Số lần đọc/download: 2471 / 19
Cập nhật: 2015-10-28 17:53:29 +0700
Chương 13 -
K
hông hiểu tại sao sáng nay nàng đứng soi gương, chải tóc lâu hơn mọi khi. Cái tính ý khác hẳn đó làm cho ông sáu Long phải chú ý. Nãy giờ ông đếm thử, ông đã nhấm nháp hết bốn chén trà rồi, mà Nương chải tóc vẩn chưa xong.
Ông vụt buông chén đứng lên với giọng hàm chút bất bình:
- Tự nãy giờ mà cũng chưa xong hay sao, con?
Nương cứ ngắm bóng mình trong gương, vừa cau mặt:
- Tóc con rối nùi nè nội, chải hoài... chải hổng được, ghét quá hà...!
Ông sáu Long lấy gói thuốc rê nhét vào túi áo, vừa bảo:
- Ở nhà mà con, chải sơ sơ được rồi.
- Chút xíu nữa hà, nội.
Ông sáu Long đi luôn ra cửa:
- Coi nhà, nội đi đây chút à nghen.
Nương dừng tay lược nhìn theo sau lưng ông sáu Long hỏi nhanh:
- Chừng nào nội về?
Ông sáu Long ngoảnh lại:
- Nếu kiếm không được ai, chắc nội đi hơi lâu.
- Nội đi mau mau, nghe nội.
Ông sáu Long dặn thêm:
- Như trên nhà ông cả có ai xuống hái trái cây thì con cứ hái cho người ta, khỏi cần phải đợi nội về.
Nương quay vào lo quét dọn nhà cửa để sửa soạn ăn Tết. Quét xong trong nhà, nàng định lấy dao ra làm cỏ sân thì nghe có tiếng chân đi lẹp bẹp ngoài nhà trước. Lúc đầu nàng còn tưởng là ông sáu Long về, nhưng nhớ lại ông sáu Long không bao giờ mang guốc hay dép, nàng nghi là Thái đến nên rút luôn trong bếp, không dám ra, mà,cũng không lên tiếng hỏi.
Nàng lắng nghe tiếng chân đó ngập ngừng, rồi dừng lại, dường như ngay đầu bàn mà ông sáu Long thường ngồi uống nước. Rõ ràng là giọng của Thái gọi tên nàng:
- Nương à!
Nương nghiêng đầu qua cửa nhà bếp nhìn lên xem Thái đứng chỗ nào, nhưng không lên tiếng đáp. Thái nghe bồn bề im lặng, nên gọi tiếp:
- Ông sáu ơi!
Nương làm thinh.
Thái tiến thêm mấy bước:
- Nương à! Nương ơi!
Vừa dứt lời, chợt thấy nửa gương mặt của Nương nép bên khung cửa, chàng mừng reo lên:
- Coi kìa! Đứng đó mà người ta kêu, cứ làm thinh vậy hà.
Không muốn cho Thái bước thẳng vô trong, Nương liền đi ra với nét mặt nghiêm nghị và không biết nàng có còn giận hờn chi không mà nàng hỏi một câu trống không:
- Kêu chi vậy?
Thái cười tủm tỉm:
- Anh qua kiếm em...
Nàng liếc nhìn cái gói giấy trên tay Thái:
- Kiếm chi vậy?
- Anh phải giữ lời hứa hôm qua.
Vừa nói, chàng vừa bước lại gần Nương trao gói giấy ấy cho nàng:
- Nè em...
Nương ngại ngùng chưa dám nhận:
-Gì đây?
Thái đổi nụ cười cợt:
- Đố em.
Nương lắc đầu:
- Tôi hổng biết nổi.
Thái dúi gói giấy vào tay Nương:
- Em cầm đi rồi biết.
Nương giấu tay sau lưng:
- Thôi, ai biết gì đây mà cầm.
- Cứ cầm lên tay đi rồi biết liền mà.
Nương xoáy mắt nhìn Thái:
- Anh phải cho biết cái gì đây rồi tôi mới dám cầm. Chớ khi không đưa cái gói biểu người ta cầm, nhè bắt con gì gói trong đó, cho ngươì ta cầm, người ta chết giấc...
Thái bật cười lớn:
- Con gì đâu? Ai nhát em sao mà sợ. Nè... lấy đi, cho em đó.
Nương lắc đầu lia lịa:
- Thôi...
Thái hạ giọng nói nhỏ:
- Đôi dép.
Đôi mắt Nương vụt sáng lên vẻ vui mừng, đó là nỗi vui mừng của con trẻ khi được người ta cho quà bánh. Tánh nết trẻ con của nàng làm cho nàng quên hết những gì xảy ra hôm qua.
Nàng rụt rè tiếp lấy gói giấy, vừa hỏi Thái:
- Nói chơi mà cho thiệt ha?
Thái thầm lấy làm sung sướng:
- Anh hứa với em là anh phải giữ lời chớ. Em mở ra mang thử coi vừa chân em hay không.
Thấy Nương còn ngượng ngại chưa chịu mở lớp giấy gói ra, Thái liền giật cái gói lại, mở lấy đôi dép mới tinh đặt ngay dưới chân Nương, đoạn bảo:
- Em xỏ chân thử đi.
Nương nhìn đôi dép, rồi so sánh với đôi chân mình, vừa chúm chím:
- Chưn tôi dơ.
Thái nhanh miệng:
-Kệ nó mà.
Nương thấy không đành đem đôi chân bám đất cát mà xỏ vào đôi dép mới, nàng liền quay gót:
- Để tôi đi rửa chưn đã.
Nàng chạy ngay vào buồng lấy đôi guốc, ra sau mương rửa chân sạch sẽ để thử dép trong lúc Thái sốt ruột đứng đợi. Thái trông theo dáng nàng, vừa tủm tỉm miệng cười ý nhị.
Chốc sau, Nương mang guốc đi lộc cộc trở lên mà trên tay lại có cầm theo cái nùi giẻ. Nàng ghé ngồi nơi cạnh ván dùng giẻ lau khô đôi bàn chân.
Thái xách đôi dép theo lại bên cạnh, tắc lưỡi:
- Em kỹ quá!
Nương phân bài:
- Vậy chớ... chưn tôi dơ quá mà. Không kỹ thì lấm đôi dép làm sao.
Thái đứng chực sẵn, rồi khi nàng vừa lau chùi, chàng liền ngồi xỗm ngay dưới chân nàng, một tay cầm chiếc dép, một tay nâng bàn chân nàng xỏ vào...
Nương cứ ngồi yên không phản đối. Chắc là nàng không chút đắn đo gì về sự săn sóc quá chu đáo của Thái như vậy.
Thái kín đáo nựng nịu bàn chân có mang chiếc dép:
- Vừa quá hả Nương?
Nương nhẹ gật đẩu có vẻ hài lòng:
- Ừ, vừa ghê! Vừa như có đo vậy.
Thái khéo léo gởi gấm chút tâm tình mình trong câu nói /
- Chân hai đứa mình bằng nhau. Hồi mua, anh có thử rồi thì cũng như em đã thử, đã đo... tự nhiên nó phải vừa chân em.
Và còn lại một chân, chàng lấy chiếc dép kia mang luôn vào chân nàng, thêm một cơ hội để cho chàng ngắm nghía, nâng niu cái bàn chân mà chàng thấy muốn gắn lên đó vài nụ hôn...!
Nhưng vì sợ Nương giận hờn nữa, nên chàng không dám thực hiện điều mà mình ước muốn!
Thái cứ ngồi luôn cái thế cũ:
- Chân em mang dép này đẹp lắm!
Nương tuột xuống ván, đứng ngắm đôi chân mình bằng tất cả niềm vui sướng:
- Êm chưn hơn mang guốc hả anh?
Thái mát ruột, mát gan lắm:
- Dép Nhựt mà.
- Anh mua bao nhiêu vậy?
- Mắc hơn tiền đôi guốc chút thôi.
Nương thử đi vài bước:
- Là bao nhiêu?
- Bao nhiêu cũng được, đừng hỏi. Của anh tặng cho thì cứ mang.
Nương nhìn Thái bằng đôi mắt biết ơn:
- Anh cho thiệt há?
Thái đứng dậy bước theo Nương:
- Còn thiệt hay giã gì nữa.
Thình lình, không hiểu Nương vừa nghĩ sao, nàng rút chân ra:
-Thôi..., tôi hỏng mang đâu.
Thái ngạc nhiên:
- Sao vậy, Nương?
Nương lúng túng lựa lời, đoạn ngập ngừng đáp:
- Tại... tôi hỏng quen mang dép thứ này.
Thái hơi buồn:
- Có gì đâu mà quen với không quen? Dể mang hơn đi guốc nữa mà.
Nương lắc đầu lia lịa:
- Thôi, anh đem về đi, tôi hỏng biết xài thứ này đâu, tôi đi guốc hà.
Vừa nói, Nương vừa cúi xuống lấy đôi dép lên phủi đất, đoạn đặt vào mảnh giấy gói lại như cũ. Cái tâm tính của người con gái ở trong thời kỳ nửa còn ngây thơ, nửa đang dậy thì, thật là khó hiểu vậy đó. Thoạt vui đó, rồi thoạt buồn đây!
Khi nàng ở vào tâm trạng của trẻ con, thì nàng hí ha, hí hửng nhận đôi dép của Thái cho cũng bằng ai cho vàng. Rồi lúc nàng bước sang tâm trạng dậy thì, nàng lại phải đắn đo nhiều về hành động của Thái. Nàng nhìn Thái bằng cập mắt khác đi và nàng nghĩ là Thái đem cho mình đôi dép ắt phải có ẩn ý gì đây...
Thái đã buồn xịu mặt:
- Nương không lấy thật vậy sao?
Nương khẽ gật:
- Anh tốt bụng với tôi, tôi cám ơn. Nhưng mà...
Thái chận lời nàng:
- Công anh ôm từ bên nhà qua đây mà Nương không chịu lấy, anh buồn lắm vậy đó.
Thấy Thái không được vui, Nương lấy làm băn khoăn nhưng nàng thấy không thể nhận tặng vật của Thái được. Nhận đôi dép đó thì nàng phải mang chớ không lẽ cất giấu mãi được. Mà hể mang dép của Thái cho rồi ông sáu Long thấy được, ông gạn, ông hỏi, thì nàng mới biết trả lời sao với ông đây.
Nàng nói nhỏ nhẻ với Thái:
- Anh đừng buồn tôi, Tôi biết thứ tôi xài không được nên tôi không dám lấy, chớ không phải tôi chê hay có ý gì khác đâu.
Giọng Thái hàm buồn xa xôi:
- Tại Nương, vừa nghĩ sao đó nên Nương mới trả đôi dép lại. Tôi biết... Chớ mang dép có khó khăn chi mà Nương nói là không biết xài. Mà thôi... Nương không chịu lấy thì thôi. Vật không xứng đáng đem cho, đem tặng nên Nương chê thì thôi... Người ta chê..., thì thôi...
Thái nhấn mạnh những tiếng chót cố ý cho Nương nghe rõ, vừa cố ý buộc khó cho Nương, để nàng không còn viện lý do gì mà từ chối được.
Qủa vậy, sau những lời nói mắc mỏ của Thái, tự nhiên Nương đâm ra bối rối, không biết phải xử trí thế nào cho vừa lòng chàng mà tránh được chuyện rắc rối cho nàng.
Nàng năn nỉ Thái:
Tôi đã nói, không phải tôi chê. Anh đừng giận tôi mà. Anh tặng cho tôi món gì khác thì tôi lấy liền.
Chàng cố gạn cho ra lẽ:
-Còn đôi dép sao Nương không chịu lấy?
Nương lúng túng:
- Ơ... ư... thì tôi đã nói cho anh biết rồi đó. Tôi quê quá mà mang dép này coi sao được.
Thái lắc đầu:
- Anh biết... không phải vậy. Nương cứ thành thật cho anh rõ ý của em đi. Nếu mà Nương cứ cho là mình quê, mình không biết xài, thì từ nay trở đi, anh không qua đây chơi nữa. Anh nói thiệt à.
Nương ra dáng nghĩ ngợi một lúc, đoạn khẽ nói
- Tôi sợ ông nội..., tôi không dám mang...
Thái chợt hiểu ý nàng, chàng liền đở lời:
- Nương sợ ông sáu hỏi ai cho đôi dép phải không?
Nương khẽ gật:
- Biết rồi thì anh đem về đi, đừng giận tôi, nghe hôn.
Thái giảng giải:
- Nếu ông sáu thấy đôi dép, hỏi của ai cho Nương, thì Nương cứ nói thật là của anh cho. Có gì đâu mà em phải sợ?
Nương lắc đầu lia lịa:
- Ý! Đâu được, ông nội tôi rầy chết.
- Anh thấy không có gì đáng rầy hết. Vậy chớ nội anh đem cho nội em món này, món nọ hoài đó, nội em cũng nhận vậy.
Tâm tính nàng con gái úp mở qua câu nói:
- Về phía hai ông già qua lại với nhau là khác, Còn tôi anh là khác...
Thái cắc cớ chụp ngay câu nói của Nương để vặn:
- Khác chổ nào?
Nương ngoảng mặt gạt ngang:
-Thôi...! Hỏi kỳ... ai mà trả lời được.
Thái đề nghị:
- Nếu em sợ ông sáu rầy thì em cất kín chổ nào đó, chờ đến Tết lấy ra mang. Ông sáu có hỏi, em nói em mua, đừng nói anh cho.
Giọng nàng hàm buồn chán:
- Tôi làm gì có tiền mà mua.
- Hay chờ những khi ông sáu đi vắng nhà, em đem dép ra mang.
Nương phì cười:
- Kỳ cục vậy!
Thái trở lại buộc khó cho nàng:
- Nếu Nương không chịu lấy, bắt anh đem trở về, thì anh buồn ghê lắm, anh giận ghê lắm!
Nương lấy làm khổ sở:
- Anh buồn, anh giận thì tôi chịu...
Thái hớt ngang câu nói của nàng bằng giọng rắn rỏi:
- Rồi từ nay về sau Nương cũng không còn thấy mặt anh nữa. Anh không bước chân qua đây nữa đâu. Để rồi em coi anh có nói sai hay không.
Nương nhìn xoáy vào mắt chàng với chút niềm xót xa đọng trong khoé:
- Tại sao anh không hiểu dùm tôi, mà anh lại nỡ đi giận hờn tôi? Tôi hứa, nếu anh cho tôi món gì khác thì tôi lấy liền mà.
Thái hạ thấp giọng:
- Anh đâu có gì khác nữa mà cho em.
- Thì thôi, anh coi như tôi đã lấy đôi dép rồi. Tội nghiệp tôi quá mà anh. Lúc này sao anh khó tánh quá vậy?
Thái nói nhanh:
- Anh khó tánh vì em đó.
- Tại sao lại vì tôi?
- Vì... lúc này tính ý em rất khó hiểu.
Nương ngây thơ phì cười:
- Tôi cũng còn là tôi, cũng mặt mũi này, cũng chân tay này, có thay đổi đi dâu mà khó hiểu.
Thế rồi đôi bên cứ giằng co, chàng nài nỉ thì nàng lại van lơn. Cuối cùng, Thái đành phải gói đôi dép kẹp nách đem về sau khi vứt lại cho Nương mấy lời hăm doạ:
- Anh không qua đây nữa đâu, nhớ nghe.
Thái về rồi, Nương chợt thấy lòng mình buồn ray rức. Nàng lấy làm khổ sở vô cùng. Không muốn để buồn lòng cho ông nội thì Thái giận, còn chìu theo Thái thì nàng bị rầy. Nàng biết phải tính sao cho vẹn đây. Nhưng rồi nàng cũng phải buông liều:
- Thái có giận ít ngày rồi thôi, không lẽ giận hoài tới già, tới chết hay sao.
Quả đúng như sự tiên đoán của Nương, chiều hai mươi tám Tết thì Thái lại lù lù trở qua nhà ông sáu Long. Mục đích của chàng không phải là đi hái trái cây đem về chưng bàn thờ, hay qua ngồi nói với ông sáu Long toàn những chuyện vu vơ cho đến khi ra về, mà chính là chàng đi tìm Nương, để được nghe tiếng Nương thỏ thẻ, để được ngắm môi hồng của Nương cười, nụ cười con gái đẹp hơn hoa mùa Xuân...!
Buộc lòng ngồi nói chuyện với ông sáu Long được vài phút thì chàng đứng dậy nhờ Nương đi hái cam, quít.
Nương ra đầu xông lấy lồng, xách giỏ trong lúc ông sáu Long dặn dò:
- Con ra ngoài mấy đầu bờ gần ngoài xẻo lá lựa hái cam quít tốt cho anh hai con. Ngoài đó có cây tơ mới có trái lớn, còn phía trong này trái lút chút không hà.
Giọng Nương nhão nhè nhão nhẹt:
- Dạ...
Thái liền chạy theo Nương. Thấy vậy, ông sáu Long bảo:
- Cháu cứ ngồi trong này chơi, để nó hái đem vô cho.
Thái nhanh miệng:
- Dạ được, để cháu ra coi cây trái luôn.
Ông sáu Long còn bước ra sân dặn vói theo Nương:
- Con nhớ cắt nguyên chùm cho ông cả để sắp dĩa chưng, nghe Nương.
Nương văng vẳng đáp:
- Dạ..., con biết.
Ra khỏi sân nhà, bước qua cầu bắc vào vườn. Thái liền tiến tới so bước ngang với Nương và níu cái giỏ trên tay nàng:
- Đưa anh xách cho.
Hồi còn ở trong nhà, Nương chưa nói được câu nào với Thái hết. Bây giờ, nghe Thái khơi đầu, nàng chúm chím cười, vừa hỏi trổng:
- Sao bữa hỏm làm mặt giận, nói không thèm qua đây nữa mà?
Thái mỉm cười và cúi mặt nhìn bàn chân của nàng bước, bàn chân không dép, không giày mà gót đỏ xinh xinh làm sao, chàng chẳng đáp sao hết.
Nương liếc ngang Thái, nhưng không phải là cái liếc mắt trao tình:
- Còn giận hết?
Thái đáp gọn:
- Hết rồi.
Nương cắc cớ hỏi vặn:
- Sao không giận luôn đi?
- Anh làm bộ vậy chớ đâu có giận hờn gì em.
Nàng hỏi gạn:
- Không có giận mà... hơi buồn thôi, phải hôn?
Thái đi sát bên cạnh nàng:
- Buồn nhiều chớ... hơi sao được.
Nương vội ngoảnh nhìn lại sau lưng, đoạn bước dang ra xa Thái một chút, như sợ ông sáu Long trông thấy, đoạn hỏi chàng:
- Bữa nay còn buồn hôn?
Thằng con trai làm núng:
- Còn buồn hoài!
Nương băn khoăn:
- Tôi có làm gì quấy đâu mà anh buồn hoài?
Thái đáp chẳng cần nghĩ ngợi:
- Tại em không chịu lấy đôi dép.
- Vậy thì cứ nói... giận... ghét người ta cho rồi đi, chớ buồn gì mà buồn hoài?
Thằng con trai khéo léo bộc lộ tâm tình:
- Giận thì cũng không phải giận, còn nói ghét... thì nên hiểu ngược lại, cho rằng buồn cũng không đúng lắm, nhưng cứ nói là buồn đi. Mà em phải hiểu rằng, nếu anh không... nghĩ nhiều về em thì anh đâu có buồn
Nương nhẹ cau mày tỏ vẻ khó chịu:
- Anh nghĩ... nhiều về tôi?
- Như em đã thấy, như đã biết.
Nương dừng lại dưới gốc quít tại đầu bờ, xóay nhìn chàng:
- Tôi có thấy gì đâu, tôi có biết gì đâu.
Thái đở lấy cây lồng trên vai Nương, dựng lên nhánh quít, vừa chậm rãi nói:
- Tại Nương không nhìn thấy và không muốn biết đó thôi.
Nương còn nhăn mặt:
- Mà anh nghĩ gì về tôi mới được chớ?
Thái buồn bã lắc đầu:
- Anh không dám nói, Nương cứ tìm hiểu đi.
Nương hơi khó chịu:
- Tại sao mà không dám nói? Tôi đáng em út của anh mà.
- Vì anh sợ Nương bỏ chạy... như hôm buổi chiều đưa ông Táo, rồi Nương lại giận hờn anh nữa.
Nghe Thái nhắc lại chuyện buổi chiều đưa ông Táo, Nương ửng mặt thẹn thùa, nàng cắn môi lặng thinh rồi lật đật cầm cây lồng đưa lên ngọn quít, móc ghì xuống một nhánh trĩu trái chín, nhưng không biết làm sao vói cắt từng chùm cho tới.
Thái bước tới gỡ lấy một bàn tay nàng, làm cho nàng buông ngã luôn cây lồng qua ngọn quít bên kia, hai ba trái rụng lịch bịch xuống đất.
Nương nhìn thẳng vào mắt Thái bằng tia mắt dò xét:
- Không để người ta hái mà giỡn cái gì vậy?
Thái nghiêm nghị cấm bàn tay nàng và mân mê chọn lấy ngón áp út. Thấy cử chỉ lạ lùng của Thái, nàng làm thinh có ý chờ chàng định làm cái gì cho biết.
Thái mò túi áo lấy ra một chiếc nhẩn vàng và đeo ngay vào ngón tay áp út của Nương bằng tất cả trịnh trọng...
Nương ngạc nhiên:
- Coi...
Thái tươi cười:
- Vừa lắm!
Nương ngây thơ:
- Đeo vô ngón tay người ta làm chi? rủi rớt mất, người ta lấy gì mà thường?
Thái nhẹ xoay chiếc nhẩn quanh ngón tay thon như tháp bút:
- Anh tặng em đó.
Nương lắc đầu, cương quyết:
- Không, tôi không dám nhận, không dám đeo...
Vừa nói, Nương vừa gạt tay Thái và lần gỡ chiếc nhẩn ra. Thấy vậy, Thái liền nắm chận ngay đầu ngón tay của Nương không cho nàng cởi nhẫn.
Chàng thốt lời tha thiết:
- Nương đã hứa với anh làm sao, Nương có nhớ hay không? Em đã nói rằng nếu anh tặng món gì khác thì em lấy. Bây giờ, anh tặng cho em chiếc nhẫn này, sao em còn từ chối nữa? Nương không nhận... tức là Nương phụ... lòng anh...
Nương lí nhí phân bua:
- Tôi không dám đeo vàng...
Thái nhanh miệng chận hỏi:
- Sao vậy?
- Nội thấy được thì chết tôi.
Thái hỏi gạn:
- Như vậy thì em nhứt định không nhận, phải hôn?
Nương lắc đầu:
- Anh có giận bao nhiêu, tôi cũng ráng chịu, chớ không bao giờ tôi dám lấy...
Thái chán chường buông ngón tay nàng ra:
- Tùy ý Nương, anh không dám nài ép.
Nương lần cởi chiếc nhẩn trao trả cho Thái, vừa năn nỉ Thái:
- Anh hiểu tôi, thì đừng có buồn giận tôi, tội nghiệp tôi lắm.Không phải tôi chê của anh, không phải tôi phụ lòng anh. Anh nên biết rằng, nếu tôi đeo chiếc nhẩn này vào thì làm sao tôi che dấu nội được. Nội thấy tôi đeo vàng, nội gạn hỏi, tôi biết trả lời sao cho xuôi. Khổ tôi lắm chớ phải vừa sao. Hơn nữa, anh cho tôi món đồ nhiều
tiền quá vầy, tôi có đáng công lao gì với anh đâu mà dám nhận, dám lấy... Thôi, anh cất đi, đừng đưa qua, đưa lại, Thôi để tôi hái quít cho anh.
Thái làm mặt giận quay lưng:
- Thôi.
- Sao lại thôi?
Thái cúi mặt đi:
- Thôi, khỏi hái.
Nương đứng cầm cây lồng nhìn theo Thái với nổi băn khoăn:
- Đi đâu vậy anh Thái?
Chàng không thèm ngoảnh lại:
- Đi về...
Nàng xịu mặt buồn:
- Bộ giận ha?
Thái làm thinh không đáp:
- Anh Thái! Chờ tôi hái quít đây nè
Thái lẳng lặng cúi đầu đếm bước.
Nương chợt thấy lòng mình bối rối, mà nàng cũng chưa hiểu tại sao mình phải bối rối vì sự giận hờn của Thái, Trót làm cho Thái giận, nàng hối hận buông cây lồng, chạy theo Thái:
Nghe tiếng chân của nàng đuổi theo. Thái bước chậm hơn. Chàng chỉ mong có như vậy thôi. Nếu Nương cứ để cho chàng đi luôn, chắc chàng đi hết bờ đất đó rồi cũng quay trở lại.
Nương nhéo nắm áo chàng giữ lại:
- Anh Thái!
Thái quay lại lằm bằm:
- Thôi, để người ta về, khỏi phải hái cam, hái quít gì hết.
Buồn đọng trong khoé mắt nàng con gái:
- Một chút vậy mà anh giận tôi đành sao?
- Đâu có giận.
- Không giận mà quày bỏ đi một nước.
Giọng chàng mắc mỏ:
- Ở lại chi cho người ta khinh.
Nàng ấm ức:
- Ai khinh anh hồi nào đâu mà anh nói vậy? Thiệt là anh khó tánh quá, tôi chịu không nổi.
Thái vẫn còn giữ nét mặt giận, giọng nói còn chua như chanh, mặn như muối:
- Không khinh mà người ta tặng món gì cũng không chịu lấy, kiếm cớ này,cớ nọ gạt đi. Thì thôi...
Nàng khổ sở cau mày:
- Anh dằn dặt tôi chi vậy anh Thái? Anh không biết thương dùm tôi hay sao?
Vô tình, Nương bắt cầu cho Thái sang bờ tình ái. Chàng vớ ngay câu nói của Nương
- Anh thương Nương mà Nương không muốn biết...
Nàng ngây thơ ngoảnh mặt:
- Hử? Anh nói gì?
Để đáp lại câu hỏi cũa nàng, chiếc nhẩn lại len lén xoay tròn từ ngoài đầu ngón tay vào tận bàn tay nàng. Nàng đứng lặng thinh lắng nghe một bàn tay mang nhiều mộng ước về chuyện lứa đôi âm thầm nâng niu ngón áp út của nàng.
Nàng không có cam đảm làm buồn lòng Thái nữa. Nàng thầm nghĩ, mình cứ chịu bức bách như vậy để cho bạn mình được vừa dạ. Chỉ có vậy thôi, nàng không dám nghĩ gì xa xôi hơn nữa.
Lâu lắm nàng mới nghe Thái thì thầm:
- Nương à!
Nương thả mắt đi hoang vào cành lá đang đội dãy nắng úa vàng ban chiều:
- Người ta đang đứng bên đây mà còn kêu cái gì nữa.
Lời chàng đứt nối qua nhịp tim:
- Anh... yêu em!
Nàng chớp mắt và cắn môi lặng thinh giả như chẳng nghe gì bên tai:
Thái to nhỏ nói tiếp:
- Vài năm nữa, sau khi anh ra trường, anh sẽ xin ba má, xin nội đi cưới em, nghe Nương.
Nàng rút tay mình lại và đem những sợi tóc lạc lõng trước tráng gởi gấm trên vành môi thắm, thắt buộc tâm tình mình lại không cho thoát ra khỏi con tim.
Ánh mắt chàng trai du hành trên một đường cong thoai thoải lồng vóc liểu:
- Em có bằng lòng không? Trả lời đi em.
Ngón chân nàng bấm dập nát một chiếc lá vừa rụng xuống. Sắc thẹn thùa càng ửng lên đôi má đào tưởng chừng ráng chiều vấn vương. Nàng vẫn đứng chết lặng với một tâm trạng khó phân tách.
Chàng lập lại câu hỏi của mình bằng hai tiếng gọn:
- Hả em?
Nàng gạt phăng:
- Đừng hỏi.
Thái van nài:
- Anh xin em một tiếng trả lời.
Nàng làm núng:
- Hỏi hoài..., tôi trả chiếc nhẩn lại bây giờ.
Nghe Nương hăm đòi trả lại chiấc nhẩn Thái không dám hỏi nữa? Tuy Nương không chịu trả lời, nhưng thấy Nương không phản ứng sao hết, chàng cũng hiểu lòng nàng được phần nào.
Đối với một người con gái mà tuổi vừa tròn trăng như Nương, chàng hỏi như vậy làm sao nàng trả lời cho được. Nhưng sự im lặng ấy tức là câu trả lời cho chàng rồi.
Hai người cứ đứng chết trơ, chẳng nghe ai nói năng gì hết. Việc hái cam, hái quít dường như đã bị bỏ quên luôn.
- Nương à!
Bỗng có tiếng ông sáu Long gọi lớn làm cho Nương và Thái giật mình quay về với hiện tại. Điệu bộ Nương quýnh lên, nàng chạy lại gốc quít cầm cây lồng quơ lia trên ngọn. Thái bàng hoàng tiến về phía Nương với vô vàn tiếc nuối vu vơ. Trong lòng chàng nghe nhẹ nhõm vì tâm tình đã gởi trọn nơi chiếc nhẩn mà Nương đã đeo vào ngón tay xinh xinh kia rồi.
Ông sáu Long từ trong nhà đi ra, khom lưng nghiêng đầu tìm xem Nương đâu. Ông cất tiếng gọi tiếp:
- Nương à!
Nương quay mặt về phía phát ra tiếng gọi của ông sáu Long và nũng nịu:
- Dạ...! Con đây nè nội.
- Con hái cây nào đó?
Nàng ngước mặt nhìn lên ngọn cây:
- Con hái cây này nè nội.
Ông sáu Long đi mau ra đầu bờ, chợt thấy cái giỏ trống không, ông ngạc nhiên hỏi:
- Ủa! Con chưa hái được trái nào sao?
Nương dựng cây lồng xuống đất, len lén nhìn ông sáu Long, vừa bối rối:
- Ư... nãy giờ con... còn phải lựa cây nào trái lớn, chín nhiều.
Không chút để ý đến nét mặt như mèo ăn vụng mỡ của Thái, ông sáu Long cau mày hỏi Nương:
- Con không đem ghế cao thì con làm sao hái cho tới?
Nương đáp gọn:
- Con quên...
Ông sáu Long mắng yêu đứa cháu:
- Mẹ, cha mày! Có bao nhiêu đó mà la quên.
Ông sáu Long quay lưng trở vào nhà, vừa nói tiếp:
- Thôi, con ở đó chờ nội. Nội vô vác cái ghế cao ra cho. Không có ghế cao, con níu gãy nhánh hết.
Ông sáu Long đi được mấy bước thì Nương nói vói theo:
- Nội cầm ra cái dao luôn, nghe nội.
Ông sáu Long thảnh thốt:
- Cũng chưa có dao đó nữa ha?
Nương tủm tỉm cười:
- Con quên nội ơi!
Ông sáu Long lẩm bẩm:
- Quên đầu... quên đuôi... Đầu óc nó để đâu á!
Chờ đến lúc ông sáu Long khuất dạng, Thái trêu nàng:
- Ông sáu hỏi đầu óc em đâu kìa, em có nghe hay không?
Duyên dáng hàm trên môi con gái:
- Tại anh... mà người ta quên đó...
- Sao lại đổ thừa tại anh?
Nương làm dáng giận dỗi:
- Vậy chớ hỏng phải ha? Tại anh đi theo... đi theo... Người ta tính trở vô vác ghế cao, mà hỏi... hỏi... làm cho người ta quên.