Số lần đọc/download: 6213 / 120
Cập nhật: 2024-10-26 20:53:37 +0700
Phần III - Chương 1
- C
ậu ơi! Dậy đi!... Gớm, 9 giờ sáng rồi.
- Im đi để cho người ta ngủ!
- Dậy thì thôi, 9 giờ rồi! Cậu!
Quỳnh đứng bên giường, cố lôi cái chăn ra. Liêm lại lôi chăn lên trùm đầu, càu nhàu gắt:
- Im đi mà lại! Khỉ lắm nữa, làm gì đã đến 9 giờ!
- Không chín thì cũng tám rưỡi rồi! Dậy đi, em lạy cậu nữa. Để cho em còn phải lên hàng chứ!
- Đi đâu cứ việc mà đi, mặc kệ người ta!
- Nhưng mà vú già, tôi sai nó lên nhà có việc đẻ hỏi rồi. Cậu không trông nhà thì tôi đi ra hàng làm sao bây giờ chứ?
Nói thế xong, Quỳnh ngồi xuống chỗ chân giường, ghếch một chân lên, tựa cằm vào đầu gối, thất vọng. Mãi Liêm mới lừ đừ mở mắt, vưom vai, uể oải ngáp, rồi gượng ngồi lên. Chàng lại cau mày:
- Hôm nay, người ta vẫn còn được nghỉ mà cứ lôi xốc dậy!
Vợ chàng sung sướng gượng cười:
- Ngủ trưa quá như thế, đầy tớ nó cười cho đấy!
- Thế nó đâu?
- Hôm qua đẻ bảo em sáng nay phải cho nó đến, để có việc... Nó đi đã lâu rồi.
- Rõ kệch lắm, nó đi rồi còn sợ nó cười thế đếch nào được!
- Chứ lại không cười à! Cậu chỉ được cái quen thân đốn đời là không ai bằng!
Nói thế xong, Quỳnh cười lả lơi và khẽ tát yêu chồng một cái... Nhưng Liêm lại gắt:
- Thôi bước ngay đi cho rảnh!
Vì bị mắng đã quen, Quỳnh không còn biết giận chồng gì nữa, mà chỉ bẽn lẽn đứng lên, trơ trẽn với những giọng điệu mắc cỡ trong ba phút, đoạn ra khỏi phòng. Trước khi đi hẳn, nàng còn đứng chữa thẹn bằng cách nói vọng:
- Cậu dậy thật đấy nhé? Chứ không, lại ngủ, nó lẻn vào thì chết cả đấy.
Rồi nàng gọi xe, mặc cả đến phố Hàng Gai.
Khi vợ đi hẳn, Liêm bước xuống đất. Chàng ra bàn, rót một chén nước, thấy nóng quá, phải ngồi thừ ra đợi. Chàng băn khoăn tự hỏi: “Ta làm cái gì bây giờ”. Thật vậy, đó cũng là một vấn đề khó giải quyết. Chàng còn được nghỉ những hai hôm. Cho đến bữa sáng hôm nay, Liêm cưới vợ đã được năm ngày đúng. Chàng không hề nghĩ đến sự cả hai vợ chồng đi du lịch một tỉnh nào như người Tây phương lúc mới lấy nhau, cái ý nghĩ có ngay lúc mới yêu Quỳnh. Cho đến cả việc đem vợ đi trình diện những nhà bà con, thân thuộc, chàng cũng không làm một cách chu đáo, mà chỉ dắt vợ đến những chỗ không đến không được mà thôi. Trong sự thay đổi ấy, chàng chỉ vì đã nghĩ: “Lấy phải một người vợ như thế, còn danh giá nỗi gì mà đem khoe khắp thiên hạ, thêm dại mặt”, tuy chàng chưa có tang chứng là Quỳnh hư hỏng hẳn hoi... Vì lẽ chàng nông nổi cho nên hành vi ấy, chàng tưởng tượng rằng chín chắn và sâu xa lắm.
Lấy vợ xong, Liêm ra ở riêng ngay. Từ trước ngày cưới, chàng đã vâng theo ý cha mà tìm một căn nhà tuy nhũn nhặn song cũng khả quan, ở phố Bờ Hồ. Như vậy, vừa tiện cho chồng đi dạy học tư, vừa gần cho vợ đi trông hàng ở phố Hàng Gai, như trước. Nhà chàng ở sau lưng đền Ba Kiệu, có một phòng khách, một phòng ngủ, và một mẩu gác sân. Chồng lại sẽ vẫn đi dạy học, vợ cứ theo đuổi việc buôn bán, mỗi tháng cả hai, tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng chẳng sợ thiếu, mặc dầu mai đây, sẽ lâm cảnh con sài, vợ đẻ. Nghĩa là chẳng phải khó nhọc gì cả, hai vợ chồng cùng chiếm ngay được trong xã hội cái địa vị trung lưu. Như thế, đáng lẽ phải hưởng hạnh phúc rồi, còn gì! Liêm gật gù cái đầu, lòng tự nhủ một cách vu vơ: “Thật thế, đáng lẽ ta phải sướng cực điểm nữa!”.
Cái câu nói vô thanh mà rất gay gắt từ trong thâm tâm ấy khiến Liêm nhớ lại cả mọi việc tỉ mỉ trong cái đoạn năm ngày đầu của một người tân lang... Lòng chàng lại hầu như sôi nổi lên vì cái căm hờn mọi sự đáng giận. Vì lẽ trong mọi thứ nghi lễ phức tạp, chàng đã nhất nhất tuân theo mọi điều ỏe họe, nhất nhất khuất phục mọi sự bó buộc của họ nhà gái, với cái chủ tâm là một khi Quỳnh về hẳn tay chàng rồi thì chàng sẽ hành hạ cho bõ, cho nên đến bây giờ, sau năm ngày phối hợp rồi, mà chưa có dịp nào để gây sự, chàng lại càng tức giận, thấy mình chỉ là đồ ngu.
Thật vậy, chưa một người con trai nào lại phải lấy vợ một cách... nhục nhã đến như thế. Ngày đầu, Liêm phải quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên của bố cô dâu, ở nhà bà phán Hòa, nhà cậu mợ chàng. Rồi hôm nhị hỉ, lại phải xuống Nam Định... thủ lễ với người bố dượng của vợ nữa! Đã “năm cha ba mẹ” như thế, Quỳnh vẫn chưa thấy đủ hổ thẹn; và mẹ nàng, bà tham Bích, lại còn cứ vác mãi mặt lên nói hợm, rõ mới đáng ghét làm sao! Và về phần bà mẹ Liêm, thì bà rất không bằng lòng vì đã phải lo vào việc đám cưới ngót tám trăm bạc.
Nghĩ đến đấy, Liêm lẩm bẩm chua xót: “Tám trăm bạc để lấy một con vợ như con Quỳnh!”. Chàng nghĩ vậy mà không nhận ra rằng ở phút này chính cái tiếc tiền đó làm cho chàng đê hèn, vì lẽ cái hư hỏng của Quỳnh vẫn chưa có bằng cớ đích xác. Chàng đã định gây sự ngay đêm tân hôn, song bữa ấy mệt quá, chàng đã ngủ lăn ra như một người đã có vợ hàng mấy năm, cũng chẳng hỏi đến vợ nữa, mặc dầu vào đêm tân hôn. Đến hôm nhị hỉ, hai lượt ngồi xe hơi đi Nam và ở Nam lại về, cùng với những cốc rượu phải uống với ông bố dượng của vợ, đã làm cho Liêm mệt nhoài cả người, cũng như vào đêm trước. Còn những lúc ban ngày, chẳng có phút nào được đôi hồi với vợ, chàng đã bận bù đầu với trăm, nghìn việc phiền nhiễu và không có tên. Thật ra, Quỳnh chỉ mới hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của chàng có ba đêm nay mà thôi, vì cô dâu sau ba ngày đầu, đến ngày thứ tư đã lại tiếp tục công việc buôn bán, để giữ tiếng...
Ba đêm, Liêm đã toan hỏi tội Quỳnh! Nhưng mà... tiếng gọi của xác thịt vẫn là mạnh hơn cả lòng ghen tuông bóng gió nữa. Vả lại trong những hành vi ngôn ngữ, tuy nhiên cũng vận khả ái của Quỳnh, chàng lại mất cả cương quyết, cho rằng hãy hoãn lại sự trừng trị một vài ngày thì cũng không sao. Liêm tìm được cái cớ này, bất cứ vào lúc nào: chẳng đi đâu mà vội! Và đêm đầu, vào lúc chàng ăn nằm một cách chính đại quang minh với vợ mới cưới, Liêm đã quên cả vũ trụ, vì lẽ được chiếm cả một căn phòng rộng rãi, nó khiến anh chàng có được những tự do đặc biệt, thật hơn nhiều cái vụ lén lút, vụng trộm, hấp tấp, vấp váp, ngượng nghịu ở nhà Cử Tân... Chàng đã làm chủ cái thân thể gái đương thì ấy một cách hằn học, với những sự mơn trớn phũ phàng, như là một người hạ thủ trong một sự rửa hờn, hay là một tội ác. Quỳnh, ngây thơ, vẫn coi sự “mất tiền mua nâm thì đâm cho thủng” ấy là ái tình.
Nàng đã đáp lại chồng như một người vợ ngoan. Hai cái xác thịt rung động vì những ý nghĩ bất đồng mà đã có sức mạnh làm cho hai linh hồn hình như đồng cảm. Và thói thường, cái này lôi cuốn cái kia...
Cho đến hai hôm sau, vẫn lại là một thứ ái ân hằn học của người đàn ông sẵn một định kiến với người đàn bà thực thà, như thế. Ngũ quan của đôi bên đã vô tình hợp nhau, cũng như những cặp vợ chồng đã chê nhau rồi, thì khi biết mùi đời, đã bị kích thích, mà hóa ra say đắm nhau. Bởi thế cho nên cứ mỗi bữa sáng hôm sau, Liêm dậy rất trưa, ác cảm vợ, tự khinh bỉ mình, nói những lời không được ngon ngọt phản động lại một cách quá muộn. Còn về phần Quỳnh thì nàng cũng có kinh ngạc, khi thấy rằng ban ngày người đàn ông tỏ vẻ ghét mình bao nhiêu thì ban đêm lại như thiên hạ nói tục - “đâm đầu vào” - một cách nồng nàn và vô liêm sỉ bấy nhiêu! Vài bữa như vậy đã khiến Quỳnh lấy thế làm quen đi ngay, vì nàng yên trí rằng đàn ông nào hẳn cũng xấu thói như nhau cả. Những lời gắt phủ, văng tục của người chồng chẳng đủ khiến người vợ phải nghĩ đến phải phản động lại, vì lẽ tuần giăng mật chẳng phải là không có để chút dư vị ngon ngọt lẫn vào những chất tân toan.
Liêm cũng vậy. Chàng kiếm cách gây sự, nhưng vợ lại cứ rất ngoan. Đã có lúc chàng thấy mình vô lý, có lỗi, hay mặc dầu xưa kia quả thật Quỳnh có “làm sao” đi nữa, thì nay chàng cũng nên cố nhắm mắt làm ngơ, cố tha thứ, dĩ hòa vi quý cho xong, bởi lẽ dẫu sao, nay người ta cũng đã là vợ mình rồi, vả trong thế gian, nếu ai có lấy vợ để cho làm đĩ thì mới đáng nói. Cái nguyên vẹn về tân tiết của Quỳnh, chàng biết rõ ngay vào lúc chưa cưới mất rồi, chàng còn biết nói ra làm sao? Việc về trước, hiển nhiên không có gì; chỉ có những việc xảy ra mói đáng để ý.
Nhưng không phải lúc nào Liêm cũng nghĩ như thế cả. Thỉnh thoảng chàng lại nhớ đến cái thư ác nghiệt và khó hiểu kia. Nghĩ đến lá thư, cố nhiên phải nghĩ đến cái thằng đã gửi lại cho nàng cái lá thư chính Quỳnh đã viết. Và, nghĩ đến con người bí mật ấy, chàng cố nhiên phải nghĩ đến bao nhiêu thiếu niên đã từng trêu ghẹo vợ chàng ở căn hàng tạp hóa phố Hàng Gai. Cố nhiên những lúc vợ kêu đi ra hàng, thì Liêm lại không chịu nổi nữa, chỉ muốn bắt đóng quách ngay cái cửa hiệu lại, chẳng buôn thì đừng bán! Thỉnh thoảng Liêm lại giật mình lo sợ cái vạ mọc sừng như tất cả đàn ông khác đáng phải lo sợ vào thế kỷ hai mươi:
Có chồng càng dễ chơi ngang,
Đẻ ra con thiếp? Con chàng? Con ai?
Ấy là hai câu phương ngôn từng làm cho Liêm phải nghĩ lẩn quẩn một cách rất bần tiện.
Cho nên sáng hôm nay, Liêm phân vân chẳng biết có nên hay không đến cửa hiệu để... làm gì đó... hay để đối phó với những “công tử bột” có thể đến trêu ghẹo vợ mình. Tuy chàng vẫn yêu, nhưng vẫn cứ ghen. Tuy chàng đã rất nghi vợ, nhưng chàng vẫn muốn cho vợ là không đáng nghi chút nào. Nói tóm lại, Liêm vẫn chóng mặt vì đứng giữa những vòng của một chiếc đèn cù, lẩn quẩn, loanh quanh. Lúc nào mất trí khôn, chàng tưởng mình khôn, chàng sợ mình ngu dại.
Trái lại, Quỳnh bình tâm hưởng cái sung sướng nhỡn tiền, vững dạ tin ở tương lai, không biết rằng trong tâm hồn của người chồng mà nàng bắt đầu nghiệm thấy có nhiều tính xấu nhỏ nhặt, lúc ấy đương có cái khởi điểm của một trận bão tinh thần khủng hoảng rất lớn. Đi ngoài đường, nhìn những cô gái nhỏ còn cài lược, nàng có ý muốn phô: “Ta đã có chồng, đã là người lớn rồi, các em ơi”. Ngồi trông hàng, Quỳnh chỉ lo có người vào lấy cớ mua hàng mà nói chòng ghẹo...
Vừa ngồi nóng chỗ, nàng thấy ngay Thanh. Cô này tơi tả bước vào, ngọt nhạt xin lỗi đã không đi ăn cưới, hỏi thăm Quỳnh mấy câu qua loa về việc chồng con, và nói đùa một cách táo tợn như đàn ông trêu nhau:
- Gớm, mới lấy chồng có năm hôm mà đã mình gầy mặt võ...
Quỳnh vừa sướng vừa thẹn, đấm Thanh thùm thụp:
- Im đi! Rõ đồ phải gió ở đâu ấy!
- Chào! Lại còn vờ!...
Đối lại sự bông đùa thô kệch, Quỳnh cũng van xin một cách kệch cỡm:
- Em lạy chị đấy! Chị đừng nói thế!
Thanh hợm hĩnh:
- Nào! Có thế chứ! Nghĩa là đây làm cho biết phép, đã biết chịu thì đây cũng sẵn lòng tha cho...
- Vâng! Vâng! Bà lý sự lắm, thôi tôi xin lạy cả nón nhà bà!
- Nón đâu? Có lạy cả nón thì phải nón tân thời đấy nhé?
Cả hai lại rộ lên cười. Hồi lâu, Thanh nghiêm mặt nói:
- À quên chị ạ, em phải xin lỗi chị mới được! Thế có chết không!
- Làm sao? - Quỳnh trợn mắt hỏi thế.
- Cái thư chị viết hộ em đấy mà? Mất rồi! Không biết mất từ lúc nào, ở chỗ nào, thế có khổ không? Hay rơi ở đây? Em về nhà, giở gói không thấy...
Quỳnh lắc đầu:
- Không làm gì có sự rơi thư ở đây. Có thế mà cũng mất, rõ đoảng thật!
- Hôm sau em toan lại ngay để tìm, nhưng chị đi đâu vắng...
Không hề nghĩ đến sự can hệ của sự mất cái thư do tay mình viết ra trong một lúc dại dột như thế, Quỳnh chỉ trỏ vào mặt bạn, giao hẹn:
- Mất thì thôi, tôi không có làm đầy tớ lần nữa đâu nhé!
Thanh chép miệng:
- Gớm! Rõ làm bộ! Nhưng không có thư thì chuyện cũng xong rồi.
- Sao? Đầu đuôi ra sao?
- Em cự tuyệt bằng miệng, đúng giọng cái thư của chị như in. Nó sợ quá, xin lỗi mãi, từ đấy lại quý hóa em như cũ! Đấy chị xem, đối với giống đàn ông, không thế không xong! Họ là thân con lừa, chỉ ưa nặng. Nếu mình nhụt một lần, nó sẽ bắt nạt mình suốt đời! Phải ra oai mới được!
Quỳnh gật gù cúi đầu, nghiêm trang:
- Chị nói rất có lý. Họ bắt nạt được mình một lần là họ cứ bắt nạt mình mãi mãi.
Rồi Quỳnh ngây người ra vì căm tức sự đối đãi hỗn xược của Liêm. Nàng quyết có một chương trình xử thế ngay từ đây. Cho mãi đến buổi trưa, Thanh vẫn cứ ngồi ám mãi. Tuy nhiên, mặc dầu phải hỏi, phải đáp, Quỳnh cũng vẫn như chôn vào ruột cái lời của người bạn gái vừa mói có kinh nghiệm: “Đàn ông ưa nặng như con lừa, không ra oai, không xong!”.