Số lần đọc/download: 0 / 6
Cập nhật: 2022-04-16 15:32:19 +0700
Chương 13
L
úc James nói rồi tôi sẽ quên anh, tôi đã phản bác ngược lại. Nhưng anh nói cũng không sai mấy. Suốt mấy năm sau đó, tôi phải miệt mài với công việc và không có cơ hội nào quay lại nước Anh. Thỉnh thoảng tôi có nhớ lại những tuần lễ lạ lùng ấy, nhưng giống như người ta nhớ đến một chuyện hoang đường nào hơn là một kỷ niệm có thật. Bức thư đầu tiên của James tôi nhận được là vào đầu năm 1926, báo tin anh đã giữ lời hứa và từ bỏ không đeo đuổi thêm nữa những nghiên cứu của anh; thư thứ hai vào tháng Mười 1927 cho tôi biết là cha của cô Philipps đã qua đời và anh sắp thành hôn với cô ấy.
Việc này thật sự không làm tôi ngạc nhiên. Tôi gửi tặng họ một món quà mọn, và thư cảm ơn phúc đáp của cô, Edith Philipps, hay đúng hơn là Edith James, cho biết rằng cô cần an dưỡng vài tháng ở miền nam nước Pháp, rằng chồng cô sẽ nghỉ phép để đi cùng, và hai vợ chồng sẽ cùng ghé ngang Paris trong tuần kế tiếp. Tiếc thay, lúc thư đến thì tôi lại đang ở vùng quê, và không gặp được hai bạn của tôi khi họ ghé Paris trên đường xuống miền nam.
Vào tháng Mười Hai tôi nhận được thiệp mừng Noel của James. Anh và cô vợ đang ở Cap-Martin. Anh hỏi tôi có đi thăm họ được không, nếu như tôi mà có ý tưởng du lịch vào mùa đông năm ấy, hoặc nếu không thì nếu anh gửi điện thì tôi có ở Paris để nhận không. Tôi trả lời là, do nhiều chuyện không lường trước, tôi hiện đang nóng lòng ở nhà làm việc.
Khoảng giữa tháng Một năm 1928, một người bạn của tôi, một văn nhân, ngã bệnh và nhờ tôi thuyết trình thay anh ta tại một sự kiện ở Copenhagen mà anh đã hứa tham gia. Để giúp anh ta, tôi nhận lời; và trong mong muốn viếng thăm Đan Mạch của tôi chắc cũng có phần nào vì nhớ đến Hilda James - tôi vẫn chưa quên câu chuyện về người vợ cũ của James. Chuyến đi của tôi chỉ mất tổng cộng năm ngày thôi.
Tôi đến Copenhagen vào buổi sáng, và ngay chiều hôm đó phải thuyết trình. Tôi vừa ra khỏi tàu hoả thì một trong những người đón tiếp tôi trao cho tôi một bức điện tín vừa mới gửi đến. Tôi mở ra đọc:
ĐẾN NGAY. JAMES. FLORIDA, CAP-MARTIN.
Tôi sửng sốt. Tôi cũng không nghĩ là mình phải báo cho James biết tôi sẽ đi khỏi Paris trong một thời gian ngắn. Nhưng anh đã trông cậy vào lời hứa của tôi, và tôi quyết định phải giữ lời, mặc dù hoàn cảnh này buộc tôi phải thực hiện lời hứa chậm hơn mong muốn. Trước sự kinh ngạc và bực tức của ban tổ chức cuộc thuyết trình, tôi bảo họ là người bạn thân nhất của tôi đang hấp hối, và tôi phải lên đường quay về ngay. Chuyến tàu đầu tiên khởi hành lúc mấy giờ? Phải đến sáng hôm sau mới có chuyến.
Tôi bỏ ra cả ngày cùng với nhân viên khách sạn dò hết lịch tàu chạy của các hãng. Cho dù không bị ách tắc gì, và không có chuyến tàu nào bị trễ giờ, thì cũng phải ba ngày nữa tôi mới đến được chỗ James. Nhưng điện tín của anh, được chuyển tiếp từ Paris, đã chậm mất hai mươi bốn giờ rồi; bạn tôi sẽ nghĩ là tôi vô tâm đến khác thường. Tôi thử tìm hiểu khả năng đi đường hàng không, nhưng thời tiết quá tệ và các chuyến bay mùa đông không có gì chắc chắn. Tôi không biết làm gì hơn là gửi James một điện tín phúc đáp, giải thích sự chậm trễ của mình và thông báo sẽ đến gặp anh. Tôi làm đúng như vậy. Chiều hôm đó tôi thuyết trình hay hơn thường lệ do tâm trạng bị kích động mạnh. Đêm đó tôi không ngủ và đến sáng là rời khỏi Copenhagen.
Suốt những giờ phút lê thê kế tiếp trên những chuyến tàu của Đan Mạch, Đức và Pháp, rồi những chuyến phà, rồi qua các cửa hải quan và xét hộ chiếu, tôi đã cố gắng đoán xem điều gì đang chờ đợi tôi cuối cuộc hành trình này nhưng chỉ vô ích mà thôi. Lòng tôi tràn ngập những linh cảm tang tóc không thể tránh khỏi. Mối liên kết duy nhất giữa thân tình thật sự của James và tôi, và mối liên kết đã khiến tôi thành người không ai thay thế được - đối với anh - chính là cuộc tìm kiếm linh hồn đầy kinh khủng mà tôi đã chứng kiến. Nếu như James muốn gặp tôi cấp bách như vậy thì không có gì khác ngoài việc giúp anh tiến hành một thí nghiệm tương tự, và do anh lo lắng về việc này tới mức phải gọi tôi đến thì cũng không khó đoán ra tính chất của lần thí nghiệm này. Không biết tôi có đến kịp không? Không biết James và tôi có gặp khó khăn gì với chính quyền địa phương không? Tôi an tâm khi nhớ ra ông Raibaldi, tổng trưởng khu vực Alpes-Maritimes, là bạn của cha tôi. Có lẽ sẽ nhờ cậy được ông ta. Đoàn tàu xuôi về phía nam, băng qua những vườn ô-liu, chạy ven những con sông hai bờ đầy sỏi. Qua khỏi Marseilles, màu xanh thắm của biển và màu trắng của những cánh buồm trông có vẻ ủ rũ và đáng sợ. Và cuối cùng, dưới ánh nắng hè, khoảng hai giờ rưỡi trưa, trong lúc tôi tuyệt vọng không biết bao giờ đến nơi thì đoàn tàu đã ngừng ở ga Roquebrune-Cap-Martin.
James không có mặt ở nhà ga. Việc này tôi không lấy làm lạ vì anh đâu biết được tôi sẽ đi chuyến tàu nào, cho nên tôi đón taxi đi thẳng đến villa của anh. Đó là một ngôi nhà nhỏ biệt lập giữa hàng cây cọ bao quanh, trong một khu vườn đầy hoa. Tôi còn nhớ lúc nhấn chuông cửa, tôi đã thích thú khi ngửi được mùi hoa hương thủy thảo thoang thoảng. Một người hầu mặc đồ đen hiện ra trên thềm nhà. “Hình như mình có biết người này,” tôi nghĩ thầm khi anh ta băng qua vườn ra mở cổng cho tôi. “Mình gặp anh ta ở đâu thế nhỉ?” Và ngay lúc anh ta đến cổng thì tôi nhận ra. Đó là Biggs, một quân nhân người Anh đã làm cần vụ cho người bạn bác sĩ thời chiến tranh, và chính tôi cũng đã được anh ta phục vụ cùng với James trong mấy tháng trời.
– Chào, Biggs, - tôi nói. - Anh lại ở cùng bác sĩ à?
– Xin chào ông, - anh ta đáp lại lời chào của tôi. - Đúng rồi, tôi với vợ tôi ở đây với ông bà bác sĩ James... Tôi rất tiếc phải báo ông hay là bác sĩ đã qua đời. Ông không nhận được bức điện thứ hai sao?
– Hả?... Chết?... James?... Bao giờ?... Tôi còn nghe tin anh ấy bốn ngày trước mà!
– Ông ấy đã qua đời, thưa ông... Nhưng xin ông vào nhà đã.
Biggs đón lấy va-li của tôi mang vào trong nhà. Rồi mời tôi ngồi xuống chiếc ghế phô-tơi, anh cho tôi biết chuyện:
– Ông đã biết, thưa ông, là bà James lúc nào cũng đau yếu. Cha bà qua đời chưa bao lâu thì bà phải chịu giải phẫu... Khi bà thành vợ của bác sĩ thì ai cũng thấy rõ là bà chẳng còn sống bao lâu nữa, và tất nhiên với dân y khoa như bác sĩ James thì ông ấy biết rõ hơn ai hết... Thưa ông, tôi luôn luôn nói bác sĩ này là một vị thánh, và ông ấy cưới cô Philipps chỉ là để chăm sóc cho cô ta tốt hơn mà thôi. Khi ông ấy đề nghị tôi giúp việc và theo vợ chồng ông sang Pháp, tôi bảo vợ tôi, “Chỗ làm này sẽ không bền lâu nhưng chúng ta phải nhận...” Và chúng tôi không hối tiếc, thưa ông... Không ai có thể tốt hơn ông bà bác sĩ James. Hai người rất thương yêu nhau... Tôi chưa hề thấy ai vui sướng dễ dàng như họ. Ban ngày, khi trời đẹp, họ ra bãi biển ngồi bên nhau, còn buổi tối ông bác sĩ đọc sách báo cho vợ nghe...
... Trong hai tháng đầu tiên thì sức khoẻ bà James khá tốt. Nhưng sau đó, từ giữa tháng Mười Hai trở đi thì bà ấy ngày càng xanh xao và trầm lặng hơn... Rõ ràng là kết cục đã bắt đầu. Nhưng ông bác sĩ vẫn vui vẻ nuôi hy vọng cho bà ấy đến phút chót là ông sẽ làm cho bà hồi phục. Ông bảo với vợ là sẽ điều trị cho bà ấy theo cách mới mà ông đã sáng chế ra... Và ông dùng một căn phòng để chuẩn bị những thứ máy móc gì rất lạ lùng cho việc này. Có một cái chuông thủy tinh lớn có thể nâng lên hạ xuống bằng cách gạt một chiếc cần nhỏ, nhiều bình thót cổ loại nhỏ, và một bộ máy phủ vải đen... Bác sĩ gọi căn phòng đó là “phòng thí nghiệm” của ông ấy... Vợ tôi và tôi chưa hề bước vào trong đó... Hơn nữa, chính bác sĩ cũng không hề sử dụng căn phòng này, ngoại trừ... Nhưng tôi đã quên kể ông nghe chuyện quan trọng nhất, thưa ông. Năm hôm trước bà James bị choáng và bất tỉnh luôn. Vợ tôi ở cạnh bên bà ấy, cùng với ông bác sĩ. Khoảng một giờ sáng, bác sĩ bảo vợ tôi đi ngủ, khi nào cần ông sẽ gọi. Ông ấy không gọi, và khoảng tám giờ sáng hôm sau, vợ tôi quay lại phòng bà James... Vào trong, vợ tôi giật mình khi không thấy bà James trên giường, và ông bác sĩ cũng biến đâu mất. Trên bàn có để một phong bì lớn đề tên tôi... Vợ tôi hoảng sợ hấp tấp mang ra cho tôi. Tôi đã đọc bức thư của ông bác sĩ tội nghiệp đó... Nó đây, thưa ông...
Biggs lấy trong túi ra hai bức thư và giao một bức cho tôi. Tôi đọc:
Biggs — cậu phải làm đúng theo những điều tôi sẽ bảo cậu, cho dù việc đó có vẻ dị thường đối với cậu đi nữa. Bà James đã mất sáng nay, và tôi không muốn sống tiếp khi không còn bà ấy. Hai thi thể của chúng tôi sẽ nằm trong căn phòng mà tôi gọi là phòng thí nghiệm. Không được vào trong đó và không được động chạm vào bất cứ thứ gì. Hãy gửi ngay bức điện mà cậu sẽ thấy kèm trong phong bì này; bức điện đó là gửi cho viên sĩ quan người Pháp ngày xưa từng sống cùng với chúng ta ở Ypres. Ông ấy sẽ đến ngay và thu xếp hết mọi việc. Do đó cậu không phải bận tâm lo lắng gì cả. Chỉ cần gửi bức điện đi và chờ. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Vĩnh biệt.
– Nhưng rồi sau đó, Biggs... - tôi lên tiếng.
– Khoan đã, thưa ông. Còn một bức thư nữa, gửi cho chính ông mà tôi phải trao ngay khi ông đến nơi.
Tôi cảm nhận được vẻ trách móc trong giọng điệu anh ta. Bức thư gửi cho tôi được dán kín. Tôi xé niêm phong và mở ra đọc:
Tôi e là tôi sẽ khiến bạn đau lòng, và có lẽ sẽ gây phiền toái lớn; nhưng bạn đã hứa với tôi và tôi biết bạn sẽ làm những gì tôi yêu cầu. Biggs sẽ giải thích chuyện gì đã xảy ra - tôi đã lường trước từ lâu rồi. Lúc đó bạn sẽ hiểu (dù tôi dám nói là bạn đã hiểu ra rồi), là tại sao suốt thời gian bạn ở London, tôi luôn nôn nóng làm bằng được những việc nghiên cứu mà với bạn có vẻ là hết sức điên rồ.
Trong ngôi nhà bạn sắp bước vào, bạn sẽ thấy một phòng thí nghiệm rất giống căn phòng chúng ta đã cùng làm việc với nhau ở bệnh viện Saint Barnaby. Dưới chiếc chuông thủy tinh ở giữa phòng, bạn sẽ thấy hai tử thi - của vợ tôi và chính tôi. Bạn nhớ lại cách lấy chiếc bình cầu gắn trên chóp chuông thủy tinh. Hãy lấy ra cẩn thận. Rồi sau khi khằn kín bình cầu, hãy mang nó đặt phía trước bộ máy màu đen mà bạn đã quen thuộc. Tôi hy vọng rằng khi đó bạn sẽ thoáng thấy được chút gì của Edith và tôi.
Nếu bạn thấy được, như tôi hy vọng, và tin là bạn sẽ thấy, hai âm linh của chúng tôi hoà hợp giống như âm linh của đôi anh em ấy, hai người mà chắc chắn bạn không quên, như vậy ước nguyện của tôi là bạn hãy gìn giữ chiếc bình đó, và nếu được bạn sẽ bảo đảm an toàn cho nó cho đến đời con và đời cháu của bạn.
Tất nhiên tôi không thể nào mong đợi việc gìn giữ quá lâu dài một vật thể mong manh dường ấy; nhưng trong sự tồn tại trên dương thế của mình, tôi chỉ được tận hưởng quá ngắn ngủi tình yêu của Edith đáng thương. Nếu như nhờ bạn mà tôi có thể tìm được vài năm hạnh phúc trong một thế giới vẫn nằm ngoài nhận thức của chúng ta, thì tôi nghĩ rằng bạn đã làm được một nghĩa cử...
Tới đoạn đó tôi bỏ dở không đọc nữa, và nôn nóng hỏi Biggs:
– Thế vợ chồng bác sĩ bây giờ đang ở đâu?
– Ở nghĩa trang, thưa ông... Sau khi gửi điện tín cho ông, tôi đã chờ hai ngày... Và do không thấy tin tức gì của ông, vợ chồng tôi đâm hoảng... Chúng tôi biết ăn nói làm sao nếu bị người ta hỏi tại sao lại để hai xác chết nằm đó mà không chôn cất? Chúng tôi lại đang ở xứ người... Tôi chỉ biết chút ít tiếng Pháp... Tôi đã tới Toà thị chính, thưa ông, và cho họ xem bức thư của bác sĩ James... Thư gửi cho tôi chứ không phải gửi cho ông. Rồi một bác sĩ đã đến đây và đập vỡ cái chuông thủy tinh đó.
– Đập vỡ! Thế thì hỏng hết rồi. Biggs... Nhưng sao lại đập vỡ trong khi anh bảo tôi là nâng nó lên dễ dàng mà?
– Tôi không rõ, thưa ông. Tôi đâu có hiểu ông bác sĩ đó nói gì... Tôi nghĩ là khi ông ta đến đây và thấy hai xác chết nằm dưới cái chụp thủy tinh, ông ta tưởng đó là một trường hợp chết ngạt... Sau này, lúc giải phẫu tử thi xong, ông ta mới bảo tôi là bác sĩ James đã uống thuốc độc... Ít nhất thì tôi nghĩ sự tình là như vậy, thưa ông... như tôi đã nói, tôi chỉ hiểu lõm bõm... Nhưng bác sĩ James có thể mong chờ điều gì chứ, thưa ông? Giá như ông đã đến sớm hơn... Dẫu sao ông ấy cũng đã mất rồi... Chúng ta làm gì được nữa đâu?
Ngắt lời Biggs, tôi yêu cầu anh ta đưa tôi vào phòng thí nghiệm. Tôi cố bám víu vào một hy vọng vu vơ là có thể bằng một phép lạ nào đó, chiếc bình cầu trên chóp chuông thủy tinh vẫn còn nguyên vẹn. Than ôi, tôi thấy căn phòng vương vãi đầy thủy tinh vỡ nát. Cả chiếc chuông lẫn bình cầu đều chẳng còn gì ngoài những mảnh vụn. Những người phát hiện ra hai tử thi chắc chắn đã không muốn phí thời gian. Không thể nào trách họ được. Làm sao mà họ biết được tính chất lạ lùng của vật mà họ đập phá tan tành?
– Cũng còn cái hộp này nữa, thưa ông. Bác sĩ James đã dán một cái nhãn lên đó dặn là tôi phải đưa nó cho ông. Cho nên khi người ta đến đây tôi đã cất giấu trong phòng tôi.
– Cái gì trong đó vậy, Biggs?
– Tôi không biết, thưa ông.
Tôi mở ra. Trên một lớp giấy vò nhàu, tôi thấy một bình cầu thủy tinh giống hệt những bình cầu ở bệnh viện Saint Barnaby, và tôi cầm lên xem với một hy vọng chợt loé trong lòng. Rồi tôi nhìn thấy trên bình dán một nhãn tên mà tôi biết rõ: #10-11, Ned & Fred Hanley.
– Tội nghiệp James! - Tôi trầm ngâm. - Hoá ra anh lại cho người khác có được sự tồn sinh mà lẽ ra anh đã rất sung sướng dành cho chính mình!
Tôi ra nghĩa trang đặt hoa lên mộ Edith và Howard Bruce James, rồi ngay chiều hôm ấy lên đường về Paris, trên đầu gối đặt chiếc hộp mà người bạn đã để lại cho tôi sau khi chết. Tôi ôm chặt vật thể ấy với sự thận trọng như mê tín, sự thận trọng còn lớn hơn cả cảm giác ân hận vương vấn trong tôi. Chắc chắn là tôi làm sao biết được James đã mong muốn cho bản thân và người yêu dấu của anh hình thức tồn sinh nào, nhưng tôi đã thề với James là sẽ bảo toàn điều đó cho anh; và giờ đây, dù ngoài ý muốn nhưng vẫn là do tôi sơ suất, anh đã bị tước đoạt mất thành quả nghiên cứu của mình. Tôi nghĩ ngợi mãi không thôi về những gì lẽ ra tôi phải làm.
Tôi nào ngờ James lại muốn chết cùng lúc với vợ anh. Lẽ nào chỉ một mình tôi phải chịu trách nhiệm cho sự thiếu hiểu biết ấy? Chỉ có anh biết ý đồ của anh mà thôi, và lẽ nào anh lại không tiên liệu cẩn thận hơn mọi rủi ro chống lại sự việc chỉ xảy ra duy nhất một lần này? Lẽ nào anh không thể cho Biggs những chỉ dẫn chính xác phòng hờ trường hợp tôi không đến? Nhưng rõ ràng anh đã nghĩ rằng Biggs sẽ không làm sao hiểu nổi những lời căn dặn đó.
Suốt một thời gian dài tôi cố tránh không nghĩ tới những thí nghiệm ở bệnh viện Saint Barnaby và đỉnh điểm bi thảm của chúng. Nhưng mấy tháng qua tôi cũng đau ốm và bản thân cũng đã cận kề cái chết. Tôi thấy mình có bổn phận phải thuật lại những sự việc khó tin nhưng có thật này mà số phận đã run rủi cho tôi chứng kiến. Đó là cách duy nhất để tôi duy trì sự bảo quản - hết sức cẩn thận như tôi lâu nay vẫn giữ gìn - cho chiếc bình cầu chứa đựng âm linh hoà hợp của Ned và Fred Hanley. Đêm qua, có lẽ là lần cuối cùng, tôi bỗng muốn nhìn thấy lại hai anh em này trong tia sáng vô hình của bộ máy chiếu xạ mà tôi đã kế thừa của bác sĩ James. Hào quang của hai anh em không hề lu mờ kể từ ngày vầng sáng ấy khiến tôi thốt lên ngỡ ngàng trong phòng James. Sự bền vững lạ lùng của một hiện tượng đẹp đẽ dường ấy chỉ càng khiến tôi đau buồn vì đã không thể hợp nhất Edith James cùng chồng cô theo cách như vậy.
Mọi người sẽ tìm thấy bình cầu thủy tinh này trong chiếc tủ nhỏ, được che khuất bằng bức màn xanh đằng sau tấm lưới sắt, phía tay phải bàn làm việc của tôi.