With compassion you can die for other people, like the mother who can die for her child. You have the courage to say it because you are not afraid of losing anything, because you know that understanding and love is the foundation of happiness. But if you have fear of losing your status, your position, you will not have the courage to do it.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Doan Bui
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Thuận
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 14
Cập nhật: 2020-10-15 22:03:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13: Vô Danh Ở Địa Chỉ Này
à đã gửi thư xin bản sao giấy khai sinh cho ông Bui A. D. Chúng tôi lấy làm tiếc thông báo với bà rằng ông ấy không hiện diện trong các hồ sơ của chúng tôi. Chúng tôi xin lỗi không thể giúp bà trong việc tìm kiếm của bà.
2007. Tôi viết thư gửi vụ Lý lịch nhân sự Nantes xin một bản sao giấy khai sinh của cha tôi và mẹ tôi, đều sinh ở ngoài nước Pháp. Nhân viên của vụ tìm thấy một số giấy tờ liên quan tới mẹ tôi. Nhưng về cha tôi, họ nói rõ: Không hiện diện.
Về sau, tôi biết rằng kiểu rủi ro này đôi khi cũng xảy ra với tên và họ của chúng tôi, do các cơ quan hành chính viết sai chính tả. Cha tôi đã bị nuốt chửng vào cái bụng đen ngòm của Vụ Lý lịch nhân sự Nantes, đầu mối nhận tất cả giấy khai sinh của những “người Pháp sinh ở nước ngoài hoặc lãnh thổ từng do Pháp quản lý”. Mấy từ hành chính đơn giản thế này thôi mà chứa đựng bao cuộc đời, bao chuyến đi, bao câu chuyện!
Tôi zoom trên Google Map để xem số 11 phố Maison-Blanche, địa chỉ của Vụ Lý lịch nhân sự Nantes trông giống cái gì: một tòa khổng lồ bằng bê-tông và thủy tinh, kiến trúc hơi theo trường phái futuriste. Thế ra đây là nhà của yêu tinh đấy. Chính tại đây mà người ta biến mất. Bị nuốt chửng, tiêu hóa trong dạ dày và nhả ra đằng miệng dưới dạng giấy fax. Cha tôi đã bị ăn, giấy khai sinh của cha đã bị nghiền ra nghìn mảnh vụn li ti, có thể đã tái sinh dưới một căn cước khác, một kẻ có cùng một lúc hai giấy tùy thân.
Tôi đã có những “sợ toát mồ hôi trước tình cảnh không hiện hữu”, như nhân vật chính trong tiểu thuyết Quấn quýt của Romain Gary. Tôi muốn tìm thấy, dưới khe cửa nhà tôi, một bản điều tra dân số về “hoàn cảnh”, trong trường hợp lúc nào đó phải chứng minh về sự hiện hữu của tôi. Tôi luôn thích điền các loại giấy tờ. Biết ghi gì vào trong các ô trống, là để người ta xếp hạng mình, tự thu mình vào, cuộn nhỏ mình lại. Tự xếp loại, tự dán mác, tự ghi tên vào danh sách, tức là tìm một chỗ cho mình.
Ðã nhiều tháng nay tôi tranh luận với hành chính Pháp về sự không hiện hữu của tôi. Trước đó, tôi làm mất chứng minh thư. Ở quầy tiếp tân của sở Nội vụ, một bà giải thích cho tôi bằng một giọng khó chịu rằng cả hộ chiếu lẫn giấy khai sinh của tôi đều không cho phép họ cấp lại một chứng minh thư mới. Tôi là công dân Pháp sinh ở Pháp, nhưng cha mẹ tôi là người nước ngoài. Bà ta đòi một “bản chứng nhận quốc tịch Pháp”. Họ yêu cầu tôi phải chứng minh tôi là người Pháp.
Tôi phản đối, tôi nhìn thấy sự bực tức trong mắt của bà nhân viên quầy tiếp tân, và tôi bất ngờ nhận ra rằng tôi đang đi ngang cái màng mỏng manh nằm giữa những người may mắn và những kẻ bất hạnh. Tôi bị chìm trong miền nước trũng của những người xuất thân hèn kém. Những kẻ đang xếp hàng xin thẻ cư trú, những kẻ thay tên đổi họ nhiều đến độ bản thân cũng không còn biết cái nào đúng, những kẻ không có dấu chuẩn, thị thực chuẩn, những kẻ đang xin xỏ và mỉm cười. Những kẻ, về thực chất, là đáng ngờ. Bỗng nhiên, tôi không còn ở bên phía đúng. Tôi không là người Pháp, như tôi cứ tưởng bấy lâu. Tôi là người nước ngoài. Một người thừa.
Tôi nhớ những tháng dài đi tới đi lui tòa án hành chính của quận 19. Ðó là một vở kịch, một buổi họp xử kín. Chuyện giống như truyện cổ tích mà lão vua đã hứa gả con gái rồi nhưng vẫn quyết định mỗi khi có ai khác tới cầu hôn thì lại đòi thêm một thử thách nữa.
Ðề-co: Văn phòng B
Văn phòng B nằm ở cuối cầu thang. Có một bàn, một ghế. Sau lưng bà nhân viên coi văn phòng B còn có một cửa ra vào nữa. Bao giờ cũng đóng. Phía bên kia đang ẩn “những người sau cửa”. Không ai nhìn thấy họ, không ai biết đó có phải là người thật hay không. Họ quan sát vở vũ kịch quay cuồng của những con người khốn khổ đang xin vào quốc tịch Pháp, từ đằng sau một tấm kính một chiều. Họ cười đùa.
Nhân vật: Bà nhân viên coi văn phòng B
Bà nhân viên coi văn phòng B là một phụ nữ có đôi mắt xanh giấu sau cặp kính, thân hình bó cứng trong một chiếc áo gi-lê bị xổ lông màu hạt dẻ, trông giống cô giáo vỡ lòng của tôi, rất đáng sợ, thường dán băng keo vào miệng những đứa trẻ hay nói chuyện riêng trong lớp. Nhiệm vụ của bà ta là gì? Chắn đường. Với vẻ thờ ơ và ngoan cố của người làm nhiệm vụ đuổi khách ra khỏi một hộp đêm đang là mốt. Quốc tịch Pháp: Một câu lạc bộ của một nhóm người, chật hẹp và đầm ấm, bạn tới trước cửa và bạn kêu lên rằng bạn có tên trong danh sách, nhưng thật là thảm hại, bạn vẫn cứ bị đẩy đi.
Người phụ nữ xin quốc tịch
Tôi, đang chửa vượt mặt đứa thứ hai, một con cá voi luộm thuộm trong một chiếc váy chẳng ra hình thù gì. Một của nợ, một kẻ vô giấy tờ.
Những người xin quốc tịch khác
Những kẻ đang nhảy một vũ điệu vụng về và giật cục. Ðạo cụ: Một cặp hồ sơ bằng bìa cứng mà tất cả bọn họ đều cất trong đó những giấy tờ nhỏ bé quý giá. Lần nào cũng diễn một vở kịch câm duy nhất. Mở cặp hồ sơ, đưa ra từng tờ một, nở một nụ cười, khúm núm và ngại ngùng. Ðôi khi, những người xin xỏ ấy than vãn: “Tôi là người Pháp, thưa bà, tôi thề với bà điều ấy.” Rồi đánh giá nhau: Ông ngồi cạnh mình vẫn có vẻ hơi không Pháp bằng mình.
Hồi I
Cảnh I: Buổi hẹn đầu tiên trong văn phòng B
Bà nhân viên coi văn phòng B phát âm từng từ một: “Cô-ô có-ó thẻ-ẻ cư-ư trú-ú khô-ông? Cô-ô nó-ói tiế-ếng Ho-oa?” Bà ta tưởng tôi là một cô Hoa kiều không giấy tờ chui lủi trong một căn hộ chuyên sản xuất há cảo. Tôi ở trong quận 13, một bà láng giềng của tôi hành hạ tôi, bởi tin như đinh đóng cột rằng tôi giấu trong nhà một xưởng làm lậu: “Tối nào tôi cũng nghe thấy tiếng tách tách của máy khâu, thật kinh hoàng!!! Tôi sẽ báo cho những người phụ trách khu nhà!”.
Tôi trả lời bà nhân viên coi văn phòng B bằng cái câu mà tôi đã nói hàng ngàn lần trong đời mình: Không, tôi không nói tiếng Hoa. Bà ta đòi tôi phải đưa bản sao giấy khai sinh của cha tôi. Tờ giấy mà tôi phải xin ở Nantes.
Cảnh II: Buổi hẹn thứ hai trong văn phòng B
Tôi quay lại với bì thư kia. Cha tôi không tồn tại. Nhưng tôi bày ra các phiếu đóng thuế của ông, thẻ bảo hiểm xã hội của ông, các bảng trả lương của ông, các hóa đơn tiền điện của ông. Bà nhân viên coi văn phòng B vẫn lắc đầu. Không là không.
Cảnh III: Buổi hẹn thứ ba trong văn phòng B
Mẹ tôi tìm thấy một tờ giấy khai sinh cũ của cha tôi do Lãnh sự quán miền Nam Việt Nam cấp. Một cách thận trọng, tôi kéo nó khỏi cặp hồ sơ và đưa cho bà nhân viên xem.
Bà ta nhíu mày.
“Có một lỗ thủng ở kia kìa.”
“Một lỗ thủng?”
“Ừ, một lỗ thủng. Có một vết cài giấy ở kia kìa. Như thế nghĩa là còn có một giấy tờ khác nữa. Cô đã tháo nó ra. Thật đáng tiếc, tôi không thể chấp nhận hồ sơ của cô.”
“Nhưng tôi không biết ai đã làm cái lỗ thủng kia. Chẳng có giấy tờ nào khác. Ðây là bản gốc.”
“Cô phải đi xin một bản sao ở nơi đã cấp tờ giấy này.”
“Nhưng đó là Lãnh sự quán miền Nam Việt Nam! Chính quyền miền Nam Việt Nam không còn nữa từ 30 tháng Tư năm 1975.”
“Rất đáng tiếc, tôi không thể giúp cô về việc này.”
Giữa chừng, tôi làm đám cưới với cha của hai con gái tôi, một người Pháp chính hiệu. Bằng một động tác quị lụy cuối cùng, tôi kẹp nó vào hồ sơ của mình. Lần đầu tiên trong mối quan hệ bạo tàn giữa bà ta và tôi, một ánh nhìn có phần dịu dàng lóe lên trong cặp mắt của nữ nhân viên coi văn phòng B.
“Cô kết hôn với một công dân Pháp. Cô có thể xin nhập quốc tịch Pháp. Nhưng tôi báo cho cô biết là chúng tôi sẽ tiến hành điều tra.”
Hồi II. Công báo
Ðề-co: Quận 15. Một tòa nhà hiện đại. Trụ sở của Công báo.
Một kho tàng: Thư viện. Ở đây, trên những kệ dài hàng ki-lô-mét là những số Công báo có ghi tất cả họ tên của những người mới trở thành công dân Pháp.
Cảnh I
Sau vài may mắn và mấy chuyến đi đi về về tới thư viện, tôi đã có trong tay số Công báo của tháng Hai năm 1976. Tôi cầm nó lên tay và lật từng trang, cho tới trang của ngày 4 tháng Hai năm 1976. Nhập tịch và phục tịch.
Cuối cùng, trong danh sách dài dằng dặc của những người nhập quốc tịch Pháp ngày hôm đó, tôi nhìn thấy tên của cha tôi. Sau Ben Youssef Hassen (Tunisia) được phép đổi tên thành Benoit Arsène, và Budroini Luisa Giuseppa Francesca (Ý) trở thành Louise Joséphine Françoise, cha tôi là: Bui Anh Dung, Fort-Bayard[49] (Trung Quốc), 10-11-42, REI, 11079X75.
Cảnh II: Ôn lại lịch sử
REI là viết tắt của Réintégration (phục tịch) khác với NAT là viết tắt của Naturalisation (nhập tịch). Cha mẹ tôi đều là những người phục tịch. Vào thời thuộc địa, người bản xứ không được coi như các công dân khác mà chỉ là những cá nhân của Pháp quốc. Cha mẹ tôi như thế sinh ra đã là người Pháp, rồi trở thành người Việt vào năm 1954, vào ngày độc lập của đất nước và theo hiệp định Genève. Sau đó họ đợi chính quyền Pháp phục tịch lại cho họ, như thể chính quyền tha thứ cho họ việc đã táo bạo quay lại trở thành người Việt.
Hồi III. Quay lại tòa án
Cảnh I
Ngày 4 tháng Chín năm 2007, 10 giờ sáng. Một con cá voi bước đi khó nhọc trong hành lang: Ðó là tôi, đang tới tháng cuối của thai kỳ. Tôi nhận được thư triệu tập từ tòa án. Dừng lại trước văn phòng B. Nữ cai ngục của tôi bảo tôi phải đợi. Cửa mở.
Cảnh II
Cuối cùng, họ đây rồi. Những-người-đằng-sau-cánh-cửa. Tươi cười. Họ chìa cho tôi một phong bì. Tôi mở nó ra. “And the winner is”[50], như người ta vẫn nói ở lễ trao giải Oscars.
Giấy chứng nhận quốc tịch Pháp
Tổng thư ký tòa án chứng nhận rằng Bui Doan Thuy là người Pháp theo quy định của điều khoản 84 về quốc tịch Pháp.
Và những-người-đằng-sau-cánh-cửa bắt tay tôi: “Xin chúc mừng. Hãy giữ cẩn thận giấy chứng nhận này, đó là bản gốc. Chúng tôi sẽ không cấp bảo sao.”
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng