Anyone who says they have only one life to live must not know how to read a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 59
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8932 / 159
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 -
au cuộc ẩu đả giữa Điều và Cò ở gốc đa đầu làng, Điều giận Nhụ. Cậu ta không thèm nói với Nhụ nữa. Thấy Điều bị rớm máu ở trán, Nhụ bảo: "Để em rịt thuốc lào cho". Điều gạt phắt đi, vùng vằng nói: "Không thèm nhờ". Nhụ tủi thân nhưng cố ra sức chiều chuộng cho Điều nguôi giận. Đến bữa cơm, Điều cứ và liến láu không gắp gì Nhụ phải gắp cho con cá thầu dầu kho tương, thứ mà Điều rất thích, thứ mà trước đây Điều bảo Nhụ kho rất khéo, ăn một bát lại muốn ăn hai. Lần này, Điều định rụt bát cơm lại, may có ông nhìn nên nó không dám, nhưng khi ông vừa quay mặt đi Điều liền lườm Nhụ. Bố Trịnh Huyền trông thấy cử chỉ của hai đứa từ đầu, ông mủm mỉm cười bâng quơ một mình.
Đến tối, lúc xay thóc ở nhà ngang, Điều đẩy cái cối nhanh ù ù, cứ như thể nó muốn trút giận vào cái cối.
Nhụ sàng gạo dưới đất cũng im lặng chẳng dám nói một lời Lúc giã gạo, Điều ra nằm khểnh trên cái chõng tre dưới gốc cây thị, cái Nhụ giã gạo một mình nên chày rơi thậm thịch rất chậm. Mọi khi có thằng Điều cùng giã, tiếng chày rơi nhanh hơn. Chỉ loáng một cái đã được cối gạo trắng. Tiếng chày buông chậm nghe mới buồn làm sao. ông Huyền ở nhà trên nói vọng xuống:
- Nhụ ơi! Khuya rồi! Nghỉ đi con ạ. Sáng mai chẳng có việc gì làm cũng được.
Nhụ lên giường nằm mãi vẫn không ngủ được. Cô cũng không ngờ Điều giận dỗi lại làm cho cô buồn đến thế. Cô cũng không ngờ chỉ vì mình nói chuyện với Cò mà Điều lại bực bội đến thế. Cuộc ẩu đả của hai chàng trai hôm nay, lý do thật chẳng đáng. Cò là con ông Lý, người họ Vũ Xuân, nhưng anh ta chẳng giống họ mấy tí. Người điềm tĩnh, không cậy con nhà giàu. Học lại giỏi nữa. Mình chỉ trọng anh ta chứ có gì đâu. Mà anh Cò làm sao có thể so sánh với anh Điều được cơ chứ. Ở đây có liên quan với bố Huyền. Bố là ơn sâu nghĩa nặng. Bố thâm tình với mẹ. Bố là người thân nhất của mình. Gia đình bố tức là gia đình mình. Ở đây có những điều thầm kín không thể để lọt cho người ngoài biết được. Vả lại nếu anh Điều vui thì bố cũng vui. Còn anh Điều buồn thì chắc bố cũng rầu lòng. Còn anh Điều ư? Đó là một người anh trai hay là một cái gì còn hơn thế nữa. Rõ ràng là ở bên cạnh Điều, cô gái thấy vững tin, thấy được che chở. Phải, đúng thế! Nào đã có gì đâu, Cò mới chỉ nói với Nhụ dăm câu chuyện, anh đã lồng lộn, thậm chí gây gổ, cứ như thể Nhụ bị đe dọa.
Cô gái cứ nghĩ vơ vẩn như thế, mắt cứ chong ra, giấc ngủ chẳng chịu đến với cô. Tiếng con tắc kè bâng quơ, đều đều trên cây nhãn um tùm là tiếng ru đêm, làm cho con người mất ngủ bớt phần cô quạnh. Nhưng khi đã mất ngủ, mà tiếng kêu ấy cứ nhắc đi nhắc lại mãi, thì từ chỗ là tiếng động an ủi, tiếng kêu khắc khoải ấy đã chuyển thành một tiếng động khó chịu. Bởi vì tiếng tắc kè ám ảnh mãi, làm kẻ mất ngủ trở nên hoàn toàn tỉnh táo, đến mức hai con mắt cứ như trơ ra, cứng lại, không tài nào nhắm được. Con tắc kè trên cây nhãn đã bò sang cây mít. Nhụ có thể mường tượng ra đường di chuyển của con vật, vì cô đã thuộc vị trí của cây cối trong vườn. Con tắc kè cứ quẩn quanh và dai dẳng kêu mãi như thế, bỗng nhiên con vật đó bặt lặng. Sao lại im lìm đột ngột như vậy. Sự im lìm như đe dọa. Thật lạ lùng, cảm giác cứ như có chuyện gì sắp xảy ra. Con chó Vá chạy ra vườn bỗng sủa nhặng lên. Nhụ nín thở để nghe cho rõ. cô tưởng chừng như có người đang rình mò đâu đây. Không phải! Đó là mấy con khỉ hay con vượn từ trong rừng lần về vườn. Chúng thường mò mẫm đi kiếm ăn như vậy. Có nhiều con dạn lắm, chúng biết cụ đồ Tiết hiền từ, nên có lúc chúng mò vào tận bếp.
Hôm xưa, một buổi chiều, ông quản Boong đến chơi đánh cờ, thấy mấy con khỉ từ trên cây bưởi nhảy xuống sân, ông kêu lên:
- A! Lũ khỉ này làm loạn!
Nói rồi, ông vớ cây súng kíp mà lúc nào ông cũng mang theo, chạy ra. Lũ khỉ thấy người đuổi, vội leo trở lại cây bưởi, nhưng xem chừng chúng không sợ lắm. Thậm chí, có con còn đứng yên, gãi bụng, nhe răng như muốn dọa lại. "A? Quân láo xược?". Tính ông quản Boong nóng, không thích những kẻ làm trái ý mình. ông liền giơ súng nổ bờm. Súng đạn ghém dễ trúng. Một con khỉ đực to ngã lăn quay từ trên cây bưởi xuống chết tươi. Từ hôm ấy, lũ khỉ không dám bén mảng. Cụ đồ Tiết thấy thế chau mày, không nói gì. Buổi chiều tối, Nhụ thấy ông cụ đem chiếc bị rách đựng mấy bắp ngô ra treo ở hàng rào cuối vườn. Nhụ hỏi:
- Ông treo ngô ở đó làm gì?
Ông cụ bảo:
- Mình cho chúng nó ăn quen rồi. Bây giờ, chúng sợ, ban ngày chẳng dám bén mảng. Nhưng chắc ban đêm chúng vẫn mò về.
- Sao ông biết?
- Thì ban đêm, thỉnh thoảng ông vẫn nghe tiếng chúng. Vậy ra là tiếng lũ khỉ, Nhụ tự nhủ thầm. Vì không ngủ được, cũng vì tò mò nữa, Nhụ nhổm dậy cầm cây đèn pin, thứ quý giá mà chú Tuấn ở Hà Nội về để quên chưa mang đi. Cô bé bước ra sân. Con chó Vá nằm ở đầu hè nhà trên thấy bóng Nhụ, nó gừ khe khẽ, đứng lên, ve vẩy cái đuôi xù rất đẹp trông như cái phất trần. Con chó nhìn Nhụ rồi chạy đi trước như thể muốn dẫn đường. Nó chúi đầu xuống đất đánh hơi, rồi ngẩng đầu lên, ngoái lại nhìn cô chủ. Không hiểu con vật tinh khôn này định dẫn đi đâu Nhụ chần chừ một chút nhưng rồi cũng theo con Vá Trăng cuối tuần chỉ còn như chiếc lưỡi liềm mỏng dính; ánh trăng không còn đủ sức phá tan bóng tối, nhưng cũng còn đủ để cho Nhụ trông thấy bóng con Vá và cái đuôi phất trần cong lên của nó. Đang đi, con chó bỗng dừng lại, nằm bẹp xuống đất. Đã đi quá nhà ong, đã mờ mờ trông thấy cái hàng rào cuối vườn, nơi cụ đồ Tiết treo cái bị rách đụng ngô. Chợt có tiếng soàn soạt nghe rõ mồn một. Không phải tiếng động của khỉ, vì tiếng động này khá mạnh, có thể nói tiếng động của một loài nào đó to lớn và nặng nề hơn. Nhụ không dám tiến lên nữa. Cô ngồi thụp xuống sau một bụi cây, căng mắt nhìn về nơi treo cái bị. Cô thấy sờ sợ. Chợt có một bàn tay đặt lên vai làm Nhụ giật thót, quay đầu lại: "Ai đấy?" – Cô hỏi. Một tiếng nói quen thuộc: "Anh đây mà". Nhận ra giọng của Điều, nỗi sợ trong cô biến mất ngay. Cô thấy yên tâm vì có người bên cạnh. Và còn thấy vui vui vì thế là Điều đã hết giận.
Trăng lưỡi liềm chui ra khỏi một đám mây. Khu vườn rậm rịt tối om. Nhưng từ bóng tối nhìn ra, nhờ ánh trăng, đã thấy rõ những chiếc cọc rào, ngoài hàng rào không có cây nên đã trông thấy trảng cỏ với những bụi sim, bụi mua lúp xúp. Rồi đột nhiên trông thấy hai cái bóng lù lù đi đến gần chỗ treo cái bị. Con chó Vá đang nằm im lìm bỗng nhổm dậy định xồ ra. Nhụ phải giữ nó nằm yên. Nhụ thì thầm hỏi:
- Gấu? Gấu?
Điều nói khẽ:
- Đừng sợ. Ở vùng này... không có gấu.
Con Vá nằm im re. Nó cũng biết sợ hay sao? Mới đầu quả thật Nhụ sợ. Nhưng rồi, vì có Điều bên cạnh, và cũng vì nỗi tò mò dâng cao, Nhụ lại nghĩ thú bao giờ cũng sợ người, nên cuối cùng sự bạo dạn đã thắng. Cô quyết định cần phải biết rõ xem hai cái bóng kia là gì. Cô chưa kịp hành động thì Điều bỗng giật lấy cái đèn pin. Hóa ra Điều cũng nghĩ như cô. Anh ta bỗng đứng thẳng lên, chĩa chiếc đèn gìn, bấm thẳng vào hai cái bóng. Cũng lúc ấy, Nhụ buông tay giữ con Vá và ra lệnh cho nó: "Cắn đi" Nhìn thấy ánh đèn lóe lên, và được lệnh Nhụ, con chó phi như tên bay đến gần hàng rào, sủa ầm ĩ.
Ô hay! Đến lượt cả Điều và Nhụ đều ngây ra, không biết làm gì, khi nhìn thấy hai cái bóng. Không phải thú vật. Đó là hai con người. Hai con người kỳ lạ? Họ hầu như không mặc quần áo. Hai bóng người tóc dài cả, nhưng Nhụ nhận ra một là nam, một là nữ, bởi vì người đàn bà có đôi vú rất to. Đôi vú thỗn thện khi chạy nhún nhảy. Hai người đó khi thấy ánh đèn lóe lên đã dắt tay nhau chạy về phía cánh rừng dẫn tới con sông Son. Người đàn bà, khi chạy còn đưa tay lên chắn ngang ngực cho đôi vú khỏi nhún nhảy quá đỗi.
Sáng hôm sau, đi chăm sóc ong về, Nhụ kể câu chuyện đêm hôm trước cho cụ Tiết. ông già vua râu, im lặng gật đầu ngẫm nghĩ rồi mới từ tốn nói:
- Ông biết hai người ấy... Con đừng sợ... Họ hiền lành, chẳng làm hại ai bao giờ đâu.
- Thưa ông...
Ông già nói rõ thêm:
- Tên cô gái là Ngơ. Còn tên anh con trai, người dân ở đây không biết, họ quen gọi anh ta là anh Mường Rồ.
- Thế, những bắp ngô...?
- Đúng, thỉnh thoảng ta vẫn treo bị ngô ở hàng rào cất dành cho họ. Trước kia, chỉ riêng hai người ấy biết chỗ để ngô. Còn bây giờ lũ khỉ trong rừng cũng biết, đến lấy trộm.
- Thì ra thế...
- Nhụ còn muốn biết thêm về hai con người bí ẩn ấy song ông không muốn nói thêm. ông chỉ dặn:
- Họ tốt lắm và cũng khổ lắm. Các cháu cứ làm như không biết đến họ. Đừng làm phiền họ nữa...
o O o
Anh Mường Rồ và cô Ngơ kích thích sự tò mò của Nhụ rất mạnh. Cô gái hỏi ông Trịnh Huyền nhưng ông chẳng biết hơn mấy tí vì cụ cũng chỉ nói với ông như nói với Nhụ. Hỏi Điều, anh cũng chẳng biết gì vì Điều về ở với ông lúc lên chín, khi ấy anh Mường đã đi rồi. Nhụ bèn hỏi nhiều người trong làng. Chuyện anh Mường, dưới mắt các ông kỳ mục, là câu chuyện về lệ làng, đạo đức. Dưới mắt các ông tuần đinh, đó là chuyện võ nghệ siêu cường. Còn dưới con mắt bọn thanh niên, đó lại là chuyện si mê kỳ lạ. Cuối cùng, dưới con mắt lũ trẻ chăn trâu, đó lại là một câu chuyện hề vui nghịch ngợm.
Tóm lại, câu chuyện như sau:
Khi ông đồ Tiết từ nhà tù trở về, ông mắc bệnh ho lao. Người gầy còm, sức lực suy kiệt, ho húng hắng suất ngày. Ông phủ Lê muốn đón em về ở với mình nhưng ông Tiết không chịu. Thứ nhất, đứng về mặt khí tiết, ông đồ khinh ông anh là kẻ hàng thần lơ láo, dù ở cảnh sa cơ, con hùm thiêng dù chết cũng phải chết ở chỗ non xanh nước biếc. Thứ hai, bệnh lao là bệnh nguy hiểm; vì thương em, ông phủ Lê mời ông đến ở, nhưng còn gia đình người ta, không nên để bà chị dâu và in cháu rơi vào thế khó xử. Hai anh con trai biệt tích, còn các cô con gái thì đã lấy chồng... ông đồ Tiết quyết định cứ ở ngôi nhà thờ. Những ngày đầu, ông hộ Hiếu về ở với anh trai, hầu hạ anh rất tận tụy. Về sau, ông cử thuê người đến ở làm vườn ruộng và trông nom cụ Tiết. Nhưng người nào cũng chỉ được vài tháng, lại kiếm cớ xin thôi. Họ không nói ra nhưng cụ đồ Tiết biết, họ sợ căn bệnh nan y của cụ lây sang.
Đúng lúc ấy, anh Mường xuất hiện. Chẳng ai biết anh từ đâu đến. Cánh hào lý thấy người lạ cũng xoi mói, song lý Cỏn gạt đi:
- Cụ đồ, tuy bị trên phủ, huyện dặn dò là phải để mắt tới, song dù sao cũng là người cố cựu của làng xóm. Vả lại, còn phải nể mặt ông phủ Lê nữa chứ. Mà cũng phải để cho người ta sống với nữa chứ. Tôi hỏi, người làm thuê nào đến cũng vội gié chân chèo bỏ đi ngay, ông hộ nay đã già, lại rồ rồ dại dại, vậy người làng ta ái có thể đến làm thuê, giúp đỡ ông cụ đây?
Cánh hào lý, kỳ mục đành im miệng, vì người ta biết đối với cụ Tiết, lý Cỏn còn phải giữ cái đạo thày trò. Nhờ thế nên họ không công khai đả động đến chuyện anh Mường nữa. Anh Mường lầm lì, cả ngày chẳng nói một câu. Ai hỏi`gì anh cũng chỉ cười. Người ta thấy anh Mường gắn bó tận tụy, thậm chí có phần kính cẩn đối với cụ đồ Tiết. Cánh hào lý liền tìm hiểu. Họ đồn rằng ngày xưa anh Mường này cũng theo cụ Đốc đi đánh Tây.
Cụ đồ Tiết bây giờ thất thế, mang bệnh trong người, thân cô thế cô. Có ông anh phủ Lê lại ở xa. Nể nhau thì có nể, nhưng dù sao ông đồ cũng là chính trị phạm trở về. Những phe cánh trong làng, tuy chưa đám thẳng tay, nhưng họ cũng muốn thử thăm dò xem sao. Bởi vì cánh họ Đinh, biết đâu đấy, lúc này đã chẳng hoàn toàn kiệt lực; có thể họ chỉ còn là con hổ đã bị nhổ răng bẻ móng, trông bề ngoài vẫn là hổ, nhưng là loài hổ hết thiêng.
Những lão già như chánh Thi, tiên chỉ Nhậm thì án binh bất động, họ lờ đi làm như không biết gì để mặc cánh trẻ ra tay thăm dò. Lý Cỏn không tán thành nhưng thiểu số chẳng làm gì được. Hương Ất lại càng không chịu ra tay, ông ta là loại người chỉ hành động khi thế cờ đã ngả hẳn. Chỉ có trương tuần Lộc là người nông nổi, vả lại cũng là loại tép riu trong làng, được mất cũng chẳng hề gì, nên tỏ ra hăng hái nhất. Hắn đánh hơi được thái độ của cụ chánh, cụ tiên chỉ nên lon ton định lập công.
Một bận, xảy ra việc tranh chấp giữa người làm công của nhà cụ đồ với gia đình trương Lộc, thế là lập tức, ông trương tuần cùng mấy tuần đinh tay dao tay thước kẻo đến nhà cụ đồ Tiết, định áp đảo tại gia. Cụ đồ ôn tồn xin mọi người bình tĩnh chờ thương thảo giải quyết, song nói thế nào trương Lộc cũng chẳng nghe. Thậm chí, bọn tuần đinh còn sầm sập chạy vào giữa sân, rồi định xông vào nhà ngang bắt mấy người làm thuê, trói mang ra điểm. Anh Mường từ nhà ngang bước ra đứng dưới gốc cây thị. Anh Mường tuy thấp nhưng to như ông hộ pháp, cởi trần, ngực nở như vú đàn bà, cánh tay cuồn cuộn bắp thịt, màu da nâu bóng như pho.tượng đồng hun. Mắt anh trợn tròn tóe lửa. Anh chầm chậm đi tới trước mặt đám tuần đinh. Thấy anh tiến tới, một tuần đinh liền vung tay thước bổ xuống đầu anh Mường. Anh Mường hét to, phi tới. Thoắt một cái, anh đã tránh được và áp sát địch thủ, nắm lấy tay anh tuần đinh, bẻ quặt ra sau. ánh vặn mạnh làm anh tuần đinh kêu la như cha chết. Anh Mường quát:
- Tao bẻ gãy tay cho mày hết đánh.
Cụ đồ bước ra ôn tồn nói:
- Thôi, tha! Đừng bẻ gãy tay nó.
Nghe lệnh cụ đồ, anh Mường tha cho người tuần đinh, nhưng trước khi tha còn nhấc bổng hắn lên, quay tròn một vòng, rồi lăng mạnh hắn ra xa, ném vào bụi hoa hồng. Từ ông trương Lộc cho đến lũ tuần đinh thấy thế đều vỡ mật bay hồn. Trương tuần bại trận kẻo lũ lâu la quay về điểm.
Đám kỳ hào tức lắm. Một hôm họp nhau quanh bàn đèn nhà ông hương ất, có ý kiến định làm to chuyện, kiện lên quan huyện. ông quản Boong cao to lực lưỡng, vỗ ngực bồm bộp, nói oang oang:
- Các cụ cứ để cho "moa". Mua đã sang Tây đánh nhau với Đức. Nó cao to hơn moa còn bị thua. Cái thằng Mường ngớ ngẩn ấy đã thấm gì. Chẳng cần dụng văn, cứ để mua dụng võ là được.
Cụ tiên chỉ Nhậm cười, lắc đầu:
- Văn cũng chẳng được mà võ cũng không xong. Văn ư? Về phía ta, cụ tú Cao và ông Lý chưa nghe. Còn về phía họ, thế lực ở làng ta ai chọi nổi ông phủ Lê. Quan huyện cũng phải vì nể gia đình họ vài phản. Kiện ư? Chưa phải lúc đâu. Vả lại, một con người đã đi tù Côn Lôn, họ sợ gì cái chuyện kiện cáo vặt vãnh này. Còn võ ư? Thế ông có biết thằng Mường đó là ai không? Nó là võ tướng của cụ Đốc xưa kia đánh Tây và cũng đã ở tù dăm năm. Nó võ giỏi, được cụ đốc cho theo hầu ngựa bảo vệ cụ Tiết. Nghe nói anh Mường tay không địch nổi mười người. Ngón giỏi nhất của anh ta là đánh thiết lĩnh. Có thiết lĩnh trong tay, anh ta dám chọi với vài chục người. Ông quản ơi? Coi chừng! Sang Tây không chết, chẳng lẽ về đây lại thân bại danh liệt. Chẳng lẽ ngoài biển khơi không hề gì, về làng lại chết đuối trong ao...
Cụ tiên chỉ khích tướng, nghĩ rằng quản Boong phổi bò, sẽ sang nhà cụ đồ Tiết gây sự. Không ngờ, quản Boong cũng là tay trải đời. ông ta đã được nhà nước Pháp tặng thưởng mề đay thì đâu có phải đứa ngu. Xưa kia, ông chỉ là thằng đầu bò đầu bướu trong làng, ra đình chẳng có chỗ ngồi. Đám hào mục trong làng ai cũng gọi Boong là thằng. Nhờ đi lính, ông từ kẻ cùng đinh nhảy lên hàng chức sắc. Khi về làng, vì có mề đay và chức tước, ông nhảy phắt một cái, ngồi chễm chệ lên chiếu nhất, ngang hàng sánh vai cùng các cụ tiên chỉ, chánh tổng và các nhà khoa bảng.
Vậy liệu một người như ông có nên ra tay cùng một thằng Mường khố rách áo ôm, dở điên dở dại hay không? Chắc chắn là không! Bởi vì được cũng chẳng vinh, mà thua thì quá nhục, danh tiếng của ông sẽ bị dìm xuống tận bùn đen, lại còn làm thành trò cười cho lũ hào lý, lũ chữ nghĩa trong làng.
Quản Boong hiểu lắm chứ, tuy bọn người này ngồi cùng chiếu với ông, nhưng ông biết tỏng, trong bụng họ, chẳng ai coi ông ra gì. Cái lão tiên chỉ này thật thâm hiểm. Lão ta định đẩy mình ra phía trước để thí tốt.
Thực ra, hắn đểu với mình. Lão ném đá giấu tay, đưa mình ra đối đầu với họ Đinh. Dùng một đòn, đánh cả hai. Quản Boong rất rõ tiên chỉ Nhậm ghét đồ Tiết. Hình như họ ghét nhau từ hồi còn trẻ. Còn mình với ông Tiết nào thù hằn gì, thậm chí trái lại còn là chỗ đi lại tiêu sầu giải muộn với quân cờ... Hà hà... Thực ra, tiên chỉ cũng chẳng ưa gì mình. Lão ta không thích mình ngồi cùng mâm ngoài đình. Lão ta định dùng kế tọa sơn quan hổ đấu Được lắm, ta đâu có dại. Nghe như vậy xong, quản Boong trả lời ông tiên chỉ:
- Tôi có cây súng săn. Người Tây họ văn minh lắm. Chẳng cần gì phải vật lộn, đâm chém nhau, chỉ cần bấm một cái, thế là xong, đỡ mất sức. Nhưng mà... công việc này đâu phải việc nhà binh chúng tôi. Trong làng đã có các cụ Trị dân: đó là việc của ông hương, ông lý, cụ tiên chỉ, cụ chánh... Còn tôi ư? Tôi chỉ là bậc hưu trí, về làng an dưỡng tuổi già.
Như vậy, muốn gây sự, nhưng chẳng ai chịu đứng ra trực tiếp gây sự. ở thôn quê bao giờ cũng vậy; đánh là đánh kẻ không dây không nhỏ, những kẻ thấp cổ bé họng; chứ đánh vào kẻ, dù đã ngã ngựa, nhưng vẫn còn dây còn nhỏ, còn chút thế lực ở đâu đó thì đừng. Phải nể mặt nhau một chút chứ. Và, biết đâu đấy, đến lượt ta, lỡ khi nào ta thất thế thì sao.
Vì lý do trên nên từ đấy, hào lý kỳ mục ở Cổ Đình mới chịu để yên cho cụ đồ Tiết cam phận sống. Không những thế, lắm kẻ thấy đánh không xong, liền đổi ngược thái độ, quay trở lại làm thân với cụ. Người hay đến nhà cụ Tiết nhất là quản Boong. Lão tìm đến để đánh cờ. Quản Boong bề ngoài rất hùng hổ, lúc nào cũng như thể muốn tấn công kẻ khác, song khi đánh cờ lại chuyển về thế thủ. Dàn trận, bao giờ cũng phóng xe lên thật nhanh giữ hà. Lão dùng hết cách giữ thâm cung và cố hết sức ngăn đối phương không cho xâm nhập đất đai của mình. Lão khư khư giữ quân. Chém được một quân của lão phải toát mồ hôi hột. Một ván cờ của lão có khi mất nửa buổi. Lão bảo rằng: "Cứ thế thủ như vậy, cứ cù nhầy như vậy, chắc chắn thế nào cũng có lúc đối thủ sất ruột quá, sẽ bộc lộ sơ hở. Lúc bấy giờ, chỉ cần đập một cái là đối phương tàn đời ngay". Với chiến thuật ấy, quản Boong đã hạ hầu hết các kỳ thủ trong làng. Ở bên bàn đèn nhà ông hương ất, có khi lão đã rung tít đùi lên mà khoác lác:
- Mai phục suất đầu có khi phải mai phục suất đời mới có cơ hội.
Do vậy, quản Boong chỉ thích đánh cờ với cụ Tiết. Đánh với cụ có ván được ván thua, và ván thua của hắn có phần nhiều hơn.
Cụ đồ Tiết có lối đánh cờ khác hẳn quản Boong. Cụ không cố chấp, không khư khư chỉ đánh một cách. Người ta bảo cụ đánh cờ có sách. Cụ công thủ song toàn. Khi thuận tiện thì kẻo đối phương vào thế. Để phá kiểu đánh của quản Boong, sau khi đã bố trí quân phòng vệ kỹ càng, cụ liền ra sức tấn công, đổi quân, rồi thí quân, thậm chí có lúc chịu nhường cho địch hơn hẳn quân nhưng lại rơi vào thế trận.Cụ luôn cố tạo ra cái thế thượng phong. Địch định kéo dài, cụ không cho kéo dài. Địch muốn cù nhầy, cụ không cho cù nhầy. Địch cố giữ quân, cụ đánh tiêu diệt. Thành thử dần dần, càng ngày quản Boong càng thua nhiều hơn. Rồi cuối cùng, lão bị thua liên tục. Lão ức lắm, càng hay đến nhà cụ đồ Tiết hơn để gỡ, nhưng gỡ không được. Quản Boong hỏi:
- Cụ đồ học đánh cờ ai mà giỏi thế. Tôi thấy càng đánh cụ càng giỏi hơn.
Cụ đồ Tiết cười khà và đặt câu hỏi trở ngược:
- Điều này, tôi phải hỏi ông trước. Ông trả lời trước tôi sẽ trả lời sau. ông học đánh kiểu cờ cù nhầy này từ ai?
Quản Boong cười phá lên:
- Học ai ư? Dễ hiểu thôi, học ở làng ở xóm. Trước hết học cụ tiên chỉ, sau đó học ông chánh, ông lý. Nói tóm lại, học ở phép xử sự hào lý làng ta. Hào lý mà thù hận nhau ư? Họ sẽ để bụng cả đời. Họ sẽ rình mò, chờ cơ hội cả đời. Cứ chờ cả đời, sẽ có lúc đối phương sơ hở. Chỉ đến khi đó, họ mới ra tay, mà đã ra tay là phải ra tay tàn độc. Phải làm cho đối thủ tan cửa nát nhà; phải làm cho đối thủ thành kẻ khố rách áo ôm, để cho đối thủ sẽ không bao giờ ngóc đầu gượng dậy được. Đánh rắn phải đánh giập đầu, nếu không nó sẽ trả thù.
Cụ đồ Tiết cười với vẻ mặt rầu rầu. Cụ nói với quản Boong giọng nhỏ nhẹ nhưng thâm trầm:
- Chả trách ông bị thua là phải. Ông học phép đánh cờ hào lý. Còn tôi, tôi học đánh cờ từ sách. Hào lý thôn quê chỉ có một cách đánh cờ, bởi vì suốt đời họ chỉ ru rú trong làng. Họ là vua quan ở trong làng. Còn sách của tôi thì ghi lại cách đánh cờ của nghìn làng, vạn làng. Ông thua là phải rồi.
- Cụ dạy tôi cách đánh cờ trong sách nhé.
- Khó đấy? Học đánh cờ đầu tiên phải học chữ. Phải đọc thiên kinh vạn quyển.
- Nếu thế, phải mất vài chục năm. Học chưa xong chắc tôi đã chui xuống lỗ rồi. Thôi, tôi đành chịu thua cụ vậy. Tôi xin kiếu sách của cụ.
Cả hai người, xong câu chuyện, đều cùng phá lên cười. Thực ra, cụ đồ Tiết không muốn bắt thân với quản Boong, nhưng ông ta cứ đến nhà dù cụ không mời, cụ Tiết đành chịu chấp nhận vì chẳng biết làm cách nào. Có lúc ông ta còn mang cả chè ngon đến. Các cụ ngày xưa rất chọn bạn giao du; với kiểu người như ông Boong, sự giao du có khi là con dao hai lưỡi. Cụ đồ rất hiểu điều đó, cụ cũng biết ông ta đến nhà cụ để làm gì, cũng có thể chỉ do sự thô thiển dễ dãi của ông ta, nhưng cũng có thể do ông ta muốn tìm chờ cơ hội, tuy nhiên cụ Tiết vẫn chưa tìm ra cách nào để ngăn ông ta đừng đến nhà mình nữa.
Mà cụ Tiết cũng không thể ngờ được cái cơ hội mà quản Boong vẫn chờ đợi ấy lại bắt đầu từ anh Mường.
Hồi đi theo cụ Đốc chống Pháp, cụ Tiết vì có chút chữ nghĩa, nên được cụ Đốc cho làm thư lại trong nghĩa quân. Cụ đồ chưa làm được vai trò vị quân sư cho cụ Đốc, tuy nhiên đã ở mức một mưu sĩ nhỏ, một kẻ có học, thỉnh thoảng có thể giúp được những việc nho nhỏ cho chủ tướng. Tuy cụ Tiết chỉ là một thư lại nghĩa quân, song cụ Đốc cũng rất quý trọng. Cụ Đốc cử anh Mường, một võ sĩ giỏi, làm người giữ ngựa, kiêm chân vệ sĩ cho cụ Tiết. Trong một trận giáp lá cà, anh Mường bị thương vào đầu, từ đó anh ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Tuy trí óc trở nên mơ hồ, nhưng võ nghệ vẫn không quên, lòng trung thành của anh với cụ Tiết cũng vẫn không suy suyển, còn tính hiền hòa cố hữu cũng không thay đổi.
Suốt ngày, anh Mường mặc chiếc quần lửng, mình cởi trần phô bày một thân hình vạm vỡ, nâu bóng. Cái thân hình khổng lồ, thâm thấp, chắc nịch ấy lại lọt vào cặp mắt xanh của một cô gái tên là Ngơ. Cô Ngơ chính thực tên là Ngó (ngó sen, ngó cần) bởi vì cô trắng nõn nà. Thân hình cô tròn trĩnh, mặt bụ bẫm phúng phính, thứ gương mặt của trẻ thơ hay mặt Phật. Lúc nào môi cô Ngó cũng điểm nụ cười.
Mẹ cô Ngơ là bà Móm ở cuối làng, gần gốc cây gạo. Nhà không có ruộng. Mẹ con sống lần hồi bằng mò cua bắt ốc. Ngày mùa đi làm thuê. Lúa gặt xong thì đi mót thóc. Cả ngày Ngó chẳng nói một câu. Ai hỏi gì cũng chẳng biết trả lời ra sao, chỉ cười trừ. Phải, cười. Trái, cười Mắng cũng cười. Chửi cũng cười. Cô ngây ngây như thế nên cả làng không gọi cô là Ngó nữa mà gọi cô là Ngơ. Bà Móm chết vào một ngày đông giá lạnh. Sau khi mẹ chết, Ngơ chỉ biết lay lất sống một mình. Bởi vì Ngơ vừa nghèo vừa dở hơi nên đám con trai chẳng ai chịu lấy, cả những thằng nghèo rớt mùng tơi cũng thế. Tuy không chịu lấy Ngơ, nhưng đám con trai trông thấy cô đứa nào cũng thèm. Thèm vì cô không xấu lại trắng trẻo bụ bẫm. Thèm vì cô đặc biệt có đôi vú ấm giỏ rõ to. Cái yếm đào rách, lại bé, không đủ rộng che đôi vú ấy. Đôi vú quá cỡ làm chiếc yếm luôn luôn hếch ra, làm đôi vú thường ở tình trạng nửa kín nửa hở, làm đám con trai trong làng trông thấy cô, như rồ hết lên cả lũ. Mùa nóng nực, buộc chặt hai chiếc dải yếm ra phía sau lưng thì bức bối khó chịu, nên khi về túp lều nhà mình, cô Ngơ thường cởi yếm ra, để mặc đôi vú ấm giỏ được tự do thỗn thện. Đám con trai tinh nghịch, vào đêm trăng sáng, thường mò đến túp lều, chọc thủng vách đất để nhìn trộm đôi vú trắng nhễ nhại và vĩ đại ấy. Nhìn trộm thoải mái, sau đó cười khúc khích với nhau. Nghe tiếng rúc rích, cô Ngơ liền vác cây gậy tre, chẳng thẹn thùng gì, cứ để đôi vú trần nhún nhẩy để vừa xua đuổi lũ quỷ sứ, vừa chửi rủa ồn ĩ.
Tuy dở hơi, song cô Ngơ giữ gìn rất kỹ. Nhiều kẻ định lợi dụng bờm xơm, nhưng không bao giờ cô chịu. Bà Móm, trước khi nhắm mắt đã dặn dò cô kỹ lưỡng:
- Đừng để cho bọn con trai nó đè lên người rồi bóp vú mình. Nó mà đè lên được là có chửa đấy. Khổ lắm con ơi! Con ngơ ngẩn thế này, lại đẻ con thì biết lấy gì mà ăn. Chết đói đấy con ạ?
Ngơ đã trông thấy người chết đói rồi. Một kẻ ăn mày chết ở lều chợ. Người quắt queo nhăn nheo như quả tram khô. Chỉ thấy da bọc xương, đen đủi, tóc rụng hết, răng trắng nhởn, mắt hõm sâu như hai lỗ đáo, lê người không nổi. Hôm trông thấy người ăn mày chết đói, đi chợ về, Ngơ cứ khóc mãi, cụ Móm phải dỗ dành an ủi mới nín. Ngơ sợ bị chết đói, nên lúc nào cũng giắt con dao nhọn nhỏ bên vành váy. Có thằng con trai táo tợn đang đêm lẻn vào định hiếp, nó bị Ngơ đâm cho một nhát dao vào vai. Từ đấy, đám trai làng chỉ biết nhìn đôi vú ấm giỏ của Ngơ mà thèm nhỏ dãi, chứ chẳng thằng nào dám bén mảng tới gần để lợi dụng cô nữa.
Ngơ gặp anh Mường rồ liền mê mẩn ngay. Chẳng biết họ tỏ tình với nhau bằng cách nào, bởi vì không thấy hai người nói với nhau một lời. Chỉ thấy hai người thường nhìn vào mắt nhau và cười. Cũng không thấy họ nói với nhau bằng bàn tay ra hiệu. Chẳng lẽ chỉ nhìn nhau không mà cũng hiểu ý của nhau sao. Chẳng lẽ ánh mắt cũng biết nói hay sao.
Người ta thấy Ngơ thường đến khu vườn nhà cụ đồ Tiết. Gặp được anh Mường là cô đi theo anh như cái đuôi Anh chẻ củi, cô ngồi bên cạnh; được thanh củi nào, cô khéo léo xếp thành đống. Anh cuốc cỏ, cô cũng tìm một cái cuốc làm giúp. Anh chăm sóc ông, cô núp sau lưng anh. Anh Mường lấy cái áo trùm lên vai mình, trùm kín cả đầu cô. Anh vào rừng hái củi, cô cũng theo anh hái củi.
Thành thử, cụ Tiết nuôi anh Mường, lại nuôi luôn cả cô ăn với anh Mường, nhưng không bao giờ cô ngủ ở nhà cụ Tiết. Tối đến, cô lại quay trở về căn lều cuối làng. Rồi một đêm, người ta bắt gặp anh Mường đến lều cô Ngơ. Anh ngồi trên hòn đá mồ côi trước cửa lều. Cô gái ngồi trên đùi anh, không mặc yếm. Còn anh Mường thì đùa nghịch với đôi vú ấm giỏ. Anh ngửa lòng bàn tay hứng dưới cái vú, rồi nâng nó lên. Cái vú vừa to, vừa dài, giống quả mít không có gai. Quả mít trắng, núng nính, nhún nhảy trên bàn tay. Mới đầu chỉ nâng một vú, rồi sau, hai bàn tay nâng niu hai vú. Mỗi lần đôi vú nảy lên, cô Ngơ lại cười khúc khích.
Đám con trai trong làng tức lắm, song chẳng anh nào dám lại gần, vì họ đều biết chuyện anh Mường giỏi võ, quăng anh tuần đinh như quăng một con nhái bén. Rồi với đoạn đôi trai gái vào trong lều, ôm xoắn xuýt lấy nhau, hết ở trên giường lại lăn xuống đất. Họ yêu nhau hổn hển, có lúc oai oái. Đám trai làng nhìn qua kẽ vách thấy họ như đôi rắn phủ nhau. Một cậu tức không chịu được nữa, bèn hét toáng:
- Bớ làng nước, thằng Mường hiếp con Ngơ.
Anh Mường phải bỏ dở cuộc truy hoan vì gã trai kia kêu quá to, kêu nổi làng nước. Anh Mường không kịp đóng khố, anh cởi truồng chạy ra khỏi lều, tóm được thằng la làng. Anh liền nhấc bổng hắn lên khỏi đầu, quăng tùm hắn xuống cái ao tù gần đó. Gã trai leo lên bờ, anh Mường lại tóm được, quăng xuống ao lần thứ hai. Cuối cùng hắn phải lạy như tế sao, anh Mường mới chịu tha không ném hắn xuống ao lần thứ ba.
Cụ tiên chỉ Nhậm, sau khi biết chuyện, đã gầm lên ở ngoài đình:
- Hỏng! Hỏng! Đã làm bại hoại thuần phong mỹ tục, lại còn dám cả gan hành hung người lương thiện.
Cụ Nhậm bảo quản Boong:
- Bây giờ ông ra tay là có cớ đấy. Được rồi đấy? Phải biết rằng phép đánh cờ, ngoài mưu mẹo trong sách ra, còn phải có thời, có thế. Hãy cho lão đồ gàn biết rằng bọn hào lý trong làng Kẻ Đinh này cũng giỏi đánh cờ chẳng kém gì ai. Chúng ta đang đắc thời, đắc thế. Chẳng lẽ...
- Xin bái phục cụ tiên chỉ thâm nho.
Cụ tiên chỉ lên huyện xin lính khố xanh bồng súng về làng. Tiếp sau đó, lính huyện, tuần đinh, cả quản Boong và ông hương nữa (Lý Cỏn không chịu đi, đùn cho hương Ất thay mình) hùng hổ đến bao vây nhà cụ đồ Tiết. Lý Cỏn đã mật báo cho cụ Tiết biết trước sự việc. Cụ đồ cũng biết cái thế đã đến nước không chống lại được, nên cụ đã bảo anh Mường, thuộc hạ của mình, trốn vào rừng khi gà còn chưa gáy sáng. Bọn lính, trước lúc vào nhà, bắn súng thị uy. Ông hương hỏi:
- Thằng Mường đâu rồi?
Cụ Tiết mềm dẻo mời tất cả vào nhà, và nói với họ:
- Thằng Mường sợ oai các vị, sau khi xảy ra vụ việc, đã trốn biệt tăm.
Quản Boong cười:
- Thế là từ hôm nay, khi tôi đánh cờ với cụ lại thiếu mất đứa quạt hầu.
Sau đó, quản Boong nửa nạc, nửa mỡ:
- Ván cờ này cụ đồ thua to rồi nhé.
Cụ đồ như ngạc nhiên:
- Ván cờ nào nhỉ?
Tiên chỉ Nhậm, khi ấy mới đến, gật gù cười:
- Ván cờ to thế mà cụ quên được sao.
Cụ đồ Tiết nghiêm nét mặt ngẫm nghĩ rồi trả lời:
- Tôi đánh cờ tồi, quả là vậy, nhưng tôi nghĩ còn nhiều người khác chơi cờ giỏi hơn tôi nhiều.
Không bắt được anh Mường, đám người hùng hổ ấy liền đến túp lều cuối làng bắt cô Ngơ. Họ lôi cô ra điểm, trói vào cột. Đám tuần đinh được lệnh để mặc cho cô nhịn đói, và phải trói cô ở cột suất đêm, để cho muỗi đốt.
Mấy anh tuần đinh nghịch thì có nghịch, song lại thấy thương. Có anh về nhà, đem cơm nắm ra, đút cho cô ăn. Tuy nhiên anh ta cũng không chịu bỏ lỡ cơ hội, nghĩa là anh ta luồn tay chui vào cái yếm, vê vê cái núm vú, sau đó xoa nhẹ vuốt ve cái bầu vú ấm giỏ vừa mượt vừa mát. Cô Ngơ mếu máo khóc như đứa trẻ.
- U ơi! Khổ thân con quá u ơi!
Rồi cô còn gọi:
- Anh Mường ơi! Cứu em với?
Cô ti tỉ khóc cho đến quá nửa đêm. Chân tay Ngơ bị trói tê dại, nhưng mệt quá nên Ngơ ngủ đứng trên cột. Cô ngoẹo đầu, mơ mơ màng màng. Cái Ngơ mơ thấy bà Móm trở về với cô. Bà cụ lắc đầu nói rằng: "U đã bảo con rồi. Đừng để cho thằng con trai nó đè lên bụng. U nói có sai đâu. Bây giờ làng bắt vạ; u chết rồi, cứu con sao nổi".
Ngơ buồn quá, trong phút nửa tỉnh nửa mơ lại trào nước mắt sụt sùi. Chính lúc ấy, có ai vỗ nhè nhẹ vào vai và có tiếng thì thào bên tai:
- Ngơ ơi! Tỉnh lại đi!
Ngơ choàng mở mắt. Cô mở miệng định nói, thì có bàn tay bịt miệng cô lại. Dưới ánh sáng cây đuốc chập chờn, Ngơ nhận ngay ra cái bóng hộ pháp của anh Mường. Bọn tuần đinh đều đã ngủ say. Chúng ngả ngốn nằm trên hai manh chiếu rách. Anh Mường cắt dây trói cho Ngơ, làm động sột soạt, nhưng chúng vẫn ngủ say. Lúc anh Mường cõng cô lên lưng làm rơi con dao, thế mà chúng vẫn không hay. Thậm chí, lúc bước xuống sân, vấp phải hòn gạch gây ra tiếng động to, chúng vẫn ngáy pho pho. Mà nói dại, nhỡ có đứa nào thức tỉnh, mắt nhắm mắt mở, trông thấy anh Mường cứu cô Ngơ đi, chắc nó cũng chẳng đám ho he đánh động; bởi vì ai còn lạ gì cánh tuần đinh, họ sợ anh Mường nhiều lắm sau mấy vụ vừa qua, nhất là khi bên hông anh Mường lại đeo con dao quắm sáng loáng. Từ đó, anh Mường rồ và cô Ngơ sống với nhau ở trong rừng, bên kia sông, quá ngọn núi Đùng, ở đó có khu rừng dày ít ai tới. Dân làng có lúc thấy bóng họ ở khu núi đá, nhưng vì anh Mường chẳng làm hại ai bao giờ, nên họ mặc kệ. Chỉ riêng cụ tiên chỉ Nhậm là vẫn kiên quyết. Cụ bảo rằng:
- Ai bắt được thằng Mường, tôi thưởng cho chục bạc.
Giết chết được nó cũng có thưởng. Nghe vậy, biết vậy. Chuyện đâu để đó. Ai dại gì gây sự với anh. Mười đồng bạc mà liều mạng, chả bõ. Vả lại, tội của anh ta chỉ là lấy một cô gái ngơ ngẩn làm vợ. Có khi điều đó chẳng phải tội mà lại là phúc.
Anh Mường từ đó sống bằng cách săn bắn và đào củ trong rừng. Có người còn bảo thấy nương rẫy của anh ở mãi tít trong rừng xa. Không biết ai cho anh ta giống ngô khoai. Tuy nhiên, dân làng dẫu không thù ghét anh Mường, song họ cũng không thích anh xuất hiện trong làng. Bởi vì sự phóng túng của anh với cô Ngơ dẫu sao cũng là một tấm gương mà con gái làng chớ nên theo. Vả lại, dân làng thích sống yên ổn, họ không muốn sự xáo trộn khi anh có mặt. Nào đám tuần đinh gậy gộc xua đuổi, nào đám trẻ con náo nức đi xem. Nghe nói anh Mường bắn tên thuốc độc giỏi lắm. Nhỡ ra có cuộc xung đột, thì đao kiếm gậy gộc, mũi tên hòn đạn, đâu có biết kiêng ai.
Còn về phía anh Mường, anh cũng chẳng thích vào làng, vì ngoài cụ đồ Tiết ra, anh chẳng quen ai trong đó. Chỉ vạn bất đắc dĩ, một năm đôi, ba lần, anh mới lẻn về vườn cụ đồ để xin gạo, xin ngô.
Có bận, lão quản Boong tối mịt còn sang đánh cờ. Hắn đang mê mải với cụ Tiết, chợt cảm giác như có ai đang nhìn vào gáy mình. Lão quay lại nhìn ra ngoài cửa sổ, thì thấy bóng một cái đầu hiện ra với hai con mắt sáng quắc.
Quản Boong hét lên: "Có người? Có người!". Cụ đồ Tiết cố làm cho lão yên tâm, song lão không chịu. Quản Boong cầm súng săn chạy ra sân. Rồi lão ta bắn bừa vào trong đêm tối đùng! đùng! Tiên chỉ Nhậm hỏi chuyện ấy ra sao, quản Boong cười hi hí:
- Tôi suýt bắn chết được thằng Mường. Tí nữa thì được chục bạc thưởng của cụ.
Mẫu Thượng Ngàn Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh Mẫu Thượng Ngàn