A truly good book teaches me better than to read it. I must soon lay it down, and commence living on its hint.... What I began by reading, I must finish by acting.

Henry David Thoreau

 
 
 
 
 
Tác giả: Khái Hưng
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1845 / 37
Cập nhật: 2017-05-20 09:11:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đợi Tết Trong Tù
hững ngày cuối cùng của nhà văn Khái Hưng
Cuối năm 1946 tại Hà Nội… Mùa đông đã tới trên đất Bắc mang theo gió bấc lạnh buốt thấu xương. Lúc đó, tình hình căng thẳng giữa Việt Minh và Pháp đã chín mùi và chiến trang Việt – Pháp bùng nổ vào buổi tối ngày 19- 12.
Chúng tôi đã tản cư khỏi Hà Nội từ hai tuần trước và trở về quê ở gần làng Cố Lễ (huyện Nam Trực, Nam Định), mặc dầu biết rằng vẫn bị trinh sát theo rõi từng bước. Ngay khi bộ đội đột kích quân đội Pháp ở Thủ đô, thì tại Nam Định. lực lượng của thực dân cũng bị bao vây và đồng thời Tổng bộ Việt Minh hạ lệnh « quét » hết các chiến sĩ Quốc Gia. Bởi vậy ngay tối hôm sau (20-12), chúng tôi ba người đều bị công an đang đêm xông vào nhà từng người bị bắt trói giam tại quận lỵ. Nhưng số phận chúng tôi còn « hên »: chín ngày sau, đúng lúc chúng tôi bị trói thành « xâu » và sửa soạn dẫn đi « trôi sông » thì một công điện của Trung Ương tới chỉ thị cho Công an không được bắn chết bừa bãi, phải lập hồ sơ tội trạng để đưa chúng tôi ra tòa án. Thế là ngay đêm ấy, chúng tôi bị áp giải lên trại giam của Công an tỉnh đặt tại chiến khu Lạc Quần (huyện Xuân Trường – Nam Định ). Lúc đó đã sang tháng chạp âm lịch. Thiên hạ bắt đầu sửa soạn Tết. Chợ Lạc Quần trở nên tấp nập hơn những ngày thường và đã điểm mầu chợ Tết, với bánh, mứt, cam, bưởi, tỏa mùi thơm tới trại giam chúng tôi cách chợ chừng 200 thước.
Ở đây toàn thể đều là chính trị phạm. Từ các huyện dồn về, số anh em càng ngày càng tăng… nhưng cũng chưa đến nỗi phải chen chúc nghẹt thở; sàn gỗ chiếu manh và cơm nắm muối vừng vẫn còn đủ chia nhau. Bị kiểm soát và theo rõi liên tục chúng tôi chẳng ai dám nói gì về chính trị và kính tế. Trái lại nhân cảnh chợ Tếtgnầ bên, chúng tôi đưa ra những đề tài «Tết» đã có chuyện mà nói với nhau …và cũng rục rịch để trong ít ngày nữa cùng nhau ăn một cái Tết thuần túy «tinh thần», vì dĩ nhiên chúng tôi sẽ phải tiếp tục sống trên sàn gỗ chiếu manh và ăn cơm nắm muối vừng trong ba ngày Nguyên Đán …
Ngày hôm sau khi ba chúng tôi - Lụy, Thành, Văn - bị di chuyển về trại Lạc Quần, và trong khi anh em chính trị phạm đang bàn tán về chuyện Tết …thì một buổi chiều mọi người được tin lát nữa sẽ có hai ông bạn mới, hình như do Công an quận Trực Ninh bắt rồi cũng đưa lên giam giữ lại đây như trường hợp chúng tôi. Hai người hiện còn ở ngoài văn phòng chi trưởng Công an (tên Thịnh, con ông Hoàn Thành, tiệm mũ có tiếng ở Nam Thành).
Tới 5 giờ chiều (giờ cũ), chúng tôi tập họp ăn cơm. Vừa ngồi xệp xuống đất và bẻ đôi nắm cơm thì một công an viên dẫn hai người vào cho nhập bọn với chúng tôi. Một người chừng trên bốn chục tuổi có vẻ hào hoa phong nhã nhưng hơi gầy yếu. Âu phục chỉnh tề: Complet và cà vạt, mũ « phớt », ngoài khoát pardessus de ville, tay xách một cặp da cũ đựng quần áo và đồ dùng vặt.
Người thứ hai trẻ hơn cũng mặc âu phục nhưng đơn giản: quần đen, sơ mi và áo len nâu dài tay với một bọc vải gói ghém áo quần và vật dụng.
Trong gian phòng ẩm thấp và thiếu ánh sáng tất cả chúng tôi cùng đứng lên hân hoan đón hai bạn mới. Bỗng anh Văn trố mắt nhìn kỹ hai người rồi thốt lên:
- Tưởng ai xa lạ … hóa ra anh em nhà cả!
Rồi anh ghé tai Lụy nói thầm:
- Anh Khái Hưng đấy! chắc anh đã đọc những tác phẩm của anh rồi. Còn anh giáo Dưỡng vẫn thường đi lại hoạt động với chúng ta … ». Lụy gật đầu mỉm cười. Bộ ba chúng tôi tới bắt tay anh rồi cùng ngồi ăn ngấu nghiến cho xong bữa. Chiều hôm ấy may mắn có thêm chút rau muống sống do anh Văn hái trộm trong thửa ruộng sau nhà. Chúng tôi gọi nhựng món ngoài lề như vậy là những món «siêu vô sản ».
Sau bữa ăn, chúng tôi ra bờ sông (cũng thuộc phạm vi trại giam) rửa bát đủa chân tay rồi về quây quần xung quanh một ngọn đèn dầu hỏa tù mù. Anh Văn với tư cách là người đã quen biết anh Khái Hưng từ lâu (1) ngồi ở bên anh. Cuộc họp bắt đầu ngay bằng câu chuyện của anh K.H. Về trường hợp anh bị bắt:
«Tôi tản cư ở Hà Nội về Nam Định, ít lâu trước ngày Tác Chiến, qua tỉnh lỵ, mặt trận Liên Việt cấp chứng minh thư cho tôi về quê tạm trú tức là quê vợ tôi tại làng Lịch Diệp, quân Trực Ninh (2). Trước ngày Tác Chiến, họ không đá động gì đến tôi cả, tôi vẫn được tự do đi lại. Buổi chiều gần tối tôi thường đi chơi ở ngoài làng, đi hóng gió và ngắm cảnh đồng ruộng. Có khi đứng nói chuyện với dân quân du kích tới khuya trong điếm gác... Thế rồi xảy ra Tác chiến ở Hà nội. Ngày hôm sau tôi bị gọi ra Ủy Ban Xã, giấy tờ bị thu hết rồi họ bắt tôi đưa lên Công An huyện. Tôi bị giam giữ ở đó cho tới trưa nay cùng với anh Dưõng và nhiều người khác rồi họ đưa hai chúng tôi về đầy ở cùng với các anh. Dĩ nhiên họ coi tôi là một người nguy hiểm...Lệnh từ trung ương xuống, cấp dưới chỉ biết thi hành.
«Tuy rất nhiều người có cảm tình với tôi, nhưng họ không dám đi ngược lại chỉ thị cấp trên. Dù sao tôi cũng chưa bị đánh đập tra khảo gì cả ».
Nói tới đó, bỗng anh ngước mắt nhìn chằm chặp vào mặt Thành:
- Hình như trước tôi đã gặp anh nhiều lần, không nhớ ở đâu?
- Thầy quên rồi à!Mấy năm trước tôi học trường Thăng Long…thầy dạy Việt văn mà! (3)
Do đấy chúng tôi mới biết K.H. là thầy cũ của Thành.
Nhưng anh nói chặn ngay:
- Thôi chú cứ gọi tôi bằng «anh ». Bây giờ chúng mình đều là anh em cả! Lúc đó. Nhóm chúng tôi lại được thêm một người nhập bọn: anh Xuân Bách, bạn thân của anh Lụy, vừa ở tóp khác nhảy sang góp chuyện. (4).
Mấy phút sau, ba tiếng cồng báo hiệu đã tới giờ ngủ. Đội nhân viên «trực» tới dồn chúng tôi sang ngôi nhà hai tầng dùng làm phòng ngủ phạm nhân. Cùng với nhiều anh em khác. Nhóm chúng tôi ngủ trên gác - một sàn gỗ không giường màn không chăn gối, ngoài đống chiếu tạm đủ cho mỗi người vừa trải vừa đắp. Nhưng may mắn là ở đây rất ít muỗi. Hơn nữa, căn phòng họp và kín đủ giữ hơi thở của chúng tôi lại để sưởi ấm lẫn nhau đỡ lạnh được phần nào.
Đêm ấy, vì anh giáo Dưỡng không mang chăn theo, nên phải đắp chung với một bạn khác sẵn có một tấm chăn len khá rộng. Còn anh K.H.dùng áo choàng thay chăn, khăn len bọc cổ và gối đầu trên cặp da phủ khăn bông.
***
Hồi ấy Lạc Quần là một chiến khu quan trọng của miền Nam Trung Châu Bắc Việt ( thuộc Liên khu 3). Trại lính « khố xanh » cũ lúc đó đã biến thành Bộ Tư lệnh của đại tá Việt Minh Hà Kế Tấn. Công an tỉnh Nam Định đặt trại giam gần sát đó để có thể nhờ bộ đội can thiệp tức khắc nếu xảy ra những trường hợp bất ngờ ( các chính trị phạm nổi loạn hoặc các nhóm quốc gia đánh úp để giải phóng đảng viên). Anh em chúng tôi thuộc nhiều đoàn thể khác nhau: Việt Quốc, Việt Cách, Duy Tân, Dân Tộc, Công giáo … không thiếu một đảng phái chống Cộng nào. Đến trung tuần tháng chạp âm lịch, tổng số lên tới gần 50 người.
Đời sống tại đây tương đối dễ chịu vì lúc đó Việt Minh còn bận tổ chức kháng chiến chống Pháp, chưa nghĩ tới việc hành hạ chúng tôi. Ngoài điểm ăn ngủ kham khổ, chúng tôi không hề bị gông cùm xiềng xích và cũng không phải làm việc gì cực nhọc, chỉ có một lần chúng tôi được đi vác gạch cho bộ đội xây đồn, riêng vì anh K.H yếu đuối nên bị chúng loại ra. Tuy nhiên không phải không có những cuộc tra tấn.
Đêm nào cũng có vài ba người bị gọi lên phòng đồn trưởng để hỏi cung đúng vào lúc ba tiếng cồng «ngủ» dóng lên. Đánh đập, kìm kẹp, quay điện, tra tấn đủ kiểu cho tới khuya mới thả cho về.
Và mỗi buổi sáng chúng tôi lại thay phiên đấm bóp và săn sóc những nạn nhân đêm trước.
Bởi vậy, ngay buổi sáng ngày thứ nhì, anh K.H. đã nhìn thấy rõ « nếp sống và thủ tục » trại giam. Và cũng từ buổi đó, chẳng bao giờ chúng tôi được nghe anh nói một mảy may gì liên quan tới chánh trị hay là tình thế. Mặc dầu trông đợi phiên mình, nhưng trong suốt thời gian(vào khoảng (15 – 20 ngày) chung sống với chúng tôi, anh chẳng hề bị gọi lên « chịu trận » một lần nào cả. Trái lại, có một số công an viên kể cả đồn trưởng Thịnh tỏ ra rất hâm mộ và kính nể anh. Có lẽ không gì khổ tâm hơn cho một nhà văn khi phải sống trong cảnh hoàn toàn không giất bút và không sách vở. Lúc ra đi, bọn Công an không cho anh mang theo một chút gì để đọc và viết; Tới đây anh đành bó tay, và luôn ngỏ ý thèm đọc, bất cứ sách gì. Một hôm, có một công an viên – anh Thân – vì cảm mến K.H. đã mang tặng anh một tập giấy trắng với một cây bút chì trong lúc chúng tôi đang ngồi quay lại để anh xem tướng cho từng người. Anh K.H.xem tướng rất giỏi - cả tướng tay lẫn tướng mặt. Coi tay anh Lụy, anh bảo là người dễ tính và rộng rãi – anh Thành sẽ vất vả một đời vì bộ tóc rễ tre – anh Văn khó lòng sống tới 50 tuổi …Đến nay tôi thấy những lời anh tiên đoán về số mệnh đều rất đúng.
Từ lúc có giấy bút, chiều nào Khái Hưng cũng ra bờ sông ngồi viết nhật ký, Công an viên Thân thường lui tới để nhờ anh sửa văn. Và bọn anh em chúng tôi cũng bắt đầu gác bỏ đề tài Tết để nhảy sang địa hạt văn nghệ.
Từ bữa đó, anh K.H. đã nói khá nhiều với chúng tôi về các vấn đề văn chương, thi ca, tiểu thuyết vì đây là sở trưởng của anh. Lâu ngày quá rồi anh, chúng tôi không còn nhớ được nhiều. Riêng anh Lụy còn nhớ được một điểm khi hỏi anh về vai trò của VỌI trong cuốn TRỐNG MÁI. Khái Hưng nói:
« Trong tác phẩm này, phong cảnh Sầm Sơn là chính, còn vai trò của VỌI chỉ là phụ, tức là để tả người Sầm Sơn và cảnh Sầm Sơn ».
Lúc nào Khái Hưng cũng tỏ ra bình thản và vui tính. Ngoài những cuộc đàm luận văn chương anh còn thích đánh cờ và rất ham nói chuyện và trong bất cứ chuyện gì anh cũng cài xen vào những câu khôi hài rất dí dỏm và đầy lý thú.
Buổi tối, sau bữa ăn, anh thường kể chuyện cho chúng tôi nghe. Tài kể chuyện của anh ít người sánh kịp; dù chỉ là những mẫu việc rất thường anh cũng có thể biến thành một câu chuyện đầy hứng thú, vì óc sáng tạo tuyệt diệu và giọng nói quyến rũ của anh.
Tối nào anh cũng kể cho nghe một chuyện, hoặc Liêu Trai hoặc những kỷ niệm làm báo, viết văn và ở tù. Mẩu chuyện của anh mà cả hai chúng tôi nói mãi tới nay là chuyện anh tập hút thuốc lào trên trại giam Vụ Bản (Hoà Bình): Tuy không biết hút nhưng tôi đã gắng tập hút để có thể nhập bọn và gây tình thân thiết với các chú lính Mường. Sau đó, đêm nào tôi cũng tụ họp với họ chung quanh một chiếc điếu cầy «gộc» luân phiên liên hồi hút thuốc lào và kể chuyện. Tôi đã được nghe nhiều chuyện đường rừng rất ly kỳ, tôi cũng kể nhiều chuyện lịch sử và thần tiên. Chỉ một tuần sau tất cả đám lính Mường canh giữ trại đều trở nên « ghiền » nghe chuyện, mỗi khi hơi rảnh rỗi là họ tìm tới và đòi kể chuyện như đòi nợ ».
Ngoài ra, anh K.H. còn là một người rất giàu tình cảm. Mỗi lần nói chuyện hoặc kể chuyện, không bao giờ anh quên nhắc tới một vài bạn cũ – và gặp ai anh cũng tùy trường hợp hỏi thăm tin tức về những người anh đã từng quen biết. Trong thời gian bị giam với chúng tôi, một hôm có cậu con nuôi tới thăm anh(5). Và đêm hôm đó anh lại có dịp kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện về tình bạn giữa anh và văn sĩ Nhất Linh …nhưng không hề đá động gì tới cuộc đời chính trị và cách mạng của hai người.
Rồi một buổi chiều. Hôm đó đã quá rằm - có lẽ 16, 17, 18, tháng chạp âm lịch, một ngày cận Tết - vào khoảng 4/5 giờ trong khi chúng tôi sắp ăn cơm tối, tên Thoại (công an xung phong) tới báo cho Khái Hưng biết rằng có lệnh mời anh lên « Trung ương » vì cấp Tình không có quyền thẩm vấn và tra xét xử anh- Hắn dục anh thu xếp đồ đạc để cũng đi ngay với hắn - đi lúc chiều tối để tránh máy bay địch.
Mười phút sau, anh đã sẳn sàng trong bộ Âu phục với áo choàng, mũ ‘phớt’ và chiếc cặp da cũ trong tay như khi anh mới bước chân tới trại Lạc Quần- Bùi ngùi cảm động..anh đi bắt tay từ biệt từng anh em phạm nhân... Anh Văn rơi lệ. Mọi người buồn xỉu...
- «Chào anh em ở lại!»
Đó là lời cuối cùng của Khái Hưng. Câu đó tới hôm nay vẫn còn in sâu trong tâm khảm hai chúng tôi. Dù anh không nói thêm lời nào nữa, nhưng chúng tôi đều nhìn thấy trên vẻ mặt anh một nỗi ưu tư vô hạn... Có lẽ vì cảm thấy rằng chuyến đi này sẽ kết liễu đời anh...
Từ hôm đó, nhóm chúng tôi – Văn, Lụy, Thành, Xuân - chẳng ai buồn để ý đến cái Tết sắp tới, mà chỉ suốt ngày nhắc tới kẻ ra đi không có ngày về …
MAI CHI
(XUÂN 1964)
Chú thích:
1) Anh Lưu ngọc Văn là tác giả hai tập sách hát trẻ em do nhà Đời Nay xuất bản trong loại « Sách Hồng » vào khoảng 1940 – 41
2) Bà Khái Hưng là con của cụ Thượng Đính ở làng Lịch Diệp
3) Một trường Trung Học (tư thục) nằm ở góc chợ Hàng Da, Hà Nội. trường này nổi tiếng tại Bắc Việt hồi tiền chiến; đa số giáo sư là các nhà cách mạng
4) Chính tên là Vũ mạnh Xuân; hiện là Đại úy thuộc ngành vận tải ở Nha Trang.
5) Anh Nguyễn Tuờng Triệu, con đẻ của nhà văn Nguyễn Tường Tam được trao cho làm con nuôi anh Khái Hưng vì tình bạn cố giao giữa hai nhà văn.
Lời Nguyền Lời Nguyền - Khái Hưng Lời Nguyền