Tính cách không thể được hình thành trong yên bình. Chỉ có trải nghiệm mới hun đúc tâm hồn, làm rõ tầm nhìn, sản sinh ra tham vọng, và giúp đạt được thành tựu.

Helen Keller

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Dung Nguyen
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2300 / 36
Cập nhật: 2016-03-17 13:45:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Mẹ Tôi Tái Giá
ây Xi-Lăng-Ba hồi hộp bước ra khỏi con đường mòn xuyên rừng, con đường nầy trổ ra một cánh đồng nhỏ, rồi dừng chơn lại, chống gậy mà nhìn cánh đồng ấy một hồi rồi lắc đầu, thở dài.
Hằng trăm cây cao-su mới trồng độ hai tháng, đang phơi những lá héo vàng hoe dưới nắng trưa.
Đây là lần thứ ba mà lão Xi-Lăng-Ba lặn lội lên chốn đèo heo hút gió nầy để chứng kiến tận mắt sự thất bại của con nhà nghề là lão ta.
Lão ta nguyên là Giám-đốc Sở Canh-Nông Nam-Kỳ, xin nghỉ việc ngang xương để doanh-nghiệp trong ngành hoạt động mà lão rất sành. Thấy nghề trồng cao su đang lên ở đất Nam-Kỳ nầy, lão xin khẩn hoang đất mới để lập sở. Nhưng lão ít vốn nên chỉ khẩn những vùng đất nhỏ độ vài mươi mẫu, canh tác xong xuôi vài năm mới xin khẩn một vùng đất khác nữa, và lần nào cũng thành công cả, chỉ trừ lần nầy mà lão đụng đầu phải một cuộc đổ vỡ không cắt nghĩa được.
Lão Xi-Lăng-Ba tư lự hồi lâu rồi lẩm bẩm:
- Kỳ quái! Kỳ quái!
Anh Tám Hậu, tài xế ruột của lão Xi-Lăng-Ba mà lão dẫn theo cho có bạn, với lại để dùng làm thông ngôn khi cần tiếp xúc với người địa phương, đang vác cây súng bắn chim, đứng sau lưng chủ anh.
Anh ta không thấy có gì kỳ quái trong vụ nầy cả. Anh ta nghĩ rằng rừng thiêng ắt hẳn phải được thần rừng bảo vệ, mà Tây Tà ngang ngược, phá rừng mà không cúng vái tạ lễ thì thần rừng đâu có dung tha, họ phá hại sự trồng tỉa, đó là họ nhẹ tay lắm đa, thường thì họ vật chết toi kẻ cả gan dám xúc phạm đến địa hạt của họ.
Anh ta cắt nghĩa:
- Lợp giá phe man 1,
Câu tiếng Tây ba rọi nầy, đáng lý phải là: "Les mauvais esprits de la jnngle jettent un sort à votre entreprise" (Thần rừng trù ếm phá hoại công việc của ông). Tuy nhiên Xi-Lăng-Ba sói đầu và bụng bự vẫn hiểu được người tôi tớ thân tín của lão. Lão nạt đùa:
- Đừng có nói bậy.
Đoạn vỗ vai Tám Hậu, giọng buồn hiu, lão than:
- Mầy coi, đã ba lần rồi, cây đang mọc tươi tốt bỗng rũ xuống mà chết, mặc dầu trước khi trồng thử mấy trăm cây nầy, tao đã cho những nhân viên thân tín cũ ở Sở Canh-Nông phân chất đất kỹ lưỡng lắm. Và cây chết, liền được nhổ lên xem xét ngay, mà không ai tìm ra nguyên nhơn vì sao mà nó chết. Có phải là kỳ quái hay không?
- Tại ông không cúng vái. Tám Hậu cứ bám níu vào tư tưởng của hắn.
- Đừng có nói bậy.
- Họ đồn miễu "Ông" ở đây linh lắm, và "Ông" ghét Tây lắm!
Miễu "Ông" là đình thờ Thần-hoàng làng Chánh-Hưng nầy. Nhưng đó là một vị Thần-hoàng mà đần địa phương biết tên họ, chức tước, chớ không phải như những ông Thần nặc danh của bao nhiêu đình làng khác.
Đó là một danh tướng Nam-kỳ đã quyết liệt kháng Pháp trong thời ta bị chinh phục. Thua trận mãi, vị danh tướng ấy triệt thối về cái làng cuối cùng nầy để kiên thủ, nhưng rồi Pháp cũng truy kích ông, và ông tử tiết nơi đây.
Làng Chánh-Hưng được Nam triều lập ra mười năm trước ngày Nam-Kỳ bị chinh phục, nằm cách huyện lỵ Tân-Uyên hai mươi cây số ngàn.
Làng chỉ gồm có hai mươi nóc gia thôi, vì đó là một làng ven rừng già, một tiền đồn ngăn giặc sơn cước quấy nhiễu các làng dưới nầy, mà cũng là một căn cứ xuất phát để lấn vào rừng sâu theo chiến lược tàm thực, rừng nầy ăn thông lên đến rừng của núi Trường-Sơn, ở mãi trên kìa, xa lắm.
Những người Nam-Kỳ mặc dầu là dân tiên-phuông có thành tích khai hoang đất mới, vẫn cứ là con cháu của người Châu-thổ Nhị-Hà với nhược điểm nầy là chỉ giỏi khai hoang các vùng đầm lầy, mà thường chịu thua rừng núi, nên chi tiền đồn Chánh-Hưng đành phụ lòng mong mỏi của vua chúa ta vậy.
Mãi cho đến năm 1930, là năm xảy ra câu chuyện nầy, nghĩa là sau hơn tám mươi năm được thành lập mà làng chỉ thêm được có một nóc gia, cách đó hơn mười cây số. Đó là nhà của ông hương cả trong làng, người ở kinh lên, một nhà khai thác lâm sản tăm tiếng, ông ấy ở biệt tịch như vậy để coi sóc rừng gỗ của ông và việc khai thác lâm sản ở khu đó.
Dân làng sống nhờ nghề săn bắn y như thời thượng cổ, với lại làm thợ rừng cho ông hương cả ở xóm Trường nói trên.
Họ không chịu canh tác vì không hiểu sao, đàn bà trong làng lại không hề sanh đẻ. Có lẽ phụ nữ mắc bịnh ngã nước nặng quá nên hỏng đường sinh dục chăng?
Không con cái nối dõi tông đường, họ không tính chuyện định cư trường cửu và ai cũng vội vàng kiếm tiền để về những làng phì nhiêu ở dưới kia.
Thành thử trong làng không có dân đinh kỳ cựu. Nếu họ không bị bịnh sốt rét rừng quật chết trong năm năm đầu, thì họ cũng dông mất, sau khi kiếm được chút ít tiền, nhường chỗ cho các tay phiêu lưu mạo hiểm khác đến thay thế cho họ.
Tuy tình làng không thể sâu đậm trong những điều kiện phản định cư ấy, dân làng cũng bảo vệ lãnh thổ của họ với tất cả bản năng giữ của của họ. Họ sống nhờ rừng thì họ xem rừng như một bà mẹ đã nuôi dưỡng họ, và qnyết bảo vệ rừng sâu, đi ngược lại với mục đích của nhà nước ta là lấn rừng để mở mang canh tác.
Hôm ấy lão Xi-Lăng-Ba bụng bự buồn hiu trở gót để rồi lội qua một con rạch con mà người địa phương gọi là sông Bé, đi qua làng Lạc-An là nơi ông ta để xe. Ở đó có đường đưa về chợ huyện.
Đó là một tay thực dân (xin hiểu theo nghĩa nguyên thỉ, tức nghĩa tốt) cương quyết, quyết thắng mọi trở lực để đạt mục đích cho kỳ được ông ta mới nghe cho. Nhưng người tài xế ruột của ông thì e rằng lần nầy ông sẽ phải bỏ cuộc.
o O o o O o o O o
Đêm nay, anh thợ rừng Tư Tuôi đi lãnh tiền công ở nhà ông hương cả trên xóm Trường, về xóm Vàm là xóm đông hai mươi nóc gia ấy, trễ quá, nên anh ta đi như chạy.
Phải băng rừng hồi bảy giờ đêm, Tư Tuôi ngại lắm; mặc dầu anh ta đã quen lặn lội rồi. Thế nên hai tiếng đồng hồ sau đó, hồi chín giờ khuya (ừ ở đây chín giờ là khuya lắm rồi), khi đổ ra sở thí nghiệm của Tây Xi-Lăng-Ba, anh ta thở ra kêu đánh khì một tiếng, lòng nhẹ nhõm.
Nhưng bỗng anh ta giựt nẩy mình, lắng tai nghe ngóng. Một thứ tiếng động mường tượng như tiếng thở khè khè của một con trăn thật to, văng vẳng đâu đây.
Tư Tuôi vểnh tai nghe thêm cho rõ thì định được hướng xuất phát của tiếng động ấy. Anh đưa mắt nhìn về hướng đó, không hy vọng trông thấy cái gì, vì trời tối như mực, nhưng lạ thay, một ánh lửa lóe lên từ đó.
Ánh lửa ấy màu xanh xanh, vàng vàng như lửa ma trơi. Là dân tứ chiếng và có học, Tư Tuôi không tin nhảm, không hoảng sợ, nhưng ngạc nhiên lắm.
Anh ta suy nghĩ một hồi rồi chịu, không thể đoán được cái gì. Anh ta quả quyết đi lại hướng mà tiếng động và ánh sáng xuất phát vì chỉ có cách xem tận nơi mới khám phá được sự khác thường mà thôi. Anh ta bước nhẹ như một con báo, một con cọp rình mồi và tiến lại gần mồi, đạp lá chết mà không gây tiếng động, con dao rừng lăm lăm trong tay, sẵn sàng nghinh chiến.
Khi anh ta đến đủ gần chỗ ấy thì một cảnh kỳ dị hết sức đang diễn ra dưới mắt anh.
Một người đàn ông đang đun nước sôi giữa cánh đồng hoang nầy bằng rê-sô "cồn" rồi dùng một chiếc gáo như múc nước sôi ở cái nồi nhôm to lớn bắt trên rê-sô mà tưới vào những gốc cây cao-su.
Chính cái rê-sô ấy nó đã kêu khè khè như con trăn kêu.
Tư Tuôi hả miệng, trố mắt mà nhìn một hồi, nói không ra lời. Bỗng anh ta vụt hiểu tất cả hành động của ba Mín. Hắn không hóa điên đâu, như thoạt tiên, Tư Tuôi đã ngỡ. Đây là vị ma rừng đã phá-hoại canh tác của lão Xi-Lăng-Ba, khiến lão ta và các kỹ-sư canh-nông bạn của lão ta điên đầu, và chính cả dân làng cũng bí óc tự hỏi mà không cắt nghĩa được vì sao mà đất mới, đầy phân lá ủ vạn-niên lại không dung được một loại cây tương đối đễ trồng.
Ba Mín khệ nệ dời rê-sô và nồi nước sôi đi nơi khác vì cây cối quanh chỗ hắn ngồi đã được hắn săn sóc cẩn thận rồi.
Hắn làm việc ban đêm, công tác một mình, chắc phải tốn sức lao động ghê lắm vì nồi nước chứa không quá năm lít, mà nơi lấy nước thì khá xa ở đây.
Ở đây là dựa bờ sông Đồng Nai nhưng bờ sông lại cao đến bảy tám thước và đứng sửng như vách thành, có lẽ hắn đã lấy nước ở cái suối trong xa kia.
Tư Tuôi vụt phá lên mà cười. Mín hết cả hồn vía, đứng lên như có lò-so bật, nhảy trái qua một bên, gáo nước sôi nơi tay chực tạt kẻ thù mà hắn chưa biết là ai.
- Sao không nhúm lửa cho đỡ tốn công? Tư Tuôi hỏi.
- Anh làm tôi sợ mất mật. Ba Mín nói khi nhận được giọng người quen. Nhúm lửa cho Tây nó thấy dấu vết sao.
- Thây kệ chớ. Nó biết ai nhúm mà phải sợ.
- Nhưng nó biết rằng có kẻ phá hoại, và nó sẽ cho người canh gác.
- Hay lắm, anh thật cao trí. Nhưng anh làm bậy.
- Bậy đâu mà bậy. Ta sống nhờ rừng, tôi giúp cho cả làng đây chớ. Nó mà thành công thì nó sẽ phá rạp rừng nầy để trồng cao-su.
- Nhưng nếu thằng Tây nầy bỏ cuộc thì sau sẽ có thằng Tây khác mò tới để thử lại. Anh sẽ không còn mãi để mà ngăn cản họ.
- Nhưng ngăn được lúc nào hay lúc nấy.
- Vẫn cứ bậy như thường. Loài người tiến được nhờ định-cư, muốn định cư phải phá rừng. Nuôi rừng là ta chỉ nuôi tạm vậy thôi.
- Nhưng sao sở Thủy Lâm lại khuyên ta bảo vệ rừng?
- Tới mức nào đó thôi.
Dân làng nầy phần lớn gồm những phần tử có học chút ít, nhưng chiến bại mãi ở dưới kia nên phiêu lưu lên đây. Thế nên tuy là dân rừng, ai cũng có căn bản văn hóa tối thiểu.
- Đến một khi kia, anh sẽ thấy là anh hoàn-toàn bất lực trước sự tiến tới của loài người, không gì ngăn được hết. Hồi đó, cách đây mười mấy năm, người ta đã chống lại việc thiết lập đường xe lửa Sài gòn Nha-Trang, cũng bằng những cuộc phá hoại ngấm ngầm rải rác dọc theo con đường đó, mà rồi anh coi, rốt cuộc đường xe lửa vẫn được thiết lập như thường, hơn thế, giờ những kẻ phá hoại lại hưởng lợi nhờ con đường xe lửa ấy.
Mín không đáp, chỉ lẩm bẩm những gì trong miệng hắn, không nghe được, đoạn hắn ngồi xuống, tiếp tục tưới cây. Hắn ta thuộc hạng người lầm lầm, lì lì ít nói mà hay làm, tin tưởng mạnh và kiên-tâm trì chí.
Tư Tuôi chỉ nói qua vậy thôi chớ không cố thuyết-phục bạn cho lắm, vì chính anh cũng cần và cũng thương mến khu rừng nầy như toàn thể dân làng. Vả lại Mín là một kẻ "không hút nước" khó lòng mà ép ý nghĩ lạ nào rịn vào trí óc hắn.
Anh ra về, bỏ Mìn lại với công việc dị kỳ và khôn quỉ của hắn, phá hoại mà không để dấu vết, không một kỹ sư canh nông kinh nghiệm và tài giỏi nào trên đời nầy mà phát kiến được nguyên nhơn bại hoại của mớ cây cao-su trồng thử đất nầy cả.
Một kẻ lặng lẽ bước đi, một kẻ âm thầm làm việc trong tiếng gầm thét của thác nước Trị-An, ở cách đây một cây số ngàn, trên giòng sông Đồng-Nai, khu rừng xảy ra cuộc tranh giành ảnh hưởng câm lặng nầy chiếm trọn góc đất nơi giáp lưu của sông Đồng-Nai và sông Bé.
Bên kia sông Đồng-Nai, lão Xi-Lăng-Ba cũng đang thử đất và cũng bị phá hoại bí mật như ở đây. Dân rừng ở hai bên bờ sông, không bảo nhau mà cũng hành động y như nhau và lạ nhứt là cũng dùng y một phương tiện phá hoại giống hệt nhau.
o O o o O o o O o
Bị tưới nước sôi, cây không chết ngay đâu vì nước sôi gặp đất là nguội đi mất mấy mươi độ tức khắc. Mín phải hì hục với mấy trăm cây cao-su đợt thí nghiệm thứ tư nầy đến hơn một tháng mới có kết quả, vì mỗi cây phải được "tẩm bổ" nhiều đêm liền.
Xong công việc, anh xoa tay khoái chí, đinh ninh rằng con người bền gan nhứt thế gian cũng sẽ không đủ can đảm thí nghiệm lần thứ năm một công việc mà y không nắm vững được yếu tố thành bại.
Dân làng - do Tư Tuôi loan tin - đã biết bí mật của Mìn và của sự thất bại của Tây Xi-Lăng-Ba. Họ không cả tin như Mìn rằng Tây sẽ bỏ cuộc, nhưng vẫn hy vọng được yên thân bởi ai cũng xem rừng như một bà mẹ.
Lão Xi-Lăng-Ba đã nao núng vào lần thua trận thứ tư nầy. Nhưng là một tay phiêu lưu mạo hiểm cứng cổ và ương ngạnh, lão quyết "đánh đến giọt máu cuối cùng". Lão suy luận rằng có lẽ đất mới vỡ còn quá hăng nồng, rồi đâu sẽ vào đấy khi đất hả hơi. Thế nên hắn quả quyết mộ phu phá trên sáu mươi mẫu rừng, đoạn cho chở máy cày lên đây bằng tàu, hy vọng rằng đất sẽ thuần ra khi được cày sâu nhiều lượt.
Cái ngày mà rừng mẹ của dân làng bỗng dưng bị trầy vi tróc vảy, bị lột da, cắt tóc đến trần truồng như nhộng sau hơn lột tháng ngược đãi do một toán phu đông hằng trăm người, Mìn cuốn gói để trở về làng cũ.
Lúc giã biệt người đồng thôn, hắn nghẹn ngào, rưng rưng lệ mà kể lể:
- Mười năm trước đây vì mẹ tôi tái giá nên tôi bất bình, bỏ làng lên chốn ma thiêng nước độc nầy.
Tôi ngỡ hủ hỉ được trọn đời với bà mẹ nuôi là rừng già, nhưng mà, bà con ơi, giờ rừng mẹ lại cũng tái giá nữa với Tây-Tà. Tôi còn biết nương thân với ai?
- Mầy đã chống lại việc má mầy tái giá dữ lắm hả? Hương tuần Triệu hỏi.
- Ừ, nhưng không được.
- Dĩ nhiên là không được. Luật trời là người đàn là còn trẻ phải tái giá, và rừng phải nhường chỗ cho người trồng tỉa. Tổ tiên ta đến đây để khai phá rừng chớ không phải để bảo vệ rừng. Họ và ta khai phá không thành công, giờ có người làm được thì sự tái giá của rừng mẹ, không có gì đáng buồn hết.
- Phản bội, bà con cô bác phản bội mẹ ta! Bà con cô bác ở lại đây để làm cu-li cạo mủ, tôi biết rồi.
Rồi Mín ra đi, lòng chết lạnh.
o O o
Lời chú của người kể chuyện. Sự thật thì sau đó vùng đất được khai hoang ấy, trở thành rừng vì cái chết đột ngột của Tây Xi-Lăng-Ba chớ không phải vì sự phá hoại dai dẳng của dân làng. Nhưng lão Tây ấy thành công ở bên kia sông, cũng đã bị phá hoại y như thế.
Chú thích
1.Le diable fait mal: con quỉ làm hại.
Mưa Thu Nhớ Tằm Mưa Thu Nhớ Tằm - Bình Nguyên Lộc Mưa Thu Nhớ Tằm