Số lần đọc/download: 138 / 19
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:38 +0700
X - Những Điều Mập Mờ
O
ng già coi Tâm như con, mà có lẽ hơn thế, vì Tâm thấy được ông chiều chuộng lạ thường. Không có cái gì Tâm muốn mà ông không cho được vừa lòng. Lúc nào ông cũng vui vẻ. Thường ông cho Tâm ngồi cạnh, hoặc dắt Tâm dạo quanh nhà, ngồi bóng cây, kể những chuyện cổ tích rất hay cho Tâm nghe.
Buổi chiều, lúc mặt trời tà, hoặc buổi tối, lúc trăng lấp ló đầu non, ông thỉnh thoảng nắm tay dắt Tâm đi bách bộ trong vườn. Con đường đỏ quanh co hai bên bờ cỏ xanh xanh. Lá xột xoạt, hoa sen thơm mát dịu, lá liễu tha thướt theo ngọn gió đưa. Tâm được khoan khoái nhẹ nhàng những lúc ấy thì bao giờ Tâm cũng giật tay ra chạy nhảy hớn hở. Ông già mỉm cười, nhìn Tâm, chỉ những lúc ấy, ông mới hỏi:
— Con ở đâu con được vừa lòng như ở đây với thày không?
Tâm ngậm ngùi, nhìn ông già, âu yếm, đáp:
— Thưa không.
Ông già ôm lấy Tâm, vuốt ve, gật gù ra ý rất bằng lòng.
Nhưng thỉnh thoảng Tâm thấy nóng ruột lắm. Tâm không hiểu nóng vì đâu. Tâm lại rựt mình chạy ra vườn, ra bờ ao, lên nhà trên, xuống bếp. Song sự lặng lẽ quanh mình Tâm càng làm cho Tâm buồn bã. Bởi vì có khi ông già đi vắng cả ngày, có một con bé con là đày tớ, nó lại đi chợ. Tâm chỉ muốn chạy ra cổng đứng nhìn ngoài đường cho vui mắt, nhưng không sao được. Người nhà đi vắng thì cổng đóng chặt và khóa cẩn thận ở mặt kia. Hàng rào thì dầy và kín, Tâm cố lách mắt để trông ra, nhưng không thấy gì.
Có một điều là Tâm muốn hỏi tên ông già và nghề nghiệp của ông, nhưng hễ Tâm định nói thì lại ngập ngừng, ấp úng. Một lần, Tâm vớ vẩn hỏi đứa đày tớ:
— Cụ tên là gì?
Cô bé có ý sợ hãi, nhìn trước nhìn sau, rồi ghé vào Tâm mà nói:
— Cụ tên là Cụ.
Tâm lại khẽ hỏi:
— Người ta gọi là Cụ, nhưng tên cụ là gì chứ?
— Tôi chỉ thấy gọi thế thôi.
Tâm bật cười, hỏi:
— Cụ làm gì?
Nó lắc đầu:
— Không biết.
— Làng này là làng gì?
— Làng ta.
— Làng ta ở Tỉnh nào?
Con bé cười, như nhạo Tâm, rồi thật thà, đáp:
— Làng ta ở làng ta, chứ còn ở tỉnh nào nữa.
Tâm giảng:
— Có chứ, làng thuộc về huyện hay phủ, huyện hay phủ lại thuộc về tỉnh. Thế làng ta này thuộc về đâu?
Nó lắc đầu:
— Không biết.
Tâm cho là nó nói dối, móc túi lấy ra năm đồng xu, toan cho nó, để dỗ nó nói thực.
Song Tâm lại thôi. Tâm muốn giữ đồng tiền ấy, vì là của mẹ Tâm cho Tâm. Tâm chỉ còn đồng năm xu này là di tích của mẹ mà thôi. Áo quần của Tâm mặc hiện nay là của ông già mới may cho Tâm một lượt; mà những thứ cũ, ông cất cả đi, không cho Tâm dùng, vì ông bảo nó cũ và xấu.
Tâm hỏi nó:
— Thế mày tên là gì?
— Tôi là cái Đĩ.
Rồi như không chịu được cái tò mò của Tâm, cái Đĩ nhăn mặt:
— Gớm, cậu hỏi mãi, cụ đã cấm đấy!
Tâm nói:
— Cụ có nhà mới sợ, chứ bây giờ cụ đi vắng kia mà. Mày đến đây ở từ bao giờ?
— Mới độ ngót một tháng.
— Mày người làng nào?
— Tôi người làng ta.
— Thày u mày làm gì?
— Tôi không có thày u. Cụ nuôi tôi đã lâu.
Tâm ngạc nhiên:
— Thế mày cũng là con nuôi Cụ như tao à?
Nó lắc đầu:
— Tôi là đày tớ.
— Thế sao mày bảo mới ở đây ngót một tháng?
— Vì trước tôi ở đằng kia.
— Đằng nào?
— Đằng nhà cậu cả.
— Xa đây hay gần?
— Xa.
Sực Tâm nhớ ra ông già đã nói chuyện với Tâm là không có con, vậy thì là nghĩa làm sao?
Tâm ngẫm nghĩ, rồi bảo:
— Nhà Cụ giàu lắm nhỉ.
Con bé gật đầu, rồi nói:
— Cậu lên nhà trên mà coi nhà nhé, tôi phải đi làm việc đây.
Tâm hỏi nữa, nhưng nó lảng. Tâm đành thở dài lên nhà, ngồi ngẫm nghĩ.
Đồ đạc bày biện quanh mình làm Tâm nhiều phen ngạc nhiên. Cái gì cũng có. Ở trên bàn gỗ mộc, thì bày vài cái lọ sứ mà men đã rạn và hai ba cái lư, cái thì bằng đồng vàng, cái thì bằng đồng đen. Ở cột thì treo một thanh kiếm ngắn, chuôi bằng ngà chạm. Trong tủ khóa, một hôm Tâm nhìn trộm trong khi ông già mở ra, thấy có áo gấm và các thứ áo rét. Thấy Tâm chú ý nhìn, ông già nói:
— Con chớ lấy làm lạ, thày có những thức này, vì xưa kia thày có làm quan.
Tâm nửa tin nửa ngờ, nhưng Tâm quyết ông già không nói dối, vì Tâm thấy trong buồng, dưới gầm giường, có rất nhiều đồ đồng, như nồi, xanh và những lọ rất đẹp. Tâm nghĩ: “Chỉ có ông quan mới nhiều những cái này”
Hễ khi ông già về, thì Tâm lại làm ra dáng ngoan ngoãn vui vẻ. Mà ông già cũng không để cho Tâm có thời giờ nghĩ ngợi điều chi nữa.
Thành ra Tâm hậm hực quá. Tâm ở đây mà chẳng biết là làng nào và ông cụ tên là gì. Và ông cụ là hạng người gì, Tâm cũng không biết. Tâm không được thấy ai đến chơi với ông cụ cả. Những điều mập mờ ấy, Tâm đành chịu không biết, chẳng hỏi được ai.
Rồi hôm sau, Tâm không thấy cái Đĩ nó đến hầu hạ như mọi ngày nữa. Tâm hỏi ông già thì ông bảo nó ốm.
Có một bận Tâm xin phép ông già đi chơi quanh làng, thì ông cười đáp:
— Ở đây xa làng, xung quanh đây là ruộng và núi rừng, có nhiều thú dữ lắm, con chớ nên đi. Ở nhà thày nói chuyện cho mà nghe, có vui hơn không.
Tâm thơ thẩn ra bờ ao, ngồi gốc cây, thả cần câu xuống nước. Thế là Tâm đành như mù như điếc. Cho nên Tâm càng không dám tỏ thực bụng mình cho ông già biết. Trước mặt ông, Tâm vẫn cố làm vui vẻ hình như không hề nhớ mẹ thương cha. Song, kỳ thực, Tâm vẫn cất kín đồng năm xu trong túi thỉnh thoảng mới dám lấy ra nhìn, mà vì Tâm cầm đến luôn, nó trắng và sáng quắc.
Một hôm, có một người gọi cổng:
— Ai trong nhà ra mà nhận thư.
Ông già chạy ra, Tâm cũng đi theo. Nhưng ông già xua tay, Tâm phải đứng dừng lại.
Có tiếng nói vào:
— Cụ Bảy có nhà không? Có thư đây.
Tâm hiểu là người phu trạm và mừng nhất là biết tên ông già là cụ Bảy. Ông già mở cổng ra để đón thư, Tâm nhận thấy có con đường rộng và hai ba người đàn bà gánh hàng đi chợ.
Tâm đoán chắc đường này nhiều người qua lại lắm.
Ông già đóng cổng lại, rồi vào nhà xem thư. Đoạn ông rút trong ngăn kéo bàn, lấy bút mực và giấy ra để viết.
Một ý hay nảy ra trong óc Tâm. Tâm định nhân lúc nào vắng cũng viết một bức thư. Song gửi đưa ai? Vả biết đây là đâu mà nhắn đích chỗ?
Rồi tự nhiên, Tâm tự thấy như một tên tù giam lỏng, mà không biết phải giam cho đến ngày nào và vì lẽ gì. Quyết ông già không cốt nuôi Tâm như ông đã nói.
Tâm buồn lạ. Tâm trông mây chạy, gió cuốn, chim bay mà thèm. Giá được như mây, như chim, thì Tâm được tự do biết bao nhiêu. Tâm thơ thẩn ra bờ ao, ngồi gốc cây, thả cần câu xuống nước. Ánh mặt trời quằn quại trên làn sóng gợn, Tâm càng đau đớn. Cảnh quanh mình lặng lẽ làm cho Tâm tê tái nỗi lòng. Tâm chỉ biết thở dài, thở dài để đỡ uất ức, khó chịu.