Số lần đọc/download: 0 / 20
Cập nhật: 2021-09-04 23:15:24 +0700
Chương 12
« Biết làm thinh hay hơn thinh lặng ». ANDRÉ ARNOUX
1. Phát, cày, bừa, trục rồi hễ gieo, cấy. Trên con đường xâm chiếm bản lĩnh cho tâm hồn cái thế đầu tiên, có thể gọi là thế thủ, con người cần có là Trầm mặc. Ở đời có những cái kêu um sùm nói lên sức mạnh và người ta lắm lúc tưởng những kẻ ăn to nói lớn là anh hùng. Những quan niệm đó không đúng gì hết cho con người bản lĩnh. Nếu một lu nước mới múc cần yên tịnh, để trong thể nào thì nội tâm ta cũng cần trầm mặc để sáng suốt và cường dũng thế ấy. M.Zunden nói: « chỉ có thinh lặng phô bày những vực thẳm của đời sống. » Khi giao tiếp với xã hội, khi bị thúc phọc trong công việc hằng ngày, ta ít có cơ hội sống với ta. Ta không sống đời nội tâm của mình, không ngó nhìn tâm hồn mình để thấy ưu khuyết điểm của nó. Ta thường dùng một mớ công thức xã giao nào đó để sống theo một khía cạnh nào đó với thế giới bên ngoài tùy chức quờn, phận sự, quyền lợi, ái tình, ham danh v.v... Vì đã tạo một tập quán trong sự thèm khát sống với xã hội, nhiều người mang tật nghiền cảnh náo nhiệt, không chịu nổi khi phải sống cô quạnh. Có nhiều bà ở thành, lúc chồng cỡi ngựa sắt đến sở làm, lo tạt qua nhà hàng xóm nói chuyện cà kê dê ngỗng đến trưa. Thiếu gì ông vừa buông công việc bắt buộc vì phận sự thì tìm cho được bạn đi nhậu nhẹt, bàn chuyện phiếm. Dĩ nhiên là vật xã hội, con người phải đào luyện tinh thần hướng xã. Nhưng điều tôi muốn nói thói quen sống cảnh ồ ạt làm con người nghèo nàn đời sống nội tâm. Cho đặng có những tư tưởng sâu sắc những quyết định đanh thép, điều kiện tiên khởi của tinh thần là tạo một trạng thái thanh bình để các tế bào của bộ óc hoạt động dễ dàng, để những cơ quan tâm linh vận dụng hết khả năng của mình. Điều kiện trầm mặc tuy tiêu cực đối với những kết quả nói trên nhưng lại là điều kiện tất yếu. Phi nó ra, trí tuệ có thể lu mờ, ý chí có thể suy nhược.
2. Những địch thủ của trầm mặc. Trước nhứt, bạn nên đề phòng những cảm xúc thới quá. Ở đây tôi hiểu cảm xúc theo nghĩa triết học, là tất cả những trạng thái tình cảm nổi dậy trong tâm hồn do những khích động nội tâm hay ngoại giới và nổi dậy tạm thời, bồng bột, lắm lúc mang màu sắc đam mê, dã man. Khi các cảm xúc kéo dài ngự trị tâm hồn, người ta gọi chúng là tình dục. Cảm xúc lắm lúc, một phần là con đẻ của bản năng, bản năng sinh tồn, hiếu mỹ, kiêu căng, hà tiện v.v... Trong người, không có lực lượng nào đáng khiếp bằng cảm xúc, nhứt là khi nó chuyển thành tính đam mê. Trong cuộc sống hằng ngày ta thường có nhiều cảm xúc dưới muôn ngàn hình thức khác nhau.
Bạn mến thích một người nào đó ngay buổi sơ giao với họ. Chưa thấu triệt tâm hồn họ ra sao? Bạn chỉ thấy người ấy có mắt tóc mây óng đẹp, vừng trán cao cao đó, đôi mày cong dịu con tằm nằm, cặp mắt bồ câu mơ trong như nước hồ thu, làn da mặt mịn, đường môi hường nở, hàm răng cẩn ngọc, má núm đồng tiền, chiếc càm chứa duyên, giọng nói như rót mật vào tai v.v... Căn cứ vào những yếu tố như vậy, bạn cảm thấy mến thích triệt để đối tượng yêu của mình. Bạn mơ. Bạn mong gặp. Bạn mê say tiếp chuyện, bạn tìm đủ thứ tặng phẩm để cung hiến. Đó! Bạn mất quân bình nội tâm rồi.
Trên bàn ăn, lỡ bữa đói quá, bạn múc vật nầy, gắp miếng nọ và bạn húp, bạn ăn lua láo. Chưa nhai, bạn nuốt, chưa nuốt bạn ăn thêm. Rồi bạn uống, uống xong, lựa thức ăn nữa. Đó! Bạn đã làm nô lệ cho cảm xúc.
Nghe ai chê bạn là bất tài, có giọng hát mèo quàu, chử viết như cua chạy, lé, noi đả đót v.v...Bạn lo lắng hỏi phăng phăng tới coi ai nói và tại sao? Rồi bạn đính chánh, có khi nói xấu lại giữ lại để giữ thể diện, để trả thù. Nữa! Bạn bị cảm xúc ngự trị. Bạn nổi tam bành lên, chồm chồm trợn mắt, chành môi, ó ré rùm, xốc tới đánh một ai đó, đứa ở chẳng hạn, có khi vì vô ý nói lời bất lịch với bạn; người cộng sự vì thất giáo vụt chạc xử đối thiếu cẩn thận với bạn, đụng tay bạn lỡ hư một việc gì, hay vấp đá chơn bạn, té vào người bạn. Rồi! Bạn hành động theo nanh vuốt của cảm xúc rồi!
Đang dạy học một học sinh đứng dậy có thái độ vô lễ, hỏi hiểm hốc một vấn đề gì. Rủi quên hay không biết, bạn bất mãn, ó ré cả lớp, lên tay chơn, mạt sát học sinh và quơ đũa cả nắm, bạn bảo học sinh là lưu manh, mất dạy. Đấy cũng cảm xuất giựt giây cương bạn.
Một số trường hợp trên giúp bạn nhớ lại những lần làm nô lệ cho thần kinh của mình. Nếu bạn chịu khó suy nghĩ một chút, bạn thấy được sự xử trí sáng suốt trong các hoàn cảnh mà tôi lấy làm thí dụ.
Ái tình, tình tâm giao hay tình đồng nghiệp cũng vậy, thường chịu ảnh hưởng của bản năng. Nó mang hình thức tâm tình căn cứ trên xu hướng hay thị hiếu và những thứ nầy ăn thua đến hoàn cảnh sinh hoạt, đẳng cấp, thời đại v.v... Bạn bỗng mến thích một ai đó. Có điều hay: là bạn gieo thiện cảm. Nhưng ngay buổi sơ ngộ mà cho ai cũng tốt hết, đủ khôn ngoan không? Họ sống trước mắt mình với tất cả con người tâm lý thành thực của họ chưa? Họ tử tế, dễ thương là tại bản tánh họ tốt hay vì họ khéo xã giao, dùng mọi xảo kế giao thiệp để « mù » mắt ta, hầu cầu lợi một gian. Biết chừng đâu cái bắt tay lần thứ ba với một người nói với ta bao nhiêu tật xấu của kẻ ấy được gọi khéo léo trong nếp áo quần cao tiền, trong điệu bộ niềm nở, trong gương mặt chiều đón, trong lời nói quyến rủ. Rất có thể thời gian, một lò trui đáng khiếp, mục khải cho bạn xuyên qua những cái nhìn âu yếm, những giọt lệ động trên bờ mi, những tiếng mật rót vào tay, tất cả những sự đểu cán giả dối, tất cả âm mưu, lạm dụng và lối dùng người, giao tiếp với người như ăn cam quăng vỏ. Mấy hồi những tâm hồn mà người ta không tiếc lời gọi là chó má, trở mặt với bạn, bạn sẽ chua chát có những phút trầm ngâm, nghiệm người đời, lắm lúc chỉ thương bạn khi bạn cho họ ăn no, khi bạn để họ lạm dụng. Và mấy câu thơ của một nhà thơ nào:
« Còn tiền còn bạc còn đệ tử
Hết tiền hết bạc hết ông tôi »
Sao nghe nó đúng gần như Kinh Thánh.
Rồi trên bàn ăn, thưa bạn, cứ chung mà nói, ai mà không có một phần tánh mê ăn. Duy có điều người nầy khác người kia là biết kiềm hảm thú tánh ưa ngon thôi. Sau lúc ăn hỗn độn, lua láo nếu suy nghĩ, ta thấy rằng vốn học về trí không ăn thua lắm để ăn uống trầm tĩnh. Đây phải nhờ đức lịch sự. Mà nói đức lịch sự thì phải nghĩ ngay đến đức tự chủ nó giúp ta cầm cương thói ham ăn hay ăn lua láo. Chịu khó và cơm gọn gàng, nhai kỹ, thỉnh thoảng gát đũa, hay muỗng, nĩa xuống để « nghỉ » ăn một chút: tất cả mấy tác vi ấy, tạo cho ta một tư cách cao cả, nói lên nhân vị tính của ta, khi ta làm một công việc mà nếu cẩu thả, ta giống thú vật không ít.
Còn nói đến bị chỉ trích, thì có mấy ai trên trần không nghe lòng tự ái bị tổn thương ít nhiều, kể cả người già giặn trong lò chí dục. Mà nếu bất mãn, nổi cáo lên, buông lời chua chát trả đủa, thì trên đời có thằng ngu nào không biết làm. Chỉ có người biết dồn ép cảm xúc, kiêu căng, bình tĩnh kiểm điểm con người ngoại tâm và nội tâm của mình lại, mới là bậc bản lĩnh. Căn cứ vào một tư tưởng của một thánh hiền, bạn dư biết rằng mỗi lời chỉ trích buông ra về bất cứ ai, trong bất cứ trường hợp và nơi chốn nào, đều té vào một trong hai lầm lỗi: lỗi về đức công bình hay về đức bác ái. Lỗi công hình: nếu người bị chỉ trích không có làm hay nói điều ta tố cáo. Ta chỉ trích làm mất thanh danh của họ. Lỗi bác ái: nếu người bị chỉ trích có nói hay làm điều quấy, chắc họ đã bị bao nhiêu búa rìu dư luận. Lòng họ như bát đầy lệ sầu. Ta chỉ trích là nhỏ thêm một giọt chót cho chén lòng của họ trào tràn đau khổ thôi. Người lính ngáp ngáp trên chiến trường lãnh mũi súng tối hậu (coup de grâce) có thể biết ơn kẻ bắn, chớ người bị chỉ trích đã khổ mà bị chỉ trích thêm thường coi kẻ bôi lọ mình là quân thù. Đã hiểu tâm lý đó thì chắc bạn dư biết đâu là thái độ khôn ngoan phải có khi bị người đời chỉ trích. Trước nhứt, dù ưng hay oan, bạn nên tin vững lời chỉ trích của thiên hạ bao giờ cũng bổ ích cho bạn ở góc cạnh nầy là nó nhắc cho ta phải sống thiện, sống gương mẫu, sống thành công. Nếu ta có làm quấy, lời chỉ trích cần thiết lắm. Nó giúp ta phục thiện. Đó là tôi chưa nói: « đáng », vì ta có lỗi mà ta lo sửa mình chứ. Còn bất mãn khi người ta chỉ trích đúng, thì bộ ta ngoan cố sao? Như vậy còn đáng chỉ trích hơn nữa. Hay ta tự dối mình và dối người, nghĩa là quấy mà không chịu ai chỉ trích, và vẫn muốn dư luận cho mình là phải, là tốt. Giả chúng ta vô tội, trừ đôi trường hợp cần binh vực thanh danh, cách chúng ta nên noi gương thinh lặng của Chúa Giêsu, khi người bị quân thù tố cáo. Người phàm thì không dễ gì bằng Chúa rồi, nhưng ít ra ta cũng tự chủ, nhận rằng người đời là con mồi của lầm lạc, của sớn sát, của vội đoán, của thành kiến, của phe đảng, của nhẹ dạ. Một danh nhân nào chẳng đã nói một lời chê bất công là một lời khen che đậy. Lời ấy đúng là vàng ngọc. Theo tinh thần sách « Gương Chúa Giêsu », kẻ chê ta xấu, không làm ta xấu hơn, mà kẻ khen ta tốt, cũng không làm ta tốt hơn. Tinh thần câu ấy làm cho tôi có ý nghĩ nầy là khi nghe bất cứ lời chỉ trích nào ta hãy lo cho mình tốt thiệt, tốt từ trong tâm hồn rồi yên tâm. Tôi nghĩ nếu đúng là gỗ lim, thì dù có ai bôi lọ, trét bùn lúc hữu dụng đem rửa vẫn đắc dụng. Sợ e là lau sậy thì dù cho tô lụa chuốc hồng đến đâu, lau sậy vẫn hư và vô dụng. Nói vậy không phải chúng ta lì lợm với dư luận. Nhiều khi câu: « chó đâu có sủa lổ không » có giá trị của nó, ta phải tự kiểm thảo, tự tu, tự tiến. Nhưng không nên sống thờ dư luận quá. Phải phục tùng tiếng gọi của lương tâm. Sống theo lý tưởng và chương trình riêng biệt của mình. Tôi cũng không quên xin bạn khi bị chỉ trích nghĩ đến ích lợi của đức khiêm tốn nghe người khinh rẻ mình mà mình nhẫn nhịn và tự nghĩ người cũng như mình đều là « nhân vô thập toàn » thì tâm hồn ta cao thượng biết mấy. Còn luật xã giao? Luật nầy cũng dạy, nếu ta muốn gây thiện cảm để thành công, đừng quá tỷ mỷ khi giao tiếp với đời. Khéo léo cho thông qua những lời chỉ trích, thường có lợi hơn là trả đũa, kẻ nói xấu mình.
Sau khi một cái lu đựng vài ba chục sỏi bị quậy lên cặn, lóng cáu xuống rồi, người ta thấy được mỗi cục sỏi bao lớn và nằm theo chiều nào. Bạn có thể nói sau cơn lôi đình, con đẻ của nô lệ thần kinh, người ta thường thấy trong nhiều trường hợp ưa làm cho ra to tát chuyện tấm cám. Ta theo tính ác độc, buông lời chua chát trả thù kẻ lầm lỗi. Lời ta quát mắng thường không nhằm mục đích sửa lỗi mà chỉ là sự phát lộ của tánh nóng hay tật già hàm. Đôi khi ta quên lúc ai lầm lỗi ta làm thinh là cáo cho họ nhiều hơn là ó rầy. Cho kẻ ngoan cố thì không nói gì, còn cho kẻ mới lỡ lầm lần thứ nhứt, khi lầm lỡ xong, họ có tâm hồn bối rối, lo sợ, vẻ mặt tái ngắt, hoảng hốt, chớm chớp mắt như xin lòng nhân của bạn: ngần ấy sự kiện không đủ cảnh cáo họ sao, không đủ cho bạn tha lỗi của họ sao? Tôi thấy lời mỉa mai, rầy mắng trong trường hợp nầy là thừa. Vả lại trong nhiều trường hợp, lời rầy la tuy phát xuất tự lòng thành thực, mà mang màu sắc mỉa mai, khinh người, buông ra cho kẻ dưới, cho cọng sự viên, kể cả cho kẻ ta làm ơn đủ điều, rất có thể gieo mầm oán loạn, ly gián hận thù thiên thu. Cái câu « nuôi ong tay áo » thường có nghĩa do lối xử thế nhỏ mọn, thấy không xa hơn lỗ mũi của mấy kẻ làm lớn kém sáng suốt.
Còn học sinh, nhứt là học sinh thời nầy, một số lớn phải chịu là mất dạy về tâm đức. Họ lười học, ham chơi, học nhảy lớp, trốn học, láo với phụ huynh lấy tiền tiêu hoang, gạt trường, phản bạn, coi thầy là một thứ người làm mướn tri thức, lớp học là chợ mua văn bán chữ. Tình sư đệ vô nghĩa đối với họ. Thầy dở bị họ « sửa lưng », « đả đảo ». Thầy đạo hạnh thì họ chê là gàn và hủ lậu. Thầy lỡ đi trễ, rủi bịnh, bị họ đòi giờ. Thầy nói trật một tiếng gì, liền bị họ rộ lên cười ngạo nghễ. Hậu sinh khả úy. Xin phép đức Khổng cho ban đổi « úy » ra « cụ ». Và lời ấy áp dụng cho một số không nhỏ học sinh thời nầy mà không cần sửa thêm chữ nào cả. Tuy biết căn bệnh ấy của học đường, nhưng thưa bạn, nếu là nhà giáo dục chân chính phải đối với học sinh bằng tâm hồn người cha. Người xưa quả có lý trong câu: « nhứt nhựt chi sư chung thân vi phụ. ». Học sinh dù thế nào đi nữa vẫn là hạng người để thụ giáo chớ không phải để ăn thua. Nhà giáo phải nhẫn nại dùng mọi bí quyết giáo dục uốn nắn tâm hồn họ. Vả lại trong học sinh đâu phải ai cũng xấu và ngay trong khối kẻ xấu có thể có kẻ xấu vì hoàn cảnh, xấu một thời gian, xấu nhưng vẫn còn dự bị tấm lòng để trở nên tốt. Nhà giáo nổi tam bành hò hét quơ đũa cả nắm, lấy lời cá nhân cảnh cáo đoàn thể học sinh, sợ e thường làm cho họ cảm thấy bị rầy oan nên coi thường các huấn từ. Có cái gì đẹp bằng thái độ lịch sự đầy tình sư đệ của một nhà giáo trước thái độ vô lễ của một học sinh lưu manh. Nói vậy không phải chủ trương dung túng những phần tử sâu mọt của học đường. Mà chỉ muốn nói ngoài lúc tối cần phải xử cứng thì vẫn phải cứng và dám cứng, nhà giáo nên có tư cách của người tự chủ nhã nhặn, khoan hồng, quảng đại. Tôi biết có nhiều nhà giáo xử với vài học sinh cách tệ mạt, có khi láo xược, nói huyên hoang đủ thứ chuyện xàm láp, cơ hồ như tưởng rằng học sinh đều là ngu, đều dốt luôn. Họ quên mất rằng trong lớp nào cũng có đầu óc sáng suốt. Chúng không nói ra lời phản đối đâu có nghĩa là chúng ngu. Rồi chúng đâu có con nít hoài. Chúng sẽ lớn lên, về già, hồi tưởng lại những gì mình đã nghe dưới hiên học đường. Chừng ấy học phí, lương bổng có lẽ ta xài hết, còn mấy lời nói bậy, mấy thái độ gai mắt năm xưa có thể chưa phai mờ trong ký ức « học sinh ». Tôi biết học sinh thì đa số, dễ gạt. Nhiều nhà giáo bất tài, vô đức nhưng khéo dụ dỗ, vô lớp thuyết « tam quốc », nói tiếu lâm, thường tán hưu tán vượn chuyện tình tứ, lựa những đoạn văn, thơ trữ tình kiểu của Từ Trẩm Á, Xuân-Diệu để giảng con gà con kê thì được lắm học sinh thích. Song như tôi đã nói, sau cùng chúng lớn lên, khinh rẻ nhà giáo, bất mãn vì những lỗ trống của nền giáo dục của mình.
Tóm tắt, ngần ấy chứng minh về tính cảm xúc đã cho bạn nhận thấy tay thù gần như số một của bản lĩnh là cảm xúc quá độ. Lá bùa trị chứng ấy nhứt định là Trầm mặc, là dùng mảnh lực của ý chí kiềm hảm thần kinh lại và xử sự đúng tinh thần của mà người dân Việt thường nói: « Chuyện đâu còn có đó. »
3. Một địch thủ nữa của bản lĩnh là óc mơ mộng. Tôi không nói những hạng người có căn tạng mơ mộng, ưu sống cuộc đời viễn vong từ thời ấu trĩ đến buổi lão thành. Những hạng người nầy dĩ nhiên lúc nào cũng cần ý chí để trấn áp tập quán ảo tưởng. Riêng đây, tôi muốn bàn tật thỉnh thoảng thả hồn trong những mơ ước khó bề thực hiện. Đang thi thành phận sự, ta đưa mắt nhìn phương trời xa xăm, mong trúng số, ước ô tô, nhà lầu, cuộc đời ấm êm. Thời xuân trẻ phải là thời học tập, ta để mất bao nhiêu giây phút xây những giấc mơ xanh trong tình ái nhảm nhí, căn cứ trên tình cảm lửa rơm, non kinh nghiệm. Lãnh một chức vụ, đáng lẽ phải tập trung thêm tinh thần để công việc được nhiều năng xuất, ta chia lòng chia trí, hết để xao xuyến vào những chi tiết tầm thường, rồi làm việc nầy ba miếng, việc kia ba miếng, rút cuộc, không việc nào hoàn bị cả. Trong đời sống xã hội, làm nô lệ cho óc mơ mộng ta cứ ước muốn cuộc đời lý tưởng, ở đâu cũng đều làm ta vừa ý, người nào cũng là đối tượng của thiện cảm của ta. Nhưng căn cứ vào kinh nghiệm, huy chương nào cũng có bề trái của nó, bạn thấy xã hội nào cũng có kẻ tốt người xấu và bước đường đời của ta đâu phải luôn gặp những gạch hoa. Muốn sống cuộc sống thực tế, phải nhận những ưu cùng khuyết điểm của nó. Chưa vật lộn với đời ta khờ dại bắt nó tốt đẹp như trí mình tưởng, khi gặp những thất bại ta xao xuyến, bất mãn, bi quan. Trong cuốn « La discipline personnelle – kỷ luật cá nhân » Jean de Courberive có dẫn danh ngôn nầy của bác sĩ Gustave le Bon: « Tạo hóa luôn bắt buộc ở vạn vật lưỡng đạo luận uy hùng nầy: là thích nghi hay tiêu diệt ». Quả thực là chân lý. Cá nhân là con vật hướng xã, không ai được quyền sống kiểu của một Lỗ Binh Sơn hay của một An-Tiêm mà phải chung dung với cuộc đời, len lỏi trong hông nách xã hội, ăn khớp với thế nhân. Ai muốn tạo kiếp sống hạnh phúc nghĩa là có tâm hồn an lạc trong thanh bình, sống thành công trong công ăn việc làm, trong đại nghiệp, nhứt định phải thích nghi với hoàn cảnh thời đại mình sống. Khum đầu xuống bất mãn, bi quan: đời sẽ là sủng lệ thiên thu và rơi xuống sa lầy thất bại.
Bí quyết để có óc thực tế, chiến thắng những mộng viển vông không gì hay hơn là trầm mặc. Tạo cho lòng mình một sa mạc. Vẫn cẩn thận với cuộc đời, vẫn tin tin phòng phòng với bất cứ ai ta giao tiếp; nhưng luôn lạc quan yêu đời, lấy óc thực tế vật lộn với cuộc sống và tạo giá trị cho đời mình.
4. Tôi thấy một địch quân nữa của người bản lĩnh là tham vọng quá lố. Vẫn biết là người ai không sống bằng hi vọng. Ngày nào một ai thấy đời mình hết biên giới thì cuộc sống của họ xuống dốc. Sớm muộn họ cũng hỏng kiếp sống. Đời ta sẽ đăm bông, ta sẽ chịu đựng nổi những bề trái của thế cuộc, nhoi lên giữa hố lầy khổ cực để « nếu không làm một ngôi sao trên trời, thì ít ra làm một chiếc đèn trong nhà » cho gia đình, quốc gia, nhân loại, khi đời ta còn một lằn trên trời. Vậy tôi nhận hy vọng đóng vai trò phần nào tất yếu trong động cơ sống đắc lực của con người. Song hy vọng không có nghĩa là tham vọng quá lố. Chữ tham vọng tôi hiểu theo nghĩa của sách « Gương Chúa Giêsu » thứ thèm khát của cải, chức quờn, nhan sắc, vui vẻ, phồn hoa, tất cả tạo cho tâm hồn sự náo động triền miên. Nó khiến ta bồi hồi « đứng không vững đứng, ngồi không vững ngồi ». Nếu chịu khó quan sát xã hội một chút, chắc bạn nhận thấy trong khối người xung quanh bạn ai giàu tham vọng, người ấy có sắc diện giớn giác, đôi khi hốt hoảng phong độ quấn quít. Lo âu, thảm sầu hiện lộ trong khóe mắt, trên trán nhăng của họ. Nếu tôi không lầm, thì hình câu « càng cao vọng càng nhiều khổ » có nghĩa thâm thúy. Người không ngự trị được những tham vọng không cương của mình hay đi kiện cáo kẻ khác, hay thắc mắc với người dưới, rắc rối với kẻ trên. Mà bởi xử đối với tha nhân như vậy, đời họ cũng không ít bê bối vì vướng vòng pháp lý, vì bị thiên hạ phá rối lung tung.
Liều thuốc linh nghiệm nhứt để trị chứng tham vọng quá lố vẫn là trầm mặc. Đã hơn một lần tôi nói ta phải có một lý tưởng hiểu theo ý lực của Chân Thiện, Mỹ, Phúc xô đẩy ta hoạt động. Mà muốn cho lý tưởng thực hiện phải có chương trình, phải nỗ lực, phải hoạt động. Và cứ tin rằng hễ có lý tưởng, có phương pháp tốt, luôn nỗ lực, thì sớm muộn cũng có kết quả tốt. Thánh Kinh khuyên « ai gieo trong than khóc sẽ gặt trong vui cười ». Một khi phụng sự lý tưởng rồi thì không cần bôn chôn, xao xuyến, lo âu, bối rối. Những nỗi niềm nầy chỉ làm ta hao tổn dũng lực của ý chí. Nói vậy không có nghĩa là không biết tiên kiến công việc, phòng xa để tránh họa gần. Vẫn khôn ngoan thản nhiên, trầm mặc. Nếu biển yên lặng gây cho khách du ngoạn cảm giác oai nghiêm, bao la đáng sợ hơn lúc cuồng phong, vũ bảo thế nào, thì gương mặt người có lý tưởng, ở kẻ xung quanh mình, tăng gia uy tín cho lời nói, hành vi mình thế ấy.
5. Thái độ vút vắt, liếng xáo của diện tướng cũng là thù địch của bản lĩnh. Nhiều lúc vô lý ta ngó qua ngó lại nhăn trán, nhiếu mày, trợn mắt, trề môi, hất hàm, rùn vai, quơ tay, múa chõ, đá đạp. Đang đi bỗng chạy. Đang đứng vụt ngồi. Thật là rối rít. Hãy cho thần kinh một giây cương. Cố gắng ý thức những cử chỉ của mình. Bớt dần những thái độ dư thừa, làm cho diện tướng mất trầm tĩnh, huyền bí cần thiết cho sự ảnh hưởng lúc xã giao. Trong cuốn « Đức tự chủ » Raymond de Saint Laurent nêu gương một triết gia nọ đi đâu cũng cần một giây xích nhỏ có một trăm vòng. Ông không bao giờ rời giây xích ấy. Ai có hỏi sao ông cầm nó luôn, ông vui vẻ trả lời: « nó là cái hãm, tôi dùng để chế ngự tôi ». Tôi quen thân một giáo sư nọ, tánh tình hiền hậu, lúc nào cũng đeo trong cổ một xâu chuỗi. Có lần tôi hỏi sao đeo chi, ông hiền hậu, ngả đầu, vui vẻ từ từ nói « tôi đeo vòng chuỗi nầy để nhắc tôi sống nhẫn nhịn. » Không dám khuyên bạn mang xích, đeo chuỗi như quí vị nầy, nhưng bạn nên bắt chước họ ở chỗ sống kỹ đời sống. Căn cứ theo lời dạy của tác giả quyển « Maltrise de soi: Đức tự chủ » có lần tôi đã viết « mỗi lần bị cảm xúc tấn công bạn hãy lần tay bạn hai ba mươi lần rồi hễ nói. Đếm thầm trong trí những số và đếm ung dung, nghỉ khoảng giữa hai số chừng một giây. »
6. Một lỗ mội đáng khiếp của nguồn khí lực trong con người là chứng đa ngôn. Ta gọi đa ngôn là một chứng có ý xin bạn phân biệt tật già hàm với tài nói thao thao bất tuyệt của một diễn giả. Người đa ngôn hay nói, không lựa lời, sái mùa, sái chỗ dư thừa, lạt lẽo, vô duyên. Còn diễn giả cũng dùng nhiều lời nhưng có lý nói, nói đúng chỗ, đúng thời và nói điều có giá trị. Nếu chịu khó tĩnh tâm kiểm điểm lại những lời nói suốt ngày, phần đông nếu không phải là tất cả, ta thấy vô số tiếng thừa thãi. Chúng như giọt nước té vào đại dương, vô lý rớt bởm vô cái hư vô vĩ đại, không để lại một cái dư âm nào, ngoài sự chua chát trong tâm hồn, sự yếu đuối của ý chí, sự mất giờ, có thể mất thiện cảm, gây thù, gây nghi kỵ, khinh rẻ nữa. Đây là những lỗi lầm thông thường của ba tấc lưỡi.
a) Bàn tâm sự vô ích: Ta hay gặp bất cứ ai, ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, cũng hay đem chuyện lòng mình ra bàn dưới hình thức nầy hay hình thức khác. Làm việc trong vai trò hạ cấp, bị thượng cấp bạc đãi. Ta tìm bạn thân thổ lộ cang trường, nói rằng mình phải mình có lý, rằng thượng cấp hốp tốp, bất công, không biết lãnh đạo. Mà nói vậy có ai phân xử gì cho ta được đâu. Người nghe có thể vì nhẹ dạ, trống miệng thuật lại thêm mắm dặm muối, gieo hiểu lầm, khiến bề trên có ác cảm với ta. Ta hy vọng bề trên tìm hiểu ta không? Đề phòng tánh tự nhiên nhẹ dạ, dễ tin của con người. Học cao, chức quờn, giàu có không ăn thua gì lắm đến tánh dè dặt. Cũng đề phòng cái câu: « Chó đâu có sủa lỗ không » ảnh hưởng đại đa số loài người. Khi bị nộp về lời nói như vậy, nếu không bị ghét cũng e sợ bị có những ấn tượng hay thành kiến không đẹp. Mà như thế là lời than tiếc của ta có thể gây họa rồi.
Bạn có lý tưởng, có bản lĩnh, nỗ lực thực hiện một chương trình văn hóa hay đạo đức nào đó. Bạn bị kẻ có quyền thế đồng bạn hạ cấp công kích. Bạn cự nự với bất cứ ai đến tìm hiểu bạn. Bạn trình bày các lý do xô đẩy bạn nói lời nầy, có thái độ kia, làm công việc nọ. Tôi không cần kể cho bạn nghe hằng lố thính giả với hằng lố ác tâm khác, tôi chỉ xin bạn để ý đến thứ người nghe nầy, thứ người mà tôi có dịp biết được. Tôi xin phép thuật y con người tâm lý sống và cá biệt của họ. Họ cá biệt mà có trên trần gian, với tư thái con người tin mình đầy đủ về mọi phương diện, nhứt là về đường đạo đức khôn ngoan. Tất cả trong họ là dạy đời và dạy đời. Lắm lúc dạy cách trâng tráo nữa. Người ta cảm thấy ở họ tính kiêu căng mang màu sắc đạo đức, biến thành một chứng kỳ dị đến không còn biết nhục nhã, ngượng nghịu gì cả. Họ không chịu tìm hiểu bạn mà cũng không cho bạn yêu cầu họ tìm biểu bạn. Họ gạt hết những lý do của bạn, cho bạn là vô lý, là quấy. Bạn thành thực nói phải, nói quấy à? Họ cho bạn vì khờ dại mà nói. Họ bảo bạn là nông nổi, là không như họ để làm như thế nọ như thế kia. Họ mê tin ở một lý tưởng hay một uy quyền nào đó và đầu óc họ có sẵn một khuôn tư tưởng, một mảnh gương ước vọng. Họ bắt tư tưởng, ước vọng của bạn phải lồng rọi vô khuôn ảnh ấy. Kỳ lắm! Không cần đợi bạn bộc bạch can trường, họ kêu kiếm bạn, kích thích bạn phơi trải tâm hồn để rồi căn cứ nơi đó họ tỏ ra thương hại bạn, có thái độ lo lắng cho bạn. Nhưng bên trong họ nghi kỵ bạn, cho bạn trăm điều quấy, hành động nói năng nông nổi. Bạn mới hở môi minh oan điều gì, họ chụp lời, nói bằng giọng tiên tri, thầy bói là am hiểu hết mọi chuyện và thưa bạn, kết quả của lời tâm sự của bạn là gì, nếu không phải là con số rỗng với những niềm chua cay, oán hận.
Có rất nhiều người khi bàn tâm sự không có mục đích rõ rệt. Theo thế thường, khi « nói khó » cho kẻ khác nghe chuyện lòng là có ý tìm nguồn an ủi, muốn chứng minh rằng mình hữu lý, nhưng trong nhiều trường hợp, họ không biết kẻ nghe sẽ thỏa mãn họ về điều nào, mà họ cứ kể lể thao thao hết uất ức nầy đến nỗi niềm nọ. Oái oăm là lắm khi họ vui miệng vô tình tố cáo lỗi lầm của họ hay tấn công bạn thân hay người nhà của kẻ nghe họ.
Xét cho kỹ, hầu hết những cuộc phơi bày gan ruột đều tại tinh thần yếu nhược. Không chịu đựng nổi trước sức tấn công vũ bão của dư luận, đầu hàng dưới sự rúc rỉa của đau khổ, khum đầu nô lệ sự tìm hiểu, ăn mày lời khen của kẻ trên người dưới, mất tự tin để tự cường hầu tự lập! Tất cả đều là những nguyên nhân chánh của bạn tâm sự vô ích. Vẫn biết trong cuộc sống thường nhựt, đôi khi sự cởi mở gây sự tin cậy, nhưng ta phải cẩn thận lắm mới khỏi sa vào lưới bẫy của thày lay là chứng của tánh đa cảm, một thứ tánh nếu thiếu gọng kiềm của đức trầm mặc sẽ xô đẩy con người đến tật đa ngôn, tật « nói toạc móng heo » các chuyện tâm hồn, chuyện bí mật, chuyện không nên nói. Do đó có thể làm mất đức công bình, đức bác ái.
b) Một quái tánh nữa cũng làm hại đời sống nội tâm như chứng bàn tâm sự vô ích là chỉ trích. Óc phê bình theo tinh thần khoa học, nghĩa là biết ngạc nhiên, tìm nguyên nhân lý do, sự kiện, kết quả, thí nghiệm, chứng minh, chỉ tin điều gì mình có thể kiểm soát được v.v… óc đó đáng phục. Nhưng chỉ trích thì nhứt định ít khi đáng khen.
Ở đời có kẻ thận trọng mà cũng có kẻ ba chớp ba sáng. Tật vô ý, cẩu thả, vụt chạc của con người phải chịu lúc vô bờ bến, đến đổi bạn không dè. Nhiều khi chuyện không có gì hết, người ta dám nói ra như núi chuyển bụng. Người ta cũng dám trắng trợn chuyện có nói không chuyện không nói có. Biết bao nỗi bất thuận, chia tay, nghi kỵ, thù hiềm dưới bóng mặt trời, đều lo những ngọn lưỡi đòn xóc, thèo lẻo, thêm dưa thêm hành, chỉ trích vì ganh tị, vì ham lợi vì kiêu căng, vì nhẹ dạ, già hàm. Người bị công kích mất uy tín, mất thanh danh, hao của, tốn công, phí giờ, thua buồn bỏ nhiều công việc. Bạn nghĩ sao về những lời chỉ trích? Thành ra, thưa bạn, cứ chung mà nói, lời chỉ trích ít khi tránh khỏi gây tai hại. Có thấy thừa không, khi tôi xin bạn để ý phản ứng tâm lý oái oăm và chua chát của người nghe. Là khi ta chỉ trích ai, ta tạo cho gương mặt thái độ vút vác, ta nói như nước vỡ bờ, có khi láo hay nói lố nữa để kẻ nghe tin. Cho người nông nổi thì thôi. Chớ cho người có một chút vốn học thức, kinh nghiệm họ nghi kỵ ta và bắt đầu thủ, ngán ta ngay. Người ta suy luận rằng nếu bữa nay ta có thể chỉ trích người vắng mặt như vậy, thì mai kia mốt nọ, ta vẫn có thể chỉ trích họ. Ta chỉ trích kẻ khác nhiều khi có ý chứng minh rằng ta vô tội, mà ngay khi ta tưởng và muốn kẻ khác tin mình vô tội, là ta đã ít ra phạm tội nói xấu thiên hạ rồi.
c) Rồi chắc bạn dư biết có những ngọn lưỡi nọc rắn, chuyên môn gieo hoang mang, chán nản, bi quan. Bạn hăng say đóng góp công tác, mà thấy tư lợi mỏng manh, thấy hao công tốn của; hy sinh đã không ai nhận thấy, khen thưởng lại bị ganh tỵ, hiểu lầm. Bạn gặp họ. Họ vạch cho bạn thấy những điểm đen đó. Đánh lạc bạn khỏi lý tưởng, họ tạo cho bạn tinh thần chán nản. Bạn bắt đầu tiêu cực hoạt động. Nhiều tâm hồn thân thiết nhau, đang vựa cật đấu lưng làm những việc bổ ích cho đời, bị nọc rắn của ngọn lưỡi họ mà ly gián, thù địch nhau. Lắm khi lời chỉ trích không do ác tâm, mà chỉ lo nhẹ dạ song vẫn gây tai họa không nhỏ. Tôi đã biết hoàn cảnh bi đát của một người. Một tuổi xuân nọ đang thẳng tiến trên con đường lý tưởng. Vì thiện chí, vì tinh thần đại cuộc, vì muốn tranh đấu cách thực và hiệu lực cho lý tưởng, tuổi xuân ấy tạo nhiều công trình văn hóa khả quan. Nhưng một số đồng nghiệp, một số thượng cấp, cứ cắt nghĩa xấu thiện ý, thi đua nhau vạch lá tìm sâu, dùng đủ hình thức để xuyên tạc, chỉ trích, nhận danh tiếng xuống đất đen. Kết quả là cuộc đời của anh bị một thời bôi lọ, khinh rẽ trong cô đơn, thất bại, bi quan, sầu thảm. Tôi thấy người ta xử với anh nên không bàn đức bác ái, thì ít ra bằng đức công bình chớ. Bao nhiêu lời nói hoặc vì ác tâm thù hại, hoặc vì nhẹ dạ thày lay, hoặc vì muốn khoe tài thông hiểu, trống miệng: tất cả gây vô cùng tai hại trong không biết bao nhiêu cuộc đời. Bây giờ bình tĩnh xét tâm lý của sự làm thinh và sự nói ta thấy coi cái nào có lợi hơn.
7. Càng thinh lặng, tâm hồn càng dũng. Có dũng trong tâm hồn con người mới dũng trên gương mặt, trong điệu bộ và ngôn phong. Trong cái dũng, con đẻ của thinh lặng, không có cái thô bạo. Mà sáng lên bởi những nét êm dịu, khả ái vì thanh cao, siêu thoát. Có khi nào bạn nghĩ đến thinh lặng vĩ đại của cảnh trời bao la, lồng lộng trên đầu ta không? Khi loài người tội lỗi, khi có ai chưởi bới trời, trời trả lời bằng cái làm thinh cảnh cáo: bạn có nghe khiếp không? Đạo Thiên Chúa dạy rằng đến tận thế Thượng Đế mới thưởng phạt con người. Sự thinh lặng nhờ đợi của Thượng Đế làm tôi rùn rợn quá. Nói theo tinh thần thần-học, thinh lặng là bí quyết của những tâm hồn sâu sắc giao cảm với thế giới thần linh. Trong thinh lặng, Thánh linh hoạt động nơi tâm hồn thánh. Trong thinh lặng, các thánh nhân nếm nguồn khoái lạc khó tả do cảnh thanh bình, yêu mến, vậy trông Thượng Đế. Điều tôi viết đây chắc có bạn không quan tâm lắm, không quan tâm chắc tại vì tôi có ngòi bút vụng về mà không làm nổi bật được nó. Phước thay những cõi lòng biết thinh lặng, trầm mình trong khối thinh lặng của vũ trụ. Hởi Thinh lặng! Ngươi cao cả quá, chính Tạo Hóa đã dùng ngươi mà tạo sự sống, tạo sự chết. Có ai nghĩ đến ngươi mà không kính sợ không? Thưa bạn, nhiều người tiếp chuyện với ta ít nói, thường làm thinh, cười, ngó ta, rờ rẩm đồ vật nào đó, lóng tai nghe ta nói, không lo thuyết phục ta, mà ta phục, ta mến và thấy thích gặp họ, sống gần gũi họ. Trái lại có nhiều như nước thứ người gặp ta, nói đủ thứ chuyện, tìm đủ mánh lới dẫn dụ ta, hỏi ta tía lia, vuốt đuôi câu chuyện ta, ừ dạ liên miệng và dù kẻ ấy khéo môi mép thể nào sự giả dối ở đâu từ bụng dạ họ chui ra trên khóe mắt, trong nụ cười, trong cử chỉ làm bạn bớt tin lời họ, mặc dầu họ cứ nhấn mạnh rằng họ nói thật, làm bạn dần dần chán họ xa họ và mỗi lần giao tiếp với họ bạn có cảm tưởng như là ngục hình. Những tâm hồn non nớt, nông cạn không thấu nỗi góc cạnh tâm lý nầy. Họ tưởng đâu càng đa ngôn càng bảo người ta mến mình, là mình được thích. Họ không dè trong khi họ tốn bao hơi phổi để gây oán ghét, thì người trầm mặc chỉ thinh lặng thôi đã xâm chiếm tâm hồn kẻ gần gũi.
Nhiều khi ta già hàm, đem những bí mật gieo rắc trong câu chuyện nói chỉ vì ta non tinh thần, tìm kiếm cho tâm hồn được vơi nhẹ. Ta căn dặn kẻ nghe giữ một mình họ biết. Nhưng lòng ta kia mà còn tự nộp. Ta kia mà còn không giữ được cõi lòng mình, thì tại sao ta tin kẻ nghe ta cẩn ngôn, lo gìn giữ bí mật cho ta hơn. Phần đông con người đa ngôn mà. Người ta cũng thích nói về thiên hạ, nhất là tọc mạch bươi móc điều bí mật, chuyện lỗi lầm kẻ khác mà. Nhốt bí mật trong lòng bạn mà bạn còn thấy ngột ngạt muốn thả ra huống hồ bạn đã gieo vào đầu lưởi người nghe bạn. Nguy hiểm nhứt là kẻ ấy, vì lý do nào đó, không còn lạm dụng bạn nữa chẳng hạn, đã đổi bạn thành thù bạn. Bạn nói: « Tôi coi lựa toàn bạn thân để nói. » Trời ôi! Thưa bạn, trên đời tôi được mấy Bão Thúc, còn bạn được mấy Bá Nha. Bạn liệu khỏi gặp những tên dụ lợi, môi mép, nông nổi xã giao qua đường không. Mấy lúc bị tố cáo mà thấy lời nói minh oan không cần lắm thì làm thinh là lá bùa thần diệu để gây tín phục. Có nhiều thứ lỗi khi ai bị cáo mà bạn ó lên chối, có thể bị thiên hạ nghi là đắc tội. Cứ chung nếu đúng là tâm hồn quân tử, nuôi một lý tưởng, sống theo một chương trình, chỉ nói làm điều gì đã già giặn suy nghĩ, thì cần gì sự quảng cáo của loài người. Những vĩ nhân, thánh nhân kia mà còn phần nhiều bị người đồng thời hiểu lầm, bắt bớ huống hồ bọn phàm như tôi và bạn. Một luật sắc cần tuân theo là luôn tự kiểm. Hãy coi lại lý tưởng của mình. Nung nấu người nhiệt huyết hoạt động. Lúc nào cũng sẵn sàng học hay chữa dở. Tin tưởng thành công sau cùng mà thời gian sẽ xây dựng cho ta. Thời gian thường giết chết nổi ái tình là thứ tình mạnh như vũ bão thì nó cũng có thể bắt miệng đời trở lưỡi như cờ trở gió để nhìn nhận giá trị của bạn. Vậy bạn cần hành thiện và cứ thinh lặng.
Trong cuốn « Pratique delavle », André Arnoux nói: « Bạn nói để tự khoe, để tăng giá trị sự tế nhị của bạn, thường bạn nhắm sự kiêu ngạo hơn là ích lợi ». Lời nầy có giá trị vàng ngọc. Trong quyển « Thuật nói chuyện », tôi đã nói rộng vấn đề nầy. Ở đây tôi chỉ xin bạn để ý cần nghiêm trang cân đo lợi hại trong lời nói. Bộ lưỡi lắm lúc giống cái bản lề không con vít, nó lỏng xịch, ta muốn nói gì thì nói, nói rồi quên mất, vô tư, điềm tĩnh. Thành ra mỗi ngày ta đã không tiến bộ trong sự thuyết phục mà còn gây ác cảm. Tôi thấy vài nguyên tắc dưới đây phải giúp ta xử dụng ba tấc lưỡi.
1) Nếu liệu nói không hơn làm thinh thì làm thinh là thượng sách.
2) Trong công chuyện rán thinh lặng được chừng nào hay chừng nấy, miễn sự thinh lặng không tạo bầu khí nghi kỵ, tang ma, bất lợi cho sự thành công.
3) Vấn đề không phải là nói hay không nói, mà là thu phục lòng người, truyền cảm, truyền tinh, truyền ý. Mà đoạt các mục đích ấy đâu phải chỉ có nói. Một khi thấy nói vô hiệu, còn làm thinh có giá trị hơn, thì tại sao không làm thinh. Người ta thường không để ý ma lực của thinh lặng tưởng cho đặng chinh phục tâm hồn chỉ có nói và nói. Trong một đêm lịch sử nọ, bị môn đồ lớn nhứt là Phê-Rô nộp cách nhục nhã, Chúa Giêsu có nói gì, chỉ nhìn thôi mà đã cải hóa được Phê-rô, làm ông nầy cả đời hối hận, trở thành đại thánh.
4) Trong lãnh vực giáo dục tuổi trẻ, sự thinh lặng lắm lúc đắc lực hơn lời nói. Có nhiều lỗi của nhiều đứa trẻ cần lời cảnh cáo. Có nhiều lỗi của nhiều đầu xanh nam nữ hay người lớn không cần cảnh cáo gì cả. Thái độ thinh lặng của thượng cấp nói rất nhiều với kẻ dưới. Không ít tâm hồn tế nhị mặc dầu còn non nớt trên bước đường đời, lúc phạm lỗi xong, lòng họ tràn trề sự đau khổ vì hối tiếc. Lời chỉ trích của ta đối với họ giây phút ấy không cần, có khi dồn lòng tự ái đến chổ chót, sinh ra những phản ứng không hay, nhứt là lúc lòng hối hận cũng đến chỗ lờn.
5) Giữa người đi và kẻ ở, sự thinh lặng tác động trên tâm hồn mạnh mẽ. Ai khéo làm thinh buổi chia tay sẽ gieo trong cung lòng kẻ mình yêu mến muôn nghìn buổi nhớ. Trên đường tình ái thinh lặng là bí quyết lòng dùng nói với lòng. Cái « Tình trong như đã mặt ngoài còn e » của Kim Kiều, cái « Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa » của Từ và Kiều, đều là con đẻ của thinh lặng một phần lớn. Trong quyển « Đời Uyên Ương » có chỗ tôi viết: « Tình vợ chồng không phải là tình quảng cáo kiểu sơn đông bán thuốc rượu. Nó cần những phút thinh lặng để lớn mạnh từ chìu sâu đến chìu rộng. Từ bản chất, nó kỵ những lời nói đường mật môi mép ». Người ta yêu nhau bằng tâm hồn chứ không bằng tướng diện mà lòng chỉ sâu khi bình lặng.
6) Ngay khi muốn ca tụng ai, những lời « xông hương » đình đám nhiều lúc chỉ có giá trị xã giao, có thể làm cho người được khen đỏ mặt. Vài tiếng tán dương xác đáng với thái độ thinh lặng, một mặt đề cao giá trị kẻ ta khen, mặt khác làm cho họ không tưởng ta nịnh hót, thưa bạn, sẽ làm họ mến phục ta sâu thẳm.
7) Trước máy vi âm để diễn thuyết, thuyết giáo hay giảng bài những phút thinh lặng khéo dùng, sẽ gây uy tín đặc biệt cho lời nói. Nói thao thao bất tuyệt dù có tiếng to đầy ý hay lời đẹp đến đâu mà không biết nghĩ để gây chú ý, người nói khó bề thuyết phục thính giả. Riêng về ảnh hưởng của biện thuyết, không phải chỉ nói liên tục rồi chân lý được hấp thụ. Cần biết nhìn, biết làm thinh để gây chú ý để ý hay khắc tạc tung tâm hồn người nghe.
Riêng về thuật nói, xin bạn đọc riêng những nguyên tắc tôi đã bàn trong quyển « Thuật hùng biện ». Ở đây bạn chỉ để ý mấy bí quyết gốc. Điều gì cần nói phải bằng cách gây ấn tượng trong bầu khí thinh lặng. Nói lải nhải, nặng nề chi tiết làm người nghe quên mất những cần thiết tranh cải những điều phụ thuộc rồi đánh lạc mục đích thuyết phục của bạn.
Không ai hiểu ta bằng ta và khi ta hiểu ta thì đừng hễ ta nói ai cũng dễ dàng hiểu ta. Bạch Cư Dị, Molière lúc sinh tiền còn nhờ người nhà nghe thơ văn của mình rồi mới có ý nghĩ phổ biến. Những ngòi bút bực thầy trong nhân loại mà còn vậy huống gì tôi và bạn. Dù có nói đến đâu ta cũng chưa chắc làm cho kẻ nghe ta thấu đáo ta. Cái câu « Suy bụng ta ra bụng người » đừng áp dụng thường trong câu chuyện. Muốn ra một lệnh, nhờ ai một việc gì ta nói sơ sịa ra dấu, nói lẹ lẹ, tắt tắt... rồi hỏi hiểu không, hiểu không, rồi thôi... Gặp những người vụt chạc, kẻ nông cạn không hiểu. Kết quả là ta tốn hơi phổi cách vô ích, mà thất bại, lỗi tại ai? Tại người vô ý? Có. Tại người bất tài, vô đức? Cũng có. Mà nhứt định là tại ta thiếu kỹ lưỡng. Ta bị tánh vục chạc cầm cương, nên khi nói muốn nói nhanh. Mục đích của nói làm cho kẻ nghe hiểu, ta quên mất, và coi nói là giải thoát ý tưởng, tâm tình, nói cho xong chương trình nói, chớ không lưu ý sự truyền ý, truyền tình, truyền cảm.
Có thể bạn quên điều gì nhưng khi muốn nói bạn cố nhớ chỉ nói cho kẻ cần nghe, vào lúc phải nói, đúng nơi nên nói, và nói thì nói có văn chất, văn sắc, văn khí, văn vị, văn phong. Tôi muốn bạn hiểu văn chất là những ngôn từ gieo chân, thiện, mỹ, phúc; văn sắc là lớp áo từ hoa, ý hoa làm cho ý được thèm thuồng; văn khí là hơi văn thu hút tâm hồn thính giả; văn vị là những tình ý, những giọng điệu gây âm vang lâu bền trong cân não kẻ nghe; văn phong là tư thái cao nhã, trí thức bộc lộ tâm hồn quí đẹp của người nói.
8. Trở lên là bàn về trầm mặc của lời nói. Chắc bạn hỏi tôi sự điềm tĩnh của gương mặt? Sự điềm tĩnh nầy trọng hệ cho việc luyện thành người bản lĩnh. Có những gương mặt nói lên chí cang cường, lòng thanh thản, hồn vui tươi. Nhưng cũng có những sắc diện biểu lộ óc bạc nhược, tánh lóc chóc, niềm sầu thảm. Hãy lợi dụng ý chí để cản ngăn những thái độ bất ngờ, trên gương mặt. Những phùng mang, trợn mắt, nheo mày, nhíu mắt, trề môi, hất cằm v.v... nếu lạm dụng sẽ làm cho gương mặt liếng xáo, có cái vẻ mà tiếng thời đại gọi là « láo cá ». Những tác vi ấy về mặt tâm lý, khiến tâm hồn náo động, cuộc sống cạn hẹp, về đường xã giao, làm cho tha nhân ít kính phục nếu không khinh ra mặt. Hễ sắc diện nghiêm trang dọn đường và yểm trợ lời nói bao nhiêu, thì sắc diện khỉ khọt cũng phá hoại giá trị của nó bấy nhiêu. Còn những cử điệu của tay chân? Đức điềm đạm trong tâm hồn cần những cử điệu trầm tĩnh của tay chơn như thân thể cần thực phẩm. Những năng lực tinh thần khó bề hoạt động khi nội tâm xao xuyến và nội tâm không dễ gì yên ổn, nếu ngũ quan luôn giao động. Điều nầy không khó hiểu lắm vì khi ngũ quan máy động, sự chú ý bị giảm năng lực. Mà chú ý không dồi dào thì các hoạt động tinh thần kém đắc lực. Hãy nghe André Arnoux nói chí lý: « Thinh lặng cần cho tâm hồn cũng như ánh sáng cần cho gương soi. » Dĩ nhiên không phải bất cứ máy động nào của chân tay đều làm giảm khí lực của tâm hồn. Có thể nói trong một guồng máy, máy rồ thì xăng hao, đèn cháy uống dầu tốn tiền thì người hay múa máy cách vô ý thức và vô ích làm tâm hồn suy nhược. Nhưng khi để ý luyện chí, đặt cho ý chí một giây cương thì dù ở giữa chợ, dù phải làm một công việc náo động chơn tay, tâm hồn vẫn điềm tĩnh. Mà trong các trường hợp nầy kinh nghiệm tâm lý cho biết trở lực do huyên náo ngoại giới càng nhiều, ý thức cố gắng tự chủ nội tâm càng cao thì dũng khí càng dồi dào. Một cơ quan nên giữ cẩn thận nhứt là trong các ngũ quan là cặp mắt. Rủi mù mắt thì thôi miễn bàn. Nhưng thị quan lành mạnh, khi muốn tâm hồn trầm mặc, phải tránh sự ngó láo liêng. Đưa đà mắt ngó chậm chậm, ít chớp mắt, tinh thần dễ tập trung, bình yên để ngự trị trong tâm hồn. Trong khi gương mặt điềm đạm, phải lo kiềm hãm não tưởng tượng. Chế ngự nguyên nhân náo động hai mặt như vậy con người mới quả thực cường dũng.
9. Sau khi nghiên cứu sự hệ trọng cùng những hậu quả tốt đẹp của đức trầm mặc, ta thấy nó đích thị là chìa khóa của người Bản Lĩnh. Một mặt nó tập trung khí lực bằng cách chiến thắng những nguyên nhân gây náo động trong ta, mặt khác làm điều kiện cho các nhân đức lớn mạnh.
KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC: « TẠI SAO THƯỜNG HỄ GẶP RẮN NGƯỜI TA RƯỢT ĐẬP, CHỈ TẠI NÓ PHÁ HOẠI. HÃY PHỤC VỤ, SÁNG TÁC HƠN LÀ CHỈ TRÍCH, THỤ HƯỞNG. »