If we are peaceful, if we are happy, we can smile, and everyone in our family, our entire society, will benefit from our peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chủ Nhật Ô-Đét-Xa
RONG CUỘC CHIẾN TRANH vừa qua, thành phố cửa biển Ô-đét-xa bị tàn phá đến đỗi một bức tường, một kè đá, một cái cầu, phát xít Đức cũng đặt mìn đánh sụp nốt, trước khi chúng rút chạy.
Tôi đến Ô-đét-xa bây giờ chỉ thấy những phố phường và lâu đài xinh đẹp. Tôi đến Ô-đét-xa một đêm cuối thu trời trong. Ô-đét-xa xòe ra như một vùng hoa lửa chói lọi lên tận lưng trời lẫn với các vì sao. Tôi đã chỉ thấy nguy nga, tráng lệ và kỳ ảo như hình tượng trưng Ô-đét-xa: người đàn bà xõa dài tóc vượt ngọn sóng.
Nhưng, một hôm tôi đi vào một khu phố, thấy giữa những tòa ngang dãy dọc đồ sộ có một ngôi nhà đổ nát còn trơ lại mấy mảnh tường đá ong. Trước chiến tranh, đấy là trường trung học số 36. Bây giờ, Ô-đét-xa đã xây lại trường trung học số 36 ở chỗ khác. Nơi đây, cái trường học của trẻ em bị phá được giữ lại làm một di tích chiến tranh.
Người Ô-đét-xa cố tình để sót lại vết thương chiến tranh ấy. Tôi càng rõ thêm tính người Ô-đét-xa vốn sinh sống trên đất liền cũng như trên mặt biển, có nhiều đức tính kiên nhẫn, gan dạ, vừa thâm thúy lại vừa hồn nhiên, rất hồn nhiên.
Ngày trước, I-van Pét-tô-vích Gay-đa-ên-cô là một người lính thủy. Cuộc đời Gay-đa-ên-cô cũng như hết thảy người Ô-đét-xa, dù bây giờ làm gì nhưng thường thường ai cũng từng sống trên bể, làm nghề bể và đã đi bể, hoặc phục vụ cho nghề bể. Cho nên, cũng không có gì đặc biệt, khi ta biết, ở lứa tuổi Gay-đa-ên-cô, như biết bao người cùng lứa tuổi ấy, Gay-đa-ên-cô đã trôi nổi khắp các đại dương. Anh từng đến Sài Gòn nước ta. Anh đã đến Tây Ban Nha năm 1934, có mặt trong đạo quân tình nguyện quốc tế chống phát xít Phờ-răng-cô. Gay-đa-ên-cô cao lớn, tóc vàng, thích nói cười, trông đã biết ngay người Ô-đét-xa. Khách lạ có thể dễ nhận thấy một vóc dáng, một lối ăn nói, một tâm hồn như thế của những người cửa bể Ô-đét-xa. Mà lạ, ai đến đây ở rồi cũng cứ Ô-đét-xa hóa cả.
Nhiều dân tộc các vùng Địa Trung Hải và Cận Đông, Trung Đông đã tới cửa bể này từ thế kỷ trước. Người U-cờ-ren, người Nga, người Ý, người Đức, người Ba Lan, người Rumani, người Do Thái, người Tác-ta, người Thổ... nhưng bất cứ ai, chỉ ít lâu sinh sống trên cửa bể, đã trút bỏ những thói quen và bắt đầu nhiễm tính nết Ô-đét-xa. Thật ghê gớm, Ô-đét-xa cũng giống phần đông cửa bể trên thế giới, nó “ăn” được người!
Người Ô-đét-xa phóng khoáng, lạc quan, lúc nào cũng sẵn một kho chuyện hóm hỉnh.
Gay-đa-ên-cô muốn khoe cho tôi biết rượu vốt-ka của Liên Xô là một thứ rượu ngon có cỡ, một thứ khẩu vị quốc tế, Gay-đa-ên-cô kể:
“Hai mươi năm trước, tôi còn làm thủy thủ. Lần ấy, tàu vào cảng Nữu Ước. Chúng tôi lên bộ. Người lính hải quan nước Mỹ gác bến hỏi những người thủy thủ Liên Xô đầu tiên vừa lên bờ:
- Các anh có đem rượu vốt-ka đấy không?
Trông bộ mặt, con mắt thèm khát của lão ta, tôi biết ngay câu hỏi ấy chẳng phải của một người làm phận sự hải quan. Tôi liền đưa cho lão ta một chai vốt-ka bố. Lão ta cười rất to, rồi một tay lão nắm cổ chai rượu, một tay lão chìa cho tôi chiếc dùi cui trắng. Lão nói:
- Chúng ta đổi hai thứ này kỉ niệm cho nhau!”
Thật là chuyện Mỹ nguyên si do một thủy thủ Ô-đét-xa kể.
Nếu người Ô-đét-xa vui tính như phần nhiều người các cửa bể thì họ còn có một tính khác, đó là tình yêu đặc biệt đối với Ô-đét-xa của họ.
Chưa đặt chân xuống Ô-đét-xa, khi máy bay mới xuống độ thấp, hành khách đương rục rịch lấy áo khoác, chuẩn bị xuống, chị phục vụ trên tàu đã nói một câu như nhận xét, như phân trần, lại nửa như hờn dỗi: “Ô-đét-xa chúng tôi về mùa này thì chỉ có người đi, không có người đến”. Ý nói bóng rằng, bây giờ thì vắng người đến, nhưng người ta đã phải nô nức đến nhiều với mùa hè tuyệt vời của Ô-đét-xa. Thật là thú vị, chưa giáp mặt mà đã được nghe mấy lời “tựa” tình tứ xiết bao. Rồi, vào đời sống hàng ngày của người Ô-đét-xa, tôi còn biết những thứ “Ô-đét-xa tính”, lúc vui cũng như lúc buồn, đều sắc một nét chân thật và hồn nhiên vậy. Họ quả quyết nào cá Scum-bờ-ri-a lẳn mình, thịt chắc, chỉ các vùng nước quanh cửa bể Ô-đét-xa mới có. Nào Nhà hát Thành phố của Ô-đét-xa lâu đời của châu Âu - cũng có nghĩa là một nhà hát lâu đời nhất thế giới. Nào mùa đông này thì chỉ riêng Ô-đét-xa mới có hoa cúc trồng được ngoài trời... Trong viện Bảo tàng Lịch sử, xem những hiện vật, tài liệu cuộc chiến đấu dũng cảm của thành phố anh hùng Ô-đét-xa [1] thấy một mảnh giấy viết bút chì bỏ vào một cái chai nút kín. Mảnh giấy nguệch ngoạc dòng chữ: “Ở nơi này chúng tôi đã chiến đấu quên mình vì Tổ quốc”. Ô-đét-xa giải phóng, người ta cày vỡ hoang lại những cánh đồng của nông trang ngoại thành, đã nhặt lên được cái chai đựng thư vĩnh biệt ấy. Người đi bể nếu gặp nguy hiểm, thường bỏ cái thư vào chai rồi thả xuống nước làm hiệu. Đó là phong tục trên sông nước đã lâu đời. Cái chai mang thư vĩnh biệt Tổ quốc vùi trong ruộng này của người lính thủy đã lên chiến đấu bảo vệ cửa bể. Khi cùng đường, họ đánh dấu lại cho cuộc sống. Cái chai đựng thư vùi trong đất cũng như cái chai đựng thư vùi trên sóng. Lại có những chiến sĩ hải quân lên chiến đấu trên bộ, khi rút lui xuống nước đã đứng đầu thuyền, giơ tay hô: “Ô-đét-xa hãy chờ chúng ta! Ô-đét-xa hãy chờ chúng ta về!”. Thật như thế, giữa mùa hè năm 1944, những người lính phanh cổ áo thủy quân đã trở lại tấn công giải phóng cửa bể thân yêu. Vẫn một tin tưởng hồn nhiên như khi ra đi, họ lại giơ tay lớn tiếng chào trở về với Ô-đét-xa quê hương.
Hôm nay, người thủy thủ cũ Gay-đa-ên-cô đưa tôi đi chơi cửa bể và các bến tàu Ô-đét-xa. Ngày chủ nhật, Ô-đét-xa chan chứa duyên dáng thiên nhiên như một cô gái đương thì. Trời và nước Ô-đét-xa trong xanh một màu. Màu xanh lơ đậm. Có lẽ không phải. Một màu xanh kỳ lạ, xanh thăm thẳm, xanh thủy tinh. Cũng không phải. Tôi chưa hề bắt được màu xanh lạ ấy trên trời bất cứ ở miền nào nước tôi.
Ô-đét-xa vào mùa đổi lá khoác một vẻ đẹp khác thường. Trên những con đường gọn ghẽ dọc bờ bể, lá cát-stan vàng chóe rụng xuống. Lá vàng rơi lao xao như hoa hòe bay lẫn với trăm nghìn màu áo quần người đi đường. Chưa ai nghĩ đến mặc rét. Ô-đét-xa chưa xuống tuyết, đương còn mùa thu. Tôi vừa từ phương bắc xuống, với cái áo cổ lông cừu bù xù chưa hợp thời. Có lẽ sáng ấy tất cả Ô- đét-xa cũng chỉ một mình tôi mặc áo lông cừu đại hàn ra phố. Ở đây, đi ngoài đường chưa phải mặc áo choàng và xỏ đôi giày sù sụ chống tuyết. Người ta còn có thể khoe trong ánh trời những màu áo quần rực rỡ và màu da tốt tươi nhất. Các chị rất thích thời tiết này. Các chị lộng lẫy phơi phới trên đường. Họ muốn níu hơi hướng những ngày mùa thu đáng yêu đi chậm, còn sót lại, như hôm nay.
Ô-đét-xa xanh trong một màu. Người ta bảo nước Ý đẹp nhất châu Âu. Trên nước Ý đứng chỗ nào cũng thấy bể. Ở nước Ý quanh năm bao phủ một nền trời xanh và hơi bể thì suốt đời ướp lên mặt đất một khí hậu hiền hòa. Các bạn Ô-đét-xa bảo tôi rằng nhiều cái Ô-đét-xa giống đất Ý. Trước nhất là màu trời xanh trong. Và các bạn đã dẫn tôi đến những nơi giống Ý. Có một quãng phố Nhỏ đã được giả làm phố xá Ý để quay ngoại cảnh cho phim “ Ruồi trâu ”. Phố ấy giống phố ở Vơ-ni-dơ, mặc dầu nhà Ô-đét-xa không ngồi trên mặt nước. Đây có những cổng, những cửa cuốn và những bức tường rất Ý. Tôi chưa hề được đặt chân lên cái doi đất của châu Âu dũi ra giữa Địa Trung Hải là nước Ý bao giờ. Nhưng tôi đã đi trên các con đường ven biển của Ô-đét-xa trong óng như những ngấn nước. Cả ba phía Ô-đét-xa đều quay mặt về bể. Tất cả những đại lộ của Ô-đét-xa đều song song với bờ bể. Trông xa tun hút phẳng như những cửa sông chảy ra bể. Ngõ phố nào trổ xuống bể cũng thấy lưng trời xanh phía trên. Và đứng chỗ nào cũng chỉ một trời xanh, trời xanh lạ lùng. Nhà văn Kuyếc-di-ô Ma-la-pac thường tả thành phố Náp ở Ý. Ta đọc phong cảnh trong truyện và tưởng tượng thêm ra, bao giờ cũng đẹp hơn phong cảnh thật. Nhưng, trông Ô-đét-xa, tôi cảm thấy thành Náp trong tưởng tượng tôi có thể còn thua đây. Thật thế, hỡi thành phố cửa bể tuyệt vời của tôi, mà những đường phố dài trông nghiêng sang, bao giờ cũng thấy đằng xa những tầng gác hai, gác ba, có lan can chạy dài, những cổng cuốn uy nghiêm kiểu thế kỷ trước, những cánh cửa có dóng sắt và vấu cột, như cột neo thuyền, nhưng thật ra là những cổng cuốn vừa cho xe ngựa xưa kia các nhà quý phái đánh vào.
Những hè phố hèm hẹp, quãng hơi vồng lên, quãng thì chúc xuống, trổ ra những ngõ phố liền với biển, người đi từng đám. Mỗi quãng bờ hè lại có một cái quán bát giác nhỏ bán giải khát hoặc rượu bánh và bách hóa. Nom như những tán tròn hoa mặt trời lổ đổ nở trên ngõ bể. Và xa nữa, bao giờ cũng thế, là bờ bể mà tất cả nhà, cổng, hè phố, gác và lan can đều im như cất hình lên màu xanh trời và nước bể. Hệt một chiếc cốc pha-lê đựng nước lá la-văng thơm thoảng, người ta đã khéo đặt mấy nhánh lá đậm màu vào đáy cốc.
Nhưng trái lại, sóng bể tù mùa đông trên Hắc Hải dữ đã nổi tiếng. Sóng bể tù, đánh quần đi quần lại, chỉ rình lật tàu. Người thủy thủ lão luyện gặp sóng dữ Hắc Hải cũng phải dè chừng lắm.
Nhưng hôm nay, Hắc Hải nõn nà trải ra, mơn mắt nhìn như tay vuốt trên tấm nhung hoa. Và dọc bờ bể, ngày chủ nhật ánh xuống nước như một súc lụa sặc sỡ cuốn dài dưới hàng cây.
Chúng tôi qua ga bể số 2. A-các-đi, nơi nghỉ mát danh tiếng thế giới của Ô-đét-xa.
Đầu sóng nhấp nhô chiếc cầu ra bể cho khách tíu tít xuống ga, khách ra tàu. Đã qua ga số 3: Bãi Vàng.
Trên bờ biển cao Bãi Vàng, một dãy ba tầng nhà đá ong vàng sậm. Đây là những lâu đài Nhà sáng tác một trăm năm mươi buồng của Hội Nhà văn Liên Xô.
Trên bãi cát, thành đá, lô nhô mái nhà, vòm nước. Sương đã quang. Trông xuống cột tàu chi chít mặt biển; trông lên ngoại ô, cứ đến mỏi tầm mắt thì thôi, không hết được ống khói, mái nhà và vòm nước. Và người, nhiều người và các thứ xe du lịch. Theo bờ biển, tấm lụa hoa mở dài - người đi ngày chủ nhật, đông vui xôn xao. Người các làng về thành chơi. Người các công trường, các nhà máy vào phố chơi. Người trong phố ra chơi ngoại thành thoáng đãng.
Những công nhân và từng toán thanh niên cộng sản tới xây dựng bến mới đương lũ lượt về phố chơi chủ nhật. Người đi ô tô buýt, người xuống ga bể. Họ ồ vào những đám đợi ô tô trong bến nắng đương khiêu vũ trong tiếng phong cầm và tiếng cười. Trên những chiếc cầu gỗ xuống ga bể, từng đám người chờ tàu đến. Áo váy như những bó hoa nhiều màu. Đám người chờ tàu cũng đương đàn hát và nhảy ngay ở bến. Đám vui lay động như những giàn hoa rung rinh trong làn gió thơm nhẹ. Nắng vàng ối đường cây bờ biển.
Chiếc ca-nô xinh xắn của chúng tôi cập vào một cầu tàu, gỗ thành cầu còn thơm sực nức. Đã tới bến mới Ô-đét-xa. Các nhà máy ở Ô-đét-xa đương chuẩn bị cho năm 1960 thi hành chế độ làm việc ngày bảy và sáu tiếng.
Trên bến mới, mỗi đợt làm bảy tiếng, các kíp càng thay phiên liên tiếp làm, không biết chủ nhật, không có ngày đêm. Đâu cũng thấy người và máy. Quay máy, đào đất. Bụi than mù mịt. Trên mặt nước, những cánh tay máy ầm ầm quay đi quay lại. Công nhân mặc đồ lặn nhấp nhô bơi trên mặt nước, quanh tàu cuốc có trục tròn móc liên tiếp lên từng hộc bùn lớn.
Trước đây hai năm, vùng bãi Lu-khôi Lúc-man chỉ là nơi bến nước đọng cho những người Ô-đét-xa ra chơi câu cá. Bây giờ, một thành phố nhỏ của công nhân cảng đã soi bóng bên bờ nước. Bến cũ Ô-đét-xa ngót hai trăm tuổi, có sáu mươi cái cần trục tự động bốc hàng. Bến mới Ô-đét-xa mới lên một tuổi, đương vỡ da vỡ thịt mà đã mọc lên hơn mười cái cần trục. Một già một trẻ vượt nhau có một năm đã khác xa như vậy. Tôi tưởng như một lần nào tôi lại tới đây, chắc tôi sẽ gặp thành phố Ô-đét-xa chạy ra tới đây vậy đó.
Lớn nhất các cửa bể Liên Xô, cảng Ô-đét-xa dài hơn hai mươi cây số, kề bên thành phố, có hơn năm nghìn công nhân và kỹ sư làm việc. Một làn sương thu mỏng phủ thấp trên đầu người. Những cánh tay cần trục, và những đàn chim hải âu nhô lên, vút lên trên vòm sương đương tan.
Bên cổng chính vào cảng, một tòa nhà bốn tầng đồ sộ: Câu lạc bộ công nhân. Ngày trước, quãng những năm 1891, Mắc-xim Goóc-ky đã có lúc lưu lạc đến làm phu bốc vác trên cảng này. Tòa nhà xưa là quán rượu và tiệm nhảy. Goóc-ky từ bến lên ăn uống rồi ngủ ngay đấy. Bây giờ, cái ghế tràng kỷ mà Goóc-ky nằm, vẫn nguyên chỗ cũ. Bên tường đầu ghế đóng một chiếc biển đồng khắc dòng chữ “Nhà văn Mắc-xim Goóc-ky từ năm ấy... đến năm ấy... thường ăn ngủ ở quán này”.
Cảng Ô-đét-xa có ba bến: bến tàu du lịch, bến tàu vận tải và bến tàu chở dầu. Ngày 19 tháng tư năm 1944, quân phát xít Đức chạy khỏi thành phố, phá nốt chiếc cầu tàu cuối cùng. Sóng biển lại đánh vào bờ đá, như Ô-đét-xa hoang vu ngót hai thế kỷ trước, chưa có phường phố và người ở. Khi Ô-đét-xa khởi công dựng lại bến, có những người chuyên môn xây cửa bể nước Anh đến thăm. Họ đã nói một câu bất hủ của những kẻ chào hàng nhà nghề: “Các ông phải tốn tiền vào đây mười lăm năm và phải có bàn tay chúng tôi giúp thì mới xong được”. Nhưng chỉ trong ba năm, Ô-đét-xa đã làm sống lại được tất cả các bến cũ, không có người Anh giúp. Chẳng những thế, bến Ô-đét-xa ngày nay còn to gấp ba trước. Ngày trước, các bến chỉ có mười lăm cái vừa cầu tàu, vừa cần trục. Bây giờ hơn sáu mươi cái. Và cầu tàu nào cũng to rộng thênh thang, đón dễ dàng vào trong lòng những chiếc tàu đến cỡ trên hai vạn tấn.
Bến tàu vận tải Ô-đét-xa buổi sớm. Trời xanh trên cao, nhưng sương mù còn đương tan dài mặt bến. Từng đàn hải âu vi vút. Những cần trục nhấp nhô làm việc. Mấy tàu vận tải Bi-lê-ô-rút-si, tàu Mắc-xim Goóc-ky ở Địa Trung Hải vừa vào bến. Tàu Páp-lốp mới từ Thái Bình Dương về. Cao-su mua ở Viễn Đông về dỡ dưới hầm tàu lên còn chất bao từng núi, trắng xóa cả bến. Ven đường, trước cửa nhà kho, sắp hàng những máy kéo, cày máy, bừa máy xếp dãy như chiến lũy. Hàng ấy sắp sửa xuống tàu đi Cam-pu-chia, đi Ê-ti-ô-pi, đi Ai Cập, đi Tích Lan, đi Ấn Độ, đi Hải Phòng... Trên cao, những chiếc cần trục lủng lẳng thò cánh tay có ngoàm sắt tự động xuống mỗi lần quắp lên hàng chục bao đựng cao-su hoặc cả một chiếc máy kéo nghênh ngang rồi bốc hẳn ra, thả xuống tận hầm tàu, thả xuống lưng những chiếc xe vận tải hạng đại đã đứng từng dãy, chờ sẵn.
Một đoàn tàu đánh cá voi vừa rời bến. Đoàn tàu mười lăm chiếc, quây quần mười bốn tàu “con” với một tàu “mẹ”. Những chiếc tàu “con” tỏa đi rồi lại châu tuần về quanh tàu “mẹ”. Đoàn tàu xuống săn cá voi dưới Nam cực, chừng nửa năm mới trở về.
Chúng tôi đến dãy bến tàu chở dầu.
Ngoài xa đã tắt từ lâu tiếng còi như tiếng hú đàn sói bể, thế mà vẫn còn quanh quất tiếng rúc dài và hình đoàn tàu “mẹ”, tàu “con” đương đi trong sương mù. Thật thì đoàn tàu đi đã xa. Nhưng câu chuyện của người phụ trách cái bến chở dầu còn đương kể, sôi nổi thú vị, tưởng như đoàn tàu đánh cá voi còn đậu ngoài bến. Tôi chưa từng gặp ai vui tính, kể chuyện lý thú như người thủy thủ già ở bến tàu chở dầu này. Ông ta cắt nghĩa về lợi ích của cá voi như sau:
- Cái giống cá voi là rất quý. Không có một mảy trên người nó bỏ phí. Mỡ cá voi để làm nhiều thứ thuốc tốt. Tinh mũi cá voi có thể chế thành một thứ nước hoa thượng hảo hạng. Nhớ nhé: nước hoa thượng hảo hạng của các bà làm bằng tinh mũi cá voi. Cá voi phục vụ chị em. Vẫn chưa hết đâu. Những sợi gân ở cái răng mềm của cá voi, gỡ ra, để làm nịt bụng. Các chị làm đẹp, muốn cho thót bụng đều cần cái gân răng cá voi. Tóm một câu: giới phụ nữ rất quý cá voi, văn minh loài người rất cần cá voi. Đoàn tàu đánh cá voi “Nước Cộng hòa U-cờ-ren” chúng tôi đương đi xuống Nam cực làm cái nhiệm vụ mà văn minh và giới phụ nữ đòi hỏi.
Đằng xa hiện ra một chiếc tàu vào ăn dầu. Những tiếng còi “hút hút” rúc lên như tiếng sói biển, khiến mọi người chú ý. Câu chuyện vui của chúng tôi phải bỏ đoàn tàu đánh cá voi, trở lại bến tàu. Bến tàu chở dầu biệt lập ra một khu riêng. Con đê ăn ra mặt biển như hai vai một người lực lưỡng mấp mé mặt nước xanh biếc ánh dầu. Bến này của Liên Xô chuyên bán ra dầu ma-dút và chở thuê dầu săng cho nước Cộng hòa nhân dân Rumani. Hàng dãy tàu ống khói trắng sơn màu cờ nhiều nước khác nhau ngủ dọc đê biển, vừa ăn đầy bụng dầu, đương sắp đi Thụy Điển, đi Ý, đi Pháp. Ống dẫn dầu lên tàu như những con trăn khổng lồ còn quằn ngổn ngang trên mặt đê.
Người thủy thủ già khoát tay trỏ ra thân đê bể thẳng băng, đôi chỗ chon von mấy đám cây nhỏ. Ông vẫn rất vui, rất hăng, nói rung cả bộ râu ria vàng chóe:
- Các đồng chí hãy nhìn xem! Cái đê đắp ra bể ngăn nước làm bến thì còn có gì nữa, ngoài đá và xi-măng. Nhưng không, chúng tôi không chịu sống khô khan như vậy. Chúng tôi đã làm theo thói quen kiên nhẫn của Ô-đét-xa khi nhân dân chúng tôi moi đất làm thành phố này. Chúng tôi đã khiêng đất xuống đây, đắp thành luống để trồng hoa hồng, trồng táo, trồng cây cát-stan có bóng mát. Chúng tôi đã làm một việc mà bao giờ và ở đâu loài người cũng ao ước là chỗ nào có đất thì ở đấy phải có cây cỏ. Chúng tôi lại làm chuồng nuôi bồ câu. Khách lạ cứ đặt chân đến đầu cái bến chở dầu này là cảm thông ngay với tình yêu hòa bình của chúng tôi.
Rồi người thủy thủ già ấy phanh ngực áo, đưa chúng tôi đi dọc trên thân đê bể. Những cây cát-stan mới trồng còn gầy leo khoeo. Nhưng chúng đã rất tốt, rất khỏe trong con mắt lạc quan đặc biệt Ô-đét-xa của ông phụ trách bến.
Chưa hết. Lúc chia tay, ông còn làm quà cho chúng tôi một câu chuyện:
- Cũng chuyện cái bến chở dầu này. Năm ngoái, nước Ca-na-da đến mua một chuyến dầu ma-rút Liên Xô. Người của họ tới đây trông nom bơm dầu và sắp xếp hàng hóa lên tàu. Chuyến ấy đến lượt chiếc tàu “Các Mác” chở dầu. Những ông khách hàng Ca-na-da của chúng tôi chỉ mới trông thấy tàu “Các Mác” đã hốt hoảng quá. Họ nhất định bắt chúng tôi đổi cho một cái tàu mang tên khác, dù phải trả tổn phí đổi tàu nhiều thế nào họ cũng chịu. Họ nói thật rằng nếu họ phải dẫn một chiếc tàu “cộng sản Các Mác” to như thế vào bến thì họ chỉ còn có hai con đường mà nhà nước Ca-na-da sẽ bắt họ đi, một là thất nghiệp, hai là ngồi tù.
Sương trắng, từng đám nhỏ, thấp thoáng nhạt dần trên cửa bể. Những chiếc tàu tránh nhau trong sương rúc dài hiệu còi. Chúng tôi đương theo đường bờ biển ra bến mới của Ô-đét-xa.
Cửa bể Ô-đét-xa ngày nay đã đứng lên như trước, hơn trước. Nhưng người Ô-đét-xa chưa chịu bằng lòng cái bến già đã ngót hai trăm tuổi. Họ không bằng lòng giống trước chiến tranh. Thời đại đã khác trước. Cho nên, khi dựng lại bến cũ, Ô-đét-xa cũng bắt đầu làm một cái bến mới, thích hợp và hiện đại hơn.
Bến mới của cảng Ô-đét-xa cách trung tâm thành phố ba mươi cây số về phía tây. Vùng bãi cạn Lu-khôi Li-man, có một quãng eo bể tự nhiên sâu mấy chục cây số vào đất liền. Cả cái eo cạn này trở thành một cái bể nhân tạo sâu trên mười lăm thước. Những chiếc tàu to nhất thế giới đều ra vào thoải mái. Hơn hai năm nay, công việc bến mới Ô-đét-xa rầm rộ phát triển. Tháng mười hai 1959, một cầu bến thứ nhất đã làm xong, đón được đủ các cỡ tàu vào.
Sớm chủ nhật ấy tôi đi chơi bến mới. Cùng đi với tôi, vẫn nhà tiểu thuyết I-van Pét-tô-vích Gay-đa-ên-cô. Chúng tôi rủ thêm được nhà thơ trẻ I-van Ri-a-chên-cô. Một ca-nô nhỏ - chiếc ca-nô thường ngày chở khách các ga ven bể, đưa chúng tôi đi.
Những ga bể ven bờ Hắc Hải. Trên mặt sương nhạt nhạt dần, những tiếng còi tàu như thăm thẳm từ ruột bể nứt lên. Cửa bể cuối thu, lá cát-stan vàng lót đầy đường. Khi mù sương đã cất quang, thinh không lồng lộng trong xanh bay lượn từng đàn hải âu cánh trắng. Trông lại thành phố, Ô-đét-xa đứng sừng sững những tường đá ong vàng đậm. Càng xa ra ngoài càng tăm tắp. Không trông thấy sinh hoạt của người nữa, nhưng vẫn thấy nguy nga những công trình kiến trúc. Hàng cột bình phong của Cung Thiếu nhi ánh lên như những chiếc ngà voi khổng lồ. Pus-kin vẫn đời đời đứng nhìn xuống bến suy nghĩ trầm ngâm. Trên nóc một lâu đài kia vẫn trông rõ hai tượng đàn bà ngồi. Người nhìn ra bể là thần Ngày, người quay mặt vào trong là thần Đêm. Đằng xa, lô nhô bãi chơi, bãi tắm xinh xắn viền lưỡi cát nhỏ bên chân đá. Những nhà an dưỡng người hỏng mắt, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ mát thấp thoáng trong bóng cây. Xa kia, xanh mờ đường đi Xê-bát-tô-pôn.
Ngoài khơi Hắc Hải, sóng rập rờn lặn vào sương tan. Tôi đã đến bể Ban Tích, một ngày bình thường. Tôi chỉ thấy một màu biển vẩn đục, nhạt nhẽo. Không thể ví Ban Tích với trời nước Hắc Hải hôm nay. Hình như màu nước kỳ lạ Hắc Hải khá hòa hợp, ăn nhịp với nền xanh trời và màu vàng óng ả trong cây lúc đổi mùa. Từng dải nước xanh lơ, từng dải nước xanh đen từ bờ bể nguồn ra. Đấy Hắc Hải là một thảm rêu ánh lên màu xanh đen khác thường đó. Người ven biển cũng nói rằng bể này thành tên là “bể Đen” còn vì những khi mây xuống thấp thì nước Hắc Hải biến ra màu đen thẫm. Những người thủy thủ đi nhiều biển và đại dương không gặp đâu một màu nước thẫm đen như màu nước Hắc Hải. Hắc Hải rất hiền về mùa hè. Nó là bể ưa thích của người nghỉ ngơi.
Chúng tôi đi khỏi khu bến mới Ô-đét-xa đương dồn dập công việc. Ca-nô trở về nhởn nhơ ven Hắc Hải. Ô tô trên đường, ca-nô dưới bể, như những xe hoa. Đây lao động, kia giải trí, quang cảnh thông thường khắp mọi nơi.
Bữa ăn trưa của chúng tôi trong phòng ăn xinh xắn của ca-nô. Tôi mới biết rõ hơn một chút cái khả năng uống của anh thủy thủ Gay-đa-ên-cô năm xưa đã từng cho lính hải quan bến Nữu Ước một chai vốt-ka bố. Sóng Hắc Hải hôm nay chẳng có gì đáng gọi là sóng. Nhưng, cũng không phải là một cuộc chơi vui trên đất. Những ngọn nước rập rềnh đôi khi hắt xô người lại, có lúc người uống đã phải giữ lấy cái chân cốc. Cứ thế, nhà tiểu thuyết Gay-đa-ên-cô và nhà thơ trẻ tuổi Ri-a-chên-cô ngả nghiêng trên sóng biển và sóng vốt-ka suốt dọc đường.
Chúng tôi trở lại bến cầu tàu du lịch đón mấy bạn nhà văn U-cờ-ren đi du lịch châu Âu về. Trên tàu “Thắng Lợi” của Liên Xô, họ vừa làm một vòng Địa Trung Hải, ghé nhiều bến, nhiều thành phố. Chiều nay, về tới đây.
Tàu đi tàu về như hội. Bến tàu du lịch có thang xuống như Ô-đét-xa xuống đường hầm. Năm 1959, hơn hai triệu người các nước từ thang tàu ấy xuống bến đến chơi Liên Xô. Có lẽ Liên Xô đương là một quãng địa dư trên trái đất nhiều người đến chơi nhất hiện nay. Sân bay Mát-xcơ-va và bến tàu Ô-đét-xa là những chiếc cầu bắc vào phe tư bản. Chỉ vài giờ, người ta tới Ăng-ca-ra, tới Pa-ri và trở về chỉ vài giờ, đã thành những gặp gỡ quốc tế.
Dù sao thì một người như chúng ta, trong đời đã biết ít nhiều bến tàu và trải ít nhiều những tiễn đưa xưa kia, trên Tổ quốc dày đặc bóng tối, cuộc đi nào cũng chỉ là vất vả, mà kẻ đi về như xé đôi người. Tôi không thể nào quên cảnh ga xe lửa ở Hà Nội, ở Sài Gòn, bến tàu thủy Nam Định, Thái Bình trong những năm đói và những năm Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khi phát xít Nhật chiếm Đông-dương. Bao nhiêu người đói, người chết đau đớn rời bỏ quê hương! Tất nhiên, không thế lấy đó làm một so sánh với hôm nay và ở đây, nhưng sao lúc này tôi càng cảm thương những người không còn và cả quãng đời mình đã trầm luân những khổ ải ấy. Không, nhà ngục đế quốc nhất định khác cuộc sống tự do của con người. Bến tàu du lịch Ô-đét-xa hàng năm có hàng vạn triệu người Liên Xô đi về. Vạn triệu người ấy là công nhân nghỉ hạn hàng năm, là cán bộ các ngành công tác, là cầu thủ bóng đá, đấu kiếm, là một đoàn xiếc, là văn nghệ sĩ, họ đi công việc và họ đi chơi ra nước ngoài. Không có người đi tìm việc, không có người đói xa lìa quê hương. Bởi vậy, tâm hồn và con người họ trống dong cờ mở, chỉ biết có vui như hội.
Trong khi đợi tàu “Thắng Lợi” về, chúng tôi lên xem một chiếc tàu du lịch mang tên nhà phê bình văn học Bê-linh-ky. “Bê-linh-ky” là một tàu du lịch đưa người chơi ven Hắc Hải và trên sông Đơ-ni-ép. “Bê-linh-ky” ra đời năm 1952, xinh đẹp như một đóa hồng trứng. Thuyền trưởng, một sĩ quan hải quân chuyển ngành. Tuổi hơn sáu mươi, nhưng rất quắc thước, đồng chí ấy đã đón chúng tôi bằng một câu cảm động và khá khêu gợi: “Tôi chưa bao giờ đoán trước được sẽ có một người bạn Việt Nam lên chơi “Bê-linh-ky”. Tàu “Bê-linh-ky” chúng tôi quanh năm chạy dọc sông Đơ-ni-ép, qua những vùng đồng ruộng rất đẹp và người rất đẹp! Tiếc rằng bạn không đi được với chúng tôi!” Nhưng khi lão thuyền trường của chiếc tàu trẻ tuổi ấy biết tôi là người viết văn thì lại cười và nói: “Nhà văn cũng như thủy thủ, đâu cũng đi được. Tôi tin sẽ có lần đồng chí đến đây, đáp tàu “Bê-linh-ky” ngược sông Đơ-ni-ép với chúng tôi”. Tôi xin hẹn lại các bạn. Lời nói phấn khởi của một người nhiều tuổi nhiều lạc quan rất Ô-đét-xa ấy đã bốc mạnh thêm tưởng tượng của tôi. Rằng tới một mùa hè phương nam trong sáng và mát rượi kia, tôi sẽ có dịp chơi sông Đơ-ni-ép trên chiếc “Bê-linh-ky” rất trẻ, qua trong lòng những vùng giàu của đẹp người xứ U-cờ-ren biết bao thơ mộng.
Bên chiếc “Bê-linh-ky” nằm nghỉ, chiếc “Nước Nga” đương rời bến. “Nước Nga” to nhất Hắc Hải và “Nước Nga” cũng thường qua lại trên Đại Tây Dương. “Nước Nga” mình trắng bạch viền xanh, một khách sạn nổi đẹp muốt như chiếc kiệu hoa quỳ khổng lồ thả trên mặt nước. Bấy giờ, mặt bể xuống sương còn bảng lảng những tia nắng cuối cùng, càng nổi trắng phau những thân tàu, càng bạc thiếc những đàn hải âu thoáng qua thoáng lại. “Nước Nga” từ từ dời bến - chiếc hoa quỳ trắng từ từ trôi. Bến “Nước Nga” đỗ hở ra một quãng nước trắng hiu quạnh. Đàn hải âu quanh quẩn bay tìm ăn trên làn nước vẩn. Những người đi đưa tàu lặng im, đứng xế, muốn nhìn đuổi mãi cái tàu đi. Đằng kia, “Nước Nga” lên đèn sáng trắng mấy tầng tàu. Những lỗ cửa tròn trên tầng tàu vẫn động bóng người lấp ló vẫy. Tựa một đám hội đêm trên nước, “Nước Nga” lừ lừ trôi vào sương mù.
Chiếc “Nước Nga” vừa khuất, tàu “Thắng Lợi” ló ra trong mù sương. Đằng kia, những chiếc nào nữa đến, chiếc nào nữa đi. Tàu đi và tàu đến. Bây giờ tôi mới phân biệt được: người đón tàu cười nhiều hơn người đưa tàu. Tàu tới. Trẻ con la hét, chỉ trỏ. Người lớn đuổi theo mạn tàu, đón chỗ nọ chỗ kia. Các bà các chị càng quanh quanh rối rít.
Tàu “Thắng Lợi” sáng nay còn đậu cảng Ít-xtan-bun nước Thổ, giờ đã đến đây. Vợ, chồng, cặp nào cặp nấy, các nhà văn Gôn-sa, Đơ-ba-nát-sky, từ trên thang tàu bước xuống. Bạn bè xúm quanh. Tôi lặng lẽ ngắm các bạn mới, nhưng trong lòng sôi nổi nghĩ: đây là những hành trình bình thường mà vô cùng thú vị của nhà văn.
Tối hôm ấy, các bạn về khách sạn Ô-đét-xa làm một cuộc “tẩy trần” có khiêu vũ. Tôi tiếc vì đã hẹn đến mừng sinh nhật bà An-na Mác-cô-na tối nay. Tuy nhiên, sáng hôm sau, tôi vẫn dễ dàng gặp nhà văn Gôn-sa và các bạn còn tiếp tục “tẩy trần” ở khách sạn Ô-đét-xa, trước khi ra máy bay về Ki-ép.
Khách sạn Ô-đét-xa có một người phục vụ đã luống tuổi. Thường ở những nơi ăn chơi công cộng, vẫn gặp những người già lão luyện trong nghề, ai cũng quý trọng. Tôi cũng chỉ biết chung như thế. Nhưng lần này, ngay từ hôm đầu, Gay-đa-ên-cô đã làm cho tôi phải chú ý tới một người và một cái thú riêng mà tôi chỉ thấy ở Ô-đét-xa.
Một người phục vụ trong phòng ăn tiến lại. Râu tóc đỏ như cước già. Bộ quần áo trắng mới. Chiếc “nơ” đen nhánh. Gay-đa-ên-cô mời thuốc. Ông già ấy rút thuốc, và tự nhiên, quen thuộc, ngồi xuống bàn với chúng tôi. Gay-đa-ên-cô giới thiệu:
- Ông I-sim-ba-ê Đa-ki-ri-a I-bơ-ra-ghi-mô-vích nấu cà phê “tuyếc” [2] nổi tiếng.
Và cười, thêm:
- Xưa kia, ông đã từng nấu cà phê cho nhà vua nước Thổ. Rồi khi ông tới đây, các đàn anh chúng ta, Sê-khốp và Goóc-ky đã từng mê cà phê ông I-sim-ba-ê nấu.
Chỉ một dòng thành tích ấy cũng đủ khiến tôi phải chú ý ông già nấu cà phê “tuyếc”. Ông già I-sim-ba-ê, người dân tộc Tác-ta năm nay bảy mươi tư tuổi. Dòng họ Tác-ta ấy đã nhiều đời sinh sống bên Thổ Nhĩ Kỳ, đã mấy đời làm nghề nấu cà phê cho vua Thổ. Nhưng, cũng không vì bán cuộc đời và nghề nghiệp cho chúa đất mà những người Tác-ta ấy được sung sướng hơn. Cho tới đời anh em I-sim-ba-ê thì mỗi người phải ly tán mỗi nơi. I-sim-ba-ê phiêu bạt đến Ô-đét-xa từ trước Cách mạng tháng Mười. I-sim-ba-ê đã thấy Sê-khốp đến đây. Sê-khốp rất thú cái vị cà phê “tuyếc” của người thanh niên Tác-ta ấy. Đến bây giờ, người Ô-đét-xa vẫn mê cà phê “tuyếc” ông già I-sim-ba-ê. Quả là kỳ thú, cái vị cà phê I-sim-ba-ê! Những bạn từng đến Liên Xô bảo tôi rằng nếu anh đã uống cà phê phin thượng hạng Hà Nội thì khó lòng anh ưa được cà phê Liên Xô. Khi tôi uống cà phê câu lạc bộ Hội Nhà văn ở Mát-xcơ-va, tôi nghiệm các bạn ấy đã đe dọa khá đúng. Dù rằng câu lạc bộ Hội Nhà văn đã công phu cầu kỳ sắm một máy pha cà phê của nước Ý rất choáng lộn, đồ sộ, ta chỉ việc bấm từng nút điện thì ra ngữ bao nhiêu nước sôi, xuống bao nhiêu đường và bao nhiêu cà phê sẽ vào cốc đúng theo sự cần thiết. Thế mà nó vẫn chỉ thành ra nước đường cà phê thôi! Nhưng, đến như cà phê “tuyếc” của ông già I-sim-ba-ê thì, ôi thôi! Lời khen cà phê phin Hà Nội đã hoàn toàn mất hết hiệu lực. Cái vị cà phê Ô-đét-xa nấu lối “tuyếc” hôm ấy tôi đã uống cả một phần bã, sao nó đậm đậm, bùi bùi, không nước đường cà phê như những thứ pha tồi, cũng không quá tinh vi, ngon khéo như cà phê Hà Nội. Thú thực, chỉ chợt nhắp, tôi đã mê ngay cà phê “tuyếc” của ông già Tác-ta I-sim-ba-ê. Không phải vì cái lẽ khôi hài là ông từng phục vụ nhà vua nước Thổ hoặc quí cái ông đã từng nấu cà phê cho Sê-khốp, Goóc-ky và Gay-đa-ên-cô bạn tôi bây giờ. Ở Ô-đét-xa, tôi chẳng bỏ một buổi cà phê nào của ông. Chẳng những chỉ vì vị cà phê ngon nổi tiếng, mà còn vì cảm tình thân thiết của ông già coi nghề chúng tôi cũng là một thứ nghề nghiệp lân cận với nghề ông.
Ông già Tác-ta I-sim-ba-ê vẫn ngồi hút thuốc lá. Ông tò mò, thưởng thức “xem, nghe” chúng tôi uống. Tới lúc cốc chúng tôi chỉ còn có tầng cấn, ông mới đứng dậy.
Khách sạn Ô-đét-xa nhìn xuống mặt biển ngay trên cảng. Ông nói:
- Mùa này đi chơi sáng chủ nhật thì thích đấy!
Gay-đa-ên-cô cười:
- Cũng bởi vừa uống cà phê “tuyếc” của ông I-sim-ba-ê!
Nhưng ông già I-sim-ba-ê có lẽ không chú ý câu khen đùa của Gay-đa-ên-cô. Ông vẫn đương ngước nhìn ra. Ngoài kia, hơi đêm từ mặt bể bốc lên còn đượm ướt đường phố. Qua những chòm lá cát-stan vàng, không khí lẫn cả màu tím mặt biển hiu hiu gió. Có phải, bờ bên kia Hắc Hải là nước Thổ Nhĩ Kỳ? Ông đương nhìn về nước Thổ. Ông I-sim-ba-ê vừa nói một câu khôi hài:
- Trong Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ chẳng biết còn cà phê ngon thế này không?
Ồ, vua Thổ không biết nấu cà phê! Nước Thổ không có cà phê. Lấy đâu ra cà phê ngon!
Nhưng, ngoài đường đương vui quá. Chúng tôi cũng không thể còn kịp thưởng thức câu khôi hài của ông già Tác-ta đáng quý và đáng kính đã đến tuổi hưu trí lâu lắm mà vẫn tiếc nghề không chịu nghỉ. Chắc ông sẽ cứ thong thả nấu cà phê cho tới khi không nấu được nữa. Chẳng ai can ông được!
Đường cái lại sôi nổi một ngày chủ nhật đương quyến rũ ta ra khỏi nhà. Bây giờ đã cuối thu, nhưng trời sương còn bảng lảng, nước bể mới bắt đầu ấm, hàng ăn “Hạt Ngọc” ở A-các-đi vẫn mở cửa. Trên ghế, các cửa hàng nho, táo chất đầy giá, thùng gỗ đựng cao lưng nhà, bề bộn cả ra vỉa hè. Những chùm nho mọng trắng, mọng tím. Táo chín xanh, táo chín đỏ. Lại đương mùa hoa cúc trắng, cúc tím và hoa hồng. Hai mươi nhăm đồng rúp một bó cúc bạch to một vòng tay ôm. Đâu đâu cũng rực ứ hoa. Chỉ ở một thành phố ấm áp phương nam mới. Cho mãi tận nửa đêm, quá mười hai giờ khuya, những chuyến xe điện đông nghịt người chơi ngoại ô về, ánh đèn xanh đỏ lướt dữ dội dưới những tàn cây cát-stan. Những gốc liễu, gốc phong chầu hai bên mặt đường đã đẫm sương và hơi biển.
Nhưng không phải cứ ngày chủ nhật thì ai cũng chỉ đổ ra đường. Ngày chủ nhật ấm trời cũng chưa thể mê hoặc được hết thảy. Tôi biết gia đình ông kỹ sư Phay-in Lép-ma-cô-vích, hai vợ chồng và mấy con nhỏ, họ ở nhà suốt ngày chủ nhật và cứ chủ nhật thì chén rất sang. Tôi biết nhà ông Ga-đác Gia-cốp, cán bộ hành chính một xí nghiệp kia, cả nhà đều mê vô tuyến truyền hình. Mọi tin tức và những hoạt động vui nhất ngày chủ nhật, nào đá bóng, nào xiếc, nào xi-nê, kịch, nào ca vũ đoàn văn công U-cờ-ren đều có thành tích hoạt động trên cái màn bạc xinh xinh của máy vô tuyến truyền hình đặt góc kia. Trong phòng khách gia đình, họ đã thu nhỏ lại được tất cả ngày chủ nhật giải trí ngoài trời. Họ ít cần đi chơi đâu. Mỗi người có một cái thích. Ông Ga-đác Gia-cốp thì thích như thế. Cũng như, trước kia, tôi cứ tưởng ở Liên Xô, chỉ có ăn tập thể. Không phải, ở Liên Xô, ăn cơm gia đình càng là cả một sự thú vị. Ai muốn ăn gia đình, ai muốn ăn tập thể, cũng thế thôi. Có điều là bếp núc lối châu Âu của họ rất giản tiện không lích kích như ta. Thức ăn thì tạt vào hiệu thực phẩm nào mua cũng sẵn. Thường thường, một bữa ít cần nấu, chỉ mua về rồi dọn ăn ngay. Mỗi nhà ở có một bếp hơi, sạch như mặt bàn viết. Dù dùng đến bếp, bếp cũng rất gọn. Phần đông, thanh niên chưa vợ hoặc chưa chồng thích đi ăn hàng. Nhiều khi, tất nhiên không phải vì ngon hoặc vì rẻ, đối với lớp tuổi ấy. Tuy nhiên, có lẽ cũng do cái tính chung của những người sở trường nội trợ, các bà các chị hay nhận xét rất khắt khe: “Ăn hàng thì có tiện, nhưng đắt hơn ăn ở nhà”. Nhưng mà ăn hàng, ăn nhà. Thế nào thì tùy thích, vẫn là câu chuyện mỗi người có một cái thích.
Người chơi ngoài đường phố mỗi lúc một nhiều hơn. Tôi đã tập tọng phân biệt được vẻ và dáng người. Phụ nữ Ô-đét-xa dịu dàng, tóc nâu xõa, mảnh người, ngực lớn, vế chân thon. Họ nói cười xởi lởi khác người Lên-nin- grat tóc vàng hây và người Mát-xcơ-va kín đáo, trầm lặng. Ô-đét-xa có một vẻ gì nhẹ, thật nhẹ. Vâng, Ô-đét-xa có những người đẹp vẻ đẹp vừa riêng vừa phổ biến. Một nét mặt trái xoan. Đôi lông mày đen. Nước da tươi ròn đượm màu biển. Nhiều người từa tựa như vậy. Khi một sắc đẹp tới mức có nhiều người từa tựa thì chắc rằng miền ấy nhiều người đẹp. Tôi vẫn nhớ lời ông thuyền trưởng trên chiếc tàu xinh đẹp “Bê-linh-ky” trên sông Đơ-ni-ép: “Tàu chúng tôi chạy qua những vùng xiết bao đẹp của, đẹp người”. Mà Ô-đét-xa là một vùng trên cửa con sông hùng vĩ và tình tứ này.
Ngoài đường hôm nay có nhiều người du lịch nước ngoài. Ở Liên Xô rất thường gặp những người du lịch nước ngoài, gặp thì biết ngay. Họ đeo máy ảnh, và đáng chú ý một đặc điểm, người du lịch Đức, có khi đeo tòn ten cả ba, bốn chiếc máy ảnh trước ngực và bên sườn - cơ chừng họ muốn bảo ta là máy ảnh Đông Đức đương tốt nhất thế giới!
Dọc đại lộ trên bến cảng, đông những người du lịch đeo máy ảnh. Hỏi mới biết vừa có một chiếc tàu từ Thổ Nhĩ Kỳ chở tới một lúc những hơn năm trăm nhà du lịch Mỹ. Thảo nào!
Từng toán các nhà du lịch đương nháo nhác chọn chỗ chụp ảnh. Dưới chân tượng Pus-kin. Trước nhà hát thành phố. Bên bờ biển. Người Ô-đét-xa xúm quanh. Nhanh chóng, người Mỹ và người Ô-đét-xa đã túm tụm trò chuyện trên hè, giữa đường và dưới bóng cây. Không biết họ trò chuyện những gì, nhưng trông rất muộn. Nghe loáng thoáng giọng tiếng U-cờ-ren, tiếng Nga, tiếng Mỹ, tiếng Pháp và họ trò chuyện cả bằng ra hiệu tay, chân, mắt, miệng. Thỉnh thoảng, đám người lại dãn ra để chụp ảnh, cười hô hố. Các chị đương đi đường cũng xúm lại, làm quen với các bà già người Mỹ. Các bà già người Mỹ ăn mặc khá cầu kỳ. Trên đầu, trên vai áo mỗi bà còn cắm thêm một cành lá giả xanh rờn. Người Ô-đét-xa bàn tán nhiều về cái cành lá giả trai lơ đó, và chưa hiểu vì sao. Chuyến tàu này đã đem đến Ô-đét-xa nhiều ông bà già người Mỹ. Có lẽ xưa nay những đồn đại hư hư thực thực về Liên Xô đã khiến các cụ ấy quyết sang Liên Xô chơi dối già một phen chăng?
Một nhà văn nổi tiếng của Mỹ là Giôn Xít-tinh-bếch, cách đây vài năm đã đến Liên Xô. Ông ta cũng mang tâm lý sup “thử đến xem sao” na ná như những ông già bà cả này. Ngày nay thủ đô Ki-ép của nước Cộng hòa Xô Viết U-cờ-ren như một vườn trồng liễu và hoa hồng. Đã khác hẳn lúc Xit-tinh-bếch đến Ki-ép. Và khi bóng tối vừa buông, ta từ cao nhìn xuống, thấy cả thành phố thủ đô lung linh nghiêng tà áo dát bạc dát vàng kéo dài ra những chuỗi ánh sáng xa vời. Nông thôn U-cờ-ren đã điện khí hóa. U-cờ-ren trong hạnh phúc và hòa bình! Ngày ấy, từ những năm Ki-ép còn đầy mình thương tích chiến tranh, Xit-tinh-bếch đã phải kêu lên: “Ki-ép, thành phố tuyệt đẹp! Những người đàn bà Ki-ép tuyệt đẹp...” Chiến tranh đã cướp của Liên Xô ngót hai chục triệu người. Thế mà Xit- tinh-bếch đã không nghe ở đâu một lời thù oán. Xít-tinh-bếch cũng chẳng ưa gì chế độ Xô Viết, nhưng ông ta cũng không thể làm thế nào hơn là viết một câu kết luận cho tập Nhật ký rằng: “Chúng tôi đã khám phá được một điều: dân tộc Nga là một dân tộc đáng yêu. Những người Nga mà chúng tôi gặp đều rất ghét chiến tranh. Ai cũng một nguyện vọng như tất cả mọi người: đời sống yên lành và ngày một sung sướng” [3]. Xít-tinh-bếch không thể nghĩ khác. Bởi vì, đó là sự thật.
Trông nét mặt hớn hở của những người Mỹ bình thường đương chụp ảnh lia lịa, đương đi dạo, đương trò chuyện với người Ô-đét-xa, tôi có thể đoán trước được cái câu kết luận của một người Mỹ đến đây đã ngót mười năm cũng sẽ là cảm tưởng lúc ra về của những người Mỹ hôm nay. Phải, trước và sau, ở Liên Xô cũng chỉ một sự thật. Những điều không thật đều thuộc về môn độc quyền bịp bợm của bọn đế quốc mà thôi.
Trong vườn hoa trung tâm thành phố hôm nay có phiên chợ sách - một phong tục Ô-đét-xa. Ba tháng một lần, có một ngày mở chợ bán sách tại vườn hoa chính. Vườn rực trong nắng ấm và lá cát-stan vàng. Các cụ già chống gậy, ngày nào cũng đến vườn ngồi chơi, lúc cụ đếm bước sưởi nắng trong lối đi, lúc cụ ngồi im hằng giờ trên ghế tựa quanh các cầu hoa cúc, hoa hồng. Ngày chợ sách, xung quanh các cụ thêm ngộn những người. Khắp vườn la liệt các bàn bán sách và những quán sách mái gỗ. Cô bán sách, miệng cười đẹp như những bông hồng chúm chím kia. Chen cạnh quán sách là những xe kem, những quán rượu bánh, những hàng bán hoa. Một dàn nhạc hòa tấu suốt ngày trên bục cao giữa vườn. Bán sách, bán kem, bán hoa, bán các thức ăn uống, đều là những cô hàng xinh đẹp.
Người ta đã đưa đến bán hàng ở cái chợ sách đáng yêu hôm nay những đóa hoa hồng, hoa cúc chọn lọc của Ô-đét-xa đây. Có lẽ tôi nói không quá. Tôi không khỏi chạnh nghĩ. Một bài báo Rạng đông của một phái tư sản Pháp hôm 14 tháng mười 1959 viết về Liên Xô, nêu một so sánh mỉa mai: “Đến Liên Xô, sẽ không lấy làm lạ khi thấy người phụ nữ phải làm tất cả mọi việc cực nhọc: những việc về đường sá, cầu cống nặng nề không còn bí mật đối với phụ nữ. Trong khi đó, ở các nước “tư bản”, người đàn bà chỉ là những cô nàng trong những công việc đẹp đẽ...” Chắc rằng người viết báo Rạng đông kia muốn giấu, quên tính con số những phụ nữ thất nghiệp, những phụ nữ không bao giờ có việc ở các nước tư bản. Bởi vì phụ nữ thất nghiệp và vô nghề nghiệp thì không thể là “những cô nàng trong những công việc đẹp đẽ” được, vấn đề lao động ở Liên Xô đặt ra khác hẳn các xã hội tư bản. Người viết báo nọ không thể hiểu hoặc không muốn hiểu. Ở Liên Xô, ai cũng làm việc, ai cũng có công việc làm. Không kể người ốm yếu và người đến tuổi được nghỉ việc, đã có nhà nước và các cơ quan xã hội phát lương hưu và cứu tế mãi mãi cho họ. Ở Liên Xô, các chị đã tùy khả năng, trình độ và tùy thích - gánh vác tất cả công việc trong xã hội mà nam giới làm được. Chẳng những thế, riêng đối với các chị, những công việc hợp tạng phụ nữ đã được xếp đặt hợp lý đến độ tinh vi. Tôi chưa vào một văn phòng hành chính nào mà thấy ở đấy có nam giới làm việc. Phải, nếu nhìn như người viết báo Rạng đông thì họ sẽ có cớ hình thức để rêu rao rằng chế độ Xô Viết bắt phụ nữ làm mọi công việc nặng nề. Nhưng, chúng ta chỉ có thể thương hại những người đàn bà ở bất cứ nước tư bản nào, không có công việc, không có nghề nghiệp, chịu đói khát trụy lạc, bị áp bức hành hạ, bị lệ thuộc vào người khác đến u mê như người bán mình. Trong khi ở Liên Xô, tất cả phụ nữ đều làm việc. Người nào làm việc ấy. Đời sống vật chất độc lập đã đem lại tự do cho mỗi người. Ở hội chợ sách hôm nay tôi đã thấy các chị làm việc, cũng như ở khắp mọi nơi.
Trên sân khấu giữa vườn hoa có dàn nhạc. Từng lúc, máy phóng thanh lại giới thiệu các tác phẩm có bán ở chợ, các tác giả có mặt ở chợ và các nhà văn, nhà thơ ấy họ đương đứng đâu trò chuyện với bạn đọc và ký vào sách cho các bạn đọc mua sách mình. Nhiều tác giả đã đến chợ sách. Phóng viên đài vô tuyến truyền hình tíu tít làm việc suốt buổi. Người viết với bạn đọc thân mật chuyện trò. Đôi khi họ đưa nhau ra ăn uống lý thú. Từ lúc gặp ở chợ sách, đã thành tình bạn giữa người đọc và người viết. Chợ sách ồn ào thế cho mãi tới chiều.
Tối đến, bể nước giữa vườn phun lên như mưa ra ánh sáng ngũ sắc. Công viên lại biến ra nơi hội họp tự nhiên của những người bàn tán về bóng đá. Ô-đét-xa thích đá bóng nhất Liên Xô. Chỗ nào, ở đâu người ta cũng nói chuyện đá bóng. Và cái nơi bàn tán nhiều nhất là ở vườn hoa ấy. Người đến bàn về bóng đá trong vườn hoa đã thành một lệ nghiện. Người đến tán chuyện chỉ đứng, cứ xúm xụm đứng. Chiều chiều, những tay thích và thành thạo tán chuyện bóng kéo đến. Không quen nhau cũng bắt chuyện được. Người đến sau cứ bu vào, đắp chuyện vào đám đến trước. Những hôm có đá bóng thì càng nghìn nghịt đông nữa.
Tôi đã đến cái chỗ tán gẫu công cộng về bóng đá, tối hôm ấy. Đông chẳng kém chợ bán sách ban ngày. Người cứ chạy đám này nghe đám khác. Chỗ nào thích thì đứng lại nghe, góp chuyện. Người xúm xít say sưa nói không ngớt về trận đấu bóng của đội tuyển B Ô-đét-xa đấu với đội A của Mát-xcơ-va. Tôi đã đi xem trận ấy. Tôi cùng đi với bà Mác-cô-na, người rất ham bóng đá. Các chị Ô-đét-xa mê xem đá bóng như mọi người. Những trận đấu được tổ chức bất kể ngày nào, không cứ chủ nhật. Đội tuyển Ô-đét-xa đã thắng Mát-xcơ-va ba bàn, thua một. Trận đấu vừa chấm dứt, người xem chạy ùa vào sân cỏ, xô rạt cả công an ra can. Họ kông kêng những người vừa chiến thắng, rước quanh đi mấy vòng. Rồi cuộc bàn luận về trận thắng oai hùng của Ô-đét-xa còn kéo dài tới mấy đêm sau mà các đám tán gẫu ở vườn hoa vẫn còn xúm xít. Thật khuya, chuyến tàu điện cuối cùng xanh biếc đèn ràn rạt chạy về, những người say bóng đá mới chịu rã đám. Rồi tối mai lại bắt đầu, vẫn đông đặc, vẫn xôm chuyện như hôm trước, hơn hôm trước.
Từ phía trước Nhà hát Thành phố, tôi lững thững theo con đường dọc biển. Đã khuya. Cuộc biểu diễn của đoàn văn công dân tộc U-cờ-ren tan từ lâu. Những chiếc tàu điện khuya vun vút sáng xanh sáng đỏ dưới bóng cây, nghe đã thưa chuyến. Trên bể, trăng xuộm vàng như chiếc hải đăng cũ. Mặt bể đầm ánh sáng. Dường như ánh nước đương dâng cao đến lưng trời. Bây giờ đường phố không còn đám đông ồ ạt nữa. Người ta lặng lẽ đi chụm thành đôi; từng đôi đi trên những con đường thấp thoáng bóng cây. Ngày chủ nhật đã gần hết. Một ngày chủ nhật đầy đủ. Một ngày chủ nhật vui. Từ đồng hoang Trung Á lên các đô thị phương Bắc, xuống vùng ôn đới phía nam, ở đâu tôi cũng chỉ gặp những ngày chủ nhật vui sướng và đời sống con người thật thong dong.
Một ngày chủ nhật sắp qua, như một ngày hội lớn sắp hết. Có phải vì cái vị cà phê “tuyếc” của ông già Tác-ta I-sim-ba-ê mà tôi còn chưa muốn dời chân về lầu khách sạn? Hay tôi còn vương vấn với đêm thu Ô-đét-xa tuyệt đẹp này? Tôi cũng không biết và không muốn biết. Vì lẽ nào cũng được cả. Đêm Ô-đét- xa thẫm xanh. Ngước lên, tưởng như ta đương đi trên boong tàu ra khơi. Một làn sương mỏng nhẹ lướt ngay trên mặt. Những ngôi sao ẩn hiện, le lói. Trong không khí có tẩm cả hơi đêm lạnh ngọt. Đêm đứng im một vẻ đẹp dị thường. Khác Mát-xcơ-va không lúc nào nghỉ. Ô-đét-xa càng về khuya càng lắng một yên tĩnh thú vị. Xa xa, những tiếng thì thào mơ hồ đưa tới trước thềm, trên cửa kính, như tiếng động mê ngủ của em bé thức giấc cựa mình. Tiếng nước vỗ và trăm nghìn tiếng rì rầm xa lạ của biển cả. Dưới cửa bể trắng xóa ánh sương và sáng điện, nổi một tiếng còi tàu như tiếng nấc từ ruột bể lên. Lúc nãy có người nói tàu chở hơn năm trăm người du lịch Mỹ lại trở về Thổ Nhĩ Kỳ đêm nay. Tiếng còi tàu này đây.
Những người du lịch Mỹ ấy tôi đã gặp họ từ sáng. Họ đi trên đường phố. Họ chơi chợ sách. Họ xem đá bóng. Họ xem văn công U-cờ-ren biểu diễn. Họ ăn uống và nhảy ồn ào khách sạn “Đỏ” và khách sạn “Ô-đét-xa”. Bây giờ họ đương đi khỏi Liên Xô. Những người Mỹ ấy là nhà triệu phú, nhà kỹ sư, nhà chuyên môn kinh tế, là nhà thể thao, nhà báo... là những người thừa tiền vô công rồi nghề... là những ông già bà cả giàu có đi chơi dối già. Những người Mỹ tò mò đến xem một đất nước đương tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản. Ồ, những điều họ nghĩ sẵn nay đã khác những điều họ mang về. Họ không thể thấy như những người cầm quyền nước Mỹ đã nói xấu và dọa dẫm họ. Họ đã đi khắp Liên Xô, nhưng họ không thể gặp đâu, nghe đâu những chuyện khủng khiếp, ít nhất cũng bằng chuyện “chuột ăn thịt trẻ con” [4] ở nước Mỹ. (Trước khi đi, họ đã được bài vở và tranh ảnh nhiều báo chí Mỹ quả quyết ở Liên Xô đầy rẫy những chuyện khủng khiếp hơn thế nhiều). Nhưng họ đến đây chỉ thấy một đất nước chỉ có làm ăn, giàu có và bình yên. Khác nước Mỹ, của cải đến cho một số người, ở đây, công việc, tiền bạc và yên vui đã đến với tất cả. Họ chỉ tìm thấy ở Liên Xô những sung sướng, có lẽ cũng một phần giống họ. Nhưng hơn và khác họ là ở Liên Xô không phải chỉ vài người giàu có mà cả nước đã no đủ, yên vui.
Chuyến tàu đưa hơn năm trăm người du lịch Mỹ trở về...
Ngoài trời sương, tôi thấy hai vòi ánh hải đăng chiếu suốt đêm soi bể cho tàu bè đi. Tôi đứng lại trước Cung Thiếu nhi. Những chiếc cột lớn trông ra trời và bể trong bóng đêm ngát. Xuống bến, bậc dốc rộng dài, ánh điện pha một chút ánh trăng, sáng bạch như trải lụa. Trên đầu dốc, bóng cao một pho tượng bán thân. Ngày trước, quân đế quốc Anh đã có lần đến tấn công cảng Ô-đét-xa, bắn sứt mất một mảng tượng. Người Ô-đét-xa để nguyên tượng sứt như thế làm kỉ niệm. Đằng kia, trong vòm lá cát-stan, đêm sương bóng nhoáng tượng Pus-kin. Trong chiến tranh vừa rồi, Pus-kin bị phát xít Đức bắn mất một bên má. Phát xít muốn giết nhà thơ Pus-kin. Nhưng Pus-kin vẫn trơ trơ đứng với vết sẹo trên má. Người Ô-đét-xa giữ cái sẹo kỉ niệm ghê gớm trên má Pus-kin. Tôi nhớ trong giữa phố, trường trung học số 36 bị quân phát xít phá hủy, cũng được để làm kỉ niệm chiến tranh. Người Ô-đét-xa xiết bao sâu sắc và tự tin!
Đồng hồ lớn đâu vang âm mười hai giờ, chấm hết ngày chủ nhật. Tôi vẫn lững thững xuống từng bậc thềm đá cảng. Những ý nghĩ, những hình ảnh vẫn lộn xộn, mênh mang, xa gần, chắp nối... xa xa trăng đã xế xuống phía nước Thổ, bên kia Hắc Hải. Tưởng tượng một cách kỳ lạ: một bọn kẻ cướp muốn làm rối loạn trái đất núp bên nước Thổ, đương dìm mặt trăng ngã xuống bể. Một cái gì ghê rợn đằng ấy. Trong khi ở đây, cảng Ô-đét-xa giữa đêm khuya, tiếng còi tàu, tiếng động máy và tiếng thì thầm sóng nước, ta nghe rõ ràng hơi thở của cửa bể, của văn minh khoa học, của thơ mộng và bình yên.
Trên kia, thành phố ngủ yên trong những bức tường đá ong vàng sẫm. Ngót hai thế kỷ trước, Ô-đét-xa là một bãi cạn và những gờ đá. Người ta vác đất từ xa đến đắp. Người ta moi ngay ruột Ô-đét-xa lấy đất xây tường. Sức nào phá được tính kiên nhẫn và lòng can đảm phi thường ấy. Trên bờ thành đá ong, nhũng tòa nhà lấp lánh sáng từng ô cửa sổ.
Không bao giờ có thể phá được tính kiên nhẫn và lòng can đảm của những người cửa bể đã tạo nên Ô-đét-xa. Nếu thần tiên nghĩa là một điều gì sung sướng thì qua đây đương là một quê hương thần tiên của Liên Xô, trên bờ Hắc Hải.
[1] Ô-đét-xa là thành phố được phong danh hiệu “Thành phố anh hùng” trong cuộc chiến tranh chống phát xít vừa qua của Liên Xô.
[2] Cà phê đen pha uống theo lối người Thổ Nhĩ Kỳ.
[3] “Nhật ký nước Nga” của Giôn Xít-tinh-bếch.
[4] Nữu Ước, phố Brooklyn số nhà 2919, anh công nhân Fox ở với vợ và hai con. Ngày 30 tháng chín 1959, khi vợ chồng anh và con lớn đi vắng, đứa con bốn tháng nằm ngủ trong nôi, bị một đàn chuột ra ăn thịt chết (Tin báo Nhân đạo (Pháp) ngày 22.10.1959, theo Nữu Ước thời báo).
Ký Ức Phiên Lãng Ký Ức Phiên Lãng - Tô Hoài Ký Ức Phiên Lãng