Số lần đọc/download: 3521 / 29
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 13 - Ký Sinh Trên Thân Cây Lớn
T
háng 5 năm 617, Lý Uyên - quan trấn thủ tỉnh Thái Nguyên của triều Tùy, vẫn đang giấu tài chợt thấy thời cơ đã chín liền khởi binh phản Tùy không chút do dự.
Khi đó ở Đông, Tây bộ lạc Đột Quyết đều đang rất mạnh, Thái Nguyên lại là nơi quân Đột Quyết thường xuyên qua lại. Để giải quyết mối lo này, Lý Uyên đã đích thân viết một lá thư cho bộ lạc Đột Quyết để cầu hòa với một giọng điệu vô cùng khúm núm, đồng thời mang tặng lễ vật hậu hĩnh với hy vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ. Khả hãn của bộ lạc Đột Quyết là Thủy Tất trả lời rằng: Lý Uyên phải tự mình lập ngôi Thiên tử thì người Đột Quyết mới cho binh mã tới viện trợ.
Biết một bộ lạc hùng mạnh như Đột Quyết cũng mong muốn Lý Uyên trở thành Thiên tử, tất cả các thuộc hạ tướng sĩ kể các văn thần mưu sĩ đều hoan hô nhiệt liệt, ai nấy đều khuyên Lý Uyên cần nhanh chóng lên ngôi hoàng đế. Lý Uyên lúc đó cũng đang mơ đến ngôi vị hoàng đế nhưng ông ta lại im lặng một cách khó hiểu và suy nghĩ một cách đăm chiêu.
Phong trào khởi nghĩa nông dân lan tràn khắp cả nước hầu hết bọn họ đều nêu cao ngọn cờ chính trị nhằm lật đổ triều Tùy khiến cho bách tính nghèo khổ của hôn quân Tùy Dạng Đế nô nức tình nguyện tham gia, thanh thế của quân khởi nghĩa ngày càng mạnh. Lý Uyên đương nhiên cũng muốn lật đổ ngay nhà Tùy, nhưng ông ta nghĩ, ông ta vẫn chưa phải là người của quân khởi nghĩa nông dân, bởi vì thế lực mà ông ta đang dựa dẫm là tầng lớp quý tộc, quan lại hào cường mới nổi danh. Hai thế lực này hoàn toàn khác nhau. Tầng lớp quý tộc có một ý thức "trung quân" sâu sắc, họ chỉ phản đối một ông vua và chỉ mong muốn thay "bạo quân hôn quân" bằng một "minh chủ hiền quân” chứ tuyệt đối không hề muốn lật đổ cả một chế độ chính trị. Hiện giờ triều đình nhà Tùy vẫn chưa sụp hẳn, quyền lực trung ương hữu danh vô thực, mà các quý tộc quan lại ở địa phương vốn có tinh thần nhà binh, thực lực của họ rất mạnh. Quân vũ trang mà họ nắm giữ để bảo vệ địa vị cát cứ của mình không hề thua kém đội quân chính quy của triều đình, bất luận là so sánh về binh khí được trang bị hay sức chiến đấu. Trong khi đó, quân khởi nghĩa nông dân trong tay chỉ có cuốc, thuổng, lực lượng lại phân tán nên không thể hòa nhập với lực lượng quý tộc kia được.
Hơn nữa, từ sau cuộc trấn áp phong trào Dương Huyền Cảm diễn ra một cách nhanh chóng, quyết đoán và tàn nhẫn, Dương Quảng còn căm hận sự phản loạn của tầng lớp quý tộc. Nhà Tùy tuy rằng sắp sụp đổ nhưng suy cho cùng đây vẫn là sự tồn vong của một chế đổ chính quyền quốc gia cho nên nếu Tùy Dạng Đế tập trung lực lượng tiêu diệt Lý Uyên thì e rằng tới lúc đó có thêm mười Lý Uyên cũng khó tìm được con đường sống.
Sau nhiều lần suy đi tính lại, Lý Uyên đã bác bỏ lời đề nghị của những kẻ thuộc hạ mà không những không tự mình xưng đế trái lại còn giương cao lá cờ "Tuân Tùy", tôn Tùy Dạng Đế làm Thái Thượng hoàng, lập Đại vương Dương Hưu - cháu của Dương Quảng và cũng là một quan trấn giữ - lên làm tân hoàng đế, đồng thời thay đổi chính sách cai trị, thay đổi cờ hiệu. Như vậy, đối với quân Đột Quyết mà nói, thanh thế của Lý Uyên càng lớn, dám tự lập theo ý mình, quân Đột Quyết sẽ chấp nhận lời cầu hòa của Lý Uyên mà không tùy tiện đem quân sang quấy nhiễu nữa, đồng thời còn ủng hộ một cách có điều kiện. Mặt khác đối với chính quyền nhà Tùy mà nói, mặc dù cũng nghi ngờ Lý Uyên có ý mưu phản, song lại thấy giương cờ hiệu tuân Tùy, vả lại hiện giờ quân khởi nghĩa nông dân phản tùy đang ngày càng đông tới mức không thể đối phó được thì nhà Tùy còn hơi sức đâu mà lo cản đánh Lý Uyên? Chính vì thế Lý Uyên đã bố trí được một lớp phòng ngự mỏng, đồng thời còn tranh thủ cơ hội phát triển từng bước và có kế hoạch một đội quân vây quét mà tương lai ông ta có thể chủ động chỉ huy bất kỳ lúc nào.
Điều quan trọng hơn đó là lá cờ hiệu tuân Tùy của Lý Uyên đã thu hút được số đông đám quan lại và quý tộc vốn mang đậm tư tưởng "trung quân". Hơn nữa đối với đám người này mà nói, việc Lý Uyên lập Đại vương Dương Hưu lên làm vua sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn về trật tự quan lại trong triều, đây chính là một cơ hội thăng quan phát tài hiếm có của họ, kẻ nào đứng về phe Lý Uyên thì kẻ đó càng có nhiều cơ hội tiến thân. Thế là bao nhiêu kẻ thi nhau ủng hộ cho Lý Uyên khiến cho vây cánh và thực lực của ông ta mạnh lên rất nhiều.
Tất nhiên, Lý Uyên tuân Tùy chỉ là kế quyền lực thích nghi, ông ta coi nhà Tùy như một cây đại thụ đang trong quá trình mục nát nhanh chóng, bỗng dưng lại có một cái mầm đang trồi lên khỏi mặt đất rồi khéo léo đâm rễ cầm vào thân cây ấy mà hút no nước và chất dinh dưỡng trong thân cây (được ví với bọn quan lại, quý tộc trong triều). Cái mầm non ấy lại nương nhờ cây lớn che chắn gió mưa, thậm chí còn làm cho cái cây to tưởng rằng nó là một bộ phận của thân thể mình và cứ ra sức bảo vệ (ví với việc trong khi quân của họ Lý đang giao chiến với quân khởi nghĩa khác thì triều đình chỉ lo đánh dẹp quân khởi nghĩa mà tin lầm vào đội quân của Lý Uyên). Từ đó mà Lý Uyên càng có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển lực lượng của mình. Đợi đến khi vật đổi sao dời, Lý Uyên chỉ việc dùng chân đá khúc gỗ mục là triều Tùy kia đi mà dựng nên vương triều nhà Đường và lại càng được lòng dân ủng hộ.
Mượn thân cây lớn để sống ký gửi, quân Đường nhờ cách đó mà phát triển mạnh lên, Lý Uyên dùng kế mới tuyệt làm sao! Trong kinh doanh thương mại, đối với những doanh nghiệp nhỏ bé, những loại mặt hàng còn chưa có tiếng trên thị trường tất cả còn đang bị yếu thế, nếu muốn phát triển một cách nhanh chóng há chẳng phải cũng nên dùng kế "sống ký gửi trên thân cây lớn" hay sao?
Cuối những năm 50, thị trường mỹ phẩm dành cho người da đen của Hoa Kỳ bị công ty mỹ phẩm Fohley chiếm lĩnh toàn bộ, một nhân viên tiêu thụ sản phẩm của công ty này tên là George Johnson đã tách ra khỏi công ty để kinh doanh một mình và sáng lập ra công ty mỹ phẩm dành cho người da đen, Johnson với số vốn chỉ vỏn vẹn có 500 đô la và ba nhân công.
Johnson thừa biết công ty mỹ phẩm Fohley kia quá lớn, sản phẩm của họ rất có danh tiếng và sẽ không thể đủ sức cạnh tranh được. Sau khi suy tính kỹ càng, Johnson quyết định áp dụng biện pháp "sống ký sinh" để phát triển công ty của mình, và loại mỹ phẩm của công ty Fohley chính là cái thân cây mà ông ta muốn mượn.
Johnson tập trung lực lượng để sản xuất ra một loại kem trang điểm rồi làm quảng cáo tuyên truyền rằng: "Sau khi bạn dùng sản phẩm của công ty Fohley hãy bôi thêm một lớp kem trang điểm Johnson bạn sẽ thấy hiệu quả thật bất ngờ".
Công ty Fohley thấy bên kia làm "nghĩa vụ tuyên truyền" thì lấy làm mừng thầm, không hề phản đối hay can thiệp gì cả. Một số đồng nghiệp của Johnson thì tỏ ra rất bất bình và chỉ trích ông ta đã thổi phồng cho công ty Fohley. Ông ta chỉ cười mà nói: "Vì họ có danh tiếng lớn, tôi chỉ có cách là phải làm như vậy. Cũng như bây giờ có rất ít người biết tên tôi là Johnson nhưng nếu tôi được đứng bên cạnh tổng thống Mỹ thì tự nhiên mọi nhà, mọi người điều biết đến tôi. Tôi tuyên truyền như vậy thứ nhất là để cho sản phẩm của chúng ta có thể xuất hiện cùng với loại mỹ phẩm đã có uy tín từ lâu, rõ ràng là tâng bốc cho công ty Fohley nhưng thực chất là lại mượn danh của họ để tồn tại, uy tín sản phẩm của công ty chúng ta sắp có thể sánh với sản phẩm của Fohley rồi. Thứ hai, và cũng quan trọng hơn nữa, đó là chúng ta có thể lấy thị phần của họ làm thị phần của mình. Trong quảng cáo rõ ràng có mách bảo ngầm rằng các khách hàng sử dụng mỹ phẩm của Fohley đều phải đồng thời dùng sản phẩm của Johnson thì mới thể có được hiệu quả thần kỳ. Vì thế quảng cáo như vậy thực chất là đem cơ thể yếu ớt của chúng ta đến sống ký sinh trên cây to vững chắc và giàu chất dinh dưỡng của Fohley. Đây chính là một kế sách tốt để chúng ta có được cơ hội phát triển nhanh chóng".
Quả nhiên người tiêu dùng đã tiếp nhận sản phẩm của Johnson một cách rất tự nhiên, thị phần của công ty ngày một lớn. Thậm chí chỉ sau mấy năm đã loại bỏ được phần lớn sản phẩm của công ty Fohley ra khỏi thị trường mỹ phẩm. Về sau Johnson đã có thể đường hoàng độc chiếm thị trường mỹ phẩm dành cho người da đen của Mỹ.
Thủ thuật của Johnson dường như chính là bản sao thủ thuật của Lý Uyên vậy, không khác một chút nào!