đất khô cằn cỗi hay ủng mục. Không một bóng mát của đại thụ che chở. Bóng mát duy nhất của đời anh là em. Anh giống thứ trái cây chín hoang. Anh hãnh diện ngoảnh mặt nói “Tôi làm lấy đời tôi, chưa là mầm non do ai đào tạo, tôi không thích làm vệ tinh của người nào”.
Cuộc chiến đấu vươn mình thoát khỏi túng quẫn và lãng quên của anh rất âm thầm, vất vả. Em chấp nhận hạnh phúc thật giản dị. Em muốn anh sống đời sống tầm thường miễn là vợ chồng con cái xum họp hạnh phúc. Anh thương em, tội nghiệp em và muốn em có một người chồng không tầm thường. Anh lăn xả vào nghề làm báo để gây chút tiếng tăm. Tiếng tăm trở thành tai tiếng. Anh đã làm khổ em. Do đó mà, mỗi lần đọc những tiểu thuyết viết về hạnh phúc hay tình thương gia đình, anh đã xúc động. Anh muốn bắt chước ông Phan văn Tạo, viết cho em một bức thư nhờ bưu điện chuyển tận tay em. Anh dẹp bàn, viết đây, viết thư cho Trần thị Phượng, người vợ đau khổ tám năm ròng rã của anh.
Phượng yêu dấu,
Chẳng biết bao lần chúng ta cấu xé nhau, hành hạ nhau, dằn vặt nhau. Sống không phải để nhớ những lầm lỗi của nhau. Sống là để tha thứ và thương yêu nhau. Và đừng bao giờ tưởng rằng người mình thương yêu không thương yêu mình. Tưởng tượng như thế, đầu óc rất mệt mỏi và mất ngủ. Sống mà cứ nghi ngờ nhau, không tin cậy nhau thì khổ sở vô cùng. Em đã sống những tháng năm dài đau buồn. Vì mất niềm tin cậy ở anh. Một phần lỗi tại anh thích chạy theo ảo tưởng. Anh giống con chó thả mồi, bắt bóng trong sách “Quốc văn giáo khoa thư” lớp sơ đẳng. Dòng nước đã cuốn hạnh phúc của anh, cuốn theo cả cái bóng hạnh phúc. Một phần lỗi tại em, em không chịu hiểu rằng anh thương yêu em. Anh may mắn hơn con chó của truyện ngụ ngôn. Anh đã nhảy xuống nước, bơi theo dòng mà vồ lại hạnh phúc. Nên, mới có đêm nay, anh được ngồi viết thư cho em.
Chắc em không nghĩ khi em giận anh, em bồng bế con đi khỏi nhà, lòng anh đã rối bời tan nát. Em vin vào cớ không chịu đi tìm em, xin lỗi em và rước em và con về, để kết tội anh coi thường vợ con. Đó là điều không người vợ nào không trách cứ chồng. Anh không chịu tìm em vì anh muốn em xa anh, xa thật lâu và em sẽ nhớ thương gấp bội. Rồi em tự ý tìm về. Em đâu hiểu, những buổi chiều em giận anh đã bỏ đi, anh đã thao thức suốt đêm. Tiếng xe thắng trước cửa nhà mình, tiếng chó sủa là tiếng trái tim của anh đập mạnh. Anh chờ em. Đôi lần, em đã về đúng lúc anh mong đợi. Thường thường là tuyệt vọng. Thì anh lại hồi tưởng kỷ niệm ngày mới yêu nhau.
Anh nhớ cái góc căn nhà em. Cửa sổ nhìn ra sân trường. Chỗ ấy, hình như, chỉ dành riêng cho em và anh. Em đã ngồi đấy. Đợi anh. Hai chúng ta đã ngồi đấy, kề đầu sát nhau, nói thật nhiều chuyện tình yêu. Có những chiều mưa không chịu tạnh, mưa giữ anh ở hoài bên em. Anh yêu những chiều mưa đó. Yêu ghê lắm. Đúng là mưa xanh hạnh phúc. Anh đã hôn em trong khung cảnh thần tiên ấy. Nhưng anh nhớ nhất là những lần nhớ em, anh đã xoay tiền xe đò Sàigòn - Cần Thơ xuống thăm em. Em biết anh “rách” đã mua vé xe đưa cho anh trở về và giả vờ “Em định đi Sàigòn nên mua vé trước, anh xuống thăm em, em không cần đi nữa, em đổi vé mới”. Lại có cả một bức thư đề tên anh và dặn “Lên xe hãy bóc”. Lên xe, anh bóc ra, anh thấy nhiều tấm giấy năm trăm. Em chu đáo quá. Tình của em đối với anh như thế làm sao anh có thể không biết ơn em.
Anh đã nói nhiều, nói không tiếc lời với bất cứ ai. Khốn nạn thay, anh lại không biết nói với em. Anh im lặng đến hững hờ. Đến nỗi em tưởng anh đã quên hết. Nhưng anh đâu có quên. Anh nhớ kỹ. Trí nhớ của anh tốt mà. Ai đối xử với anh tử tế, anh nhớ suốt đời, nhớ từ ngày tháng đến khung cảnh và cử chỉ. Ai đối xử tệ với anh, anh cũng nhớ suốt đời. Em chưa hề đối xử tệ với anh. Nếu em đối xử tệ với anh, anh không nhớ đâu. Anh quên ngay. Vì em là vợ của anh. Em có quyền đối xử tệ. Cái lý của em: Em yêu anh. Anh nhắc sơ sơ vài kỷ niệm cũ để em ngạc nhiên: À, Nguyễn văn Lương chồng của mình vẫn vậy. Nhiều kẻ vừa mở mặt với đời đã vội quên cái quá khứ nghèo đói của họ. Và học đòi đổi nghĩa thay tình. Điều anh rất phục anh là anh dám, bất cứ lúc nào, nói hay cái quá khứ hèn mọn của anh. Quá khứ đó làm anh nên người. Quá khứ đó, em cũng yêu và lấy anh. Và hãnh diện với anh.
Phượng yêu dấu,
Anh đã viết dông dài và làm em hồi hộp. Em hãy bình tĩnh. Đừng có lo. Vì thư này nếu nó bắt em khóc thì những giọt nước mắt, với em, sẽ là những giọt nước mắt sưng sướng, với anh, sẽ là những giọt nước mắt xá tội lỗi. Có thể, anh đã gây nhiều tội lỗi cho đời. Nhưng anh không cầu xin đời xá tội giùm anh. Bởi anh nghĩ đời thật khoan dung dù khắc nghiệt. Đời không vùi dập những kẻ nông nổi mà lòng dạ ngay thẳng, mà khởi nghiệp từ dưới con dốc vật chất như một con sên leo dốc bằng năng lực của nó. Anh đã âm thầm bò trên con dốc cơ đơn. Đôi khi anh cũng ồn ào đáng ghét. Song anh biết ghét anh ngay, anh không dám kéo dài sự ồn ào vì sự ồn ào của anh đã gây phiền phức cho nhiều người. Nhất là cho em cho con của chúng ta. Thà không ai biết đến mình để khinh bỉ hay oán ghét mình. Triết lý sống của em giản dị quá. Anh thấy những người bạn tưởng em có cái xuất xứ nghèo hèn như anh, dạy em đủ thứ. Em chỉ mỉm cười. Người ta ngắm chiếc nhẫn kim cương của em không tin rằng đó là kim cương thật. Người ta nhìn chiếc bánh sinh nhật của con, cứ đinh ninh em đặt ở một cái chợ nào giá rẻ nhất! Em chỉ mỉm cười. Có lẽ, nhờ sự ít nói, nhu mì của em mà đời tha thứ cho anh, đời đã không dùi dập anh, đời đã đãi ngộ trên cái tài bé nhỏ của anh. Và, anh chợt thấy đã ngu xuẩn, anh đã phản bội cánh tay đời trìu mến bằng cách cố tình nhấn mạnh ngòi bút cong queo để bôi bác sự hằn học cuộc đời.
Một hôm, nhà thơ của tình yêu, Nguyên Sa, đã rủ anh tới một quán cà phê bên đường, thân mật bảo anh: “Ông cứ viết nhảm mãi, thế nào văn chương nhảm nó cũng vận vào người ông. Truyện ông đang viết không còn là truyện dễ thương nữa”. Sau đó, trên một tạp chí, linh mục Nguyễn Ngọc Lan cũng âu yếm khuyên nhủ anh chẳng nên “ngủ sầu trong đất”...
Đó, em biết chưa, đời thương anh dường ấy, đời tỏa bóng mát che nắng cho anh đi, đời kéo anh trở về lối ngay mỗi lần anh sắp bước xuống hố. Ôi, còn bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu độc giả đã mắng mỏ anh, đã khích lệ anh. Chỉ vì muốn anh không sa rớt vực thẳm của quên lãng. Thế mà anh nỡ chửi đời thì anh chó má quá. Phải tạ tội với đời. Phải quỳ xuống đất, lòng sạch như giấy trắng học trò, hồn thơm như hồn niên thiếu vái lạy đời. Hỡi bằng hữu thân sơ, hỡi độc giả, hỡi những người đã ghét bỏ tôi, hỡi những người đã thương yêu tôi ơi! Cho phép tôi được nói một lần duy nhất của đời: Xin cám ơn và tạ tội tất cả.
Và riêng em, Phượng yêu dấu, anh còn phải tạ tội em nhiều lần. Bởi vì “Gái thương chồng dang đông buổi chợ, Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”. Khi anh biết anh làm em khổ, những vạt nắng chiều vàng vọt đã phủ nhuộm hạnh phúc của vợ chồng mình. Anh thích một câu nhạc cuối cùng trong bài “Tôi ru em ngủ” của Trịnh Công Sơn:
Tôi ru em ngủ
Hạ cũng vừa sang
Em hôn lên tay mình
Để chua xót tình trần
Em có chua xót tình trần không Phượng? Anh nghĩ rằng đã nhiều đêm em hôn lên tay mình, nge nước mắt nhỏ giọt nóng xuống da thịt mà chua xót tình trần, kể từ ngày em dại dột lấy anh. Đúng thế không, Phượng? Phượng yêu dấu của anh? Em đã chua xót khi thấy con mình lớn dần để biết dần những chuyện lục đục của bố mẹ chúng. Lúc chúng ta to tiếng thằng Tí bịt tai, đi lên gác nằm khóc. Con Ki sợ xanh mặt. Thằng Đốn đang ăn vòi, bỗng nín thinh, nằm quay mặt vô tường. Thật đau xót khi nghe thằng nhãi sáu tuổi trả lời “Lớn lên con không lấy vợ, lấy vợ cứ cãi lộn hoài như bố mẹ ấy” câu hỏi của bố “Lớn lên Tí có lấy vợ không”!
Phượng yêu dấu,
Anh đã coi trộm nhật ký của em. Em ghi không thiếu sót một chi tiết nào tám năm làm vợ anh. Những dòng chữ đen thui, ngoằng ngoèo, lên dốc xuống đồi chứng tỏ lúc em ghi, tay em run rẩy vì giận, vì tủi thân. Mỗi trang mỗi nhòe nước mắt. Nước mắt em rơi trên trang giấy hòa với mực kéo dài nỗi đau đớn ê chè. Lương Khoán đã hành tội em. Em thù ghét Lương Khoán. Em không cần biết có Lương Khoán đã đi cạnh đời em. Em chỉ biết Nguyễn văn Lương. Nhưng Nguyễn văn Lương đã mất linh hồn. Linh hồn hắn nhập vào cái ảo ảnh Lương Khoán. Anh chợt tỉnh ngộ. Người ta sinh ra đời, làm bất cứ một công việc gì cũng chỉ nhằm mưu cầu hạnh phúc.
Mưu cầu hạnh phúc cho mình, cho vợ con mình rồi, cao cả hơn, sẽ mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Trừ những vĩ nhân như Phật Thích Ca, Chúa Ki tô... mới dám gạt hạnh phúc nhỏ mọn của mình để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại đắm đuối trong bể khổ trần ai. Anh đã nắm trong tay hạnh phúc. Vậy mà anh lại buông nó rớt xuống nước khi tưởng cái bóng hạnh phúc dưới nước mới là hạnh phúc. Nhiều người chồng trên cõi đời này đã tưởng như anh tưởng. Và họ bỏ vợ con bê tha, đuổi theo bóng hạnh phúc. Để, cuối cùng, sống như những con chó hoang lủi thủi.
Anh đã viết ở trên. Là, anh nhảy xuống dòng nước cuốn, đuổi kịp hạnh phúc, nắm chặt lấy nó, lôi lên bờ. Hạnh phúc lạnh lẽo. Anh hong lửa sấy hạnh phúc. Hạnh phúc sẽ ấm, sẽ nóng bỏng, sẽ nồng nàn. Nó đã nóng bỏng, nồng nàn. Môi em thôi tái. Mắt em thôi thăm thẳm u sầu. Em đã biết cười. Em đã dám lo nghĩ tương lai cho con cái. Con ma ám ảnh, thật sự bị tình yêu tiêu diệt. Chúa đã đoái thương em. Phật đã độ trì anh. Cuộc đời đã giúp đỡ vợ chồng mình. Anh muốn, như những người bạn thân của chúng ta muốn, ngày gần đây, chúng ta làm lại đám cưới. Anh sẽ in thiệp báo tin lung tung. Sẽ có tiệc cưới, ở nhà hàng. Em mặc áo cô dâu. Anh sắm vai chú rể. Có phù dâu, phù rể nữa. Bạn bè và cả con cái mình sẽ chúc mình trăm năm hạnh phúc. Như vậy, hơi khôi hài. Nhưng sợ gì nhỉ? Chúng ta chỉ cần yêu đương nhau suốt đời. Ta sẽ có một đêm tân hôn tuyệt diệu, một tuần trăng mật ngọt ngào ở Đà Lạt, ở Nha Trang, ở Huế hay bất cứ nơi nào trên thế giới em thích và anh đủ hoàn cảnh. Truyện chúng mình, do đó, còn dài, dài bằng hai đời người cộng chung hai lần hưởng hạnh phúc. Thôi, anh không viết nữa. Trong giấc ngủ, chắc em đang mơ gối đầu trên tay anh, nói đủ để anh nghe “Lương, em yêu anh, em yêu cả Lương Khoán. Từ nay, trên trang đầu của mỗi cuốn tiểu thuyết, anh nhớ đề Lương Khoán Nguyễn văn Lương, anh nhé!”
Ngủ đi em, ngủ đi Phượng! Ngủ đi với giấc mộng tân hôn đêm nào đó. Đã đủ mùa thương đau cho trái sầu rụng rơi khỏi cây đời em rồi đấy, Phượng ạ!
DUYÊN ANH VŨ MỘNG LONG
(Viết xong tại Phú Nhuận ngày 3-10-69)
Nhà Tôi Nhà Tôi - Duyên Anh Nhà Tôi