We don’t believe in rheumatism and true love until after the first attack.

Marie E. Eschenbach

 
 
 
 
 
Tác giả: Leonid Zharikov
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Повесть О Суровом Друге (1937)
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 271 / 6
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12 - Đêm Cuối Cùng
ồi mặt trời tự do, chân lý, tình yêu
Sẽ rạng chiếu trong hoàng hôn đẫm máu
Ta đã trả dù một giá quá đắt
Máu chúng ta – cho hạnh phúc toàn cầu.
1
Trong một ngày chính quyền trong thành phố thay đổi đến mấy lần. Qua những lá cờ treo trên cửa hiệu của lão Murat người ta nhận biết được thành phố đang thuộc về ai.
Sáng sáng, trước khi ra đường, chúng tôi nhìn qua cửa sổ, nếu lão Murat treo cờ đỏ trên cửa hiệu thì trong thành phố là người của chúng ta. Khi đó mọi người ùa cả ra cổng. Nếu cờ màu đen thì là bọn phỉ Makhno. Nếu thấy phơ phất mảng vải vàng xanh thì đó nghĩa là tướng cướp Petlyura đang chiếm giữ thành phố.
Nhưng đã được một tuần kể từ khi Hồng quân rút lui và trên cửa hiệu lão Murat vẫn phấp phới lá cờ bạch vệ: mảnh giẻ rách ba màu trắng đỏ xanh đáng ghét. Tôi và Vaska cứ tiếc là đã không bỏ theo Hồng quân. Vì ở đó, về phía mỏ Pastukhovska, có người của mình, ở đó có bác Mityai, chính ủy, có chú Sirotka và bố của Alyosha Pupok – chú Wang Li.
Tên tướng Denikin lo củng cố các trận địa, bọn trắng không định rút khỏi thành phố. Ngoài mặt trận có thêm những đơn vị mới. Bên cạnh “Sư đoàn man rợ” của Shkuro, còn ba sư đoàn nữa, của Kornilov, Drozdov và Markov. Chiến sự xảy ra không ngừng. Quân ta chưa thể chiếm thành phố, vì lực lượng của Denikin còn rất mạnh.
Mỗi sáng bước ra khỏi nhà, trong lòng tôi lại hy vọng là ta đã đánh đuổi được bọn bạch vệ rồi, nhưng lá cờ ba màu vẫn treo trên thềm gạch cửa hiệu lão Murat như trước, làm người ta thấy buồn bực và nhắc nhở chúng tôi rằng mình vẫn đang bị bọn bạch vệ cầm tù.
Khi từ mỏ Pastukhovska, nơi quân ta đóng, đại bác bắt đầu nã vào thành phố và đạn nổ trên các đường phố, tôi đã không còn sợ nữa, mà lại thấy vui mừng: vì chính quân ta đã bắn mà.
Bảy ngày kéo dài lê thê không khác bảy năm. Sang ngày thứ tám tôi liền gọi bọn trẻ lên trần gác xép bỏ hoang của mình. Chúng tôi có bốn đứa: Abdulka, Ucha, Ilyukha và tôi. Một số đứa đã bị chết vì bệnh dịch, số khác vì đói. Còn Alyosha Pupok bị sĩ quan bạch vệ giết vì đã hát bài vè bị cấm:
Ôi Chúa, người điếc đặc,
Thế mà đòi lên trời.
Công nhân được bố thí
Một mẩu bánh tí ti.
Trên trần nhà trống trải, vắng vẻ, sau ống khói vẫn còn đống rơm nhàu nát, chỗ bác Mityai đã ngủ.
Chúng tôi bò lại gần cửa tò vò. Kho đạn cạnh nhà máy rực cháy và nổ tung. Những cuộn khói trắng lớn tròn như những nụ hoa bay vọt lên trời. Ở tít trên đống than xỉ hình chóp nụ hoa nở bung ra, và nhờ có ánh sáng ngọn lửa nên trông như những cánh hồng đỏ rơi lả tả xuống mặt đất. Sau đó một lát vọng lại một tiếng nổ ầm.
- Này oành này, – thằng Ilyukha lấy tay quệt mũi rồi cười.
Vừa lúc đó một quả đạn réo sát ngay trên mái nhà, rồi rơi xuống đâu đó cách chỗ chúng tôi không xa. Chúng tôi ngồi thụp xuống.
- Ô-hô! Bác Mityai gửi kẹo cho bọn bạch vệ, – Ucha nói.
Khi một trái đạn khác xé rít phía bên, thằng Ilyukha trợn mắt hét:
- Một phun-tơ giò cho bọn quân trắng ăn trưa này!
- Xoong xúp củ cải này! – Abdulka gào lên lạc cả giọng, phụ họa quả thứ ba.
- Dưa chuột và cà tím cho bữa sáng!
- Dưa bở-ở-ở! – chúng tôi hét vang, đứa nọ cắt ngang đứa kia, nện những đôi guốc gỗ lên sàn.
Bỗng một tiếng gà khiếp sợ vọng tới chỗ chúng tôi. Thằng Ilyukha liếc nhìn qua cửa tò vò rồi bỗng nắm chặt lấy tay áo tôi:
- Bọn Cozak Shkuro!
Chúng tôi thận trọng len tới bên ô cửa sổ, và sợ bị lộ, chứng tôi ép sát người vào khe cửa. Hai thằng lính Shkuro phóng ngựa trên phố, một chú gà tuyệt vọng đập cánh phành phạch chạy phía trước. Một tên ném cái gì đó vào con gà nhưng bị trượt, tên khác bắn súng lục: con gà lật ngược lại, giãy giãy đôi cẳng vàng, rồi chết hẳn. Tên thứ ba từ trên yên cúi xuống, lấy mũi kiếm xâu con gà bỏ vào túi.
- Chúng mình hát chứ? – thằng Ucha thì thào, mắt ánh lên không chút sợ hãi.
- Hát đi!
Ucha cất tiếng đầu tiên:
Ôi, mưa rơi.
Đường trơn tuột!
Chúng tôi hòa theo:
Denikin chuồn mau thôi
Lenin đã tới gần rồi!
Một quả đạn nổ đâu đó ở cuối phố. Ngói trên mái nhà rung lên lạo xạo. Chúng tôi bịt tai, tiếp tục hát:
Khẩu súng trường túc, túc, túc
Và Hồng quân đến đúng lúc.
Súng máy bắn tơ-ra, ta-ta
Vào quân trắng la, ta, ta!
Chờ cho bọn lính Shkuro khuất hẳn vào ngõ, chúng tôi mới thò đầu ra cửa sổ.
Từ đây nhìn rõ mọi mái nhà mọc đầy ngải cứu và tân lê. Ngoài phố vắng tanh. Các cửa sổ che đầy gối để tránh đạn. Mọi người lại ngồi hầm. Những ngày đầu người ta chỉ mang đệm rơm vào, sau chuyển cả giường, bàn, rồi chẳng bao lâu trên những bức tường mốc xanh đã có những chiếc đinh đóng lên để treo khăn mặt, xoong chảo và cả tranh nữa. Hầm đã trở thành nhà ở.
Buồn chán. Người lớn đã đi Hồng quân cả rồi. Ở phố chúng tôi chỉ còn có năm người đàn ông: tôi, Vaska, chú Anisim Ivanovich, Ucha và Abdulka. Tôi không coi thằng Ilyukha là đàn ông, nó hèn và suốt ngày không bò ra khỏi hầm. Bố thằng Ucha – một ông già người Hy Lạp cũng không được tôi coi là đàn ông vì ông ta đi đánh giày cho bọn bạch vệ trong thành phố.
Người chủ chốt trong số đàn ông tất nhiên là chú Anisim Ivanovich. Suốt ngày từ sáng đến tối chú cùng Vaska đẽo guốc, đêm đêm lại sửa giày cũ. Những đôi làm xong lại được Vaska đem vào kho, phủ than lên. Sau này cậu mới giải thích cho tôi:
- Bác Mityai sắp tới, mà các chú Hồng quân lại không có giày, chúng ta sửa để phòng xa.
Tôi nhìn sang mái nhà Vaska và chợt nhớ lại có một lần chú Anisim Ivanovich suýt bị chúng giết cũng vì những đôi giày đó… Bốn thằng kéo đến nhà chúng tôi. Tất cả bọn chúng đều mặc áo lông đen. Thằng cầm đầu, bị gãy mất một răng cửa, như tôi được biết sau này, là tư lệnh trưởng thành phố Kolka von Graff. Chính nó hai năm về trước đã thiêu sống bố tôi trong lò than cốc và bắn chết mẹ tôi…
Bọn lính Denikin đang say rượu. Khi bước vào nhà, thằng von Graff đập đầu phải cái xà ngang. Hắn nổi giận chĩa luôn súng lục vào chú Anisim Ivanovich hỏi:
- Mày là thợ giày à?
- Tôi đóng giày, – chú Anisim Ivanovich đáp.
- Có giày không?
- Giày nào?
- Sao, còn giả bộ ngu ngốc à? Ủng, giày có không?
- Con tôi có, còn tôi cần gì ủng? – chú Anisim Ivanovich trả lời.
Bọn lính bạch vệ đi lại ngoài sân. Cánh cửa hầm cọt kẹt. Chúng làm gì đó ầm ầm trong kho.
- Mặc áo vào, -thằng von Graff ra lệnh.
Thím Matrena nhảy xổ lại gần tên sĩ quan:
- Thưa ngài, vì sao ạ? Nhà tôi tàn tật mà.
- Đừng có rống lên. Thằng tàn tật của mày sẽ không làm sao cả.
Chú Anisim Ivanovich tụt xuống giường, đội mũ và đã định leo lên cái xe của chú thì tên von Graff ngăn lại:
- À ra mày không có cặp giò. Giá cứ nói thẳng ra xong…
Tên von Graff đã định bỏ đi nhưng đúng lúc đó tên lính Denikin râu xồm từ ngoài sân vào. Tay nó ôm cả một ôm ủng, giày đã chữa xong cùng các đế giày, nó báo cáo:
- Thưa ngài, chúng tôi đã tìm thấy trong kho.
Tên von Graff nheo mắt, dừng lại trước mặt chú Anisim Ivanovich, tay hoa hoa cái roi:
- Được đấy… – hắn nói. – Thế nghĩa là mày đã nói dối? – Nói rồi bất ngờ nó quất ngay roi vào mắt chú Anisim Ivanovich, quất nữa, lần nữa!
Vaska lao vút tới lấy thân che bố.
- Không được động đến người tàn tật, – cậu cúi thấp đầu xuống nói.
- Còn mày cần gì, thằng lỏi con này? – rồi bất ngờ nó ghì lấy đầu Vaska, bóp mũi cậu chảy cả máu cam.
Đẩy Vaska, tên von Graff quay lại chú Anisim Ivanovich.
- Giày của ai đây?
- Không được động đến trẻ con! – chú Anisim Ivanovich tái mặt, hét. Tay chú run lên.
- Giày của ai? – tên von Graff gầm lên, tay với súng lục.
- Của tôi.
- Để ai đi?
- Cho tôi, để đổi lấy bánh mì.
Tên von Graff lại liếc nhìn cái xe của chú Anisim Ivanovich, nhìn vào hai mẩu chân cụt của chú, rồi vung mạnh roi hăm dọa:
- Mai tao sẽ mang da tới cho mày, con búp bê cụt chân!... Mày sẽ làm cho Quân tình nguyện. – Rồi tên von Graff quay ngoắt đi làm vạt áo ngoài hất đổ cả chiếc ghế đẩu.
Khi ra hắn lại vập đầu vào cái xà ngang và phát khùng lên, hắn đá mạnh vào cửa làm nó long ra khỏi bản lề, bắn ra ngoài sân.
Tôi nhảy ra sân theo bọn Denikin và thấy thằng Senka hàng giò đang nấp vào một xó. Nó đang chờ bọn bạch vệ. Thế nghĩa là nó là thằng phản bội đã dẫn bọn Denikin đến nhà chúng tôi.
Hôm sau chú Anisim Ivanovich giả ốm nằm liệt để khỏi phải làm cho bọn bạch vệ, nhưng may quá tên von Graff không đến nữa…
Trời đã về chiều mà chúng tôi vẫn còn đứng trên gác xép, thò đầu ra ngoài cửa sổ, ngắm nhìn thành phố đã trở lại yên tĩnh, nhìn sang mỏ Pastukhovska, nơi quân ta sau một hồi nã súng có lẽ đang uống trà với bánh mì trắng.
- Đói quá, – thằng Ilyukha thở dài.
- Giá được một miếng vỏ bánh.
- Thế mà trong kho nhà tớ có bánh ngô giấu sau đống củi nhé, – thằng Abdulka khoác lác.
- Mang lại đây, – thằng Ilyukha gạ gẫm. – Tiếc à?
- Cậu gớm thật! – Abdulka lắc đầu. – Đó là tớ mang mũ đi đổi về cho mẹ tớ đấy. Mẹ tớ ốm.
Nhưng dù sao bụng đói và tình bạn vẫn là trên hết: Abdulka mang tới mẩu bánh ngô khô dính đầy mạng nhện, vài miếng đường nhỏ và một ấm nước lạnh. Chúng tôi chia bánh và đường ra nhiều phần, rồi bắt đầu uống “trà”, lần lượt tu vào vòi chiếc ấm trắng han gỉ.
- Chả mấy bữa nữa chúng ta sẽ được ăn bánh mì thật, – tôi nói.
- Sao cậu biết?
- Tớ biết chứ. Chẳng bao lâu nữa quân ta sẽ đánh tan bọn bạch vệ và khi đó sẽ có bánh mì.
Ilyukha, Abdulka và Ucha im lặng.
- Khó đấy, – Abdulka gãi gáy vẻ quan trọng. Nước Đức sẽ bênh vực bọn trắng.
Thằng Ilyukha lắc đầu, định nói điều gì nhưng bị sặc và cứ ho mãi, mặt đỏ như quả anh đào. Nước mắt trào ra. Nó nói giọng khàn khàn:
- Không biết thì im đi. Bọn Đức không bênh đâu. Phổ và Phần Lanh ủng hộ chúng, đúng bọn nó!
Tôi mỉm cười ranh mãnh vì biết rằng Phần Lanh sẽ không bênh vực.
- Chúng mình cuộc xem Phần Lanh có bênh vực không nào, – tôi đề nghị.
- Nào. Chúng ta cuộc bao nhiêu?
- Hai triệu.
- Xì, hai triệu thì mua được cái gì? Một trăm triệu nào.
- Đồng ý.
Vaska leo lên gác xép. Cậu cúi lom khom dưới mái nhà, đi lại chỗ chúng tôi.
- Các cậu làm gì ở đây thế?
Thằng Ilyukha tươi tỉnh hẳn lên, rồi nó nhìn tôi, hể hả:
- Giờ thì cậu phải trả tớ một trăm triệu đi, chúng mình sẽ hỏi Vaska! Vaska, Vaska này, cậu bảo đi: Phần Lanh có ủng hộ bọn bạch vệ không?
- Không phải Phần Lanh, mà là Phần Lan, – Vaska với lấy ấm nước tu, – còn về chuyện ai ủng hộ thì rõ rồi: bọn tư sản Phần Lan sẽ ủng hộ, còn công nhân đứng về phía chúng ta.
- Thế còn ai thắng, mình hay bạch vệ?
- Chúng ta sẽ thắng, – Vaska tin tưởng công bố. – Quân của Budyonny đã tập hợp rồi.
- Quân Budyonny nào?
- Tất cả các chiến sĩ Hồng quân, muôn người như một, đã lên ngựa với kiếm. Và dũng cảm nữa nhé! Còn Budyonny là chỉ huy, từ dân nghèo mà ra, tự vung kiếm xông lên tấn công.
- Vaska, do đâu mà cậu biết được về Budyonny? – thằng Ilyukha hỏi.
- Chim ác là bay tới và kể cho tớ nghe, còn với cậu, tóc hung ạ, chim chỉ cúi chào thôi.
Abdulka thở dài:
- Mong sao đánh đuổi được bọn trắng đi sơm sớm nhỉ.
- Chúng ta nhất định sẽ đánh đuổi bọn chúng đi, – Ucha hưởng ứng. – Hất chúng xuống biển Đen, cho chúng tắm với cá diếc.
- Và giá được cá diếc rán nhỉ, – thằng Ilyukha liếm môi.
- Cá diếc… Cứ biết chúng mình còn chưa nhìn thấy khoai tây, chưa đào đâu ra bánh mì đây, – Ucha bực tức.
- Các cậu còn nhớ chúng mình đã ăn trưa ở nhà ăn thời Chính quyền Xô-viết như thế nào không? – tôi hỏi.
- Cuộc sống lúc ấy thật đẹp, – Vaska đồng ý. – Và cuộc sống còn tốt đẹp hơn nữa. Chỉ cần đánh tan bọn Denikin để chiến tranh kết thúc.
- Vaska, hãy nói xem, cuộc sống sẽ ra sao?
- Đúng đấy, kể đi, – tôi đề nghị.
- Khi cuộc sống đó tới, đầu óc các cậu không thể hiểu nổi.
- Thì cậu hãy cứ kể đi nào…
Ngồi bó gối, người lắc lư, Vaska trầm ngâm nhìn ra ô cửa tò vò, qua đó thấy rõ bầu trời xa xa trải ra trên cánh đồng cỏ thân yêu đang xao động và đầy công sự. Một nụ cười tươi sáng thoáng qua làm rạng rỡ khuôn mặt Vaska.
- Khi đó sẽ không còn một tên nhà giàu nào trên trái đất. Dù có cố gắng mấy cũng không tìm ra được một tên tư sản nào trên toàn trái đất, ở khắp các quốc gia và đất nước, và cả ở phía bên kia biển cả đại dương… Và lúc đó mọi người sẽ không đánh nhau nữa. Ở thành phố sẽ xây dựng những tòa nhà cao. Trong nhà sáng rực ánh đèn, không phải đèn dầu, mà là những đèn như… đèn ngoài phố ấy. Rất nhiều, rất nhiều, có thể, cả một triệu, hoặc một trăm ngàn những ngọn đèn ấy sẽ chiếu sáng rực rỡ hơn cả ánh mặt trời! Trên đường phố sẽ mọc lên những cây mơ, cây anh đào và đủ loại hoa kim hương. Ngay cả trong nhà máy cũng có cây. Cứ đứng làm việc, vừa làm vừa nghe chim hót… Khi đó tất cả trẻ con sẽ học đọc, học viết và lớn lên, chính chúng nó sẽ trở thành… những vị chủ tịch! Đó! Một cuộc sống như thế sẽ tới! Người ta gọi đó là chủ nghĩa cộng sản…
- Sẽ như thế trên toàn trái đất à?
- Trên toàn trái đất, – Vaska nói. – Lúc đó trên đời chỉ còn giai cấp công nhân và những người nông dân!
- Thế khi nào sẽ được như thế?
Ucha thấy bực với Abdulka và nói một cách nghiêm nghị:
- Cậu thì chỉ muốn ngay ngày mai thôi! Cậu không nghe Vaska nói gì à? Đầu tiên phải đánh đuổi tên Denikin đi đã chứ.
Vaska đứng lên và nói:
- Thôi, đủ rồi… Lenka, ta cùng đi, tớ phải nói với cậu điều này, – và Vaska nháy mắt ra hiệu với bọn trẻ, – một điều bí mật…
2
Chúng tôi tụt khỏi gác xép. Vaska im lặng cho tới tận nhà, vào đến sân cậu ngăn tôi và bảo:
- Bác Mityai đang ở trong nhà chúng mình.
- Cậu thề đi!
- Tớ nói thật mà.
Tôi mở toang cửa ra và sững sờ trước điều mình vừa nhìn thấy. Sau góc bàn, là một sĩ quan bạch vệ đầu hói, ngồi quay lưng ra cửa. Cầu vai xanh uốn cong trên vai, chiếc áo khoác lính màu xám có thắt cái thắt lưng to và phồng lên phía sau lưng.
Tên sĩ quan bạch vệ quay lại, và tôi nhận ra bác Mityai. Bác gầy quá, và bộ ria đen nhánh như than đã không còn nữa.
Tôi định lại gần bác, nhưng… những cầu vai sĩ quan bạch vệ là nghĩa lý gì? Không lẽ bác lại là bạch vệ?
Bác Mityai dẩu môi ra đến buồn cười, một mắt bác mở tròn xoe, một mắt nheo lại. Bác làm động tác nhại tôi.
- Bác Mityai, bây giờ bác là bạch vệ à?
- Đúng thế, thưa ngài. – Bác trả lời tôi và mọi người phì cười.
Chỉ lúc đó tôi mới hiểu rằng bác Mityai cố ý ăn mặc thế, để bọn Denikin không thể biết bác là một du kích đỏ.
- Thế đó, nghĩa là, công việc như vậy đấy, – bác Mityai tiếp tục câu chuyện đang nói dở. – Đầu máy bọc thép “Orion” đã sửa xong lúc sáng. Ở đó còn ba cái nữa: “Vì nước Nga thiêng liêng”, “Đến Moskva” và “Denikin” đã chuẩn bị sẵn sàng. Nếu bọn chúng tấn công từ hai phía – quân ta sẽ bị nguy khốn. Tôi đã phái ba người đi nhưng không ai lọt qua được. Tôi đi thì không thể được rồi, bọn chúng sẽ nhận ra – công việc sẽ hỏng hết.
- Vâng…âng, tất nhiên rồi, – chú Anisim Ivanovich trầm ngâm, kéo dài giọng. – Tình hình này chỉ có trẻ con mới giúp được.
Cả hai im lặng. Bác Mityai liếc nhìn chú Anisim và chú liền nói với tôi:
- Lenka, cháu yêu, cháu xúc than từ kho ra cho chú. Xô đây, còn ở đấy đã có xẻng rồi.
Thế là tôi hiểu: tôi không được tin. Nhưng không sao… Tôi đã có cách của tôi. Tôi cầm lấy cái xô và ra khỏi căn nhà. Nhưng trước khi tới kho, tôi còn lén đến bên cửa sổ và lắng nghe câu chuyện của những người lớn.
Bác Mityai hỏi Vaska:
- Cháu không quên chứ?
- Không ạ.
- Thế thì cháu nhắc lại xem nào.
Vaska đứng nghiêm, rồi bắt đầu nói nhanh:
- “Gửi đồng chí Sirotka, chỉ huy trung đoàn 4. Ngày mai vào lúc rạng đông, trung đoàn kỵ binh Shkuro với ba đầu máy bọc thép, ba mươi súng máy sẽ tấn công. Hãy đánh luôn đừng chờ đợi. Hãy bắn tín hiệu pháo sáng đỏ. Du kích sẽ từ hậu phương đánh ra. Chính ủy Arsentiev truyền lệnh”.
- Cừ lắm, – bác Mityai khen. – Bây giờ cháu đi chơi đi, sau bác sẽ lại hỏi nữa. Cần phải nhớ thật chắc.
Cậu ta cầm lấy mũ và ra sân. Chúng tôi cùng tới kho, cậu ta giúp tôi xúc than vào xô. Sau đó, chúng tôi cùng ngồi.
- Lenka, cậu đừng giận bác Mityai… tớ học thuộc mệnh lệnh đó. Đêm nay tớ sẽ đến mỏ cần phải vượt qua mặt trận để truyền lệnh đó. Nếu cậu muốn, chúng mình sẽ cùng đi.
Tôi im, không biết trả lời ra sao.
- …Và sau đó chúng mình sẽ không về nữa. Chúng mình sẽ được nhận vào Hồng quân, sẽ được phát súng, rồi lúc đó chúng mình sẽ bắt bọn bạch vệ đền tội. Chúng đã giết bố cậu và làm cha tớ tàn tật.
Tôi lại nhớ đến bố tôi. Vì sao chúng thiêu bố tôi? Vì sao chúng giết mẹ tôi? Tôi phải trả thù. Rất cần. Còn sợ gì nữa chứ?
Tôi đứng dậy, trong lòng không còn thấy e ngại gì nữa.
- Đi nào?
- Ừ! Cậu đừng rẽ vào nhà nữa, mà đợi tớ ở vườn trước nhà thằng Vitka Bác sĩ nhé. Cậu hiểu chưa?
- Rồi.
- Cậu sẽ không sợ chứ?
- Không.
- Này, mà coi chừng đấy. Đến đó phải dũng cảm: chúng có thể bắn cậu, nhưng cậu cứ phải đi. Đau mà không được khóc đấy. Hiểu chưa nào?
- Rồi.
Chờ Vaska quay về căn nhà hầm để từ biệt cha mẹ. Tôi đứng lại một chút rồi đi đến nhà kho. Tôi tới đó, đào kho của mình lên: lấy bỏ vào túi mười vỏ đạn, con dao díp và cái khuy có in hình ngôi sao.
Cửa sổ ở nhà sáng mờ mờ. Tôi lén tới, ghé mắt nhìn lần cuối cùng chú Anisim Ivanovich và thím Matrena. Chú thím đã quan tâm chăm sóc cho tôi ăn ở, khi tôi bị mồ côi.
Bác Mityai lồng qua đầu Vaska cái bị ăn mày, và dặn dò:
- Nếu chúng bắt được thì cháu bảo: đến nhà cô ở mỏ, nói là đi xin ăn ở thành phố nhé. Đầu tiên cháu hãy đi theo lối phía trên hầm đá. Sau đó cháu rẽ trái, đi đến trạm bơm nước, từ đó theo đường “Khe Xấu” mà đi. Cúi thấp người xuống mà đi cho bọn chúng khỏi thấy.
- Con cẩn thận nhé, Vaska bé bỏng của mẹ, – thím Matrena lau nước mắt, thì thầm, – con đừng chạy nếu chúng gọi, và đừng gây gổ nhé.
- Cứ giả vờ như đần độn ấy, – chú Anisim Ivanovich dặn. – Mà về nhanh lên con nhé, mẹ con sẽ đau khổ, con tự hiểu đấy.
Vaska im lặng cho những mẩu bánh khô vào bị.
Bác Mityai sửa lại áo va-rơi:
- Tạm biệt. Để liên lạc bây giờ chúng ta đã có cháu Lenka.
Cửa đóng sập lại. Tôi nằm dán người xuống đất. Bác Mityai đi qua, suýt giẫm vào tay tôi. Họ dừng lại cách chỗ tôi không xa, im lặng…
- Cháu đã thấy công việc như thế đấy, Vaska ạ, – tôi nghe thấy tiếng bác Mityai. – Có mặt mẹ cháu nên bác không muốn nói. Lệnh này… bác nói thế nào với cháu được nhỉ… có thể là phải đi vào chỗ chết, nhưng phải chuyển tới bằng được. Hai ngàn người dân sẽ hy sinh vì tay bọn bạch vệ. Thế đấy, nếu không có lối đi thì cháu hãy cứ chạy thẳng. Dù thế nào thì cũng cứ chạy, có thế thôi. Chúng ta phải cứu lấy mọi người…
- Bác Mityai, bác đừng lo, cháu sẽ qua được.
- Bác thấy khổ tâm phải cử cháu đi, cháu đối với bác như chính con trai bác vậy, – bác Mityai trầm ngâm nói tiếp. – Giờ cháu đã lớn và đã hiểu: chúng ta sống để đấu tranh.
- Cháu hiểu, bác Mityai ạ, – Vaska xúc động trả lời. – Bác đừng lo, cháu sẽ đi qua được bằng đường nào mà cháu muốn!
- Thôi nào, tạm biệt…
Tiếng chân bác Mityai bước xa dần trên đường phố. Tiếng chân vang mãi trong đêm khuya tĩnh mịch, nhỏ dần đi.
- Vaska, tớ ở đây, Vaska, tớ đây!
- Đi tới chỗ đã bảo ấy, rồi tớ sẽ huýt sáo.
Tôi nhỏm dậy, đi ra đường.
Ngôi nhà trống trải của bố tôi bỏ hoang và rờn rợn hiện ra mờ mờ trong đêm tối. Không hiểu sao nhưng tôi thấy tiếc phải từ bỏ căn nhà.
Đến góc phố, tôi rẽ vào mảnh vườn con trước nhà Vitka Bác sĩ, nằm xuống giữa những bụi tử đinh hương. Nền đất ấm áp. Tôi áp má xuống đất, nghe nhịp đập trái tim…
Chẳng bao lâu đã nghe thấy tiếng chân và tiếng áo sột soạt. Vaska và mẹ đi qua ngay gần chỗ tôi: thím theo tiễn cậu ta. Tôi nghe lõm bõm từng đoạn câu chuyện của họ.
- Con trai thân yêu, – thím Matrena thì thầm. – Con hãy giữ gìn cẩn thận nhé, và mau mau trở về. Kẻo bố mẹ…
- Đừng buồn mẹ ạ, và đừng chờ con vô ích. Có thể con sẽ ở lại đấy, với quân mình, còn bố mẹ hãy tự lo liệu khi thiếu con. Thế nào rồi con sẽ cùng Hồng quân trở về.
Tôi không còn nghe thấy gì hơn nữa và mất hút họ trong bóng đêm. Tôi nằm im không cựa quậy. Sau đó thím Matrena quay về, lại đi qua chỗ tôi. Tôi thấy thím làm dấu và lầm rầm: “Vâng, sẽ là ý chí của Người và sự trị vì của Người trên toàn trái đất…”
Khi tiếng chân đã im hẳn, tôi nghe thấy tiếng huýt sáo phía xa xa. Tôi huýt đáp lại. Vaska đi tới, ngồi xuống bên tôi. Chúng tôi nghe ngóng. Cánh đồng cỏ hoàn toàn yên ắng. Trong thành phố bỗng nghe thấy tiếng vó ngựa khua dồn như tiếng trống của đội tuần tiễu, rồi lại im lặng.
3
- Đi thôi, – Vaska nói và đứng dậy. – Phải bí mật vượt qua. Nếu chúng bắt được – cậu bảo cậu là em út của tớ và chúng mình đến nhà cô ở mỏ. Còn nếu chúng không tin và bắt đầu đánh, thì mặc cho chúng đánh cậu cứ im. Bây giờ cậu phải như… – cậu ta lần sờ trong đám cỏ rậm rạp rồi nhặt một hòn đá lên – như hòn đá này này, cậu thấy không? Đá nó không sợ và cậu cũng đừng sợ. Thế nào, cậu không sợ chứ?
- Không.
- Thế cậu hãy tự đi đến trạm bơm nước nhé.
Tôi đứng dậy và nhặt hòn đá lên.
- Cậu làm gì đấy?
- À, tớ nhặt hòn đá.
- Để làm gì?
- Thế nếu gặp chó thì sao?
- Không có chó ở đấy đâu, vứt đi, – Vaska thì thào, giọng không hài lòng.
Tôi vứt hòn đá và lòng dũng cảm trong tôi giảm mất đi. Tôi ra khỏi vườn, sợ sệt nhìn quanh rồi đi xuống núi, tim thót lại. Dọc hai bên sườn núi là những hố đen sì, sâu hoắm và trong mỗi hố tôi như thấy có một thằng lính Shkuro khủng khiếp với chiếc răng gãy.
“Mình sợ gì cơ chứ? – tôi nghĩ thầm rồi lại tự trả lời: – Ta chẳng sợ gì cả. Ở đây không có chó sói, mà nếu có gặp, ta sẽ…”
Có tiếng nói sau trạm bơm và tôi thấy ghê rợn một cách thực sự. Tôi quay lại phía sau và đụng phải Vaska. Cậu đi sau tôi.
- Chúng mình hãy nói là đi đến nhà cô, làm như không biết gì cả nhé, – Vaska khẽ nhắc tôi, rồi vui vẻ nói: – Bây giờ chúng mình sắp tới nhà. Cô Varya sẽ nướng bánh cho chúng mình. Ôi chà, chúng mình sẽ ăn no nhỉ, đúng không nào?
- À hà, – tôi hét to quá làm Vaska phải huých vào sườn tôi.
- Khẽ chứ.
Bắt đầu mưa lâm thâm. Những tia chớp như những thanh kiếm lửa lóe lên trên bầu trời tối đen.
Chúng tôi dò dẫm bước đi, sột soạt đôi chân không trong cỏ.
Bỗng trong bóng tối ngay cạnh chúng tôi một người nào đó động đậy, rồi một giọng đàn ông thô lỗ cất lên:
- Timofey, mày để thuốc lá cuốn đâu rồi?
- Thuốc trong áo khoác ấy. – Một người nào đó đáp lại. Im lặng một phút, chỉ có tiếng cỏ sột soạt: Có người nào đó đang đi lại chỗ chúng tôi. Rồi chúng tôi lại nghe thấy tiếng nói chuyện khẽ:
- Chỗ mày có yên tĩnh không? – Một giọng khàn khàn hỏi.
- Không nghe thấy gì cả. – Một giọng khác thô lỗ đáp lại.
- Trung tá không đi kiểm tra à?
- Chưa thấy.
Yên ắng căng thẳng tưởng như tất cả những gì trên cánh đồng cỏ đều chú ý đến chúng tôi. Rồi bỗng như tiếng sét nổ, một giọng sợ hãi vang lên trong đêm tối:
- Đứng lại, ai đi đó?
Chúng tôi im lặng.
- Tao bắn đấy, đứng dậy!
- Chúng tôi đây, – Vaska khẽ nói.
Tôi nhìn thấy cái mũ Cozak xù lông với quân hiệu trắng.
- Chúng mày là ai, đưa xem giấy! – tên lính gác hét lên dọa nạt, và ngay lúc đó phía bên có tiếng chân bước nhẹ, vội vàng.
- Kurov, ai ở đó thế?
- Bọn lỏi con, thưa ngài.
- Lỏi con nào, từ đâu tới?
Một sĩ quan khẽ bước lại gần. Trong bóng đêm tôi nhận ra thằng von Graff.
- Chúng cháu đến nhà cô Varya ở mỏ, – Vaska lắp bắp. – Cô ấy ốm. Chúng cháu đi xin của bố thí cho cô ấy.
- Cô Varya nào? – tên sĩ quan hét lên và ra lệnh cho tên lính gác. – Khám!
Tên lính giật lấy bị của Vaska bắt đầu lục soát.
- Chúng mày đi đâu? – tên sĩ quan hỏi.
- Cháu nói rồi thôi, đến cô Varya ở mỏ ạ. Hai anh em chúng cháu mồ côi, – Vaska giải thích, giọng rầu rĩ.
- Chúng mày không biết đây là trận địa bạch quân và không được qua à?
- Không ạ, – Vaska đáp.
Tên lính ưỡn thẳng người, báo cáo:
- Trong bị có bánh khô, thưa ngài.
Tên sĩ quan bấm tách cái gì đó, và ánh sáng chói lóa mắt tôi.
- Đứng lại, đứng lại… – tên von Graff vội nói, nhìn chằm chằm về phía Vaska. – Ấy nào, nhìn lại đây! – tên sĩ quan đứng thẳng người lên. – Tế, tế, – hắn dài giọng. – Thế nghĩa là đến cô Varya hả?
Chính lúc ấy, có tiếng đinh thúc ngựa kêu leng keng và một người nào đó dừng lại cạnh chúng tôi.
- Có chuyện gì đấy, ngài trung tá?
Von Graff bấm đèn pin về phía tên vừa đến và chúng tôi lạnh toát người. Trước mặt chúng tôi là thằng Genka Shatokhin.
Genka đi đến chỗ Vaska và lấy tay nâng cằm cậu.
- Ngài trung tá! – Thằng ca-đê sợ hãi kêu lên. – Thằng này là quân đỏ.
Tên ca-đê chưa kịp nói hết, Vaska đã húc đầu vào bụng nó, tên này trượt chân ngã xuống.
- Chuồn đi! – Vaska hét tôi, rồi lao vào bóng đêm.
- Bắn! – tên sĩ quan hét lên. – Bắn!
Súng nổ ầm ầm. Tôi lạnh cả sống lưng. Tôi chạy theo Vaska, nhảy qua một cái hố, ngã xuống, rồi lại đứng dậy. Ngay lúc đó sau lưng lại vang lên tiếng súng nổ xé tai thứ hai, thứ ba. Đạn rít trên đầu, tôi vẫn cứ chạy, không còn nhìn ra mình chạy hướng nào và Vaska ở đâu nữa. Không hiểu sao tôi vẫn còn nghe thấy tiếng băng đạn lẻng xẻng trong túi.
Bỗng nghe có tiếng nước vỗ rì rầm. “Sông Kalmius”, – tôi thoáng nghĩ trong đầu, rồi ngã lăn ngay xuống nước lạnh, có tiếng súng bắn ầm ầm đâu đó phía sau, có tiếng chân giậm bình bịch. Nỗi sợ hãi đẩy tôi lên phía trước.
- Lenka, cậu đâu rồi? – tôi nghe thấy giọng nói quen thuộc.
Tôi muốn trả lời mà không được. Một bàn tay vô hình trên bờ nắm áo tôi, kéo lại phía mình. Đó là Vaska. Cậu nằm trong một cái hố không sâu lắm.
- Cúi người xuống.
Tôi cúi thấp xuống.
Trời mưa. Tiếng súng máy tặc tặc phía trước. Đạn rít lên từ phía mỏ.
- Vai cháy bỏng lên, – Vaska nhăn nhó đau đớn, giơ tay lên xé áo ra. Áo cậu ướt đẫm nước mưa và có vết máu.
Vaska nằm áp mặt xuống cỏ ướt một lát rồi khó nhọc đứng dậy.
- Nào, đi thôi, – cậu nói. – Phải chuyển mệnh lệnh đến. Ta đi nhanh lên.
Bỗng phía sau vang lên hai tiếng súng liền. Vaska cong gập người lại như thể người ta đã đặt thanh sắt nung vào lưng cậu. Cậu loạng choạng, đứng sững một chút, rồi đổ ập vào người tôi.
- Cậu sao thế, Vaska, Vaska? – tôi hỏi dồn dập và chui từ dưới người cậu ra.
Hơi thở cậu ta nóng và gấp.
Mưa như trút nước xuống. Tôi nằm cuộn tròn trên cỏ ướt.
Gió thổi từ phía làng Semenovka tới, và chiếc áo ướt, dính sát vào người như đã hóa băng. Tiếng đạn rít thưa dần. Vaska nắm lấy cỏ, cố bò đi nhưng lại nhổ đứt cả cỏ, không đủ sức kéo nổi tấm thân đã trở nên nặng nề. Cuối cùng cậu khẽ nhấc đầu lên, quay khuôn mặt mắt nhắm nghiền lại tôi.
- Cậu nghĩ tớ không đứng dậy được phải không? – cậu ta bỗng hỏi, giọng hờn giận tức tối.
Tôi sợ hết vía. Tôi không còn biết phải làm gì nữa và òa khóc. Nước mắt âm ấm lăn trên má tôi.
- Cậu nghĩ tớ không đứng lên được, phải không? – cậu ta lại hỏi và đứng dậy, tay quờ quạng tìm chỗ dựa.
- Vaska, – tôi nắm lấy cánh tay nóng bỏng của cậu, – tớ sợ, Vaska.
Vaska dựa vào tôi bước đi, hai chân dạng ra.
- Ta đi nào, đừng sợ. Tớ chỉ đau ở lưng thôi. Đi đi, tớ sẽ vịn vào cậu. Giờ thì cậu đừng sợ gì hết. Phải chuyển lệnh tới, nếu không chúng sẽ giết mất quân ta.
Cậu gạt tay tôi ra, bước lên trước một bước, nhưng bị sẩy chân và ngã sấp mặt xuống, kéo cả tôi ngã theo.
- Sao thế? – tôi giật vai cậu. – Hả? – Nhưng rồi tôi không nói thêm được gì nữa. Một cục mằn mặn vướng ở cổ họng và làm tôi khó thở.
Vaska nằm im. Hình như cậu đang nhớ lại điều gì đó nhưng không sao nhớ nổi. Bỗng cậu khẽ hỏi khiến tôi sởn gai ốc:
- Cậu nghĩ tớ sẽ chết à? – rồi lại hỏi, giọng khàn khàn, nặng nhọc. – Cậu nghĩ tớ sẽ chết, phải không?
Với sự cố gắng căng thẳng kinh khủng, cậu vịn một tay vào tôi, lại đứng dậy. Đi được hai bước cậu lại ngã.
Tôi cúi xuống. Vaska không thở nữa. Tôi chưa bao giờ thấy người nào không thở cả.
Và lúc đó tôi mới hiểu rằng Vaska đã chết, rằng tôi chỉ còn lại một mình ở trên khu gò, ở cánh đồng cỏ rộng lớn này, ở cả trên toàn thế giới…
Tôi thấy xót xa cho mình và nước mắt nóng hổi tuôn trào.
Tôi đứng phắt dậy, rồi vừa khóc vừa vấp ngã, chạy thẳng tới mỏ Pastukhovska.
Rồi mọi chuyện xảy ra như trong giấc mơ. Khi chạy tới gần các ngôi nhà, có ai đó đã đuổi theo tôi mà kêu: “Đứng lại, tôi bắn!”
Sau đó người ta dẫn tôi đến người chỉ huy, chú Sirotka. Chú mặc quần đỏ dắt trong ủng, thanh kiếm lủng lẳng ở thắt lưng. Chú Sirotka nhận ra tôi, âu yếm ôm tôi trong cánh tay độc nhất, rồi tôi kể mãi cho chú nghe đã đến đây như thế nào và điều gì đã xảy ra với tôi và bạn tôi trên bờ sông Kalmius.
Khi tôi đã nín, nhưng vẫn còn nức nở, chú hỏi:
- Cháu nhắc lại lệnh được không?
Tôi nhắc lại, những gì đã nhớ được.
Từ đâu đó bỗng xuất hiện chú lính thủy Chernovol, chú Vanya và bố Abdulka – chú Hussein. Chú Sirotka nói rằng cần ra lệnh báo động:
- Các cậu ơi, lên ngựa đi!
- Lên-ên ngựa-ư-a! – Khắp nơi vang lên tiếng hô. Phương Đông bình minh đã nhuộm đỏ nửa bầu trời. Hàng ngàn kỵ binh tuốt kiếm, phi như vũ bão về phía thành phố.
Tôi vẫn còn chưa hoàn hồn. Chú thợ mỏ Petya dẫn tôi về nhà, cho tôi uống trà, rồi đưa cho tôi một cái quần rộng thùng thình, cái áo va-rơi và cái mũ kỵ binh xám đầu nhọn để thay bộ quần áo rách ướt.
- Bây giờ cháu đã là kỵ binh Hồng quân thật sự rồi. Cháu sẽ cùng làm việc với chú, chú sẽ đào tạo cháu thành người bắn súng máy.
Đến trưa tôi thấy rất nhiều quan tài mới đặt ở ngoài sân mỏ rộng rãi. Tôi nhìn vào mặt những người đã chết và bỗng thấy người mình đang tìm. Vaska chỉ nằm vừa nửa chiếc quan tài gỗ thô chưa bào và trông như còn sống. Vầng trán cao vẫn cau lại như mọi khi. Làn gió ấm của cánh đồng cỏ khẽ thổi bay mái tóc trắng lòa xòa của Vaska.
Nước mắt tự nhiên cứ trào ra, trào ra trên má tôi. Tôi nhìn khuôn mặt tái nhợt nhưng cau có và thân thuộc biết bao, nhìn đôi môi mím lại bướng bỉnh và bỗng lại nghĩ: ngay bây giờ cậu ta sẽ mở mắt ra và sẽ hỏi: “Cậu nghĩ tớ sẽ chết phải không?”
Tôi quay đi và chạy mất để khỏi phải nhìn thấy người ta sẽ chôn cất cậu ra sao…
Vaska, người bạn kiên nghị và dịu hiền của tôi đã hy sinh như thế đó, và đêm cuối cùng của cuộc đời cậu ta cũng là đêm cuối cùng của thời thơ ấu của tôi.
Cánh đồng cỏ… cánh đồng cỏ…
Cánh đồng cỏ mọc đầy ngải cứu của vùng mỏ huyền bí và giản dị, xa xôi và gần gũi đến thế.
Đã nhiều năm tôi không nhìn lại nó, nhưng ngay bây giờ, chỉ vừa nhắm mắt lại thôi là mùi hoa bán nguyệt và bách lý hương, là những bông hoa anh túc đỏ với tiếng hót của những chú chim sơn ca vô hình lại trỗi dậy rực rỡ trước mắt tôi.
Thời thơ ấu. Cánh đồng cỏ oi bức vùng Donetsk – quê hương của những cây ngải cứu đắng ngắt.
Thời thơ ấu. Ngọn khói hồng hồng của những lò lửa, những căn nhà hầm quanh co, dòng sông Kalmius bé nhỏ và cánh đồng cỏ, cánh đồng cỏ mênh mông không giới hạn…
Moskva, 1937, 1950 – 1953
Người Bạn Kiên Nghị Người Bạn Kiên Nghị - Leonid Zharikov Người Bạn Kiên Nghị