Số lần đọc/download: 1539 / 24
Cập nhật: 2016-06-20 21:07:49 +0700
Chương 13
Thuật đứng dậy chào một cách vui vẻ:
- Kìa ông cai, ông đi đâu đấy?
- À, tôi thăm bác có chút việc.
- Rước ông ngồi chơi. Bu thằng Lễ đâu đem nước uống.
Tép thấy cai Tứ có ý lẩn mặt. Cô khẽ thưa ở trong nhà:
- Vâng ạ, tôi đun đây.
Cai Tứ làm dáng xuề xòa:
- Thôi, nước niếc gì, tôi lại đây một lát rồi lại phải đi đằng này có chút việc.
- Ông ngồi chơi đã. Chẳng mấy khi ông lại nhà cháu...
Mà thực thế. Cai Tứ có mấy khi thèm lui tới các nhà phu phen bao giờ. Hắn chỉ đi lại nhà chủ, nhà các ông thầu khoán, các bạn cai khác hoặc ra tỉnh đi hát cô đầu. Bởi thế nên thấy hắn vào, Thuật đã biết ngay có việc gì lạ. Anh hơi xúc động, hơi lúng túng, cử chỉ không được tự nhiên.
Ngồi ghé xuống góc giường, cai Tứ cất tiếng gợi chuyện:
- Sáu anh em ở lò số 4 làm giỏi thực, bằng mười người. Hôm nào cũng về trước nhất. Giá lò nào cũng được như thế thì công việc của tôi chạy biết ngần nào!...
Cai Tứ ngừng một lát.
Thuật lắng tai nghe, phân vân không biết câu mở đầu dài dòng ấy sẽ đưa đến chuyện gì.
- Tôi bực nhất là bọn phu làm ở lò số 9. Gớm phu mấy phen! Thế mà họ cũng vác mặt đi làm mỏ...
Thuật mỉm cười, tự nghĩ:
- Lão này coi nghề làm phu mỏ như nghề đi làm quan không bằng!
Thấy chàng mỉm cười, cai Tứ cũng cười, cất to thêm giọng nói như phân bua:
- Ai lại hôm nào cũng gần tối các bố mới ì ạch được sáu bảy goòng làm cho mình cứ phải loanh quanh chờ xem không thể về sớm được. Thực là mất thời giờ và bực mình quá đi mất!
Thuật có ý bênh vực bọn đồng nghệ:
Nhưng cũng tại lò số 9 vừa xa vừa sâu quá, than lại rắn hơn đá cuội thì ông bảo làm nhanh thế nào được? Vả lại, tôi thấy bọn anh em họ phàn nàn...
Cai Tứ chau mày:
- Phàn nàn? Họ phàn nàn cái gì?... Tôi còn lạ gì họ nữa!... Tôi thuê họ làm phu cho tôi chứ có thuê họ làm bố tôi đâu mà tôi phải chiều họ? Và chiều làm sao cho vừa ý họ để họ khỏi phàn nàn được?
- Thực ra tôi cũng chẳng thấy họ đòi cái gì là quá đáng. Họ chỉ kêu rằng đáng nhẽ lò xa và khó làm như thế thì ông cho họ ăn thêm công mới phải. Các ông cai khác vẫn thuê như thế cả...
- Thêm! Của tôi có là của ông Bạch Thái ngày xưa thì tôi mới nay thêm mai thêm cho các bố ấy được! Tôi chỉ có thế, anh nào làm được thì làm, không làm thì ra. Tôi có cần gì! Ở đường xuôi lụt lội, còn hàng vạn người xin làm công không chẳng ai thèm mướn đành chịu chết đói nhăn răng cả ra với nhau kia kìa!
Thuật nín lặng. Anh nghĩ lại những lời Dương đã nói hôm nào. Thì ra bọn cai và chủ keo kiệt, độc ác thực. Họ chỉ cốt nhét cho đầy túi, ăn hà ăn hiếp ai được đồng nào hay đồng ấy còn ngoài ra ai chết mặc ai. Họ chắc vào chỗ bọn nghèo nếu khí khái hay bướng bỉnh thì sẽ bị chết đói ngay. Thế là họ không cần nữa. Họ thấy trời làm tai nạn lụt lội thì họ sẽ mừng nhân công sẽ rẻ như bèo nên họ tha hồ cay nghiệt, bọn phu có tức mấy cũng phải cắn răng mà chịu, vì nếu thôi việc một bọn đói khát khác đã tới lạy để mà thế chân ngay.
Thuật buồn rầu về nỗi người xử tệ với người, anh lại càng uất ức vì ông trời cũng hình như vào phe với bọn giàu có mà bách hại kẻ nghèo kiết.
Thấy Thuật im lặng quá lâu, cai Tứ cũng ngượng.
- Thực ở đời không biết ăn ở thế nào cho tất cả bằng lòng được. Anh thử xem, tôi đối đãi với anh em phu phen đến thế chứ còn thế nào nữa? Công tôi không lưu lại đồng nào. Ai làm được bao nhiêu tôi trả cho cả bấy nhiêu. Phạt tiền tôi không hay phạt. Ai túng nhỡ, tôi cho vay mượn không lấy lời lãi gì cả. Đến lúc cần phải trả nếu còn túng muốn hẹn lại tôi cũng vui lòng cho! Ấy thế mà còn có người phàn nàn thì tôi cũng đành chịu, không biết làm thế nào nữa!...
Những cái nhân nghĩa vờ của cai Tứ, Thuật không dại gì mà còn mắc, nhưng anh cũng mặc hắn nói cho sướng miệng.
Và, để ngắt câu chuyện lông bông, Thuật hỏi cai Tứ:
- Vừa rồi ông bảo thăm chúng con có chút việc, chẳng hay là việc gì ạ?
- À, có việc gì đâu, tôi lại để nói cho bác biết rằng từ ngày mai bác không làm với tôi nữa.
Choáng người, Thuật giương tròn hai mắt nhìn cai Tứ để xem hắn nói đùa hay nói thực.
- Tôi cũng lấy làm tiếc lắm, nhưng làm thế nào được, vì ông chủ muốn thế!...
Thuật ức quá:
- Nhưng cháu có lỗi gì mà tự nhiên đang làm ông chủ bắt cháu phải thôi?
Nói câu ấy, óc Thuật nghĩ ngay đến vợ.
Cai Tứ vớ điếu hút một hơi thuốc lào đoạn vừa thở khói vừa đáp:
- Không, bác chẳng có điều gì cả. Chỉ vì ông chủ muốn cho bác làm bên nhà máy.
Thuật thở dài như chút cái gánh nặng.
- Làm bên nhà máy? Khốn nỗi cháu không biết một tí gì...
- Ông chủ muốn cho bác lát sê cái chân ông nhà trước vì nghĩ ông nhà bác có công với mỏ. Cái chân ấy làm rất tốt tiền, lại nhàn lắm. Điều này, bác hẳn cũng biết như tôi.
Thuật vẫn chưa hiểu.
- Cháu không biết một tí gì về máy móc cả thì làm thế nào?...
- Cái đó không ngại. Bác cũng biết rằng khi ông nhà bị mệt, chủ có lấy một người vào thay. Nhưng, người ấy, chủ không thích vì tính hắn bướng bỉnh lắm. Thế nào rồi hắn cũng phải đuổi. Ông chủ bèn nghĩ đến bác, muốn cho bác vào phụ người kia để học việc trong vài tháng rồi khi nào bác đã có thể thay được người kia, ông chủ sẽ cho hắn ra.
Thấy cai Tứ nói phô rằng chủ nghĩ đến bố mình nên muốn cho mình một công việc tốt, anh ta cũng muốn tin mà chẳng hiểu sao trong lòng anh vẫn cứ ngờ vực. Anh không muốn lại gần bọn quyền thế. Sự gần gụi ấy anh thấy nó gai góc thế nào ấy. Thuật đắn đo một lúc rồi hỏi cai Tứ:
- Cháu làm trong lò công việc đã quen nên không muốn đi nơi khác. Vả lại làm như thế, cháu e sẽ mang tiếng là cướp cơm anh em... Hay là ông thưa với chủ hộ?
Cai Tứ nhìn Thuật bằng hai mắt ngạc nhiên, đoạn làm ra dáng thương hại và bảo với Thuật rằng:
- Anh này mới lạ chứ! Nhàn hạ sung sương chả muốn lại cứ thích chui đầu vào lò! Anh việc gì mà sợ tai tiếng? Công việc trong mỏ này là quyền ở ông chủ. Ông cho ai hay thì người ấy được hay, ông bắt ai dở thì người ấy phải dở. Chủ cho anh sang nhà máy là ý chủ, ai trách anh vào đâu được? Còn anh nhờ tôi từ chối với chủ hộ anh thì điều ấy tôi chịu thôi. Người ta muốn làm ơn cho mình mà mình từ chối thì mình tỏ ý không thèm khuất người ta. Tôi chỉ e như thế ông chủ sẽ giận anh. Mà chủ đã giận anh thì sau này dù anh có muốn yên thân ở trong lò cũng không thể được!
Những câu giảng giải ấy làm cho Thuật cứng lưỡi. Anh cúi đầu im lặng.
Cai Tứ đứng lên.
- Sáng mai anh bắt đầu sang nhà máy làm, biết chưa?
- Vâng.
Hách dịch cai Tứ bước ra ngoài.
Thuật ngồi ngây ra như một pho tượng anh lấy làm khó chịu quá. Sự thay đổi đột ngột kia, anh thấy như có ngụ ý gì đáng sợ. Nhưng, nghĩ quanh nghĩ quẩn, anh cũng chẳng biết tính toán ra làm sao. Từ chối không được mà làm theo ý ông chủ thì anh thực tình không muốn. Anh không thích chịu ơn của người mà từ lâu anh vẫn hết sức muốn quên đi như quên một kẻ tình địch. Anh nghĩ đến Tép. Trong lòng anh bỗng xôn xao một mối tức giận vu vơ...
Tép ở dưới nhà xách ấm nước lên.
- Ơ kìa? Lão cai Tứ về rồi à?
Thuật chau mày nhìn vợ. Anh đang cần phải gắt bẳn nên nói một câu sẵng giọng:
- Khách về từ tám hoánh mới đem nước ra để làm gì bây giờ?
- Khốn nhưng tôi không thích gặp mặt thằng cha ấy.
Câu nói của Tép càng làm cho Thuật thêm cáu.
- Tại sao lại phải lẩn mặt hắn?
Mình không tà tâm thì việc gì phải xấu hổ.
Tép ngạc nhiên nhìn chồng, hai gò má đỏ ửng.
- Anh nói năng hay quá!
- Hay hẳn chứ lại! Mình ngay thẳng, dù có bị nó ăn hiếp cũng không việc gì mà xấu hổ kia mà! Sao lại phải lẩn mặt?
Tép cáu:
- Nói như anh thì ấy à!...
Tép nói đoạn quay vào buồng vì đứa bé khóc. Cô bế con ra ngoài, nâng niu một cách cảm động.
Thuật nhìn vợ, nhìn con, hối vì những lời gắt gỏng vô lý của mình. Anh giảng hòa:
- Thực khó nghĩ quá!... Từ cũng chết mà nhận cũng phiền...
Tép ngẩng đầu hỏi chồng:
- Cái gì thế, hở anh?
- Lão cai Tứ vừa đến đây bảo rằng từ mai tôi không đi làm nữa...
Tép giật mình lo sợ:
- Chết chửa! Sao lại thế?
Sự lo lắng của Tép cũng như sự lo lắng của anh lúc thoạt nghe cai Tứ nói khiến Thuật đau khổ lạ. Lúc này anh mới nhận thấy cái cảnh vợ con là bó buộc, là một cái lụy cho đời anh tuy cái lụy đó nhiều khi cũng êm ái!... Anh thở dài, nghĩ đến câu Dương nói hôm nào. Anh lẩm bẩm nhắc lại câu nói ấy mà hiện giờ anh đã hiểu thấm thía cái đau đớn của nó:
"- Lấy vợ để rồi khổ với nhau suốt đời ư? Có con để rồi sau này nó lại chúi đầu vào lò than làm culi suốt đời ư?".
Không thấy chồng đáp, Tép nhắc lại câu hỏi:
- Tại sao thế, anh?
Thuật buồn rầu:
- Tại chủ nó muốn cho tôi sang nhà máy để rồi thay vào cái chân của bố trước.
Anh giảng giải để tự dối mình:
- Vì chủ nghĩ đến cái công lao của bố làm với mỏ trong hai mươi năm trời.
Rồi anh nhắc:
- Phải, vừa đúng hai mươi năm trời!
Tép hết lo, cô mỉm miệng cười:
- Thế thì càng hay chứ sao?
Sự vui vẻ nhanh chóng của vợ khiến chồng khó chịu:
- Đã chắc đâu là hay hay dở?
- Làm thay chân của bố vừa nhàn vừa lắm tiền.
Tiền! Lần thứ nhất, Thuật khó chịu vì vợ anh đã nói đến tiền. Cái ám ảnh ấy nó theo bọn dân nghèo như một bệnh hủi. Mỗi lần không thể quên được nó là một lần người ta khổ sở. Bởi thế nên nghe chính miệng vợ anh nói ra, anh lại càng cảm thấy đau đớn vô cùng.
- Phải! Đã đành sẽ lắm tiền hơn, nhưng tôi thích cứ làm ở trong lò...
Tép không hiểu ý Thuật:
- Ơ tại sao lại thế?
- Chẳng tại sao cả! Nhưng tôi không thích dây với tụi có quyền.
- Nhưng mình từ chối sợ nó lại thù oán lôi thôi.
- Thế mới khó nghĩ!
- Đành phải nhận chứ làm thế nào được!
Đến lượt Tép tự dối mình:
- Biết đâu chẳng vì lòng tốt của người ta nghĩ đến công lao của bố ngày trước nên muốn làm ơn cho mình.
- Ấy chính cái làm ơn ấy làm cho tôi sợ nhất. Khi nào một kẻ quyền thế làm ơn cho mình một việc thì mình phải biết ngay rằng họ muốn mình... trả ơn họ...
Thuật nín bặt. Cả hai vợ chồng cùng cúi đầu ngượng nghịu...
Tép chợt nhớ lại buổi sáng ngày lúc cô đi chợ có gặp ông chủ. Thấy cô, ông chủ ngắm nghía mãi đoạn cười mà bảo cô bằng tiếng An Nam: "Độ này, cô Tép trông đẹp hơn xưa nhiều lắm!" Câu ấy và cái nhìn thèm ước của ông chủ khiến Tép nhớ lại mà gai cả thịt. Cô cảm thấy như nó xoáy vào thân thể cô chẳng khác những cái đinh ốc xoáy vào gỗ. Ngay lúc gặp ông chủ, bị ông chủ ngắm nghía rồi khen ngợi, Tép đã có cái cảm tưởng như mình bị lột truồng ra ở trước mặt mọi người... Cô nhớ lại câu chuyện ngày xưa, câu chuyện tuy lâu mà vẫn để trên da thịt cô một vết bỏng như dấu sắt nung đỏ vậy. Cô nóng bừng cả mặt và càng cúi gằm mặt xuống, không dám nhìn chồng trong khi Thuật cũng quay nhìn chỗ khác, vì anh nhận thấy những ý nghĩ ngấm ngầm nó đang giày vò hun đốt lòng anh.
Sự ghen tuông, trong giây phút ấy đã làm cho đôi vợ chồng đương yêu nhau khăng khít trở nên xa cách hẳn nhau, hơn thế nữa, nó làm cho Thuật cảm thấy thù oán vợ.
Anh lẩm bẩm nói một câu, cũng chẳng rõ nghĩa nó ra sao:
- Hừ! Cuộc đời!... Chó lắm!...