Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Chương 12
Cho dù cái giường thật thoải mái, nhưng tối hôm ấy tôi chẳng thể ngủ nổi. Có ba cuộc gọi nhỡ từ Aarti. Tôi không gọi lại. Tôi không thể. Tôi không biết phải nói gì với nàng.
Tình hình thế nào? Nàng nhắn tin cho tôi.
Tôi nhận ra rằng nàng sẽ còn hỏi cho tới khi tôi chưa nói ra điều gì đó. Tôi gọi điện cho nàng.
“Sao anh không nghe máy?” nàng hỏi.
“Anh xin lỗi, trưởng khoa đến nhà. Giờ ông ấy mới về.”
“Anh gặp Raghav chưa?” nàng sốt ruột hỏi.
“Rồi,” tôi thở dài.
“Thế nào?”
“Có người trong văn phòng với cậu ấy. Anh không đem chuyện ra nói được.”
“Gopal, em hy vọng anh nhận ra rằng khi em còn chưa chia tay anh ấy thì em đang phản bội anh ấy vì anh đấy. Có cần em nói chuyện với anh ấy không?”
“Không, không, đợi đã. Anh sẽ gặp riêng cậu ấy.”
“Em còn phải nói chuyện với bố mẹ em nữa đấy,” nàng nói.
“Về chuyện gì?”
“Em đang có ba ứng viên chờ xem mặt vào tuần tới. Tất cả đều từ các gia đình chính khách.”
“Bố mẹ em điên rồi à?” tôi phát khùng.
“Động chạm đến chuyện của con gái, tất cả các phụ huynh ở Ấn Độ đều điên,” nàng nói. “Em có thể hoãn binh với bố mẹ, nhưng không lâu được đâu.”
“Được rồi, anh sẽ giải quyết vụ này,” tôi nói.
Tôi kéo hai cái gối sát vào người.
“Thấy chưa, anh thấy chuyện gì xảy ra sau khi em cho anh chưa? Đảo vai rồi. Giờ thì con gái lại phải theo đuổi.”
“Không phải thế đâu Aarti. Cho anh hai ngày đi.”
“Được. Nếu không em sẽ tự nói với Raghav. Và nếu anh ấy có hỏi em sẽ bảo giữa chúng ta không có chuyện gì cả.”
“Ý em là gì?” tôi hỏi.
“Là em chưa bao giờ phản bội anh ấy. Bọn mình quyết định đến với nhau, nhưng chỉ là sau khi chia tay. Được không?”
“Được,” tôi nói.
Đôi khi tôi thấy con gái cứ thích phức tạp hóa cuộc sống của họ.
“Nếu không thì anh ấy sẽ suy sụp mất,” nàng kết thúc.
Tôi kết thúc cuộc gọi và nằm vật xuống giường, kiệt sức.
Mắt tôi đau vì màu trắng của quần áo của những người đến dự đám tang. Tôi nhìn mặt họ. Tôi không nhận ra ai cả.
“Đám tang ai vậy?” tôi hỏi người đàn ông đứng cạnh mình.
Chúng tôi đứng bên bậc nước. Tôi nhận thấy cái xác khá nhỏ bé. Người ta thả thẳng nó xuống nước.
“Sao họ không thiêu?” tôi hỏi. Và sau đó tôi nhận ra tại sao. Đó là một đứa bé. Tôi lại gần cái xác và lật tấm vải liệm. Đó là một cậu bé. Đeo kính râm.
“Ai giết thằng bé?” tôi thét lên nhưng không thành tiếng...
Tôi bật dậy, hét lên trần nhà trắng trong phòng ngủ và ánh đèn chói chang mà tôi quên tắt. Ba giờ sáng. Chỉ là một cơn ác mộng, tôi tự nhủ.
Tôi trằn trọc trên giường, nhưng chẳng thể nào ngủ lại được.
Tôi nghĩ tới Raghav. Cậu ta xong rồi. Tờ báo của cậu ta sẽ đóng cửa. Cậu ta sẽ thấy rằng tìm việc làm thật khó, ít nhất là ở Varanasi. Và dù cậu ta có ở đâu chăng nữa, người của Shukla vẫn có thể hãm hại cậu ta.
Tôi nghĩ tới Aarti - Aarti của tôi - lẽ sống của đời tôi. Tuần sau tôi có thể đính hôn với nàng, ba tháng nữa là đám cưới. Một năm tới, có thể tôi sẽ thành Ủy viên Hội đồng. Giấy phép thành lập trường đại học của tôi sẽ đến trong nháy mắt. Tôi có thể mở rộng sang ngành y, MBA, luyện thi, hàng không. Với mức độ quan tâm của người Ấn Độ tới giáo dục thì không gì là không thể. Quên chuyện Aarti làm tiếp viên hàng không đi, tôi có thể mua cho nàng cả cái máy bay ấy chứ. Và nếu tôi đi đúng bài, có thể tôi sẽ thăng tiến trong đảng. Tôi đã sống cô đơn quá lâu rồi. Tôi có thể lập gia đình, và có thật nhiều những đứa con xinh xắn với Aarti. Chúng sẽ lớn lên, thừa kế sự nghiệp của gia đình và đế chế chính trị. Đó là cách người ta thành tai to mặt lớn ở Ấn Độ. Tôi có thể trở thành một người có máu mặt thực sự.
Nhưng chuyện gì sẽ đến với Raghav? Cậu bé Keshav nửa sống nửa chết hỏi tôi. Anh không quan tâm, tôi nói với nó. Nếu cậu ta sa cơ lỡ bước thì đó là do sự ngu xuẩn của chính cậu ta. Nếu cậu ta thông minh thì đã hiểu ra rằng cái sự can đảm xuẩn ngốc ấy chẳng đi đến đâu. Chẳng có cuộc cách mạng nào ở cái đất nước này vào năm 2020 hết. Đến 2120 cũng chẳng có! Đây là Ấn Độ, và ở đây chẳng có điều gì thay đổi cả. Tiên sư cậu, Raghav ạ.
Nhưng Keshav vẫn chưa tha cho tôi. Anh sẽ là loại chính trị gia gì vậy hả Gopal?
“Anh không muốn trả lời em. Em làm anh sợ đấy. Thôi đi đi,” tôi nói to cho dù chẳng có ai trong phòng. Thực đấy, tôi biết mà.
Còn Aarti thì sao? Một giọng nói thầm thì trong tôi.
Ta yêu nàng!
Còn nàng thì sao? Nàng có yêu mi không?
Có, Aarti yêu ta. Nàng làm tình với ta. Nàng muốn ta làm chồng nàng. Tôi gào lên trong đầu cho đến đau nhức.
Nhưng nàng có yêu mi nữa không nếu nàng biết mi thực sự là ai? Một thằng khốn kiếp sa ngã, quỷ quyệt à?
“Ta làm việc chăm chỉ. Ta là một người đàn ông thành đạt,” tôi lại nói to, giọng tôi làm chính tôi giật mình.
Nhưng mi có phải người tốt không?
Đồng hồ chỉ năm giờ sáng. Bên ngoài kia ngày đã bắt đầu.
Tôi ra đi bộ quanh khuôn viên trường. Đầu óc tôi bình tĩnh lại một chút trong không khí trong lành buổi sáng. Những con chim nhỏ ríu rít trên những cành cây ướt sương đêm. Chúng chẳng quan tâm đến tiền bạc, xe Mẹc hay nhà vườn. Chúng hát ca vì chúng muốn. Và điều đó thật là đẹp. Lần đầu tiên tôi cảm thấy tự hào vì cây cối và chim chóc trong khuôn viên trường.
Tôi nhận ra tại sao Keshav cứ trở đi trở lại trong đầu tôi. Ngày xửa ngày xưa - tôi đã từng là Keshav, ngây thơ và không hiểu chuyện đời. Cuộc sống đã tát vào mặt tôi nhiều cú, hất văng sự ngây thơ ra khỏi tôi, tôi đã giết chết Keshav của mình, vì thế giới này chẳng quan tâm tới sự ngây thơ. Vậy tại sao tôi lại không nghiền nát Raghav hoàn toàn ngày hôm qua? Có thể vì thằng bé Keshav đó vẫn chưa chết, tôi tự nhủ. Có thể cái phần tốt đẹp, ngây thơ trong chúng ta chẳng bao giờ chết cả - chúng ta chỉ giẫm lên nó một lúc thôi.
Tôi nhìn trời, hy vọng nhận được chỉ dẫn từ trên cao kia - từ ông trời, mẹ hay bố tôi. Nước mắt chảy thành dòng trên mặt tôi. Tôi nức nở. Tôi ngồi xuống một gốc cây và khóc cả giờ đồng hồ. Đơn giản vậy thôi.
Đôi khi cuộc đời không phải là những gì ta muốn làm mà là những gì ta cần phải làm.
Ngài Shukla đang ăn táo ngoài hiên nhà tù. Một gác ngục ngồi cạnh, gọt vỏ và cắt.
“Gopal, con trai ta. Lại đây, lại đây nào,” ngài Shukla nói. Ông ta mặc một bộ pijama trắng hồ giòn đang tỏa sáng dưới ánh nắng.
Tôi ngồi xuống sàn nhà. “Tôi muốn nhờ ông một chuyện nhỏ,” tôi nói.
“Đương nhiên rồi,” ông ta nói.
Tôi nhìn người gác ngục.
“Ồ, cậu ta ấy à? Cậu ta là Dhiraj, người quê tôi. Dhiraj, ta cần nói chuyện với con trai.”
Người gác ngục đi ra.
“Tôi vừa bảo cậu ta là sẽ giúp cậu ta được thăng tiến,” ngài Shukla cười nói.
“Tôi muốn nhờ một việc hơi khác thường,” tôi nói.
“Gì cũng được, OK?”
“Ngài Shukla, ông có thể giúp tôi gọi... mấy em được không? Cách đây lâu lâu ông có nhắc đến họ.”
Ngài Shukla cười sằng sặc, trào cả nước táo ra mép.
“Tôi nghiêm túc mà,” tôi nói.
“Cậu bé của ta lớn rồi đây. Vậy là cậu muốn gái?”
“Không phải cho tôi.”
Ngài shukla vỗ đầu gối tôi và nháy mắt đầy âm mưu. “Tất nhiên là không rồi. Nói ta nghe cậu bao nhiêu tuổi rồi?”
“Tuần sau tôi sang tuổi hai tư,” tôi nói.
“Ồ, sắp đến sinh nhật cậu rồi à?” ông ta nói.
“Vâng, ngày mười một tháng Mười một.”
“Quá hay. Cậu đủ lớn rồi. Đừng ngượng,” ông ta nói, “chúng ta ai cũng làm chuyện ấy cả.”
“Thưa ông, đấy là cho đoàn thanh tra. Tuần sau họ sẽ tới,” tôi nói. “Tôi muốn tăng phí. Còn họ thì nắm quyết định.”
Ông ta nhăn mặt. “Phong bì không được à?”
“Mấy tay thanh tra này thích gái. Tôi được thông báo từ các trường tư khác ở Kanpur.”
“Ồ, được rồi,” ngài Shukla nói. Ông ta lấy từ một cái túi bí mật trong bộ pijama ra chiếc điện thoại di động. Ông ta lướt danh bạ rồi cho tôi một số điện thoại.
“Tên nó là Vinod. Gọi cho nó và bảo tôi giới thiệu. Cho nó biết nhu cầu của cậu. Nó sẽ tìm được. Khi nào thì cậu cần đến bọn họ?”
“Tôi vẫn chưa biết được ngày chính xác,” tôi nói và chuẩn bị đứng lên.
“Chờ đã,” ngài Shukla kéo tay tôi ngồi xuống. “Cậu cũng hưởng tí đi. Sau khi lập gia đình sẽ khó hơn đấy. Vui vẻ trước đi.”
Tôi cười ngơ ngẩn.
“Chuyện với con gái Chánh án thế nào?”
“Tốt,” tôi đáp. Tôi muốn đả động tới chủ đề này càng ít càng tốt.
“Cậu sẽ hỏi thẳng bố mẹ con bé chứ? Hay lại cho con bé tí yêu đương vớ vẩn?”
“Tôi vẫn chưa nghĩ tới chuyện ấy,” tôi nói. “Tôi phải đi đây, ngài Shukla. Ngày hôm nay có cuộc họp với khách hàng.”
Ngài Shukla nhận ra là tôi không muốn chuyện phiếm. Ông ta tiễn tôi ra tới cửa nhà tù.
“Có thể cuộc đời sẽ không cho ta một cơ hội hai lần đâu,” ông ta nói khi chào tôi.
Cánh cửa sắt sập lại giữa hai chúng tôi.
38
Tờ lịch báo ngày mồng mười tháng Mười một - ngày cuối cùng tôi hai mươi ba tuổi. Tôi dành cả buổi sáng ở bàn làm việc. Đoàn đại diện sinh viên đến gặp tôi. Họ muốn tổ chức một lễ hội của trường. Tôi nói rằng họ có thể làm nếu như tìm được tài trợ. Sau cuộc gặp sinh viên tôi phải xử lý một vụ khủng hoảng. Hai lớp học bị ngấm nước vào tường. Tôi phải quát tháo nhà thầu cả tiếng đồng hồ hắn mới cử người đến sửa chữa.
Hộp cơm trưa của tôi được đưa từ nhà đến. Tôi ăn đậu bắp, xúp đậu lăng và rô ti. Trong lúc ăn tôi gọi cho Aarti nhưng nàng không nhấc máy. Sau bữa trưa tôi có mấy cuộc họp liền nhau. Khi đó thì tôi sẽ không thể gọi cho nàng được. Tôi quay số của nàng lần nữa.
“Xin chào,” một giọng nữ không quen vang lên.
“Ai vậy?” tôi nói.
“Là Bela, đồng nghiệp của Aarti bên Quan hệ khách hàng. Anh là Gopal phải không? Em nhìn thấy tên anh hiện lên,” cô ta nói.
“Phải rồi. Cô ấy có đấy không?”
“Cô ấy đi chăm sóc khách hàng rồi. Em bảo cô ấy gọi lại sau nhé?”
“Phải rồi, giúp tôi nhé,” tôi nói.
“À, chúc mừng sinh nhật anh sớm nhé,” cô ta nói.
“Sao cô biết?” tôi hỏi.
“À, thấy cô ấy chuẩn bị quà cho anh vất vả lắm... thôi chết!”
“Sao?”
“Có lẽ em không được nói với anh đâu,” Bela nói. “Ý em là, đấy sẽ là một sự bất ngờ. Cô ấy đang chuẩn bị quà sinh nhật cho anh. Đẹp lắm ấy. Cô ấy còn đặt cả bánh nữa... Nghe này, cô ấy giết em mất nếu biết em nói với anh.”
“Không sao, tôi sẽ không nói với cô ấy đâu. Nhưng nếu cô nói với tôi thì tôi cũng sẽ có thể chuẩn bị thứ gì đó cho cô ấy.”
“Gớm, anh chị ngọt ngào quá đi mất. Bạn học phổ thông à?” cô ta hỏi.
“Phải rồi, thế kế hoạch là gì nào?”
“À, cô ấy sẽ bảo anh là không đến sinh nhật anh được. Anh sẽ dỗi nhưng cô ấy sẽ bảo là phải đi làm. Thế nhưng sau giờ làm thì cô ấy sẽ đến nhà anh, đem theo bánh và quà.”
“May mà cô nói với tôi. Khi đó tôi sẽ ở nhà chứ không họp hành gì nữa,” tôi nói.
“Ngày sinh nhật anh cũng làm việc à?” cô ta hỏi.
“Lúc nào tôi cũng làm việc cả,” tôi nói. “Cô ấy về chưa?”
“Vẫn chưa, em sẽ bảo cô ấy gọi cho anh. Nhưng anh đừng có nói gì nhé. Cứ coi như anh không biết gì hết.”
“Chắc chắn rồi,” tôi nói và kết thúc cuộc gọi.
Đến lúc rồi. Tôi gọi cho Vinod.
“Vinod phải không?” tôi hỏi.
“Ai vậy?” anh ta hỏi.
“Là Gopal. Tôi làm với Ủy viên Hội đồng Shukla,” tôi giới thiệu.
“Ồ, có chuyện gì?” anh ta hỏi.
“Tôi muốn gọi vài em,” tôi nói.
Anh ta cúp điện thoại. Tôi gọi lại nhưng anh ta không nhấc máy. Tôi để điện thoại bên cạnh.
Sau mười phút tôi nhận được cuộc gọi từ một số cố định lạ.
“Vinod đây. Anh muốn gọi gái à?”
“Phải,” tôi nói.
“Qua đêm hay tàu nhanh?”
“Sao cơ?” tôi hỏi lại. “Chiều. Một buổi chiều.”
“Chúng tôi có giảm giá cho buổi chiều. Bao nhiêu em?”
“Một thôi chứ?” tôi nghi hoặc.
“Lấy hai đi. Sẽ có giá tốt. Giảm nửa giá cho em kia.”
“Một là được rồi.”
“Tôi sẽ bảo hai em đến. Nếu anh muốn hai thì lấy cả. Không thì chọn một.”
“Xong. Bao nhiêu?”
“Anh muốn gái kiểu nào?”
Tôi không biết anh ta có những kiểu nào. Tôi chưa bao giờ “đặt” gái gú thế này cả. Anh ta có thực đơn không vậy nhỉ?
“D... dễ thương tí có không?” tôi nói, hoàn toàn a ma tơ.
“Nói tiếng Anh? Mặc đồ jean?” anh ta gợi ý.
“Được,” tôi nói.
“Ấn, Nepal hay da trắng?” anh ta hỏi. Varanasi nằm không xa biên giới Nepal.
“Anh có gái da trắng à?” tôi hỏi.
“Đây là thành phố du lịch. Có vài em ở lại làm việc. Khó tìm đấy, nhưng bọn tôi tìm được.”
“Đưa đến cho tôi mấy em Ấn Độ trông được được. Kiểu không thu hút quá nhiều chú ý trong một trường cao đẳng.”
“Trường cao đẳng?” Vinod hỏi, bị sốc. “Bọn tôi thường dùng khách sạn.”
“Tôi là giám đốc trường. Không sao đâu.”
Vinod đồng ý sau khi tôi nói với anh ta trường Ganga và cho anh ta biết cách đưa các cô gái đến nhà riêng của giám đốc.
“Vậy khi nào anh cần họ đến?”
“Từ hai giờ chiều trở đi, cả buổi chiều, đến sáu giờ,” tôi nói.
“Hai mươi ngàn,” anh ta nói.
“Anh điên à?” tôi nói.
“Vì có ngài Shukla giới thiệu. Tôi tính người nước ngoài giá gấp đôi cho một em.”
“Mười.”
“Mười lăm.”
Tôi nghe tiếng gõ cửa.
“Xong. Hai giờ chiều mai. Trường Ganga trên xa lộ Lucknow,” tôi thì thầm và kết thúc cuộc gọi.
“Họp giáo viên,” Shrivastava nói từ cửa.
“Ồ, tất nhiên rồi,” tôi nói. “Xin mời vào, trưởng khoa.”
Tôi sai người làm công kê thêm ghế cho hai mươi giảng viên của chúng tôi.
“Sinh viên nói với tôi ngày mai là sinh nhật anh, Giám đốc Gopal,” trưởng khoa nói. Đội giảng viên ngất ngây. Làm sếp thật vui. Mọi người ai cũng xoắn cả vào mình.
“Chỉ là một ngày bình thường khác thôi mà,” tôi nói.
“Sinh viên muốn cắt bánh cho anh,” trưởng khoa nói.
“Làm ơn đừng. Tôi không thể,” tôi nói. Ý nghĩ phải cắt bánh trước mặt hai trăm con người làm tôi thấy khó xử.
“Làm ơn đi, thưa ngài,” Jayant, một giảng viên trẻ nói. “Sinh viên kính trọng anh. Điều đó rất có ý nghĩa với họ.”
Tôi tự hỏi liệu sinh viên có còn tìm kiếm tôi nữa hay không nếu họ biết đến những yêu cầu của tôi với Vinod.
“Họ đã đặt cái bánh nặng cả yến rồi, thưa anh,” Shrivastava nói.
“Làm nhanh thôi nhé,” tôi nói.
“Mười phút, sau khi tan học lúc một giờ,” trưởng khoa nói.
Cuộc họp giảng viên bắt đầu. Mọi người cập nhật cho tôi về tiến độ khóa học của họ.
“Chúng ta cần tìm vị trí tuyển dụng ngay từ giờ. Cho dù hai năm nữa khóa đầu của chúng ta mới tốt nghiệp.”
“Jayant là điều phối viên tuyển dụng,” trưởng khoa nói.
“Thưa ông, tôi đã đến gặp các công ty,” Jayant nói.
“Phản ứng thế nào?” tôi hỏi.
“Chúng ta là trường mới nên cũng khó khăn. Vài nhân viên quản lý nhân lực muốn biết phần của họ thế nào,” Jayant nói.
“Giám đốc Gopal, như anh đã biết...” trưởng khoa bắt đầu nói nhưng tôi ngắt lời ông ta.
“Nhân viên quản lý nhân lực muốn có phần nếu họ tuyển sinh viên từ trường chúng ta, đúng vậy không?” tôi hỏi.
“Đúng vậy, thưa ông,” Jayant nói.
Mọi khía cạnh của việc điều hành một trường cao đẳng tư thục đều liên quan đến việc phải hối lộ một ai đó. Vậy làm sao mà tuyển dụng sinh viên lại là ngoại lệ được? Nhưng tất cả mọi người trông đều có vẻ ngạc nhiên.
“Chi cá nhân à?” cô Awasthi, giáo sư kỹ thuật cơ khí, há hốc.
Jayant gật đầu.
“Nhưng họ là cán bộ quản lý của các công ty có uy tín kia mà,” cô nói, vẫn còn sốc.
“Cô Awasthi, đây không phải chuyên môn của cô. Tốt nhất cô nên cập nhật cho tôi về cơ khí ứng dụng, môn của cô đi,” tôi nói.
Người giúp việc nấu một bữa tối thịnh soạn với rô ti, cà ri và xúp. Tôi không động đũa. Tôi nằm trên giường xem điện thoại. Aarti vẫn chưa trả lời điện thoại của tôi. Tuy nhiên, tôi không gọi cho nàng.
Tôi nghĩ đến kế hoạch của mình lần nữa.
Đến nửa đêm Aarti gọi cho tôi.
“Chúc mừng sinh nhật,” Aarti hát ở đầu dây bên kia.
“Chào Aarti,” tôi nói nhưng nàng không nghe.
“Chúc mừng sinh nhật,” nàng tiếp tục hát, giọng lên cao, “chúc mừng sinh nhật anh, Gopal. Chúc mừng sinh nhật.”
“Được rồi, được rồi, mình có còn là trẻ con nữa đâu.”
Nàng tiếp tục hát.
“Chúc mừng sinh nhật anh. Anh sinh trong vườn bách thú, có cả lũ khỉ voi ở đấy, chúng giống hệt như anh,” nàng nói. Nàng hát như từng hát chúc mừng tôi thời tiểu học.
Sến hết cỡ nhưng lại khiến tôi khóc vì sung sướng. Không thể tin được là tôi lại lên cái kế hoạch kia.
“Có người đang rất hạnh phúc,” tôi nói.
“Tất nhiên rồi, là sinh nhật anh mà. Chính vì thế mà em không gọi điện hay nhắn tin cho anh cả ngày nay.”
“Ồ,” tôi nói.
“Ồ cái gì? Anh cũng chẳng buồn nhận ra nữa, phải không?” giọng nàng có vẻ tức giận.
“Tất nhiên là anh nhận ra chứ. Cả nhân viên của anh còn băn khoăn không hiểu sao điện thoại của anh lại không bíp bíp cả ngày trong văn phòng.”
Tôi ra khỏi giường và bật đèn.
“Sao cũng được, em đã suy nghĩ rất nhiều không biết phải tặng anh, người có tất cả, thứ gì đây.”
“Rồi sao?”
“Em chịu.”
“Ồ, thế cũng được. Anh chẳng muốn thứ gì cả.”
“Có thể em sẽ mua gì đấy cho anh khi bọn mình gặp nhau chăng,” nàng nói.
“Khi nào thì mình gặp nhau?” tôi nói, cho dù Bela đã tiết lộ cho tôi kế hoạch của nàng.
“Anh biết không, ngày mai thì hơi khó, em phải làm hai ca.”
“Em không gặp anh vào ngày sinh nhật của anh à?”
“Làm sao được đây?” nàng nói. “Một nửa nhân viên lễ tân đều vắng mặt. Mùa đông rồi và ai cũng xin phép nghỉ vì bị sốt vi rút.”
“Được rồi,” tôi nói. Tôi phải nói là nàng đóng kịch khá tốt. Tôi gần như tin nàng.
“Chúc mừng sinh nhật anh lần nữa, tạm biệt nhé!”
Vài tin nhắn chúc mừng sinh nhật xuất hiện trong hộp thư đến của tôi. Chúng đến từ các nhà thầu, thanh tra và những nhân viên chính phủ mà tôi đã từng làm vui lòng trong quá khứ. Tin nhắn riêng tư duy nhất khác là từ ngài Shukla, ông ta gọi điện cho tôi.
“Chúc cậu sống lâu,” ông ta nói.
“Cảm ơn, ông vẫn nhớ à?” tôi trả lời.
“Cậu như con trai tôi mà,” ông ta nói.
“Cảm ơn ngài Shukla, và chúc ngủ ngon,” tôi nói.
Tôi tắt đèn. Tôi cố gắng ngủ trước ngày mai trọng đại.