Cái tốt đẹp nhất trong mọi cái là việc học. Tiền có thể bị mất, sức khỏe và sức mạnh có thể bị mất, nhưng những gì trong đầu bạn thì là của bạn mãi mãi.

Louis L’Amour

 
 
 
 
 
Tác giả: Italo Calvino
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1590 / 33
Cập nhật: 2017-08-04 14:04:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ậy là, nhờ cuộc tương giao với tay cướp, Cosimo có được niềm đam mê bất tận trong việc đọc sách và học tập, điều sau đó đã làm bạn với anh suốt đời. Lúc này, cử chỉ thường thấy của anh là: quyển sách giở trên tay, thoải mái cưỡi trên một cành cây, hoặc ngồi tựa vào một chạc cây, như trên một băng ghế nhà trường, trang giấy đặt trên bàn học, lọ mực trong một hốc cây, hí hoáy viết bằng cọng lông ngỗng dài.
Giờ đây, chính anh tìm tới thầy Trùm CắtTiệtHoa để được học bài; nghe thầy ta giảng về Tacitus23, về Ovid24, về các thiên thể hoặc các công thức hóa học, song vị thầy Trùm già, ngoài một ít văn phạm, một ít thần học, thì ngụp lặn trong một biển hồ nghi và lỗ hổng; thế rồi, trước những câu hỏi của cậu học trò, thì thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời.
– Monsieur l’ Abbé!25 ở xứ Ba Tư người ta có thể cưới bao nhiêu vợ? Monsieur l’ Abbé! Ai là cha Sở xứ Savoie vậy? Monsieur l’ Abbé! Thầy có thể giảng về cái hệ thống Linnaeus được không ạ?
– Alors… Voyons… Maintenant…26 Thầy Trùm bắt đầu, rồi thầy ấp a ấp úng, và dừng tại đó.
Nhưng Cosimo – kẻ ngốn đủ loại sách vở, dùng nửa thời gian đọc, nửa còn lại đi săn, để thanh toán chi phí cho lão Orbecche buôn sách – luôn có vài câu chuyện mới để kể. Từ chuyện Rousseau vừa đi dạo vừa nghiên cứu thực vật trong các khu rừng ở Thụy Sĩ, hoặc chuyện Benjamin Franklin hút sấm sét bằng những cánh diều, cho đến chuyện Nam tước xứ Hontan vui sướng chung sống với người Da đỏ châu Mỹ.
Vị thầy Trùm già dỏng tai nghe các câu chuyện này với một sự tập trung đáng kinh ngạc, tôi không biết có phải đó là mối quan tâm thực sự, hay chỉ là sự nhẹ nhõm vì mình không phải giảng dạy; thầy chuẩn y, thầy phụ họa bằng câu: “Non! Dites-le moi!”27– khi Cosimo quay sang thầy hỏi: “Thầy có biết là…?” -, hoặc bằng câu: “Tiens! Mais c’est épatant!”28; và khi Cosimo trả lời, thì thầy đôi lúc: “Mon Dieu!”29, những câu nói vừa có thể là sự cực lực tán dương những tính cách cao cả mới hướng về Chúa mà vào giây phút đó ngài phát lộ, cũng vừa có thể là một niềm ân hận trước cái sức mạnh tuyệt đối của điều Ác, vốn bằng mọi vẻ, tuyệt đối thống trị thế giới.
Hồi ấy tôi thì quá nhỏ, còn Cosimo thì chỉ có bạn bè thuộc lớp người thất học, cho nên nhu cầu bình luận về các phát hiện trong sách vở đang đọc, được anh bộc lộ với vị gia sư, chôn vùi ông ta với những câu hỏi và sự giải thích. Thầy Trùm, bạn biết đấy, có một thiên hướng dung phục và xuề xòa, bắt nguồn từ một lương tâm bề trên, coi mọi sự là phù phiếm; và Cosimo đã khai thác điều này. Thế là cái quan hệ thầy-trò giữa hai người bị đảo ngược: Cosimo làm thầy và thầy Trùm làm trò. Và anh tôi có nhiều thẩm quyền đến mức hút được cái lão già run rẩy đi cùng với anh trong những chuyến hành hương trên cây. Anh bắt thầy trải qua suốt buổi chiều với đôi ống quyển còm nhom đung đưa trên cành cây dẻ Ấn Độ trong vườn nhà SóngVỗBờ, lặng ngắm cây cối hiếm quý, ánh hoàng hôn chiếu rọi trên các vòi nước hình nữ thần, tranh luận về những nền quân chủ và những nền cộng hòa, về công lý, về chân lý của những tôn giáo, về những nghi lễ Trung Hoa, về trận động đất ở Lisbon, về chai Leyden, về thuyết duy cảm.
Tới giờ tôi học tiếng Hy Lạp, mà vị gia sư thì biệt tăm. Toàn thể gia đình được báo động, mọi người sục sạo khắp vùng thôn dã tìm thầy Trùm, thậm chí dùng cả que dò ao hồ, vì ngại rằng, do lơ đãng, thầy có thể bị ngã xuống đó chết đuối. Buổi tối, thầy mò về, than thở về một cơn đau lưng, do bị ngồi hàng giờ trong tư thế không thoải mái.
Song cần nhắc lại rằng, ở vị thầy tu già mang tính cách Giăng-xê-nít này, cái trạng thái chấp nhận thụ động trước mọi sự được xen kẽ với những giây phút tái nối niềm đam mê ban đầu của thầy dành cho tính nghiêm khắc tâm linh. Thế rồi, nếu vào những lúc lãng đãng và cho xuôi, thầy đón nhận mọi ý tưởng mới lạ hoặc phóng khoáng mà không hề phản kháng – chẳng hạn: con người bình đẳng trước pháp luật, các dân tộc hoang dã thì chân thật, thói mê tín dị đoan có tác động tai hại – thì mười lăm phút sau, dưới cuộc tấn kích của một xung lực khắc khổ và tuyệt đối, thầy đã nhập vào trong những ý tưởng mà mình đã chấp nhận một cách hết sức nhẹ nhõm trước đó, và mang vào đó toàn bộ cái nhu cầu về tính nhất quán và tính nghiêm ngặt đạo đức của mình. Lúc ấy trên môi thầy, nghĩa vụ của một công dân tự do và bình đẳng, hoặc đức hạnh của một người theo tôn giáo tự nhiên trở nên những quy tắc của một phương pháp rèn luyện khắc nghiệt, những điều khoản của một thứ đức tin cuồng tín, bên ngoài những điều ấy, thầy chỉ thấy một cảnh tượng đen tối hủ hóa, và tất cả các triết gia mới đều lên án điều ác quá nhẹ tay và hời hợt, rồi con đường dẫn tới sự hoàn hảo, dù cam go trắc trở, không cho phép sự thỏa hiệp hoặc sự nửa chừng.
Trước những cơn bộc phát đột ngột này của thầy Trùm, Cosimo không dám nêu thêm một lời, anh sợ bị thầy chỉ trích là mình không nhất quán, không chặt chẽ, và cái thế giới sum suê mà anh nỗ lực khơi gợi trong ý nghĩ tự khô cằn trước mắt y như một nghĩa địa cẩm thạch. May là thầy mau mệt khi căng thẳng ý chí, thầy đờ người, như thể việc lóc đi mọi khái niệm để còn lại cái thực chất thuần túy đã phó mặc thầy cho chiếc bóng đang tan và mơ hồ: thầy chớp mắt, thầy thở dài, cú thở dài chuyển sang cú ngáp, và thầy nhập trở lại vào cái cõi “nát bàn” của thầy.
Song bên cạnh hai tâm trạng ấy, lúc này thầy dành cả ngày để theo dõi các môn Cosimo đang học, thầy đảo lượn qua lại giữa những ngọn cây anh đang ở trên và cửa hiệu của lão Orbecche để nhờ lão đặt mua giùm anh những bộ sách từ những cửa hiệu ở Amsterdam hay ở Paris, và để nhận các bộ sách mới tới. Và như thế, thầy đã tự lót đường cho cuộc thất sủng của mình. Bởi cái tiếng đồn ở xứ BóngRâm có một vị linh mục đã cập nhật tất cả những ấn phẩm bị cấm đoán nhất ở châu Âu đã vang tới tận Tòa án giáo hội. Một buổi chiều, những viên đốc hiệu kéo tới trang viên nhà chúng tôi để khám xét căn phòng nhỏ của thầy. Giữa những quyển kinh của thầy họ tìm thấy một số tác phẩm của Bayle30, vẫn chưa rọc, song như thế cũng đủ để họ bắt và giải thầy đi cùng với họ.
Đó là một cảnh tượng khá buồn, trong một buổi chiều nhiều mây; tôi nhớ, từ gian phòng của mình, qua khung cửa sổ, tôi đã nhìn thấy thầy sững sờ như thế nào, và tôi đã ngưng không chia động từ tiếng Hy Lạp, bởi những buổi học không còn nữa. Linh mục già CắtTiệtHoa bị điệu đi trên con lộ, giữa những viên đốc hiệu giắt vũ khí, thầy ngước mắt nhìn lên cây cối, có lúc đã bật ra một cú nguẩy như thể chực chạy về phía một cây sồi và trèo lên, song chân thầy lại rã rời. Buổi hôm đó, Cosimo đang đi săn trong rừng, anh không hề biết gì; thậm chí hai thầy trò còn không chào từ biệt nhau.
Chúng tôi không thể làm gì để cứu thầy. Bố đóng cửa trong phòng, không muốn đụng đến thức ăn, bố sợ mình bị đầu độc bởi các thầy tu dòng Tên. Thầy Trùm trải qua những tháng ngày cuối đời giữa nhà ngục và tu viện, liên tục tỏ vẻ chối đạo. Thầy qua đời mà không hiểu, sau trọn một đời người đã dành cho đức tin, mình phải tin vào đâu, song vẫn nỗ lực dứt khoát tin cho tới phút cuối cùng.
Tuy nhiên, việc thầy Trùm bị bắt không gây ra bất kỳ một giảm sút nào cho sự tiến bộ của Cosimo trong việc học. Và cũng trong thời kỳ ấy, Cosimo bắt đầu trao đổi thư từ với các triết gia và những nhà khoa học lớn ở châu Âu, anh nhờ họ giải đáp hộ mình những câu hỏi, những lý lẽ bác bẻ, cũng như đơn giản chỉ vì niềm thú vị được thảo luận với những đầu óc đẳng cấp nhất, và cùng lúc, được thực hành ngoại ngữ. Tiếc rằng toàn bộ thư từ, được anh cất trong các hốc cây mà chỉ một mình anh biết, chưa bao giờ được tìm ra, và hẳn là chúng cuối cùng đã bị sóc gặm hoặc bị mốc; hẳn trong đó sẽ có các bức thư với di bút của các nhà bác học nổi tiếng nhất của thế kỷ.
Để cất giữ sách vở, nhiều lần, Cosimo đã chế tạo ra các dàn thư viện treo, khuất mưa và tránh thú gặm nhấm bằng mọi cách có thể. Anh liên tục dời chỗ sách vở, tùy theo môn học và thú thưởng thức của mình lúc ấy; anh coi sách vở có phần giống như chim chóc, không muốn thấy chúng nằm bất động hoặc bị nhốt trong lồng; anh bảo nếu thế thì chúng buồn lắm. Trên một cái kệ đồ sộ nhất trong các kệ sách treo trên không trung ấy, anh sắp những quyển của bộ Bách khoa Toàn thư của Diderot và d’Alembert, được gửi dần tới từ một người buôn sách ở Livorno. Nếu trong khoảng thời gian trước đó, cùng với nỗ lực sống giữa sách vở, đầu óc anh đã có phần lơ lửng trên mây, ngày càng bớt quan tâm đến thế giới xung quanh, thì lúc này, trái lại, việc đọc Bách khoa Toàn thư, một số mục từ cực hay như Ong, Cây, Rừng, Vườn đã giúp anh tái phát hiện các sự vật xung quanh trong một ánh sáng hoàn toàn mới. Trong những quyển sách anh đặt, bắt đầu xuất hiện ngay cả các quyển chuyên luận về nghệ thuật và về các ngành nghề, nghề trồng cây chẳng hạn, và anh nôn nao muốn thử nghiệm các kiến thức mới.
Cosimo luôn thích ngắm mọi người làm việc, nhưng cho tới lúc này, cuộc sống trên cây, những dời chuyển, những chuyến đi săn của anh lúc nào cũng tương ứng với những cơn động hớn riêng rẽ và không có lý giải, như thể của một chú chim non. Giờ thì anh có cái nhu cầu làm điều có ích cho đồng loại. Và ngay cả điều này, nếu xét kỹ, cũng là điều mà anh đã học được trong cuộc tương giao với tay cướp; niềm vui là mình có ích, là mình đang tiến hành một nghĩa vụ thiết yếu cho người khác.
Anh học nghệ thuật tỉa hình cho cây, anh tặng các công trình của mình cho các nhà nông trồng cây ăn quả; vào mùa đông, khi cây cối chìa ra những mê cung cành nhánh bất quy tắc, và dường như chỉ mong được quy rút vào các hình thể gọn đều để mà được hoa, lá, quả trùm phủ. Cosimo tỉa hình giỏi và ra giá rất rẻ: cho nên không người tiểu nông hoặc lĩnh canh nào là không nhờ anh ghé qua; và người ta trông thấy anh, trong không khí trong như pha lê của những buổi sớm mai ấy, dang chân đứng trên những cành cây trơ trụi dưới thấp, khăn quàng cổ quấn cao tận tai, xỉa kéo cắt dzắc! dzắc!, những cú cắt chắc lẻm hất tung cành nhánh phụ và mũi chĩa. Nghệ thuật này cũng được anh vận dụng trong các khu vườn cho các loại cây trồng làm bóng mát và để trang trí, với một cái cưa ngắn. Trong rừng, nơi những chiếc rìu bổ củi chỉ tốt cho việc hối hả những nhát bổ lộn xộn vào gốc một thân cây trăm tuổi để đốn ngã cả ngọn, thì anh tìm cách thay nó bằng một chiếc rìu nhỏ gọn nhẹ của anh, chỉ tiến hành trên những bệ cành và trên ngọn.
Tóm lại, tình yêu của anh với nguyên tố cây cối, như mọi tình yêu đích thực, đã làm anh biết trở nên, ngay cả khắc nghiệt và đau lòng, gây thương tích và cắt xẻo để giúp tăng trưởng và tạo hình thể. Tất nhiên, trong lúc tỉa hình và phát quang, anh luôn dựa vào việc phục vụ không chỉ mối quan tâm của người chủ cây mà còn phục vụ mối quan tâm của mình, kẻ rong ruổi hành hương cần biến các tuyến đường của mình trở nên dễ thao tác hơn; thế nên, anh tiến hành theo phương thức luôn trừ ra những cành nhánh phục vụ như một cầu nối giữa cây này và cây kia, và sao cho chúng nhận được sức đỡ khi đè áp lên các cành nhánh bên kia. Thế là, thiên nhiên của xứ BóngRâm nơi anh đã tìm được nhiều điều phúc lành, với nghệ thuật của mình, anh càng khiến nó ưu ái hơn; cùng lúc anh là một người bạn của đồng loại, của thiên nhiên, và của chính mình. Và đặc biệt, nhờ sự vận dụng khôn ngoan này mà về sau hình thể của cây cối đã bù đắp lại cho thể lực suy giảm của anh. Thế rồi, chỉ cần xuất hiện một thế hệ vô lối, tham lam thiển cận, những kẻ chẳng là bạn của ai, ngay cả với chính mình, là toàn bộ đã đổi khác, chẳng Cosimo nào có thể khoan thai đi trên cây nữa.
Nam Tước Trên Cây Nam Tước Trên Cây - Italo Calvino Nam Tước Trên Cây